Chắc bạn đã nhận ra rằng những chủ đề về học tập xuất hiện khá thường xuyên trong cuốn sách này. Chúng ta đã nói về việc bắt đầu học sớm thế nào, tại sao một kế hoạch học tập được chuẩn bị kỹ lưỡng lại rất hiệu quả, và sự ưu việt của phương pháp chia nhỏ thời gian ra thành những phiên dài 50 phút. Chúng ta đã nói về những nơi không nên ngồi học, về những người chúng ta không nên học cùng, tại sao thư viện lại rất quan trọng, và làm sao để tận dụng địa điểm bí mật. Tuy nhiên, chúng ta chưa nói về cách thu nạp kiến thức khi thực sự bắt đầu việc học.
Có rất nhiều lý thuyết về việc nhặt ra những kiến thức từ trang sách và biến nó thành kiến thức của bạn. Có nhiều cuốn sách dành toàn bộ thời lượng để bàn về chủ đề này, và có những nhà khoa học nghiên cứu về nhận thức con người dành cả sự nghiệp nghiên cứu về cách chúng ta học. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp đã được chứng minh và thực sự có hiệu quả bền vững đối với một số trong những sinh viên thành công nhất, bạn chẳng cần tìm đâu xa xôi, đã có phương pháp đố vui. Khi đi vào chi tiết, phương pháp này rất đơn giản. Đối với mọi kiến thức bạn cần học, dù rắc rối như những lý thuyết về khoa học xã hội, hay cách chia động từ của một ngoại ngữ, những công thức hóa học, bạn đều nên sử dụng cách đặt câu hỏi và gợi nhớ. Tự vấn một loạt các câu hỏi ôn tập sẽ chẳng có nghĩa lý gì. Bạn cần lấy ý tưởng “bắt bản thân mình hồi tưởng lại những thông tin cụ thể và chi tiết là cách học tốt nhất” làm trung tâm để xây dựng phương pháp học tập của mình.
Lấy ví dụ, trong một bài kiểm tra về chính trị, bạn được giao trả lời một loạt câu hỏi về các thể chế của nhiều học thuyết khác nhau. Khi thực hiện các bước trong kế hoạch học tập vô cùng tỉ mỉ của bạn, hãy tạo ra những bộ câu đố cho từng học thuyết. Câu đố có thể chỉ đơn giản là những câu hỏi cơ bản về ai là người đã đề xuất ra mỗi học thuyết, thời điểm học thuyết được công bố, và những vấn đề được đưa ra. Nếu bạn cần trình bày về bốn phản biện được đưa ra đối với một học thuyết cụ thể nào đó, hãy đặt ra những câu hỏi theo hướng “Liệt kê bốn phản biện đáng chú ý nhất chống lại học thuyết X, ai là người phản biện, và những khiếm khuyết nào của học thuyết X được những phản biện này chỉ ra.” Mục tiêu của bạn ở đây là chiến thắng những câu đó mà không cần mở sách vở hay ghi chép ra xem. Một khi đã làm được thì bạn đã sẵn sàng bước vào phòng thi.
Lấy ví dụ khác về một bài kiểm tra về khoa học máy tính cho một môn học về hệ điều hành. Bạn biết rằng bài kiểm tra sẽ bao gồm các câu hỏi về ứng dụng (sử dụng những kỹ thuật được học trên lớp để giải quyết các bài toán mới), và cả những câu hỏi lý thuyết. Bộ câu đố ôn tập của bạn sẽ bao gồm những câu hỏi về tất cả những chủ đề lý thuyết, và cả những bài toán cần giải đáp tương ứng với mỗi kỹ thuật cần ứng dụng. Một lần nữa, bạn chiến thắng các câu đố và bạn đã sẵn sàng đi thi.
Cách tiếp cận vấn đề này biến việc học thành một quá trình hai bước. Bước đầu tiên là xem lại toàn bộ kiến thức chuẩn bị được kiểm tra một cách tập trung và thầm lặng. Khi bạn ôn tập ở bước này, hãy viết ra những câu hỏi giúp bạn hồi tưởng lại kiến thức. Nếu bạn hỏi về một nội dung nào đó trong một cuốn sách cụ thể, hãy viết luôn cả số trang để tìm câu trả lời. Nếu bạn hỏi về những nội dung trong bài giảng, hãy ghi luôn ngày tháng của bài giảng để tìm khi cần. Làm như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian nếu chẳng may sau này bạn quên mất câu trả lời.
Bước tiếp theo của quá trình, chính là giải đố. Đây chính là lúc chúng ta thực sự học. Khi đặt câu hỏi cho chính mình, bạn không nhất thiết phải viết ra câu trả lời. Việc viết ra có thể cần thiết khi bạn xử lý các bài toán, nhưng với những câu dạng hỏi – đáp, hãy thoải mái trả lời thật to. Bạn có thể ôn tập nhanh hơn rất nhiều nếu bạn chỉ cần dùng lời, thay vì phải viết ra. Tuy nhiên nếu dùng lời nói, bạn cần lưu ý sử dụng các câu trả lời hoàn chỉnh. Bạn càng diễn tả ý nghĩ trong đầu thành lời rõ ràng bao nhiêu, thì thông tin bạn ghi nhớ càng sắc nét và chi tiết bấy nhiêu.
Kỹ thuật này đặc biệt hiệu quả vì bạn đã ép bản thân mình phải hồi tưởng lại thông tin từ con số 0. Động tác lấy thông tin ra từ trong trí nhớ và đọc rõ ràng những ý chính làm kiến thức được ghi nhận chắc chắn hơn rất nhiều so với chỉ đọc bằng mắt vài lần. Xem lại những ghi chú về các chủ đề cần ôn tập cũng tốt thôi. Trí não của bạn sẽ rất vui vẻ đọc đi đọc lại cùng những câu chữ đó hàng trăm lần nhưng lại chẳng thèm cố gắng ghi nhớ chúng. Nếu bạn thật sự bắt bản thân nhìn vào một tờ giấy trắng và phải hồi tưởng lại câu trả lời từ một nơi nào đó không phải trong bộ não, bạn sẽ nhớ kiến thức đó rất kỹ. Tôi xin bảo đảm điềm này. Một mẹo nhỏ khác đó là khơi gợi cảm xúc của bạn. Đừng chỉ ngồi trên ghế và nói năng nhỏ nhẹ. Hãy đứng dậy, đi quanh phòng, hét to câu trả lời, hãy trình bày như thể bạn đang đứng giảng một tiết học một cách say mê và hãy bật những bài nhạc thật khí thế. Bạn càng kích thích bộ não nhiều, bạn càng tạo được nhiều sự liên kết với kiến thức, bạn sẽ càng hiểu sâu và nhớ lâu kiến thức đó.
Trong thực tế, kỹ thuật này giúp bạn tiết kiệm thời gian và cũng giúp bạn thấy thoải mái hơn. Mục tiêu đặt ra không chỉ còn là một lời hứa “xem lại tất cả kiến thức” mênh mang vô định; thay vào đó, cụ thể hơn rất nhiều là “xem lại tất cả kiến thức liên quan cho đến khi chiến thắng tất cả các câu đố do chính mình tạo ra”. Nếu bạn có thể giải hết các câu đố trong hai giờ, nghĩa là bạn đã ôn tập xong sau hai giờ. Nếu bạn cần ba ngày, nghĩa là bạn đã ôn tập xong trong ba ngày – nhưng dù sao đi nữa, đến cuối cùng bạn sẽ biết mình đã sẵn sàng.
Phương pháp học bằng cách giải đố này giống như một phép màu nhiệm diệu kỳ, luôn mang đến cho bạn những kết quả tốt nhất. Và nếu bạn sáng tạo trong cách duy trì sự hào hứng luôn ở mức cao khi đang hồi tưởng lại các thông tin, chúng ta có thể tự tin nói rằng, việc ôn tập thậm chí còn mang lại cả niềm vui. Sau này, dù cần ôn tập gì đi nữa, đừng bao giờ bước vào phòng thi khi chưa yêu cầu bản thân bạn hồi tưởng lại tất cả kiến thức từ con số 0.