Vũ Anh Tuấn (Inter club Vietnam)
“Hình thái bóng đá được kết nối qua cấp đội tuyển sẽ mờ dần, thay vào đó cấp CLB sẽ lên ngôi.” Trong ngôi biệt thự ở Arcore, phía Bắc Milano, người đàn ông ấy tỏ ra hào hứng khi nói về những viễn cảnh trong tương lai của bóng đá thế giới. Thực tình, cánh báo chí lẫn giới chuyên môn không hề xem trọng những ý kiến như vậy khi cho rằng chẳng qua đấy chỉ là chút cao hứng của ông nhưng ít ai ngờ, phán xét này của Silvio Berlusconi từ thập niên 1980 đã ứng nghiệm. Sân cỏ thế giới đã thay đổi mãi mãi sau khi Cup C1 đổi thành phiên bản UEFA Champions League, giải đấu định nghĩa lại cách bóng đá được vận hành để có quy mô như cỗ máy giải trí cho đến ngày hôm nay.
Ngày 20-02-1986, trang sử của AC Milan bước vào kỷ nguyên hào hùng nhất khi Silvio Berlusconi, ông chủ của đế chế Fininvest xuất hiện để thâu tóm Rossoneri. Nhưng trước khi giúp Milan lột xác, tên tuổi của ông gắn liền với cuộc cách mạng của truyền hình Italia vào thập niên 1970 khi xây dựng hệ thống truyền hình tư nhân đầu tiên. Thành quả mà Berlusconi thu về là cực kỳ vang dội khi đáp ứng đúng thị hiếu khán giả, đó là việc bạn không cần đến rạp hát để nghe một bản nhạc hay chỉ cần ngồi trên ghế sofa để xem derby Milano thay vì chen lấn ở San Siro. Góc nhìn của Berlusconi khi mua lại AC Milan cũng thế, rằng bóng đá phải mang đến chất lượng hàng đầu để bán đi sản phẩm tốt nhất cho người xem.
Ông chủ Fininvest dần nhen nhóm ý tưởng về sân chơi giữa các ông lớn, với nhiều trận đấu diễn ra hàng tuần để trình chiếu qua truyền hình trả tiền. Ngược lại, thể thức của Cup C1 châu Âu lại quá ít các trận đấu khi một đội bóng chỉ có thể tham dự ít nhất 2 trận nếu bị loại ngay từ vòng 1. Rõ là trong đầu của Berlusconi đã hướng về một Super League cho các CLB mạnh nhất, ý định tách khỏi UEFA đã xuất hiện khi ảnh hưởng và sức mạnh tài chính của đế chế Fininvest đủ sức thổi bay UEFA, tổ chức chủ yếu mang tính đại diện cho bóng đá châu Âu vào thời điểm đó, thay vì tiếng nói có trọng lượng trong mọi quyết sách. Cộng thêm những vết nứt của bóng đá châu Âu suốt thập niên 80 sau thảm họa Heysel khiến các nhà quản lý của UEFA bắt đầu ngẫm nghĩ đến cuộc cách mạng cho sân cỏ Lục Địa Già. Nhưng mọi thứ chỉ bắt đầu sau đại hội của UEFA vào tháng 04-1990, khi Lennart Johansson thay thế ông Jacques Georges giữ chiếc ghế chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu.
Lennart Johansson
Bây giờ, nếu ghé thăm sân vận động quốc gia Thụy Điển ở thủ đô Stockholm, bạn sẽ thấy có một căn phòng dành riêng cho ông Lennart Johansson với dòng chữ “Cha đẻ của Champions League”. Ngay khi lên nắm quyền vào năm 1990, cùng với cánh tay phải là tổng thư ký Gerhard Aigner (người Đức), ông Johansson tiến hành thay đổi vị thế của UEFA từ một tổ chức đơn thuần về quản lý thể thao thành trung tâm của bóng đá châu Âu, trong đó mục tiêu hàng đầu là khuếch trương hình ảnh các giải đấu mà UEFA nắm trong tay. Lợi nhuận là thứ mà Johansson và Aigner muốn kiếm tìm nhằm tái đầu tư cho các nền bóng đá, nhất là thành viên nhỏ trong đại gia đình UEFA.
“Bóng đá lúc ấy không thể kiếm tiền. Chúng tôi chỉ có 15 triệu Francs Thụy Sĩ trong ngân hàng. Thế rồi có hai người từ một công ty Marketing đến gặp tôi và Aigner. Họ từng làm việc cho ISL (một công ty marketing thể thao). Chúng tôi cảm thấy mình có thể tin tưởng. Cả hai tin là Cup C1 đã lỗi thời và trình bày ý tưởng về Champions League cùng với sự trợ giúp của truyền hình và các nhà tài trợ.” Ông Lennart Johansson nhớ lại ý tưởng thay đổi toàn diện Cup C1 châu Âu vào năm 2010. Hai người đàn ông mà chủ tịch UEFA nhắc đến là Klaus Hempel và Juegen Lens, những người Đức từng gắn bó với đế chế Adidas của nhà Dassler. Quan điểm của họ là phải tạo ra nhiều trận đấu hơn so với thể thức cũ, vốn bị lu mờ trước Cup C3 (UEFA Cup), bởi trong khi Cup C1 chỉ có duy nhất nhà vô địch quốc gia được góp mặt thì Cup C3 có đến 4 CLB từ các nền bóng đá hùng mạnh tranh tài cao thấp.
Giải pháp mà UEFA mang đến cho Champions League là thể thức thi đấu vòng bảng với cơ số trận đấu đủ để các đội bóng khai thác được khía cạnh bản quyền truyền hình, tài trợ và thương mại. Từ 2 trận đấu tối thiểu mỗi mùa giải theo thể thức loại trực tiếp cũ, bây giờ, nếu vượt qua vòng loại, họ sẽ chắc chắn có trong tay 6 trận đấu ở vòng bảng. Đây quả là một quyết định làm hài lòng những tên tuổi lớn như AC Milan, Olympique Marseille hay Real Madrid… Tuy nhiên, dù mọi thứ có thay đổi như thế nào thì UEFA vẫn giữ quyền tối cao trong mọi quyết sách, và cụm từ UEFA được thêm vào tên gọi Champions League là động thái khẳng định vị thế này. Khác với Cup C1 châu Âu khi mà các đội bóng được tự do đàm phán bản quyền truyền hình, tài trợ, thương mại các trận đấu, ở kỷ nguyên Champions League, UEFA sẽ là đầu mối chính trong việc ký kết với các nhà đài, vận động tài trợ. Xa hơn thế, phạm vi trong và ngoài các sân bóng của các CLB tham dự giải đấu đều thuộc quyền khai thác của UEFA. Trong mùa giải Champions League đầu tiên 1992-93, 23 nhà đài cam kết phát sóng trực tiếp, thực hiện các buổi phỏng vấn, phát highlights, quảng cáo… theo chuẩn mực chung mà Ban tổ chức yêu cầu. Tuy nhiên, bước đi đột phá mà ông Lennart Johansson và các cộng sự đã làm đó là xây dựng kế hoạch marketing cực kỳ bài bản nhằm tạo ra tính nhận diện riêng cho UEFA Champions League. Từ bản nhạc hùng tráng đến biểu tượng quả bóng tròn 8 ngôi sao, tất cả âm thầm len lỏi trong suy nghĩ của người hâm mộ mỗi khi nhắc đến giải đấu vốn đại diện cho thứ bóng đá đẳng cấp hàng đầu.
“Với Champions League, bóng đá châu Âu có dịp để tự làm mới mình, giải đấu chính là biểu tượng của sự đoàn kết và những ý tưởng cách tân.” Tổng thư ký Gerhard Aigner nhận định vào tháng 04-1993, trước thềm trận chung kết ở Munich giữa AC Milan và Olympique Marseille, hai quyền lực thâu tóm hầu hết những tên tuổi tài danh của bóng đá thế giới khi ấy. Màn quảng bá tuyệt vời nhất cho tính toán của UEFA về sức hút của giải đấu theo thể thức mới là việc Ban tổ chức đã thu về 70 triệu Francs Thụy Sĩ tiền bản quyền truyền hình. Trong khi tại Cup C1 mùa giải cuối cùng, tổng số tiền các đội bóng bán riêng lẻ cho các nhà đài chỉ chưa đầy 10 triệu.
Tính cho đến trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, số tiền mà UEFA thu về từ bản quyền truyền hình Champions League đạt 2,4 tỷ € ở mùa giải 2018-19, qua đó chiếm đến 85% tổng doanh thu giải đấu. Chi tiết khiến giới quan sát cho rằng, UEFA quá thành công trong việc định vị sản phẩm của họ nằm ở phân khúc cao cấp, sang trọng. Như ông Aigner từng nói, việc thay đổi từ Cup C1 sang Champions League không chỉ là nâng cấp về tên gọi đơn thuần mà hơn cả, chất lượng các trận đấu tạo ra thực sự định nghĩa lại cách thưởng thức bóng đá của người hâm mộ, sự quan tâm từ các thương hiệu lớn và là hình mẫu cho phần còn lại của sân cỏ thế giới dõi theo với những phiên bản “Champions League” châu Á, châu Phi, CONCACAF... Để tạo ra thứ sản phẩm tốt nhất, UEFA biến sân chơi từng thua cả Cup C3 ngày nào trở thành sân khấu của những quyền lực bóng đá lớn nhất hành tinh. Trong đó, tầm nhìn của Lennart Johansson và những nhà tổ chức đã đi trước thời đại về cơ cấu chi thưởng. Vậy khác biệt ấy nằm ở đâu?
Kết thúc mùa giải Champions League 2019-20, tổng doanh thu mà UEFA công bố ước tính đạt 3,25 tỷ €. Trong đó, 1,95 tỷ € được phân bổ cho các CLB tham dự giải đấu với công thức như sau.
• 25% phí tham dự giải đấu (488 triệu)
• 30% thành tích trên sân (585 triệu)
• 30% bảng xếp hạng 5 năm của UEFA (585 triệu)
• 15% theo thị trường truyền hình (292 triệu)
Đây là bốn thành tố tạo nên số tiền thưởng thu về cho những Barcelona, Real Madrid, Bayern Munich, Liverpool… sau mỗi mùa giải Champions League. Như tác giả Andrea Vieli của cuốn sách 60 năm ra đời UEFA, đây là bốn gạch nối tạo nên vòng tròn lợi ích cho UEFA và các CLB nhằm đảm bảo gìn giữ tính cạnh tranh, bản sắc lẫn khí chất khác biệt mà giải đấu mang lại. Dựa vào cơ cấu ở trên, chúng ta thấy giá trị truyền thống của một đội bóng được UEFA tôn trọng ra sao khi có tỷ lệ ngang ngửa với thành tích trong mùa giải đó, nghĩa là 2 CLB nếu cùng tiến sâu như nhau thì một đội bóng lớn luôn vượt lên về số tiền kiếm được. Thậm chí, ngay cả khi họ dừng bước sớm hơn, cũng chưa chắc thua kém đội bóng nhỏ về con số nhận được. Minh chứng nằm ở mùa giải 2019-20, Atalanta dù lọt đến tứ kết Champions League nhưng vẫn thua xa Juventus (dừng bước tại vòng 1/8) về doanh thu tại châu Âu khi Bianconeri nhận được gần 30 triệu € tiền “vị thế” trên bảng xếp hạng 5 năm, vượt xa con số 3,3 triệu € mà thầy trò Gasperini có được.
Bước đi làm hài lòng những tên tuổi lớn vốn bị mất niềm tin nghiêm trọng sau quyết định “cào bằng” Champions League vào năm 2007 của cựu chủ tịch Michel Platini nhưng đồng thời, UEFA cũng cảnh báo Real Madrid, Barcelona, Manchester United... rằng họ phải gồng mình chiến đấu để bảo vệ vị thế mà lịch sử từng ghi nhận nếu không muốn bị lãng quên như những AC Milan, Arsenal hay Ajax. Chiến lược này khiến mùa giải nào cũng chứng kiến sự ganh đua quyết liệt giữa các đội bóng khi không một trận đấu nào ở Champions League là vô nghĩa, bởi chúng đều được quy đổi thành tiền bạc và điểm số trên bảng xếp hạng 5 năm.
Sự so kè khốc liệt ấy trực tiếp khiến yếu tố bất ngờ tại Champions League dần biến mất để nhường chỗ cho tiếng nói của các tên tuổi lớn. Bởi đã qua rồi cái thời mà những Steaua Bucarest, Sao Đỏ Belgarde, PSV Eindhoven, Nottingham Forest… thi nhau làm nên các cơn địa chấn, Champions League ngày nay là sân khấu riêng của những siêu CLB phô diễn sức mạnh. Để làm thay đổi dòng chảy lịch sử ấy, có một biến cố đã xuất hiện nhằm định vị lại bức tranh tổng thể của bóng đá châu Âu và thế giới.
Ngày 15-12-1995, Tòa án Tư pháp châu Âu ra phán quyết chiến thắng cho Jean Marc Bosman sau tranh chấp với CLB chủ quản RFC Liege (Bỉ) về quyền được tự do tìm kiếm bến đỗ mới sau khi hợp đồng giữa đôi bên đáo hạn. Sử sách gọi phán quyết này là “luật Bosman” và xem đây là cột mốc đánh dấu màn trỗi dậy về quyền lực của giới cầu thủ khi đối diện với đội bóng chủ quản. Một cách trực tiếp, họ được phép nói chuyện với bất cứ CLB nào 6 tháng trước khi mãn hạn hợp đồng nhưng xa hơn, hệ quả của “luật Bosman” âm thầm gia tăng quyền lực cho các tên tuổi lớn khi giật sập đổ bức tường “3+2”, chi tiết ít được nhắc đến trong sự kiện này vốn từng là thành trì bảo vệ những đội bóng nhỏ bấy lâu, đặc điểm giữ cho bóng đá châu Âu nói chung và Cup C1 nói riêng có những khoảnh khắc bất ngờ.
Cụ thể, thì quy định “3+2” của UEFA chỉ cho phép mỗi CLB tham dự Cup châu Âu không được dùng quá 5 ngoại binh, trong đó bắt buộc 2 cầu thủ phải trải qua hệ thống đào tạo trẻ. Đây là rào cản khiến các đội bóng lớn phải tính toán thật kỹ cho suất ngoại binh trong đội hình, khi tiền bạc chưa chắc là yếu tố quyết định thành bại của một CLB. Ví như AC Milan chẳng hạn, năm 1987, họ chiêu mộ tiền vệ Claudio Borghi (Argentina) và sau đó ít lâu là Frank Rijkaard trong khi đã có sẵn hai siêu sao Marco Van Basten và Ruud Gullit. Chính nguyên tắc “3+2” buộc ông chủ Silvio Berlusconi tiếc nuối nhìn Borghi chuyển sang Neuchatel Zamax (Thụy Sĩ) nhằm giữ lại Rijkaard, dù tài năng của tiền vệ người Argentina được ví von chỉ xếp sau Diego Maradona ở xứ Tango.
“Bây giờ thì nhóm khoảng 25 CLB mạnh nhất chi ra những số tiền chuyển nhượng khổng lồ mà các đội bóng nhỏ không thể với tới. Họ bỏ xa phần còn lại bởi chênh lệch giữa các đội bóng là quá lớn để san lấp. Đó hoàn toàn không phải là đích đến của luật Bosman.” Ngay bản thân nhân vật chính của sự kiện phải thừa nhận điều này trong khi Tổng thư ký UEFA Lars Christer Olsson nói hồi năm 2005 rằng, sự phân tầng trong quần thể “xã hội bóng đá” ngày càng rõ rệt khi người giàu thì ngày càng giàu hơn, còn những kẻ nghèo hèn bị đẩy xa khỏi danh vọng.
Thực tiễn đã chứng minh điều này, khi Ajax Amsterdam trở thành nạn nhân bị “xâu xé” đầu tiên bởi các ông lớn dù vị thế lúc đó của họ cũng là một thế lực ở Champions League. Nhưng sự thua kém về tiền bạc buộc người Hà Lan phải cay đắng chứng kiến sự ra đi của những tài năng được họ đào tạo như Winston Borgade, Patrick Kluivert, Edgar Davids, Michael Reziger (đến AC Milan), Clarence Seedorf (Sampdoria)… - 7 cầu thủ từng đá chính khi Ajax gặp Juventus ở Vienna tại chung kết Champions League năm 1996. Sự kiện đó như là lời cáo chung cho các thân phận bé nhỏ muốn xây dựng chỗ đứng ở châu Âu khi suốt 25 mùa giải sau đó, những hiện tượng nổi lên sau một mùa giải ngay lập tức bị những ông lớn nuốt chửng các ngôi sao. Ngoài FC Porto năm 2004, 24 nhà vô địch đều đến từ 4 giải đấu mạnh nhất Lục Địa Già, điều chưa từng xảy ra trong 40 năm lịch sử trước đó của sân chơi danh giá này.
Nguy hiểm hơn, dư chấn của “luật Bosman” gián tiếp giúp nhóm các siêu CLB ngày càng tách khỏi quỹ đạo chung của sân cỏ châu Âu, từ những kỷ lục về phí chuyển nhượng, mức lương ngoại hạng cho các siêu sao cùng sức ảnh hưởng lớn về thương mại, mạng xã hội. Sự cộng hưởng của những yếu tố đó khiến bóng đá thu hút sự chú ý của giới tài phiệt ngày càng nhiều, qua đó biến môn thể thao này trở thành ngành công nghiệp “không khói” khi tiềm năng về lợi nhuận là rất lớn. Cho đến một ngày, họ chợt nhận ra mình đủ sức bứt khỏi vòng kiểm soát của UEFA để tự tạo lập một sân chơi riêng và tham vọng bứt phá của giới đầu tư chính là tiền đề đe dọa sự tồn vong của UEFA Champions League.
Super League, tên gọi mô tả siêu giải đấu của những CLB mạnh nhất châu Âu, có từ khi nào?
Không phải ECA (Hiệp hội các CLB châu Âu) hay nhóm G-14 (Nhóm 14 CLB hàng đầu châu Âu), thì… UEFA mới là tổ chức đầu tiên nghĩ đến việc thành lập giải đấu cho các CLB mạnh theo thể thức “League”. Đó là vào tháng 11-1977, đại diện các liên đoàn bóng đá, CLB và UEFA đã gặp gỡ ở London để phác thảo ý tưởng mở rộng Cup C3 châu Âu (UEFA Cup) thành một European League, nhưng vướng mắc nằm ở chỗ, nếu giải đấu này diễn ra sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế các giải đấu quốc nội. Vì lẽ đó, nó mãi chỉ tồn tại như là ý tưởng đầu tiên về một siêu giải đấu. Nhưng 4 năm sau ngày luật Bosman ra đời, sự xuất hiện lần lượt của các tổ chức như G-14 (năm 2000), ECA (năm 2008) mở ra hướng đi mới cho các CLB khi họ âm thầm tích lũy đủ quyền lực để nói chuyện với UEFA.
Năm 2003, khái niệm “Super League” chính thức xuất hiện khi G-14 có phản ứng đầu tiên sau khi UEFA quyết định loại bỏ vòng bảng thứ hai ở Champions League, bước đi khiến các tên tuổi lớn mất những 4 trận đấu mà lẽ ra họ có thể nhận thêm tiền bản quyền truyền hình. Mùa giải 2006-07, một dự thảo nghiêm túc về Super League được giới thiệu như lời tuyên chiến từ các CLB với UEFA. Cho đến khi ECA ra đời vào năm 2008 để mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa từ G-14, thì tiếng nói từ 232 CLB trên khắp châu Âu quả là có sức nặng đáng nể khi đại diện của họ góp mặt trong mọi ủy ban điều hành, tổ chức các giải đấu… của UEFA. Dự án thất bại của Michel Platini khi muốn ưu ái các nền bóng đá nhỏ là minh chứng sống động cho quyền lực mềm mà các CLB mạnh sở hữu. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ, sự ập đến của đại dịch COVID khiến các đội bóng bỗng chốc lâm nguy về kinh tế khi thiệt hại được ghi nhận tại 20 CLB hàng đầu châu Âu lên đến hơn 1 tỷ euro. Sau nhiều năm im ắng, dự án “Super League” lại được tái khởi động nhưng theo cách ít ai ngờ nhất.
Chiều tối ngày 18-04-2021, khi trái bóng đang lăn ở khắp các sân cỏ châu Âu thì tờ The Times (Anh) hé lộ tin tức chấn động, rằng nhóm “Big Six” của Premier League đồng ý gia nhập một giải đấu ly khai với tên gọi “European Super League” (ESL). Sự nghiêm trọng của vấn đề được thể hiện khi UEFA ra thông cáo khẩn mô tả tính bất hợp pháp và tham lam của các ông chủ. Trên SkySport (Anh), trận đấu giữa Manchester United và Burnley bỗng trở thành nơi để cựu đội trưởng Gary Neville trút tất cả sự căm phẫn lên quyết định thành lập ESL khi gọi giải đấu này là trò hề. Không lâu sau, danh tính của 12 thành viên sáng lập ESL được phơi bày, khi họ xác nhận gia nhập giải đấu hoàn toàn mới. Hơn 66 năm sau ngày Cup C1 ra đời, bóng đá châu Âu mới đứng trước cuộc khủng hoảng nặng nề đến thế. Vậy mô hình “European Super League” là gì và tại sao người châu Âu bác bỏ sự tồn tại của giải đấu này?
Nhóm 12 CLB sáng lập viên của ESL gồm: Manchester United, Manchester City, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Tottenham Hotspur, Inter, AC Milan, Juventus, Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid - nhóm các siêu CLB sở hữu đến 99 chiếc Cup châu Âu. Như New York Times mô tả, ESL là giải đấu khép kín với 20 CLB thi đấu theo thể thức mô hình Franchise (nhượng quyền) nổi tiếng ở NBA (bóng rổ), NFL (bóng đá Mỹ). Sẽ không có lên xuống hạng ở sân chơi này và 12 sáng lập viên luôn có mặt bất chấp thành tích ra sao ở giải vô địch quốc gia. Hơn cả, ESL tách rời hoàn toàn khỏi quỹ đạo của UEFA lẫn FIFA. Dấu ấn rõ nét của dự án nằm ở khía cạnh tài chính khi mỗi CLB tham dự lập tức nhận được 400 triệu euro phí tham dự, nhiều hơn 3 lần số tiền thưởng của nhà vô địch Champions League Bayern Munich năm 2020. Thế lực đứng sau để hỗ trợ tài chính cho giải đấu là JP Morgan Chase, ngân hàng đầu tư lớn nhất nước Mỹ. Lý giải cho quyết định trên, Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez cho rằng đại dịch COVID đã bào mòn sức đề kháng tài chính của họ, trong khi mô hình UEFA Champions League đã lỗi thời trong việc thu hút thế hệ trẻ quan tâm đến bóng đá. Như Perez nhấn mạnh, các CLB sẽ chết vào năm 2024 nếu không có sự thay đổi khẩn cấp. Nhưng có lẽ, liên minh 12 siêu CLB đã đánh giá thấp phản ứng của thế giới túc cầu, khi 48 giờ sau đó là cuộc phản kích mạnh mẽ từ mọi phía nhắm vào cuộc ly khai này. Vượt xa khuôn khổ bóng đá, người châu Âu bước vào cuộc chiến nhằm gìn giữ bản sắc trăm năm trước sự xâm lăng của văn hóa và người Mỹ.
“Thể thao sẽ không còn là chính mình nếu thắng hay thua cũng như nhau.” Pep Guardiola bình thản đáp về mô hình của Super League, vốn không tương xứng với giá trị bấy lâu mà bóng đá châu Âu gầy dựng. Bởi nếu người Mỹ xem NBA, NFL, MLS dừng lại ở góc độ giải trí thuần túy thì ở mỗi CLB bóng đá tại Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha… chứa đựng bản sắc vùng miền, niềm tự hào xứ sở. Ở đấy, 90 phút tranh tài không chỉ để giành lấy chiến thắng mà còn là cách họ bảo vệ một cộng đồng vốn được thế hệ tiền nhân gầy dựng suốt nhiều thập kỷ. Nếu Super League thâu nạp đến 6 CLB từ nước Anh, thì xứ Sương Mù cũng là tiền đồn chống lại dự án này mạnh mẽ nhất. Thông cáo của Wolverhampton có đoạn viết: “Wolves và hệ thống Kim Tự Tháp của bóng đá Anh sẽ mãi trường tồn dù có hay không những kẻ đang hủy hoại truyền thống cả trăm năm qua.” Bởi góc nhìn của người Anh cho rằng, chuẩn mực bóng đá chuyên nghiệp họ xây dựng cho cả thế giới có nguy cơ bị xóa sổ để nhường chỗ cho mô hình giải trí đậm chất Mỹ, nơi bóng đá không tồn tại việc lên xuống hạng, không tính cạnh tranh. Mỗi trận đấu trở thành show truyền hình thực tế của các đội bóng hơn là cuộc tranh tài thể thao đúng nghĩa.
Với UEFA, cuộc ly khai này sẽ làm thay đổi hệ sinh thái bóng đá mà châu Âu đang thụ hưởng, khi các giải đấu như Champions League, Europa League đối diện với họa diệt vong và kéo theo hệ lụy nguy hiểm cho các nền bóng đá nhỏ. Nên nhớ, hai Cup châu Âu là nguồn thu lớn nhất để UEFA tái đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững ở những vùng đất xa xôi. Trong khi đó, FIFA xem đây là nguy cơ khiến trật tự bấy lâu của thế giới bóng đá trở nên hỗn độn khi các siêu CLB sẽ tước bỏ những giá trị căn bản của lịch sử túc cầu. 2 ngày sau thông báo thành lập Super League, các cổ động viên trẻ tuổi của Chelsea, những người mà Chủ tịch Perez cho rằng không còn quan tâm đến bóng đá, mở đầu cuộc phản kích, kéo theo sự sụp đổ nhanh chóng khi nhóm Big Six tuyên bố rút lui chỉ sau 48 giờ gia nhập liên minh.
Nếu người hâm mộ ăn mừng khi bảo vệ thành công những giá trị truyền thống bấy lâu thì ngược lại, UEFA phải xem đây là dịp thức tỉnh sau chuỗi ngày mà họ mắc phải những trì trệ trong mô hình quản lý. Sự phản kháng của các siêu CLB là bài học đắt giá nhất kể từ khi Lennart Johasson kiến tạo Champions League. UEFA đứng trước hai lựa chọn, thay đổi hoặc tự diệt vong giải đấu từng làm nên một huyền thoại. Thể thức mới với 36 CLB vốn được áp dụng từ mùa giải 2024-25 nằm trong lộ trình như vậy khi sẽ loại bỏ tối đa những trận đấu kém hấp dẫn, “mô hình Thụy Sĩ” mà Chủ tịch Ceferin và cộng sự lựa chọn được kỳ vọng sẽ xóa tan khoảng trống bóng đá bấy lâu vốn kéo dài từ giữa tháng 12 cho đến tháng 2. Điểm nhấn của thay đổi là UEFA tiếp tục trọng vọng các siêu CLB và cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của họ về cơ số trận đấu và tiền thưởng phải tăng lên. Cái chết của Super League càng cho thấy giá trị mà Champions League ghi dấu ấn trong lòng người hâm mộ là lớn ra sao. Nhưng sự phản kháng của họ cũng là lời cảnh báo sâu sắc rằng, chỉ có sự thay đổi và thích ứng liên tục với thời đại mới là giải pháp để bảo tồn những giá trị bấy lâu của giải đấu huyền thoại này. Super League vẫn sẽ luôn là một câu hỏi để ngỏ trong tương lai. Nhưng Super League không có lịch sử, còn Champions League có lịch sử. Chúng ta không là gì nếu mất đi lịch sử. Nhưng chúng ta sẽ sống mòn nếu mãi mãi tin rằng những gì ta đang có là tốt nhất, đấy là con đường nhanh nhất dẫn đến sự diệt vong.