Vũ Hoàng (ACMilanVN)
Champions League - giải đấu quy tụ các ngôi sao hàng đầu thế giới và mang lại giá trị lớn chưa từng có cho những nhà tổ chức. Năm 2006, UEFA chỉ thu về hơn 600 triệu € cho cả mùa giải. Đến năm 2010, con số này đã tăng lên 1 tỷ €. Năm 2016, Champions League vượt qua cột mốc 2 tỷ và theo số liệu thống kê tháng 11-2020, bản quyền giải đấu mang lại cho UEFA tổng cộng 2,82 tỷ € cho mùa giải 2018-19. Với mùa giải 2019-20, hai nhà báo Alex Harvey và Daniel Geey đưa ra tính toán rằng doanh thu của Champions League sẽ là 3,25 tỷ € bất chấp nửa sau rơi vào giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhưng sự vĩ đại đầy hào nhoáng ấy không được Liên đoàn bóng đá châu Âu chào đón lúc ban đầu…
Sự ra đời của Champions League
(Nguồn: Dailysabah)
Ngày 16-09-1987, Diego Maradona dẫn đoàn quân Napoli của mình đến Madrid để đối mặt với Real trong trận đấu đầu tiên của CLB tại Cup châu Âu. Vài tháng trước đó, bằng phong độ hủy diệt, siêu sao người Argentina đã giúp Napoli đoạt Scudetto lần đầu trong lịch sử và không có một màn ra mắt ở Cup châu Âu nào đẹp hơn việc đối mặt với CLB vĩ đại nhất của bóng đá thế giới.
Thế nhưng, mỉa mai thay, đó là một trận đấu không có bất cứ khán giả nào đến sân. UEFA do quá lo ngại sự kích động của đám ultra bên phía Real ở 2 trận bán kết gặp Bayern Munich mùa trước, đã quyết định hai đội phải thi đấu trong một sân bóng kín. Và giữa sự mênh mông đến rợn người của sân Bernabeu khổng lồ, trong trận đấu thứ 100 của mình tại Cup châu Âu, Real đánh bại Napoli với tỷ số 2-0 trước khi hòa tiếp 1-1 ở Ý để điền tên mình vào vòng 2. Đó cũng là lúc mà một người đàn ông có ảnh hưởng cực lớn tới bóng đá hiện đại lên tiếng. Tên của ông là Silvio Berlusconi.
Vị Chủ tịch Milan không hề vui vẻ chút nào khi chứng kiến trận đấu diễn ra giữa Real và Napoli. Ông cho rằng thật phi lí nếu duy trì tình trạng bốc thăm ngẫu nhiên của Cup C1, điều sẽ khiến những ứng viên vô địch sớm gặp nhau và buộc phải loại nhau. Lấy chính mùa 1987-88 là bằng chứng khi Real đã phải lần lượt gặp Napoli ở vòng 1, đương kim vô địch Porto ở vòng 2 trước khi gặp tiếp á quân Bayern Munich ở tứ kết. Berlusconi kêu gọi một giải pháp để các đội mạnh không phải đụng nhau quá sớm như thế, thậm chí, họ cần được đá nhiều hơn nữa, thay vì 2 trận là phải ra về chỉ vì phong độ suy giảm trong một đêm nào đó. Như Maradona và Napoli ở ngày 16-09 này chẳng hạn. Những lời kêu gọi của ông nhanh chóng được nhiều ông chủ các CLB lớn khác đồng tình và họ bắt đầu nghĩ về một “siêu giải đấu” nơi những vòng cuối là trận chiến giữa các đội bóng hùng mạnh nhất.
Thật tuyệt nếu điều đó xảy ra!
Tất nhiên, đứng về mặt thương mại, người ta biết rõ rằng nếu các trận chung kết, bán kết hay cả tứ kết nữa diễn ra giữa các CLB như Real, Milan, Bayern, Barcelona, Juventus, MU hay Liverpool thì chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý lớn hơn nhiều những trận cầu như giữa Forest với Malmo hay Aston Villa với Hamburg. Song, luật bốc thăm của Cup C1 suốt hàng chục năm đã khiến hầu như mùa nào cũng có tình trạng các đội mạnh phải “huynh đệ tương tàn” ngay từ những vòng đầu tiên, điển hình là mùa 1979-80 khi nhánh Hamburg gom toàn “ngáo ộp” còn nhánh bên Forest chỉ gồm những tên tuổi ít tiếng tăm và cuối cùng, đội có lá thăm “thơm” hơn (Forest) lại là đội giành Cup vô địch.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền của World Soccer vào năm 1991, Berlusconi đã chỉ trích mạnh mẽ: “Thể thức hiện tại của Cup châu Âu là một sự lạc hậu mang tính lịch sử. Doanh thu chẳng có ý nghĩa gì nếu một CLB như Milan bị loại ngay từ vòng đầu tiên. Đó hoàn toàn không phải là một tư duy hiện đại.” Ông chủ của Milan cũng cho rằng rất phi lí nếu các đội bóng lớn nhất không thường xuyên gặp nhau trong những trận cầu đỉnh cao. Mỗi năm chỉ 5-6 trận như vậy quả là quá ít ỏi và đối với cổ động viên, nó không đủ thỏa mãn đam mê. Nói theo kiểu Beckenbauer thì “đá thế làm sao mà nâng cao trình độ cho được”!
Ý tưởng này hoàn toàn phù hợp với suy nghĩ ban đầu của Gabriel Hanot, cha đẻ của Cup châu Âu. Ngay từ khi Cup châu Âu chỉ ở trên mặt giấy, Hanot đã nhận định rằng một giải đấu giữa những đội bóng danh tiếng nhất lục địa sẽ là thỏi nam châm thu hút mọi tầng lớp khán giả. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, trong đó chủ yếu là tài chính và sự khó khăn khi di chuyển giữa các quốc gia, ý định ấy đã bị xếp xó trong rất nhiều năm và Hanot đành hài lòng nhìn các đội bóng đá theo thể thức Cup cho đến tận cuối đời.
Để biến ý tưởng thành hiện thực, Berlusconi đã liên hệ với Chủ tịch Real Ramon Mendoza. Khác với người tiền nhiệm kiệt xuất Bernabeu, Mendoza cảm thấy không cần thiết phải thay đổi thể thức. Tại sao phải thay đổi khi Real đã có thành công liên tiếp ở thể thức cũ? Không nản lòng, ông chủ Milan quay sang thuyết phục nhóm các CLB khác và nhận được sự ủng hộ rất lớn của Alex Flynn, một chuyên gia lừng danh về bóng đá. Chính Flynn đã từng trình bày các luận điểm về “siêu giải đấu” tại một hội nghị về thể thao và khi toàn văn được đăng lên tạp chí Times, nó bỗng chốc trở thành tâm điểm của giới túc cầu. Ngay lập tức, Berlusconi liên hệ với Flynn và yêu cầu ông lên kế hoạch.
“Tôi cho rằng siêu giải đấu này phải dựa trên thành tích, truyền thống và khả năng thu hút truyền hình của các đội bóng. Nó phải là một giải đấu dành cho truyền hình. Dự tính của tôi là một giải đấu có khoảng 18 CLB trong đó chắc chắn phải có 2 đội đến từ Anh, Italia và Tây Ban Nha”, Flynn nhớ lại về tình hình lúc ấy. Berlusconi hoàn toàn tán đồng và gửi kế hoạch tới UEFA. Tổ chức bóng đá khổng lồ này không hài lòng khi một gã Chủ tịch CLB lại định làm thay việc của họ. UEFA từ chối và Berlusconi dọa sẽ li khai, đồng thời lôi kéo các đội bóng khác làm theo, để tự xây dựng một “siêu giải đấu” của riêng mình.
Lúc này, đứng trước tình thế nan giải, UEFA cảm thấy rất chông chênh. Họ vừa muốn giữ cấu trúc cổ điển vốn đã kéo dài suốt hơn 30 năm, vừa muốn thỏa mãn yêu sách của các CLB lớn, nhất là khi Chủ tịch Real Mendoza cuối cùng cũng bị thuyết phục và ngả theo phe Berlusconi. Tháng 8-1991, các thành viên UEFA đã nhóm họp và thông qua nghị quyết về việc thay đổi bộ mặt và thể thức của Cup châu Âu theo đề xuất của chính Mendoza và giám đốc thể thao của Rangers Campbell Ogilvie, người là một nhà quản lí xuất chúng và về sau trở thành Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Scotland. Thay vì tiến hành theo thể thức Cup, tức đá loại trực tiếp từ đầu đến cuối giải đấu, UEFA quyết định 8 đội lọt vào vòng tứ kết sẽ được chia làm 2 nhóm đấu vòng tròn, chọn ra 2 đội nhất mỗi nhóm để đá trận chung kết. Sự thay đổi này ngay lập tức đã làm gia tăng số trận đấu ở Cup châu Âu. Ở mùa 1990-91, với 31 đội, số trận chỉ là 59. Nhưng ở mùa sau, với 32 đội, con số này đã tăng lên tới 73 trận. UEFA cũng tiến hành hợp tác với TEAM, một đơn vị xây dựng thương hiệu danh tiếng, để chuẩn bị cho giải đấu mới.
UEFA Champions League đã chính thức hình thành.
Huy hiệu danh dự
(Nguồn: Steemit)
Để nhận diện thương hiệu, hình ảnh quả bóng với 8 ngôi sao được công ty Design Bridge thiết kế đã được lựa chọn. Cho đến nay, trải qua gần 30 năm, hình ảnh quả bóng này đã đồng nghĩa với Champions League và là biểu tượng không thể thay thế của giải đấu. 8 ngôi sao trên quả bóng tượng trưng cho 8 CLB đầu tiên thi đấu ở một vòng bảng của Champions League, đó là Marseille, Rangers, Brugge, CSKA Moscow, AC Milan, IFK Goteborg, Porto và PSV.
Một trong những biểu tượng mới mà UEFA tiếp tục đưa ra chính là Huy hiệu danh dự của giải đấu. Đó là nỗi khát khao của rất nhiều CLB lớn trên khắp châu Âu bởi lẽ không phải đội bóng nào cũng có vinh dự được in nó lên tay áo của mình. Quy định của Huy hiệu danh dự rất đơn giản. Bất cứ CLB nào có đủ 5 lần vô địch Cup châu Âu/Champions League hoặc 3 lần vô địch liên tiếp sẽ được in biểu tượng này kèm theo số lần đoạt Cup lên tay áo bên trái của mình. Quy định bắt đầu có hiệu lực từ mùa giải 2000-01 và 4 đội bóng đầu tiên có được vinh dự là Real Madrid, Ajax Amsterdam, Bayern Munich và AC Milan. Năm 2005, Liverpool là đội bóng thứ 5 đủ điều kiện và đến năm 2015, Barcelona đã ghi tên mình vào danh sách.
Quy định khắt khe trên đã loại bỏ rất nhiều CLB lớn khác không đủ điều kiện. Và vì thế, Huy hiệu danh dự trở thành nỗi thèm khát của mọi đội bóng. Thế nhưng, trong tương lai gần, rất khó để có thêm đội bóng thứ 7 được in Huy hiệu lên tay áo. Bởi lẽ, đội có 4 Cup duy nhất là Ajax thì đã được phép in rồi. Những đội bóng khác ở phía sau chỉ có tối đa 3 lần đoạt Cup, ví dụ như Manchester United hay Inter Milan. Một số CLB khác thậm chí còn ít hơn, chỉ có 2 lần vô địch như Juventus, Porto hay Benfica. Rất khó để các CLB này đoạt thêm 2-3 chiếc Cup Champions League nữa trong vòng vài năm tới. Điều đó đồng nghĩa sẽ vẫn chỉ có 6 đội bóng có Huy hiệu danh dự ở châu Âu trong những mùa bóng tiếp theo.
Biểu tượng danh dự này đã vài lần thay đổi. Ban đầu, hình chiếc Cup được in theo góc nhìn nghiêng với một phần quả bóng được in trong đó. Số lần vô địch được đưa lên trên đỉnh hình chiếc Cup. Tuy nhiên, họa tiết có lẽ hơi rối mắt đã khiến UEFA thay đổi thiết kế và một hình chiếc Cup cách điệu đơn giản được sử dụng cho đến ngày nay, với bên trong trung tâm là số lần mà CLB vô địch.
Bên cạnh Huy hiệu danh dự, biểu tượng của nhà đương kim vô địch cũng được thông qua, theo đó, đội đang giữ Cup cũng có huy hiệu tương tự ở cánh tay áo bên phải, bên trong là số năm họ đoạt Cup. Chelsea chính là CLB vô địch đầu tiên được giữ biểu tượng mới này ở mùa giải 2012-13.
Nhưng không có biểu tượng nào thi vị và lãng mạn hơn bản nhạc của giải đấu, một bản nhạc không chỉ làm các cổ động viên cảm thấy yêu mến Champions League mà còn khiến cho những siêu sao cũng mê đắm theo, từ Zidane, Messi, cho tới Ronaldo. Không ít cầu thủ đã từng thú nhận những nốt nhạc của bài hát khi cất lên đã làm dòng máu trong người họ thêm rạo rực để lao vào cuộc đua tranh cho danh hiệu danh giá nhất thế giới cấp CLB.
“Ý tưởng của Champions League là làm cho bóng đá trở nên đẹp hơn và âm nhạc cần phải phản ánh chất lượng đó”, Tony Britten đã nói như vậy về tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông. Mùa hè năm 1992, Tony đang bận sản xuất âm thanh cho các đoạn quảng cáo truyền hình thì ông nhận được đơn đặt hàng của UEFA muốn ông sáng tác một bài hát và một bản nhạc dành riêng cho giải đấu mới sẽ thành hình vào mùa thu. Lúc ấy, chủ nghĩa hooligan đang làm cho UEFA đau đầu. Mới trước đó vài năm, sự cố Heysel đã đẩy trục bóng đá xoay chuyển và khiến nước Anh bị cấm thi đấu ở châu Âu trong 5 mùa giải liên tiếp. Tham vọng của UEFA lúc này là Champions League sẽ tạo ra một thứ bóng đá đẹp như thuở ban sơ nhưng với chất lượng cao hơn. Tất nhiên, một người ngoại đạo như Tony thì đâu có hiểu mấy về bóng đá. Ông gom một đống các bài ca cổ điển của châu Âu để UEFA lựa chọn một bài có âm hưởng mà họ thích nhất. Cuối cùng, Zadok the Priest của nhà soạn nhạc thiên tài George Handel đã được chấm. Tony đã suy nghĩ trong vài tuần để định hình nên bài hát. Ông dự kiến bài hát sẽ gồm những từ thật đơn giản và theo lời UEFA, được hát bằng 3 thứ tiếng chính của tổ chức: tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức.
Nếu bạn nghĩ rằng Tony Britten cần nhiều ngày ròng rã để sáng tác thì nhầm to. Ông chỉ mất có vài ngày để viết nên những dòng nhạc và sau đó tới Islington để thu âm. Dàn hợp xướng của Học viện St Martin và Dàn nhạc giao hưởng Hoàng gia Anh là những người đầu tiên biểu diễn tác phẩm này. Ban đầu, UEFA đã giấu rất kĩ bài hát. Họ chỉ đưa ra một vài đoạn demo cho người hâm mộ quen dần. Không ngoài dự đoán, ngay từ khi tác phẩm được cất lên, các cổ động viên đã hoàn toàn bị chinh phục. Trong những năm đầu của Champions League, bản full của bài hát đã được mọi người lùng sục và điều đó càng làm cho nó trở nên nổi tiếng. Cuối cùng, khi toàn bộ bài hát được công khai, nó đã trở thành biểu tượng của giải đấu, biểu tượng nổi tiếng nhất, nổi tiếng hơn cả logo hay bất cứ thứ gì khác. Ví dụ như Gareth Bale từng tâm sự rằng anh lựa chọn đến Real chỉ vì anh khao khát được nghe bài hát trước một trận đấu chính thức, hay Steffan Effenberg nói rằng tóc gáy anh dựng đứng khi phần thu âm được cất lên.
Với tư cách là tác giả bài hát, Tony đã được mời dự khán rất nhiều trận chung kết Champions League. Nhưng không có kỉ niệm nào đẹp hơn trận chung kết năm 2001 tại Milano giữa Bayern Munich và Valencia như ông từng tâm sự. Ở nơi đó, người nhạc sĩ đã trực tiếp chỉ huy dàn đồng ca của La Scala Milan hát bài hát do chính ông sáng tác, giữa một khung cảnh vĩ đại của hàng vạn người đang thổn thức vì xúc động và cuồng nhiệt vì trận đấu lớn nhất mùa giải sắp sửa diễn ra. Bài hát đã gắn liền với sự phát triển của Champions League như thế và chẳng gì có thể thay thế nó.
UEFA vẫn tôn trọng giữ nguyên logo và bài hát biểu tượng như những ngày đầu. Nhưng về mặt thể thức, họ đã thay đổi rất nhiều để cố gắng làm cho giải đấu hấp dẫn hơn.
Trong giai đoạn đầu, Champions League chỉ có 36 đội tham dự. Nhưng càng ngày, con số đội bóng tụ hội càng đông và phải tiến hành các vòng sơ loại để chọn những CLB mạnh nhất dự vòng bảng. Kể từ mùa 1994-95, thể thức tương tự như ngày nay đã bắt đầu hình thành. Sau những vòng đấu loại, 16 đội mạnh nhất lọt vào giai đoạn đấu bảng. Ở đó, họ được phân thành 4 bảng khác nhau và đấu vòng tròn, chọn ra 2 đội mạnh nhất mỗi bảng vào vòng tứ kết. Thể thức mới mẻ này nhanh chóng thu hút công chúng. Các đội cũng cảm thấy hài lòng khi số trận thi đấu tối thiểu được nâng từ 2 lên 6 trận, đồng nghĩa doanh thu bán vé lẫn bản quyền truyền hình đều tăng thêm.
Champions League không ngừng được mở rộng. Kể từ mùa 1997-98, 8 đội á quân các giải vô địch hàng đầu châu Âu cũng được góp mặt. Giờ đây, giải đấu này không chỉ dành cho “những nhà vô địch” nữa. Sự kiện đó có ý nghĩa vô cùng lớn lao bởi lẽ việc mở rộng cho những đội á quân tham gia, giúp Champions League có thêm những đội rất mạnh khác đua tranh, càng làm giá trị giải đấu tăng lên. Sự thật, các đội á quân ở những giải vô địch lớn như Anh, Tây Ban Nha, Đức hay Italia rõ ràng còn mạnh hơn gần như tất cả các nhà vô địch ở các quốc gia khác. Việc họ có thêm suất tham dự đồng nghĩa sức hút của giải đấu sẽ nhiều hơn và tất nhiên, UEFA lẫn các CLB sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Tuy vậy, như Alex Flynn từng kết luận, “Các đội bóng lớn chả bao giờ đủ tiền cả. Vì thế, bạn sẽ không bao giờ làm hài lòng được họ dù bạn có thay đổi thể thức kiểu gì đi chăng nữa.” Ông đã tiên đoán đúng những gì sẽ xảy ra.
UEFA lần lượt phải chiều theo nhóm các CLB mạnh nhất châu Âu. Kể từ mùa 1999-2000, các quốc gia hùng mạnh như Tây Ban Nha, Anh hay Italia đã có tới 4 đại diện ở vòng bảng Champions League. Chưa dừng lại ở đó, các CLB còn thành lập nhóm G-14 để gây sức ép cho UEFA phải chia sẻ thêm rất nhiều doanh thu từ giải đấu. Đến mùa giải 2019-20, sự nhượng bộ lại tiếp tục khi lần này, 4 giải đấu lớn nhất là La Liga, Bundesliga, Premier League và Serie A đều chắc chắn có 4 suất cho mỗi nước ở vòng bảng, đồng nghĩa chiếm trọn một nửa số đội bóng tham gia. Việc mở rộng cho các giải đấu lớn đã thu hẹp khả năng góp mặt của các giải đấu nhỏ. Ngay cả Hà Lan, quốc gia từng có tới 3 CLB vô địch châu Âu và là cái nôi của rất nhiều cầu thủ xuất chúng, cũng phải để tất cả các đại diện của mình đá sơ loại ở Champions League. Bù lại, như thống kê, UEFA và các đội bóng kiếm bộn tiền và khiến cuộc đua giành suất tham dự ở những giải vô địch quốc gia trở nên vô cùng khốc liệt.
Nhưng điều gì cũng có hai mặt của nó. Các trận đấu tuyệt vời giữa những CLB mạnh nhất châu Âu diễn ra liên tục với tần suất lớn đã khiến các cầu thủ giỏi nhất thế giới phải kiệt sức. Họ vừa phải căng sức ở các trận đấu quốc nội, vừa phải ra sân vào giữa tuần để đá ở Cup châu Âu. Kết quả, những siêu sao này thường hay mất tích khi World Cup và Euro diễn ra. Ví dụ kinh điển nhất là Messi và Cristiano Ronaldo nắm giữ hai vị trí đầu bảng trong danh sách ghi bàn ở Cup châu Âu, song họ chưa từng có nổi 1 bàn thắng tại vòng knock-out World Cup.
Có lẽ, khi thúc đẩy sự thành lập Champions League, các ông chủ CLB đều đã biết rõ rằng điều đó sẽ xảy đến. Nhưng đối với họ, các cầu thủ chỉ là những công cụ để kiếm tiền. Còn với khán giả, hãy luôn nhớ rằng: Mọi thứ trên đời đều là tương đối…