Phẩm Phương tiện thuộc phần chính tông của tích môn, Phẩm Thọ lượng thuộc phần chính tông của bản môn. Nơi quy thú phần chính tông của tích môn này chú trọng ở hai chữ “Khai hiển”, khai hiển: Khai quyền chấp của Tam thừa, hiển nghĩa chân thật của Nhất thừa. Gọi là “Khai tam hiển nhất”, hoặc “Khai quyền hiển thật”, hoặc “Khai hiển” đều cùng ý nghĩa. Trước hết, Tam thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát. Đức Phật vì hàng Thanh văn mà nói giáo pháp Tứ đế, gọi là Thanh văn pháp, hoặc Thanh văn thừa, y vào giáo pháp đó mà tu hành, gọi là Thanh văn. Vì hàng Duyên giác còn gọi là Bích chi Phật (Pacceka-buddha), nói pháp Thập nhị nhân duyên, gọi là Duyên giác thừa. Hai bậc trên, đặt nặng giải thoát cho cá nhân mình, xưa nay gọi chung là Nhị thừa. Thứ nữa là Bồ tát có tâm từ bi rộng lớn, có lý tưởng tất cả đều thành Phật. Đối với căn cơ này, Đức Phật nói pháp Lục độ, y vào mà tu hành, gọi là Bồ tát thừa. Đối với ba thừa này, Đức Phật tùy theo từng cá tính, cảnh ngộ, căn cơ khác nhau, mà nói ra những giáo pháp khác nhau để thích nghi, ứng bệnh cho thuốc, nên gọi là quyền pháp hay quyền thừa. Quyền có nghĩa chỉ tạm sử dụng rồi bỏ đi. Thứ nữa là Nhất thừa. Nhất là nghĩa tuyệt đối nhất. Ba thừa cách biệt, do ảnh hưởng của cảnh ngộ, căn cơ tu hành, nhưng nhân tính cố hữu đó vẫn bình đẳng như nhau. Mọi người đều có thể tu hành thành Phật. Đó gọi là Nhất thừa giáo. Pháp này bất biến, tuyệt đối, duy nhất, chân thật, nên gọi là nhất thật hay thật giáo. Thật là nghĩa chân thật không hư vọng. Đức Phật nói pháp Tam thừa ở trước thời Pháp Hoa nên Tam thừa là quyền, Nhất thừa là thật. Đó gọi là khai tam hiển nhất hay khai quyền hiển thật. Phần triết lý của tích môn, được tóm tắt trong bốn chữ “chư pháp thật tướng”, là tư tưởng căn bản của Kinh Pháp Hoa.
Nhìn vào biểu đồ phẩm Phương tiện, phần khai hiển chia thành hai đoạn lớn:
1) Lược khai hiển
2) Quảng khai hiển
Văn lược khai hiển rất ngắn, nhưng thâu tóm nghĩa quảng khai hiển trong đó. Đó là văn “Thập như thật tướng”. Tiếp sau trình bày nghĩa thậm thâm ấy rộng ra, đó là đoạn quảng khai hiển. Cảnh của lược hiển thì siêu tứ tuyệt ngôn, trong kinh nói là pháp nan giải, bất khả thuyết. Ba lần Đức Phật ngăn, ba lần Ngài Xá Lợi Phất thỉnh cầu, đó là phần trợ hiển. 5.000 thính chúng lễ Phật lui ra, biểu thị gạn lọc cặn bã để còn lại thuần chân. Trong phần nói quảng khai hiển, lại có các phần: Pháp thuyết, Thí thuyết, Nhân duyên thuyết, tức tam chu thuyết pháp để thích hợp với thượng, trung, hạ căn. Trong Pháp thuyết chu có bốn đoạn: chính thuyết, lĩnh giải, thuật thành và thọ ký. Phẩm Phương tiện này, chỉ nói rõ đoạn chính thuyết trong Pháp thuyết chu. Trong đoạn này phần lớn nói rõ trong trường hàng và kệ tụng, nội dung giống nhau, nhưng giúp nhau hiển rõ phần nghĩa lý. Nội dung nói rõ về lý tưởng và phương pháp truyền đạo của thập phương chư Phật, quá khứ Phật, vị lai Phật, hiện tại Phật và Đức Phật Thích Ca là một. Phật Phật đều nói Tam thừa là tùy nghi, Nhất thừa là pháp cứu cánh.
Biểu đồ nội dung phẩm Phương tiện
Biểu đồ nội dung phẩm Phương tiện
Phương tiện - Phương là chính, tiện là cách thức, nghĩa là ứng dụng cách thức chân chính để khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến. Ở phẩm Tựa, Đức Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ tam muội im lặng không nói, nay thời cơ đã chín muồi, mới bắt đầu nói pháp. Phật trực tiếp bảo ông Xá Lợi Phất rằng: “Trí tuệ chư Phật sâu xa vô lượng. Cửa trí tuệ đó, khó hiểu khó vào. Hết thảy Thanh văn, Bích chi Phật, không thể biết tới”. Ngài Xá Lợi Phất được gọi là trí tuệ đệ nhất, một trong mười đại đệ tử Phật, được nghe Phật nói các hàng Thanh văn và Bích chi Phật không thể hiểu nổi được trí tuệ của Phật, nên sinh nghi ngờ.
Thanh văn và Bích chi Phật (Duyên giác) là hai loại hình ở nhân gian. Trong Phật giáo gọi: Thanh văn thừa và Duyên giác thừa, gọi tắt là Nhị thừa, tượng trưng cho tâm gọi là Nhị thừa căn tính. Thanh văn, tai được nghe lời dạy của Phật, cảm thấy cảnh vô thường trong cõi đời; Duyên giác nương theo mọi duyên mà cảm thấy vô thường, cầu chứng ngộ giải thoát cùng giống nhau. Do đó nên phát sinh hai thứ tương đối là mê và ngộ, phiền não và Bồ-đề, sinh tử và Niết-bàn, đối lập khác nhau. Vì đều cố chấp ở một phía, không rõ được khái niệm mâu thuẫn giữa mê và ngộ, phiền não và Bồ-đề tuy là hai khái niệm khác nhau, nhưng đó chỉ là hai mặt của một sự tượng cụ thể, không thể lìa nhau. Đó là phiền não tức Bồ-đề, sinh tử tức Niết-bàn. Nơi sinh hoạt, tu hành của Nhị thừa lại đem chia chẻ mê và ngộ, phiền não và Bồ-đề làm hai ở cảnh giới đối lập khác nhau, nên giáo pháp mà Đức Phật nói ra cho Nhị thừa chỉ là phương tiện. Nhận thức được phần chính của phương tiện tức là chân thật. Đó gọi là “khai phương tiện môn”.
Căn tính của Nhị thừa là căn tính cố định. Vì chuyển phá căn tính cố định ấy, nên trước hết trong phẩm Phương tiện đưa ra “trí tuệ Phật” là thâm sâu vô lượng. Đó là trí tuệ soi cùng “chư pháp thật tướng”. Trí tuệ biết được tướng trạng khác nhau của vạn vật là “Đạo chủng trí”. Trí tuệ biết được tính bình đẳng của vạn vật là “Nhất thiết trí”. Trí tuệ không chấp vào một của hai bên, biết được cái Trung đạo thật tướng là “Nhất thiết chủng trí”. Vậy trí tuệ ở đây là “Nhất thiết chủng trí”. Cái trí tuệ này lại rất khó hiểu, khó vào mà căn tính Nhị thừa không thể hiểu nổi, là pháp xưa nay chưa từng có, nay mới phương tiện nói ra.
Trong khi ấy, trước hết Ngài Xá Lợi Phất, sau là tất cả mọi người trong pháp tịch, đều rất cảm kích, kinh ngạc lo sợ, không biết đó là pháp gì? Do đó Đức Phật ngăn Xá Lợi Phất: Thôi! Xá Lợi Phất, không nên nói lại nữa. Vì pháp thâm sâu khó hiểu đó, chỉ Phật với Phật mới thấu suốt được “chư pháp thật tướng”. Tâm của Phật không chia ra hai vật đối lập, mê và ngộ, phiền não và Bồ-đề, duy nói về cảnh giới hai mặt của một sự tượng. Đó là “chư pháp thật tướng”. Chư pháp thật tướng là cảnh giới tồn tại trong sinh hoạt ở nhân gian, trên từ Phật giới dưới đến địa ngục giới.
Trong kinh nói: Duy Phật dữ Phật, nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng. Sở vị chư pháp, như thị tướng, như thị tính, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh đẳng.
“Chư pháp thật tướng” là tư tưởng căn bản của tích môn Pháp Hoa. Chư pháp thật tướng là tướng chân thật của chư pháp. Tức chư pháp là thật tướng, thật tướng là chư pháp. Hình thức cứu cánh tồn tại của sự tượng. Sự tượng đây, nó bao hàm nhân gian và vạn tượng trong vũ trụ. Vạn tượng, nếu chỉ nhìn mặt ngoài của nó, có thiên sai vạn biệt, nhưng nhìn về nguyên tố có bên trong, thì tất cả đều có tính chung, đó là “pháp”. Vậy nên, thế giới khác nhau vô cùng, nhưng không những không hỗn độn mà còn hoạt hiện trên thể thống nhất của pháp. Đó là “hiện tượng tức thật tại”. Nếu thể đắc được cách nhìn này tức là đạt quán được cái gọi là “pháp”, cũng gọi là cảnh giới Phật.
Thuyết minh cụ thể thì tướng, tính, thể, lực, tác, nhân, duyên, quả, báo của chư pháp là bản mạt, cứu cánh bình đẳng.
Trên mỗi nguyên tố đó đều có hai chữ “như thị”. Như là chân như. Chân như có nghĩa là chân thật như thường. Bản thể của pháp thì bất biến thường trụ, nên “như” là ý nghĩa bất biến. Nó là thể trong mọi sự vật tồn tại. Có “thể” nên có tồn tại, đó gọi là “như thị thể”. Thể tất nhiên phải hàm chứa một tính chất gì đó. Tính chất này tất nhiên phải hiện ra “tướng” ở ngoài. Trong thể hàm súc một cái “lực” hướng ra ngoài, muốn hiện ra phải có một thứ “tác dụng”. Đó là xét về khía cạnh của một sự vật. Trong thế giới những sự vật như thế có rất nhiều, đồng thời tồn tại, ảnh hưởng lẫn nhau sinh ra mọi hiện tượng, đó gọi là “nhân”. Nhân nương vào điều kiện “duyên” tốt hay xấu mà sinh ra “quả”. Quả tất nhiên phải có cái báo tốt, xấu, khổ, vui. Tất cả mỗi điều kiện này từ đầu (tướng) đến cuối (báo), từ gốc đến ngọn là như thế, không xa lìa đạo pháp, gọi là như thị bản mạt cứu cánh đẳng. Vì thế, tất cả mỗi mỗi sự vật tập thành mỗi mỗi thế giới, mà khảo sát từ chín phương diện này, tùy hiện tượng giới thấy thiên sai vạn biệt, nhưng người cũng thế, vật cũng thế, bất cứ sự vật nào cũng không lìa cái “pháp” của chân như.
Thiên Thai Đại sư, nương vào Thập như thị của Kinh Pháp Hoa mà thành lập phép quán “Nhất niệm tam thiên”. Đại sư chia đoạn văn Thập như thị thành ba cách đọc: Như thị tướng, như thị tính… như thị báo, đọc như vậy để quán các tướng sai biệt, biểu thị cho Giả đế. Cách đọc: Thị tướng như, thị tính như... thị báo như, quán chư pháp bình đẳng, tức biểu thị cho Không đế. Cách đọc: tướng như thị, tính như thị... báo như thị chỉ đường giữa Giả và Không, biểu thị cho Trung đế. Đó là biểu thị tính bình đẳng nếu thấy từ mặt này thì có tướng khác nhau ở mặt kia, không chấp trước vào một phía nào, nên chư pháp có khác nhau, cá biệt, nhưng đồng thời có tính bình đẳng. Theo cách nhìn này, gọi là Trung đế, tức Trung đạo thật tướng. Như vậy, lìa cá thể thì không có toàn thể, lìa toàn thể, không có cá thể, sự vật tồn tại, tất cả có sự quan hệ như thế, đó gọi là “chư pháp thật tướng”. Nơi sinh hoạt hiện thực ở nhân gian, nếu xa lìa thế gian này tất nhiên không có Phật, đó là biểu thị nhân sinh quan của Kinh Pháp Hoa. Sự kiện này do Đức Phật tự nói. Đó gọi là “Vô vấn tự thuyết”.
Tiếp đó, Ngài Xá Lợi Phất không hiểu nổi nghĩa ấy, cầu xin chỗ thuyết minh sâu xa của Phật, trải qua ba lần ngăn, ba lần thỉnh, rồi Đức Phật mới nói đó là một đại sự mà nói ra. Trong lúc đó, xảy ra những sự kiện kỳ diệu, 5.000 đệ tử thính chúng lễ Phật bỏ tòa ngồi mà ra đi, vì lẽ không hiểu rõ được chân nghĩa của Phật, cho chỗ ngộ đạo của mình là thập phần viên mãn, không cần thiết phải nghe nữa, nên đã bỏ đạo tràng ra ngoài. Đức Phật mặc nhiên không ngăn cản và nói: “Lui cũng là tốt vậy”.
Ngoài phần thuyết minh lý luận, trong phẩm Phương tiện Đức Phật còn nương vào thí dụ để thuyết pháp, nương vào thực tế để thuyết pháp, mục đích là để căn tính Nhị thừa lần lượt biết được bản ý của Phật, sau cùng đều được thọ ký thành Phật.
Trong quá trình dẫn dụ ấy Đức Phật luôn luôn nói: “Chư Phật Thế Tôn, đều vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời”.
“Chư Phật Thế Tôn vì muốn khiến chúng sinh, mở được tri kiến Phật, khiến cho thanh tịnh mà xuất hiện ở đời. Vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sinh mà xuất hiện ở đời. Vì muốn chúng sinh ngộ tri kiến Phật mà xuất hiện ở đời. Vì muốn chúng sinh vào đường tri kiến Phật mà xuất hiện ở đời. Ông Xá Lợi Phất, đó là chư Phật, chỉ vì một đại sự nhân duyên, xuất hiện ở đời”. Nhất đại sự nhân duyên đây là nghĩa mở, chỉ cho chúng sinh tri kiến Phật và giác ngộ được tri kiến Phật vào được con đường tri kiến Phật, đó gọi là “khai”, “thị”, “ngộ”, “nhập” bốn tri kiến Phật, mục đích duy nhất của chư Phật xuất thế.
Do tri kiến Phật mà thấy triệt để được thật tướng của các pháp, tức là cách nhìn sự vật đã thể đắc được lý của Trung đạo thật tướng. Nương vào tri kiến Phật, nhìn vào nhân sinh và thế giới, tất cả ở đời, mỗi mỗi sự vật đều biến đổi. Nhưng, tất cả sự thật gọi là biến đổi ấy lại là không biến đổi. Vì nhìn vào thế giới và nhân sinh theo lẽ “chư hành vô thường” ta không thể nhìn phiến diện, ở một mặt lão suy hay tử diệt, thuộc mặt tiêu cực; mà ta phải ở mặt khác của chư hành vô thường là trưởng thành và phát triển, thuộc mặt tích cực.
Thứ nữa, đem tri kiến Phật nhìn thế giới và nhân sinh, thì, trong cõi đời bất cứ một sự vật gì, không chỉ riêng nguyên nhân chủ quan mà tồn tại. Tất cả mọi sự vật đều phải nương vào những quan hệ phức tạp mới tồn tại. Đó gọi là quan hệ cộng tồn. Cách nhìn như vậy gọi là “chư pháp vô ngã”. “Chư hành vô thường” và “chư pháp vô ngã” là thật tướng của chư pháp. Nếu thấy triệt để được lẽ ấy, tức là thấy được Trung đạo thật tướng và là tri kiến Phật. Nhưng, chúng sinh phàm phu lại chỉ tìm cái thường trụ ở trong cái chư hành vô thường, lại chủ trương có ngã trong nơi chư pháp vô ngã, vì thế nên cuộc đời trở nên đau khổ.
Như vậy, mở tri kiến Phật ở chúng sinh, vì chúng sinh vốn đã sẵn có Phật tính, nay nắm bắt được tri kiến Phật, gạt bỏ những phần tiểu ngã, tư lợi, tư dục, để trở lại bản vị của tự mình, tức được thanh tịnh. Chỉ tri kiến Phật, chỉ cho chúng sinh biết phản tỉnh để biết rõ được tri kiến Phật. Ngộ được tri kiến Phật, tức là thể nghiệm ở cách nhìn sự vật, tiếp nhận vào đường tri kiến Phật là tri kiến Phật của tự mình. Tức tự mình phải đi vào trong tri kiến Phật mà sinh hoạt. Đó là mục đích duy nhất của chư Phật xuất hiện ở đời.
Trên đây Phật đã thuyết minh về lý do chư Phật xuất hiện ở đời. Nay chuyển sang phần Phật gọi ông Xá Lợi Phất nói: “Nay ta cũng lại như thế, biết các chúng sinh, có thứ thứ dục, tâm chỗ đắm sâu, theo bản tính đó, đem thứ thứ nhân duyên, ngôn từ, thí dụ, đem sức phương tiện, mà vì nói pháp. Ông Xá Lợi Phất như thế đều vì, được nhất Phật thừa, nhất thiết chủng trí. Ông Xá Lợi Phất, trong mười phương thế giới, Nhị thừa còn không, thì làm gì có thừa thứ ba. Nay ta cũng lại như thế”. Đó là lời dạy nhất quán cùng chư Phật đồng đạo không khác. Và ở đây Đức Phật phương tiện nói ra chỗ đối lập mê và ngộ, cõi này là uế độ, cõi khác là Tịnh độ, nhân gian là phiền não, Niết-bàn là giải thoát. Vì chúng sinh có các loại ham dục, bị chìm đắm sâu dày, nên Đức Phật theo bản tính, phương tiện giáo hóa để cuối cùng đều chứng được nhất Phật thừa. Nhất Phật thừa là giáo lý: “Mê ngộ bất nhị, phiền não tức Bồ-đề, Ta-bà tức Tịnh độ”.
Cuối phẩm Phương tiện, Phật bảo ông Xá Lợi Phất:
Xá Lợi Phất nên biết,
Pháp chư Phật như thế
Đem vạn ức phương tiện
Tùy nghi mà nói pháp
Người chẳng học tập đó
Không thể hiểu liễu được.
Không học tập thì không hiểu rõ, nên cần phải học tập, tức cần phải tu hành. Tu hành nghĩa là thực hành ý chính của Phật đã nói trong kinh và để áp dụng trong sinh hoạt hằng ngày, lập đi lập lại, từ phương tiện này sang phương tiện khác để thông suốt tới được chỗ chân thật của Phật. Vậy phương tiện là nấc thang, là môi giới để tới thế giới chân thật.
Hết phẩm Phương tiện