Kinh điển Đại thừa Phật giáo có rất nhiều, tư tưởng cao siêu của mỗi bộ kinh đều phô bày mỗi vẻ. Như tư tưởng “chân không diệu hữu”, xuất phát từ Kinh Bát Nhã; khai triển tư tưởng “pháp giới duyên khởi quán”, xuất phát từ Kinh Hoa Nghiêm; kế thừa tư tưởng Bát nhã, đề cao ý chí “không bất khả đắc”, xuất phát từ Kinh Duy Ma Cật; triệt để đề cao diệu lý hiện tượng tức thật tại, tức tư tưởng “chư pháp thật tướng”, xuất phát từ Kinh Pháp Hoa.
Một trong những bộ kinh được lưu truyền sâu rộng, được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng, được nhiều nhà nghiên cứu, chú thích và được nhiều người đọc tụng, ta có thể nói, đó là bộ Kinh Pháp Hoa. Nội dung tư tưởng, giá trị văn học và đối tượng tín ngưỡng của Kinh Pháp Hoa cũng đứng ở địa vị siêu việt, nên Kinh Pháp Hoa được tôn là “chúng kinh chi vương”, ngôi vua của các bộ kinh.
Kinh Pháp Hoa được phiên dịch từ chữ Phạm (Sanskrit) sang chữ Hán có nhiều bản dịch khác nhau, nhưng duy bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập (Kumarājiva) dịch ở năm Hoằng Thủy thứ 8 (406 TL) thuộc đời Diêu Tần, gọi là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là được phổ cập khắp nơi. Nhất là ở Trung Quốc, Cao Ly, Nhật Bản và Việt Nam, đều truyền trì, đọc tụng, nghiên cứu Kinh Pháp Hoa của Ngài Cưu Ma La Thập dịch.
Kinh Pháp Hoa do Ngài La Thập dịch gồm có 28 phẩm, 14 phẩm đầu thuộc “tích môn Pháp Hoa”, 14 phẩm cuối thuộc “bản môn Pháp Hoa”. Bản môn nói về “Cổ Phật”, Đức Phật đã thành từ ở những vi trần kiếp xa xưa; tích môn nói về “Tân Phật”, tức Phật mới thành, mà Phật mới thành lại là ứng, hóa thân của Cổ Phật thị hiện. Vì lẽ đó, nên Kinh Pháp Hoa chia ra thành làm hai môn. Hai môn này tuy khác nhau về Cổ Phật và Tân Phật, nhưng lý chân thật của hai môn vẫn giống nhau, cũng tỷ dụ như mặt trăng và bóng trăng không khác. Mặt trăng dụ cho Cổ Phật, bóng trăng dụ cho Tân Phật. Vì Đức Thế Tôn, chính Ngài đã thành Phật từ ở những vi trần kiếp xa xưa, nhưng vì lòng đại bi cứu độ chúng sinh, nên Ngài vốn từ nơi không sinh mà hiện có sinh, không diệt mà hiện có diệt, ứng hiện ra nhiều quốc độ để giáo hóa chúng sinh, nên đã từ hơn 2.500 năm trước đây, Đức Phật Thích Ca đã giáng sinh vào nước Ấn Độ, hiện thân cứu đời, vì thế gọi là “Tích Phật” hay “tích môn Pháp Hoa”. “Tích Phật” tương đối với “Bản Phật”, hay “bản môn Pháp Hoa”.
Thiên Thai Trí Giả Đại sư, trong khi giảng diễn Kinh Pháp Hoa và chú thích Kinh Pháp Hoa, Ngài là vị học giả đầu tiên, đem Kinh Pháp Hoa chia thành bản môn và tích môn. Tích môn và bản môn tuy đều là những pháp môn để chúng sinh ngộ vào tri kiến của Phật, tức trí tuệ Phật, nhưng tích môn và bản môn lại đều có những đặc sắc riêng:
1) Tích môn nói về chân lý: “Nhị thừa thành Phật” (Thanh văn và Duyên giác đều được thành Phật). Bản môn nói về chân lý: “Cửu viễn thật thành” (Đức Thích Ca thật là vị Phật đã thành từ ở những vi trần kiếp xa xưa).
2) Tích môn bàn về lý tưởng: “Y tín thành Phật” (nương vào lòng tin mà thành Phật). Bản môn nói về lý tưởng: “Trì kinh thành Phật” (chuyên trì kinh pháp mà được thành Phật).
Mười bốn phẩm đầu trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện thứ hai là phẩm cốt yếu của tích môn Pháp Hoa. Phẩm này bàn về lý “khai Tam thừa” (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) để quy về “Nhất thừa” (Nhất Phật thừa). Đặc biệt bài trường hàng ở đầu phẩm này nói về “Thập như thị” để biểu hiện phần triết lý thường trụ của vạn pháp, gọi là chư pháp thật tướng. Mười bốn phẩm cuối trong Kinh Pháp Hoa thuộc bản môn Pháp Hoa, phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16, là phẩm cốt yếu của bản môn, đồng thời là phẩm tâm can của toàn bộ Kinh Pháp Hoa. Phẩm này bàn về lý lẽ Đức Thích Ca, Ngài đã thành Phật từ ở những vi trần kiếp xưa kia.
Tuy hai phẩm Phương tiện và Như Lai thọ lượng là giáo lý căn bản của Kinh Pháp Hoa, nhưng chính năm chữ đề mục Diệu Pháp Liên Hoa Kinh mới là phần trọng yếu của toàn bộ kinh.
Nhật Liên Đại sư (1222 - 1282 TL), Ngài là một vị thánh tăng Nhật Bản, một hành giả duy nhất của Kinh Pháp Hoa, đã phát minh được tín ngưỡng mới để làm yếu chỉ cho Pháp Hoa tông và cũng là một pháp môn duy nhất để cứu khổ chúng sinh đời mạt pháp. Yếu chỉ đó gọi là “tam đại bí pháp” (ba pháp môn bí mật) là “Bản môn bản tôn”, “Bản môn đề mục” và “Bản môn giới đàn”.
1) Bản môn bản tôn: Là một đồ hình, trong đồ hình ấy, ở giữa viết bảy chữ: “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” (Kính lễ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa). Bên trái và bên phải bảy chữ đó, viết những danh hiệu của Đức Phật Thích Ca, Đa Bảo Như Lai và chư Bồ tát v.v. Đồ hình này có tên gọi là Man-trà-la (Mandara) dùng để trưng bày ở giữa bàn thờ (thay thế tượng Phật Thích Ca, nếu bàn thờ không có tượng) làm đối tượng tín ngưỡng.
2) Bản môn đề mục: Tức là bảy chữ: “Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” và năm chữ: “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” là văn tự dùng để biểu hiện đức tính đại từ, đại bi và đại trí tuệ của Bản Phật, nên người trì tụng tên kinh này, cũng như trì tụng toàn bộ Kinh Pháp Hoa và các kinh điển khác tiêu sạch nghiệp chướng được vô lượng vô biên công đức, chứng đặng Phật quả.
3) Bản môn giới đàn: Nghĩa là người hành giả đã đối trước bàn thờ Phật hay Man-trà-la, trì niệm tên Kinh Pháp Hoa, cần phải phát nguyện trì niệm tên kinh đó trọn đời, trọn kiếp, tâm không thoái chuyển, cho mãi tới khi tự mình thành Phật. Người phát nguyện như vậy thì gọi là “giới” và còn gọi là “kim cương bảo giới” (Bao hàm tất cả giới luật Phật giáo).
Để từng bước học tập và nghiên cứu toàn bộ Kinh Pháp Hoa, nên trong niên khóa này, trước hết, tôi chỉ trình bày tổng quát qua hai phần: Phần đại ý tổng quát Kinh Pháp Hoa và phần nội dung cốt yếu của từng phẩm trong kinh.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Phật lịch 2532, ngày 16 tháng 3 năm 1989
CẨN CHÍ
THÍCH THANH KIỂM