Lao động chăm chỉ là con đường chân chính để có được cuộc sống tốt đẹp.
- Châu Nhuận Phát
MỘT TÊN TUỔI KHÁC BIỆT
Kể từ giữa những năm 1980, ngày càng có nhiều diễn viên Hồng Kông tham gia vào thị trường phim ảnh quốc tế và trở thành những ngôi sao xuyên quốc gia. Có lẽ nhờ sự thành công của nền điện ảnh hành động Hồng Kông trên thị trường phim thương mại toàn cầu. Phần lớn các ngôi sao Hồng Kông - những người đã lấn sân sang Hollywood và các thị trường phim ảnh lớn khác bên ngoài Đông Á như Thành Long, Lý Liên Kiệt và Dương Tử Quỳnh - đều là những người có kỹ thuật trình diễn võ thuật. Duy nhất trường hợp của Châu Nhuận Phát trở thành ngôi sao toàn cầu là ngoại lệ, không đi theo công thức áp đặt này của Hollywood dành cho người châu Á suốt nhiều thập niên trước đó.
Hình tượng người hùng hoặc võ sĩ trên màn ảnh của các ngôi sao Hồng Kông đã định hình hình ảnh diễn viên gốc Hoa do Hollywood xây dựng từ thuở ban đầu, góp phần thúc đẩy sự nghiệp điện ảnh của người Hoa ra ngoài Đông Á. Tuy nhiên, chính điều này cũng tạo ra hình ảnh rập khuôn về diễn viên gốc Hoa. Đó là những người đàn ông và phụ nữ liên tục trình diễn các màn đánh đấm, nhảy cao, chạy trên nóc nhà, đu dây... và các pha hành động kịch tính khác. Thế mạnh kung-fu đã thu hẹp nhận thức chung của cộng đồng về ngôi sao điện ảnh Hoa ngữ (bao gồm Hồng Kông) trên thị trường phim quốc tế và hạn chế cơ hội việc làm cho các diễn viên châu Á bên ngoài khu vực Đông Á. Đây có thể xem là thái độ kỳ thị giữa người da trắng và người da vàng trong ngành công nghiệp điện ảnh. Với Hollywood, người Đông Á, người gốc Hoa chỉ có thể mua vui bằng những màn kung-fu và không thể kỳ vọng vào diễn xuất của họ.
Thế nhưng, sự xuất hiện của Châu Nhuận Phát tại thị trường phim Hollywood đã thay đổi định kiến này và đặt ra cột mốc hòa giải những xung đột của văn hóa Đông - Tây trên màn ảnh thế giới. Giữa thập niên 1990, trong chiến lược mở rộng thị trường và toàn cầu hóa ngành điện ảnh, Hollywood đã buộc phải chọn một đại diện Đông Á có thực lực và sức ảnh hưởng nhất để hòa giải, xoa dịu công chúng châu Á vì cách hành xử bề trên của mình trong những thập niên trước đó. Châu Nhuận Phát là lựa chọn duy nhất của gã khổng lồ Hollywood. Vì sao chỉ Châu Nhuận Phát mới có được địa vị quan trọng đó? Trong thời điểm thế giới dần cởi mở và phẳng hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn, vì sao Châu Nhuận Phát là người mở đường để đánh dấu kỷ nguyên toàn cầu hóa điện ảnh của Hollywood?
Để trả lời câu hỏi đó, ta cần nghiên cứu về quá trình xây dựng và quảng bá hình ảnh của ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Châu Nhuận Phát trong nhiều nền công nghiệp giải trí và thị trường văn hóa khác nhau. Như những ngôi sao Hồng Kông được đề cập ở trên, Châu Nhuận Phát thu hút sự chú ý của Hollywood thông qua những vai diễn trong các bộ phim hành động. Tuy nhiên, ông còn nổi tiếng ở châu Á với tư cách một diễn viên đa năng, từng tham gia các bộ phim ở nhiều thể loại khác nhau như tình cảm tâm lý, hài, kinh dị và phim phương Tây. Mỗi bộ phim, mỗi nền văn hóa, ông có cách tỏa sáng của riêng mình. Lần theo con đường sự nghiệp của Châu Nhuận Phát, ta có thể xem xét cách các phương tiện truyền thông đại chúng lựa chọn những phương diện khác nhau của hình ảnh Châu Nhuận Phát để xây dựng nhận thức xã hội về bản sắc văn hóa Hồng Kông.
Châu Nhuận Phát là một ngôi sao dịch chuyển qua nhiều ranh giới lịch sử, địa lý và văn hóa khác nhau. Các phương tiện truyền thông đã làm nổi bật một số phương diện chọn lọc từ ông để định hướng thị hiếu và đáp ứng sự kỳ vọng của công chúng. Hệ quả là hình ảnh ngôi sao Châu Nhuận Phát mà chúng ta nhìn thấy bị gián đoạn, phân mảnh và chưa phải là mảnh ghép hoàn thiện. Chính vì vậy, hình ảnh ngôi sao Châu Nhuận Phát cần được hiểu một cách đa chiều và đa văn hóa.
Học giả Yvonne Tasker cho rằng: “Phương diện của hình ảnh ngôi sao cũng là phương diện nói lên bản sắc”. Ta cũng có thể nói rằng ngôi sao hoặc thần tượng giải trí chính là một phản chiếu của trình độ dân trí. Cần phải lưu ý là ngành công nghiệp phim ảnh và các điều kiện thị trường được xác định bởi sự định vị văn hóa và xã hội cụ thể của thời đại đó. Cuốn sách này bám sát quỹ đạo sự nghiệp của Châu Nhuận Phát, tham gia vào cuộc tranh luận về glocalisation - sự tương tác phức tạp giữa môi trường toàn cầu (global) và địa phương (local). Trong đó, nhu cầu của thị trường quốc tế và địa phương đều cần được cân nhắc và làm rõ vai trò đích thực của một ngôi sao điện ảnh trong các ngành công nghiệp văn hóa toàn cầu hiện đại. Không một ngôi sao nào thích hợp hơn Châu Nhuận Phát để làm sáng tỏ những lát cắt đa chiều này, khi ông được xem là một biểu tượng của bản sắc, văn hóa Hồng Kông.
TỪ BỤI ĐƯỜNG ĐẾN THẦN TƯỢNG TRÊN MÀN ẢNH TRUYỀN HÌNH
Châu Nhuận Phát sinh ngày 18 tháng 5 năm 1955, là con trai thứ ba trong một gia đình Khách Gia nghèo ở đảo Nam Nha, Hồng Kông (năm 1965, gia đình Châu Nhuận Phát mới chuyển đến khu Cửu Long, Hồng Kông). Ngay từ lúc 6 tuổi, cậu bé mang biệt danh “chó con” Châu Nhuận Phát và chị gái Châu Thông Linh thường dậy sớm phụ mẹ bán đồ điểm tâm, đến chiều lại ra đồng phụ việc. Cha của Châu Nhuận Phát làm nghề đi biển, là người ham mê bài bạc và mắc nợ rất nhiều nên càng khiến gia đình lâm vào cảnh khốn túng. Bà Trần Lệ Phương, mẹ của Châu Nhuận Phát, thường đi lĩnh lương thay chồng, vì sợ ông mang tiền nướng hết vào chiếu bạc. Vậy mà có lần, bà Phương đến công ty của chồng để lĩnh lương thì được biết tiền lương tháng đó đã bị chồng thua bạc hết, người ta thương tình đưa cho bà chai dầu ăn để mang về nhà. Đó là quãng thời gian rất cơ cực, ám ảnh với Châu Nhuận Phát. Từ đó hình thành nên tình thương sâu sắc của ông dành cho mẹ - “người quan trọng nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời tôi” như ông từng chia sẻ.
Suốt tuổi thơ khốn khó của mình, Châu Nhuận Phát chỉ mong đến ngày bản thân đủ lớn để đi làm kiếm tiền giúp mẹ hết khổ. Thời thơ ấu, cậu bé luôn mặc những bộ đồ cũ và đi đôi dép mòn vẹt. Châu Nhuận Phát từng ước mơ được cha mua cho đôi giày thể thao màu trắng (như cha cậu từng hứa). Nhưng ước mơ đó không bao giờ trở thành hiện thực vì chiếu bạc đã lột sạch mọi khoản tiền mà ông có. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, Châu Nhuận Phát đã căm ghét cờ bạc.
Cha mắc bệnh nặng qua đời khi Châu Nhuận Phát đang học bậc phổ thông. Gia đình của Châu Nhuận Phát rơi vào tình cảnh khốn cùng. Sức khỏe của bà Trần Lệ Phương bắt đầu sa sút do lao động quá sức. Cậu thiếu niên Châu Nhuận Phát quyết định bỏ học và ra đường “tìm bất cứ việc gì để làm” phụ giúp mẹ. Lúc cậu mới bỏ học, có người còn nói: “Cậu Châu không có chí, phải ráng học hành thì sau này mới giúp mẹ hết khổ”. Nhưng Châu Nhuận Phát lại nghĩ khác: “Tương lai là một điều mơ hồ, xa xăm, trong khi trước mắt chỉ thấy sức khỏe của mẹ không tốt, lại phải làm lụng khổ cực mỗi ngày, nên bản thân không thể yên tâm học hành”. Chúng ta cần lưu ý điểm này: Châu Nhuận Phát rất ham học và việc bỏ học cũng là quyết định cá nhân của Châu Nhuận Phát. Vì thương mẹ, cậu thiếu niên họ Châu đã chọn cách lao ra đường lăn lộn, làm tất cả mọi việc để có thể phần nào giúp gia đình lúc bĩ cực, gian truân. Đó đều là những công việc ngắn hạn theo thời vụ như đánh giày, gác cửa khách sạn, rửa xe, nhân viên bán hàng, phụ việc theo giờ, bán các thiết bị máy ảnh, đưa thư, lái taxi... và cả khuân vác.
Trong hồi ức của Châu Nhuận Phát, thời gian này có những kỷ niệm mà ông không bao giờ quên. Khi Châu Nhuận Phát làm nhân viên rửa xe, có lần thấy một chiếc xe Rolls-Royce chạy đến, vì thấy nó quá đẹp nên cậu thanh niên 17 tuổi họ Châu tò mò chạm tay vào trầm trồ tán thưởng. Ngay lập tức, người chủ xe đã vung tay tát vào mặt Châu Nhuận Phát như trời giáng và chỉ thẳng vào cậu mắng nhiếc: “ Mày sờ gì đó, mày có tư cách sờ vào nó sao? Người như mày cả đời cũng đừng hòng mua được xe ô tô…”. Hành động đó không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của cậu thiếu niên họ Châu có chiều cao 1,85 mét mà nó đã khiến cậu bị mất việc vì người chủ tiệm không muốn làm mất lòng vị khách thượng lưu kia.
Sau khi nghỉ việc ở tiệm rửa xe, Châu Nhuận Phát được bạn giới thiệu đến làm nhân viên ở một cửa hàng bán thiết bị máy ảnh. Đây là cơ duyên đặc biệt đã dẫn Châu Nhuận Phát đến niềm đam mê chụp ảnh - một trong ba thú vui của ông ngoài công việc đóng phim là chạy bộ, leo núi và chụp ảnh.
Chính Châu Nhuận Phát thừa nhận rằng quãng thời gian lăn lộn mưu sinh sớm này đã góp phần lớn vào việc định hình nên con người và nhân cách sống của ông. Châu Nhuận Phát phải dùng mọi khả năng, óc quan sát, sự nhanh trí của mình để có thể tồn tại trên đường phố Hồng Kông. Những ngày tháng bươn chải vất vả khi còn ở tuổi thiếu niên đã tạo nên tình yêu, sự gắn kết mật thiết giữa Châu Nhuận Phát với đời sống của người Hồng Kông cũng như quê hương Hồng Kông. Đó cũng là lý do khiến Châu Nhuận Phát luôn đấu tranh cho quyền lợi của người lao động nghèo, những người yếu thế ở Hồng Kông, luôn sống bình dị, gần gũi với mọi người, và sau cùng là dành hết tài sản của mình tặng cho quỹ từ thiện. Châu Nhuận Phát chưa bao giờ quên mình đến từ đâu và đã bắt đầu hành trình sống như thế nào. Khi đã là ngôi sao nổi tiếng, Châu Nhuận Phát vẫn tự nhận mình là một người nhà quê và chỉ biết làm việc chăm chỉ. Ông cho rằng lao động chăm chỉ là con đường chân chính để có được cuộc sống tốt đẹp.
Năm 1971, Television Broadcasts Ltd. (TVB) và Shaw Brothers đồng tổ chức lớp đào tạo diễn viên truyền hình đầu tiên. Hai năm sau, Châu Nhuận Phát khi đó là chàng trai 18 tuổi, đang lăn lộn mưu sinh với nhiều công việc lao động phổ thông, tình cờ có cơ hội bước vào lớp đào tạo diễn viên này. Đây chính là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Châu Nhuận Phát và nó diễn ra hết sức tình cờ. Năm 1973, một người bạn đưa mẩu quảng cáo trên một tờ báo cho Châu Nhuận Phát, nói: “Lớp đào tạo diễn viên đang tuyển sinh đó, không cần đóng học phí và có thể kiếm tiền! Cậu hãy thử xem”. Châu Nhuận Phát đọc thấy hấp dẫn nhưng nghĩ lại khoản phí hồ sơ phải nộp là 5 đồng thì chần chừ, nhíu mày. Người bạn hiểu Châu Nhuận Phát không có tiền nên phẩy tay hào phóng: “Cậu đừng lo, tôi sẽ giúp cậu trả phí nộp hồ sơ”. Vào ngày thi tuyển, khi đến lượt mình, Châu Nhuận Phát rất lo lắng nhưng vẫn cố gắng thể hiện phần thi trôi chảy. Tuy nhiên, khi chưa hoàn thành bài thi thì một giám khảo đã hét lên: “Đi xuống!”. Cũng may ngay lúc đó có một vị giám khảo cấp cao khác chặn lời: “Đừng có hàm hồ, cậu thanh niên này rất có tiềm năng”. Không ai dám nghĩ chiếc vé vớt đó đã tạo nên một Ảnh Đế huyền thoại trong nền công nghiệp điện ảnh Hồng Kông sau này.
Khi đến lớp học diễn xuất này, Châu Nhuận Phát mang trong mình tâm lý cầu may chứ không phải vì “theo đuổi đam mê” như nhiều ngôi sao nổi tiếng kể lại khởi đầu của họ. Ngay từ những buổi học đầu tiên, Châu Nhuận Phát đã nhanh chóng yêu thích việc diễn xuất và nhận ra một số thế mạnh của mình đối với nghề diễn viên. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức nền tảng và bị đánh giá là “năng khiếu diễn xuất không quá nổi bật” nên Châu Nhuận Phát buộc phải dùng sự chăm chỉ ngày đêm để bù đắp. Tiềm năng lớn nhất của Châu Nhuận Phát với nghề diễn viên chính là kinh nghiệm “giang hồ” khi mưu sinh ngoài đường phố với đủ nghề nghiệp đã giúp cho Châu Nhuận Phát nhạy bén với tâm lý con người, hoạt ngôn, hài hước, tháo vát và ngôn ngữ cơ thể biểu cảm tự nhiên. Đó đều là tư chất cần có của một diễn viên tài năng, nhưng vào thời điểm theo học lớp diễn xuất khóa ba của đài TVB, các giáo viên đều cho rằng ưu điểm lớn nhất của Châu Nhuận Phát là ngoại hình cao lớn nổi trội so với người châu Á, khuôn mặt đẹp trai thư sinh “nhuốm chút màu phong trần” và sự nỗ lực chuyên cần. Học cùng lớp với Châu Nhuận Phát còn có hai người mà sau này đều trở thành bạn của ông đó là diễn viên Nhậm Đạt Hoa và “cây hài” Ngô Mẫn Đạt.
Bộ com-lê đầu tiên trong cuộc đời của Châu Nhuận Phát lúc theo học lớp diễn xuất đài TVB là do bạn bè góp tiền may tặng. Nhiều năm sau này, ông vẫn gìn giữ bộ com-lê nghĩa tình đó như một kỷ vật vô giá. Những ngày tháng được đi học cũng là những ngày Châu Nhuận Phát thường xuyên thiếu tiền để trang trải cuộc sống. Bí quá, Châu Nhuận Phát thường khoác lên mình bộ com-lê duy nhất đó đứng ở gần cửa vào thang máy của đài TVB để… thử vận may xem có đạo diễn, nhà sản xuất nào để mắt đến mình không, hy vọng có thể kiếm thêm chút tiền. Trời không phụ lòng người, sau cả tháng quanh quẩn gần thang máy, mỉm cười với cả thiên hạ, thì một nữ nhà văn - bà chủ của một công ty quảng cáo nổi tiếng tên là Lâm Nhã Ninh, cũng để mắt đến Châu Nhuận Phát. Lúc đó, Lâm Nhã Ninh đang tuyển chọn diễn viên cho phim quảng cáo mới và cần tìm một “Hoàng tử quyến rũ”. Lâm Nhã Ninh nghĩ ngay đến một anh chàng cao lớn thường đứng ở cửa thang máy và nói “xin chào” với nụ cười trên môi. Cô đi hỏi thăm, hóa ra đó là Châu Nhuận Phát đến từ lớp đào tạo nghệ sĩ mới. Vậy là Châu Nhuận Phát được Lâm Nhã Ninh mời tham gia phim quảng cáo của cô. Do bàn chân quá lớn, Châu Nhuận Phát không đi vừa bất cứ đôi giày nào ở phim trường nên Lâm Nhã Ninh đã đưa cho ông 100 đồng để mua giày mới. Châu Nhuận Phát đã nhờ bạn gửi lại 30 đồng tiền thừa cho Lâm Nhã Ninh cùng lời nhắn: “Tôi đã chi 70 đồng cho đôi giày, tôi sợ mình tiêu quá nhiều nên không dám gặp cô Lâm Nhã Ninh”. Lâm Nhã Ninh chỉ biết cười và nghĩ thầm: “So với các diễn viên trẻ cùng trang lứa chỉ thích đua đòi quần áo hàng hiệu thì cậu Châu Nhuận Phát này sao mà chân chất, giản đơn quá”. Từ đó, cô có ấn tượng rất tốt về Châu Nhuận Phát và dường như ai tiếp xúc với Châu Nhuận Phát đều có ấn tượng vô cùng tốt về ông.
Bộ com-lê đầu tiên của Châu Nhuận Phát là do bạn bè góp tiền may tặng
Sau khi kết thúc khóa đào tạo một năm, 20 học viên chỉ có 10 người được TVB ký hợp đồng, trong đó có Châu Nhuận Phát. Châu Nhuận Phát ký hợp đồng ba năm với đài TVB với mức lương rất bèo bọt: 500 đồng trong năm đầu, 700 đồng trong năm thứ hai và 900 đồng trong năm thứ ba. Nhiều diễn viên trẻ không chịu nổi đã từ bỏ giữa chừng khi thấy “tiền thì ít, mà bị mắng chửi thì nhiều”. Việc sớm lăn lộn ngoài đời đã rèn cho Châu Nhuận Phát ưu điểm: Không bao giờ bỏ cuộc - nên ông không than phiền và chỉ nỗ lực làm việc. Khi mới vào nghề, Ngô Mẫn Đạt thuê một căn nhà gần trường quay TVB, Châu Nhuận Phát thường đến chỗ của “Ngô ca” để nghỉ ngơi sau khi quay phim về muộn hoặc vì quá mệt. Họ thường ngồi bên vệ đường, mua bát thịt nướng rẻ tiền vừa ăn vừa nói chuyện phiếm.
Với tư cách một diễn viên mới tại trường quay, Châu Nhuận Phát chỉ được giao một số vai “lướt qua màn ảnh” và các vai phụ không quan trọng trong hai năm đầu tiên làm việc với hãng TVB. Ấn tượng về chàng diễn viên tập sự Châu Nhuận Phát trong lòng mọi người luôn là sự nỗ lực, chịu khó, không ngại khổ, không ngại bị góp ý và luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao với thái độ tích cực, hòa nhã. Mọi người cũng nhớ đến thói quen không bao giờ lãng phí đồ ăn của anh chàng lính mới họ Châu, người luôn vui vẻ ăn ngon lành hết phần cơm của mình dù ngon hay dở. Bản thân Châu Nhuận Phát là người vui tính, hòa đồng lại hay giúp đỡ người khác nên rất dễ hòa nhập với tập thể TVB. Ấn tượng của những người từng quen biết và làm việc với Châu Nhuận Phát là họ không bao giờ quên nụ cười thân thiện của ông.
Năm 1976, Châu Nhuận Phát lần đầu tiên được chọn vào vai chính, nhân vật Shao Huashan trong bộ phim truyền hình màu nhiều tập đầu tiên của TVB (còn gọi là Shizhuang ju - kịch trong trang phục hiện đại) có tên Cuồng Triều (Hotel, 1976, 128 tập). Cũng trong năm 1976, Châu Nhuận Phát được giao đảm nhận vai chính trong hai bộ phim Giang Hồ Tiểu Tử và Đại Giang Nam Bắc. Đây là thời điểm ngành truyền hình Hồng Kông bước vào giai đoạn bản lề khi ngày càng có nhiều người dân sở hữu ti-vi. Khi nhìn lại sự nghiệp của diễn viên Châu Nhuận Phát, dễ nhận thấy ông luôn liên quan đến những giai đoạn bản lề hoặc mở đầu cho một “thời kỳ” đặc sắc nào đó. Dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp Châu Nhuận Phát cũng chính là bộ phim màu nhiều tập đầu tiên do TVB sản xuất - Cuồng Triều, là bộ phim đầu tiên giúp ông thành danh. Sau đó, diễn viên Châu Nhuận Phát dần dần đạt được địa vị ngôi sao truyền hình và trở thành cái tên quen thuộc với khán giả thông qua vai diễn trong phim Võng Trung Nhân (The Good, the Bad, and the Ugly, 1979).
“Tiểu sinh” Châu Nhuận Phát năm 22 tuổi
Được mô tả là “cao ráo, thanh lịch với đôi mắt đen quyến rũ có thể làm tan chảy trái tim các cô gái trong vòng hai mươi bước chân”, Châu Nhuận Phát được hãng phim TVB quảng bá như một “tiểu sinh” điển hình. “Tiểu sinh” nghĩa là những nam diễn viên chính trẻ tuổi, đẹp trai, có nét thư sinh ưa nhìn và có tiềm năng trở thành thần tượng của công chúng. Bên cạnh khả năng diễn xuất trên màn ảnh nhỏ, vẻ ngoài và sức hấp dẫn đối với cả hai giới của Châu Nhuận Phát, ông thường được nhắc đến trong các tờ quảng cáo của phim truyền hình. Tờ thông tin quảng cáo cho phim Tình Sâu Nghĩa Nặng (The Fate, 1981) đã trình bày một cuộc phỏng vấn giả tưởng giữa Ngai Chun, nhân vật do Châu Nhuận Phát thủ vai, và một nhà báo. Kịch bản phỏng vấn giả định bắt đầu với một bình luận ngắn của ký giả: “Anh rất đẹp trai, hào phóng và người ta biết rằng anh có nhiều fan nữ”. Tương tự, tờ quảng cáo cho Trí Dũng Song Long (The Good Old Times, 1981) đã giới thiệu nhân vật Ouyang Han của Châu Nhuận Phát là một thanh niên “đẹp trai và quyến rũ, người thu hút rất nhiều cô gái”. Thay vì chú trọng kỹ năng diễn xuất của Châu Nhuận Phát và đặc điểm nhân vật của anh, TVB tập trung vào dáng vẻ điển trai của Châu Nhuận Phát. Điều này nhấn mạnh ưu điểm hình thể vượt trội với chiều cao 1,85 mét - yếu tố giúp Châu Nhuận Phát đặc biệt hơn đa số người châu Á khác. Nó cũng củng cố niềm tin về “dáng vẻ ngôi sao”, củng cố quan niệm cho rằng chỉ có một vài diễn viên ưa nhìn mới có khả năng trở thành ngôi sao kiểu tiểu sinh.
Ngặt nỗi, ngoại hình nổi bật của ông lại bị báo chí phê bình là không phù hợp để đóng các nhân vật cổ trang - mẫu nhân vật quen thuộc trong việc định hình một thần tượng theo kiểu tiểu sinh. Dáng vẻ của Châu Nhuận Phát bị bỏ qua trong các tập sách quảng cáo cho các bộ phim truyền hình có bối cảnh cổ xưa và hình ảnh nhân vật cổ trang kiếm hiệp của ông như Liễu Trì trong Cô Thành Khách (The Lone Ranger, 1982), Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ (The Smiling Proud Wanderer, 1984) thường xuyên bị các nhà phê bình nghệ thuật chỉ trích là không phù hợp so với hình ảnh tiểu sinh cổ điển được quảng bá bởi điện ảnh võ thuật và phim truyền hình Hồng Kông thời kỳ đầu. Từ các tài liệu liên quan đến sự xuất hiện của Châu Nhuận Phát, ta có thể rút ra kết luận rằng địa vị ngôi sao truyền hình của ông chỉ được hoan nghênh khi được đặt trong bối cảnh đô thị đương đại. Điều gì khiến Châu Nhuận Phát chỉ đẹp trong các vai diễn hiện đại?
Để phản biện về vấn đề này, Zhou Chengzhen, một người hâm mộ Châu Nhuận Phát, đã so sánh về sự khác biệt giữa một người đàn ông có vẻ ngoài hiện đại và tiền hiện đại (phù hợp vào vai cổ trang) trong lá thư gửi cho tạp chí điện ảnh địa phương City Entertainment.
Trong thư, Zhou lập luận:
“Dựa vào đâu để nói hình ảnh Châu Nhuận Phát không phù hợp với các nhân vật tiền hiện đại (cổ điển, cổ trang)? Có bằng chứng nào cho thấy tất cả những người đàn ông cổ điển trông giống như mẫu người được quảng bá bởi những nhà phê bình, những người cho rằng Châu Nhuận Phát trông không giống một tiểu sinh cổ điển hay không? Nhận thức của các nhà phê bình đó về ‘hình ảnh tiểu sinh cổ điển’ đến từ nghệ thuật tuồng cổ Quảng Đông. Thật không xác đáng khi sử dụng các tiêu chí như vậy để đánh giá xem một diễn viên có phù hợp với vai tiểu sinh thời cổ hay không... Hình ảnh tiểu sinh trong tuồng Quảng đều rất rập khuôn. Đó là lý do tại sao mà Trịnh Thiếu Thu được đánh giá là có ngoại hình cổ điển, còn Châu Nhuận Phát lại bị xem là ‘quá hiện đại’ và không đem lại cảm giác cổ điển.”
Lập luận của Zhou rất quan trọng trong nội dung này, vì nó nhấn mạnh chân dung của các nhân vật tiểu sinh trên truyền hình địa phương thường bị rập khuôn. Nó còn chỉ ra rằng nhận thức về dáng vẻ cổ điển này chủ yếu được định hình và bắt nguồn từ sân khấu kịch tuồng truyền thống của Trung Hoa. Không thể phủ nhận rằng yếu tố ngoại hình rất được coi trọng trên sân khấu truyền thống. Đó như một chỉ báo trực quan về tính cách nhân vật và sức hấp dẫn giới tính. Căn cứ vào đó, khái niệm tiểu sinh cho thấy tuổi trẻ, ngoại hình đẹp và sức hấp dẫn với mọi giới chính là các tiêu chí để chọn vai nam chính. Nhưng mỗi người có một sự đánh giá khác nhau về vẻ đẹp.
Không có tiêu chí cụ thể nào để đánh giá một người đàn ông có vẻ ngoài hiện đại hay tiền hiện đại. Ta sẽ tìm hiểu thêm tại sao bối cảnh lịch sử của nhân vật hư cấu lại tác động đến góc nhìn của khán giả Hồng Kông về vẻ bề ngoài của diễn viên. Không giống như các đồng nghiệp của mình trong nhà hát truyền thống, một tiểu sinh trên màn ảnh nhỏ hoặc trên phim điện ảnh không cần vẽ mặt để trở nên ấn tượng hơn. Tuy nhiên, dáng vẻ của anh ta có vai trò như một dấu hiệu trực quan của bản sắc văn hóa xã hội. Vì thường được chuyển thể từ các nhân vật trong tiểu thuyết cổ điển và truyện dân gian Trung Hoa, tiểu sinh cổ điển (nam nhân vật chính) là một nhân vật hư cấu đại diện cho hình ảnh một người đàn ông phi phàm và một không gian xa xôi trong lịch sử.
Châu Nhuận Phát là hình mẫu “tiểu sinh” hiện đại thành công nhất lịch sử điện ảnh Hồng Kông
Ngược lại, tiểu sinh hiện đại của Châu Nhuận Phát trong các bộ phim truyền hình TVB được đặt trong không gian đương đại mà khán giả Hồng Kông quen thuộc, kể lại những câu chuyện về người dân và cuộc sống địa phương. Khi những ý tưởng về lối sống phương Tây và lý tưởng về cái đẹp trở nên phổ biến hơn ở Hồng Kông sau cuộc nội chiến Trung Quốc, chân dung của một tiểu sinh hiện đại thường nhấn mạnh đến việc nhân vật này thuộc về xã hội thành thị và có hình ảnh mang phong cách phương Tây. Theo đó, các đánh giá về ngoại hình tiểu sinh hiện đại mà Châu Nhuận Phát là đại diện nổi bật, ngày càng hướng đến những lý tưởng văn hóa đương đại về sự nam tính. Đó là hình ảnh một thanh niên Hồng Kông hiện đại được kết hợp với hình tượng màn ảnh từ nam chính lãng mạn trong các bộ phim phương Tây. Do đó, một tiểu sinh hiện đại thường sở hữu hai đặc điểm nổi bật. Thứ nhất, vì có sự tổng hòa của tiểu sinh cổ điển và nhiều ngôi sao điện ảnh ngoại hình hấp dẫn, anh được xem là một người đàn ông cực kỳ lôi cuốn và quyến rũ. Thứ hai, anh đại diện cho hình ảnh một thanh niên địa phương bình thường. Như vậy, đặc điểm ngoại hình của một tiểu sinh hiện đại thường biểu thị cả sự phi thường/bình thường và cả xa xôi/gần gũi.
Nhà nghiên cứu Pamela Robertson Wojcik cho rằng: “Việc chọn một diễn viên cho một dạng vai diễn giúp tăng doanh thu cho ngành làm phim, nó giúp khán giả nhanh chóng và dễ dàng nhận ra một ngôi sao bằng cách liên kết với vai diễn trước đó của họ”. Các hãng phim truyền hình Hồng Kông đã tuyển dụng nhiều diễn viên điện ảnh và nhạc kịch Quảng Đông vào giai đoạn cuối những năm 1960 và đầu thập niên 1970. Nhiều người trong số các diễn viên này, như Trịnh Thiếu Thu, đã thiết lập hình ảnh của họ như tiểu sinh cổ điển trước khi chuyển sang ngành công nghiệp truyền hình. Ngay cả những diễn viên tốt nghiệp các lớp đào tạo diễn viên thời kỳ đầu của TVB, như Huỳnh Doãn Tài và Ngũ Vệ Quốc, cũng đã xây dựng hình ảnh ngôi sao của họ như tiểu sinh cổ điển thông qua các vai diễn trong các bộ phim truyền hình lịch sử và võ thuật. Đây là hai thể loại thống trị màn ảnh nhỏ địa phương trong thời kỳ đầu của lịch sử truyền hình Hồng Kông.
Ngoại trừ một vài vai diễn lướt qua và các nhân vật phụ, Châu Nhuận Phát không đóng bất kỳ nhân vật cổ trang nào có sức ảnh hưởng trước khi ông tham gia bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của mình, Cuồng Triều. Do đó, đơn giản là không tồn tại bất kỳ một mô tả chi tiết nào về hình ảnh tiểu sinh cổ điển tại thời điểm nhân vật đáng nhớ đầu tiên của Châu Nhuận Phát được trình chiếu.
Cuồng Triều (1976) - phim truyền hình dài tập đầu tiên mà Châu Nhuận Phát đóng vai nam chính
Bên cạnh đó, sự thành công của Cuồng Triều dẫn đến sự gia tăng sản xuất kiểu phim Shizhuang-ju, với nội dung xoay quanh những khúc mắc của thanh niên địa phương về sự phát triển bản thân (nghề nghiệp), mối quan hệ cá nhân (tình bạn, tình yêu và gia đình) và các vấn đề xã hội (tham nhũng và khoảng cách giàu nghèo). Sau khi Châu Nhuận Phát đạt được danh tiếng ban đầu thông qua vai diễn mang phong cách thành thị và Tây hóa của mình trong Cuồng Triều, TVB đã nhận ra sự hấp dẫn của loại hình tiểu sinh hiện đại này đối với khán giả địa phương. Vì vậy, Châu Nhuận Phát thường xuyên được chọn vào vai một chàng trai trẻ hiện đại trong các bộ phim truyền hình TVB như Võng Trung Nhân hoặc Tình Sâu Nghĩa Nặng…
Ngay cả trong các bộ phim truyền hình dài tập với bối cảnh những năm 1930 và 1940, Châu Nhuận Phát vẫn luôn được chọn vào vai một người đàn ông mặc vest như vai Hứa Văn Cường trong Bến Thượng Hải (The Bund, 1980) và Ouyang Han trong Trí Dũng Song Long (1981), trong khi các nhân vật khác trong phim vẫn mặc trường san - một loại trang phục truyền thống của Trung Quốc. Những tác phẩm truyền hình đầu tiên này đã tích hợp hình ảnh đàn ông thành thị và Tây hóa vào đặc trưng hình ảnh ngôi sao của Châu Nhuận Phát. Kết quả là khi Châu Nhuận Phát được giao vai diễn cổ trang trong Cô Thành Khách năm 1982, ấn tượng về hình ảnh hiện đại của ông đã quá sâu sắc đến mức phá vỡ hình ảnh cổ trang. Theo nghĩa này, những lời phê bình về ngoại hình cổ trang của Châu Nhuận Phát cho thấy khán giả địa phương không chấp nhận sự thay đổi từ gần gũi đến xa lạ trong hình ảnh Châu Nhuận Phát.
Cần nhắc lại một chi tiết quan trọng trong “cột mốc” Bến Thượng Hải đã đưa Châu Nhuận Phát trở thành một ngôi sao lớn của Hồng Kông. Năm 1980, TVB khởi quay phim Bến Thượng Hải và dự định để Trịnh Thiếu Thu đóng vai Hứa Văn Cường và Triệu Nhã Chi vào vai Phùng Trình Trình. Tuy nhiên, Trịnh Thiếu Thu vừa bị thương, sức khỏe chưa hồi phục nên không nhận vai này và tiến cử Châu Nhuận Phát, người cùng làm việc với anh trong phim Đại Hanh (Varity Fair, 1978). Tình cờ, nữ diễn viên Triệu Nhã Chi cũng xuất hiện trong phim Đại Hanh và cô cũng quen thân với Châu Nhuận Phát, nên có sự ăn ý trong diễn xuất. Vậy là bộ ba đóng vai chính trong Bến Thượng Hải được chốt lại là Châu Nhuận Phát, Triệu Nhã Chi và Lữ Lương Vỹ. Bộ phim đã nổi tiếng ngay sau tập phim đầu tiên phát sóng. Chúng ta có thể thấy số phận của Châu Nhuận Phát có những duyên may tình cờ quan trọng dù ông luôn vất vả, lận đận trong những khởi đầu của mình. Chính chàng diễn viên 25 tuổi Châu Nhuận Phát cũng không dám nghĩ mình sẽ trở thành một ngôi sao lớn sau một vai diễn được nhường lại. Cái tên Châu Nhuận Phát chính thức trở nên nổi như cồn và trở thành ngôi sao số một của đài TVB. Ông còn được giới truyền thông ca ngợi là “Ông hoàng phim truyền hình”.
Nhân vật Hứa Văn Cường do diễn viên Châu Nhuận Phát thủ vai trong Bến Thượng Hải đã trở thành biểu tượng của ngành phim truyền hình và sức ảnh hưởng của nó vẫn còn hiện hữu sau nhiều năm. Ấn tượng về Hứa Văn Cường đã vô thức định hình nhân dáng thần tượng Châu Nhuận Phát trong lòng công chúng. Đó là một anh hùng lãng mạn, bi tráng trong dáng vẻ hiện đại nhưng vẫn mang “hào khí cổ điển”. Nhiều năm sau, khi nhắc đến phim truyền hình Hồng Kông, nhắc đến TVB, nhắc đến những năm 1980 tại châu Á, chắc chắn người ta phải nhắc đến Bến Thượng Hải, nhắc đến Châu Nhuận Phát cũng như ca khúc chủ đề của bộ phim này.
Bộ phim truyền hình kinh điển này cũng là một ví dụ dẫn chứng về sức nặng văn hóa đại chúng giữa Hồng Kông và Trung Quốc, thông qua hình tượng Châu Nhuận Phát và ca khúc nhạc phim cùng tên Bến Thượng Hải. Ca khúc lừng lẫy một thời này do nhạc sĩ Cố Gia Huy viết nhạc, Hoàng Triêm đặt lời tiếng Quảng và ca sĩ Diệp Lệ Nghi trình bày. Chúng ta đều biết Thượng Hải là một trong những thành phố biểu tượng và là niềm tự hào của Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, hỏi bất cứ ai không phải dân Trung Quốc ở khu vực Đông Á có biết ca khúc nào về Thượng Hải hay không, gần như 100% sẽ trả lời đó là ca khúc Bến Thượng Hải - một bài nhạc phim Hồng Kông, của nền giải trí đại chúng Hồng Kông. Ca khúc này nổi tiếng đến mức mà Diệp Lệ Nghi đã ca hàng ngàn lần tại hơn 30 quốc gia và trở thành “ bài hát hit nhận diện thành phố Thượng Hải”, chưa nói đến hàng trăm nghệ sĩ khắp châu Á đã hát lại trong nhiều năm qua. Nội dung ca khúc vừa cảm khái vừa đầy chất tự sự: “… vui - buồn, thành - bại thật khó phân biệt trong cơn sóng lớn... Yêu người, hận người, người biết hay chăng...” cùng với giai điệu bi tráng đặc trưng khiến công chúng càng nhớ như in trong đầu những màn... tranh đấu oai hùng của đại ca Hứa Văn Cường ở khu Tô Giới Thượng Hải. Ở góc độ nào đó trong văn hóa đại chúng, từ sau bộ phim này, Thượng Hải được công chúng nhớ đến như là biểu tượng về một mảnh đất “giang hồ dậy sóng”.
Với nhiều người, Thượng Hải gắn liền với hình tượng nhân vật của Châu Nhuận Phát và hình ảnh quen thuộc của Thượng Hải chính là khu Tô Giới hỗn loạn, giang hồ phân tranh được miêu tả trong phim Hồng Kông, chứ không phải là một siêu đô thị phồn thịnh hạng nhất Trung Quốc với tháp truyền hình biểu tượng cao vút. Khi Hollywood làm một bộ phim về đề tài Thượng Hải trước Thế chiến II (Điệp Hải Phong Vân - Shanghai, 2010), nhất thiết phải mời Châu Nhuận Phát xuất hiện trong vai trùm xã hội đen. Trong cân nhắc của nhà sản xuất Hollywood về một nhân vật ăn khách, mang tính biểu tượng cho một khu vực, Châu Nhuận Phát - một ngôi sao Hồng Kông - là lựa chọn duy nhất, không thể thay thế, để lôi kéo người xem về bối cảnh Thượng Hải của Trung Quốc.
Dấu ấn sâu đậm của Châu Nhuận Phát trong Bến Thượng Hải đã trở thành tượng đài không thể xô đổ.
Hình ảnh Châu Nhuận Phát và Huỳnh Hiểu Minh trong Bến Thượng Hải
Câu chuyện liên quan đến ngôi sao hạng A của màn ảnh Hoa ngữ Huỳnh Hiểu Minh là một minh chứng. Vào năm 2007, anh được mời vào vai Hứa Văn Cường trong bộ phim Tân Bến Thượng Hải của đạo diễn Cao Hy Hy. Khi thông tin này được công bố, nhiều công chúng và cả giới phê bình cho rằng anh không đủ năng lực để vào vai diễn kinh điển này, so với Châu Nhuận Phát sẽ là “một trời một vực”. Những nhận xét này từng khiến Huỳnh Hiểu Minh, diễn viên được xếp vào dạng thực lực, lo lắng, sợ hãi, mất ăn mất ngủ và trầm cảm trong quá trình đóng phim. Mẹ anh vì lo cho sức khỏe của anh đã đến tận phim trường mỗi ngày để chăm con trai hốc hác vì vai diễn Hứa Văn Cường. Kế hoạch quay bộ phim là bốn tháng nhưng đã kéo dài đến sáu tháng vì tâm lý không tốt của Huỳnh Hiểu Minh. Anh từng chia sẻ: “Đó là sáu tháng khủng hoảng trong cuộc đời tôi. Tôi nhìn đâu cũng thấy khó chịu, không muốn nói, không muốn cười. Đến khi bộ phim ra mắt, dù rất thành công nhưng tôi vẫn lâm vào trạng thái lo sợ, bất an. Cứ mỗi khi bước ra khỏi cửa, tôi luôn hình dung hàng trăm cặp mắt nhìn tôi chê cười, rằng tôi là một Hứa Văn Cường dở tệ, thua xa đàn anh Châu Nhuận Phát. Thời gian đó, tôi luôn cúi đầu bước đi trên đường”.
Từ câu chuyện trên, ta có thể hình dung sức ảnh hưởng của tài tử Châu Nhuận Phát với Bến Thượng Hải là vô cùng lớn, thậm chí đã trở thành một biểu tượng văn hóa đại chúng. Khán giả nhiều thế hệ sẽ luôn hoài nhớ về nụ cười nửa miệng, điếu thuốc trên môi Châu Nhuận Phát như “một biểu tượng thẩm mỹ kinh điển”. Các diễn viên đóng vai Hứa Văn Cường sau này đều vì “nụ cười nửa miệng” từ năm 1980 đó gây áp lực rất lớn. Hiện tượng này chỉ xảy ra với vai diễn của các ngôi sao lớn và Châu Nhuận Phát chắc chắn là một trong những đại thần tượng khó quên nhất của điện ảnh Hồng Kông.
MỘT NGÔI SAO Ở NGOÀI “ĐỊNH NGHĨA PHI THƯỜNG”
Châu Nhuận Phát là một ngôi sao truyền hình với độ phủ sóng hàng ngàn tập phim trước khi trở thành ngôi sao điện ảnh vào giữa thập niên 1980. Sự nghiệp truyền hình của ông cũng phản ánh chính xác giai đoạn bản lề của ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông trước khi bước vào thời kỳ huy hoàng nhất châu Á.
Năm 1957, Rediffusion Television (gọi tắt là RTV, sau đó được tái cấu trúc thành Asia Television Limited năm 1982, gọi tắt là ATV) phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên ở Hồng Kông. Mười năm sau đó, TVB được thành lập và phát sóng các chương trình miễn phí cho công chúng. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của lịch sử truyền hình Hồng Kông, phần lớn các chương trình được nhập từ nước ngoài như Mỹ, Nhật và Anh. Chỉ có một số ít các chương trình được sản xuất tại địa phương, với sự góp mặt của các diễn viên điện ảnh và diễn viên nhà hát nói tiếng Quảng thời kỳ đầu tiên, như Ng Cho-fan, Cheung Ying, Mark Sin-sing/Heung-kam Lee và Lydia Shum. Để đáp ứng nhu cầu của công chúng về các chương trình địa phương, các hãng phim truyền hình phải phát các bộ phim tiếng Quảng cũ, nhiều bộ phim trong đó vốn được chuyển thể từ các vở diễn kinh điển của sân khấu tuồng cổ tiếng Quảng.
Giá ti-vi vào thời gian đó ngày càng rẻ, nhiều gia đình thuộc tầng lớp lao động có đủ khả năng mua ti-vi riêng từ những năm 1970. Tỷ lệ sở hữu thiết bị truyền hình tại Hồng Kông tăng vọt từ 3% vào năm 1957 lên 90% vào năm 1976. Sự phổ biến của ti-vi không chỉ đòi hỏi các đài truyền hình cung cấp nhiều chương trình tiếng Quảng hơn, mà còn đặt ra yêu cầu là các hãng phim phải sản xuất nhiều chương trình liên quan đến đời sống người Hồng Kông. Nhằm thu hút nhiều người xem và cạnh tranh với nhau, cả RTV và TVB đều mở rộng sản xuất các bộ phim truyền hình và chương trình giải trí vào đầu những năm 1970. Để đảm bảo nguồn nhân lực cho các sản phẩm này, cả hai hãng phim bắt đầu tổ chức các lớp đào tạo diễn viên nội bộ.
Thời điểm này, ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất phim tiếng Quảng, phần lớn bị đình trệ do xu hướng sản xuất phim rẻ tiền và cung cấp quá nhiều thể loại phim hài kịch và ca nhạc trong suốt những năm 1950 và 1960. Quá trình sản xuất phim Hồng Kông cũng bị cản trở bởi thuế nhập khẩu và hệ thống hạn ngạch, những chính sách đã ảnh hưởng đến các bộ phim điện ảnh ra đời vào những năm 1970, ở nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore - vốn là thị trường nước ngoài lớn cho phim Hồng Kông. Ngược lại, ngành công nghiệp truyền hình Hồng Kông lại bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng. Truyền hình Hồng Kông tạo ra một sân chơi cho các nhà làm phim đã thành danh, để họ tiếp tục làm việc khi nền điện ảnh tiếng Quảng rơi vào thời kỳ suy thoái ở giai đoạn những năm 1960 và đầu những năm 1970, đồng thời nuôi dưỡng nhiều tài năng mới mà sau này trở thành lực lượng chủ chốt của ngành điện ảnh Hồng Kông trong những năm 1980.
Ngành công nghiệp truyền hình Hồng Kông của thập niên 1970 thật sự được coi là mối liên kết không thể thiếu của điện ảnh Hồng Kông những năm 1960 với những năm 1980. Hoạt động giữa phim truyền hình và phim điện ảnh của Hồng Kông trong thời kỳ này gần gũi với nhau đến mức không thể phớt lờ, các ngôi sao địa phương thường xuyên hoạt động ở cả hai ngành công nghiệp này. Do đó, chúng ta cần tìm hiểu thêm về hình ảnh ngôi sao truyền hình nếu muốn hiểu một cách đầy đủ về ngôi sao điện ảnh Hồng Kông.
Vào những năm 1970, các hãng phim truyền hình Hồng Kông áp dụng hệ thống ngôi sao tương tự như hệ thống của các hãng phim điện ảnh của thập niên 1960. Được hỗ trợ bởi nguồn tài chính vững chắc và lượng người xem khổng lồ, TVB được biết đến như “cái nôi của các ngôi sao” và là “nhà máy trong mơ của các ngôi sao”. Theo bước Shaw Brothers, hãng phim lớn nhất Hồng Kông thập niên 1960 và 1970, TVB cố gắng kiểm soát các ngôi sao và hình ảnh của họ. Vốn là một trong những diễn viên được hãng phim đào tạo theo hướng này, Châu Nhuận Phát đã có gần mười bốn năm tại TVB trước khi chuyển hẳn sang ngành công nghiệp điện ảnh. Trong thời gian này, ông đã tham gia gần 1.000 tập phim truyền hình. Điều này đã mang lại cho ông danh tiếng “Ông hoàng phim truyền hình TVB” vào đầu những năm 1980. Kinh nghiệm của Châu Nhuận Phát trong ngành truyền hình và quá trình lan tỏa hình ảnh của ông qua các bộ phim truyền hình địa phương là khởi điểm cho sự nghiệp diễn xuất điện ảnh của ông. Nó có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thiết lập địa vị ngôi sao cũng như sự nổi tiếng của ông đối với công chúng Hồng Kông.
Hình tượng ngôi sao chứa đựng sự nghịch lý của việc kết hợp những điều bình thường và những điều phi thường. Học giả John Ellis lập luận: “Truyền hình làm giảm sức hút ngôi sao bằng cách giảm bớt sự phi thường của ngôi sao”. Ellis căn cứ vào hai yếu tố song hành là “hiện diện - vắng mặt” để nhấn mạnh sức hút của một ngôi sao xuất phát từ sự vắng mặt của họ trong cuộc sống đời thường. Ông cho rằng chỉ các hiệu ứng hình ảnh của phim điện ảnh mới có thể tạo ra “giá trị hiếm có” cho hình ảnh một ngôi sao. Giá trị hiếm có này là cội nguồn tạo ra sức quyến rũ phi thường của ngôi sao. Ellis cũng xem truyền hình là phương tiện có được sức mạnh và vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Truyền hình kết nối những cá nhân nổi tiếng với khán giả một cách hiệu quả và diễn viên truyền hình không gây ra bất kỳ xung đột hay sự đố kỵ nào, bởi vì họ thường xuyên tiếp xúc với khán giả. Từ đó, Ellis lập luận rằng các diễn viên truyền hình “không khơi gợi nhiều sự mong muốn của khán giả”, vì họ được khán giả biết đến nhờ sự quen thuộc hơn là sự xa cách.
Tuy nhiên, trong khi luận điểm bình thường - phi thường của Ellis là một công cụ có giá trị trong việc giúp ta hiểu sự khác biệt giữa người nổi tiếng và ngôi sao, thì quan điểm của ông về việc phủ nhận vị trí ngôi sao truyền hình cần được xem xét lại. Trong bối cảnh Hồng Kông những năm 1970 và 1980, sự gần gũi và quen thuộc giữa một diễn viên truyền hình và khán giả đã tạo ra một mối quan hệ thân thiết. Mối quan hệ này củng cố thêm cho những mong muốn của khán giả cùng với sự phi thường của ngôi sao. Sự nghiệp của Châu Nhuận Phát là ví dụ hoàn hảo cho điều này.
SỨC HÚT TRÊN MÀN ẢNH LẪN NGOÀI ĐỜI
Khi bàn về một biểu tượng có sức “sát thương” lớn đối với phái đẹp như diễn viên Châu Nhuận Phát, không thể không nhìn nhận đến mối quan hệ cộng sinh giữa tiểu sinh và hoa đán (nữ chính trẻ đẹp, có sức hút lớn với khán giả). Riêng trong trường hợp của Châu Nhuận Phát, dòng phim truyền hình thành thị mà ông là biểu tượng xuất sắc nhất đã góp phần thay đổi nhận thức xã hội, đề cao vai trò phụ nữ Hồng Kông trong cuộc sống hiện đại.
Sự hấp dẫn với cả hai giới là một trong những đặc trưng của vai tiểu sinh và hoa đán, cho thấy chuyện tình yêu lãng mạn là nội dung phổ biến trên truyền thông Hồng Kông. Chẳng hạn, trang bìa của tập sách quảng cáo cho Family Feelings (1980) có một bức ảnh Châu Nhuận Phát đứng đằng sau bạn diễn nữ Trịnh Du Linh, má kề má thể hiện sự gần gũi, tình cảm. Nội dung tập sách phác họa câu chuyện lãng mạn giữa hai nhân vật trên màn ảnh, làm nổi bật hình ảnh của hai ngôi sao như những người tình màn ảnh. Vì đây là lần thứ hai Châu Nhuận Phát và Trịnh Du Linh đóng chung với nhau trong một bộ phim tình cảm lãng mạn, tập sách công khai đặt câu hỏi liệu Châu Nhuận Phát và Trịnh Du Linh có thể trở thành một cặp đôi trong đời thực không? Theo hướng này, TVB đang quảng bá hình ảnh Châu Nhuận Phát như một biểu tượng màn ảnh mới theo cách truyền thống, tức là xây dựng mối quan hệ tình cảm giữa tiểu sinh và hoa đán. Đồng thời nhà đài cố tình lôi kéo sự tò mò của công chúng về cuộc sống tình cảm riêng tư của các ngôi sao. Chiêu thức nghi vấn “phim giả - tình thật” này có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với công chúng và là một chiêu thức được truyền thông sử dụng rộng rãi để quảng bá phim đến tận ngày nay. Tình yêu hoàn hảo, cặp đôi trong mơ luôn là điều mà công chúng trông đợi, tò mò từ trên phim đến ngoài đời thật.
Nhờ những bộ phim truyền hình này và qua những nội dung được thảo luận trong các tập sách quảng cáo, Châu Nhuận Phát đã trở thành một ngôi sao có sức hấp dẫn phi thường với cả hai giới. Chuyện tình cảm lãng mạn trong các bộ phim truyền hình TVB không hoàn toàn thách thức các mối quan hệ truyền thống, vì chúng vẫn nhấn mạnh sức mạnh xã hội của nam giới. Tuy nhiên, người ta có thể nhận ra một cuộc“cách mạng về nhận thức” trong các bộ phim có Châu Nhuận Phát tham gia - đó là “người phụ nữ mà nhân vật nam chính yêu”.
Không giống như câu chuyện tình điển hình của các tiểu sinh truyền thống, trong đó hoa đán thường được miêu tả là một người phụ nữ thụ động, phụ thuộc, yếu đuối, với điểm nổi bật là ngoại hình đẹp. Nhân vật nam chính trong phim của Châu Nhuận Phát thường yêu kiểu phụ nữ hiện đại, thông minh, lanh lợi, khí chất độc lập, dũng cảm và nổi loạn. Hình ảnh này trái ngược với tiểu sinh cổ điển, bị thu hút bởi những người phụ nữ chia sẻ nhận thức gia trưởng truyền thống của họ - như kiểu phụ nữ không bước ra khỏi ngưỡng cửa gia đình. Nhân vật tiểu sinh hiện đại của Châu Nhuận Phát thường dành tình yêu cho những phụ nữ hết mình theo đuổi sự nghiệp trong các lĩnh vực vốn do nam giới thống trị, như biên tập viên tạp chí, nữ doanh nhân Fong Hei-man trong Võng Trung Nhân, luật sư Dung Shun-wah trong Tình Sâu Nghĩa Nặng, công nhân nhà máy Chow Tong trong Family Feelings... Thông qua tình yêu đối với những phụ nữ này, tiểu sinh hiện đại của Châu Nhuận Phát thể hiện sự coi trọng tài năng, tính cách của nữ giới hơn là vẻ đẹp hình thể.
Sự thay đổi mang tính bước ngoặt về hình ảnh lãng mạn của Châu Nhuận Phát không phải ngẫu nhiên mà đã được dự kiến trước qua những thay đổi nhanh chóng về vai trò giới tính trong xã hội. Cùng với tiến trình công nghiệp hóa diễn ra ở Hồng Kông, nhận thức về giới tính và mối quan hệ giới tính bắt đầu thay đổi vào những năm 1960, khi có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động và thậm chí trở thành trụ cột gia đình. Dưới áp lực của công chúng, TVB đã viết lại đoạn kết của Võng Trung Nhân để tái hợp nhân vật Ching Wai của Châu Nhuận Phát và Fong Hei-man của Trịnh Du Linh. Tương tự, cốt truyện ban đầu của Family Feelings, trong đó Shi Hui của Châu Nhuận Phát và Chow Tong của Trịnh Du Linh bị chia cắt, khiến công chúng không hài lòng, dẫn đến việc TVB nhận được một núi thư khiếu nại chồng chất. Vấn đề này buộc TVB phải quay lại đoạn kết và thêm cảnh Shi Hui thổ lộ tình yêu của anh dành cho Chow Tong trước mộ cô. Qua các nhân vật này và sự phổ biến hình ảnh tiểu sinh hiện đại của Châu Nhuận Phát ở Hồng Kông cho thấy khán giả đề cao những ngôi sao nữ như Trịnh Du Linh. Cô đại diện cho sự trỗi dậy của những phụ nữ hăng hái theo đuổi sự nghiệp, đồng thời mong muốn đàn ông biết coi trọng sự nghiệp của phụ nữ và chia sẻ nhận thức của họ về quan hệ giới một cách văn minh hơn.
Điều thú vị ở đây là Châu Nhuận Phát đã thể hiện mong muốn đó thật tuyệt vời trong các bộ phim. Chính sức ảnh hưởng của Châu Nhuận Phát trên truyền hình đã góp phần hậu thuẫn mạnh mẽ cho yêu cầu bình đẳng giới đối với phái nữ tại Hồng Kông. Nếu đàn ông Hồng Kông là những trượng phu tài năng của thời đại thì tại sao phụ nữ Hồng Kông không thể cùng tranh tài, tạo nên dấu ấn thời đại của riêng họ? Ở ngoài đời, Châu Nhuận Phát là người hòa nhã, tôn trọng mọi người xung quanh và lịch thiệp với phụ nữ. Khi nhập vai trên phim, ông đã truyền thêm cảm hứng cho cuộc “cách mạng giới” của Hồng Kông thời hiện đại. Dẫu Hồng Kông là vùng đất cởi mở, giao thoa văn hóa giữa Đông - Tây nhưng ảnh hưởng của Nho giáo với sự trọng nam khinh nữ vẫn là nếp nghĩ ăn sâu vào tinh thần xã hội Đông Á tại nơi này. Việc Châu Nhuận Phát “làm gương” trên truyền hình về hình ảnh “một mẫu đàn ông mới coi trọng ý chí độc lập của phụ nữ nhưng vẫn yêu họ một cách lãng mạn” ngay lập tức được giới trẻ ngưỡng mộ, xem như chuẩn mực cư xử của thời đại mới. Với độ phủ sóng dày đặc trên truyền hình, Châu Nhuận Phát đã vô tình định nghĩa một tiêu chuẩn mới về sự lịch lãm của đàn ông qua cách cư xử với phụ nữ và người yếu kém, hoặc theo cách nói của dân Hồng Kông - “đấng nam nhi chân chính là phải như vậy”.
Nhìn từ khía cạnh xã hội, những điều thú vị tưởng như nho nhỏ này trong sự nghiệp của Châu Nhuận Phát lại không hề nhỏ bé. Nó đã góp phần trở thành tiền đề cho sức mạnh tổng hòa cả hai giới nam - nữ trong xã hội Hồng Kông, khuyến khích mọi công dân trở thành những nhân tố ưu tú của thời đại hội nhập. Cùng với những cải cách về giáo dục, sự phát triển kinh tế thần tốc và ý thức ngày một cao của người dân bản địa về “Bản sắc Hồng Kông”, tất cả những điều này đã góp phần tạo nên sự phát triển thần kỳ của xã hội Hồng Kông lúc bấy giờ.
BẢN LĨNH THOÁT KHỎI NHỮNG LỐI MÒN
Bắt đầu từ những năm 1950, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đã biến Hồng Kông thành một trong bốn con Rồng châu Á vào những năm 1970. Quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa thành phố đã thay đổi sở thích của công chúng đối với nội dung, thông điệp truyền thông. Vinh quang dân tộc và hành động anh hùng không còn là nội dung được quan tâm hàng đầu trong các chương trình truyền hình Hồng Kông những năm 1970. Thay vào đó, khán giả địa phương bắt đầu thể hiện sự ưa chuộng đối với những câu chuyện về hành trình cá nhân vươn lên các nấc thang xã hội, một chủ đề được thể hiện rất rõ trong nhiều bộ phim truyền hình của Châu Nhuận Phát.
Trên thực tế, sự thay đổi này được củng cố bởi ý thức ngày càng tăng về bản thân. Michael Curtin, trong nghiên cứu về phim truyền hình Hồng Kông, đã nhận định nhân vật Ching Wai của Châu Nhuận Phát trong Võng Trung Nhân thành công nhờ chăm chỉ lao động, tự vươn lên hơn là nhờ sự ưu ái hay hỗ trợ từ bạn bè hoặc gia đình. Do đó, nhân vật này được sáng tạo để thể hiện hình ảnh tích cực của thanh niên Hồng Kông, cho người dân địa phương thấy bản thân họ được thể hiện như những công dân siêng năng, có học thức và tuân thủ luật pháp. Ngược lại, nhân vật Ah Chian, em trai của Ching Wai, là một nhân vật hài được thiết kế để đại diện cho người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc đại lục, mang trong mình những đặc điểm như nghèo, đến từ nông thôn, lười biếng, kém văn minh và thiếu tôn trọng pháp luật.
Không giống với hình ảnh tiểu sinh vốn thường có trong phim cổ trang, vốn không quá chú trọng, thậm chí là không có tính đặc thù bản sắc công dân vùng miền, các vai diễn trong phim truyền hình của Châu Nhuận Phát thể hiện rõ những nét đặc trưng của công dân Hồng Kông. Ở một góc độ nào đó, Châu Nhuận Phát là một hình mẫu mang tính biểu tượng, do đó càng củng cố lòng tự hào của dân địa phương về sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thành phố. Vì vậy, Châu Nhuận Phát, ngôi sao thể hiện nhân vật Ching Wai và nhiều vai diễn tương tự khác, được xem là hình mẫu cho thanh niên Hồng Kông noi theo.
Hình ảnh người Hồng Kông mẫu mực của Châu Nhuận Phát không chỉ được tạo dựng thông qua các nhân vật ông đóng, mà còn qua kinh nghiệm của ông trong cả ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh. Khi ông chủ của Shaw Brothers, Run Run Shaw, tiếp quản vị trí giám đốc của TVB vào năm 1980 và dần chuyển trọng tâm kinh doanh từ Shaw Brothers sang TVB, cách làm phim cũ bắt đầu đi đến hồi kết trong ngành công nghiệp điện ảnh địa phương. Cùng lúc đó, ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông đã cởi mở hơn với những tài năng trẻ. Nhờ sự đầu tư ngày càng tăng từ giới nhà giàu, nền công nghiệp điện ảnh Hồng Kông dần dần hồi sinh và bắt đầu chứng kiến sự phát triển của các sản phẩm độc lập. Đến cuối những năm 1970, có một sự chuyển dịch các tài năng (bao gồm nhiều đạo diễn mà sau này gọi là “ Làn Sóng Mới ”, cũng như các diễn viên từ ngành công nghiệp truyền hình sang ngành công nghiệp điện ảnh (điển hình là Châu Nhuận Phát).
Châu Nhuận Phát bắt đầu làm việc trong điện ảnh địa phương từ đầu năm 1976 - năm mà ông bắt đầu đạt được địa vị ngôi sao thông qua vai diễn trong phim truyền hình Cuồng Triều. Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu của Châu Nhuận Phát trong ngành công nghiệp điện ảnh không thu hút được nhiều sự chú ý. Cuối cùng, Châu Nhuận Phát đã quyết định tập trung phát triển sự nghiệp truyền hình. Nhưng ông không hoàn toàn hài lòng với sự phát triển cá nhân của mình tại TVB, ngay cả khi đã đạt được địa vị cao nhất của ngôi sao truyền hình TVB sau khi Võng Trung Nhân phát sóng. Châu Nhuận Phát thẳng thắn phát biểu trong một cuộc phỏng vấn:
“Tôi không có thời gian để nghiên cứu các nhân vật, đặc biệt là trong mảng phim truyền hình. Thường thì hôm nay tôi mới nhận được kịch bản cho các cảnh quay ngày hôm sau. Chúng tôi thường chỉ có một cuộc họp ngắn trước khi quay, sau đó nhà sản xuất sẽ cho chúng tôi biết cần phải làm gì trong cảnh quay đó. Như vậy làm thế nào tôi có thể có thời gian để hiểu nhân vật? Trong khi đó, với phim điện ảnh, ít nhất tôi có được kịch bản trước khi quay, ít nhất tôi biết mình đang làm gì.”
Không hài lòng với tình trạng sản xuất nhanh chóng theo kiểu “mì ăn liền” của ngành công nghiệp phim truyền hình, Châu Nhuận Phát bày tỏ những băn khoăn của ông về chế độ sản xuất phim tại TVB. Ông cho rằng nó kìm hãm mức độ thấu hiểu nhân vật và sợ rằng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp diễn xuất của ông. Năm 1980, khi nền điện ảnh “Làn Sóng Mới” bắt đầu có tác động rõ rệt đến ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông, Châu Nhuận Phát quyết định quay lại, hay đúng hơn là dấn thân với phim điện ảnh.
Năm 1981, Châu Nhuận Phát được mời đóng vai chính trong bộ phim Hồ Việt Đích Cố Sự (The Story of Woo Viet) của nữ đạo diễn Hứa An Hoa. Tuy nhiên, quyết định nhận vai diễn này của ông vấp phải sự phản đối từ TVB. Với tình hình Trịnh Thiếu Thu đi Đài Loan, Hoàng Nguyên Thân và Lưu Tùng Nhân chuyển đến RTV, còn Tạ Hiền thì bước vào độ tuổi trung niên, TVB đã lường trước tình trạng thiếu hụt các ngôi sao tiểu sinh cho các chương trình và phim truyền hình. Trong khi đó, khán giả Hồng Kông đã dần thay đổi thị hiếu của họ từ phim truyền hình dài tập sang phim có độ dài trung bình từ 15 đến 25 tập. Sự thay đổi này làm tăng nhu cầu về các ngôi sao hàng đầu trong các chương trình khác nhau. Việc cạnh tranh với các đối thủ RTV và CTV (Truyền hình thương mại) tiếp tục đòi hỏi TVB phải nhanh chóng sản xuất nhiều bộ phim truyền hình từ kịch bản gốc và điều này một lần nữa làm tăng nhu cầu về diễn viên. Vì vậy, TVB đã cố gắng ngăn Châu Nhuận Phát nhận vai diễn trong bộ phim của Hứa An Hoa.
Thế nhưng, Châu Nhuận Phát quyết tâm nhận vai diễn này, bất chấp sự phản đối của TVB. Bằng cách dọa kiện TVB vì vi phạm hợp đồng, Châu Nhuận Phát cuối cùng đã có cơ hội đóng vai chính trong Hồ Việt Đích Cố Sự. Tuy nhiên, chuyện này cũng khiến ông gặp khủng hoảng trong sự nghiệp diễn xuất của mình trong nửa đầu thập niên 1980. Châu Nhuận Phát đã thừa nhận vào năm 1994: “Mối quan hệ giữa TVB và tôi trở nên căng thẳng khi tôi rời đi. Điều đó có nghĩa là sự nghiệp diễn xuất của tôi có thể bị hủy hoại”. Người ta tin rằng sự bất đồng về hợp đồng giữa Châu Nhuận Phát với TVB khiến ông mất vài năm “đóng băng” sau khi TVB quyết định quảng bá dàn diễn viên nội bộ mới. Bị “đóng băng” là một kiểu trừng phạt, đó là khi một diễn viên không được hãng phim quảng bá, không thể xuất hiện trong bất kỳ chương trình nào do hãng sản xuất. Vì diễn viên không được hợp tác với các hãng phim khác trong thời hạn hợp đồng độc quyền của họ, nên hình thức “đóng băng” này khiến diễn viên phải đối mặt với một khoảng thời gian cực kỳ khó khăn, bất kể họ có phải là ngôi sao hay không. Hàng tháng chỉ nhận khoản lương cơ bản thấp thảm hại, các diễn viên “bị đóng băng” vừa phải ứng phó với áp lực tài chính, vừa phải đối mặt với khả năng bị khán giả lãng quên vì vắng mặt quá lâu - một rủi ro có thể đe dọa sự nghiệp diễn viên của họ.
Mặc dù Châu Nhuận Phát vẫn được phép xuất hiện trong một số chương trình của TVB sau khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, địa vị tiểu sinh hàng đầu của ông trong trường quay nhanh chóng được thay thế bởi các diễn viên mới vào giữa thập niên 1980. Trong số này có nhóm “Ngũ Hổ ”, gồm Huỳnh Nhật Hoa, Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa, Thang Trấn Nghiệp và Miêu Kiều Vỹ. So với các vai diễn truyền hình đầu tiên của mình, những nhân vật của Châu Nhuận Phát trong vài năm cuối tại TVB có tần suất xuất hiện ít hơn trước đó rất nhiều, chủ yếu là vai người đàn ông trung niên hoặc nhân vật phụ. Châu Nhuận Phát đã phải nhuộm tóc bạc và đóng vai thủ lĩnh giang hồ trung niên Lok Chong-hing trong bộ phim truyền hình Đại Hương Cảng (The Battle Among the Clans, 1985). Trong một bộ phim truyền hình khác của TVB, Police Cadet ’85 (1985), Châu Nhuận Phát thủ vai phụ Ging Shing, chú của nam chính Cheung Wai-kit (do Lương Triều Vỹ đóng). Trong bộ phim truyền hình TVB cuối cùng của mình, Dương Gia Tướng (The Yang’s Saga, 1985, có sự tham gia của Ngũ Hổ TVB), Châu Nhuận Phát được giao một vai nhỏ là Lữ Động Tân, nhân vật trung niên, một trong Tám Người Bất Tử trong thần thoại Đạo giáo Trung Hoa. Tất cả những vai phụ ở độ tuổi trung niên này cho thấy hình tượng tiểu sinh truyền hình của Châu Nhuận Phát đang lu mờ.
Trong khi đó, Châu Nhuận Phát được chấp nhận là một diễn viên điện ảnh chân chính, sau khi ông hai lần giành giải “Nam diễn viên xuất sắc nhất” tại Giải thưởng Kim Mã Đài Loan và tại Liên hoan phim châu Á Thái Bình Dương cho vai diễn trong bộ phim Hong Kong 1941. Cùng với sự dịch chuyển sang ngành công nghiệp điện ảnh và các thành tựu đạt được trên màn ảnh rộng, Châu Nhuận Phát ngày càng được khán giả Hồng Kông nhìn nhận như người đàn ông thành công nhờ đức tính cần cù và ý thức tự cải thiện bản thân cao độ. Thực tế xã hội cho thấy người Hồng Kông trong những năm 1970 không muốn một anh hùng giả tưởng, mà muốn một hình mẫu thực tế, người có những thành công mà bản thân họ cũng có thể đạt được. Với kinh nghiệm của Châu Nhuận Phát trong ngành công nghiệp truyền hình và sự nghiệp trải rộng nhiều lĩnh vực đã toát lên hào quang của sự đáng tin cậy và thực tế - nó truyền đi thông điệp rằng sự phi thường là trong tầm với. Ông được nhiều khán giả địa phương xem là “nguồn cảm hứng” chứ không phải là “hình ảnh tưởng tượng” về thành công. Nhận định này được củng cố bởi nhà phê bình phim Hồng Kông Shu Kei vào năm 1987:
“Điểm thu hút nhất của Châu Nhuận Phát là anh hoàn toàn thuộc về Hồng Kông. Anh là một ngôi sao nhưng đồng thời cũng rất chân thực, và điều này khiến khán giả có thể nhìn thấy bản thân họ qua hình ảnh của anh. Rất ít ngôi sao xây dựng được mối quan hệ này với khán giả. Cảm giác gần gũi đó có một phần đến từ sự nghiệp truyền hình của anh và một phần đến từ việc chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận anh. Chúng ta biết về những chặng đường của anh... Anh bắt đầu từ bậc thang thấp nhất (người lao động phổ thông nghèo, học lớp đào tạo diễn viên TVB), và khi anh từng bước nỗ lực tiến lên, chúng ta đã ở đó để chứng kiến cả quá trình. Mặc dù Thành Long cũng là một bảo chứng ‘doanh thu phòng vé’, chúng ta lại không cảm nhận được sự thân quen này từ anh ấy. Thứ nhất, chúng ta biết rất ít về lý lịch của Thành Long. Thứ hai, anh trở nên nổi tiếng ở nước ngoài chứ không phải ở Hồng Kông - anh chỉ trở về nước để phát triển sự nghiệp sau khi đạt được thành công ở Nhật Bản. Kỹ năng võ thuật giúp anh trở thành một nhân vật anh hùng hơn là một diễn viên. Mọi chuyện với Châu Nhuận Phát thì ngược lại. Châu Nhuận Phát là người hùng trong lòng công chúng cả trên màn ảnh và đời thật nhưng đồng thời cho công chúng cảm giác người hùng này là bạn của họ.”
Rõ ràng kinh nghiệm hoạt động trong mảng truyền hình của Châu Nhuận Phát, đặc biệt là các nhân vật trên màn ảnh nhỏ của ông, đã xây dựng nên cảm giác gần gũi giữa ngôi sao và cộng đồng bản địa. Trái ngược với Thành Long, người từng được ca ngợi như một anh hùng siêu thực, Châu Nhuận Phát đã cho khán giả thấy hành trình và khả năng của một thanh niên Hồng Kông bình thường. Ông là người có thể ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống và sự không chắc chắn trên con đường sự nghiệp, trở nên thành công, biến bản thân thành một ngôi sao kiệt xuất. Sự nghiệp Châu Nhuận Phát cho thấy việc xuất hiện trên truyền hình, tạo nên cây cầu nối gần gũi với khán giả không làm “giảm đi sự phi thường của ngôi sao”, ngược lại, nó tạo ra tiền đề để ngôi sao trở thành một biểu tượng mang tính bản địa. Địa vị như vậy không phải ngôi sao nào cũng có thể tạo ra trong sự nghiệp.
Như nhận xét của Silverstone: “truyền hình là một phần của cuộc sống đời thường”, và quá trình xem các chương trình truyền hình được tích hợp vào không gian, thời gian và thực tế cá nhân của khán giả. Silverstone xem truyền hình như một phương tiện quen thuộc, một thành viên trong gia đình theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, “khi nó được tích hợp vào mô hình quan hệ xã hội gần gũi hàng ngày”. Ngoài ra, vì các hình thức giải trí khác, chẳng hạn như karaoke và trò chơi điện tử, chưa phổ biến cho đến cuối những năm 1980, nên xem truyền hình là một trong những cách giải trí quen thuộc nhất đối với người Hồng Kông trong hai thập niên 1970 và 1980.
Với tư cách một ngôi sao truyền hình nổi tiếng trong thời kỳ đó, Châu Nhuận Phát xuất hiện thường xuyên trên phương tiện này. Mối liên hệ giữa khán giả và các nhân vật truyền hình của ông được thiết lập trong một môi trường thân mật, thân thiện và thoải mái hơn, vì màn ảnh nhỏ giúp làm giảm khoảng cách giữa diễn viên và khán giả địa phương. Châu Nhuận Phát từng tâm sự trong một cuộc phỏng vấn:
“Tôi cảm thấy khán giả Hồng Kông xem tôi như một người bạn chứ không phải là một biểu tượng. Có lẽ nhờ phim truyền hình, tôi đã trở thành người thân trong nhà, một người bạn của khán giả. Tôi không phải là anh hùng hay hiệp khách... và tôi không có kiểu bí ẩn hay kiêu ngạo đó. Khán giả nhìn thấy tôi mỗi ngày. Tôi không che giấu điều gì, vì vậy khán giả coi tôi như một người bạn.”
Thật vậy, đối với người dân Hồng Kông, Châu Nhuận Phát có lẽ là ngôi sao dễ gặp nhất khi nam diễn viên thường xuyên chọn các phương tiện giao thông công cộng khi đi lại. Và ông cũng được mọi người trao danh hiệu diễn viên thích chụp ảnh cùng người hâm mộ nhất. Chỉ cần tra Google với từ khóa “Chow Yun Fat selfie”, ta sẽ gặp vô số những ảnh như vậy. Nam diễn viên chia sẻ rằng việc chụp ảnh chung với người hâm mộ sẽ đem đến niềm vui hạnh phúc cho người chụp và cho cả chính ông:
“Nếu bạn có thể làm cho một người khác thấy hạnh phúc, đó cũng chính là phúc phần của bạn. Có rất nhiều điều bất hạnh đang diễn ra trên trái đất này và nếu bạn có thể giúp cho ai đó cảm thấy hạnh phúc hơn trong giây lát thì đó cũng là một điều rất hữu ích.”
Có lẽ không có cô gái hay chàng trai Hồng Kông nào xem Châu Nhuận Phát là một biểu tượng theo kiểu Trương Quốc Vinh hay Mai Diễm Phương... Đó là vì Châu Nhuận Phát hiện diện trong cuộc sống thực của họ và không ai xem đứa con trai nhà hàng xóm là biểu tượng của một điều gì đó phi thường cả. Chúng ta có thể kết luận rằng sức hút của ngôi sao Châu Nhuận Phát có liên quan mật thiết đến sự gần gũi của ông với cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương. Người Hồng Kông không phải đang xem một diễn viên đóng vai tiểu sinh được lý tưởng hóa trên màn ảnh, mà họ đang chứng kiến sự trưởng thành của một thanh niên đến từ chính cộng đồng của họ. Châu Nhuận Phát chính là giấc mơ có thực, giấc mơ gần gũi trong cuộc sống của người Hồng Kông. Chính sự không phi thường đó lại tạo nên một Châu Nhuận Phát phi thường trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông.
Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn người Hồng Kông bắt đầu đặt câu hỏi về bản sắc của họ hơn bao giờ hết. Sự tiến bộ kinh tế nhanh chóng đã biến Hồng Kông thành một đô thị phồn vinh vào những năm 1970, trong khi Trung Quốc đại lục đang phải loay hoay với cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu các dịch vụ công cộng và một hệ thống tài chính hỗn loạn sau mười năm Cách mạng Văn hóa. Mặc dù những cải cách kinh tế ở Trung Quốc đại lục bắt đầu vào năm 1978, nhưng điều kiện sống và đời sống vật chất ở Hồng Kông tiến bộ hơn nhiều so với ở Trung Quốc đại lục. Trong bối cảnh này, người Hồng Kông bắt đầu đặt câu hỏi về bản sắc của mình. Tư tưởng chính trị khác nhau của Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng khiến người dân Hồng Kông suy xét lại về vấn đề “là người Trung Quốc”, đặc biệt là khi tin đồn chính phủ Trung Quốc và chính phủ Anh đang đàm phán về việc trao trả chủ quyền Hồng Kông rộ lên vào cuối những năm 1970. Bên cạnh đó, tin tức về việc trao trả chủ quyền cũng nhắc nhở công dân Hồng Kông về bản chất thuộc địa của thành phố này.
Khi phát hiện mình không thể tham gia vào các cuộc đàm phán Sino - British diễn ra từ năm 1982, người Hồng Kông xem đây là một lời cảnh tỉnh về tiếng nói chính trị của họ trong tư cách công dân Hồng Kông. Tình trạng chính trị đặc biệt của thành phố, thành tựu kinh tế đáng chú ý và mối quan tâm của cộng đồng về tương lai Hồng Kông đều là những yếu tố khiến người dân địa phương củng cố mong muốn kiểm soát cộng đồng của mình. Với vai trò là một thanh niên Hồng Kông thành công với nỗ lực đưa sự nghiệp diễn xuất của mình trải rộng khắp ngành truyền thông, Châu Nhuận Phát mang đến cho khán giả địa phương niềm hy vọng rằng thanh niên Hồng Kông có thể định đoạt số phận của chính mình.
Sự nổi tiếng của Châu Nhuận Phát ở Hồng Kông không thể tách rời khỏi sự nghiệp phim truyền hình trong thời kỳ đầu của ông và nhận thức ngày càng tăng của người Hồng Kông về bản sắc của họ. Sự phổ biến của ti-vi vào giữa những năm 1970 đã tạo ra một lượng lớn khán giả và người hâm mộ cho ngôi sao truyền hình Hồng Kông. Với vai trò một ngôi sao kiểu tiểu sinh hàng đầu tại TVB, Châu Nhuận Phát đóng vai chính trong nhiều bộ phim truyền hình được chiếu vào các khung giờ vàng. Việc xem các vai diễn của Châu Nhuận Phát trên màn ảnh nhỏ đã trở thành hình thức giải trí phổ biến trong đời sống hàng ngày. Hình ảnh tiểu sinh hiện đại của Châu Nhuận Phát không chỉ giúp ông bước đầu đạt được vị trí ngôi sao, mà còn thỏa mãn nhu cầu của công chúng về những chương trình truyền hình phản ánh cuộc sống của người dân địa phương bình thường. Không giống với hình tượng tiểu sinh tiền hiện đại, vốn thể hiện mối liên hệ tưởng tượng với quá khứ xa xôi, hình ảnh tiểu sinh hiện đại của Châu Nhuận Phát thường hướng về hiện thực và tạo ra cảm giác gần gũi.
Mặc dù địa vị ngôi sao truyền hình của Châu Nhuận Phát được kiểm soát tốt bởi hệ thống quản lý ngôi sao của đài TVB, hình ảnh thanh niên thành thị lãng mạn của ông lại là kết quả của “sự hợp tác” giữa khán giả bản địa, nhận thức của người hâm mộ về những thay đổi trong xã hội Hồng Kông và cơ chế phân vai của hãng phim. Khi nền kinh tế Hồng Kông phát triển nhanh chóng, khán giả địa phương bắt đầu kỳ vọng một biểu tượng mới có thể đại diện cho tinh thần đô thị hiện đại của thành phố này. Trong khi cơ chế phân vai trong ngành công nghiệp phim truyền hình Hồng Kông vẫn chú trọng vẻ bề ngoài và sức hấp dẫn cả hai giới của nam chính, sự thay đổi trong hình ảnh tiểu sinh của Châu Nhuận Phát phản ánh những thay đổi xã hội đang diễn ra tại Hồng Kông. Thành phố này đang trải qua quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và có nhận thức về sự thay đổi chính trị ngày càng tăng.
Tuy các vai diễn trong các bộ phim truyền hình làm giảm tính phi thường của hình tượng Châu Nhuận Phát, nhưng chúng lại mang đến cho người dân địa phương cơ hội theo dõi quá trình một thanh niên thay đổi và tự kiểm soát số phận của mình qua màn ảnh nhỏ. Sự nổi tiếng của hình ảnh tiểu sinh Châu Nhuận Phát đã đáp ứng khát vọng thành công của người dân địa phương, phù hợp với nhận thức của họ về bản thân và xã hội Hồng Kông.
Những phát biểu trên cho thấy hình tượng diễn viên tài năng của Châu Nhuận Phát đã được các chuyên gia điện ảnh công nhận cả trong lẫn ngoài ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông. Điều này cũng được xác nhận qua danh sách rất nhiều giải thưởng diễn xuất mà Châu Nhuận Phát giành được. Từ năm 1985 đến năm 1996, Châu Nhuận Phát được đề cử gần như hàng năm, thậm chí có những năm ông còn nhận được hai đến ba đề cử. Với các vai diễn trong nhiều thể loại phim khác nhau, bao gồm nhạc kịch, hành động, hài, lãng mạn, phim kinh dị, tiểu sử và phim điện ảnh phương Tây, Châu Nhuận Phát thật sự là một trong những diễn viên linh hoạt và được hoan nghênh nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông.
Địa vị ngôi sao truyền hình hàng đầu vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 của Châu Nhuận Phát đã giúp ông mở ra cánh cửa đến với ngành công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên, nhiều bộ phim điện ảnh đầu tiên của ông, như Massage Girls (1976), Bed for Day, Bed for Night (1977) và Miss O (1978), chỉ mang lại cho ông danh tiếng “thuốc độc phòng vé”. Mãi đến năm 1986, Châu Nhuận Phát mới đạt được cột mốc quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất cũng như thành công thương mại trong bộ phim Bản Sắc Anh Hùng (A Better Tomorrow) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm. Kể từ đó, hình ảnh Châu Nhuận Phát như một ngôi sao điện ảnh lớn, một diễn viên tài năng đã được tung hô rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Cuối thập niên 1970 và nửa đầu thập niên 1980 có thể được xem là thời kỳ quan trọng mà trong đó hình ảnh ngôi sao của Châu Nhuận Phát được (tái) xây dựng, từ ngôi sao truyền hình thành ngôi sao điện ảnh. Để hiểu hình ảnh diễn viên của Châu Nhuận Phát, chúng ta cần xem xét trong bối cảnh xã hội và lịch sử rộng lớn hơn của điện ảnh Hồng Kông.
Chúng ta không thể hiểu diễn xuất của diễn viên và sự sáng tạo nhân vật của họ nếu không có hiểu biết về thực tiễn ngành công nghiệp phim điện ảnh và nhu cầu của khán giả trong một thị trường cụ thể. Kỹ năng diễn xuất thường quyết định sức hút của diễn viên trên màn ảnh và ảnh hưởng đến toàn bộ sự nghiệp của họ. Việc chuyển đổi hình ảnh đại chúng của Châu Nhuận Phát từ một ngôi sao truyền hình sang ngôi sao điện ảnh, cùng với những cuộc thảo luận công khai về diễn xuất của ông, mang đến góc nhìn mới về thay đổi của nền điện ảnh Hồng Kông trong mối tương quan với những thay đổi xã hội diễn ra ở thành phố này đầu những năm 1980.
Vậy chính xác thì điều gì đã giúp Châu Nhuận Phát xây dựng danh tiếng diễn viên tài năng? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết một chút về lịch sử điện ảnh Hồng Kông. Kể từ năm 1932, khi ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông bước vào kỷ nguyên âm thanh, phim tiếng phổ thông và tiếng Quảng Đông đã trở thành hai dòng phim chính thống của điện ảnh địa phương. Mặc dù khác nhau về ngôn ngữ, phân khúc thị trường và cách sản xuất, cả hai dòng phim này đều có một điểm chung, đó là phong cách diễn xuất chịu ảnh hưởng rất lớn từ sân khấu kịch Trung Quốc. Trong những năm đầu của nền điện ảnh tiếng phổ thông ở Hồng Kông, lối diễn xuất của diễn viên thường chú ý kiểm soát chuyển động, nhịp điệu, cử chỉ cơ thể và biểu cảm trên khuôn mặt - giống với tiêu chí của nghệ thuật sân khấu. Trong khi đó, nền điện ảnh tiếng Quảng Hồng Kông ngay từ đầu đã nhìn thấy tiềm năng chiếm lĩnh thị trường của các tác phẩm chuyển thể từ những vở tuồng truyền thống Trung Quốc. Nhiều bộ phim tiếng Quảng thời kỳ này chỉ cần khoảng bảy ngày cho toàn bộ quá trình sản xuất (bao gồm cả quay phim và hậu kỳ) và được xem như một video ghi lại các màn trình diễn của các ngôi sao sân khấu.
Từ những năm 1950 đến đầu những năm 1970, phim ảnh tiếng Trung phổ thông (Quan Thoại) và tiếng Quảng Đông tiếp tục phát triển và chịu ảnh hưởng của nhà hát. Trong thời kỳ này, phần lớn phim tiếng Quan Thoại đều theo hai thể loại phổ biến nhất, đó là phim truyền hình cổ trang và phim võ thuật. Trái ngược với sự thịnh vượng của nền điện ảnh Quan Thoại, vốn có sự hỗ trợ tài chính từ các hãng phim lớn, nền điện ảnh tiếng Quảng dần mất đi sức hấp dẫn với công chúng địa phương do chất lượng kém và có quá nhiều kịch bản tương tự nhau. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều chương trình truyền hình tiếng Quảng Đông từ giữa những năm 1960. Số lượng phim tiếng Quảng được sản xuất giảm mạnh hàng năm, đến mức chỉ có một phim được sản xuất vào năm 1971 và không có phim nào được sản xuất vào năm 1972. Năm 1973, một bộ phim hài mang tên The House of 72 Tenants (1973) được phát hành và khán giả địa phương đón nhận nhiệt tình, đánh dấu sự trở lại của điện ảnh tiếng Quảng Đông tại thị trường phim Hồng Kông những năm tiếp theo. Cần lưu ý rằng The House of 72 Tenants, bộ phim tiếng Quảng Đông duy nhất được sản xuất năm 1973, là một tác phẩm được làm lại từ bộ phim cùng tên của Trung Quốc đại lục, vốn được chuyển thể từ một vở hài kịch sân khấu nổi tiếng do Nhà hát hài Dagong Thượng Hải giới thiệu vào năm 1958.
Cũng trong giai đoạn này, thế hệ công dân hậu chiến tranh lớn lên và trở thành một nhóm khán giả chính của phim điện ảnh. Thế hệ trẻ này được giáo dục trong môi trường có nhiều cơ hội tiếp xúc với truyền thông phương Tây và cuộc sống thành thị ở Hồng Kông. Theo nhiều học giả điện ảnh, chính điều này đã bắt đầu định hình bản sắc văn hóa Hồng Kông. Hệ quả là bối cảnh nông thôn, cấu trúc đạo đức xã hội truyền thống lấy gia đình làm cơ sở và các câu chuyện lịch sử trong phim điện ảnh võ thuật, các bộ phim truyền hình và hài kịch không còn đáp ứng được thị hiếu của nhóm khán giả này. Tuy nhiên, ngành công nghiệp phim bảo thủ vào giữa những năm 1970 đã không nhận ra sự thay đổi này và cũng dè dặt trong việc thuê những tài năng mới, trừ vài trường hợp đặc biệt như Hui Brothers. Năm 1977, chính quyền Hồng Kông đã nới lỏng sự kiểm duyệt về hình ảnh gợi cảm và cảnh bạo lực trên các phương tiện truyền thông địa phương. Khi nền điện ảnh tiếng Quảng ở Hồng Kông bước vào thời kỳ đình trệ vào giữa những năm 1970, nhiều hãng phim địa phương đã cố gắng thu hút khán giả trở lại rạp bằng những bộ phim gợi tình hơn là tìm cách cải thiện chất lượng kịch bản và thiết kế nhân vật.
Với bối cảnh như vậy, không khó để hiểu tại sao một số bộ phim của Châu Nhuận Phát ở đầu thời kỳ này được quảng bá như phim truyền hình dành cho người lớn. Như đã đề cập trong chương trước, Châu Nhuận Phát bắt đầu làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh địa phương vào năm 1976. Trong vòng hai năm, ông đã đóng 8 bộ phim cho Goldig Films (HK) Ltd. Các tài liệu quảng cáo cho thấy phần lớn các phim này sử dụng yếu tố tình dục và bạo lực để thu hút sự chú ý của công chúng. Mặc dù Châu Nhuận Phát gần như không xuất hiện trong các cảnh nhạy cảm (như vai diễn trong bộ phim Bed for Day, Bed for Night), các tài liệu quảng cáo thường che giấu thông tin đó bằng cách không tiết lộ cho khán giả biết vai diễn mà ngôi sao đóng trong phim. Đôi khi Châu Nhuận Phát chỉ xuất hiện trong một vai rất nhỏ hoặc vai phụ trong các bộ phim như Miss O và Bed for Day, Bed for Night, nhưng tên của ông lại thường xuất hiện ở đầu danh sách diễn viên trong các tài liệu quảng cáo và ở phần mở đầu phim, như thể ông là nam chính. Sự đánh tráo này rõ ràng đã thể hiện ý đồ của Goldig Films, đó là lợi dụng sự nổi tiếng (bên mảng phim truyền hình) và sức hấp dẫn của Châu Nhuận Phát để thu hút khán giả đến rạp. Và khi Châu Nhuận Phát thật sự có phô diễn cơ thể của mình trong một bộ phim, hãng phim lập tức biến điều này thành yếu tố câu khách một cách lộ liễu. Trong cả hai trường hợp, Châu Nhuận Phát và các nhân vật của ông đã trở thành một phần của nhãn mác người lớn phục vụ cho chiến lược quảng bá sản phẩm.
Những bộ phim như thế này không quan tâm đến việc quảng bá Châu Nhuận Phát như một diễn viên có thực lực, mà chỉ đơn giản là tiếp tục khai thác hình ảnh Châu Nhuận Phát như một chàng trai trẻ và quyến rũ - không khác gì hình ảnh tiểu sinh, vốn đã giúp anh trở thành một ngôi sao truyền hình nổi tiếng. Tuy nhiên, yếu tố tình dục và bạo lực không cứu được thị trường điện ảnh địa phương. Trên thực tế, nhiều bộ phim điện ảnh thời kỳ đầu của Châu Nhuận Phát đã thất bại tại phòng vé. Phản ánh này chứng tỏ sự tập trung một chiều vào vẻ ngoài quyến rũ của diễn viên không đủ để thu hút khán giả địa phương (bao gồm cả người hâm mộ Châu Nhuận Phát trên truyền hình). Thất vọng với cách làm việc này của ngành công nghiệp điện ảnh, Châu Nhuận Phát quyết định tập trung vào sự nghiệp phim truyền hình địa phương và không tham gia bất kỳ bộ phim điện ảnh nào trong gần hai năm.
Tình hình chỉ bắt đầu thay đổi vào cuối những năm 1970. Trước những thành tựu của các tài năng trẻ, như Hứa An Hoa và Từ Khắc trong ngành truyền hình, các hãng phim bắt đầu xem xét lại chiến lược sản xuất của họ sau khi ngành công nghiệp điện ảnh trải qua vài năm trì trệ. Bên cạnh việc kết hợp nhiều thể loại phim phổ biến với nhau, các hãng phim cởi mở hơn với việc đầu tư vào các thể loại phim khác, chứ không còn quanh quẩn với phim võ thuật, phim truyền hình nhiều tập và phim hài. Ngoài ra, sự suy yếu của hệ thống hãng phim khiến nền điện ảnh tiếng Quan Thoại ở Hồng Kông đi xuống và góp phần làm tăng hình thức sản xuất phim độc lập. Một số lượng đáng kể các tài năng truyền hình trẻ tuổi đã lấn sân sang màn ảnh rộng. Không giống như thế hệ các nhà làm phim lớn tuổi hơn, như Lý Hàn Tường, Hồ Kim Thuyên và Trương Triệt, vốn đến từ Trung Quốc đại lục hoặc Đài Loan, những nhà làm phim trẻ này là người Hồng Kông bản địa hoặc lớn lên ở Hồng Kông từ nhỏ. Nhiều người trong số họ được đào tạo kiến thức chuyên môn về phim và quá trình sản xuất phim ở nước ngoài. Thế hệ những nhà làm phim mới này được biết đến với những ý tưởng mới mẻ về điện ảnh và mối quan tâm của họ đối với xã hội địa phương. Họ sớm mang đến cái gọi là “Làn Sóng Mới” cho nền điện ảnh tiếng Quảng Đông ở Hồng Kông. Họ rất chịu khó thử nghiệm, nhờ đó đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm xem phim mới mẻ trong những năm đầu thập niên 1980. Trong bối cảnh đó, Châu Nhuận Phát trở lại ngành công nghiệp điện ảnh vào năm 1980 và các vai diễn trên màn ảnh rộng của ông trở nên đa dạng hơn, phù hợp với sở thích của thế hệ các nhà làm phim trẻ.
Một thay đổi rõ ràng mà thế hệ các nhà làm phim trẻ mang lại là sự nhấn mạnh vào cảm xúc của nhân vật, một điều được thể hiện rõ qua nhiều bộ phim của Châu Nhuận Phát vào đầu những năm 1980. Chẳng hạn, tờ rơi quảng cáo cho bộ phim Hồ Việt Đích Cố Sự (1981) đã thể hiện một số cảnh phim như vậy. Trong đó có cảnh nhân vật Hồ Việt của Châu Nhuận Phát ôm người bạn tị nạn Shum Ching (do Chung Sở Hồng đóng), nắm tay người bạn Li Lap-quan (do Mâu Khiên Nhân đóng) qua tấm vách lưới giữa họ, cùng người bạn phố Tàu Sarm (do La Liệt đóng) chiến đấu với băng đảng giang hồ và buồn bã ôm một cậu bé trong tay khi đang ngồi trên một chiếc thuyền tị nạn nhỏ. Những hình ảnh này thể hiện sự phức tạp của câu chuyện, của tâm lý nhân vật chứ không xoay quanh ngoại hình thu hút của Châu Nhuận Phát, từ đó hé mở cho khán giả biết các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống đầy kịch tính của nhân vật chính. Không những vậy, những cụm từ khóa như “mất mát”, “trôi dạt”, “nguồn cội” và “tuyệt vọng” được lặp đi lặp lại với tác dụng hướng sự chú ý của người đọc đến những tranh đấu của nhân vật trong hành trình đi tìm bản thân.
Sự tập trung vào cảm xúc phức tạp của nhân vật và các mối quan hệ xã hội đã đề cập nhiều lần trong các bài phê bình phim và các cuộc thảo luận về những thay đổi trong xã hội Hồng Kông. Đối với nhiều nhà phê bình, cảm xúc mãnh liệt trong các nhân vật của Châu Nhuận Phát là một biểu hiện của tâm lý xã hội trong những năm đầu thập niên 1980. Theo các nhà phê bình phim này, trải nghiệm của nhân vật đã nhắc nhở người Hồng Kông về bản sắc của họ trong một lãnh thổ thuộc địa, gợi lên cảm giác về cội nguồn/không nguồn cội, hy vọng/tuyệt vọng và gia đình/vô gia cư. Sự thay đổi về hình ảnh Châu Nhuận Phát trong các tài liệu quảng cáo cũng như cách các báo viết về các bộ phim của ông cho thấy ngành công nghiệp điện ảnh và thị trường của Hồng Kông bắt đầu chuyển sự chú ý từ vẻ ngoài ưa nhìn sang cách ông thể hiện cảm xúc của nhân vật. Theo cách này, sự phong phú trong cách diễn đạt biểu cảm nhân vật chính là phép thử kỹ năng diễn xuất của Châu Nhuận Phát. Phép thử này đã đưa Châu Nhuận Phát lên một tầm cao xứng đáng với tài năng của mình.
GIẢI MÃ SỨC HÚT DIỄN XUẤT CHÂU NHUẬN PHÁT
“Tôi nghĩ sự nổi tiếng của Châu Nhuận Phát chủ yếu là kết quả của việc khán giả say đắm những cảm xúc mạnh mẽ mà anh thể hiện qua các nhân vật trên màn ảnh. Anh cũng có ngoại hình thu hút và kỹ năng diễn xuất cực kỳ giỏi, có khả năng biến những cảnh phim tầm thường nhất trở nên thú vị.”
- Sek Kei, nhà phê bình phim
Nhận định trên cho thấy sức hút màn ảnh của Châu Nhuận Phát không chỉ dựa vào ngoại hình, mà quan trọng hơn là dựa vào diễn xuất của anh, yếu tố đáp ứng kỳ vọng của khán giả địa phương về một nhân vật được diễn tròn vai và thể hiện những cảm xúc phức tạp. Tuy nhiên, người ta có thể lập luận rằng: một diễn viên không nhất thiết trở thành một diễn viên giỏi chỉ bằng một vai diễn đa sầu, đa cảm. Đối với công chúng, khả năng mang đến một màn trình diễn thuyết phục là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự chuyên nghiệp của một diễn viên. Một màn diễn xuất tốt không hoàn toàn phụ thuộc vào diễn viên và trong nhiều trường hợp thì cảm nhận của diễn viên rất khác với những gì khán giả tin vào.
Theo hướng này, các bài phê bình phim cho chúng ta thấy nhận thức của cộng đồng địa phương về diễn xuất của Châu Nhuận Phát tại thời điểm đó. Trong các bài phê bình của Sek Kei và Huang Zhi về Hồ Việt Đích Cố Sự, cả hai nhà phê bình đều sử dụng các từ như “cảm động” và “thuyết phục” để mô tả diễn xuất của Châu Nhuận Phát. Theo họ, Châu Nhuận Phát truyền đạt cảm xúc mạnh mẽ của nhân vật một cách hoàn hảo thông qua diễn xuất tinh tế của ông. Tương tự, nhà phê bình Qi Fuhui nhận xét rằng Châu Nhuận Phát và các bạn diễn của ông trong bộ phim Hong Kong 1941 đã làm một công việc tuyệt vời khi mang đến một màn trình diễn thuyết phục và ấn tượng. Bình luận từ các chuyên gia đều cho rằng Châu Nhuận Phát có khả năng diễn tròn vai và thể hiện được những cung bậc cảm xúc của nhân vật.
Các bài viết của những nhà phê bình phim về diễn xuất của Châu Nhuận Phát trong các bộ phim hậu 1980 của ông có tư tưởng tương đồng với nội dung của các tài liệu quảng cáo phim. Thay vì nhấn mạnh quá nhiều vào ngoại hình, sự quyến rũ hình thể của Châu Nhuận Phát như trong các bộ phim truyền hình và điện ảnh đầu tiên của ông, các bộ phim điện ảnh sau những năm 1980 của Châu Nhuận Phát đã chú ý nhiều hơn đến thực lực diễn xuất của ông, dù vài bộ phim trong số đó có yếu tố gợi tình rõ ràng, như Hoa Thành (The Last Affair, 1983) và Mộng Trung Nhân (Dream Lovers, 1986). Cụ thể, tài liệu quảng cáo ban đầu cho Hoa Thành đã tiết lộ rằng nhân vật của Châu Nhuận Phát là người đàn ông đa tình và luôn mờ mịt về cuộc sống của mình. Tài liệu này cũng sử dụng cuộc hôn nhân ngắn ngủi của Châu Nhuận Phát (với nữ diễn viên Dư An An, lý do chia tay: không hợp tính cách - Dư An An thích ồn ã tiệc tùng, còn diễn viên Châu Nhuận Phát thì không) - để gợi ý rằng bản thân ông cũng là người tìm đến nhiều mối quan hệ tình cảm lãng mạn khác nhau để che giấu cảm giác bất an. Điều tương tự có thể được nhìn thấy trong tập sách quảng cáo cho Khuynh Thành Chi Luyến (Love in a Fallen City, 1984), trong đó một bài viết có tựa đề “Triết lý tình yêu của Châu Nhuận Phát” nhấn mạnh rằng Châu Nhuận Phát và vai diễn của anh có nhiều điểm tương đồng về sự đa tình cũng như thái độ đối với các mối quan hệ lãng mạn. Quảng cáo này ẩn ý rằng tin đồn về mối quan hệ lãng mạn của Châu Nhuận Phát và bạn diễn Mâu Khiên Nhân (cũng chính là bạn gái đầu tiên của Châu Nhuận Phát) có thể là sự thật.
Trường hợp “vai diễn phản ánh diễn viên” này rõ ràng cho thấy Châu Nhuận Phát hoàn toàn phù hợp với các nhân vật mà ông diễn, như nhà phê bình Richard Dyer đã mô tả. Tuy nhiên, khái niệm của Dyer về “sự phù hợp hoàn hảo” cũng gợi ý rằng cách định hình nhân vật của Châu Nhuận Phát là dựa vào sự cá nhân hóa, tức là vai diễn cho thấy những đặc điểm của bản thân diễn viên. Sự cá nhân hóa này thường dẫn đến nhận thức cho rằng diễn viên tự nhập vai chính mình và trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với danh tiếng chuyên nghiệp của một ngôi sao. Nó khơi gợi những chỉ trích về việc diễn viên không có khả năng đóng vai người khác, mà chỉ có thể diễn chính bản thân mình trên màn ảnh.
Nhiều nhà nghiên cứu điện ảnh, trong đó có Barry King nhận định rằng diễn xuất tốt có nghĩa là tính cách thật của diễn viên sẽ biến mất trong vai diễn, từ đó tạo thành khái niệm “nhập vai”. Nhà phê bình McDonald cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng yếu tố quyết định sự chuyên nghiệp của diễn viên chính là khả năng nhập vai chứ không phải khả năng cá nhân hóa nhân vật. Các lập luận này đều nhấn mạnh sự khác biệt giữa diễn viên và nhân vật có thể cho thấy khả năng diễn xuất của diễn viên ở mức nào. Theo đó, sự chuyên nghiệp của diễn viên thường được đánh giá bởi khả năng loại bỏ những khác biệt này bằng cách biến mình thành nhân vật, thay vì biến đổi nhân vật cho phù hợp với bản thân.
Điều thú vị là mặc dù các tài liệu quảng cáo cho những bộ phim của Châu Nhuận Phát vào đầu những năm 1980 đã tung hô thực lực diễn xuất của ông bằng cách nhấn mạnh vào sự tương đồng giữa ông và các vai diễn của ông, chúng cũng đồng thời làm nổi bật sự khác biệt giữa hai hình tượng này. Đây chính là sự khác biệt về chiến lược quảng bá ngôi sao giữa các bộ phim điện ảnh thời kỳ “Làn Sóng Mới” với những bộ phim đầu tiên của Châu Nhuận Phát. Trong tập sách quảng cáo cho Hoa Thành, bối cảnh gia đình giàu có, nền tảng giáo dục đại học ở nước ngoài và tính lý tưởng của nhân vật hoàn toàn trái ngược với xuất thân thuộc tầng lớp lao động, trình độ học vấn hạn chế và thái độ sống thực tế của Châu Nhuận Phát. Chiến lược này cho thấy nền điện ảnh “Làn Sóng Mới” không có ý định bỏ qua hoặc xem nhẹ sự khác nhau giữa hình tượng ngôi sao Châu Nhuận Phát và hình ảnh nhân vật trong phim. Thay vào đó, sự khác biệt này được tận dụng để quảng bá năng lực diễn xuất của Châu Nhuận Phát, người có thể xử lý những xung đột đó bằng cách cam kết hóa thân vào vai diễn.
Trong khi khả năng thể hiện các nhân vật đa cảm của Châu Nhuận Phát đã được các nhà phê bình phim công nhận, phong cách diễn xuất cũng đã định hình danh tiếng diễn viên của ông. Trên các phương tiện truyền thông địa phương, diễn xuất của Châu Nhuận Phát thường được mô tả là “tự nhiên”, “không gượng ép” và “mới mẻ”. Theo Pan Bingchang, “các nhân vật mà Châu Nhuận Phát tạo ra không chỉ là hình ảnh mà là những con người thật với linh hồn riêng”. Tương tự, đạo diễn Ngô Vũ Sâm nhận xét: “Châu Nhuận Phát rất có chủ ý, rất chân thực. Diễn xuất của anh rất đa dạng và sống động. Anh ấy có khả năng quan sát đáng ngạc nhiên”.
Những nhận xét về năng lực diễn xuất của Châu Nhuận Phát được đưa ra sau khi anh đã tái dựng địa vị ngôi sao cực kỳ thành công của mình tại thị trường Hồng Kông nhờ bộ phim Bản Sắc Anh Hùng năm 1986. Trên thực tế, diễn xuất của Châu Nhuận Phát không phải lúc nào cũng nhận được lời khen ở giai đoạn trước năm 1986, mặc dù ông đã giành được một số giải thưởng diễn xuất vào đầu những năm 1980. Nhà phê bình phim Chen Yaocheng đã chỉ trích gay gắt diễn xuất của Châu Nhuận Phát trong Khuynh Thành Chi Luyến là cứng nhắc, lời thoại đơn giản và nhàm chán.
Xét về những ý kiến khác nhau đối với diễn xuất của Châu Nhuận Phát, đạo diễn Vương Tinh đã có một nhận định sâu sắc về sự thay đổi phong cách diễn xuất của ngôi sao này:
“Ma lực trong diễn xuất của Châu Nhuận Phát là gì? Hãy để tôi nói cho bạn biết, đó chính là đôi mắt và thái độ ‘không quan tâm’ trên gương mặt anh ấy. Vì sự ‘bất cần’ này, anh diễn xuất tự do và tự nhiên. Tuy nhiên, vẻ không quan tâm của anh không phải là bẩm sinh. Anh đã cường điệu vai diễn của mình trên truyền hình cho đến khi nắm bắt được bản chất của sự bất cần và sự tự nhiên trong Võng Trung Nhân và Bến Thượng Hải. Vấn đề cường điệu vai diễn lặp lại khi Châu Nhuận Phát gia nhập ngành công nghiệp điện ảnh. Cá nhân tôi nghĩ rằng diễn xuất của anh trong Hồ Việt Đích Cố Sự là dở tệ cũng như vai diễn trong Khuynh Thành Chi Luyến, vì anh đã tỏ ra sự để tâm quá nhiều... Tuy nhiên, anh đã giành được giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn trong Hong Kong 1941 ngay khi anh từ bỏ sự chú tâm quá mức… Kể từ đó, anh đã nhận ra tầm quan trọng của phong cách diễn xuất ‘bất cần, không quan tâm’, nhập vai một cách tự nhiên như hơi thở.”
Từ những bình luận trên, chúng ta có thể thấy mặc dù Châu Nhuận Phát đã được giới thiệu là một diễn viên giỏi trong nhiều bộ phim sau những năm 1980, nhưng ông không thật sự được công nhận là một diễn viên giỏi trong ngành điện ảnh cho đến khi vượt qua xu hướng cường điệu vai diễn và nhận thức được tầm quan trọng của cái mà Siegfried Kracauer gọi là “tự nhiên như hơi thở”.
Như đã đề cập trong phần đầu của chương này, trước những năm 1970, phong cách diễn xuất trong phim điện ảnh Hồng Kông (cả tiếng Quảng Đông và Quan Thoại) chịu nhiều ảnh hưởng của nghệ thuật nhà hát. Vào thời điểm đó, thường chỉ có người phương Tây và giới thượng lưu Trung Quốc giàu có, có học thức, mới đi xem phim nước ngoài. Song song với quá trình cải cách giáo dục và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, ngày càng nhiều công dân trẻ địa phương tiếp cận với điện ảnh phương Tây ở Hồng Kông. Trong những năm 1960 và 1970, nhiều sinh viên địa phương đã thể hiện niềm đam mê điện ảnh của họ bị ảnh hưởng bởi các bộ phim Underground * của Mỹ và phong trào “Làn Sóng Mới” của Pháp. Vì các cơ sở giáo dục sau trung học ở Hồng Kông không cung cấp các chương trình đào tạo chính thức về phim ảnh trong giai đoạn này, nhiều người trẻ quyết định học chuyên ngành này (theo hướng phê bình phim hoặc sản xuất phim) ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Cần lưu ý, Chủ nghĩa Hiện thực bắt đầu len lỏi vào các rạp chiếu phim ở châu Âu, Mỹ vào những năm 1960. Khi nhóm du học sinh này trở về Hồng Kông và gia nhập ngành công nghiệp điện ảnh với tư cách là một thành viên của nhóm đạo diễn “Làn Sóng Mới”, quá trình học tập và tiếp xúc với truyền thông phương Tây đã ảnh hưởng đến sự hiểu biết về thẩm mỹ phim và về nhận thức của họ đối với diễn xuất trên màn ảnh.
* Phim Underground được hiểu nôm na là những bộ phim có kinh phí thấp và không chính thống.
Châu Nhuận Phát từng nhận định trong một cuộc phỏng vấn: một diễn viên cần học cách tự điều chỉnh để tạo ra một nhân vật không chỉ phù hợp với ý tưởng sáng tạo của riêng mình, mà còn phù hợp với sự sáng tạo của những thành viên khác trong đoàn làm phim, như đạo diễn và biên kịch. Ông cũng thừa nhận rằng mình đã cố gắng học các kỹ thuật diễn xuất khác nhau bằng cách xem phim của các diễn viên khác để cải thiện kỹ năng diễn xuất của mình. Điều này cho thấy ông đã có ý thức áp dụng các chiến thuật khác nhau để loại bỏ (hoặc ít nhất là giảm bớt) sự khác biệt tính cách giữa ông và nhân vật, ngoài việc nỗ lực học hỏi từ những người khác để cải thiện các kỹ năng diễn xuất của mình.
Có thể thấy khả năng “phớt đời” của Châu Nhuận Phát có liên quan đến việc kiểm soát kỹ năng diễn xuất của ông và bộ máy điện ảnh. Kết quả của quá trình liên tục học hỏi và thực hành này là Châu Nhuận Phát ngày càng thành thạo khả năng diễn xuất tự nhiên trên màn ảnh. Từ đó cho thấy nỗ lực của ông trong việc trau dồi khả năng diễn xuất chuyên nghiệp của mình, điều được công nhận bởi ngành công nghiệp và thị trường điện ảnh vào thời điểm đó. Sự áp dụng phong cách diễn xuất theo chủ nghĩa tự nhiên của Châu Nhuận Phát chứng minh ông đã nắm bắt được xu hướng thẩm mỹ điện ảnh mới bằng cách nương theo sự thay đổi trong nhận thức về diễn xuất của nền công nghiệp điện ảnh Hồng Kông.
Có một điều cần lưu ý là nhiều nhà phê bình phim địa phương vẫn theo quan điểm rằng diễn viên không được xem là một trong những tác giả của bộ phim. Sự xuất hiện của điện ảnh “Làn Sóng Mới” ở Hồng Kông đã thu hút được sự chú ý đáng kể từ các học giả điện ảnh nhưng có rất ít nghiên cứu thật sự tập trung vào các diễn viên thời đó. Các nghiên cứu và phê bình chỉ đơn giản là bỏ qua tầm quan trọng của diễn viên trong bộ phim. Đặc biệt, thuyết Auteur (đạo diễn) của thập niên 1970 có tác động đáng kể đến giới phê bình phim Hồng Kông trong những năm 1970 và 1980. Hai nhà nghiên cứu điện ảnh Peter Krämer và Alan Lovell nhận định, thuyết Auteur đặt đạo diễn vào vị trí trọng tâm, trong khi đóng góp của diễn viên cho bộ phim “nếu được thừa nhận thì vẫn phụ thuộc vào sự chỉ đạo tài năng của đạo diễn”. Tuy sự nhấn mạnh vào sáng tạo cá nhân trong thuyết Auteur đã bị thách thức bởi quan điểm cho rằng sản xuất phim là một quá trình hợp tác, vai trò của diễn viên vẫn khuất sau quá trình hậu kỳ, âm thanh, bối cảnh, trách nhiệm của đạo diễn và diễn giải cá nhân của khán giả.
Khi xem các ngôi sao và diễn viên như “con rối của đạo diễn” - theo lời Krämer và Lovell - những cuộc thảo luận về vai trò của sự sáng tạo trong hoạt động sản xuất phim cho thấy có sự thay đổi khác trong nền văn hóa điện ảnh của Hồng Kông (tiếng Quảng Đông) từ những năm 1970. Cuối những năm 1970, đạo diễn bắt đầu đóng vai trò đầu tàu sáng tạo trong nền điện ảnh. Mặc dù các ngôi sao là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư và quảng bá một bộ phim, vai trò của họ trong quá trình làm phim nói chung đã bị giảm đi. Các nhà phê bình nhận định rằng, các ngôi sao có trách nhiệm phục tùng sự chỉ đạo của các đạo diễn “Làn Sóng Mới”. Ở mức độ nào đó, nhận định này khiến công chúng dễ tha thứ cho những màn diễn xuất không thành công của ngôi sao.
TƯỢNG ĐÀI BẢN SẮC ANH HÙNG
Trong mười năm, từ 1976 đến 1985, nền điện ảnh Hồng Kông đã đạt đến một giai đoạn đột phá mới. Sự xuất hiện của các đạo diễn “Làn Sóng Mới” bắt đầu thách thức các cơ chế cũ trong nền điện ảnh địa phương và từ từ thay đổi cách hoạt động của ngành về mặt quay phim, kỹ xảo điện ảnh, cách tiếp cận vấn đề và nhận thức về phong cách diễn xuất. Điện ảnh Hồng Kông ngày càng tập trung hơn vào cách kể chuyện và cảm xúc của các nhân vật. Châu Nhuận Phát đã có cơ hội thể hiện tài năng diễn xuất của mình thông qua các vai diễn trong các bộ phim “Làn Sóng Mới”, vốn làm nổi bật những đấu tranh cảm xúc của nhân vật trong một thế giới đang thay đổi. Như đã đề cập trong chương trước, vị trí của Châu Nhuận Phát tại TVB đã nhanh chóng bị các diễn viên mới chiếm giữ ngay sau khi ông kiên quyết nhận vai diễn trong Hồ Việt Đích Cố Sự. Tuy nhiên, vị thế ngôi sao truyền hình số một của ông bị lung lay không hoàn toàn là một điều xấu, ngược lại nó giúp xóa đi mối liên hệ của Châu Nhuận Phát với hình ảnh đã được tạo dựng trên màn ảnh nhỏ và buộc ông phải nỗ lực đóng các vai khác nhau ở các thể loại phim khác nhau. Điều này đã giúp ông vượt qua được những hạn chế của những vai diễn tiểu sinh.
Mặc dù Châu Nhuận Phát không thật sự thiết lập hình ảnh ngôi sao điện ảnh lớn của mình trong giai đoạn này, nhưng các nhà phê bình lại tập trung hướng mũi dùi về phía các đạo diễn của “Làn Sóng Mới”. Họ chỉ trích các đạo diễn đã tạo không gian cho Châu Nhuận Phát thực hành các kỹ thuật diễn xuất của mình trên màn ảnh rộng vào đầu thập niên 1980. Nhà phê bình điện ảnh Stanley Cavell nhận định: “Quá trình tạo ra một diễn viên (trên màn ảnh) cũng là quá trình tạo ra một nhân vật”. Để tạo ra một nhân vật có sức thuyết phục trên màn ảnh và để khán giả có thể hiểu được cảm xúc, động lực, hành động của nhân vật, diễn viên phải hiểu nhân vật, thể loại phim, cốt truyện, hệ thống điện ảnh và khán giả, cũng như làm chủ các kỹ năng và kỹ thuật diễn xuất (như đài từ, cử chỉ và chuyển động cơ thể).
Khi Châu Nhuận Phát từng bước thành thạo các kỹ năng nhập vai vào nhân vật của mình trên màn ảnh rộng một cách tự nhiên và thoải mái, diễn xuất của ông đã truyền tải được những cảm xúc tinh tế của nhân vật, giúp ông xây dựng hình tượng ngôi sao điện ảnh trong các bộ phim hành động anh hùng sau này như Bản Sắc Anh Hùng (1986) và Điệp Huyết Song Hùng (1989). Nhiều bộ phim tình cảm xã hội nổi tiếng khác như Đồng Thoại Mùa Thu (An Autumn’s Tale, 1987) và Đường Đua Đẫm Máu (All About Ah-Long, 1989 – bộ phim mà Châu Nhuận Phát viết kịch bản cùng biên kịch Trương Ngải Gia) cũng theo xu hướng này. Có thể thấy sự công nhận mà ông nhận được từ công chúng cho những vai diễn phức tạp chính là kết quả của nỗ lực cá nhân, những biến đổi trong văn hóa ngành công nghiệp sản xuất phim và sự thay đổi thị hiếu của thị trường phim ảnh Hồng Kông giai đoạn này. Trong bối cảnh như vậy, bước chuyển đổi trong sự nghiệp và sự thay đổi hình ảnh ngôi sao của Châu Nhuận Phát thật sự phản ánh các xu hướng mới trong nền điện ảnh Hồng Kông.
Nếu xem lại một số tựa phim nổi đình nổi đám, mang tính dấu ấn của điện ảnh Hồng Kông giữa thập niên 1980, ta thường nhìn thấy Châu Nhuận Phát thủ vai chính. Điển hình là Bản Sắc Anh Hùng (1986), bộ phim của đạo diễn Ngô Vũ Sâm đã biến Châu Nhuận Phát thành siêu sao điện ảnh châu Á và mở ra thời kỳ hoàng kim của dòng phim xã hội đen Hồng Kông. Người hâm mộ và giới nghệ sĩ Hồng Kông đã gọi Châu Nhuận Phát là “Phát ca” từ sau bộ phim này. Khi hình dung về Châu Nhuận Phát, công chúng sẽ nhớ mãi hình ảnh đại ca Lý Mã Khắc với áo choàng, kính đen, nụ cười nửa miệng, bắn súng hai tay như một và hình thành nên trường phái “Võ súng Gun-fu”. Hình tượng Châu Nhuận Phát cùng sự sáng tạo Gun-fu từ đạo diễn Ngô Vũ Sâm còn trở thành nguồn cảm hứng cho một số phim hành động Hollywood của các đạo diễn lừng danh như Quentin Tarantino, Robert Rodriguez... Phong cách “võ súng cận chiến” này đã được áp dụng và kế thừa một cách điêu luyện trong những bộ phim Hollywood nổi tiếng như The Matrix, Equilibrium, Captain America: The Winter Soldier... Hiệu ứng ngược chiều lan tỏa từ châu Á sang Hollywood như trường hợp của Châu Nhuận Phát và đạo diễn Ngô Vũ Sâm là hy hữu. Với riêng Hồng Kông và châu Á, hình ảnh Châu Nhuận Phát trong Bản Sắc Anh Hùng đã trở thành biểu tượng tương tự như hình ảnh của huyền thoại điện ảnh Bố Già trong lòng công chúng thế giới nhưng ở tầm vóc nhỏ hơn.
Trong số ba tác phẩm điện ảnh có đề tài xã hội đen hiếm hoi lọt vào Danh sách phim kinh điển Hồng Kông là Bản Sắc Anh Hùng, Thiên Nhược Hữu Tình và Điệp Huyết Song Hùng thì Châu Nhuận Phát xuất hiện trong hai bộ phim. Bản Sắc Anh Hùng cũng xếp hạng thứ hai trong Top 108 phim Hoa ngữ hay nhất mọi thời đại. Trong bảng xếp hạng Phim được người Hồng Kông yêu thích nhất, Bản Sắc Anh Hùng được xếp thứ nhất. Nhân vật Lý Mã Khắc của Châu Nhuận Phát cũng được bình chọn là Nhân vật điện ảnh Hồng Kông khó quên nhất trong lịch sử. Hình ảnh Lý Mã Khắc dùng tờ đô-la Mỹ châm thuốc cũng trở thành một biểu tượng nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh châu Á.
Khi nói đến Bản Sắc Anh Hùng, đây chính là bộ phim định hình cho trường phái “Anh hùng lãng mạn” của điện ảnh hiện đại Hồng Kông thập niên 1980 - 1990. Do sức ảnh hưởng quá lớn của nhân vật Lý Mã Khắc do diễn viên Châu Nhuận Phát thủ vai, công chúng vô hình trung đã nghiễm nhiên đánh đồng hình tượng Châu Nhuận Phát với biểu tượng anh hùng lãng mạn. Nếu phân tích cử chỉ, tính cách của nhân vật Lý Mã Khắc, ngoài yếu tố dũng cảm, nghĩa khí là điều đương nhiên bắt buộc của nam chính hành động - ta còn thấy nhân vật này đại diện cho tính cách của dân Hồng Kông, đặc biệt là tầng lớp lao động và trung lưu. Ở vị thế đại ca nhưng Lý Mã Khắc lại gần gũi, bình dị, biết quan tâm đến nỗi khổ của những người xung quanh, vui tính và có nghĩa cử hào hiệp. Những tính cách này cũng giống với con người thật của Châu Nhuận Phát ngoài đời. Đó có thể là lý do khiến cho ông đã diễn xuất sắc nhân vật này. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, Châu Nhuận Phát là người ghét bạo lực, việc ông thể hiện thành công nhân vật hành động Lý Mã Khắc cho thấy sự nhập vai chuyên nghiệp của ông.
Chúng ta cũng có thể hiểu sâu hơn về Bản Sắc Anh Hùng thông qua lời chia sẻ của đạo diễn Ngô Vũ Sâm về vấn đề quan niệm thẩm mỹ bạo lực: “Bạo lực chưa bao giờ là trọng tâm trong phim của tôi. Tôi chống lại bạo lực, tôi chống lại chiến tranh, tôi chống lại sự giết chóc của con người. Tôi là một người yêu hòa bình. Tôi nghĩ rằng bạo lực phải được dừng lại. Chúng ta cần một anh hùng để ngăn chặn nó. Tôi không cố tình lãng mạn hóa bạo lực, tôi chỉ lãng mạn hóa những anh hùng. Trên thực tế, khi làm một bộ phim, tôi thường không nghĩ về những hiệu ứng tiếp theo của nó và tôi chỉ muốn thể hiện cảm xúc của chính mình. Ví dụ, nếu tôi quay Bản Sắc Anh Hùng , tôi chỉ muốn đặt nhân vật của Châu Nhuận Phát thành một nhân vật kiểu Alain Delon, vì vậy tôi để cậu ấy mặc một chiếc áo choàng dài và kính đen, và tôi không mong đợi vai diễn của cậu ấy phổ biến đến mức mọi người phải bắt chước theo. Những người trẻ tuổi đang học theo cách ăn mặc và cách cư xử của Châu Nhuận Phát trong phim này và tôi không hề nhắm vào điều đó! Tôi không có ý định làm đẹp thế giới ngầm ở Hồng Kông. Đây chắc chắn không phải là ý định ban đầu của tôi để quay Bản Sắc Anh Hùng . Những gì tôi muốn là làm đẹp cho một nhân vật, một anh hùng của các anh hùng. Một số khán giả đã xem phim của tôi và thích thú với bạo lực khi họ hiểu sai thông điệp ban đầu của bộ phim. Tôi biết rằng một số đạo diễn sẽ cân nhắc đặc biệt đến các vấn đề đạo đức khi làm phim, nhưng tôi làm phim theo cách của các nghệ sĩ. Tôi chỉ làm phim và tôi không nghĩ gì nhiều”.
Khi nhắc đến Bản Sắc Anh Hùng, có một điều thú vị nữa, đó là bộ phim này đã tạo nên bước ngoặt quan trọng cho tất cả những người tham gia. Đạo diễn Ngô Vũ Sâm làm nghề lâu năm nhưng chưa có tác phẩm đáng nhớ và ông đang ấp ủ một dự án phim tạo nên một thứ khác biệt gọi là “thẩm mỹ bạo lực”. Nhưng vị đạo diễn tài ba này luôn kẹt tiền và phải xoay xở làm phim trong một chi phí ít ỏi. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo thiếu tiền thực hiện, dự án Bản Sắc Anh Hùng đã có một hành trình hy hữu trong việc tìm kiếm diễn viên. May mắn là diễn viên nam chính mà đạo diễn Ngô Vũ Sâm đặt vào tầm ngắm để mời (với thù lao thấp) mới bị công ty chủ quản sa thải nên sẵn sàng tham gia, đó chính là diễn viên kỳ cựu Địch Long. Trương Quốc Vinh mới lấn sân qua phim điện ảnh và có người tài trợ nên coi như đạo diễn Ngô Vũ Sâm không tốn chi phí. Thời điểm này, Châu Nhuận Phát vẫn còn bị mang danh “thuốc độc phòng vé” dù đang ở vị thế ông hoàng phim truyền hình lừng lẫy và có một vài dấu ấn nhất định trong mảng phim điện ảnh. Tuy nhiên, ông chưa có một phim điện ảnh ăn khách và được ca tụng thực sự. Có thể nói ê kíp thực hiện Bản Sắc Anh Hùng chính là tổ hợp của những người đang gặp rắc rối trong sự nghiệp và đều khát khao khẳng định bản thân.
Ban đầu, nhân vật Lý Mã Khắc là tuyến vai phụ và Ngô Vũ Sâm định mời một diễn viên không phải Châu Nhuận Phát để thủ vai, tuy nhiên, diễn viên này chê vai phụ nên từ chối và nhận một phim khác để đóng vai chính. Đạo diễn Ngô Vũ Sâm bắt buộc phải đi tìm một diễn viên phù hợp để vào vai anh hùng lãng mạn Lý Mã Khắc. Vào đúng thời điểm quan trọng này, Châu Nhuận Phát đã chủ động đi tìm Ngô Vũ Sâm để tự tiến cử mình và thuyết phục: “Đạo diễn, anh có thể cho tôi một cơ hội được không? Dù sao tôi cũng không cần tiền, cũng không muốn tranh vị trí nam chính số một của Địch Long hay nam chính số hai của Trương Quốc Vinh, hãy để Châu Nhuận Phát đóng vai nam thứ ba! Nếu tôi diễn xuất tốt là điều bất ngờ nhưng không may diễn dở thì cũng không thành vấn đề. Anh cũng không cần phải đếm số ngày làm của tôi. Chỉ cần anh cho tôi tham gia vào dự án này thôi”.
Ngô Vũ Sâm kể lại rằng, ông cũng đã tìm hiểu Châu Nhuận Phát qua báo chí và biết anh hay làm từ thiện, sống giản dị... Chính vì điều này, Ngô Vũ Sâm đã xem Châu Nhuận Phát như một anh hùng trong đời thực, một người có nhiều nét tương đồng với nhân vật Lý Mã Khắc, nên quyết định giao vai này cho Châu Nhuận Phát. Trong quá trình quay phim, không những Châu Nhuận Phát thể hiện rất tốt mà còn đóng góp nhiều trong thiết kế, xây dựng hình tượng nhân vật nên Ngô Vũ Sâm cho tăng vai trò của nhân vật Lý Mã Khắc. Khi quay phim, Châu Nhuận Phát đã đề nghị đạo diễn cho mình đưa một phần cuộc sống thực của bản thân vào nhân vật. Ngô Vũ Sâm không từ chối và các chi tiết như Tiểu Mã ngậm que diêm hay cảnh ăn cơm hộp lúc gặp lại Hào ca là do Châu Nhuận Phát tự mình đề xuất thêm. Đây cũng là lý do nhân vật Lý Mã Khắc đã gắn liền với tên tuổi Châu Nhuận Phát bởi phần nào đó, nhân vật này đã mang những nét đặc tính ngoài đời thực của Châu Nhuận Phát. Sau đó, bộ phim thành công vang dội, dẫn đầu doanh thu phòng vé Hồng Kông và nâng Châu Nhuận Phát lên vị thế ngôi sao số một Hồng Kông. Đây cũng là lý do vì sao Châu Nhuận Phát tham gia hai phần tiếp theo để trả nợ ân tình (ông từng nói không thích lặp lại vai diễn nhiều lần).
Bằng diễn xuất tài tình, Châu Nhuận Phát đã biến Tiểu Mã Ca, người chỉ là nam thứ ba của phim thành nhân vật nổi bật xuất sắc và được yêu thích nhất trong Bản Sắc Anh Hùng. Những câu thoại kinh điển của nhân vật này giống như chính Châu Nhuận Phát đang dõng dạc nói với cả thế giới: “Tôi đã không may mắn trong ba năm. Tôi chỉ muốn chờ đợi một cơ hội. Tôi chiến đấu không phải vì muốn chứng tỏ mình vĩ đại hơn người khác. Tôi chỉ muốn nói rằng những thứ mà tôi đã đánh mất, tôi sẽ tự mình lấy lại”. Năm 1987, Châu Nhuận Phát, người bị xem là “thuốc độc phòng vé” đã trở thành “người bảo chứng doanh thu phòng vé”. Liên tiếp nhiều dự án phim sau đó phải xếp hàng đợi một chữ ký của Châu Nhuận Phát. Các bảng xếp hạng điện ảnh đã biến năm 1987 thành “Năm của Châu Nhuận Phát”. Trong số đó phải kể đến Ngục Tù Phong Vân (Prison on Fire, 1987) và Long Hổ Phong Vân (City on Fire, 1987) (do ông trùm Hướng Hoa Cường sản xuất) đều do Lâm Đỉnh Đông - một bạn học cùng khóa của Châu Nhuận Phát - làm đạo diễn. Nếu nhân vật Tiểu Mã của Châu Nhuận Phát đã bị khai tử trong phần đầu của bộ phim vào năm trước thì năm sau đó, không có lý do gì mà các nhà biên kịch và đạo diễn không chiều khán giả để hồi sinh cho nhân vật của Châu Nhuận Phát trong vị trí của người em song sinh, cũng như tuổi trẻ của Lý Mã Khắc trong phần ba của bộ phim.
Có thể nhắc thêm tới Bản Sắc Anh Hùng 3, do đạo diễn Từ Khắc đồng thời làm cả vai trò sản xuất lẫn đạo diễn (vì giám chế Từ Khắc bất đồng với đạo diễn Ngô Vũ Sâm trong quá trình thực hiện Bản Sắc Anh Hùng 2). Bộ phim được quay tại Sài Gòn cuối thập niên 1980 nên nhân vật anh hùng lãng mạn Lý Mã Khắc của Châu Nhuận Phát đã cập bến Sài Gòn (bối cảnh phim là năm 1974). Nếu ai mê phim của đạo diễn Từ Khắc thì đều biết ông là người Hoa gốc Chợ Lớn ở Sài Gòn, nên phim ông làm nhắc đến Việt Nam không chỉ một lần. Bộ phim kể về quá khứ của nhân vật Lý Mã Khắc mà khán giả đã biết trong phần một. Từ cách cười đùa, ăn mặc, phong thái cử chỉ, cách tán tỉnh những cô gái cho đến những trường đoạn hành động khốc liệt, Châu Nhuận Phát đều diễn xuất rất tự nhiên và cuốn hút. Đây là yếu tố lý giải tại sao, cảm giác gần gũi của ngôi sao từ trên phim đến ngoài đời lại tác động sâu sắc đến công chúng bản địa (Hồng Kông) hoặc các thị trường có chút tương đồng về văn hóa, lối sống (như Việt Nam). Khi xem bộ phim này, công chúng Việt Nam còn thấy Quyền Linh đóng vai nhân viên ở sân bay Tân Sơn Nhất, nghệ sĩ Thanh Hoàng (tác giả kịch bản Dạ Cổ Hoài Lang) vào vai phục vụ bàn khi hai tài tử Châu Nhuận Phát và Lương Gia Huy đến nhà hàng bàn chuyện tìm cách quay về Hồng Kông. Và tại cảnh quay đó, còn có một diễn viên quần chúng vào vai ca sĩ Khánh Ly hát Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (sử dụng bản ghi âm trong băng nhạc Sơn Ca 7 của Khánh Ly do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện vào đúng năm 1974).
Bản Sắc Anh Hùng 3 có cảnh Lý Mã Khắc nhìn nhân vật chú Ba lưu luyến chia tay hiệu thuốc Nhân Ái Đường trước khi trở về quê quán Hồng Kông và dặn dò đứa bé mồ côi mà ông nhận nuôi tại Sài Gòn. Lý Mã Khắc lặng lẽ cầm máy ảnh chụp tấm hình họ ôm nhau khóc chia tay. Trước khi rời đi, anh ôm cậu bé và đưa tấm ảnh kỷ niệm cho cậu. Hình ảnh đó thể hiện tính nhân ái, lãng mạn trong con người anh hùng của Lý Mã Khắc. Cảnh phim này còn có đoạn thoại đánh đúng vào tâm lý người Hồng Kông những năm 1989 - thời điểm bộ phim ra mắt. Khi chú Ba nói: “Chúng ta còn trở lại nơi đó làm gì? Năm 1997 đại lục cũng lấy lại Hương Cảng, lúc ấy cũng phải quay lại nơi này”, Lý Mã Khắc cười và nói: “Chú Ba à, giờ mới là năm 1974, còn hai mươi ba năm nữa mới tới năm 1997. Dù sao cũng phải trở về nơi đó chứ”. Có thể nói, hình ảnh Lý Mã Khắc trong Bản Sắc Anh Hùng và diễn viên Châu Nhuận Phát luôn đại diện cho nỗi niềm của người Hồng Kông trước năm 1997.
Điều thú vị là lúc hai ông trùm làng điện ảnh Hồng Kông Ngô Vũ Sâm và Từ Khắc mâu thuẫn với nhau về cách xây dựng kịch bản trong quá trình làm Bản Sắc Anh Hùng 2, dự án riêng của cả hai đạo diễn này đều có mặt của Châu Nhuận Phát. Năm 1989, tiếp tục là Châu Nhuận Phát ghi dấu ấn quan trọng trong bộ phim Điệp Huyết Song Hùng của đạo diễn Ngô Vũ Sâm. Đây là bộ phim đánh dấu cột mốc ảnh hưởng của đạo diễn Ngô Vũ Sâm tới thị trường quốc tế. Đồng thời nhân vật Lý Mã Khắc mà Châu Nhuận Phát thủ vai trong Bản Sắc Anh Hùng 3 (đạo diễn Từ Khắc thực hiện) vẫn lấy đi trái tim khán giả hâm mộ, dù bị đánh giá kịch bản không hay bằng phần một. Trong phần ba này, đất diễn của Châu Nhuận Phát được đẩy lên tối đa, cộng với mối tình lâm ly cùng nữ chính do Mai Diễm Phương thủ vai nên có thể nói hình tượng nhân vật Lý Mã Khắc đã được toàn vẹn trong Bản Sắc Anh Hùng 3. Một thành công đáng kể khiến Bản Sắc Anh Hùng 3 ở mãi trong tiềm thức công chúng chính là ca khúc nhạc phim Tịch Dương Chi Ca. Ca khúc là sáng tác của nhạc sĩ người Nhật Kohji Makaino và nhờ bộ phim này cùng tiếng hát của chính Mai Diễm Phương (người thủ vai Châu Anh Kiệt) nên nó càng trở nên nổi tiếng, được rất nhiều nghệ sĩ châu Á hát lại.
Nhiều nhà phê bình đã xem xét hình ảnh Châu Nhuận Phát như một biểu tượng của bản sắc Hồng Kông, điều này bắt nguồn từ chính con người ông ngoài đời và cả những nhân vật mà ông thủ vai - những anh hùng rất gần gũi, bình dị, dũng cảm, coi thường tiền bạc và trọng nghĩa khí. Châu Nhuận Phát qua diễn xuất đã tạo nên một kiểu thần tượng rất riêng, nói là đậm chất Châu Nhuận Phát cũng đúng mà nói là đậm chất Hồng Kông cũng không sai, đó chính là những anh hùng không có khoảng cách. Khán giả có thể nhìn thấy bản thân mình trong nhân vật anh hùng với những câu chuyện đời thường. Nghĩa khí, lãng mạn, phong lưu, hào sảng, ý thức văn minh, tình yêu quê hương Hồng Kông… những tập tính này trộn lẫn trong hình tượng anh hùng của Châu Nhuận Phát và đồng thời nó cũng định dạng cho bản sắc người Hồng Kông.
Năm 1986 có thể coi là năm định mệnh của Châu Nhuận Phát với cột mốc Bản Sắc Anh Hùng của đạo diễn Ngô Vũ Sâm. Thành công ngay lập tức của bộ phim đã giúp Châu Nhuận Phát trở thành một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất ở Hồng Kông trong thập niên tiếp theo. Bản thân đạo diễn Ngô Vũ Sâm cũng gây được tiếng vang lớn ngoài khu vực Hồng Kông, ông cùng với Châu Nhuận Phát sau này trở thành cặp song hùng đánh đâu thắng đó. Sau bộ phim này, Châu Nhuận Phát trở thành biểu tượng của dòng phim xã hội đen Hồng Kông, ông bắt đầu đóng nhiều phim của thể loại này và cả phim hài. Châu Nhuận Phát không thích bạo lực và chỉ thích những vai diễn nội tâm, tình cảm thế nên ông mang nét diễn nội tâm sâu sắc cùng những sắc thái cảm xúc, ứng xử bình dị vào các nhân vật giang hồ mà mình thủ vai, điều này đã tạo nên thiện cảm sâu đậm của công chúng với các đại ca giang hồ trên phim của Châu Nhuận Phát.
Trong sự nghiệp đóng phim ở Hồng Kông giai đoạn này, Châu Nhuận Phát đã tham gia hơn 70 bộ phim. Diễn xuất của ông không chỉ tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho các hãng phim, mà còn mang lại cho ông nhiều giải thưởng, bao gồm hai giải Nam Diễn viên Xuất sắc nhất từ Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương và Giải thưởng Kim Mã cho vai diễn Yip Kim-fay trong phim Hong Kong 1941 (1984), một giải thưởng Nam Diễn viên Xuất sắc nhất nữa từ Giải thưởng Kim Mã cho vai diễn Samuel, hay Sampan trong Đồng Thoại Mùa Thu (1987) và ba giải thưởng Nam Diễn viên Xuất sắc nhất từ Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông cho các vai diễn trong Bản Sắc Anh Hùng (1986), Long Hổ Phong Vân (1987) và Đường Đua Đẫm Máu (1989) lần lượt vào các năm 1987, 1988 và 1990. Ở giai đoạn hoàng kim này, Châu Nhuận Phát còn tạo nên một dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng qua vai diễn Cao Tiến trong bộ phim Thần Bài (God of Gamblers, 1989) của đạo diễn Vương Tinh. Nếu Bản Sắc Anh Hùng mở ra thời hoàng kim của dòng phim xã hội đen thì Thần Bài còn mở ra hẳn một trường phái phim mới ăn khách tại Hồng Kông. Tương tự trường hợp của nhân vật Lý Mã Khắc, Thần bài Cao Tiến cũng trở thành một nhân vật mang tính biểu tượng của Châu Nhuận Phát.