C
húng ta thường được khuyến khích nghĩ lớn, vì nghĩ lớn nghĩa là chúng ta muốn đạt được những điều vĩ đại. Suy cho cùng, nếu được lựa chọn thì tại sao chúng ta lại không nghĩ lớn thay vì nghĩ nhỏ? Nhưng như những gì chúng tôi đã chứng minh trong quyển sách này, khi có một mục tiêu dài hạn và có tính thử thách, nếu bạn không thể tìm ra cách giải quyết phù hợp đối với những chi tiết nhỏ trong suốt quá trình theo đuổi mục tiêu thì bạn sẽ không thể nào đạt được mục tiêu đó. Vì thế, để đạt được những mục tiêu to lớn, bạn cần biết nghĩ nhỏ.
Bằng chứng khoa học
Nếu muốn hiểu được vì sao nghĩ nhỏ lại có vai trò quan trọng thì trước hết, chúng ta cần hiểu được những bằng chứng khoa học về việc đưa ra quyết định. Đó là lý do vì sao khi viết quyển sách này, chúng tôi đã nghiên cứu hàng trăm công trình khác nhau về những gì chúng ta thường làm để theo đuổi mục tiêu. Cụ thể, chúng tôi đã thấy được tầm quan trọng của việc hiểu rằng con người có những cách khác nhau để xử lý thông tin và đưa ra quyết định. Chúng ta có một hệ thống chậm, đòi hỏi chúng ta phải thận trọng suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định; và chúng ta có một hệ thống nhanh, hoạt động một cách tự động và theo bản năng. Hệ thống chậm giúp chúng ta học lái xe, còn hệ thống nhanh sẽ giúp chúng ta lái xe dễ dàng hơn một khi chúng ta đã nắm vững các kỹ năng cần thiết.
Chìa khóa quan trọng của tư duy tập trung vào từng chi tiết là hiểu được chúng ta có thể triển khai hệ thống chậm hoặc hệ thống nhanh bằng cách nào và vào lúc nào. Đây là việc không dễ dàng, vì mặc dù hệ thống nhanh giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong một thế giới phức tạp (chẳng hạn như giúp chúng ta không phải suy nghĩ nhiều về việc sử dụng bàn đạp trong lúc lái xe), nhưng hệ thống này cũng thường bị lỗi. Không những thế, bộ não của chúng ta cũng không có đủ “năng lực xử lý” để chúng ta có thể vận dụng hệ thống suy ngẫm của mình mỗi khi cần đưa ra quyết định. Chúng ta có một “băng tần nhận thức” hữu hạn, và nếu chúng ta cố vận dụng khả năng chú ý của mình nhiều hơn giới hạn cho phép thì chúng ta sẽ thất bại. Đây là lý do vì sao chi tiết nhỏ lại có vai trò rất quan trọng. Tập trung vào những chi tiết nhỏ giúp chúng ta đạt được mục tiêu lớn bằng cách vận dụng những ưu điểm tương đối của cả hai hệ thống nhanh và chậm, đồng thời tránh phạm phải những cạm bẫy của hai hệ thống này.
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất mà bạn cần hiểu về hệ thống nhanh và chậm trong thực tế là hai hệ thống này đều bị tác động bởi thời gian. Hệ thống nhanh của chúng ta có khuynh hướng ưu tiên phần thưởng trước mắt và thường trì hoãn mỗi khi cần đưa ra những quyết định khó khăn. Hệ thống chậm của chúng ta có thể hiểu được rằng có những việc quan trọng cần được ưu tiên hơn, nhưng điều này đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận trì hoãn cảm giác hài lòng của mình và dám đưa ra những quyết định khó khăn hơn trong hiện tại. Trong quyển sách này, nhiều công cụ của phương pháp nghĩ nhỏ đã được đề ra nhằm giúp chúng ta chọn được cho mình một con đường đúng đắn hơn để theo đuổi mục tiêu, bao gồm cả việc chúng ta có thể vận dụng hệ thống nhanh như thế nào để mang lại lợi ích thay vì thiệt hại cho chúng ta.
Nghĩ nhỏ để đạt được những mục tiêu to lớn
Dám nghĩ nhỏ cung cấp một bộ khung để bạn có thể dựa vào đó mà xây dựng cũng như hoàn thành mục tiêu của mình. Đây không phải là một bộ nguyên tắc cứng nhắc; vậy nên bạn không cần lo lắng, vì bạn sẽ không phải áp dụng tất cả bảy nguyên tắc chúng tôi đã nêu trong mọi tình huống. Nhưng dĩ nhiên, nếu bạn càng vận dụng được nhiều nguyên tắc thì bộ khung của bạn sẽ càng trở nên vững chắc hơn.
Khi xây dựng bất kỳ cấu trúc nào, bạn cũng phải bắt đầu với nền móng. Đối với việc theo đuổi mục tiêu, nền móng này chính là xác định bạn sẽ theo đuổi mục tiêu thế nào. Đây cũng là bước mà chúng tôi muốn khuyến khích bạn vận dụng tối đa hệ thống suy ngẫm của mình.
Trước tiên, hãy dành thời gian để nghĩ về những gì bạn muốn đạt được. Bạn có thể tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của mình trong công việc, nghỉ ngơi hoặc giải trí, bằng cách tham khảo các bằng chứng có được từ những nghiên cứu về hạnh phúc. Chúng tôi cũng đã chứng minh rằng việc chia mục tiêu của bạn thành nhiều bước nhỏ và dễ kiểm soát sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu sau cùng nhanh chóng hơn. Tiếp đến, chúng tôi đã thảo luận về việc làm thế nào để bạn có thể tăng khả năng thành công của mình bằng cách lập kế hoạch theo đuổi mục tiêu. Cụ thể, bạn có thể sử dụng những kế hoạch “nếu-thì” để tạo mối liên kết giữa hành động với những thời điểm nhất định trong thói quen sinh hoạt hằng ngày của mình. Theo thời gian, việc lặp lại những hành động cụ thể khi gặp những dấu hiệu kích thích nhất định sẽ giúp chúng ta hình thành thói quen, từ đó chúng ta sẽ hành động một cách tự động mà không phải nỗ lực hay tốn nhiều công sức như trước. Đây cũng là lúc hệ thống nhanh của bạn đang dần nắm quyền kiểm soát.
Tiếp theo, chúng tôi đã giới thiệu đến bạn những công cụ có thể củng cố bộ nền tảng hành vi của bạn bằng cách giúp bạn duy trì động lực trong quá trình thực hiện mục tiêu. Nếu muốn có được sự cam kết mạnh mẽ với mục tiêu của mình thì bạn cần hiểu rằng bạn có thể vượt qua sự xung đột mà tất cả chúng ta đều gặp phải giữa cái tôi hiện tại và tương lai. Khi viết ra và công khai cam kết về việc sẽ hoàn thành một mục tiêu nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ có động lực để theo đuổi những ý định của mình tới cùng. Trong chương nói về phần thưởng, chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng các cơ chế khen thưởng có thể hữu ích trong việc giúp bạn duy trì động lực, nhưng bạn cũng có thể bị phản tác dụng nếu từng chi tiết nhỏ trong cơ chế khen thưởng đó không được thiết lập một cách phù hợp.
Chúng ta cũng thấy rằng hầu hết mọi người đều xem việc theo đuổi mục tiêu như một dự án cá nhân để cải thiện bản thân. Nhưng nếu chúng ta có thể kết hợp với người khác để cùng thực hiện một mục tiêu chung thì không những quá trình theo đuổi mục tiêu của chúng ta sẽ trở nên thú vị hơn, mà cơ hội để ta hoàn thành mục tiêu cũng cao hơn. Thông tin phản hồi hữu ích cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta đạt được mục tiêu, vì chúng ta khó mà đạt được bất kỳ điều gì nếu không biết mình đang làm được những gì trong suốt quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nghiên cứu những mối liên kết để giữ cho bộ khung hành vi của bạn được vững vàng. Chúng tôi nhận thấy rằng bạn cần tập luyện có chủ ý để rèn giũa kỹ năng của bản thân và tiến hành thử nghiệm để xác định xem cách làm nào hoặc phương pháp nào là hữu ích nhất để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Cuối cùng, chúng tôi mong rằng bạn sẽ dành thời gian để suy ngẫm và ăn mừng khi bạn hoàn thành mục tiêu mà bản thân đã đặt ra. Hành động này không phải chỉ để bạn có thời gian tận hưởng thành quả của mình, mà còn để bạn rút ra cho mình những bài học nhằm giúp bạn có một khởi đầu tốt hơn khi chinh phục thử thách kế tiếp.
Lẽ thường và những điều khác thường
Mặc dù đã có nhiều bằng chứng cho thấy những công cụ được giới thiệu trong quyển sách này hiệu quả thế nào, nhưng chúng tôi biết rằng vẫn sẽ có nhiều người từ chối tiếp nhận những phương pháp của chúng tôi. Chúng tôi cũng đoán rằng sự từ chối này xuất phát từ hai nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất là vì nhiều người cho rằng chúng ta chỉ có thể nghĩ nhỏ khi theo đuổi những mục tiêu nhỏ. Khi muốn đạt được thành tựu đáng kể, chúng ta buộc phải thực hiện những thay đổi lớn, và để có thể thực hiện những thay đổi lớn thì chúng ta sẽ cần một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Nhiều người sẽ dùng các ví dụ đặc biệt nổi bật để chứng minh cho luận điểm này. Khi nói đến chủ đề không mấy dễ chịu là chiến tranh, có lẽ bạn cũng biết sau Thế chiến I, châu Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng và điều mà họ cần lúc đó là Kế hoạch Marshall (Hoa Kỳ viện trợ mười hai tỷ đô-la để giúp châu Âu thực hiện tái thiết), chứ không phải nhiều gói cứu trợ nhỏ. Một số người đã dùng ví dụ này để lập luận rằng đôi khi chúng ta cần thực hiện những bước tiến lớn và táo bạo. Mới đây, Tim Harford - tác giả kiêm bình luận viên nổi tiếng mà chúng ta từng đề cập trong chương “Chia sẻ” - cũng lập luận rằng dù “lợi ích cận biên” thật sự có tác dụng giúp chúng ta tiến bộ không ngừng (như ví dụ về Sir David Brailsford và đội tuyển xe đạp mà ông huấn luyện), nhưng chỉ có sự đổi mới triệt để và ý tưởng cấp tiến mới có thể tạo ra những bước nhảy vọt. Để so sánh với thành công của đội tuyển xe đạp do Brailsford dẫn dắt, Tim Harford đã nêu ví dụ về thành tích của cua-rơ Graeme Obree - người được đặt biệt danh là “Người Scotland bay” - theo đó, Obree từng hai lần phá kỷ lục thế giới vào những năm 1990 bằng cách thay đổi triệt để tư thế đạp xe và thiết kế của xe.
Tuy nhiên, trọng tâm của triết lý nghĩ nhỏ không phải là chúng ta không nên đặt mục tiêu to lớn hay thực hiện những thay đổi đáng kể, mà là nếu quá tập trung vào mục tiêu to lớn và xa vời thì chúng ta khó có thể tìm được cách để hoàn thành mục tiêu đó. Kế hoạch Marshall xuất phát từ một ý tưởng táo bạo, nhưng đằng sau sự táo bạo đó là một chương trình cụ thể về những bước cần thiết để thực hiện kế hoạch đó. Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Nhiều người trong chúng ra thường đặt ra những mục tiêu dài hạn và đầy tham vọng, nhưng không phải ai cũng có thể hoàn thành những mục tiêu đó. Đây chính là lúc mà phương pháp nghĩ nhỏ phát huy tác dụng. Như chúng tôi đã đề cập trong chương “Xác định mục tiêu”, nếu bạn chỉ có một ước mơ to lớn thôi thì chưa đủ, mà quan trọng là bạn phải liên hệ ước mơ của mình với thực tế cuộc sống. Chẳng hạn, nếu muốn gia tăng hiệu quả hoạt động của đội ngũ mình đang phụ trách, hoặc xoay chuyển tình thế của một ngôi trường hay bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn, bạn phải nhận diện được những bước nhỏ mà bạn cần thực hiện để đưa bản thân tới cái đích mà mình mong muốn; ngược lại, nếu không nhận diện được những bước nhỏ đó thì bạn sẽ khó lòng đạt được mục tiêu cuối cùng của mình.
Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn đề xuất rằng nếu muốn đạt được mục tiêu của mình thì đôi khi, bạn cần thay đổi một số thứ trong thói quen sinh hoạt hằng ngày của mình. Ví dụ, thay vì chỉ cắt giảm lượng cồn nạp vào cơ thể, bạn có thể đề ra những quy tắc đơn giản nhưng có tác động mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như không được uống rượu bia khi ở nhà. Hoặc thay vì chỉ đặt mục tiêu là cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống để có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn, bạn nên lập cam kết rằng bạn sẽ không trả lời email sau bảy giờ tối, hay bạn cũng có thể đăng ký làm việc tại nhà hai ngày mỗi tuần. Nếu đang cố cải thiện thành tích của ngôi trường mà mình đang phụ trách thì thay vì đầu tư tiền vào việc thuê giáo viên trợ giảng, bạn có thể đầu tư vào các khóa đào tạo nghiệp vụ mà trong đó, các thầy cô giáo được tập huấn về cách cung cấp thông tin phản hồi hữu ích hơn cho học sinh.
Kiểu lập luận thứ hai của những người nghi ngờ hiệu quả của phương pháp nghĩ nhỏ là một quan điểm có phần tinh tế hơn, nhưng có lẽ cũng gây nhiều tác hại hơn. Đó là quan điểm cho rằng tư duy tập trung vào chi tiết đơn giản là những điều hiển nhiên. Một số người lập luận rằng không có gì đáng ngạc nhiên nếu việc theo đuổi mục tiêu trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta chia mục tiêu dài hạn của mình thành nhiều bước nhỏ, dễ kiểm soát hơn. Nhiều người cũng cho rằng hiển nhiên là chúng ta có thể đạt được mục tiêu của mình nhanh chóng hơn nếu ta có được sự trợ giúp từ người khác. Và tất nhiên, chúng tôi cũng đồng tình với cách lập luận này. Nhiều ý tưởng mà chúng tôi đã trình bày trong quyển sách này vốn được rút ra từ những hiểu biết thông thường và đem vào áp dụng. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta thường không áp dụng những điều mà chúng ta cho là lẽ thường, và nếu có thì chúng ta cũng hiếm khi áp dụng một cách có kỷ luật và nhất quán. Đây là vấn đề mà chúng tôi đã nhận ra trong quá trình nghiên cứu tại BIT. Chúng tôi từng được hỏi vì sao mọi người vẫn chưa nhận ra người dân thường đóng thuế đúng hạn hơn nếu họ nhận được một bức thư dễ hiểu, thay vì bốn trang giấy gồm toàn các từ ngữ pháp lý phức tạp. Chúng tôi trả lời: “Thật ra thì họ có nhận thấy điều đó. Nhưng thế thì tại sao mỗi năm chúng ta vẫn tiếp tục gửi đi hàng triệu bức thư chứa những nội dung pháp lý khó hiểu tới hàng triệu người?”. Chẳng phải đó cũng là chuyện hiển nhiên khi mà bạn có thể hoàn thành dự án đúng hạn và không vượt quá ngân sách nếu bạn đặt ra cho mình thời hạn hoàn thành rõ ràng, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của bản thân, theo dõi tiến độ thực hiện, cũng như ghi nhận những phản hồi cụ thể và kịp thời? Chúng tôi cũng sẽ trả lời rằng đó cũng là chuyện hiển nhiên. Nhưng thế thì tại sao chúng ta lại có quá nhiều dự án bị kéo dài và gây hao tốn ngân sách đến vậy? Trên thực tế, ngay cả những ý tưởng đơn giản nhất đôi khi cũng không phải là ý tưởng dễ áp dụng, và đây là lý do vì sao chúng tôi đề ra phương pháp nghĩ nhỏ như một bộ khung đơn giản để bạn có thể dựa vào đó mà theo đuổi mục tiêu của mình.
Tuy vậy, có lẽ bạn cũng nhận thấy rằng nhiều điều được đề cập trong Dám nghĩ nhỏ không phải là những chuyện hiển nhiên. Một số nguyên tắc quan trọng nhất của quyển sách này đều có yếu tố khác thường. Bạn có nhớ nguyên tắc đầu tiên được đề cập trong chương “Xác định mục tiêu” không? Trong phần đó, chúng ta đã tìm hiểu về việc chúng ta thường có thói quen theo đuổi những mục tiêu không thể khiến mình cảm thấy hạnh phúc hơn. Dường như, nếu chỉ dựa vào trực giác thì chúng ta không thể nhận ra mức độ hạnh phúc của mình chịu tác động lớn đến thế nào từ các mối quan hệ, sức khỏe, cũng như từ những hành động nhân ái của chính bản thân ta. Không những thế, chúng ta còn có khuynh hướng cố đạt được nhiều mục tiêu tham vọng cùng một lúc, mà không nhận thức được rằng đó là hành động khiến mình thất bại.
Trong chương “Cam kết”, chúng ta đã khám phá được rằng nếu đơn giản chia sẻ cho người khác biết mục tiêu của mình thì chúng ta sẽ dễ bị phản tác dụng, nhưng nếu viết ra cam kết của mình và công khai kế hoạch cụ thể để thực hiện cam kết đó thì chúng ta sẽ thấy được những hiệu quả rõ rệt và tích cực. Chúng ta cũng thấy rằng nhờ người thân làm trọng tài cam kết không phải là một quyết định sáng suốt; tốt hơn hết là bạn nên nhờ một bên thứ ba mà bạn tin cậy - một người sẵn sàng thực hiện đến cùng những điều khoản mà bạn đã quy định trong hợp đồng cam kết. Chúng tôi cũng đã chứng minh rằng khác với những gì bạn nghĩ, nhiều người (thậm chí là những người hoàn toàn xa lạ) thường rất sẵn lòng giúp đỡ bạn; và phần thưởng cũng có thể làm suy giảm động lực sẵn có của bạn nếu phần thưởng đó không đủ lớn hoặc không tương xứng với giá trị cốt lõi của mục tiêu mà bạn đang theo đuổi.
Rõ ràng, nhiều ví dụ được đề cập trong quyển sách này đã cho thấy những điều trái với lẽ thường. Thực tế được minh họa trong các ví dụ đó không giống với những gì ta vẫn nghĩ, và đây là lý do vì sao chúng tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu đúng về những chi tiết nhỏ. Một khi đã hiểu đúng, dù không thể lập tức trở thành một vận động viên Olympic hay một CEO có khối tài sản trị giá hàng triệu đô-la, nhưng bạn sẽ có thể tạo ra nhiều điều khác biệt và có ý nghĩa trong cuộc sống của mình cũng như của người khác.
Chia sẻ và kiên trì theo đuổi mục tiêu
Chúng tôi đã suy nghĩ rất kỹ và rất lâu về việc nên kết thúc quyển sách này như thế nào. Cuối cùng, chúng tôi quyết định sẽ nói về những gì đã thôi thúc chúng tôi viết quyển sách này - mục tiêu chung mà chúng tôi đã cùng nhau theo đuổi trong suốt mười hai tháng.
Có lẽ, điều quan trọng nhất làm nên quyển sách này chính là vai trò của những người đã hỗ trợ chúng tôi đạt được mục tiêu của mình. Dám nghĩ nhỏ đã không thể được hoàn thành nếu không có sự đóng góp của các thành viên BIT, cũng như hàng ngàn người đã hỗ trợ BIT trong việc thiết kế và thực hiện hàng trăm thử nghiệm trong suốt nhiều năm qua. Quyển sách này cũng không thể được hoàn thành nếu chúng tôi không có được sự ủng hộ của Elaine và Sophie, những người vợ thân yêu của chúng tôi, những người đã cho chúng tôi nhiều lời khuyên và nhận xét hữu ích trong suốt quá trình viết sách. Và dĩ nhiên, quyển sách này cũng không thể trở thành hiện thực nếu chúng tôi không quyết định hợp tác cùng nhau. Khi cùng nhau viết sách, chúng tôi đã có thể chia sẻ các ý tưởng của nhau, thử thách lẫn nhau và làm cho việc viết lách trở nên thú vị hơn nhiều. Vì vậy, chúng tôi muốn nhắc lại một trong số những lời khuyên hay nhất mà chúng tôi từng được nghe, đó là “hãy sống ích kỷ bằng cách giúp đỡ và hợp tác với người khác”.
Ngoài việc muốn khuyến khích bạn hợp tác với những người xung quanh, chúng tôi còn muốn động viên bạn tự vượt qua giới hạn của bản thân bằng cách theo đuổi một mục tiêu mà bạn biết rõ sẽ là một thử thách khó khăn. Hãy kiên trì rèn luyện để tự cải thiện bản thân, lý tưởng nhất là tập trung cải thiện những kỹ năng mà bạn cần trong những lĩnh vực mà bạn thấy là có nhiều thử thách nhất; đồng thời, hãy tiếp tục thử nghiệm, cụ thể là hãy thử nghiệm những kỹ thuật mới để xác định kỹ thuật nào có hiệu quả và kỹ thuật nào thì không.
Bản thân chúng tôi cũng đã thực hiện những điều tương tự khi viết quyển sách này. Chúng tôi đã thử thách chính mình bằng cách tìm tòi những ý tưởng mới từ khoa học hành vi. Trong quá trình viết sách, chúng tôi cũng rèn giũa khả năng hợp tác của mình, cùng nhau thử nghiệm nhiều cách khác nhau để tìm ra cách viết phù hợp nhất. Điều đáng mừng là khi vượt qua những thử thách tương tự thế này, bạn sẽ phát triển được kỹ năng thích ứng để chinh phục mục tiêu của mình. Nhà kinh tế học đại tài James Heckman từng nói: “Kỹ năng sinh ra kỹ năng”. Câu nói này có nghĩa là khi bạn hoàn thành một mục tiêu thì bạn sẽ có sẵn nền tảng để hoàn thành thêm nhiều mục tiêu khác trong tương lai. Và chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ đúng với bạn.