Phẩm trước trình bày lời thuật thành của Như Lai. Phẩm này nói về phần thọ ký cho bốn vị đại Thanh văn: Ma Ha Ca Diếp sẽ được thành Phật hiệu là Quang Minh Như Lai, Tu Bồ Đề là Danh Tướng Như Lai, Ca Chiên Diên là Kim Quang Như Lai và Mục Kiền Liên là Chiên Đàn Hương Như Lai. Các kinh khác, Đức Phật chỉ thọ ký cho Bồ tát và nhân thiên được thành Phật, nhưng kinh này, Nhị thừa, ác nhân, nữ nhân, súc sinh đều được thành Phật. Đó là việc thọ ký của Kinh Pháp Hoa khác với các kinh khác.
Kinh văn đoạn lớn của phẩm này được chia làm ba phần và chia nhỏ thành sáu mục. Phần đầu Phật thọ ký cho Ngài Ca Diếp. Phần hai, Phật lần lượt thọ ký cho các ông Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên và Mục Kiền Liên. Phần cuối, Phật mở đầu nói về Nhân duyên chu vì các hàng hạ căn.
Biểu đồ nội dung phẩm Thọ ký
Phẩm này, Phật thọ ký cho các ông Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Mục Kiền Liên. Đoạn cuối, phần kệ tụng phẩm Dược thảo dụ nói xong, tới phẩm này, trước hết Phật thọ ký cho ông Ma Ha Ca Diếp.
Ông Ca Diếp cũng như Xá Lợi Phất đều là đệ tử Phật trong hàng Thanh văn, nhưng vì Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ đệ nhất đã hiểu được bản ý của Phật thuyết minh ở phẩm Phương tiện, nên đã được thọ ký. Đức Phật lại vì các bậc Thanh văn khác, thuyết minh về bản nghĩa của Phật giáo ở thí dụ Tam xa hỏa trạch (ba xe và nhà lửa). Rồi các ông Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Ca Diếp và Mục Kiền Liên đã bày chỗ tự mình lĩnh ngộ, tỏ ý cảm tạ ân đức sâu dày của Phật. Tiếp đó, ông Ca Diếp miêu tả thí dụ Trưởng giả và cùng tử rồi Đức Phật hứa khả ở đầu phẩm Dược thảo dụ: “Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Ông Ca Diếp, khéo nói về công đức chân thật của Như Lai. Thực như chỗ ông nói”. Vì thế phẩm này, trước hết Phật thọ ký cho ông Ca Diếp.
Nương vào chỗ Phật thọ ký, ông Ma Ha Ca Diếp sẽ phụng thờ nhiều Đức Phật ở đời vị lai, tuyên thuyết vô lượng đại pháp, giáo hóa vô lượng chúng sinh, ở thân cuối cùng sẽ được thành Phật, hiệu là Quang Minh Như Lai, đầy đủ mười hiệu Phật: Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đó là mọi đức đầy đủ của mỗi vị Phật.
Như Lai - Như là thường, Lai là lại. Đức Phật bất cứ lúc nào cũng trở lại với cõi nhân gian, con người. Con người niệm Phật, thì Phật hiện ngay trong đó.
Ứng Cúng - Người thọ cúng dường, đó là Phật. Cúng dường là biểu hiện tấm lòng cảm tạ, người đủ công đức nhận sự cúng dường không ai ngoài Phật.
Chính Biến Tri - Thấu suốt mọi sự vật chân chính. Đức Phật đã thể đắc được chân lý tuyệt đối, biết được con đường chân chính vĩnh cửu không thay đổi.
Minh Hành Túc - Minh là phía trí tuệ, hành là phía thực hành. Đầy đủ được trí tuệ và thực hành, trí và hành là một, đó là Phật.
Thiện Thệ - Thiện là hoàn toàn, không thiếu. Thệ là lìa thế gian. Thiện thệ có nghĩa là hoàn toàn xa lìa hết mọi phiền não ở thế gian.
Thế Gian Giải - Biết tường tận hết thảy mọi sự mọi vật trong thế gian, để dạy bảo cho thế gian.
Vô Thượng Sĩ - Người cao tuyệt đối không có ai hơn. Đó gọi là Phật, là Vô Thượng Sĩ.
Điều Ngự Trượng Phu - Người huấn luyện voi và ngựa từ hung ác tới thuần thục. Đức Phật vì chúng sinh dạy bảo huấn luyện cho tâm tính từ mê mờ được sáng tỏ.
Thiên Nhân Sư - Phật là vị thầy của cõi trời và cõi người. Nghĩa là người cõi trời, người cõi đời, người sướng, người khổ đều lấy Phật làm thầy để thực hiện mọi sinh hoạt tốt lành, tươi đẹp cho mình và người.
Phật Thế Tôn - Phật, tiếng gọi tắt của chữ Phật Đà (Buddha), có nghĩa là bậc đã giác ngộ. Phật là vị tôn quý nhất trong đời.
Tên nước của Quang Minh Như Lai gọi là Quang Đức, kiếp gọi là Đại Trang Nghiêm. Thọ mệnh của Quang Minh Như Lai rất dài. Chính pháp và tượng pháp ở đời cũng rất lâu (20 tiểu kiếp). Đó là nói về cái đức của Phật để lại sau khi diệt độ. Nước đó là nước lý tưởng, không có nhơ bẩn, bất tịnh. Đất cát bằng phẳng, không có hang hố, cao thấp. Mặt đất bóng sạch như ngọc lưu ly. Cây quý tươi mát xếp thành hàng, cảnh giới bên đường giảng bằng dây vàng nuột. Từ trên trời mưa hoa xuống, khắp nơi đều thanh tịnh. Đó là thuyết minh cụ thể về quốc độ lý tưởng. Trong nước này, có chư Bồ tát chúng, chư Thanh văn chúng vô lượng vô số. Không có ma sự tức không có sự phương hại cho Phật giáo. Dù có ma và ma dân, vốn xưa nay hay làm phương hại chính giáo, nhưng nước này, lại đều là hộ trì Phật pháp. Đó là nói về cái tâm của con người chân chính, thì dù có tai họa chăng nữa, cũng là cái duyên để tu hành. Đó là phần Đức Phật thọ ký cho ông Ca Diếp.
Khi bấy giờ, các Ngài Đại Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Ma Ha Ca Chiên Diên, tất cả hết đều cảm kích, một lòng chắp tay, hướng lên Phật mà bạch trần thuật:
Đấng Đại hùng Thế Tôn,
Bậc Pháp vương họ Thích.
Vì thương xót chúng con,
Mà ban ân thành Phật.
Biết thâm tâm chúng con,
Thấy việc được thọ ký.
Như rưới nước cam lồ,
Hết nóng được trong mát.
Như từ nước đói lại,
Chợt gặp cỗ đại vương.
Gặp cỗ của vua ban, nhưng việc ăn là nên hay không, không thể rõ được. Khi được nghe lời đại vương ban “ăn đi”, thì mới yên tâm. Chúng con tuy hiểu đều được thành Phật, nhưng chưa được Phật thọ ký, tất chưa thể yên lòng. Vì thế nên chúng con phát tâm thỉnh cầu. Đức Phật ứng lời thỉnh và thọ ký cho ông Tu Bồ Đề, tương lai sẽ thành Phật, hiệu là Danh Tướng Như Lai, kiếp gọi là Hữu Bảo, nước gọi là Bảo Sinh. Thọ ký cho ông Đại Ca Chiên Diên, ở đời mai sau sẽ được thành Phật, hiệu là Diêm Phù Na Đề Kim Quang Như Lai; ông Đại Mục Kiền Liên, đời vị lai sẽ được thành Phật, hiệu là Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Như Lai.
Mười câu kệ ở cuối phẩm, Đức Phật mở đầu nói sẽ thọ ký cho 500 đệ tử đều được thành Phật, vì Phật và các đệ tử đều có cái nhân duyên từ ở kiếp trước. Ngài nói:
Mọi đệ tử của ta,
Oai đức đều đầy đủ.
Số đó có năm trăm,
Đều sẽ được thọ ký.
Ở đời vị lai kia,
Đều sẽ được thành Phật.
Ta và nhóm các ông,
Nhân duyên từ kiếp trước.
Ta nay sẽ nói ra,
Các ông nghe cho kỹ.
Hết phẩm Thọ ký