Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma-puṇḍarīka-sūtra) do Ngài La Thập dịch, trong năm chữ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, duy một chữ “Pháp” là thực thể, còn chữ “Diệu”, chữ “Liên Hoa” đều là hình dung từ hay lời tu sức của chữ “Pháp”. Trong chữ “Pháp” tồn tại rất nhiều ý nghĩa, nhưng tóm lại có bốn nghĩa chính: Chân lý, pháp tắc, pháp độ, giáo pháp. Trong Phật giáo, lời dạy của Đức Phật không có nghĩa độc đoán; hay giả thuyết, vì Đức Phật là một đấng đã giác ngộ được chân lý, cái chân lý thường tồn tại trong thế gian là nhất như, nên lời dạy của Đức Phật là “chân lý”. Chân lý này là pháp tắc chi phối giữa vật và vật, vật và người, người và người, hợp với pháp luật của thế gian. Đức Phật nương vào những tính chất vốn có của các pháp mà nói ra, nên gọi là giáo pháp. Vì chữ Pháp có nhiều ý nghĩa sâu xa huyền diệu không thể nghĩ bàn được nên được hình dung bằng chữ Diệu, gọi là “Diệu Pháp”. Ở Ấn Độ, hoa sen thường được tán thưởng là thứ hoa đẹp, hoa ở trong bùn mà không nhiễm mùi bùn. Hoa sen còn có cái đặc trưng là hoa quả cùng thời để biểu hiện cho ý nghĩa “nhân quả không hai”, “sự lý một thể” trong một hiện tượng nhỏ trước mắt mà bao hàm chân lý của vũ trụ, hiện tượng lớn của vũ trụ cũng biểu hiện ở trong một hiện tượng nhỏ ngay trước mắt. Cuối cùng là chữ “Kinh”. Kinh có nghĩa là xuyên suốt, nhiếp hóa hết thảy nghĩa lý của vũ trụ. Lời dạy của Đức Phật đã nói ra được biểu hiện ở ngôn ngữ văn tự để chỉ dạy cho hết thảy chúng sinh, cũng như sợi chỉ xâu hoa thành tràng hoa để trang sức. Kinh còn gọi là khế kinh, tức là nghĩa khế lý hợp cơ. Kinh là danh từ gọi chung cho kinh điển, có chứa ý nghĩa nội dung của kinh ấy. Cũng như ý nghĩa nội dung của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.