Phẩm Tựa là phẩm tổng quát của cả một kinh, khai triển phần nghĩa lý u hiển của tích môn và bản môn. Tựa có thông tựa và biệt tựa. Thông tựa, phần tựa chung cho các bộ kinh. Biệt tựa, phần tựa riêng cho từng bộ kinh. Thông tựa do “lục chủng thành tựu” tạo thành. Biệt tựa gồm có năm tựa. Đặc biệt trong đó Hiện thụy tựa, hiện sáu điềm ở cõi này. Phóng quang thụy, hiện sáu điềm ở cõi khác. Trong điềm phóng quang, hào quang chiếu khắp 18.000 cõi về phía Đông, trong hào quang đó hiện ra sáu điềm ở cõi kia, tự thấy được chỗ biểu hiện thậm thâm vi diệu. Do duyên hiện điềm này mà đại chúng sinh nghi, Ngài Di Lặc Bồ tát thay đại chúng trong pháp hội, khẩn thỉnh Văn Thù Bồ tát quyết nghi. Ngài Di Lặc thì từ bi đứng đầu, còn Ngài Văn Thù thì trí tuệ đứng đầu, hai đức này là phần chủ yếu của sự tu đạo, cũng là then chốt của hai môn Bản và Tích đó vậy.
Biểu đồ nội dung phẩm Tựa
Biểu đồ nội dung phẩm Tựa
Phần thông tựa Kinh Pháp Hoa gồm có Lục chủng thành tựu:
1) Như thị là tín thành tựu.
2) Ngã văn là văn thành tựu.
3) Nhất thời là thời thành tựu.
4) Phật trụ là chủ thành tựu.
5) Vương Xá thành Kỳ Xà Quật sơn trung là xứ sở thành tựu.
6) Dữ đại Tỳ-kheo chúng là chúng thành tựu.
Trong tứ chúng hàng đệ tử Phật, những vị nổi tiếng như: A Nhã Kiều Trần Như (Ajñāta Kauṇḍinya), Ca Diếp (Kāśyapa), Xá Lợi Phất (Sāriputta), Mục Kiền Liên (Moggallāna), A Nan (Ānanda), La Hầu La (Rāhula) và di mẫu của Phật là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahāprajāpatī), phu nhân Da Du Đà La (Yaśodharā).
Thứ nữa là chúng Bồ tát. Bồ tát gọi tắt của chữ Bồ-đề-Tát-đỏa (Bodhi Sattva). Bồ-đề là trí tuệ, giác ngộ. Tát-đỏa là hữu tình. Bậc Bồ tát quyết chí tu tới giác ngộ, không thoái chuyển, đều được Đà-la-ni (Dhāraṇī). Đà-la-ni dịch là tổng trì, giữ điều lành không để cho mất, bỏ điều ác không để cho khởi lên. Chuyển bánh xe pháp chẳng thoái chuyển, tu hành tới thành Phật. Sau chúng Bồ tát, Thiên, Long còn có vua A Xà Thế (Ajātaśatru), quốc vương thành Vương Xá (Rājagṛha) thủ phủ nước Ma Kiệt Đà (Magadha).
Tất cả những nhân vật đã nêu, đó là những loại hình tồn tại ở nhân gian, phân loại thành mười giới: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, nhân gian, thiên thượng, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. Địa ngục là trạng thái rất ác tồn tại ở nhân gian, Phật là trạng thái ngược lại. Những loại hình đại biểu cho mười giới này, là thế giới quan được triển khai ở phẩm Tựa.
Đoạn: “Nhĩ thời Thế Tôn, tứ chúng vi nhiễu, cúng dường cung kính, tôn trọng tán thán”. Tứ chúng đây có hai tứ chúng:
1) Tứ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
2) Tứ chúng: Chúng phát khởi, ảnh hưởng, đương cơ và kết duyên. Chúng phát khởi là chúng thay đại chúng để chất vấn và giải đáp trong pháp hội, đó là Văn Thù Bồ tát, Di Lặc Bồ tát. Chúng ảnh hưởng là chúng giúp Phật trong hội thuyết pháp như các Ngài Quán Thế Âm Bồ tát, Dược Vương Bồ tát. Chúng đương cơ là chúng đối tượng hiện diện học hỏi trong pháp hội, như các Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, A Nan v.v. Chúng kết duyên là chúng nghe Phật thuyết pháp trong pháp hội, không thể trực tiếp nhận được, mà phải lùi bước bỏ chỗ ngồi, ra khỏi đạo tràng, nhưng đó cũng là duyên lành, sau này tất cả sẽ được độ.
Tứ chúng vây quanh Phật, trong khi ấy Đức Phật nói kinh Đại thừa gọi là Vô Lượng Nghĩa rồi nhập định “Vô lượng nghĩa xứ tam muội” (Anantanirdeśapratiṣṭhāna-samādhi) cũng gọi là “thực tướng tam muội”. Vô lượng nghĩa xứ là cơ sở để phân biệt nhiều nghĩa, tức là trạng thái của tâm chuyên niệm vào chư pháp thật tướng làm căn cứ để cho giáo pháp Tam thừa sai biệt. Đó gọi là Vô lượng nghĩa xứ tam muội. Hiện các điềm lành, sáu điềm ở cõi này, sáu điềm ở thế giới khác và phóng hào quang soi khắp 18.000 thế giới ở phía Đông, sáu điềm ở cõi này:
1) Thuyết pháp thụy là điềm Phật đã nói kinh Đại thừa gọi là “Vô Lượng Nghĩa, Giáo Bồ Tát Pháp, Phật Sở Hộ Niệm”.
2) Nhập định thụy, điềm Phật nhập định, ngồi Kết-già vào chính định Vô lượng nghĩa xứ, thân tâm chẳng động.
3) Vũ hoa thụy, điềm mưa hoa, từ trên trời mưa các thứ hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, rải trên Phật và đại chúng.
4) Địa động thụy, điềm sáu thứ chấn động khắp các thế giới Phật: (1) Động, (2) Khởi, (3) Dũng, (4) Chấn, (5) Hống, (6) Kích. Ba thứ trên thuộc về khởi động, ba thứ sau thuộc âm thanh, sáu thứ này cũng là biểu thị tâm cảm động của thính chúng.
5) Tâm hỷ thụy, thính chúng đều nhất tâm hoan hỷ chắp tay tán thán cung kính.
6) Phóng quang thụy, từ khoảng giữa lông mày của Phật phóng ra tướng ánh sáng bạch hào, chiếu tới 18.000 cõi nước ở phía Đông, dưới soi tới địa ngục A tỳ, trên soi tới trời Hữu Đỉnh. Phóng quang thụy là biểu thị cho trí tuệ của Phật.
Phật giáo là tôn giáo của giác ngộ tức là tôn giáo của trí tuệ. Trí tuệ chia ra hữu lậu trí và vô lậu trí. Hữu lậu trí là trí tuệ có chức năng phân biệt, thuộc lĩnh vực tri thức. Vô lậu trí, trí tuệ thanh lọc được hết thảy phiền não vọng tưởng, là trí tuệ căn bản hay trí tuệ của Bát nhã. Trí tuệ của Pháp Hoa là trí tuệ soi thấy “chư pháp thật tướng” tức cái linh trí thấy thấu suốt được vĩnh viễn nằm trong một sát na. Tượng trưng cho linh trí là ánh sáng “bạch hào tướng”. Ánh sáng soi chỗ tối để rõ được vạn vật. Ánh sáng này chiếu về phía Đông. Theo Phật giáo, phía Đông tượng trưng cho bắt đầu.
Sáu thụy ở cõi khác. Cõi khác vì nương vào ánh sáng trí tuệ mà thấy được đối tượng.
1) Điềm thấy được chúng sinh trong sáu cõi. Sáu cõi là sáu loại hình sinh tồn ở nhân gian: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A-tu-la, nhân gian và thiên thượng, cũng gọi đó là lục đạo. Chúng sinh mê muội tất nhiên không thể xa lìa được cảnh giới này, phải luân hồi trong lục đạo:
(1) Địa ngục - biểu thị cho trạng thái của tâm khi đã bị phần sân hận chiếm lĩnh.
(2) Ngạ quỷ - biểu thị cho trạng thái của tâm khi đã bị phần tham dục cực độ chiếm lĩnh.
(3) Súc sinh - biểu thị cho trạng thái của tâm khi đã bị phần ngu si tột độ chiếm lĩnh.
(4) A-tu-la - biểu thị trạng thái của tâm khi đã bị phần siểm nịnh tột độ chiếm lĩnh.
(5) Nhân gian - biểu thị cho bình chính, con người tuy đều có đủ năm tâm của năm cõi còn lại, nhưng con người biết phản tỉnh, không đưa đến cảnh giới cực đoan.
(6) Thiên thượng - biểu thị trạng thái của tâm khi đã chiếm lĩnh được phần hoan hỷ. Nhưng, tâm hoan hỷ đây vẫn trong vòng mê muội, nên vẫn có thể bị sa đọa nơi địa ngục.
2) Điềm thấy chư Phật.
3) Điềm nghe Phật thuyết pháp, tức là thấy được bóng dáng của chư Phật, được nghe tiếng nói của Phật thuyết pháp.
4) Điềm thấy tứ chúng đắc đạo, thấy được bốn chúng tu hành đắc đạo.
5) Điềm thấy Bồ tát tu hành, thấy Bồ tát nương vào các loại nhân duyên, các loại tín giải, các loại tướng mạo mà tu hành.
6) Điềm thấy Phật vào Niết-bàn, thấy quang cảnh Phật vào Niết-bàn, quang cảnh thành khẩn thiết tha cung kính cúng dường của hàng đệ tử.
Sáu điềm cõi này, sáu điềm cõi khác là biểu thị phần mở đầu nói Kinh Pháp Hoa. Trước nơi Phật nhập định, phần vấn đáp của Di Lặc Bồ tát tượng trưng cho từ bi và Văn Thù Bồ tát tượng trưng cho trí tuệ. Di Lặc Bồ tát vì không hiểu được quang cảnh bất khả tư nghì đã triển khai ngay trước mắt là vì lẽ gì? Tất cả thính chúng cũng đều nghĩ thế. Di Lặc Bồ tát thay thính chúng đem hỏi Văn Thù Bồ tát. Ngài Văn Thù đáp: “Đó là tiền lệ ở quá khứ đã được nêu ra, nay là điềm Đức Thế Tôn sẽ nói Kinh Pháp Hoa”.
Hết phẩm Tựa