Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu chúng ta nghe được ở đâu đó rằng một khi đã bước chân vào đại học, bạn không còn phải ngồi học triển miên bảy tiếng đồng hồ liên tục hết môn này đến môn khác. Tùy thuộc vào cách nhà trường sắp xếp môn học cho mỗi kỳ, bạn thường không phải học quá ba môn mỗi ngày. Điều này nghĩa là bạn sẽ thường xuyên đối mặt với những khoảng thời gian tương đối dài giữa các môn học. Có thể là mười phút, hoặc có thể là vài giờ, nhưng trong một môi trường mà việc sắp xếp thời gian biểu hợp lý có tính chất sống còn, cách bạn xử lý những khoảng thời gian này rất quan trọng. Đây là những cám dỗ mọi người thường gặp phải: bạn bước ra khỏi một lớp học chán ngắt uể oải vào buổi sáng. Bạn có hai tiếng rảnh trước khi lớp học của môn tiếp theo bắt đầu. Đó có vẻ là khoảng thời gian tuyệt vời để thư giãn cùng tivi, hoặc thậm chí có thể chợp mắt một lúc, vì dù muốn làm gì thì bạn cũng sẽ vội vàng hoặc đã quá mệt để có thể làm bất cứ thứ gì có ích trong thời gian ngắn như vậy, đúng không? Nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng lại hoàn toàn sai lầm. Đây mới là điều bạn cần làm: Không ngơi nghỉ giữa các môn học!
Có một lý do để bạn làm như vậy, và nó xoay quanh “đà hưng phấn”. Khi bạn vừa lăn ra khỏi giường vào buổi sáng, đó là cuộc vật lộn để bắt đầu chuyển động. Tuy nhiên, một ly cà phê, một bát lớn ngũ cốc, và việc rảo bước tới lớp sẽ giúp động cơ bên trong của bạn bắt đầu chạy. Khi bạn học môn đầu tiên trong ngày, tâm trí của bạn dần tỉnh táo hơn. Bạn trao đổi tương tác với các sinh viên khác, bạn vắt óc để hiểu được bài giảng và bạn hy vọng sẽ gây được ấn tượng với một cô gái xinh đẹp (hay chàng trai bảnh bao nào đó) ngồi ở hàng hai trong giảng đường – đà hưng phấn của bạn đang được tích lũy dần nhiều thêm.
Tuy nhiên, nếu sau môn học đầu tiên bạn trở về nhà và nghỉ ngơi thả lỏng, sự hưng phấn cũng theo đó mà mất đi. Bạn phải bắt đầu lại từ số 0 một lần nữa để vào học môn tiếp theo. Và nếu có thêm một quãng nghỉ giữa các môn học lần nữa, bạn lại phải bắt đầu thêm một lần. Vấn đề ở đây là bạn chỉ có một mức độ năng lượng nào đó cho mỗi ngày, và bạn không thể lãng phí năng lượng đó chỉ để làm đi làm lại việc động viên bản thân. Thay vào đó, bạn cần có một chiến thuật thông minh để ứng phó với những khoảng trống giữa các môn học.
Sử dụng thời gian này sao cho vẫn giữ bản thân năng động và hoàn thành một số những đầu việc cần giải quyết. Đừng cho phép tâm trí bạn có cơ hội kích hoạt chế độ ngừng hoạt động. Nhưng cũng đừng bóc lột bản thân thái quá. Giờ nghỉ giữa các môn học không phải khoảng thời gian phù hợp để làm những bài tập hóc búa. Trừ khi bạn có nhiều hơn một tiếng đồng hồ dư dả, còn không, thời gian không đủ để bạn thiết lập được trạng thái tập trung cần thiết. Vì thế, hãy dành thời gian này để làm một số việc lặt vặt. Trước khi bạn vào học môn đầu tiên, hãy lập một danh sách những đầu việc mà bạn muốn hoàn thành ngày hôm nay – mua kem đánh răng, ghé qua văn phòng tiếp sinh viên, gửi thư. Bằng cách này bạn sẽ giữ được đà hưng phấn của mình, bước ra khỏi một giảng đường và bắt tay vào một số việc cá nhân bạn đang cần làm. Nếu có thể, hãy tránh quay trở lại phòng ký túc xá, vì có quá nhiều nguồn gây sao nhãng chờ bạn ở đó. Bạn có thể sử dụng các máy tính công cộng hoặc những không gian có thể ngồi học gần lớp tiếp theo để hoàn thành bài tập hay gửi những email như trong kế hoạch.
Ý tưởng về việc duy trì đà hưng phấn của bạn trong suốt buổi sáng và buổi chiều rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả. Khi ngồi vào bàn học buổi tối, bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng và mỉm cười vì đã hoàn thành trước một phần những thứ cần làm hôm đó.