Phẩm này trần thuật về đoạn thuật thành của Phật trong Thí thuyết chu. Thật ra, bậc trung căn không soi thấu được phần pháp thuyết, nên Đức Phật, lại phương tiện đem dụ nhà lửa để khai hiển ý sâu xa của chính thuyết. Bốn đại đệ tử Thanh văn lại trình bày dụ Trưởng giả và cùng tử để lĩnh ngộ công đức giáo hóa sâu dày của Phật ở năm thời. Tới phẩm này là đoạn thuật thành. Trước hết nêu ra sáu thí dụ có khác biệt và ba thí dụ không khác biệt để nêu chỗ cứu cánh khai hiển của Phật. Và những thí dụ tương ứng để nêu rõ nghĩa ý chỉ u huyền.
Trong văn kinh có chia ra trường hàng và kệ tụng. Kệ tụng là phần nói lại ở phần trường hàng. Nhưng ở phẩm này, trái lại phần kệ tụng nêu rõ về “ba thứ cỏ hai loại cây” là chính hiển, còn phần trường hàng lại là trợ hiển. Trong phần trường hàng có hai đoạn nói lược và nói rộng. Trong đoạn nói rộng, lại có ba đoạn: Pháp thuyết, khai thí và hợp thí. Trước sau lần lượt đối ứng nhau.
Thí dụ này có nhan đề “Ba thứ cỏ hai loại cây”. Tức nhân thiên, Nhị thừa và Tam tạng Bồ tát dụ cho cây thuốc nhỏ, vừa, lớn. Thượng căn, hạ căn của Bồ tát dụ cho đại thụ và tiểu thụ. Bình đẳng đại tuệ của Đức Phật dụ cho một trận mưa lớn bình đẳng. Cây cỏ lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau trong tam thiên đại thiên thế giới hết đều được tưới một trận mưa bình đẳng mà xum xuê tươi tốt, cũng như Phật nương vào pháp một tướng một vị bình đẳng mà giáo hóa lợi lạc mọi loài chúng sinh.
Biểu đồ nội dung phẩm Dược thảo dụ
Phẩm Tín giải trước, Ngài Ma Ha Ca Diếp, trần thuật dụ Trưởng giả và cùng tử, trình bày phần tin hiểu của tự mình. Phẩm này Đức Phật bảo Ngài Ma Ha Ca Diếp và các đại đệ tử: “Tốt lắm thay, tốt lắm thay! Ông Ca Diếp khéo nói về công đức chân thật của Như Lai”, rồi bắt đầu nói sang phẩm Dược thảo dụ.
Phẩm Dược thảo dụ nói về câu chuyện “Tam thảo nhị mộc” (ba thứ cỏ hai loại cây).
Đức Phật thấu suốt cùng tận được tướng chân thật tồn tại, nên chỗ Ngài nói ra hết đều là chân thật. Lại nữa, Đức Phật xuất hiện ở đời xét rõ được chân tướng của hiện tượng tự nhiên và hiện tượng nhân sinh, có hết thảy trí tuệ soi sáng được mặt khác biệt, mặt bình đẳng, chỉ bảo cho hết thảy chúng sinh. Câu chuyện thí dụ này là thí dụ thứ ba trong Kinh Pháp Hoa.
Phật bảo ông Ca Diếp, ví như núi, sông hay lạch của toàn thế giới, các cây lớn nhỏ sinh ra trên mặt đất, lớn nhỏ khác nhau. Lại có các cây cỏ thuốc nhiều chủng loại, hình dáng khác nhau. Cây cỏ tươi tốt phồn thịnh, mây mưa che phủ toàn thế giới. Đồng thời mưa rơi khắp mặt đất, tưới khắp các loại cỏ cây. Tất cả những rễ, chồi, cành, lá của các cây thuốc đều được thấm nhuần bình đẳng như nhau dù cây nhỏ, cây vừa hay cây lớn. Những rễ, chồi, cành, lá biểu thị cho tín, giới, định, tuệ. Trong nơi cỏ cây, trước hết có rễ, sau đó có chồi, thứ nữa sinh cành, rồi từ cành nảy lá. Trong nơi Phật giáo, trước hết phải có tín, từ tín sinh ra giới, từ giữ giới vào cảnh định, từ định mà thành tựu được tuệ.
Lại nữa, cây có cây lớn, cây nhỏ, dụ cho thượng căn Bồ tát và hạ căn Bồ tát. Cỏ có các loại lớn, loại vừa và loại nhỏ. Loại lớn dụ cho Tam tạng Bồ tát, loại vừa dụ cho Nhị thừa, loại nhỏ dụ cho nhân thiên. Các loại cây cỏ này mặc dù lớn nhỏ khác nhau, nhưng đều cùng thấm nhuần những hạt mưa rơi cũng như con người có khác nhau về hiền đức trí tuệ, nhưng cũng đều cùng được thấm nhuần lời dạy của Đức Phật.
Đức Phật lại bảo ông Ca Diếp: “Ông nên biết. Ta đây cũng lại như thế. Ta xuất hiện ở đời, cũng như đám mây lớn khởi lên che khắp tam thiên đại thiên thế giới”. Ngài tuyên thuyết trong đại chúng: “Những người chưa được độ khiến cho được độ, người chưa hiểu khiến cho hiểu, người chưa an ổn khiến cho an ổn, người chưa được Niết-bàn khiến cho được Niết-bàn”.
“Vì ta là bậc có hết thảy tri, bậc có hết thảy kiến, bậc tri đạo, bậc khai đạo, bậc thuyết đạo. Tất cả thiên nhân, chúng A-tu-la, đều nên đến chốn này, vì để nghe pháp”. “Các chúng sinh đó, được nghe pháp rồi, đời hiện tại được an ổn, đời mai sau sẽ được sinh chốn lành”.
Ở nơi nghe pháp, nếu hiểu biết được chân lý, thì lìa được tâm mê muội lần lượt tiến tới Phật đạo. Cũng như đám mây lớn, mưa xuống trận mưa lớn, tất cả mọi cỏ cây đều được thấm nhuần bình đẳng mà cùng sinh trưởng. Như Lai thuyết pháp từ xưa cũng như nay chỉ nói “Nhất tướng nhất vị”, bản chất không có khác biệt. Đó là “Giải thoát tướng”, “Ly tướng” và “Diệt tướng”, rồi đến chỗ cứu cánh là “Nhất thiết chủng trí”.
Giải thoát tướng, tức không bị chi phối bởi biến hóa sinh tử, người đã giải thoát được mọi thuận cảnh và nghịch cảnh. Đó cũng là người thấu triệt được nghĩa Không. Không là bình đẳng. Không đối với Giả. Giả là khác biệt. Ly tướng là xa lìa được thiên chấp về Không. Thiên chấp về Không là cảnh giới muốn an lành chỉ cho thân mình. Diệt tướng là diệt được niệm phân biệt giữa người và ta. Tới chỗ tự và tha thành một thể, tức xa lìa được hai thiên chấp Không và Giả, tới trí tuệ trung đạo, đạt tới nhất thiết chủng trí.
Phần cuối của phẩm Dược thảo dụ, Đức Phật bảo ông Ca Diếp: “Biết được chỗ Như Lai, tùy nghi nói pháp, tin theo mà thọ trì, thật là hiếm có. Bởi vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn, tùy nghi nói pháp rất khó hiểu, khó biết”. Những chúng sinh tinh tiến tu hành, không lười, không bỏ, thực hành Bồ tát đạo, thì tất cả đều được thành Phật.
Hết phẩm Dược thảo dụ