Phẩm này nói về đoạn lĩnh ngộ thứ hai trong bốn đoạn của Thí thuyết chu. Ở phẩm trước, hạng người trung căn đã được nghe thí dụ nhà lửa, sinh được sự tin tưởng và hiểu biết chân chính, nên các ông Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Ca Diếp, Mục Kiền Liên, bốn đại đệ tử Phật, tự trình bày chỗ sở đắc của mình trong thí dụ “Trưởng giả và cùng tử”, cuối cùng, phần kệ tụng là tán thán ân đức của Phật rất rộng lớn.
Theo biểu đồ, phẩm này chia ra hai đoạn lớn: Đoạn đầu là trường hàng, đoạn cuối là kệ tụng. Nội dung chính của hai đoạn là thí dụ Trưởng giả và cùng tử. Tức là nói về tình sâu đậm giữa người cha và người con là chính, thêm vào đó nói về lòng từ bi truyền đạo của Như Lai trong năm thời.
Bộ phận chính của thí dụ chia làm năm tiết then chốt:
1) Cha con cùng thất lạc, dụ cho thoái mất tâm Đại thừa trong khoảng thời gian từ Phật Đại Thông Trí Thắng trở lại.
2) Cha con cùng gặp nhau, dụ về lợi ích được gặp Phật xuất thế ở thời Hoa Nghiêm.
3) Cha khiến người theo dụ dẫn, dụ ở hai thời tiệm tiến của A Hàm, Phương Đẳng.
4) Lĩnh ngộ biết được gia nghiệp, dụ cho chuyển giáo của thời Bát Nhã.
5) Chính thức giao cho gia nghiệp, dụ cho phần khai hiển của thời Pháp Hoa.
Thiên Thai Đại sư căn cứ ở năm tiết then chốt này và tham chiếu phần ngũ vị của Kinh Niết-Bàn, tham chiếu Kinh Hoa Nghiêm, đặt ra ngũ thời giáo phán, hàm súc nhiều lĩnh vực văn học, tôn giáo và đạo đức.
Biểu đồ nội dung phẩm Tín giải
Biểu đồ nội dung phẩm Tín giải
Phẩm này gọi là Tín giải, đối với Phật, các đệ tử trần thuật chỗ tin và chỗ hiểu của tự mình. Tin và hiểu viên dung là đặc trưng tín ngưỡng của Phật giáo. Tức là tin phải hiểu, hiểu tất nhiên phải tin, thiếu một không được.
Đầu phẩm này có nêu tên bốn vị đại Thanh văn: Tu Bồ Đề (Subhūti), Ma Ha Ca Chiên Diên (Mahākaccāyana), Ma Ha Ca Diếp (Mahākassapa), Ma Ha Mục Kiền Liên (Mahāmaudgalyayāna). Các vị này rất đỗi vui mừng được nghe Phật thọ ký cho Ngài Xá Lợi Phất sẽ được thành Phật.
Các vị này, từ tòa ngồi đứng dậy, biểu hiện nghi lễ tối cao để tỏ lòng cung kính Đức Phật rồi bạch Phật: “Chúng con trong hàng đệ tử Phật là những người tiền bối, tuổi đã già nua, không chí cầu tiến. Trước đây được nghe Phật thuyết pháp, tự chúng con xa lánh cõi đời, xa vời nơi phiền não thế gian, chỉ nghĩ về “Không”, “Vô tướng”, “Vô tác”. Không, Vô tướng, Vô tác gọi là “Tam giải thoát”. Không là nghĩa bình đẳng. Vô tướng là nghĩa quán bình đẳng. Vô tác là nghĩa thực hành bình đẳng. Vì nương vào nghĩa bình đẳng này mà loại bỏ phần khác biệt, nên xa lánh cõi đời, để riêng mình thanh tịnh”.
Bốn vị đại Thanh văn này, từ trước tới nay, vẫn nghĩ như thế là Phật giáo. Còn pháp của Bồ tát, là thanh tịnh Phật quốc độ. Chúng sinh có muôn ngàn khác biệt, nhưng ai nấy đều đầy đủ bản lai Phật tính. Các vị này lại cho chỗ chứng ngộ của Tiểu thừa là mãn túc, không có chí cầu tiến và cũng không biết đến chỗ phát huy bản tính tới cảnh địa cao quý. Nay được nghe Phật thọ ký cho Thanh văn là Ngài Xá Lợi Phất được thành Phật, nên hết thảy đều mừng và thốt lên rằng: “Vô lượng châu bảo, chẳng cầu mà tự được”.
Bốn đại Thanh văn liền đem câu chuyện thí dụ để bày tỏ nỗi vui mừng. Đó là câu chuyện thí dụ Trưởng giả và cùng tử như sau:
Người con cách biệt cha, trong thời gian 50 năm, khi còn tuổi thơ ấu. Sau khi tuổi khôn lớn, ngày thêm khốn cùng, đi khắp đây đó, tìm cầu miếng ăn mảnh mặc. Bước chân in khắp các nơi, các chốn, không ở nơi nào nhất định. Ngẫu nhiên hướng về quê hương. Một mặt, người cha cũng đi khắp đó đây tìm con không thấy, đã nghỉ ở một thành nọ. Nhà ông rất giàu, của báu vô số.
Một ngày nọ, người con đã trôi dạt khắp nơi, bất ngờ tới trước dinh thự của cha. Người cha từ khi xa cách con đã 50 năm, hằng ngày hằng giờ, không lúc nào không nghĩ tới con. Không nói cho ai biết, nhưng nghĩ: “Mình đã già, nhiều của cải, lỡ có mệnh hệ nào, của cải sẽ tan mất. Nay làm cách nào để có người con. Nếu ta tìm thấy con, ta sẽ giao phó hết của cải, rồi mới an tâm”.
Một hôm, người con đi làm thuê hằng ngày bỗng nhiên lại đứng trước cửa nhà người cha. Từ xa nhìn lại, người cha không biết, cũng tưởng như nhiều người làm ăn khác. Người con thấy dinh thự lộng lẫy, rất đỗi kinh sợ, ngỡ ngàng nghĩ, đây là vua, hay bậc ngang hàng với vua, không phải là nơi làm thuê của kẻ ti tiện. Chẳng bằng đi đến làng mạc nghèo khổ khác, dễ kiếm công việc hơn. Nếu ở đây lâu, chắc sẽ bị bức bách làm việc. Nghĩ thế rồi bỏ chạy.
Người cha khi ấy, xa xa nhìn thấy, nhận biết là con mình, trong lòng mừng rỡ và nghĩ: “Kho tàng châu báu của ta, nay có chỗ giao phó”. Người cha liền khiến người bên cạnh mình đuổi theo. Người con kinh sợ, nằm lăn trên mặt đất. Người cha thấy thế, bảo sứ giả rằng: “Ta không cần người này, chớ cưỡng ép bắt lại, đem nước lạnh rưới vào mặt, để nó tỉnh dậy”. Người cha thấy con chí khí thấp kém, liền thả cho đi nơi khác. Sau đó, người cha dùng cách thức khác, mật khiến hai người, hình sắc tiều tụy đi đến chỗ con mình, thuê giá cao gấp bội. Người con đồng ý cùng làm việc, lau quét nơi nhơ bẩn. Người cha thấy thế động lòng thương xót. Một ngày nọ, người cha thay áo quý giá, mặc vào áo cũ rách, lấy phương thức này, để được gần con. Và nói với con rằng: “Này con yêu quý! Chớ có đi nơi khác, ta sẽ tăng thêm tiền lương cho ngươi. Ngươi tha hồ muốn dùng gì tùy ý, ta cũng như cha ngươi. Ta nay tuổi đã già, mà ngươi còn khỏe mạnh, từ nay trở về sau, ta coi ngươi như con ta”.
Khi ấy người con, tuy có vui mừng, nhưng vẫn coi mình là khách ti tiện, do đó, phải trải qua 20 năm, làm nghề dọn phân. Qua thời gian đó, tâm mới bắt đầu thay đổi. Khi ấy, người cha nhuốm bệnh, tự biết chẳng còn bao lâu sẽ chết, liền đem toàn bộ tài sản giao phó cho con. Tuy vậy, nhưng người con vẫn chưa bỏ được tâm thấp kém. Lại trải qua thời gian ngắn, cha biết tâm người con đã dần dà hướng thượng, thành tựu được đại chí. Tới lâm chung, người cha hội họp thân tộc, quốc vương đại thần mà tuyên bố rằng: “Các ngươi nên biết, đây là con ta, ta đã sinh ra, ở trong thành đó, vốn tên là thế... Nay hết thảy của báu mà ta đã có, đều giao phó cho con ta”.
Khi đó, người con nghe lời tuyên bố của cha, rất đỗi vui mừng và nói: “Ta vốn không có tâm mong cầu của báu, nay kho báu này, tự nhiên đến với ta”.
Tiếp đó, bốn bậc đại Thanh văn kể tiếp: Người trưởng giả giàu có này là Phật. Chúng Thanh văn đệ tử là con Phật. Phật luôn luôn thường nói, chúng con là con Phật. Bạch Thế Tôn: “Chúng con vì ba khổ trong sinh tử, chịu mọi nhiệt não, mê hoặc không có trí tuệ, vui đắm pháp nhỏ”. Ba khổ là “khổ khổ”, “hoại khổ” và “hành khổ”. Khổ khổ là khổ về bệnh tật và đói khát nơi thân và tâm. Hoại khổ là khổ não về cảnh ngộ, như nước lửa làm tiêu tan nhà cửa. Hành khổ là khổ não về vô thường chuyển biến của nhân sinh.
Vì Đức Thế Tôn biết chúng con ham đắm pháp nhỏ, nên Thế Tôn lấy sức phương tiện, nói trí tuệ Phật, chúng con theo Phật, được chứng Niết-bàn, cho là mãn nguyện, không có chí cầu Đại thừa. Chúng con không biết thật là con Phật. Ngày nay chúng con mới biết thật là con Phật. Phật sẽ vì chúng con nói pháp Đại thừa.
Nương vào câu chuyện thí dụ Trưởng giả và cùng tử này, có thể rõ được bản ý của Phật nói Kinh Pháp Hoa là chỉ có “Nhất Phật thừa”, còn Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, ba thừa là từ bi phương tiện.
Hết phẩm Tín giải