Phẩm này chia thành hai đoạn lớn:
1) Đoạn đầu trình bày về ba đoạn trong bốn đoạn của Thuyết pháp chu ở phần trước.
2) Đoạn cuối nói về đoạn chính thuyết trong bốn đoạn của Thí thuyết chu ở phẩm thứ ba này.
Trước đây Đức Phật theo chỗ thành khẩn cầu thỉnh của Xá Lợi Phất, đã chỉ rõ nghĩa khai hiển, do đó Ngài đại ngộ, vui mừng. Phần đầu ở phẩm này trình bày về tâm địa của người trước đã bị mất, nay mới được lại, nên thân tâm thư thái, nay mới biết mình là con Phật. Đó là hết phần lĩnh giải. Rồi Đức Phật chứng nhận, đó là hết đoạn thuật thành. Tiếp đó, Đức Phật dự kiến cho tương lai sẽ thành Phật. Đó là hết đoạn thọ ký. Cuối cùng đều hoan hỷ vui mừng. Đó là hết bốn đoạn của Pháp thuyết chu.
Thứ nữa là đại ý của đoạn chính thuyết trong Thí thuyết chu thứ hai, nói trong bài trường hàng và kệ tụng. Nội dung giống nhau, hỗ trợ nhau để hiển rõ ý nghĩa. Vì duyên thỉnh của Ngài Xá Lợi Phất, hãy chưa ngộ được ở vòng Thuyết pháp chu trước, nên Đức Phật lại nói ra thí dụ “Hỏa trạch”, có khai dụ, hợp pháp, pháp dụ, tổng dụ, biệt dụ, lần lượt nói rõ ra. Đại thể của thí dụ này, mở cái quyền của Tam xa, Tam thừa, để hiển nghĩa của Nhất xa, Nhất thừa. Đó là vì lòng từ bi cứu độ chúng sinh của Đức Phật mà phải vào nhà lửa trong tam giới.
Cuối phần kệ tụng, là phần khuyên tin lưu thông, trần thuật phần đại từ bi môn.
Biểu đồ nội dung phẩm Thí dụ
Biểu đồ nội dung phẩm Thí dụ
Phẩm này gọi là Thí dụ. Vì căn nhà trong ba cõi bị thiêu đốt, nên có tên là “Tam giới hỏa trạch”. Một thí dụ trong bảy dụ, hoặc chín dụ trong Kinh Pháp Hoa.
Ở phẩm Phương tiện trước, Đức Phật nói trí tuệ Phật cho Xá Lợi Phất, nhưng ông vẫn chưa hiểu được và tiếp tục Phật lại thuyết minh về nội dung đó. Cuối cùng ông mới rõ, tự mình sẽ được làm Phật, tâm rất hoan hỷ. Ông bắt đầu trần thuật rằng: “Ngày nay mới biết mình thật là con Phật. Từ miệng Phật sinh ra, từ pháp mà hóa sinh được phần của Phật pháp”. Từ miệng Phật sinh ra, từ pháp hóa sinh, nghĩa là nương vào lời diệu âm thuyết pháp từ miệng Phật, từ trước đến nay, đã hoàn toàn biến đổi được quan niệm về nhân sinh quan và thế giới quan. Được phần Phật pháp là nhận thức được lời Phật dạy, ứng dụng vào cá tính của tự mình. Đối với sự kiện này, Đức Phật rất hoan hỷ và chỉ bảo ông Xá Lợi Phất:
“Ông ở đời vị lai, trải qua kiếp số vô lượng vô biên bất khả tư nghì, cúng dường ngần ấy ngàn vạn ức Phật, phụng trì chính pháp, làm đầy đủ đạo hạnh của Bồ tát, sẽ được thành Phật, hiệu là Hoa Quang Như Lai”. Đó gọi là “thọ ký”. Tức Phật ghi nhận cho Xá Lợi Phất, tương lai nhất định được thành Phật.
Tất cả đại chúng tận mắt thấy Ngài Xá Lợi Phất được thọ ký, mọi người đều vui mừng. Ngài Xá Lợi Phất cũng khôn xiết vui mừng, hướng về phía Phật bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Con nay đã hiểu không còn nghi ngờ, bản thân được thọ ký thành Phật, nhưng ở đây còn nhiều người tu hành, đã từng được nghe Thế Tôn dạy rằng: ‘Giáo pháp của ta, xa lìa được sinh, lão, bệnh, tử đến chỗ cứu cánh Niết-bàn’. Ở đây mọi người đều nghĩ đã lìa hết phiền não, là chứng tới Niết-bàn. Nay Đức Thế Tôn lại nói, đó chưa phải là đã thật chứng ngộ, nên tất cả đại chúng, chưa từng nghe như thế, liền sinh nghi hoặc, vậy khẩn thỉnh Thế Tôn nói rõ lý do, để tứ chúng hết điều nghi ngờ”.
Lúc đó, Phật bảo Xá Lợi Phất, ta trước đây chẳng đã từng nói: “Chư Phật Thế Tôn, đem các loại nhân duyên, ngôn từ, thí dụ, để phương tiện nói pháp, có nghĩa nông sâu khác nhau, nhưng kết cục mọi người cùng tới được cảnh giới Bồ tát và Phật đó sao? Này ông Xá Lợi Phất, nay sẽ lấy một thí dụ, để ông được thấu hiểu rõ ràng. Đó là thí dụ Tam xa hỏa trạch. Trong một đất nước nọ, có ông đại trưởng giả, tuổi đã già, nhà lại vô cùng giàu có, đất đai, ruộng vườn, tôi đòi, con cái rất nhiều. Nhà đó tuy rộng lớn, nhưng có một cửa ra vào chật hẹp. Trong nhà có nhiều người chung sống. Nhà đó đã cũ nát, tường vách long lở, chân cột mục rữa, xà cột nghiêng siêu. Bỗng nhiên phát hỏa, lửa cháy khắp mọi bề. Trưởng giả thấy thế, liền nghĩ rằng: “Ta có thể ra khỏi nhà cháy này được an toàn, nhưng các con ta lại vui chơi, đùa giỡn trong nhà đó không biết, không hay, không lo, không sợ, không biết lửa đốt thân bị đau khổ và cũng không có ý mong cầu ra khỏi nhà”.
Trưởng giả liền nghĩ, mình có thế lực, có sức khỏe, có thể dùng những thứ đồ vật nào đó để thoát ra khỏi nhà. Nhưng các con ta còn nhỏ bé không biết gì, chỉ biết vui đùa. Nay ta phải báo cho chúng biết là nhà sắp bị cháy, các con mau mau ra khỏi, không sẽ bị thiêu chết. Nhưng, các con vẫn không nghe, vẫn vui đùa chạy chơi khắp ngả Đông, Tây, Nam, Bắc, giương mắt nhìn cha. Lúc đó, trưởng giả nghĩ: “Nhà này đã bị cháy lớn, ta cùng các con nếu không ra gấp, chắc sẽ bị lửa thiêu chết”. Trưởng giả liền bày chước phương tiện để cứu các con.
Trưởng giả lại nghĩ: Ta biết các con, đều thích các đồ chơi quý lạ, mà bảo rằng: “Ở ngoài cửa có các thứ xe dê, xe hươu, xe trâu, đều là những món khó có đặng, mà các con đều thích, nếu các con không ra lấy, sau này chắc sẽ hối hận. Các con mau mau rời khỏi nhà lửa, tùy sở thích các con, dùng xe dạo chơi, cha đều sẽ cho các con”.
Các người con nghe cha nói các đồ chơi quý đẹp vừa ý nên tâm đều phấn khởi, xô đẩy lẫn nhau, tranh nhau ra khỏi nhà lửa, đều được an ổn, ngồi nơi đất trống, chỗ ngã tư đường vui mừng hớn hở, thưa với cha rằng: “Lúc trước cha hứa cho chúng con những đồ chơi tốt đẹp, như xe dê, xe hươu, xe trâu, xin cha ban cho”. Khi đó ông trưởng giả, không cho các con xe nhỏ, mà đều cho một loại xe lớn giống nhau “Đẳng nhất đại xa”, tức xe trâu trắng lớn.
Đại ý của Thí dụ gồm có các vấn đề trọng yếu:
Nhà cửa cũ nát, siêu vẹo, loài chim, loài rắn, loài thú bay chạy tung hoành, phóng uế nhơ nhớp, thây chết chồng chất, cắn rỉa lẫn nhau, tranh ăn tìm mồi, chạy đi chạy lại. Đó là những thí dụ để miêu tả chỗ ham đắm dục lạc, những phiền não tràn ngập của chúng sinh hay con người, chỉ say mê chỗ nông cạn ở đời, trong tâm không biết tới đạo lý.
Những trạng thái ham đắm vui chơi như trên, bỗng nhiên nhà bị bốc cháy. Lửa đốt tất cả mọi thứ, biểu thị cho cái chết của nhân sinh. Cái chết đến với bất cứ người thắng kẻ bại, người sang kẻ hèn. Trong nhà lại có nhiều trẻ nhỏ, không biết sự nguy hiểm, cũng không biết cả lửa cháy, chỉ say đắm đùa giỡn. Trẻ nhỏ đây biểu thị cho hết thảy chúng sinh, con người phàm phu.
Ví dụ trên là thực trạng trong tâm khảm của mọi người trên đời. Muốn trốn khỏi cái thực trạng đó chỉ còn một con đường duy nhất. Lời biểu thị cho con đường duy nhất đây là phải ra khỏi cửa của nhà cháy này. “Nhà này duy có một cửa, mà lại hẹp và nhỏ”. Con đường ra vào rất khó khăn, gian nan vất vả. Trong Kinh Pháp Hoa gọi đó là con đường Bồ tát hạnh. Vì Bồ tát không có ý tự cứu riêng mình, mà còn muốn những người chung quanh cũng đều hết khổ. Con đường thực hiện tinh thần Bồ tát đạo, vì nhân gian con người, ai ai cũng có niệm thiện, ai ai cũng có tính thuần chân, nên ai ai cũng có thể thoát ra khỏi cái cửa duy nhất nhỏ hẹp này.
Trưởng giả, người cha muốn tất cả các con, tự chúng chạy ra ngoài nhà cháy, nên lúc đầu đã giảng dạy, nhưng các con không hề lay chuyển, vẫn nhởn nhơ vui đùa, lời khuyên dạy của người cha lành chúng chẳng tin, chẳng sợ, chẳng lo, cũng không có tâm muốn ra. “Tệ hơn nữa chúng cũng còn chẳng biết thế nào là lửa, thế nào là nhà, thế nào là mất. Chỉ đùa giỡn, chạy từ Đông sang Tây, từ Tây sang Đông, rồi nhìn cha mà thôi”. Đó cũng là biểu thị cho lời dạy của Đức Phật là tôn quý, nhưng người đời không hay không biết, nên không áp dụng vào sinh hoạt của tự mình, mà chỉ ham đắm nơi danh dự và lợi ích quá nhiều.
Tới đây, người cha mới tìm đủ mọi phương tiện để giáo hóa, biết được tâm vui thích những thứ đồ chơi của các con, mới bảo các con rằng: “Ở ngoài cửa có các loại xe dê, xe hươu, các con mau ra ngoài cửa mà lấy”. Do đó các con tranh nhau chạy ra khỏi cửa. Đó là phương tiện đã thành công. Vì các con đã tin người cha.
Xe dê và xe hươu là biểu thị cho Thanh văn thừa và Duyên giác thừa. Vì để phá trừ niềm tin cố định của những người này. Đó là chủ đề của tích môn Pháp Hoa đã trần thuật ở phẩm Phương tiện. Xe trâu biểu thị cho Bồ tát thừa. Xe trâu là xe đối lập với xe dê và xe hươu, tuy cũng là Đại thừa nhưng là quyền Đại thừa. Cuối cùng người cha cho các con một xe trâu trắng lớn, tiêu biểu cho thực Đại thừa. Đó là hồn phách của Kinh Pháp Hoa.
Người đã thể đắc được hồn phách của Kinh Pháp Hoa, tức tâm người đó đã ở vào cảnh giới tự do tự tại, mà những ngôn từ được biểu hiện ở trong kinh điển như: “Xe đó cao rộng, trang sức mọi ngọc báu, có lan can bao quanh, treo linh ở bốn mặt. Lại có màn lọng giăng bên trên, còn trang sức bằng các ngọc báu quý lạ. Thắt kết bằng dây báu, thành các tua hoa rủ xuống. Chiếu nệm trải chồng nhau, bên trên để gối đỏ. Dùng trâu trắng kéo, sắc da trơn sạch, hình thể tốt đẹp, có sức rất mạnh, bước đi đĩnh đạc, mau lẹ như gió. Lại có rất đông tôi tớ để hầu hạ”.
Đó là người đã ở cảnh địa tự do tự tại, tức người đã thể đắc được tinh thần căn bản Kinh Pháp Hoa. Xe trâu trắng lớn là “Đẳng nhất đại xa”, cũng là biểu thị cho tất cả tài năng, cảnh ngộ, thân phận, giai cấp được hình thành của mỗi người khác nhau, nhưng trên chỗ chứng ngộ thì bình đẳng như nhau.
Cuối phần thí dụ dài, Đức Phật bảo ông Xá Lợi Phất:
Ông Xá Lợi Phất,
Ta cũng như thế.
Tôn trọng chúng thánh,
Cha của thế gian.
Hết thảy chúng sinh,
Đều là con ta.
Đắm sâu vui đời,
Không có tâm tuệ.
Ba cõi không yên,
Giống như nhà lửa.
Mọi khổ đầy rẫy,
Rất đáng ghê sợ.
Thường có lo buồn,
Sinh già bệnh chết.
Những lửa như thế,
Cháy rực chẳng ngơi.
Như Lai đã lìa,
Nhà lửa ba cõi.
Vẳng lặng thư thái,
Yên chốn rừng nội.
Nay ba cõi này,
Đều là của ta.
Chúng sinh trong đó,
Hết là con ta.
Mà nay chốn này,
Nhiều thứ hoạn nạn.
Chỉ riêng mình ta,
Nay cứu giúp được.
Như vậy đối với chúng sinh, Đức Phật đã nói giáo lý Đại thừa, nhưng chúng sinh vì ở nơi dục nhiễm, tham đắm sâu dày không để tai nghe giáo ấy. Do đó, Phật mới đem pháp phương tiện nói ra Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa.
Tiến xa hơn nữa, ông Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ đệ nhất, Đức Phật còn bảo: “Ông Xá Lợi Phất, đối với kinh này, do tin được vào, nữa là Thanh văn”. Đó là biểu thị sự cần thiết của lòng tin. Vì có tin mới đi tới nhận biết, có nhận biết mới có thực hành, có thực hành mới có chứng ngộ.
Hết phẩm Thí dụ