Mở đầu Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này, trước hết ta thấy ghi: “Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư, Cưu Ma La Thập, phụng chiếu dịch”, có ý nghĩa: Ngài Cưu Ma La Thập, bậc Tam tạng Pháp sư ở thời đại Diêu Tần, vâng chiếu của nhà vua đương thời đã dịch kinh điển này.
Trong Đại Tạng Kinh, gồm có Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng, ba tạng tạo thành kinh là lời dạy của Đức Phật. Luật là giới luật, luận là lời giải thích kinh và luật. Người thông suốt tạng kinh gọi là Kinh sư. Người thông suốt tạng luật gọi là Luật sư. Người thông suốt tạng luận gọi là Luận sư. Một người thông suốt cả ba tạng, gọi là Tam tạng Pháp sư.
Thân phụ Ngài Cưu Ma La Thập (Kumārajīva) (344 - 413 TL) là Cưu Ma La Viêm (Kumārāyana) dòng dõi danh môn Ấn Độ. Vì chí hướng truyền đạo, nên Cưu Ma La Viêm, rời Ấn Độ đến cư trú tại nước Quy Tư thuộc phía Đông Ấn Độ, phía Tây Trung Quốc, hiện nay ở Đông Bắc tỉnh Tân Cương. Nước này tín ngưỡng Phật giáo rất thịnh hành. Cưu Ma La Viêm sau kết hôn với em gái quốc vương Quy Tư, sinh ra Ngài La Thập.
La Thập tới 7 tuổi, đã cùng với mẹ xuất gia, du học khắp bốn phương, tới các vị đại đức tìm học Phật giáo. Đặc biệt, Ngài đã học Đại thừa Phật giáo ở Ngài Tu Lê Da Tô Ma (Saryasoma). Ngài thấy La Thập là người tài năng ưu tú phi thường, nên đã đem chỗ hiểu biết của mình truyền lại cho La Thập, đặc biệt khi La Thập trở về nước Ngài đã truyền lại Kinh Pháp Hoa và khuyên truyền bá kinh này ở các nước phía Đông, đó là nguyên bản Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở ngày nay.
Vì La Thập có đại quyết tâm hoằng truyền Phật pháp phía Đông Bắc Ấn là Trung Quốc nên chỉ đợi cơ hội khởi hành. Trung Quốc lúc đương thời là thời đại Đông Tấn, nhưng chẳng bao lâu đã trở thành thời đại chiến quốc của 16 nước Ngũ Hồ. Trong đó, Phù Hồng là người sáng lập nhà Tần, đến Phù Kiên là đời thứ ba, nước Tần trở thành nước lớn mạnh, ảnh hưởng đã lan tới các nước ở địa phương Tây Vực, tới nơi ở của La Thập. Thanh danh của Ngài lúc ấy đã vang tới trung ương. Phù Kiên liền sai tướng quân Lã Quang cất quân mời La Thập về kinh đô, La Thập rất mừng và nhận lời, nhưng đi tới giữa đường, Phù Kiên bị tướng bộ hạ là Diêu Trường giết, vương triều Phù Tần được thay thế bằng vương triều Diêu Tần. Ngài La Thập tới Trường An, kinh đô của Diêu Tần, giữa niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ 3 (401) đời Hậu Tần. La Thập được nhà vua đãi ngộ, tôn làm Quốc sư, Ngài mất năm niên hiệu Hoằng Thủy thứ 15 (413), thọ 70 tuổi. Các kinh điển Ngài dịch gồm 384 bộ, có các kinh chính như: Kinh Pháp Hoa, Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Nhân Vương, Kinh Duy Ma, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận, Thành Thực Luận, Đại Trí Độ Luận v.v.
Kinh Pháp Hoa do La Thập dịch gọi là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma-puṇḍarīka-sūtra), gồm 8 quyển, 28 phẩm: 1) Phẩm Tựa. 2) Phẩm Phương tiện. 3) Phẩm Thí dụ. 4) Phẩm Tín giải. 5) Phẩm Dược thảo dụ. 6) Phẩm Thọ ký. 7) Phẩm Hóa thành dụ. 8) Phẩm Ngũ bách đệ tử thọ ký. 9) Phẩm Thọ học vô học nhân ký. 10) Phẩm Pháp sư. 11) Phẩm Hiện bảo tháp. 12) Phẩm Đề Bà Đạt Đa. 13) Phẩm Khuyến trì. 14) Phẩm An lạc hạnh. 15) Phẩm Tòng địa dũng xuất. 16) Phẩm Như Lai thọ lượng. 17) Phẩm Phân biệt công đức. 18) Phẩm Tùy hỷ công đức. 19) Phẩm Pháp sư công đức. 20) Phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát. 21) Phẩm Như Lai thần lực. 22) Phẩm Chúc lụy. 23) Phẩm Dược Vương Bồ tát bản sự. 24) Phẩm Diệu Âm Bồ tát. 25) Phẩm Quán Thế Âm Bồ tát phổ môn. 26) Phẩm Đà-la-ni. 27) Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương bản sự. 28) Phẩm Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát.
Giải thích Kinh Pháp Hoa, xưa nay thường chia ra từng khoa đoạn để phân loại. Trong 28 phẩm, 14 phẩm đầu là bộ phận tích môn, 14 phẩm cuối là bộ phận bản môn. Thứ nữa, lại chia ra ba phần: Phần tựa, phần chính tông và phần lưu thông. Phẩm Tựa là phần tựa; từ phẩm Phương tiện đến nửa phần đầu phẩm Phân biệt công đức là phần chính tông; từ nửa phần sau phẩm Phân biệt công đức đến phẩm Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát ở cuối là phần lưu thông. Đó là một kinh ba đoạn.
Thứ nữa, phần tích môn của kinh này, phẩm Tựa là phần tựa; từ phẩm Phương tiện đến phẩm Thọ học vô học nhân ký, tám phẩm này là phần chính tông; từ phẩm Pháp sư đến phẩm An lạc hạnh, năm phẩm này là phần lưu thông. Lại nữa, phần bản môn của kinh này, từ nửa đầu của phẩm Tòng địa dũng xuất là phần tựa, từ nửa phần cuối phẩm Tòng địa dũng xuất, phẩm Như Lai thọ lượng đến nửa đầu phẩm Phân biệt công đức là phần chính tông; từ nửa cuối phẩm Phân biệt công đức đến phẩm Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát ở cuối cùng là phần lưu thông. Đó là hai kinh sáu đoạn.
Phần tích môn của Kinh Pháp Hoa, có ý nghĩa giáo môn của Tích Phật, bản môn là giáo môn của Bản Phật. Tích Phật là Đức Phật theo lịch sử, giáo chủ của Phật giáo, đã giáng sinh cách đây hơn 2.500 năm, do kết quả của tu hành mà thành Phật. Đó gọi là “Thủy Giác Phật”, sự kiện có thật của lịch sử. Nhưng về sự thật của tín ngưỡng thì sự thành đạo của Đức Phật đã từ ở vô thủy kiếp xa xưa. Đó gọi là “Bản Giác Phật”. Chỗ quan hệ giữa Thủy Giác Phật và Bản Giác Phật cũng như mặt trăng trên trời và bóng trăng trong nước. Bản Giác Phật, Đức Phật đã thành Phật từ xa xưa, tức Đức Phật của “cửu viễn thực thành” nên gọi là “Bản Phật”. Đối với Bản Phật là Thủy Giác Phật. Bản Phật có lúc xuất hiện ra đời, đó gọi là Tích Phật. Bản Phật là thế giới tín ngưỡng siêu việt của cả thời gian và không gian, nhưng Tích Phật là thế giới tương đối chịu ảnh hưởng quy định của thời gian và không gian. Con người nhân gian không thể lìa bỏ thế gian mà sinh ra. Bởi thế, tuy Bản Phật là thật tại nhưng nếu không có cầu nối của Đức Phật là Tích Phật, ta không thể biết được Bản Phật thật tại. Nên nơi quan hệ giữa bản và tích thật không thể nghĩ lường được.
Theo chỗ thuyết giáo của tích môn và bản môn, tự nó có hai đặc trưng. Khóa đề trung tâm của tích môn là nói về quan hệ giữa nhân gian và nhân gian, nói rõ về trí tuệ của Phật, thuộc lĩnh vực triết học, khóa đề trung tâm của bản môn, nói về chỗ quan hệ Phật và nhân gian, nói rõ về từ bi của Phật theo lập trường tôn giáo.