Trong phần Nhân duyên chu có hai đoạn lớn là chính thuyết và thọ ký. Phẩm này nói về đoạn chính thuyết. Pháp thuyết chu và Thí dụ chu nói ở trước, bậc thượng căn, trung căn đã lĩnh ngộ được ý Phật, còn hạ căn hãy chưa hiểu, nên ở đây, Đức Phật bắt đầu nói rõ về nhân duyên thầy trò ở từ xa xưa trở lại đây, cuối cùng rồi đều vào được đại đạo. Đó là Nhân duyên nhất chu. Nhân duyên trần thuật về gốc ngọn của sự thật, khác với Thí dụ.
Trong kinh văn, mở đầu trần thuật về sự xuất thế của Đại Thông Trí Thắng Như Lai, ngược dòng thời gian từ xa xưa hàng tam thiên trần điểm kiếp, tri kiến của Phật thời ấy cũng như tri kiến của Phật ngày nay không khác, để đại chúng tin chắc chỗ nói là thật. Trong phần trường hàng, trước hết, nói sự xuất thế thành đạo của Phật Đại Thông Trí Thắng, sau nói về chỗ khuyến thỉnh của mười phương Phạm Thiên và 16 vị vương tử thỉnh chuyển pháp luân. Từ đó, Phật Đại Thông Trí Thắng mới chuyển bánh xe pháp gồm bán, mãn, quyền, thực. Cuối cùng nói Kinh Pháp Hoa, nêu rõ nơi ý chính xuất thế. Xong rồi Phật thư thái nhập định. Tiếp đó, 16 vị vương tử đều giảng Kinh Pháp Hoa khắp nơi, để đại chúng được lợi ích và khuyến thỉnh Phật Đại Thông Trí Thắng xuất định. Đó là nói xong phần kết duyên ở xa xưa. Nối tiếp là chỗ gặp gỡ từ khoảng trung gian cho đến ngày nay. Sau nói về lợi ích bất khả tư nghì, phần nói Kinh Pháp Hoa ở thời nay. Thiên Thai Đại sư, căn cứ vào ý lợi ích này mà lập ra ba ích là “Chủng ích”, “Thục ích”, “Thoát ích”.
Tuần tự nói thí dụ Hóa thành cách 300 do tuần dụ cho quyền quả của Tam thừa đã thoát ly được kiến tư hoặc trong tam giới. Bảo sở cách 500 do tuần, dụ cho thật quả của Ngũ thừa. Tiếp đó là khai thí và hợp thí.
Biểu đồ nội dung phẩm Hóa thành dụ
Phẩm này gọi là Hóa thành dụ, thí dụ Hóa thành, một thí dụ đặc sắc trong Kinh Pháp Hoa.
Trong kinh điển, Pháp thuyết, thuyết minh nương vào lý luận. Thí thuyết, thuyết minh nương vào thí dụ. Nhân duyên thuyết trình bày căn cứ từ thực lệ nhân duyên ở quá khứ. Phẩm Phương tiện nói về Pháp thuyết chu. Phẩm Thí dụ trở xuống nói về Thí thuyết chu. Hai vòng thuyết pháp này, mọi người vẫn chưa hội đắc được bản ý của Phật, nên phải nhờ vào câu chuyện nhân duyên thuộc Nhân duyên chu trong phẩm này.
Nhân duyên đời trước, nghĩa là Phật và các đệ tử của Ngài không phải chỉ trực tiếp có mối quan hệ ở đời này, mà Đức Phật và các đệ tử Phật còn có mối quan hệ về tình thầy trò từ ở đời quá khứ.
Từ thời xa xưa, đã có Phật gọi là Đại Thông Trí Thắng Như Lai ra đời. Tên nước là Hảo Thành, thời đại gọi là Đại Tướng. Nước Phật và thời đại của Phật Đại Thông Trí Thắng cách đây rất xa, kể có tam thiên trần điểm kiếp.
Ví như đem các yếu tố cấu tạo thành tam thiên đại thiên thế giới này, nghiền nát thành bụi nhỏ, đi về phương Đông, qua một nghìn quốc độ, bắt đầu rắc một hạt bụi, lại qua một nghìn quốc độ lại rắc một hạt bụi. Cứ lần lượt làm như thế cho tới khi hết. Phật hỏi các đệ tử, số lượng lớn như vậy, đối với sức con người, có thể tính biết được không? Các đệ tử đáp, nếu lấy sức hiểu biết của con người thì không thể tính biết được.
Đức Phật lại bảo các đệ tử, người đã rắc “tất cả hạt bụi” này ở các quốc độ, hoặc quốc độ đã điểm xuống hay chưa điểm xuống, nay lại tập họp lại nghiền nát làm vi trần, không biết được số lượng đó. Nhưng, Đức Phật Đại Thông Trí Thắng diệt độ cho tới nay, thời gian còn xa hơn cả số lượng mỗi một vi trần ấy. Đó là thí dụ “Tam thiên trần điểm kiếp”. Tóm lại đó chỉ là phần biểu hiện cho số cực đại. Thế mà, Phật dùng sức tri kiến của Như Lai, “xem chỗ lâu xa kia cũng như ngày nay”. Vì sức tri kiến của Như Lai, không ngưng ở nơi biến hóa từng giờ phút nên thấy thông suốt, nhất quán ở cả giới tự nhiên và giới nhân gian.
Phật Đại Thông Trí Thắng này, đạt được mục tiêu giác ngộ cuối cùng đã không dễ dàng. Ngài phải ngồi nơi đạo tràng, phá mọi tà ma dụ hoặc ở nội tâm, mới đạt được giác ngộ, nhưng các pháp của giác ngộ ấy vẫn chưa hiện. Đó là ý nói, muốn đạt tới quả báo lớn, nếu không nương vào đại tinh tiến thì không thể tới được.
Khi đó, trước hết trời Đế Thích và các Thiên, nhân, rải tòa thuyết pháp ở dưới cây Bồ-đề, thỉnh Ngài ngồi trên tòa, sẽ chứng đặng ngôi Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Vừa ngồi trên tòa, lại có chư Phạm Thiên Vương ở mười phương thế giới, mưa các thứ hoa trời cúng dường, tán thán Đại Thông Trí Thắng Như Lai. Thế rồi gió thổi hoa héo đi, lại mưa hoa mới tới, cứ như thế không ngớt. Đó cũng là biểu thị niềm khát ngưỡng, quy y của chư Thiên, tiếp tục vĩnh viễn.
Cõi trời Tứ Thiên Vương thường đánh trống trời và chư Thiên khác tấu các thứ nhạc cúng dường, qua mười tiểu kiếp, cho tới khi diệt độ. Đại Thông Trí Thắng Như Lai cũng phải qua mười tiểu kiếp, mới bắt đầu giác ngộ, thành ngôi Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Rồi, Đại Thông Trí Thắng Như Lai, trước khi nói Kinh Pháp Hoa, ứng với lời thỉnh cầu của mọi người, Ngài đã nói ra pháp môn Tứ đế và Thập nhị nhân duyên.
“Tức thời tam chuyển, 12 hàng pháp luân”. Tam chuyển: 1) Thị chuyển; 2) Khuyến chuyển; 3) Chứng chuyển. Ba lần chuyển trong pháp môn Tứ đế. Ba chuyển nhân với mỗi đế của Tứ đế thành 12 hàng pháp luân.
Tứ đế là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Đế nghĩa là chân lý.
1) Khổ đế. Người không biết giáo pháp, không hiểu đạo lý, biểu thị cho cái “khổ” của nhân sinh. Vì không biết giáo pháp, đạo lý nên tâm con người không bao giờ biết đủ. Không biết đủ nên sinh mọi đau khổ. Trong đó bốn khổ về sinh, lão, bệnh, tử; còn tám khổ là bốn khổ trên, thêm “Ái biệt ly khổ”, “Oán tắng hội khổ”, “Cầu bất đắc khổ” và “Ngũ ấm thịnh khổ”. Nguyên nhân tạo quả khổ của người đời là Tập đế.
2) Tập đế. Trạng thái tập hợp bao thứ phiền não trong tâm chúng sinh. Phiền não, trước hết là ba độc: Tham, sân, si, rồi đến kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc. Tóm lại, đều do nơi chấp trước tự ngã, lợi kỷ nhỏ hẹp mà gây ra, nên phiền não là nguyên nhân của khổ, biểu thị của Tập đế.
3. Diệt đế. Diệt là diệt độ, tức Niết-bàn. Đã đoạn diệt hết thảy phiền não, tới cảnh giới giải thoát. Diệt phiền não đây còn ở phạm vi cá biệt nên thuộc Tiểu thừa giáo.
4. Đạo đế. Biểu thị cho con đường tu đạo, trừ phiền não, lìa khổ, tới diệt độ Niết-bàn. Nội dung của Đạo đế là “Bát chính đạo”: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm và Chính định.
Khổ, Tập là nhân quả thế giới, thế gian; Diệt, Đạo là nhân quả xuất thế gian.
“Và nói rộng 12 pháp nhân duyên” là nói về chỗ sinh hoạt của phàm phu, vì nương vào phiền não có liên hệ giữa nhân và quả trong ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai. Mười hai nhân duyên là: 1) Vô minh; 2) Hành; 3) Thức; 4) Danh sắc; 5) Lục nhập; 6) Xúc; 7) Thọ; 8) Ái; 9) Thủ; 10) Hữu; 11) Sinh; 12) Lão, tử.
Hồi nói pháp thứ hai, thứ ba, thứ tư, Đại Thông Trí Thắng Như Lai cũng chỉ nói đi nói lại các pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, là giáo lý của Tiểu thừa, vì Phật quan sát biết thời cơ của Đại thừa chưa tới.
Vì chẳng thọ hết thảy pháp, nên biết pháp môn Tứ đế, Thập nhị nhân duyên chỉ là phương tiện để đến đạo Bồ tát. Đến được cảnh giới Phật, tất phải thực hành đạo Bồ tát. Đã được nghe pháp môn Tứ đế, Thập nhị nhân duyên rồi, 16 vương tử đều hướng về Đức Phật khẩn thỉnh Như Lai thuyết giáo Đại thừa.
Phật Đại Thông Trí Thắng khi nói pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, giáo hóa rất nhiều đệ tử. Khi đó 16 vương tử xuất gia còn nhỏ, mới thọ giới Sa-di, nhưng tinh tiến tu hành, trí tuệ lanh lợi. Phật Đại Thông Trí Thắng đã nói “Kinh Pháp Hoa, Giáo Bồ Tát Pháp, Phật Sở Hộ Niệm” cho 16 vị vương tử và các đệ tử khác lâu khoảng hai vạn kiếp. Các vị vương tử Sa-di đều cùng thọ trì kinh này, hội nhập được ý nghĩa cao sâu, biết được bản ý của Phật, đó là phải thực hành Bồ tát đạo. Phật nói kinh này xong lại lặng lẽ nhập định, lâu 84.000 kiếp. Khi đó 16 Bồ tát Sa-di, biết Phật nhập định, đều ngồi trên tòa pháp giảng nói Kinh Pháp Hoa này, cũng lâu 84.000 kiếp, tế độ vô số chúng sinh, khiến họ phát tâm cầu đạo vô thượng.
Phật Đại Thông Trí Thắng, qua 84.000 kiếp rồi, lại từ thiền định dậy, đến nơi pháp tọa, ngồi thư thái, bảo khắp đại chúng: “Các Bồ tát Sa-di này, thật là hiếm có, các căn thông lợi, trí tuệ sáng suốt, đã từng cúng dường vô lượng ngàn vạn ức số chư Phật, ở nơi các Phật đó, thường tu phạm hạnh, thọ trì trí Phật, khai thị chúng sinh, khiến vào trong đó. Các ông đều nên luôn luôn thân cận để cúng dường các vị đó. Tại sao? Vì nếu Thanh văn, Bích chi Phật và các Bồ tát, hay tin 16 Bồ tát này, nơi đã nói, trong kinh, thọ trì không hủy phạm, người này đều sẽ được ngôi Vô thượng Chính đẳng Chính giác”.
Phật bảo các Tỳ-kheo: 16 Bồ tát này, thường thích nói Kinh Pháp Hoa. Mỗi một Bồ tát hóa độ sáu trăm vạn ức na-do-tha hằng hà sa chúng sinh. Đời đời cùng sinh ra, đều cùng gặp Bồ tát, theo các Bồ tát để nghe pháp, tất cả đều tin hiểu. Bởi nhân duyên này, được gặp bốn vạn ức chư Phật Thế Tôn, đến nay chưa dứt. Các Tỳ-kheo, ta nay nói cho các ông biết, 16 Sa-di, đệ tử Đức Phật kia, nay đều đã chứng được đạo Vô thượng Chính đẳng Chính giác, ở mười phương quốc độ hiện tại vẫn nói pháp.
Trước hết nêu tên thành Phật của 16 Sa-di: Một là A Sơ Phật, nước gọi là Hoan Hỷ rồi đến tên vị thứ 9 là A Di Đà Phật, tiến đến tên vị thứ 16 là Thích Ca Mâu Ni Phật, thành Vô thượng Chính đẳng Chính giác ở cõi nước Ta-bà.
Phật lại bảo các Tỳ-kheo: Khi ta còn làm Sa-di, luôn luôn giáo hóa chúng sinh, số đó có trăm ngàn vạn ức hằng hà sa. Theo ta nghe pháp, sẽ được quả vô thượng. Chư chúng sinh này, có người nay vẫn ở hàng Thanh văn. Ta thường giáo hóa chứng đạo vô thượng. Các người này y vào pháp ấy dần dần vào được Phật đạo. Tại sao? Vì trí tuệ của Như Lai rất khó tin khó hiểu.
Phật lại nói tiếp: “Sau khi ta diệt độ, lại có đệ tử, chẳng nghe kinh này, chẳng biết, chẳng hay việc làm của Bồ tát, tự cho nơi công đức đã được, sinh tưởng diệt độ, sẽ vào Niết-bàn. Ta làm Phật ở nước khác, lại có tên khác. Người đó tuy sinh mối nghĩ diệt độ, vào nơi Niết-bàn, nhưng mà ở nước kia, cầu trí tuệ của Phật, được nghe kinh này, thời chỉ lấy Phật thừa để được diệt độ, lại không có “thừa” nào khác, chỉ trừ nơi phương tiện thuyết pháp của chư Như Lai. Các Tỳ-kheo! Nếu Như Lai tự biết, thời vào Niết-bàn tới, chúng lại thanh tịnh, niềm tin hiểu kiên cố, liễu đạt được pháp Không, vào sâu nơi thiền định, bèn họp chư Bồ tát và chúng Thanh văn, vì nói kinh này. Ở nơi thế gian không có hai thừa, mà được diệt độ, duy có nhất Phật thừa được diệt độ vậy”.
Tiếp theo Đức Phật thuyết minh bằng thí dụ Hóa thành. Tức nơi bảo sở thí dụ cho quả Phật. Phật ví như vị đạo sư. Chúng sinh muốn được châu bảo, phải tới nơi bảo sở. Phật quả tức là bảo sở, là nơi khó tới, vì sợ mọi người thoái chuyển, nên bậc đạo sư, mới dựng ra một hóa thành ở giữa đường để an ủi. Quả của Tam thừa không ngoài dụ hóa thành. Kết cục đều “dắt dẫn vào trí tuệ Phật”. Đó là “Tam thừa phương tiện, Nhất thừa chân thật”.
Hết phẩm Hóa thành