Kết nối quan hệ là hành động mở rộng những mối quen biết một cách có chủ đích để một ngày nào đó thích hợp bạn có thể gọi cho những “người bạn” quen biết này để nhờ họ “nói giúp đôi lời”. Kỹ năng này từ lâu đã là một điều cơ bản trong thế giới của dân chuyên nghiệp. Các mối quan hệ cá nhân giữa những nhân vật hàng đầu trong mỗi lĩnh vực bổ sung sự lịch thiệp mềm mại vào thương trường khắc nghiệt nơi các công ty, tập đoàn cạnh tranh lẫn nhau, và khi chúng ta bàn về việc thuê mướn một nhân sự mới, thì những lời giới thiệu trực tiếp đáng giá bằng hàng tá những tập lý lịch lấp lánh. Nhưng nói gì thì nói, đối với bản thân bạn: Hãy để việc “kết nối quan hệ” đó cho những người chuyên nghiệp. Nếu bạn quá hăng hái tìm cách kết nối khi vẫn còn là sinh viên, bạn sẽ làm người khác thấy phiền phức. Điều này thực sự khó chịu. Và bạn cũng chẳng được lợi lộc gì ngoài sự bực tức mà người khác dành cho những cố gắng của bạn.
Việc kết nối phát huy hiệu quả tốt nhất khi nó là sự dàn xếp những lợi ích chung của cả đôi bên. Nếu tôi đang làm việc trong ngành viễn thông, và bạn làm việc trong ngành cung cấp dịch vụ internet, tôi sẽ muốn được gặp bạn. Công việc của bạn có nhiều mối liên hệ với công việc của tôi, và những gì tôi học được từ việc bạn làm sẽ mang lại lợi ích cho tôi, và có hàng tá những cách thức đầy tiềm năng mà hai công ty có thể hợp tác cùng với nhau trong tương lai.
Còn bây giờ, hãy xem như tôi đang làm việc trong ngành viễn thông, nhưng bạn vẫn còn là sinh viên đại học. Nhiều khả năng là tôi chẳng quan tâm đến bạn. Đây là một suy nghĩ thực dụng vì chẳng hề có lợi ích chung nào ở đây. Bạn muốn một công việc. Chẳng có gì nghi ngờ về mục tiêu của bạn. Là một sinh viên, thực sự không có lý do nào khác để bạn chủ động tìm gặp tôi, và thành thật mà nói thì trao cơ hội việc làm cho những sinh viên vừa mới tốt nghiệp cũng chẳng có gì thú vị. Trừ khi tôi là một nhà tuyển dụng, bạn không thể cho tôi bất kỳ thứ gì tôi cần, và mục đích của bạn trở nên rõ rành rành. Là một chú nhóc hẳng hái đến bắt tay khách mời thỉnh giảng, đặt ra những câu hỏi nhạt nhẽo và cố gắng một cách gượng gạo đưa vài thông tin trong sơ yếu lý lịch của bạn vào cuộc hội thoại cũng chẳng mang lại lợi lộc gì.
Chúng ta không nói rằng bạn phải tránh hoàn toàn việc mở rộng các mối quan hệ, nhưng bạn cần tìm ra cách tiếp cận hợp lý hơn. Một trong những cách tiếp cận như thế chính là “không xun xoe”. “Không xun xoe” là nghệ thuật đạt được thứ bạn muốn mà không bao giờ phải đưa ra lời yêu cầu. Mẹo này rất đơn giản và vô cùng hiệu quả.
Khi bạn lần đầu tiếp xúc với một mối quan hệ tiềm năng, sự phòng vệ của đối phương sẽ ở mức cao. “Lại một ông sinh viên khác xuất hiện, chuẩn bị lại có một lời đề nghị trơ trẽn nhờ giúp để xin việc đây mà.” Điểm mấu chốt là bạn cần tỏ ra như thể bạn đã chắc suất một vị trí trong mơ nào đó, và tìm kiếm việc làm không nằm trong danh sách ưu tiên của bạn trong tương lai gần. Bạn đang rất tự tin, con đường phía trước của bạn đã rõ ràng, đơn giản là bạn thấy tò mò về những thứ con người thú vị này đang làm. Và đó là lý do duy nhất khiến bạn đang đứng đây và nói chuyện với vị khách mời là phóng viên, CEO hay nhà khoa học này. Bạn đặt ra những câu hỏi sâu sắc thể hiện sự am hiểu của mình về công việc của đối phương và mong muốn thu nạp được nhiều kiến thức hơn. Bạn không bao giờ, dù chỉ một lần, trình bày về những thông tin trong hồ sơ của mình cho đối phương, trừ khi được hỏi, và ngay cả khi được hỏi thì cũng chia sẻ thông tin một cách tiết chế. Bạn cần tinh tế và tôn trọng người đối diện. Bạn tự tin nhưng không sỗ sàng như một tay lái buôn xe hơi đã qua sử dụng. Bạn không được phép, dù chỉ một lần, để lộ ra những mong muốn cá nhân mình đang cố gắng che giấu. Thực tế, bạn có thể còn quên cả giới thiệu tên mình khiến đối phương phải hỏi khi bạn cất bước quay đi. Đó chính là “không xun xoe”, và nó hiệu quả. Ngạc nhiên thay, người bạn đang đối thoại cùng sẽ thôi phòng ngự, và trong trường hợp tốt nhất, người đó sẽ ghi nhớ về bạn sinh viên duyên dáng, với lòng nhiệt thành và kiến thức không gì có thể che mờ, đã để lại trong họ ấn tượng sâu sắc.
Giờ mới đến phần khó: làm sao để có thể biến những lần trao đổi thông tin riêng rẽ như vậy thành một mối liên hệ lâu dài? Thứ tốt nhất bạn có thể làm là đều đặn gửi đi những e-mail, trong đó đưa ra những câu hỏi được sắp xếp cẩn thận hay xin một lời khuyên thấu đáo về chủ đề liên quan. Nhưng không bao giờ, (một lần nữa) dù chỉ một lần, nhờ vả một cách trắng trợn. Chìa khóa của nghệ thuật “không xun xoe” là tạo ra ấn tượng nhưng không xin xỏ. Mục tiêu là đến một ngày nào đó, đối phương đã có cảm tình với bạn và bị ấn tượng bởi chính bản thân con người bạn cùng tính ngay thẳng của bạn, sẽ báo cho bạn rằng họ biết có một vị trí đang còn trống, và rất sẵn lòng giới thiệu nếu như bạn quan tâm.
Là một sinh viên, đó là điều tốt nhất bạn có thể làm. Việc này khó và không phải lúc nào cũng mang lại kết quả, nhưng việc móc nối thẳng tưng thậm chí còn ít khi thành công hơn, và bạn thường sẽ làm phiền kha khá nhiều nhân vật quan trọng. Đừng đi kết nối quan hệ. Nhưng hãy giữ cho các mối liên hệ của bạn bền chặt.