Nếu tiền không làm bạn hạnh phúc thì hãy đưa nó cho tôi.
Khuyết danh
Nếu bạn cảm thấy tiền không mang lại hạnh phúc cho mình và bạn không biết cách xài tiền ra sao để hạnh phúc thì xin hãy đưa nó cho Emma. Emma chắc chắn với bạn rằng tôi rất hạnh phúc khi có tiền và tôi còn có thể làm nhiều người hạnh phúc hơn.
Nhưng trước tiên, hãy cùng lắng nghe câu chuyện về hành trình chinh phục đam mê, nhưng lại khiến hạnh phúc gia đình trở nên không trọn vẹn của cậu tôi - Will. Đó là một câu chuyện mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể gặp phải nhưng hy vọng rằng chúng ta đủ tỉnh táo để biết đâu mới là điều mình muốn trong đời.
Câu Chuyện Về Tiền Và Hạnh Phúc Không Trọn Vẹn
Vào mùa hè năm 2004, trong một lần đi thực tế cho môn học ở tỉnh, tôi đã đến thăm gia đình của cậu Will, một người họ hàng thân thiết với gia đình. Trước khi kết hôn, Will có một nông trại trồng hoa hồng ở gần nông trại của gia đình chúng tôi. Cậu thường xuyên chơi đùa với chúng tôi và nhận lấy sự la rầy của cha mẹ khi “lỡ được bầu là người lãnh đạo” trong nhiều “phi vụ” của chị em tôi. Chúng tôi yêu quý, gần gũi với Will không chỉ vì ít có khoảng cách tuổi tác mà còn là bởi Will là một cậu thanh niên tài hoa và có rất nhiều năng lượng tích cực. Khi cậu Will bán nông trại để kết hôn và chuyển về sống cùng vợ là mợ Amy, chúng tôi đã rất buồn nhưng lại tin rằng Will sẽ có nhiều cơ hội phát triển niềm đam mê của mình hơn.
Will mở một xưởng thủ công ngay tại nhà và bắt đầu phát triển. Vì nắm bắt thị trường tốt, cộng với tài năng thực sự nên xưởng của cậu nhanh chóng có được vị trí tốt. Công việc kinh doanh ngày càng phát triển. Nhưng Will không thích thuê thêm người phụ việc. Cậu nghĩ rằng, mỗi một sản phẩm cậu làm ra phải mang linh hồn của người thợ làm. Chỉ có cậu mới có thể thổi vào từng sản phẩm sự sinh động, vẻ quyến rũ như nó vốn phải có. Vì thế, mọi chuyện gặp gỡ khách hàng, bàn giao sản phẩm, vận chuyển nguyên liệu,… mợ Amy thực hiện hết. Will say mê với các sản phẩm mình làm ra và hầu như 20 giờ của một ngày Will chỉ ở trong xưởng. Cha mẹ tôi đã từng nhắc nhở cậu, khuyên cậu nên dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc gia đình nhỏ. Nhưng Will không đồng ý. Will đã gửi một tấm hình chụp hai vợ chồng trẻ trong xưởng với nụ cười thỏa mãn. Will bảo rằng, Amy rất ủng hộ đam mê của Will và đến bây giờ họ đều rất hạnh phúc.
Mọi chuyện đều vẫn tốt cho đến khi Amy bị sảy thai. Hôm đó, gia đình chúng tôi đã đi chuyến xe khuya để có thể đến đó vào sáng sớm động viên tinh thần Will và Amy. Cha mẹ tôi và các chị đã ở đó một tuần cho đến khi mợ Amy ổn định về sức khỏe. Vì đó là mùa hè nên tôi và em trai Cole đã tiếp tục ở lại. Sức khỏe và tinh thần của mợ Amy dần tốt hơn, chúng tôi lại có những khoảng thời gian rất vui vẻ. Will trở lại với công việc ở xưởng và đã đồng ý thuê người. Đó là một tin đáng mừng mặc dù công việc lựa chọn thợ làm việc ở xưởng “ông chủ Will rất nghiêm khắc” cũng khá khó khăn. Một mùa hè rực rỡ lại qua đi. Will vẫn là người cậu dồi dào nguồn năng lượng đam mê với nghề. Amy lại có tin vui. Tôi và Cole đã tạm biệt cậu mợ với vô vàn lưu luyến.
Với sự hào hứng và lòng yêu mến cả gia đình cậu, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ được đón tiếp nồng nhiệt như trước đây, mọi người ôm lấy tôi, thăm hỏi tôi và chiêu đãi tôi những món ăn địa phương tuyệt vời. Nhưng khi bước vào ngôi nhà tôi cảm thấy có điều gì đó đã khác lần cuối tôi ghé thăm họ từ năm năm trước. Ngôi nhà mà tôi từng cảm nhận được sự ấm áp ngày nào dường như đã không còn nữa, mà thay vào đó là sự ngượng ngùng của các thành viên trong gia đình.
Khi mợ Amy mang thai lần nữa, Will dường như chăm sóc rất tỉ mỉ. Nhưng lần sảy thai lần trước vẫn để lại cho mợ những ám ảnh. Will đã tạm gác niềm đam mê của mình lại để chuẩn bị cho vợ và con của mình một tổ ấm thật sự. Cậu tự tay làm nôi, trang trí phòng và làm rất nhiều đồ chơi cho em bé. Mỗi khi nhìn vợ con, Will đã rất vui vẻ nhưng trong thâm tâm vẫn còn một điều gì đó mà cậu cảm thấy nuối tiếc. Will vẫn chăm sóc vợ con chu đáo, nhưng Amy hiểu rằng, chồng cô đã không còn nụ cười tràn đầy nhiệt huyết như trước. Giữa họ, không ai nói với ai nhưng dần có khoảng cách. Khi con trai được 5 tuổi, Will nhận được lời đề nghị mở lại xưởng và tham gia dự án xuất khẩu. Ngọn lửa đam mê lại hừng hực cháy lên và Will quyết định không thể bỏ lỡ cơ hội này. Khi mọi chuyện đã đâu vào đấy, Amy mới biết chuyện. Họ đã tranh cãi với nhau. Will bảo rằng anh đã rất trách nhiệm với gia đình, đã bỏ bê niềm đam mê của mình vì gia đình, bao nhiêu áp lực về tiền bạc,… Amy trách móc, nếu Will không quá ham mê công việc thì làm sao cô ấy lại mất đi đứa con đầu tiên, anh đã thật sự chăm lo cho bé thứ hai chưa khi chỉ làm như trách nhiệm mà không để vào nhiều tâm ý của người cha, vì thế mà con trai họ mới nhút nhát, mới không có được sự vô tư như những đứa trẻ cùng tuổi khác,…
Tuy rằng cuối cùng vẫn có những thỏa thuận với nhau nhưng rõ ràng họ không thể có cùng tiếng nói cảm thông như trước. Công việc của Will ngày càng bận rộn hơn và cậu cũng kiếm được nhiều tiền hơn. Will đã thuê người giúp việc để lo toan việc nhà. Amy chỉ cần chăm sóc con trai. Cậu nghĩ rằng như vậy đã thỏa đáng. Will càng ngày càng ít có mặt ở nhà. Có khi một tháng trời cậu chỉ dùng cơm với vợ con được dăm ba lần. Nhưng Will cảm thấy đang thực hiện niềm đam mê và tài năng của cậu đã được công nhận. Khao khát thời trẻ cùng những nỗ lực dần có kết quả. Tuy nhiên, khi dự án hợp tác với địa phương không mang lại kết quả tốt như kế hoạch, sự tin tưởng với sản phẩm ở xưởng cũng dần bị mất uy tín. Cộng với thời tiết có nhiều thay đổi, mưa nhiều hơn trước rất nhiều, nguồn gỗ dự trữ lại không được bảo dưỡng đúng cách (do bên hợp tác muốn tiết kiệm chi phí), Will đã bất đồng quan điểm và tách ra. Cậu nghĩ rằng, khi đam mê còn cậu sẽ thừa sức lực để đưa xưởng trở lại sự phát triển trước đó. Mợ Amy cũng đã dùng số tiền tích góp trước đó để giúp Will trả nợ và trang trải mọi thứ lại từ đầu.
Trước đó, tôi đã được biết là cậu vừa kinh doanh thất bại và tôi cũng ghé thăm với tâm thế muốn an ủi mọi người. Tôi vẫn nghĩ trong những ngày tháng này, gia đình cậu phải gắn bó và động viên nhau vượt qua khó khăn, như cách mà họ vẫn từng làm như thế trước đây. Thế nhưng điều đó có vẻ không đúng. Cậu mợ và cháu vẫn đón tiếp tôi nhiệt tình và quan tâm đến cuộc sống của tôi, nhưng tôi không còn thấy họ nhìn nhau đầy âu yếm nữa, cháu của tôi dường như thân thiết với mẹ của chúng hơn với người trụ cột của gia đình - là cậu tôi. Phải mất cả buổi sáng tôi mới chấp nhận được không khí này khi phải liên tục đưa ra các chủ đề nói chuyện trong khi chủ nhà thì dường như không muốn nói nhiều về cuộc sống của họ trong thời gian qua – như là cách để họ không nhắc lại những mất mát và đau buồn từ việc phát triển đam mê của cậu tôi từ nhiều năm trước.
Trước đây cậu là một người tôi vô cùng ngưỡng mộ khi đã truyền đạt cảm xúc mãnh liệt về ước mơ tạo dựng một xưởng sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho tôi. Cậu tôi tài năng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng khi cậu khởi nghiệp thành công. Amy là một người vợ đảm đang và trở thành hậu phương tuyệt vời để giúp cậu thực hiện đam mê của mình. Thế nhưng câu chuyện khởi nghiệp đâu phải chỉ có đam mê là được. Trong suốt năm năm đầu tiên, cậu tôi đã phải đối mặt với bao nhiêu khó khăn nhưng thành công vẫn chưa đến. Dù như thế cậu tôi lúc này vẫn chưa từ bỏ niềm mơ ước nhưng vợ và con của cậu thì không còn kiên nhẫn nữa. Họ đã kiệt sức và mất hết niềm tin vào thành công mà cậu tôi vẫn nói. Thị trường không còn xu hướng chọn những đồ thủ công mỹ nghệ tuy đẹp, chất lượng nhưng giá thành quá cao. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều nguyên vật liệu vừa tốt, giá thành phải chăng và bảo vệ môi trường hơn. Nhiều xưởng sản xuất đã nhanh nhẹn thay đổi cơ cấu kinh doanh nhưng Will vẫn không thể từ bỏ. Cậu nghĩ rằng nếu đi theo xu hướng thị trường, sẽ không còn là đam mê nữa!
Amy nói rằng gia đình bây giờ cần tiền để thanh toán các hóa đơn mỗi tháng, cần tiền cho các con đi học, cần tiền để lấy lại quyền sở hữu ngôi nhà thân yêu đã bị lấy đi thế chấp ngân hàng chứ không còn muốn cùng cậu theo đuổi đam mê viển vông nữa! Will nói muốn thành công thì cần phải kiên trì theo đuổi, còn vợ cậu nói gia đình cần cậu chấm dứt đam mê đó đi và giúp gia đình sung túc trở lại như ngày xưa. Gia đình cậu đã rạn nứt như thế.
Tôi chỉ biết là cậu đang gặp rất nhiều khó khăn và nợ nần khá nhiều, nhưng tôi không biết rằng gia đình đã không còn là hậu phương vững chắc cho cậu như trước đây nữa. Cậu đã phải tự mình bắt đầu lại mọi thứ nhưng ngoài kinh nghiệm của những lần thất bại, cậu đã mất gần hết sự hỗ trợ từ vợ con và tiền bạc, mất sự tin tưởng của cả họ hàng quyến thuộc và bạn bè, đối tác gần xa. Cậu tôi đã nói rằng, sự thất bại lúc đó thật sự không là gì so với nỗi cô đơn và thất vọng tràn ngập tâm hồn cậu. Nhưng cậu không thể buông xuôi và chỉ còn biết nỗ lực đạt được thành công để chứng minh với mọi người rằng niềm đam mê của cậu là quyết định đúng đắn thế nào. Thế rồi, những đêm mất ngủ cùng những nỗ lực không mệt mỏi của cậu đã được đền đáp, khi mà như lời cậu nói – thời cơ đã chín muồi – cậu đã gặp được những cơ duyên vô cùng thuận lợi về con người, vốn đầu tư và chiến lược đúng đắn để mang lại thành công vang dội vượt qua cả những gì mà cậu ao ước.
Sự việc tiếp theo những tưởng sẽ thuận lợi hơn khi đã chứng minh được mình đúng – đam mê đã đem đến tiền tài, danh tiếng cho xưởng thủ công mỹ nghệ và cho cả cậu, gia đình cậu ắt hẳn vô cùng tự hào và mọi người sẽ có thể bắt đầu lại như xưa, sẽ hạnh phúc trở lại như xưa. Thế nhưng “hạnh phúc không trọn vẹn” mới là điều xảy đến với gia đình cậu. Hạnh phúc khi cả gia đình lại cùng quây quần cùng nhau dưới cùng mái nhà, nhưng không trọn vẹn khi mất đi nhiều tiếng cười, nhiều sự động viên, nhiều lời âu yếm đến từ các thành viên, hay chính xác hơn là từ phía vợ con đã không còn sự tương tác tình cảm đến với cậu. Thời gian trôi qua không thể quay lại. Con trai đã lớn, đã tự biết tạo niềm vui tự khám phá thế giới xung quanh và ít có nhu cầu trò chuyện với cha. Amy cũng quay trở lại với công việc trước kia là một giáo viên Tiếng Anh. Cô có công việc của mình và sẽ không quá chờ mong chồng về dùng cơm, quá lo lắng khi chồng ở xưởng tối muộn,… Nếu giả sử, Will thất bại một lần nữa, Amy cũng tự tin không phải khổ sở lo lắng vì không đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình.
Hình ảnh hiện tại về cậu trong đầu tôi chính là một người đàn ông thành công, giàu có nhưng luôn ray rứt vì chưa thể hàn gắn được tình cảm gia đình. Hình ảnh đó ám ảnh cả các thành viên trong gia đình cậu, và ám ảnh cả với tôi – một cô gái đang tràn đầy đam mê và hoài bão với tương lai của mình.
*****
Câu chuyện của cậu Will như hồi chuông cảnh báo tôi phải biết nhận thức rõ ràng hơn về con đường thực hiện đam mê của mình phải hài hòa với các mối quan hệ còn lại của cuộc sống, đặc biệt là gia đình. Emma Casey tôi sẽ không bao giờ từ bỏ niềm đam mê của mình, vì đó là nguồn cảm hứng sống mạnh mẽ của tôi, nhưng tôi cũng sẽ không bao giờ cho phép mình đánh đổi hạnh phúc gia đình với tiền bạc hay danh vọng. Tôi đã có được gia đình hạnh phúc và vẫn đang từng bước tiến hành đam mê bằng những kế hoạch cụ thể.
Thành công có, thất bại cũng không thiếu và đó sẽ là vòng quay khó có thể tránh được. Thế thì tại sao tôi phải lo lắng vì sự thật hiển nhiên đó chứ, trong khi đó dù trong giai đoạn nào, gia đình vẫn luôn bên cạnh tôi và những số tiền mà tôi kiếm được từ niềm đam mê như là phần thưởng cho những nỗ lực và những đóng góp nhỏ nhoi mà tôi (và công ty của tôi) đã mang đến xã hội.
Tôi có cả tiền và hạnh phúc trọn vẹn! Hạnh phúc biết bao.
Còn bạn thì sao?
Đây là câu chuyện xuyên suốt mà tôi muốn gửi gắm trong cuốn sách này và tôi muốn bạn suy ngẫm điều đó khi đọc những nội dung tiếp theo. Tiền bạc – đam mê – thành công – hạnh phúc nên có mối quan hệ như thế nào, bạn sẽ cần quyết định ra sao khi đối diện với từng tình huống liên quan đến chúng.
Vậy bây giờ, chúng ta cùng bắt đầu tiếp cận đến khái niệm về tiền bạc đầu tiên nhé, để bạn có cái nhìn cởi mở hơn với tiền bạc và biết vận dụng chúng như thế nào trong cuộc sống cũng như cho niềm đam mê của mình.
Tiền Là Phương Tiện Để Chúng Ta Thực Hiện Tháp Nhu Cầu Cá Nhân
Nhớ lại ngày xưa, chúng ta được học rằng tiền là phương tiện trung gian để trao đổi giữa cung và cầu hàng hóa. Tiền cũng còn là phương tiện để cất trữ (để dành), là thước đo giá trị (định giá), là cơ sở để xác định mối quan hệ trao đổi hàng hóa quốc tế (tỷ giá), là phương tiện đầu tư (gửi tiết kiệm lấy lãi),... Tiền được quốc gia phát hành và bảo đảm giá trị bởi các tài sản khác như vàng, kim loại quý, trái phiếu, ngoại tệ,... Ở đây Emma sẽ không nói về việc tại sao tiền đại diện cho nền kinh tế, và tại sao ngân hàng trung ương của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến nguồn cung tiền của quốc gia. Emma chỉ muốn nhấn mạnh, chúng ta cần tiền và rất quý tiền, thật vậy!
Khi tiền xuất hiện, tư hữu ngày càng phức tạp hơn. Ngày xưa, con người tranh giành nhau đất đai để tăng diện tích canh tác nông nghiệp. Còn thời nay, người ta tranh giành mọi thứ để lấy được nhiều tiền, vì những thứ có giá trị đều có thể quy đổi ra tiền. Con người cũng sợ sức mạnh của đồng tiền, chúng có thể làm biến đổi một mối quan hệ tưởng chừng tốt đẹp, nó có thể lấy đi mạng sống của bệnh nhân nào đó không đủ tiền chữa trị, nó cũng có thể làm cho chúng ta trở nên sa đọa hơn, bủn xỉn hơn nếu không biết cách sử dụng đồng tiền,... Và khi đã dư dả tiền bạc rồi, thì người ta kiếm thêm tiền để làm gì? Vẫn là để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Vậy hiện giờ bạn đang ở đâu trong tháp nhu cầu cá nhân của Maslow?
• Nhu cầu sinh lý.
• Nhu cầu an toàn.
• Nhu cầu xã hội/mối quan hệ, tình cảm.
• Nhu cầu được tôn trọng.
• Nhu cầu được thể hiện bản thân.
Và bạn có muốn đi đến nấc thang cao nhất của mô hình này không? Đừng tự lừa gạt bản thân mình, bạn biết rõ là mình muốn tiến đến đỉnh cao đó hoặc bạn không dám thừa nhận mà thôi.
Tôi sẽ không đi vào chi tiết tháp nhu cầu, tôi chỉ muốn nói nhu cầu của con người là vô tận. Có thể giữa người giàu và người nghèo sẽ có cái nhìn khác nhau về tiền bạc nhưng nhu cầu chung thì chắc là không mấy khác biệt. Ai lại chẳng muốn được ăn no mặc đẹp, ai chẳng muốn được mọi người tôn trọng và ngưỡng mộ chứ!
Nhờ truyền thống của gia đình, Emma và anh chị đã được học về các bài học tài chính cơ bản từ khi còn bé. Và bây giờ khi đã có gia đình riêng, tôi hiểu rằng mình đã may mắn biết bao vì vẫn còn ghi nhớ những bài học sâu sắc từ cha mẹ để áp dụng với các thiên thần nhỏ của mình. Tôi được dạy phải biết tiết kiệm và quản lý từng đồng tiền nhỏ chỉ từ vài đô la. Lúc đó, con heo đất là tất cả tài sản của tôi. Tôi được dạy về sức lao động đã tạo ra tiền bạc quý giá thế nào, thế nên mục tiêu kiếm tiền của tôi không bao giờ phi thực tế, chúng phải sinh ra từ sự nỗ lực làm việc của tôi.
Ấy thế mà có vẻ không phải ai cũng hiểu điều đó. Bạn có thể dễ dàng thấy được sự mơ mộng về sự giàu có ở bất cứ đâu, nhưng nhiều hơn hẳn vẫn là làm ít mà vẫn muốn nhiều hơn. Nếu trước 18 tuổi cha mẹ vẫn còn chu cấp sinh hoạt phí cho các con, thì sau thời gian đó, các chị em tôi đều biết phải tự giác tạo ra những đồng tiền đầu tiên dù là ít đi nữa, cha mẹ tôi luôn khuyến khích điều đó.
ĐẠI HỌC VÀ NHỮNG MƠ MỘNG VỀ TIỀN BẠC, DANH VỌNG
Vào thời đại học, tháp nhu cầu của những sinh viên chúng tôi đã ở mức cao nhất – đó là nhu cầu thể hiện bản thân. Chúng tôi không chỉ muốn học giỏi mà còn muốn kiếm thật nhiều tiền và được xã hội tôn trọng. Những câu chuyện truyền cảm hứng của các doanh nhân thành công như Bill Gates, Steve Job không chỉ là sự thành đạt mà là con đường làm giàu nhờ sự sáng tạo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ đã làm được những điều tuyệt vời từ khi còn trẻ như thế, thì tại sao chúng tôi lại không thể. Ngày đó, tôi cũng có những giấc mơ to lớn như thế cho đến khi cuộc đời dạy tôi cách xác định vị trí của mình hiện đang ở đâu.
Đặc điểm chung của đại đa số sinh viên là: đi học, đi làm và tiêu tiền. Sinh viên vừa học vừa làm là chuyện vô cùng phổ biến. Họ kiếm được một khoản tiền và vui vẻ mua sắm, đi chơi, tiệc tùng. Đương nhiên, trong số đó cũng có người tiết kiệm, trang trải việc học hành. Thế nhưng không ít người trong số đó lại bắt đầu đến lớp thưa dần và nghỉ học vào năm thứ ba. Lớp tôi cũng có đến vài người như thế. Tôi còn nhớ rất rõ David, anh bạn với nụ cười dễ mến đã từng giúp đỡ tôi rất nhiều trong lớp học, cậu cũng đã chấm dứt thời sinh viên của mình khi chưa tốt nghiệp. Sau này được kể lại, tôi mới biết David bỏ học không phải vì gia cảnh nghèo khó mà là vì cậu đi theo các thành viên trong nhóm Đầu tư chứng khoán để kiếm tiền và ngập chìm trong nợ nần nhanh chóng. David đã chấm dứt con đường học vấn từ đó và trả nợ điên cuồng trong suốt nhiều năm. Hiện tại cậu đang làm nhân viên hái nông sản tại một trang trại ở nông thôn và không có ý định quay trở lại thành thị nhiều buồn đau. Thật tiếc cho David, cậu đã bỏ lỡ cả tương lai của mình chỉ vì đã đi trên con đường tắt – đầy nguy hiểm – để kiếm tiền một cách thiếu hiểu biết và không có kế hoạch cụ thể.
Sau này khi đã học chuyên sâu hơn về các kênh đầu tư tài chính, tôi thấy được con đường kiếm tiền nhanh chóng như chứng khoán không hề dễ dàng như những lời mời gọi. Bạn phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để tích lũy kiến thức, kỹ năng và thực hành có kế hoạch mới có được kinh nghiệm thực tế. Nhưng lợi nhuận càng nhiều thì rủi ro càng cao, David đã nghĩ đó là hai vế tỷ lệ nghịch và cậu phải trả giá cho sai lầm của mình.
Đại học, hay độ tuổi từ 18, là một mốc quan trọng mà mỗi người bắt đầu chịu trách nhiệm với việc đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng tương lai của mình. Bên cạnh đam mê cần thực hiện thì tiền bạc lại là thứ phải giải quyết mỗi ngày. Chúng ta không thể mãi sống mà không có một kế hoạch an toàn. Và cũng đừng mất thời gian để so sánh mãi giữa người giàu với người nghèo, bởi vì họ có mục tiêu tài chính khác nhau.
Nếu như người nghèo chỉ mong có đủ tiền chi tiêu trong cuộc sống và đầu tư tiết kiệm cho kỳ nghỉ hưu, thì người giàu lại có nhu cầu thể hiện sự sáng tạo của bản thân với xã hội nhiều hơn, việc kiếm thêm tiền như một cuộc chơi, buộc họ trở thành người chiến thắng và thúc bách họ làm việc mỗi ngày. Thành quả họ mong muốn nhận được lúc này chính là sự khẳng định tài năng vì đã đóng góp nhiều cho xã hội (về vật chất).
Từ khi học về kinh tế, Emma nhận ra một điều rằng, người giàu không phải là những nhà tư bản kiếm tiền trên sức lực của người nghèo như chúng ta vẫn thường nghĩ. Họ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận xã hội, họ phải đóng thuế, họ chi tiền để cải tạo những công trình công cộng, thậm chí nhiều người còn cam kết không để lại tiền cho con cái mà dành gần hết tài sản để làm từ thiện. Ngoài ra, những quyết định về tiền bạc của họ còn ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương, tác động tích cực đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người dân. Có những người giàu sẵn sàng sử dụng tiền cho xã hội nhiều hơn cho bản thân mình. Ở chiều ngược lại, hàng triệu người dân bình thường chỉ thực hiện trách nhiệm xã hội khi được yêu cầu mà thôi.
Quay trở lại việc phục vụ nhu cầu cá nhân, từ lâu tôi đã phát hiện ra rằng tiền chính là chìa khóa quan trọng để con người thực hiện các nhu cầu đó được dễ dàng hơn. Khi còn độc thân chắc chắn bạn cần thanh toán các hóa đơn hằng tháng, nếu bạn là chủ doanh nghiệp thì bạn còn phải tính đến các vấn đề đầu tư, xuất nhập khẩu, mở rộng quy mô, phát triển nhân sự, lạm phát,... Vậy Emma hỏi thật nhé, thẻ tín dụng của bạn đã bao nhiêu lần quá hạn thanh toán? Và bạn phải dùng các khoản tiền khác để hoàn trả lại cho nó bao nhiêu lần rồi? Bạn có chắc là mình chỉ quẹt thẻ để chi trả cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu thôi không?
Vâng, Emma biết là nhiều chuyên gia có thể khuyên các bạn ở lứa tuổi 20 - 30 nên sử dụng thẻ tín dụng để chi trả cho các nhu cầu cơ bản. Nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng bạn chỉ nên dùng cho nhu cầu cơ bản thôi, chúng không bao gồm các cuộc mua sắm tùy hứng hoặc các buổi liên hoan bất tận cùng bạn bè đâu. Ở lứa tuổi “vàng” này, bạn đang dốc sức mình để cống hiến và nâng cao giá trị trong công việc, trong các mối quan hệ, hay bạn chỉ đang quay vòng trong vòng xoáy hoang mang - không kế hoạch - lẫn lộn giữa công việc và tiền bạc?
Tôi hiểu bạn mong muốn có một mức lương tốt nhưng thực tế yêu cầu tăng lương lúc này - khi bạn chưa có nhiều cống hiến về cả số lượng và chất lượng trong công việc - là vô cùng nhạy cảm. Bạn cần khẳng định vị trí của mình trước ban lãnh đạo mới mong đề xuất được một mức lương xứng đáng hơn. Nếu số tiền mà bạn nhận được không đủ để trả nổi các hóa đơn thì trong thời gian này chiếc thẻ tín dụng chính là trợ thủ đắc lực để giúp bạn đảm bảo nhu cầu cuộc sống cơ bản.
Vậy mà ở nhiều nước trên thế giới, một số lượng không nhỏ người trẻ đang gánh trên mình những khoản nợ lớn, phần lớn là từ thẻ tín dụng. Theo thống kê của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng, các khoản nợ đang tăng lên rất nhanh trong khi thu nhập của người dân không mấy thay đổi. Nhiều người vay để tiêu xài, vay để trả khoản nợ đã mượn mà không kiểm soát được, vay để thực hiện những sở thích cá nhân,… nợ chồng lên nợ và kéo dài. Tôi thật sự hy vọng các bạn có các khoản vay hợp lý trong việc thanh toán tiền đại học, tiền mua xe, mua nhà trả góp và tiền đầu tư cho kỳ nghỉ hưu. Nhưng đáng tiếc, số lượng thẻ quẹt để trả tiền mua sắm, du lịch thì gấp mấy lần. Chiếm phần lớn trong số đó lại là những người trẻ. Hành động lựa chọn nhu cầu sống hưởng thụ mà không chịu làm việc chăm chỉ thật nguy hiểm và lối sống đó đã, đang làm hại hàng triệu người nữa trong vài thập kỷ tới.
Tại sao bạn không nhìn thấy mặt trái của chiếc thẻ tín dụng trong túi của mình, tại sao bạn bỏ qua những lời cảnh báo rằng chúng khuyến khích bạn sống hơn những gì bạn có?
Tôi nghĩ lý do nằm ở chính tâm lý thích hưởng thụ trước và mất cảnh giác của các bạn đã làm cho số lượng công ty phát hành thẻ tín dụng mọc lên ngày càng nhiều trong những năm qua. Họ còn mở rộng hạn mức thẻ, đưa ra hàng loạt chương trình ưu đãi để lôi kéo khách hàng. Giống như thẻ tín dụng, các gói vay dành cho người có thu nhập thấp, hỗ trợ kinh doanh bỗng trở thành “miếng mồi ngon” của những người chìm ngập trong nợ nần. Còn những chủ doanh nghiệp mới không thể vay ngân hàng tiếp vì quá hạn mức thì đành vay tiền tư nhân với lãi suất cao. Từ đây xuất hiện các bài toán nan giải về vấn đề kinh tế quốc gia, an sinh xã hội và chỉ số hạnh phúc của cả cộng đồng.
Tôi từng được nghe được câu chuyện của tổng thống Donald Trump (Mỹ) với người ăn mày, Donald Trump hỏi người ăn mày đang có bao nhiêu tiền, người ăn mày nói chỉ có 2 đô la, Donald Trump nói rằng, ông thật giàu vì có tới 2 đô la, trong khi tôi nợ tới 2 tỷ đô la! Tôi không biết ông Donald Trump đang có nợ xấu hay nợ tốt, nhưng tôi nghĩ chắc hẳn ông không đi vay tiền tùy tiện để ăn chơi hay mua một thứ gì đó mà không có giá trị sinh lời trong tương lai.
Vì vậy, tôi muốn bạn ngẫm nghĩ kỹ hơn về việc sử dụng tiền của mình là quan trọng như thế nào, đó không hẳn chỉ ảnh hưởng đến một mình bạn. Vì nếu mỗi người đều không biết cách sử dụng tiền thì tiền sẽ điều khiển bạn. Việc mà bạn có thể làm là ngừng bắt mình trở thành nghèo hay người giàu, mà quan trọng hơn cả là bạn biết cách để có được tự do tài chính suốt đời.
Bạn Cần Tham Gia Lớp Học Về Tiền Để An Toàn Và Hạnh Phúc Hơn
Tôi khẩn khoản bạn hãy tham gia các lớp học về tiền bạc, vì không chỉ được tự do hơn về mặt tài chính, bạn còn có thể hạnh phúc hơn rất nhiều nhờ học làm chủ được đồng tiền của mình.
Tiền có mặt từ rất lâu nhưng những khóa học về tiền thì chỉ ra đời khi có quá nhiều người vướng vào rắc rối với vấn đề tài chính. Hiện nay, khi các khóa học, các buổi chia sẻ đã phổ biến hơn, các bạn lại bị cuốn vào vòng xoáy kêu gọi đầu tư hay hàng trăm cách quản lý tài chính khác nhau trên thế giới, của người nổi tiếng và của cả những người chưa có thành tựu tài chính nào.
Vậy cần phải học về tiền từ lúc nào? Câu trả lời của tôi là bạn cần được học từ cha mẹ bạn ngay khi còn nhỏ, và đó là điều chính xác là những gì mà Emily – cô bạn thân của tôi đang hướng dẫn cho các con của mình.
Emily dạy các con của cô ấy về thái độ đúng đắn khi đối mặt với tiền, cô chia sẻ bảng thu chi hằng tháng của gia đình và yêu cầu con cô cũng phải có bảng chi tiêu của riêng mình. Sẽ có những lúc Emily giữ tiền của các con nhưng cô luôn giải thích là chúng cũng cần đóng góp vào chi phí sinh hoạt hằng ngày với gia đình. Thông qua đó Emily dạy con cách tiết kiệm từ việc sử dụng điện, nước, bán đồ chơi cũ để mua đồ mới hay làm từ thiện. Chúng ta hoàn toàn có thể sống thân thiện với tiền như vậy và học được mọi bài học quan trọng từ chúng. Emily nói rằng cô hy vọng khoảng thời gian này, các con của cô sẽ hiểu được giá trị của đồng tiền và tránh xa những ảo vọng giàu có mà thế giới sẽ vẽ ra cho bọn trẻ khi chúng lớn lên.
Những bài học của Emily cũng giống như những gì mà cha mẹ tôi đã từng dạy cho chúng tôi khi còn nhỏ. Tin tôi đi, đó là bài học vô giá về tiền mà các cô bé, cậu bé nào cũng cần được học từ sớm.
Khi bạn bắt đầu đi làm thêm ở những năm trung học hay đại học, bạn cần có kế hoạch tài chính cuộc đời. Và tuổi 20 thật sự không quá sớm để bạn bắt đầu xây dựng kế hoạch nghỉ hưu đâu. Vào lúc này, bạn đã được sống tự lập và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Bạn sẽ có những năm đầu lạc lối với hàng trăm ngàn đầu sách kiếm tiền, sách dạy tư duy đột phá để thành công. Giống như tôi ngày trước, những lời khuyên về việc đầu tư, tiền sinh ra tiền, kiếm tiền thụ động ngay cả trong lúc ngủ sẽ dẫn bạn đến các ảo tưởng tài chính huy hoàng. Điều đó thật sự không an toàn chút nào. Vào những năm đại học, tôi đã từng nghĩ đến viễn cảnh “kiếm tiền thông minh” bằng cách đầu tư chứng khoán để có thật nhiều tiền. Và dĩ nhiên chúng chẳng đi đến đâu và tôi thì cũng không kiếm được số tiền khổng lồ mơ ước đó. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng, đầu tư là một phương pháp tăng thu nhập nhưng muốn có hiệu quả thì phải có kế hoạch chi tiết, phải đi từng bước nhỏ.
Tôi cần phải nhấn mạnh rằng bài học về tiền bạc là bài học lâu dài cho đến tận ngày bạn hài lòng với kết quả nghỉ hưu của mình. Khi bắt đầu, bạn cần học quản lý những số tiền nhỏ trước tiên chứ không phải đầu tư vào các dự án có lợi nhuận cao mà rủi ro lớn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động như ngày nay. Tôi biết có rất nhiều bạn đã và đang đầu tư rồi, nhưng việc đầu tư lúc này để học hỏi sẽ tốt hơn kỳ vọng vào kết quả kiếm tiền nhanh chóng. Vì vậy, tôi thật sự khuyên bạn hết sức tỉnh táo với những người tư vấn tài chính và lời kêu gọi đầu tư vì những người này có thể sẽ đưa ra cho bạn lời mời nghe có vẻ hấp dẫn nhưng thực chất không hề sinh lợi nhuận cho bạn, thậm chí là dẫn đến lỗ vốn.
Mặt khác, ngay cả khi đủ tỉnh táo để tránh bị lừa đảo, bạn vẫn có thể lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính vì chưa thanh toán thẻ tín dụng và các khoản nợ sinh viên. Điều quan trọng bạn cần làm lúc này là không nên dồn tiền vào các dự án kinh doanh mà mình không chắc chắn, thay vào đó, hãy thanh toán hết các khoản nợ trước khi tiền lãi tăng lên một con số khổng lồ. Nếu bạn thật sự muốn kiếm tiền nhanh chóng hơn, tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể dùng những kỹ năng giỏi nhất của mình để tìm những công việc từ và có được danh sách khách hàng thân thiết. Có hàng ngàn tấm gương thành công tài chính ở thời sinh viên từ chính ngành nghề chuyên môn của họ. Tôi thật sự khuyên bạn đừng nên bỏ lỡ thời gian thực tập tuyệt vời này, bạn cần gây dựng thương hiệu cá nhân của mình để làm sáng hồ sơ năng lực và gửi đến những nhà tuyển dụng tiềm năng sau khi tốt nghiệp.
Bạn không biết mình giỏi kỹ năng gì để kiếm tiền ư? Vậy thì song song với bài học về tiền, bạn còn phải học thêm các phương pháp về việc chọn nghề, chọn việc. Có thể bạn phải tìm kiếm khá lâu, thậm chí đến tận lúc về già bạn mới tìm ra được hay có thêm những niềm đam mê mới. Tôi chỉ biết nếu muốn thành công thì bạn cần phải đặt các mục tiêu đam mê vào bảng kế hoạch tài chính để tiền giúp bạn đạt được đam mê nhanh chóng. Tuy nhiên tôi có thể gợi mở cho bạn những dấu hiệu phát hiện ra các kỹ năng giỏi nhất bạn có và cách thức để đến gần với đam mê hơn. Tôi phải nhắc lại một lần nữa, vì bạn có thể phải làm việc đến hơn bốn mươi năm, và tôi nghĩ điều bạn khao khát nhất trong suốt giai đoạn này không chỉ để có nhiều tiền mà còn là để thực hiện mơ ước, lý tưởng trong đời mình.
Vì vậy, nếu tốt nghiệp được cả lớp học đam mê và lớp học về tiền càng sớm, bạn sẽ càng an toàn và hạnh phúc.
Thái Độ Đúng Đắn Nhất Với Tiền Bạc Là Dùng Tiền Đầu Tư Cho Bản Thân
Đầu tư càng nhiều vào bản thân mình càng tốt, bạn là tài sản lớn nhất của chính mình cho đến thời điểm này.
Warren Buffett
Một câu chuyện hài hước kể rằng, có ba người đàn ông bị bắt vào tù và họ đều được thực hiện một điều mình mong muốn. Người đầu tiên yêu cầu có một hộp thuốc lá, người thứ hai mong muốn có được một người phụ nữ, người thứ ba thì muốn thực hiện cuộc điện thoại ra bên ngoài. Khi kết thúc thời hạn ngồi tù, người đàn ông đầu tiên bước ra với một thân hình ốm yếu và ngón tay rung rẩy kẹp điếu thuốc lá. Người thứ hai bước ra với một người phụ nữ đang mang thai và mấy đứa con nhỏ. Còn người đàn ông xin được gọi điện thoại thì trở nên giàu có, ông đưa một chiếc chìa khóa xe cho người cai ngục và nói rằng: “Cám ơn anh đã giúp tôi gọi điện thoại ra bên ngoài để tôi điều hành được việc kinh doanh của mình, bây giờ tôi xin tặng anh chiếc xe ô tô này để tỏ lòng biết ơn của tôi.”
Ba người cùng với những lựa chọn khác nhau đã có những kết cục khác nhau. Dù không trực tiếp nói về tiền bạc, nhưng với tôi câu chuyện này cũng muốn ám chỉ là, khi cơ hội hay tiền bạc đến, mỗi người đều được quyền quyết định cách sử dụng, và chính điều đó sẽ tác động đến cuộc sống của họ trong hiện tại và mai sau. Nếu như hai người đàn ông đầu tiên chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu cá nhân mà không quan tâm đến hậu quả thì người đàn ông thứ ba lại biết tận dụng cơ hội cùng tiền bạc để đầu tư cho bản thân và có được cuộc sống giàu sang như mong muốn, ông ta cũng không quên cảm ơn người đã giúp đỡ mình.
Tôi vẫn luôn nhớ đến câu chuyện này để nhắc nhở mình nên biết tận dụng mọi cách để làm cho cuộc sống của mình ngày càng tốt đẹp hơn, bắt đầu bằng việc sử dụng tiền bạc hợp lý và đúng cách. Dùng tiền vào đâu? Vào chính bản thân mình để có được sự phát triển toàn diện từ thể chất, tinh thần và đạt được những điều mình mong muốn.
Đầu tư cho bản thân là cách trực tiếp để bạn ngày càng tạo ra nhiều tiền bạc, của cải. Nhưng hơn thế nữa, đầu tư cho bản thân để có thể theo đuổi và làm những điều mình thích một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đầu tư mọi điều thật tốt trong hiện tại để nhận quả ngọt trong tương lai! Vậy những chiến lược đầu tư nào bạn cần thực hiện ngay hôm nay để đạt được những điều đó? Hãy đầu tư vào lĩnh vực chuyên môn, tâm hồn, tư duy và vào vẻ ngoài để làm mình toát lên sức sống rạng rỡ và luôn luôn sẵn sàng học hỏi những điều mới.
Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, chăm sóc tâm hồn và phát triển tư duy để bạn nhận những nguồn cảm hứng tích cực, đồng điệu là một sự đầu tư khôn ngoan cho bạn mỗi ngày. Bạn sẽ thấy yêu đời hơn, yêu thương mọi người hơn và đó sẽ là nguồn động lực lớn để bạn có quyết tâm thực hiện nhiều điều mới sáng tạo và có giá trị hơn. Bạn sẽ đầy niềm vui khi tích cực thu nhận những kiến thức, kỹ năng mới cho công việc và học tập. Bạn có thể thu nhận nhiều điều bổ ích từ sách vở, từ các khóa học, hội thảo với sự tư vấn của các chuyên gia để bạn có nhiều ý tưởng hay cho định hướng cho sự nghiệp sau này. Ngoài ra bạn có thể bồi dưỡng tư duy về kỹ năng, các mối quan hệ, phát triển tư duy cảm xúc,… khi đăng ký những chuyến du lịch khám phá thiên nhiên hay văn hóa vùng miền, tham gia những chương trình thiện nguyện ở các trung tâm người già neo đơn, người cơ nhỡ,… để bạn rèn luyện sự thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau, xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy đến trong cuộc sống.
Những con người có năng lực bình thường chỉ được giao những công việc bình thường. Nhưng cuộc sống sẽ không còn yên bình nữa nếu như bạn bị đào thải ngay chính trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Đó là chưa kể đến thế giới đang phát triển với tốc độ chóng mặt ở mọi lĩnh vực ngành nghề, mọi người còn bị vây quanh bởi công nghệ và kiến thức mới mỗi ngày. Hãy chắc rằng bạn không phải là người bị tụt hậu với những điều mới, những yêu cầu mới mà công việc của bạn yêu cầu. Thế nên, điều bạn có thể làm để không rơi vào tình cảnh đó chính là: học, học và học.
Cải thiện vẻ ngoài rạng rỡ với cơ thể khỏe mạnh, nụ cười tươi và ngoại hình đẹp. Ai lại không thích nhìn mình như thế trong gương! Việc chăm sóc sức khỏe bằng các thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm nhân thọ là cần thiết để đảm bảo cho sức khỏe an toàn dài lâu. Bạn nên đầu tư một cuộc sống xanh - khỏe bằng cách thường xuyên đến các phòng tập gym, câu lạc bộ thể thao hay với một đôi giày, bạn có thể đi bộ, chạy bộ bất cứ đâu mà không mất tiền.
Đồng thời bạn hãy bổ sung các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, tránh các chất kích thích, uống nhiều nước và có một giấc ngủ ngon vào buổi tối. Và đến khi bước ra đời, bạn sẽ hiểu rằng việc chăm chút cho ngoại hình giúp bạn có lợi thế lớn đến đâu. Đó là lý do tại sao thời trang quần áo và mỹ phẩm là những mặt hàng bán chạy nhất thế giới. Nếu thời gian sinh viên bạn có thể không quan tâm đến việc làm đẹp lành mạnh thì hãy cải thiện nhan sắc của mình từ những ngày đầu tiên bạn đi làm, và gìn giữ sức khỏe tốt hơn mỗi ngày nhé! Hãy mạnh dạn đi làm lại răng để có được nụ cười tươi. Một con người ăn mặc tươm tất và gương mặt sáng, luôn nở nụ cười rạng rỡ sẽ giúp bạn ghi điểm tuyệt đối với bất cứ ai.
Bạn nên biết rằng, một cơ thể khỏe mạnh và vẻ ngoài rạng rỡ đã trở thành tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một người trẻ năng động trong thời đại ngày nay. Và bạn hãy tin Emma đi, sẽ không có nhà tuyển dụng nào thích một nhìn một người ốm yếu và không có sức sống trong văn phòng làm việc của mình đâu.
Là một người trẻ năng động trong thế kỷ mới, đừng để những tư duy cũ cản trở sự phát triển của bạn. Đừng để viễn cảnh những người có tài năng thiên bẩm hay sinh ra đã ngậm thìa vàng làm giảm sự chăm chỉ học tập và làm việc có kế hoạch của bạn ngày hôm nay. Chỉ có bạn mới hiểu được niềm đam mê của bản thân và mong muốn đạt được điều gì trong cuộc sống. Trên một cuộc đua, những người không bỏ cuộc mới là người sẽ về đến đích, chứ không phải những người sớm vấp ngã và quay đầu. Thế nên, tiếp tục bước thêm nhiều bước nữa, bạn sẽ là người chiến thắng.
Hãy đầu tư cho bản thân càng sớm càng tốt để làm tăng giá trị của mình. Rồi sau đó bạn mới có khả năng làm nhiều việc hơn và giúp đỡ nhiều người hơn nữa.
Những Thứ Gì Không Nên Dùng Tiền Để Mua?
Bạn biết đấy, gã khổng lồ mang tên “Tiền” gần như có thể mua được cả thế giới và chính chúng ta đã cho hắn cơ hội đó. Gã mua được hàng hóa, mua được cả con người. Nhưng tôi nghĩ sâu thẳm trong lòng chúng ta vẫn tin rằng, gã không thể mua được tình thương yêu, danh dự, sự sống hay cái chết,… nếu bạn không bán nó. Vậy vấn đề cần đặt ra là chúng ta cần có thái độ gì khi đối mặt với tiền bạc? Đâu là ranh giới giữa những gì chúng ta có thể chấp nhận dùng tiền để mua và những gì thì không? Tôi nghĩ mỗi người sẽ tự có ranh giới riêng của mình, vì có những thứ nếu bản thân chúng ta không nhận ra giá trị của chúng thì chúng ta sẽ xem chúng như món hàng để mua bán.
Emily Và Các Túi Tiền Biết Nói
Chúng ta sẽ bàn đến việc sử dụng tiền vào các hoạt động lành mạnh từ khoản tiền chính đáng của chúng ta. Dùng tiền đầu tư cho bản thân phải có chiến lược. Khi cầm một số tiền trong tay thì bạn không thể tiêu hết tiền trong một lần có phải không, mà bạn cần phải phân chia thành một vài khoản riêng biệt với các mục đích sử dụng khác nhau, mà chúng ta sẽ gọi là những túi tiền nhỏ. Sẽ có những túi cần được “niêm phong” lại, có những túi được dùng một vài tờ tiền mỗi ngày hay túi cần được bỏ vào thêm tiền mỗi tháng. Bạn có thể gọi chúng là túi tiết kiệm, túi đầu tư, túi thu chi cho dễ hình dung nhé.
Hãy lắng nghe! Các túi tiền của bạn có đang gào thét vì đau đớn hay đang vui sướng vì được chăm sóc thường xuyên?
Trong bài học của Emily khi dạy cho các con của cô, có một nội dung vô cùng sinh động về việc đặt tên các túi tiền quan trọng nhất của mỗi người. Đó là năm túi tiền: Túi tiền Đầu tư, túi tiền Rủi ro, túi tiền Sinh hoạt phí, túi tiền Đam mê và túi tiền Từ thiện. Emily nói rằng, mỗi túi tiền như có sinh mệnh riêng và chúng phải hoàn thành nhiệm vụ quan trọng của mình để giúp chủ nhân đạt được an toàn tài chính suốt đời. Emily chỉ cho các con xem bảng kế hoạch đầu tư của mình – được đặt tại bàn làm việc của hai vợ chồng cô – và nói các con hãy cùng lắng nghe xem các túi tiền đang nói điều gì về chúng.
Túi đầu tư sức khỏe và nghỉ hưu: “Không được động đến tôi!”
Tôi là túi bảo hiểm cho sức khỏe và nghỉ hưu! Nhưng mà là bảo hiểm có sinh lời và bạn không được động đến tôi. Tôi là một trong những mục đầu tiên mà bạn cần nghiêm túc đầu tư. Vì bạn sẽ được sự đảm bảo về sức khỏe lâu dài và an nhàn hưu trí. Tiền bạc là vô nghĩa nếu bạn không đặt sức khỏe và an toàn tài chính của mình lên trên hết.
Tôi biết có rất nhiều bạn chưa làm quen với khái niệm “nghỉ hưu”, nhưng không còn cách nào khác, bạn bắt buộc phải hiểu ngay lúc này vì chính sự an toàn của bạn.
Tại sao lại phải lên kế hoạch nghỉ hưu càng sớm càng tốt, thậm chí ngay tại thời điểm bạn còn đang trên ghế nhà trường ở tuổi 20? Đừng vội phủ nhận điều đó vì đang có rất nhiều người đã có cho mình kế hoạch hưu trí từ sớm, và bạn có thể là người tiếp theo khi thấy được tính cấp thiết của kế hoạch này. Hãy nhìn lại thế hệ của ông bà, cha mẹ bạn – những người đã thành công hoặc thất bại trong việc tiết kiệm hưu trí, những người đang có kỳ nghỉ hưu sung túc hay đang thiếu thốn tiền của và không có đủ tiền sinh hoạt mỗi ngày, thì bạn sẽ biết lo sợ cho tương lai của mình và biết lên kế hoạch hưu trí càng sớm càng tốt, vì bạn chỉ còn khoảng một nửa thế kỷ để chuẩn bị mà thôi. Tôi sẽ nói cho bạn biết tại sao bạn phải dùng tiền bạc ưu tiên cho vấn đề này, ngay bây giờ.
Nếu như công ty bạn đang làm việc có chính sách đóng góp vào khoản lương hưu cho nhân viên thì bạn nên vui mừng vì điều đó. Đây là một hình thức doanh nghiệp và người lao động cùng nhau tiết kiệm cho quỹ hưu trí của các nhân viên trong công ty. Bạn sẽ được góp một khoản tương ứng theo quy định để có lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên khoản tiền đóng góp mỗi tháng đó không cao và thời gian có thể lên đến hai mươi năm. Quá dài cho một đời cống hiến cho một vài công ty, không phải ai cũng có thể làm việc đến hai mươi năm mà không bị gián đoạn, chưa kể các chính sách An Sinh Xã Hội có thể thay đổi và bạn có thể không được nhận 100% số tiền được hứa hẹn. Hãy xem chúng là tiền hỗ trợ chứ không nên xem nó là số tiền hoàn hảo cho tuổi nghỉ hưu. Bạn không biết hết những rủi ro khi chỉ có một giải pháp lương hưu như thế, trong khi bạn có thể có nhiều phương án an toàn hơn.
Tôi biết ở độ tuổi 20, bạn cần tiền để thanh toán những khoản ưu tiên như tiền điện nước hằng tháng, trong khi bạn còn mấy chục năm làm việc để có thể tiết kiệm. Tôi biết đó chính là những gì bạn nghĩ bây giờ, nhưng bạn cần chấp nhận thực tế: Càng lớn tuổi thì việc kiếm tiền và tiết kiệm cũng khó hơn, nếu bạn xài nhiều hơn sẽ càng đẩy mình vào kỳ nghỉ hưu thiếu thốn hơn nữa.
Những năm tháng tuổi trẻ sao nhãng với tiết kiệm làm bạn thấy điểm kết thúc đến quá nhanh ở tuổi trung niên và kỳ nghỉ hưu mơ ước vượt quá tầm tay. Tôi chắc rằng ở độ tuổi 40 - 50, điều hối tiếc nhất của bạn không chỉ là tiết kiệm ít, mà còn là thời gian đã không sử dụng hữu hiệu. Đừng hiểu nhầm tôi, tôi không có ý nói bạn nên làm việc ngày đêm để tiết kiệm mà không được vui chơi hay chi tiêu tằn tiện. Như những gì tôi đã chia sẻ, bạn cần dùng tiền để đầu tư cho bản thân. Tôi không dám dạy bạn thế nào là cách đầu tư cho đúng đắn nhất, nhưng đừng dùng hơn những gì bạn có thể chi trả vào hôm nay. Lên kế hoạch nghỉ hưu cần sự cam kết và thời gian thực hiện, và chúng sẽ không có kết quả tốt nếu được thực hiện quá trễ. Bạn còn ở độ tuổi 20, 30 thì bạn đang ở điểm xuất phát tốt nhất, dù bạn chưa có xu nào trong túi để tiết kiệm, nhưng bạn còn có thời gian để làm mọi thứ, ít nhất là hơn những người lớn tuổi hơn và biết đâu họ còn đang phải hoảng loạn vì thời gian đã mất.
Hãy đảm bảo bạn không được dùng số tiền này vì đó là tương lai của bạn đấy!
Túi rủi ro: “Hãy đảm bảo tôi đã có đủ tiền rủi ro trong sáu tháng.”
Nào nào, tôi biết bạn thường quên mất tôi đấy! Tôi biết chắc là bạn thà để dành một khoản tiền lớn để mua sắm và tiệc tùng sang trọng hay du lịch, chứ không chịu để dành tiền rủi ro đến tận sáu tháng cho các vấn đề phát sinh đột ngột đâu. Thật là nguy hiểm!
Nhiều rủi ro trong cuộc sống có có thể xảy ra mà bạn không thể ngờ tới như tai nạn xe, bệnh tật, nợ nần,… Với tiền dành cho các rủi ro, bạn cần tiết kiệm ít nhất sáu tháng cho sinh hoạt phí cơ bản nếu chẳng may bị thất nghiệp. Các bạn cho rằng tôi quá lo xa ư? Không hề! Với sự sụt giảm việc làm liên tục từ khủng hoảng tài chính, bạn có chắc rằng mình sẽ giữ được việc trong một năm tới không? Bạn có đủ năng lực giữ được công việc dài lâu so với hàng triệu bạn trẻ năng động khác, với mức lương thấp hơn mà không đòi hỏi quyền lợi nhiều hơn bạn?
Hãy tưởng tượng vào ngày mai bạn thất nghiệp, bạn cần làm phép tính để xem mình có đủ tiền chi tiêu trong vòng nửa năm tới nếu chưa có việc làm không? Và hãy đảm bảo bạn không được động đến số tiền đầu tư cho tương lai nhé. “Vâng tôi có đủ tiền để trang trải được ít nhất trong sáu tháng!” Xin chúc mừng bạn đã có khoản tiết kiệm dồi dào. “Còn tôi thì không cầm cự được quá hai tháng!”, vậy là bạn đang có vấn đề nghiêm trọng rồi đấy. Đó chính là điều tôi muốn nói, bạn cần duy trì được mức sống cơ bản khi gặp phải sự cố trong công việc. Trong khi tôi còn chưa tính các rủi ro về tai nạn hay bệnh tật hiểm nghèo như ung thư có thể đến với bất cứ ai. Nếu bạn có những người bạn không may mắc phải các căn bệnh nguy hiểm, thì bạn nên biết lo sợ một khi chúng réo gọi tên mình. Vì vậy từ khi đi làm, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ kết hợp với việc mua bảo hiểm bệnh tật để an tâm hơn, bảo đảm sức khỏe của mình hơn. Một điều nữa, nếu thất nghiệp, bạn đừng bao giờ phụ thuộc vào tiền bảo hiểm thất nghiệp, đó là một khoản tiền hỗ trợ tuyệt vời nhưng đừng chậm chạp trong việc tìm việc mới ngay lập tức, nếu không toàn bộ kế hoạch tài chính của bạn trong nhiều năm tới có nguy cơ đổ vỡ đấy.
Hy vọng điều đó không xảy ra với bạn vào ngày mai, điều bạn có thể chuẩn bị tốt nhất trong hôm nay là lập quỹ phòng trừ rủi ro ít nhất sáu tháng để có thể vượt qua khó khăn và ổn định nghề nghiệp càng nhanh càng tốt.
Túi chi phí sống cơ bản: “Dùng đúng và đủ thôi nhé!”
Tôi biết mình quan trọng và bạn cần tiêu dùng tôi mỗi tháng. Dĩ nhiên rồi, bạn cần ăn, chỗ ở, học hành và giải trí, bạn đã dành rất nhiều tiền vào cho tôi. Thế nhưng công bằng mà nói, bạn chỉ nên nghĩ đến tôi sau khi đã trừ đi các khoản đã bỏ vào hai túi đầu tiên.
Chỉ khi thực hiện tuần tự như thế, bạn sẽ có được “của để dành” an toàn và bạn mới có thể thoải mái tiêu xài phần còn lại hơn. Và tôi - túi chi phí sống cơ bản - túi tiền có thể chiếm hơn phân nửa số tiền lương hàng tháng của bạn để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho các thành viên trong gia đình. Túi này bao gồm tiền thanh toán các khoản nợ và chi phí sinh hoạt mỗi tháng của bạn. Đủ và không phung phí! Bạn đã trả đủ nợ trong tháng đó và đủ tiền ăn uống, giao lưu với bạn bè, cũng có thể dư tiền để đi du lịch nữa nếu bạn cố gắng dành dụm trong vài tháng.
Nếu bạn muốn tiết kiệm hơn nữa thì tôi còn có thể gợi ý cho bạn rất nhiều cách để bạn có dư trong khoản này đấy. Bạn hãy theo dõi ở chương Tiết kiệm và đầu tư nhé!
Một điều quan trọng nữa tôi muốn nhắn nhủ với các bạn, nhất là các bạn trẻ, đừng sống quá mức bạn có hiện nay. Bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ sống khá thoải mái ra sao trong tương lai với những ảo tưởng thăng chức hay kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai. Nếu bạn tài giỏi và thật sự kiếm được nhiều tiền hơn, tôi rất ủng hộ bạn tự thưởng cho mình bằng chất lượng sống tương đương. Nhưng nếu việc tăng thu nhập vẫn còn nằm trong tính toán thì khi dùng thẻ ghi nợ, bạn đừng dùng nhiều hơn số tiền bạn có thể trả trong hôm nay. Và hãy nhớ, nếu túi tiền rủi ro sáu tháng vẫn còn chưa đủ, tôi khuyến nghị bạn chuyển một phần số tiền mua sắm hay giải trí vào đó vì an toàn của chính bạn. Tôi thật sự không an tâm khi bạn thoải mái tiêu xài mà không có đủ tiền rủi ro. Sinh hoạt phí chỉ cần giải quyết những nhu cầu cơ bản, một vài tháng không vui chơi thoải mái sẽ không có gì xấu với bạn cả.
Túi phát triển đam mê: “Hãy tạo năng suất!”
Chúc mừng bạn đã bỏ đủ tiền vào ba túi tiền anh em trên của tôi. Và bây giờ bạn đang gặp tôi – túi tiền thứ tư, túi tiền của đam mê – tôi có mặt ở đây để giúp bạn học hỏi và phát triển bản thân. Không nói quá khi tôi chính là túi năng suất nhất mà bạn có bây giờ!
Sau khi đã an toàn với hiện tại và tương lai với các gói đầu tư và sinh hoạt cơ bản, đã đến lúc bạn tính đến việc đầu tư và phát triển đam mê hiện tại của mình rồi. Nằm trịnh trọng trong bảng kế hoạch tài chính, bạn dùng túi này để chi trả cho các mục tiêu đam mê như tham gia các khóa học kỹ năng, chi phí xây dựng mối quan hệ và phát triển tư duy,... Các mục tiêu ra sao thì tùy thuộc vào từng ngành nghề cụ thể và bạn cần ưu tiên tối đa để có cơ hội học hỏi nhanh nhất. Mỗi đồng tiền bạn bỏ ra ở đây hy vọng sẽ có giá trị làm tăng hiệu quả làm việc của bạn. Một túi tiền tuyệt vời để bạn nhanh chóng thăng tiến và tạo ra nhiều tiền hơn cho các túi khác.
Đừng bao giờ bỏ trống túi tiền đam mê, dù là chỉ để mua một cuốn sách.
Túi từ thiện: “Phải có kể cả khi bạn không có xu nào!”
Nếu như các túi tiền bên trên là để phục vụ bạn, thì túi tiền từ thiện là khoản chi phí bạn dành cho người khác. Bạn tạo ra tôi không phải để tiêu xài và không nhất thiết phải có tiền bên trong đó. Nhưng hãy tin tôi đi, túi từ thiện thực sự sẽ mang lại lợi ích cho người khác và cho cả bạn nữa. Thế nên, đừng bao giờ để rỗng nhé.
Biết nhận thì cũng nên biết cho đi, dù ít hay nhiều. Cách cho đi không nhất thiết là về tiền bạc, bạn có thể cho đi quần áo, đồ chơi cũ cho những tổ chức từ thiện, hay những hoạt động công ích vì xã hội như đi hiến máu, trồng cây xanh, dọn rác ở bãi biển,... Tấm lòng của bạn là tài sản vô giá mà tiền bạc khó đong đếm được. Cho đi không hẳn là cách làm ơn, mà còn để bạn hiểu rằng mình có nhiều tình thương yêu với cuộc đời này như thế nào.
Thật tiếc với những ai không hiểu được giá trị của túi tiền nhỏ bé nhưng lớn lao này. Nếu họ còn phân vân với việc cho đi, e là họ đã phân biệt quá rạch ròi về tài chính và cuộc sống, giữa người cho và người nhận. Chỉ khi nào hiểu được rằng cho đi cũng chính là được nhận lại, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn biết chừng nào. Có túi từ thiện trên người, bạn bỗng được mở rộng lòng yêu thương và kết nối với xã hội sâu rộng hơn bao giờ hết.
*****
Đó là cuộc gặp giữa các con của Emily và năm túi tiền mà cô đã tạo nên từ rất lâu về trước. Hiện tại cô vẫn tiếp tục đóng góp vào các túi tiền này và cô hy vọng các con hiểu được tầm quan trọng của chúng với cuộc sống của cô và của cả nhà họ. Emily khuyến khích các con tạo nên các túi tiền của riêng mình, có thể bắt đầu bằng túi tiền từ thiện, túi sinh hoạt phí và túi đam mê bằng số tiền nhỏ mà con cô đã tích góp được. Và khi các con lớn hơn, Emily sẽ hướng dẫn thêm các cách tiết kiệm và đầu tư dài hạn hơn để mỗi người đều có được cuộc sống an nhàn, sung túc.
Emily quả là người mẹ tuyệt vời trong số những người mẹ tuyệt vời nhất. Cô không chỉ biết chăm sóc con từ bữa cơm, giấc ngủ, cô còn giúp chúng thấy được con đường tương lai sáng rỡ với sự trợ giúp của kế hoạch tài chính rõ ràng, hiệu quả. Đó chẳng phải là điều mà mỗi chúng ta thường ao ước hay sao khi mong muốn có được cuộc sống ấm êm, không phải mưu sinh vất vả. Nếu hiện tại bạn hiểu được điều mà Emily muốn truyền đạt cho các con, thì hãy tổ chức lại cuộc sống của mình theo hướng đó khi mà bạn vẫn còn khả năng lao động. Phân chia tài chính với tỷ lệ ra sao phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Yên tâm về tài chính là điều kiện đảm bảo cho bạn được sống an toàn, từ đó bạn mới có cơ sở vững chắc để xây dựng chất lượng sống như mong muốn, bao gồm cả cách chọn việc và theo đuổi niềm đam mê. Khi đó, bạn hoàn toàn tự do tài chính và được làm mọi việc mình muốn.
Vũ Khí Tiêu Diệt Túi Tiền Của Bạn: Dùng Trước Trả Sau Và Không Hoàn Thành Các Mục Tiêu Tài Chính Đúng Hạn
Như tôi đã nói ở phần trước, nhiều người trẻ đang gánh trên mình những khoản nợ lớn, chiếm một phần lớn là nợ thẻ tín dụng. Đó là biểu hiện của việc dùng trước trả sau và tiêu xài quá số tiền mình có thể chi trả hôm nay. Điều đó thật nguy hiểm, và hậu quả nghiêm trọng nhất chính là nhiều người đang loay hoay với vòng xoáy nợ nần không lối thoát của mình.
Thế nào là dùng không quá số tiền có thể trả hôm nay? Tôi chắc rằng bạn đã có câu trả lời rồi, đó là phải bỏ tâm lý hưởng thụ dùng trước trả sau ngay bây giờ.
Hiện nay trên thị trường có hai loại thẻ tiêu dùng phổ biến là thẻ ghi nợ và thẻ thanh toán. Thẻ ghi nợ (Debit Card) là một hình thức thanh toán thay thế tiền mặt rất phổ biến hiện nay. Thẻ được liên kết với tài khoản ngân hàng của bạn, trong thẻ có bao nhiêu thì bạn được tiêu xài bấy nhiêu. Tóm lại là thẻ có tiền trước rồi dùng sau. Ngược lại, thẻ tín dụng (Credit Card), là loại thẻ cho phép khách hàng thanh toán mà không cần có tiền trong thẻ, là loại thẻ tiêu trước rồi trả tiền sau. Đây là một hình thức vay tiền của ngân hàng và chủ thẻ có nhiệm vụ phải trả tiền lại đầy đủ cho ngân hàng khi tới kỳ hạn, thông thường không quá bốn mươi lăm ngày, nếu không chủ thẻ sẽ phải chịu lãi suất quá hạn.
Tôi hy vọng bạn đã hiểu về các ưu nhược điểm của hai loại thẻ này và biết mình nên dùng chúng vào lúc nào. Tôi đảm bảo với bạn rằng, dùng thẻ ghi nợ là an toàn nhất, và bạn chỉ nên dùng thẻ tín dụng trong trường hợp cấp bách. Nếu tiền lương còn lại trong tài khoản ATM hay tiền mặt ít ỏi trong ví không thể giúp bạn giải quyết nhu cầu cấp thiết nào đó thì thẻ tín dụng chính là một giải pháp ưu ái lúc này vì trong thẻ luôn luôn có một khoản tiền có sẵn.
Nhưng đừng vì những ưu đãi và dịch vụ quà tặng từ ngân hàng phát hành mà quên mất khả năng chi trả hiện tại và khoản phạt lãi suất (nếu bạn không đúng hạn trả tiền) sẽ khiến bạn mất đi một số tiền không nhỏ. Đặc biệt đừng bị đánh lừa bởi lời rao hấp dẫn “tiết kiệm tiền nhờ thẻ tín dụng”, đây là các chiêu khuyến mãi quen thuộc nhưng luôn có hiệu quả. Những chương trình ưu đãi, hoàn tiền hấp dẫn là chiêu kích cầu và phù hợp với những khách hàng cần tiền đột xuất, lại vừa tiết kiệm kha khá chi phí so với mua hàng bằng tiền mặt. Bản thân tôi cũng mua sắm khi có chương trình khuyến mãi như thế nhưng chỉ khi đi ăn với cả nhà hay mua một vật dụng cần thiết. Nếu bạn chắn chắn rằng mình không có đủ tiền trả sau hạn bốn mươi lăm ngày hoặc dùng nó để đi du lịch hay tham gia tiệc tùng thâu đêm cùng bạn bè. Hãy chắc chắn rằng bạn đã có kế hoạch trong chi tiêu và cam kết trả nợ đúng hạn.
Tiêu tiền rất dễ, và cũng dễ khiến cho nhiều người bị nợ nần nếu họ không biết tiêu dùng đúng cách. Tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể sống thoải mái với số tiền mặt mình đang có trong thẻ ghi nợ, tôi cũng không có ý kiến gì khi bạn dùng tiền của mình để tận hưởng cuộc sống. Nhưng tốt nhất là bạn hãy bỏ tâm lý dùng trước trả sau nếu không có việc cấp bách.
Bạn có thể bắt đầu bằng việc: hủy bớt thẻ tín dụng không cần thiết và nộp số tiền cần chi tiêu vào thẻ ghi nợ để sử dụng. Thấy được con số chính xác để chi tiêu, tôi nghĩ bạn sẽ dễ hình dung được cuộc sống của mình mỗi ngày như thế nào. Và bạn nên biết rằng, rất nhiều người còn tiết kiệm được rất nhiều tiền từ khoản tiền này đấy!
Để thấy được hiệu quả của số tiền mà mình có được, bạn nên phân chia chúng bằng bảng kế hoạch với các mục tiêu tài chính hợp lý với riêng bạn. Như Emily, cô ấy lập nên kế hoạch tài chính với năm túi tiền quan trọng và đặt lên bàn làm việc của mình như để nhắc nhở về tầm quan trọng của nó và thúc đẩy cô cố gắng thực hiện mục tiêu an toàn tài chính mỗi ngày. Bạn có thể dễ dàng tạo ra bảng kế hoạch theo nhu cầu của riêng mình bắt đầu với việc phân chia tiền lương thành các túi tiền cơ bản. Nếu không phải là người có thói quen tiết kiệm, hẳn là ban đầu bạn sẽ không mấy thoải mái vì bị hạn chế tiêu xài, nhưng chẳng ai sinh ra đã giỏi điều đó cả. Chỉ khi nào thấy được lợi ích trực tiếp của nó bạn mới tự giác dùng tiền hợp lý hơn. Mọi cố gắng sẽ vô nghĩa nếu số tiền đó không phải tiền lương của bạn hoặc bạn vẫn còn nhiều khoản nợ mà không tính toán thời gian trả dứt điểm. Muốn túi tiền của bạn được bảo vệ tốt, hãy trả hết nợ, từ bỏ tâm lý dùng trước trả sau – một hình thức vay nợ mới, đơn giản, không thế chấp, và đảm bảo hoàn thành các mục tiêu tài chính.
Việc cam kết hoàn thành các mục tiêu tài chính và kế hoạch đầu tư cho bản thân cần được đặt lên hàng đầu. Rất nhiều người ao ước có được kết quả thu chi tốt nhưng lại liên tục thay đổi kế hoạch và phân chia thu chi không hợp lý. Bản thân Emma cũng đã mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh kế hoạch của mình sao cho phù hợp ở từng thời điểm, nhưng tôi vẫn cam kết thực hiện đúng các mục tiêu chính và nhiều thành quả lần lượt xuất hiện, cho dù không phải là tất cả.
EDRIC VÀ CÂU CHUYỆN MANG TÊN “HỐI HẬN KHÔNG KỊP”
Không như Emily, anh bạn Edric của tôi từ lâu đã viết kế hoạch tài chính cho mình đến tận 70 tuổi. Nhưng mà đến bây giờ, khi đã 35 tuổi, Eric nói rằng cậu chỉ có một khoản tiền nhỏ trong ngân hàng, không vợ con, không sự nghiệp, cậu cảm thấy mệt mỏi và không còn dám ước mơ gì nữa.
Edric là người có nền tảng kiến thức về tài chính tốt và muốn làm chuyên viên phân tích tài chính trong tương lai. Cậu đã xây dựng một kế hoạch hưu trí vô cùng cụ thể như sau: 23 tuổi trở thành chuyên viên tài chính và đóng bảo hiểm hưu trí, mua bảo hiểm nhân thọ, 30 tuổi lấy vợ và trả góp căn nhà đầu tiên, 45 tuổi đã tích góp đủ tiền để nghỉ hưu sớm và trả xong các khoản nợ, cho đến 70 tuổi được sống an nhàn bên người thân và làm những gì mình yêu thích.
Ấy thế mà sau khi tốt nghiệp và làm việc năm năm, cậu lại quyết định trở thành nhiếp ảnh gia và rong ruổi khắp nơi để chụp ảnh phong cảnh. Chuyện sẽ không có gì đáng nói khi cậu theo đuổi một niềm đam mê lành mạnh như thế. Vấn đề ở chỗ, Edric luôn sắm sửa các loại máy ảnh thuộc loại tối tân nhất trong khi tiền tích góp trong năm năm đi làm đang dần cạn kiệt và không hề đủ để chi trả cho sinh hoạt phí hiện tại và các mục tiêu hưu trí mà cậu đã đặt ra. Bạn biết đấy, máy ảnh chuyên nghiệp không hề rẻ một chút nào, dễ hiểu là cậu đã đi vay mượn khá nhiều để thỏa mãn sự yêu thích đó, trong khi khoản tiền nhận được từ các dự án chụp ảnh mà cậu có không đủ để trả nợ.
Sau khi không thể tiếp tục vay mượn bạn bè, người thân được nữa, Edric chuyển sang dùng tiền từ thẻ tín dụng. Dần dần, hạn thanh toán nợ kéo đến nhiều đến nỗi Edric không thể chi trả hết nổi và thậm chí không còn đủ tiền sinh hoạt phí trong nhiều tháng liền. Nợ chồng nợ và Edric bắt buộc phải từ bỏ việc đóng tiền hưu trí tự nguyện và sau đó là bảo hiểm nhân thọ. Cậu đã mất năm năm để đóng góp vào chúng kể từ khi 23 tuổi, và đến 28 tuổi cậu đã mất đi hai mục tiêu tài chính quan trọng của mình. Đương nhiên, cậu cũng chẳng có được một khoản tiền khẩn cấp ba tháng chứ đừng nói đến sáu tháng!
Edric bắt đầu có mối quan hệ nghiêm túc với một cô gái. Bạn gái thích những bức ảnh của cậu và thường xuyên rủ Edric đi du lịch nhiều nơi trong và ngoài nước. Chuyện tình này sẽ còn đẹp hơn nữa nếu như lúc đó Edric có nhiều tiền hơn và cậu không phải trả phần lớn chi phí cho các buổi du lịch hẹn hò của hai người. Edric không thể nói với bạn gái xinh đẹp của mình rằng cậu dùng tiền trong thẻ tín dụng mà không hề có kế hoạch chi trả đúng hạn.
Chuyện tình của họ kết thúc sau một năm và Edric là người gánh chịu nhiều thiệt thòi về tài chính nhất. Edric lúc này gần 30 tuổi và đang tính đến chuyện trở lại công việc tư vấn tài chính. Thế nhưng đã qua quá nhiều năm, Edric không còn nắm bắt tình hình tài chính nhạy bén như lúc trước nữa, cậu cũng không có những mối quan hệ hữu ích nào để nhờ giúp đỡ. Và quan trọng hơn, cảm hứng làm việc của cậu vẫn dành cho nhiếp ảnh là chính, cậu khó mà chuyên tâm với công việc khác được.
Ngày nhìn lại kế hoạch tài chính mà cậu đã vạch ra từ ngày trước, Edric cảm thấy mình thật thất bại vì đã không làm được điều gì cả. Cậu nói rằng, nếu được chọn lại, cậu sẽ nghe lời khuyên của mọi người, sống tiết kiệm và đầu tư hợp lý cho cuộc sống, vì cậu vẫn có thể theo đuổi công việc nhiếp ảnh sau này. Hiện giờ, khi 35 tuổi, Edric phải trả giá cho phút thiếu suy nghĩ của mình và không biết dừng đúng lúc, khi mà cậu phải vừa trả nợ, vừa lo lắng cho cuộc đời của mình trong nhiều năm tới nữa. Cậu nói rằng, điều cậu hối tiếc không phải là vì đã chọn nhiếp ảnh, mà vì cậu đã phí hoài thanh xuân của mình trong nợ nần và mất đi cơ hội có được kỳ hưu trí mà cậu đã mơ ước từ thời còn niên thiếu.
Bạn thấy đó, Edric đã hối hận vì vội vàng từ bỏ kế hoạch tài chính, vì tâm lý tiêu xài thoải mái từ vay mượn. Nếu bạn còn trẻ và đang có ý định dùng thẻ tín dụng không có kế hoạch như thế, hãy sớm dừng lại và tự hỏi: Số tiền mà bạn đang vay mượn có được sử dụng đúng cách và nó có an toàn với tuổi trẻ, sự nghiệp và tương lai của bạn hay không?
Thế nên khi đang thực hiện các mục tiêu tài chính, nếu có vấn đề nào đó làm bạn không hoàn thành các mục tiêu theo định kỳ, thì hãy xét lại các tiêu chí đã cân đối chưa. Bạn đã đảm bảo được nguồn tiền cho các mục tiêu quan trọng chưa? Có những mục tiêu không phù hợp ở giai đoạn nào không? Tỷ lệ phân chia giữa thu và chi đã hợp lý chưa? Bạn có đang sống trên mức thu nhập mình đang có? Bạn có dùng tiền ở mục này lố qua mục kia quá nhiều? Bạn có thường xuyên xem xét và đánh giá lại hiệu quả? Nếu có gia đình, vợ chồng bạn có dùng cùng một bảng kế hoạch tài chính? Bạn có yêu cầu con tiết kiệm chứ?...
Emma hiểu là sẽ có trăm ngàn lý do để chúng ta gặp khó khăn và không tuân thủ được kế hoạch tài chính như thay đổi các mục tiêu hay phát sinh chi phí đột xuất. Nhưng quyết tâm hoàn thành các mục tiêu quan trọng là thứ đảm bảo được hiệu suất thành công trong chi tiêu và tăng sự tự tin cho bạn rất nhiều. Giả sử bạn đang 30 tuổi và đi làm nhiều năm thì kế hoạch mua nhà, mua xe trả góp sẽ hợp lý, bạn cần ưu tiên thực hiện chúng đúng tiến độ và bạn tuyệt đối không được sử dụng khoản tiền tiết kiệm cho các mục tiêu giải trí và các chuyến du lịch bất chợt. Nhưng nếu bạn đang tuổi 20 nhưng lại muốn mua bảo hiểm nhân thọ trong khi bạn còn phụ thuộc tài chính vào gia đình thì có hợp lý chưa? Xem xét kỹ giữa việc lựa chọn thuê nhà ở với việc gắng gượng trả góp cho căn hộ sang trọng khi bạn chưa hiểu rõ về dự án nhà ở, về mức phí có thể phát sinh trong tương lai mà bạn không thể trả. Hãy mạnh dạn cắt đi những mục không quan trọng và thay thế bằng các mục tiêu hợp lý hơn vào từng giai đoạn nhé.
Nếu hiện giờ bạn đang có thói quen dùng thẻ ghi nợ (không thường xuyên dùng thẻ tín dụng) và có bảng kế hoạch tài chính. Chúc mừng bạn đã có khởi đầu tốt cho mình!
Chuyện Tài Chính Vợ Chồng Và Con Cái
Vợ chồng có chung bảng tài chính gia đình
Nhiều người nghĩ việc dùng chung bảng theo dõi tài chính với bạn đời là khá khó khăn. Vì mỗi người sẽ có những mục tiêu tài chính khác nhau hoặc đơn giản là họ không quen, biết đâu họ sẽ có những khoản chi tiêu nho nhỏ nhưng không muốn người kia biết!
Thế nhưng có rất nhiều gia đình như Emily bạn tôi vẫn dùng chung bảng kế hoạch tài chính với vợ hoặc chồng và họ đánh giá rất cao điều đó. Ngoài những khoản tiền sinh hoạt cá nhân với chi phí không đáng kể, vợ chồng Emily rất hài lòng khi cả hai cùng nhau đóng góp vào các mục tiêu tài chính chung để xây dựng gia đình. Emily sớm hiểu rằng, nếu không có sự quản lý tốt về tiền bạc thì không gì có thể bền vững, kể cả sự nghiệp lẫn hôn nhân. Sự rõ ràng về tài chính và tinh thần xây dựng mục tiêu chung chính là phương thức tôn trọng bạn đời trực tiếp nhất. Không ai hy vọng bạn đời của mình giấu diếm “quỹ đen” hoặc không nghiêm túc vun vén tổ ấm cùng mình cả. Vì vậy, các bạn cần trao đổi với nhau và cam kết hoàn thành bảng chi tiêu tài chính chung. Việc này cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều tiền hơn vì hạn chế được những khoản chi phát sinh theo cảm tính.
Đừng quên giáo dục tài chính sớm cho con cái
Trong các cuộc khủng hoảng tài chính, có phải bạn lo lắng nhất về tương lai của con cái? Bạn muốn chúng được khỏe mạnh, được hưởng nền giáo dục tốt nhất và sống sung túc đến hết đời. Dĩ nhiên bạn cần có tiền để giúp chúng có được những điều đó nhưng khó mà có thể lo cho chúng suốt đời, trong khi chính bản thân bạn vẫn còn chật vật vì việc kiếm tiền mỗi ngày và bạn cũng khao khát có được công thức để xây dựng tài chính an toàn hơn nữa.
Thế nên, nếu như bạn cũng vẫn đang học các bài học về tiền bạc để cuộc sống của bạn được đảm bảo hơn. Thế thì hẳn không có lý do gì bạn không hướng dẫn các con các bài học này từ sớm. Kiến thức về tài chính mới giúp cho con của bạn có được tương lai tươi sáng hơn, đỡ vất vả hơn.
Đầu tiên, hãy giúp con bạn hiểu được giá trị của đồng tiền và sức lao động để tạo ra nó. Bạn có thể cho các con biết về việc chi tiêu của cả nhà đang diễn ra như thế nào, giống như Emily, và yêu cầu con đóng góp vào việc xây dựng tài chính chung với gia đình. Đó là những việc mà trẻ có thể làm được như giảm mua sắm đồ chơi, mặc quần áo cũ còn tốt và không mua sắm thêm, không bỏ phí thức ăn, bỏ vào ống heo khi được người lớn tặng vào các dịp lễ Tết, giúp bạn làm việc nhà để giảm giờ thuê giúp việc theo giờ và trả lương cho trẻ, bán đồ chơi cũ để có tiền bỏ ống heo, cùng con suy nghĩ ý tưởng khởi nghiệp nhí trong các chương trinh của trường và địa phương,…
Đó là những bài học về tài chính đơn giản và sâu sắc mà bạn có thể hướng dẫn cho con. Cũng như bạn có kế hoạch tài chính năm 20 - 60 tuổi, con bạn cũng cần có những bài học tiền bạc ở tuổi 3 - 18. Để đến khi 18 tuổi, con bạn đã bắt đầu tự lập và bắt đầu xây dựng kế hoạch cuộc đời cho mình. Thế nên mỗi năm trôi qua, bạn hãy chuẩn bị những bài học tốt và phân tích rõ cho con biết các khoản tiền sẽ được dùng vào việc gì và mục đích ra sao. Đó thật sự là những bài học tài chính vỡ lòng mà bạn đã giúp con mình chuẩn bị hành trang tốt trên đường đời mai sau.
Dù độc thân hay đã có gia đình, thì khi bạn hoàn thành được phần lớn các mục tiêu quan trọng thì bạn mới có thành quả và xây dựng sự tự tin về tài chính. Không chỉ là chi tiêu, bạn đừng quên, các mục tiêu đam mê của bạn cũng nằm trong đó, vì vậy, hãy “chăm sóc” chúng thật chu đáo. Điều quan trọng nhất tôi muốn gửi gắm thông điệp trong chương này chính là: Bạn kiếm được bao nhiêu tiền rất quan trọng, nhưng cách bạn quản lý từng đồng tiền cũng quan trọng không kém. Và nếu bạn không làm chủ được tiền thì chúng sẽ làm chủ bạn!