C
ác bãi biển ở khu vực phía bắc của Sydney là một trong những khung cảnh thơ mộng nhất của thế giới. Nơi đây có cát vàng trải dài hàng chục cây số dọc theo các công viên quốc gia với vô số động vật hoang dã. Khi sống trong một khu vực mà một bên là Thái Bình Dương và bên còn lại là những bờ vịnh đẹp hướng về Thành phố Sydney, bạn có thể tranh thủ đi bơi hoặc lướt sóng vào buổi sáng trước khi lên phà để đến chỗ làm. Mặc dù đây là hiện thực cuộc sống của nhiều người, nhưng một số người khác lại cho rằng đó là một ước mơ xa vời. Hoặc ít nhất thì đó là cảm nhận của Brad, người đã bỏ học khi mới mười sáu tuổi và đã làm nhiều công việc khác nhau - những việc có thể giúp cậu trang trải cuộc sống trong một khoảng thời gian ngắn nhưng lại không có triển vọng về lâu dài. Chỉ trong vòng hai năm, Brad đã kinh qua vô số các công việc bán thời gian khác nhau. Cậu từng bán hàng trong một cửa hàng DVD, làm nhân viên cho một cửa hàng bán đồ lướt sóng và làm phục vụ cho hàng loạt các quán cà phê, quầy bar cũng như nhà hàng trên những bãi biển đông đúc nhất.
Chính việc phục vụ đã nhóm lên ngọn lửa hoài bão trong Brad. Cậu bắt đầu quan tâm đến những món ăn mà cậu phục vụ cho khách hàng và mùi vị của từng món ăn đó. Cậu đặc biệt quan tâm đến các món được làm từ thịt - những miếng bò bít-tết, thịt cừu hoặc thịt heo mà cậu thường phục vụ và mang đến sự hài lòng cho khách hàng. Vì thế, trước khi bước sang tuổi mười tám, Brad đã hạ quyết tâm rằng công việc tiếp theo của cậu sẽ không phải là một công việc bán thời gian. Brad quyết định sẽ theo đuổi đam mê của mình, dù điều đó có nghĩa là cậu phải làm lại từ đầu và có mức thu nhập thấp hơn hiện tại.
Vấn đề của Brad là cậu không biết nên bắt đầu từ đâu. Sau khi đã dành nhiều tuần để tìm hướng đi cho mình, cậu phát hiện một cửa hàng thịt ở địa phương đang đăng bảng tuyển người học việc. Lúc này, Glen - chủ cửa hàng - đang cảm thấy vừa lo lắng vừa bực dọc vì cả hai người học việc trước đều bỏ cuộc chỉ sau vài tháng, dù quá trình đào tạo kéo dài đến bốn năm. Vì thế Glen quyết định sẽ áp dụng cách tiếp cận khác cho người học việc tiếp theo. Khi Brad tìm đến, Glen không nhận Brad ngay lập tức mà đã dành thời gian để giải thích rõ cho Brad hiểu cái khó của nghề. Brad được biết rằng cậu sẽ phải dậy từ rất sớm và làm việc liên tục suốt cả ngày; ngày nào cậu cũng phải làm những công việc nặng nhọc như nhau, từ chặt thịt đến quét dọn, lau chùi. Và quan trọng nhất là sau bốn năm học việc, Brad cũng chỉ được hưởng mức lương thấp nhất trong bậc lương thợ. Glen tin rằng những người trẻ tuổi như Brad thường có những kỳ vọng không thực tế về nghề của Glen; kỳ vọng đó đã góp phần khiến cho 40% người học nghề không thể hoàn thành khóa học kéo dài bốn năm, và trong 40% đó thì có gần một nửa bỏ cuộc trong năm đầu tiên.
Đó là lý do vì sao ngay từ ngày đầu tiên, Glen muốn Brad hiểu nghề giết mổ nặng nhọc như thế nào. Tuy nhiên, khi nhận ra sự nghiêm túc và niềm đam mê của Brad, Glen đã bắt đầu thay đổi cách truyền đạt. Anh giải thích với Brad rằng những buổi thực hành cắt thịt là để tạo nền tảng vững chắc cho Brad và cậu sẽ được làm quen dần từ các loại thịt có chất lượng thấp hơn tới những loại thịt cao cấp nhất. Glen cũng nhấn mạnh rằng nếu Brad kiên trì và một lòng muốn theo nghề thì anh sẽ dạy cho cậu tất cả những gì anh biết, giúp cậu có chứng chỉ hành nghề. Glen cũng hứa sẽ cho Brad thời gian và không gian để phát triển kỹ năng, để suy ngẫm về những gì cậu đã học được và nghĩ đến những lĩnh vực cậu muốn học sau này. Những lời nói của Glen có tác động kỳ lạ đối với Brad. Khoảng thời gian dành cho những công việc không có triển vọng đã giúp Brad hiểu được vì sao cậu nên đầu tư tâm sức cho một công việc mà mình đam mê. Khi được Glen nhận vào học nghề, Brad quyết tâm sẽ biến đam mê của mình thành hiện thực.
Brad đề ra cho mình một mục tiêu dài hạn và có tính thử thách, dẫu biết rằng việc đạt được một mục tiêu như thế là không hề dễ dàng. Brad dành hết mọi sự tập trung của mình để rèn luyện kỹ năng sơ chế thịt và thực hiện những phần việc liên quan như lau dọn sàn, dọn dẹp tủ đông. Theo thời gian, cậu nhận thấy công sức của mình bắt đầu được đền đáp và vì thế càng cảm thấy hào hứng với công việc hơn. Bên cạnh đó, Glen cũng tạo điều kiện để Brad thử nghiệm những điều mới mẻ, thậm chí anh còn cho phép cậu áp dụng ý tưởng và công thức mới vào lĩnh vực mà cậu ưa thích nhất, đó là chuẩn bị những món thịt được tẩm ướp của cửa hàng.
Khi trò chuyện với Rory và Edwina thuộc Đơn vị Nghiên cứu Hành vi (Behavioural Insights Units - BIU) của chính quyền New South Wales, Brad tâm sự rằng cậu có cảm giác như tất cả những khó khăn mà cậu trải qua đều bắt đầu giúp ích cho cậu, và chính điều này đã tạo động lực để cậu đặt ra những mục tiêu cao hơn nữa. Những điều mà Brad đã học được là rất rõ ràng: nếu muốn đạt được một mục tiêu dài hạn thì bạn phải sẵn sàng dành nhiều thời gian để theo đuổi, bỏ nhiều công sức để thực hành kỹ năng và chuẩn bị sẵn tâm lý để rút ra bài học từ thành công cũng như thất bại trong suốt quá trình theo đuổi mục tiêu.
Ở những chương trước, chúng ta đã tập trung vào các công cụ và kỹ thuật có thể được sử dụng để giúp chúng ta đạt được mục tiêu. Chương này sẽ có đôi chút khác biệt. Chúng ta sẽ thảo luận về việc chúng ta có thể làm những gì để đảm bảo mình sẽ vận dụng những công cụ đã được đề cập để giúp bản thân kiên trì theo đuổi mục tiêu dài hạn, đặc biệt là những mục tiêu đòi hỏi chúng ta phải học hỏi không ngừng. Ba nguyên tắc vàng để chúng ta kiên trì với mục tiêu của mình là:
Tập trung và nỗ lực rèn luyện. Nếu mục tiêu của bạn đòi hỏi năng lực của bạn phải được cải thiện theo thời gian, hãy nhớ rằng chất lượng và thời lượng của việc rèn luyện đều quan trọng như nhau.
Thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Một khi đã chia mục tiêu của mình thành nhiều bước nhỏ, bạn sẽ có thể cải thiện mức độ hiệu quả của mình thông qua thử nghiệm, nghĩa là bạn sẽ áp dụng những thay đổi nhỏ để xác định xem phương pháp nào có hiệu quả và phương pháp nào thì không.
Suy ngẫm và ăn mừng thành công. Hãy dành thời gian để suy ngẫm về những gì bạn đã làm được hoặc chưa làm được, và hãy ăn mừng những gì mình đã hoàn thành trước khi chuyển sang mục tiêu kế tiếp.
Nguyên tắc 1: Tập trung và nỗ lực rèn luyện
Bấy giờ là ngày 1 tháng Sáu năm 2006, và vòng chung kết cuộc thi National Spelling Bee (tạm dịch: Đánh vần toàn quốc) của Mỹ đang diễn ra. Gần ba trăm học sinh tham dự cuộc thi đã bị loại dần sau nhiều vòng thi với những từ vựng càng ngày càng khó, dù ai trong các em cũng xứng đáng là quán quân. Đây là lần đầu tiên vòng chung kết của cuộc thi này được chiếu trực tiếp trên truyền hình Mỹ trong khung giờ vàng. Hai thí sinh cuối cùng đang phải đối mặt với áp lực rất lớn. Finola Hackett, cô bé người Canada mười bốn tuổi, bước lên bục và được yêu cầu đánh vần từ weltschmerz - một thuật ngữ chỉ chứng trầm cảm mà chúng ta mắc phải khi so sánh thực tế với những gì ta cho là lý tưởng. Có lẽ cũng thật trớ trêu khi đây lại là từ khiến Fiona thất bại sau mười chín lượt đánh vần hoàn hảo. Katharine Close, cô bé mười ba tuổi đến từ New Jersey (Mỹ), bước lên bục đánh vần. Đây là lần thứ năm Katharine tham gia cuộc thi đánh vần. Từ mà Katharine được yêu cầu đánh vần là Ursprache, và em đã đánh vần đúng. Katharine vui mừng tiến lên nhận chiếc cúp vàng khổng lồ, và em được phỏng vấn như một siêu sao bóng đá chứ không chỉ là một cô bé tuổi vị thành niên giỏi về từ ngữ. Katharine chia sẻ: “Thật không thể tin nổi. Ngay khi nghe được từ này, em biết mình có thể đánh vần được và em đã bị sốc”. Nhiều người theo dõi cuộc thi đánh vần tối hôm đó cũng cảm thấy sốc trước khả năng của các thí sinh - những học sinh tuy nhỏ tuổi nhưng lại có khả năng đánh vần các từ mà hầu hết những người lớn hơn các em nhiều cũng chưa từng nghe tới. Và cũng dễ hiểu nếu đa số chúng ta rút ra kết luận rằng tài năng thiên bẩm là yếu tố giúp Katharine giành được chiến thắng. Nói cách khác, Katharine là một thiên tài bẩm sinh.
Nhưng khác với nhiều người trong chúng ta, các nhà nghiên cứu về hành vi quan tâm đến những việc làm phi thường của người khác sẽ không rút ra những kết luận tương tự. Một người đặc biệt quan tâm đến chiến thắng của Katharine là Angela Duckworth, giáo sư tâm lý học của Đại học Pennsylvania. Duckworth quan tâm đến đề tài này cũng là điều dễ hiểu. Duckworth chia sẻ rằng từ khi còn bé, bà đã bị cha đánh giá là “không có tố chất của một thiên tài”. Nhưng thú vị thay, nhiều năm sau đó bà lại được trao Học bổng MacArthur Fellowship, còn được gọi là “Giải Thiên tài” - khoản học bổng không ràng buộc trị giá sáu trăm hai mươi lăm ngàn đô-la. Duckworth gần như đã dành toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu của mình để tìm hiểu xem điều gì thúc đẩy mọi người theo đuổi mục tiêu và đạt được thành công. Sau đó bà kết luận rằng mặc dù nhiều người thật sự có tài năng bẩm sinh, nhưng đó không phải là tất cả những gì sẽ đưa họ đến đích. Giữa người không ngừng đạt được những điều vĩ đại và người bình thường có một sự khác biệt lớn, đó là sự pha trộn giữa đam mê và sự kiên trì mà Duckworth gọi là “sự kiên cường”. Bà tự hỏi: “Có phải sự kiên cường đã giúp Katharine và những thí sinh khác thành công trong cuộc thi đánh vần hay không?”. Với mong muốn xác định đâu là nhân tố đã giúp các thí sinh của cuộc thi đánh vần nói trên thành công, Duckworth và các đồng nghiệp đã liên hệ với tất cả các thí sinh được vào vòng chung kết trước khi vòng thi này diễn ra. Bà muốn tìm hiểu xem những thí sinh này tập luyện nhiều như thế nào, có phải những em tập luyện nhiều hơn thì sẽ có khả năng thành công cao hơn không, và có phải phương pháp thực hành khác nhau sẽ mang lại kết quả khác nhau hay không.
Kết quả của công trình nghiên cứu này đã thách thức những niềm tin vốn có rằng một số người đơn giản là có tài năng thiên phú để chơi thể thao, chơi nhạc cụ hoặc đánh vần. Những gì mà Angela và các đồng nghiệp đã khám phá được là những đứa trẻ tập luyện nhiều hơn sẽ tiến xa hơn trong cuộc thi. Có lẽ điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên đối với bạn, và có lẽ Angela cũng đã đoán trước được kết quả này. Điều mà bà quan tâm là có phải phương pháp tập luyện của thí sinh sẽ giúp lý giải sự thành công của các em hay không. Các nhà nghiên cứu đã xác định được ba phương pháp thực hành chủ yếu mà hầu hết các học sinh đã áp dụng cho việc luyện tập. Phương pháp đầu tiên là tập đánh vần thành tiếng mỗi khi tham gia những hoạt động có tính thư giãn, giải trí, chẳng hạn như đọc sách báo hoặc chơi trò chơi từ vựng. Phương pháp thứ hai là rèn luyện kỹ năng từ ngữ với người khác hoặc máy vi tính. Phương pháp cuối cùng là tự mình nghiên cứu cách đánh vần và nguồn gốc của từ. Đây là phương pháp được Angela và các đồng nghiệp của bà quan tâm nhiều nhất, vì phương pháp này đòi hỏi người áp dụng phải “tập luyện có chủ ý”, tức là chủ động thực hiện hàng loạt hoạt động được thiết kế để cải thiện thành tích. Có lẽ, không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết những thí sinh vào đến vòng chung kết của cuộc thi đánh vần đều nhận định rằng “tập luyện có chủ ý” là phương pháp ít thú vị nhất và đòi hỏi nhiều nỗ lực nhất mà các em từng áp dụng, trái ngược với hoạt động đánh vần thành tiếng mỗi khi nhàn rỗi - những hoạt động được xem là thú vị hơn và không đòi hỏi các em phải cố gắng quá nhiều. Khi tiến hành phân tích, Angela phát hiện những thí sinh tập luyện có chủ ý chính là những thí sinh đã tiến xa hơn trong cuộc thi đánh vần. Cũng theo phân tích này, những em đã chuẩn bị sẵn tâm lý để kiên trì theo đuổi những chiến lược kém vui hơn nhưng lý tính hơn là những em có khả năng chiến thắng cao hơn.
Nói cách khác, sự thành công không phải là điều mà bạn có thể dễ dàng đạt được dựa vào tài năng bẩm sinh hay hoạt động rèn luyện không có sự cố gắng. Nếu bạn muốn thành công thì quá trình tập luyện của bạn phải có đủ cả chất lượng lẫn thời lượng (bên cạnh một chút may mắn và sự hỗ trợ của những người xung quanh). Nguyên nhân quan trọng khiến chúng tôi muốn nêu ra quan điểm này là vì đã có nhiều quyển sách nổi tiếng từng đề cập những luận điểm tương tự, trong đó có thể kể đến quyển Outliers (Những kẻ xuất chúng) của Malcolm Gladwell. Các quyển sách này thường tập trung nghiên cứu về những cá nhân xuất chúng và sau đó kết luận rằng trong bất cứ lĩnh vực nào, nếu muốn thuần thục kỹ năng của lĩnh vực đó thì chúng ta phải tập luyện ít nhất là mười ngàn giờ. Trong quyển sách của mình, Gladwell đã dẫn chứng một công trình nghiên cứu ít ai biết đến, được công bố vào năm 1993 của Anders Ericsson - người từng hỗ trợ Angela Duckworth thực hiện nghiên cứu của bà. Theo Ericsson, sau khi thu thập dữ liệu về các học viên khoa vĩ cầm của Nhạc viện West Berlin (Đức), ông phát hiện những học viên có thành tích tốt nhất là học viên đã luyện tập được trung bình mười ngàn giờ trước năm họ hai mươi tuổi. So với thời lượng luyện tập của các bạn học khác thì mười ngàn giờ là rất nhiều. Nhưng cũng chính từ đây, luận điểm của Gladwell bắt đầu thiếu tính thuyết phục, vì ông đã cố gán ghép kết luận của Ericsson về học viên vĩ cầm cho tất cả các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, nhóm The Beatles đã rèn luyện giọng hát của mình được mười ngàn giờ trong quãng thời gian còn đi hát tại các câu lạc bộ ở Thành phố Hamburg (Đức), Bill Gates cũng đã bỏ ra mười ngàn giờ để hoàn thiện kỹ năng máy tính của mình trước khi thành lập được một trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới.
Lập luận của Gladwell có nhiều điểm không hợp lý, và sau này chính Ericsson là người đã chỉ ra những điểm đó. Trước hết, những học viên vĩ cầm trong nghiên cứu của Ericsson dù có luyện tập được trung bình mười ngàn giờ thì cuối cùng vẫn là học viên. Để thành công trong tương lai, những học viên này cần phải rèn luyện nhiều hơn nữa. Thời lượng mười ngàn giờ cũng chỉ là một con số trung bình, có vô số học viên đã rèn luyện nhiều hơn hoặc ít hơn so với khoảng thời gian này. Thậm chí, cũng không có chi tiết nào đề cập đến việc nếu muốn thuần thục kỹ năng trong các lĩnh vực khác thì chúng ta phải tập luyện nhiều hơn hay ít hơn mười ngàn giờ. Ví dụ, phần lớn các giải thưởng dương cầm danh giá nhất thế giới đều được trao cho những người ngoài ba mươi tuổi; điều này đồng nghĩa với việc hầu hết những người này đều đã trải qua từ hai mươi ngàn đến hai mươi lăm ngàn giờ tập luyện. Nhưng nghiên cứu của Ericsson không được thực hiện với mục đích xác định cách tốt nhất để tính thời gian tập luyện trung bình. Chính Gladwell là người đã triển khai vấn đề theo hướng tập trung vào thời lượng thay vì chất lượng. Trên thực tế, công trình nghiên cứu của Ericsson tập trung vào việc “tập luyện có chủ ý” mà theo đó, chúng ta phải dồn hết mọi nỗ lực để theo đuổi mục tiêu, lập kế hoạch cụ thể và học cách tiếp nhận phản hồi, nhờ đó chúng ta có thể vượt ra khỏi giới hạn của mình và học hỏi được nhiều hơn.
Quyển sách này không viết về những người phi thường, mà viết về việc làm thế nào để tất cả chúng ta đều có thể đạt được những mục tiêu thường ngày của mình bằng cách thực hiện các thay đổi nhỏ. Đa số chúng ta có lẽ đều có thể hình dung được ngay những gì mà chúng ta từng thực hiện rất tốt suốt một thời gian dài nhưng đến một thời điểm nào đó, chúng ta lại không thể tiếp tục nỗ lực để cải thiện thành tích của mình. Đó là vì chúng ta không “tập luyện có chủ ý” để có thể ép mình cố gắng hơn. Chẳng hạn, Rory là người đã chơi bóng đá từ rất lâu và từng được xem là một cầu thủ giỏi trong đội tuyển của trường. Anh ước tính mình đã dành từ bốn ngàn đến năm ngàn giờ đồng hồ để thi đấu hoặc rèn luyện bóng đá. Nhưng Rory cũng phải chấp nhận một sự thật đáng buồn rằng anh sẽ không phải là người có cơ hội cầm trên tay chiếc cúp vàng World Cup. Đó là vì dù Rory đã tham gia hàng trăm buổi tập luyện tại trường trung học và đại học hoặc chơi bóng cùng đồng nghiệp, nhưng những buổi này chủ yếu chỉ bao gồm một số bài tập thể lực nhẹ, một vài bài tập kỹ năng cơ bản và một trận đấu giao hữu giữa các cầu thủ trong đội. Ngoại trừ những năm đầu tiên chơi bóng đá, khi vẫn còn tự tin vào khả năng của mình, Rory chưa bao giờ cảm thấy mình nên nỗ lực hơn cho môn thể thao này hay cần chú ý vào những khía cạnh cần được chú ý nhất - chẳng hạn như anh không có khả năng chuyền hay sút chính xác bằng chân trái và kỹ năng kiểm soát bóng của anh rất kém. Tương tự trường hợp của Rory, Owain cũng đã chơi ghi-ta được khoảng hai ngàn đến ba ngàn giờ, và ngay khi còn trong độ tuổi vị thành niên thì anh đã chơi ghi-ta rất cừ nhờ thường xuyên tham gia các buổi học đàn hằng tuần. Trong những buổi học đó, Owain buộc phải rèn giũa kỹ năng của mình thông qua cách tiếp cận tương tự phương pháp “tập luyện có chủ ý”. Chẳng hạn, anh buộc phải học được cách đánh reo dây (tremolo) - một kỹ thuật đòi hỏi bạn phải đánh một nốt liên tục, bằng cách dùng ba ngón tay để móc dây đàn với tốc độ nhanh đến mức bạn không thể nghe được từng nốt riêng lẻ. Đây là một kỹ thuật rất khó cho bất kỳ ai mới bắt đầu tập, nhưng nếu chịu dành nhiều thời gian để thực hành thì bạn sẽ có thể tăng dần tốc độ móc dây và dần thành thục kỹ năng này. Nhưng cũng giống như Rory, sau một số năm tập luyện, Owain tự thấy anh đã có nhiều tiến bộ và bắt đầu chơi “cho vui”. Anh ngừng tham gia các buổi học đàn, ngừng tìm cách phát triển kỹ năng của mình. Nhưng cũng từ đó, kỹ năng chơi đàn của Owain bắt đầu kém dần.
Tất cả chúng ta đều có thể tự cải thiện để đạt được mục tiêu của mình. Nhưng để làm được như vậy, chúng ta cần biết rằng quá trình tự cải thiện đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực và tập trung trong một quãng thời gian dài; đồng thời, chúng ta cũng cần kết hợp giữa “tập luyện có chủ ý” với tư duy tập trung vào những phần nhỏ để có thể học hỏi được nhiều hơn. Mọi việc bắt đầu từ mục tiêu bạn tự đề ra cho mình. Để có thể thấy được bản thân dần cải thiện theo thời gian, bạn cần đề ra cho mình một mục tiêu vừa có tính thử thách vừa phù hợp với khả năng của bạn, một mục tiêu đòi hỏi bạn phải thật sự nỗ lực khi theo đuổi. Đó có thể là học thêm một kỹ năng mới để phát triển bản thân (một ngôn ngữ hoặc một loại nhạc cụ mới), nhưng cũng có thể là điều chỉnh những kỳ vọng hiện có của bản thân về những gì bạn sẽ đạt được. Chẳng hạn như trong ví dụ về trung tâm giới thiệu việc làm, ngoài việc thực hiện các thay đổi mà chúng tôi đã đề cập trong phần “Giới thiệu”, chúng tôi còn giải thích để người tìm việc hiểu với kỳ vọng tìm được việc làm thì họ phải nỗ lực như thế nào. Trước đó, mỗi tuần người tìm việc chỉ nỗ lực tìm kiếm việc làm khoảng ba lần, nhưng giờ đây con số này là năm mươi lần một tuần.
Khi bạn bắt đầu nghĩ về cách chia nhỏ mục tiêu của mình thành nhiều phần nhỏ hơn cũng là lúc bạn có thể nghĩ về chất lượng của quá trình tập luyện mà bạn sẽ thực hiện. Đối với thí sinh của cuộc thi đánh vần Spelling Bee, chất lượng có thể là một danh mục từ vựng mới. Đối với các cầu thủ bóng đá hay nhạc công, đó có thể là một kỹ năng cụ thể. Đối với bạn, đó có thể là khả năng dẫn dắt để trở nên cuốn hút hơn khi thuyết trình. Đối với những gì chúng tôi đã thực hiện tại các trung tâm giới thiệu việc làm, chất lượng là những điều cụ thể mà người tìm việc có thể cải thiện, chẳng hạn như kỹ năng toán học và Anh ngữ, hay khả năng chuẩn bị một bộ hồ sơ xin việc hoàn chỉnh. Và quan trọng là tất cả sự cố gắng và tập trung của bạn sẽ không thể phát huy tác dụng nếu bạn không có một cơ chế phản hồi tốt, một cơ chế có thể giúp bạn rút kinh nghiệm dựa trên những gì bạn đã làm và đang làm. Kỹ thuật đá bóng của bạn có đang trở nên điêu luyện hơn không? Bạn có thể đánh vần những từ mới và khó hơn không? Kỹ năng thuyết trình của bạn có được cải thiện không? Bạn có nhận được nhiều lời mời phỏng vấn hơn không?
Tuy không phải ai trong chúng ta cũng có thể trở thành quán quân Olympic, kiện tướng cờ vua, thí sinh đánh vần hoặc kể chuyện trong các cuộc thi quốc tế, nhưng tất cả chúng ta đều có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, bất kể vai trò của chúng ta là những ông bố bà mẹ, nhà quản trị, cầu thủ bóng đá hay nhạc công. Để cải thiện mức độ hiệu quả của bản thân khi theo đuổi một mục tiêu dài hạn, chúng ta cần tự đề ra cho mình nhiều mục tiêu ngắn hạn và có tính thử thách, chú trọng mọi yếu tố liên quan đến mục tiêu đó sao cho với mỗi mục tiêu được hoàn thành, chúng ta lại tiến bộ thêm một ít. Giống như những gì mà các nghiên cứu trong quyển sách này đã chỉ ra, chính những thay đổi nhỏ sẽ góp phần tạo nên những điều lớn lao. Và trong trường hợp này, nhỏ không có nghĩa là dễ. Để thật sự được hưởng lợi từ những thay đổi nhỏ đó, bạn sẽ cần phải tập trung, chủ động và nỗ lực trong một thời gian dài.
Nguyên tắc 2: Thử nghiệm và rút kinh nghiệm
Tại Anh, hằng năm có khoảng một triệu người đăng ký hiến tạng cho tổ chức Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia (National Health Service - NHS). Dù “một triệu người” nghe có vẻ là rất nhiều, nhưng mỗi ngày vẫn có tới ba người ở Anh qua đời vì không tìm được tạng để ghép. Tình trạng khan hiếm tạng trầm trọng đến mức NHS phải liên hệ với BIT để tham vấn xem chúng tôi có ý tưởng gì có thể khuyến khích nhiều người hiến tạng hơn hay không. Hai thành viên của BIT là Hugo Harper và Felicity Algate cho rằng đây là một lĩnh vực đặc biệt phù hợp để thử nghiệm một số ý tưởng mới của BIT. Vì thế, họ đã tiến hành một chương trình thử nghiệm mà theo đó, bất cứ người nào sử dụng trang web của chính phủ Anh để đóng thuế xe hoặc đăng ký thi lấy bằng lái xe cũng sẽ nhận được một thông điệp khuyến khích hiến tạng. Vì hằng năm có đến hàng triệu người sử dụng trang web này, nên nếu các nhà nghiên cứu có thể tạo ra một sự khác biệt nhỏ về số người đồng ý hiến tạng thì sẽ có rất nhiều người được cứu sống.
Ý tưởng của BIT rất đơn giản. Chúng tôi thử nghiệm tám cách vận động hiến tạng khác nhau và thống kê xem cách nào có hiệu quả nhất. Khi đã xác định được cách vận động hiệu quả nhất, chúng tôi sẽ lấy đó làm thông điệp kêu gọi mới. Bạn có thể tự thử nghiệm ngay bây giờ bằng cách đọc hai thông điệp ở trang sau và thử xác định xem thông điệp nào có hiệu quả hơn. Trước khi bạn đưa ra lựa chọn của mình, chúng tôi sẽ cho bạn biết một số thông tin có liên quan. Một trong hai thông điệp này là thông điệp có hiệu quả nhất trong tám lời kêu gọi khác nhau, đồng thời cũng là thông điệp đã giúp tăng thêm khoảng chín mươi sáu ngàn người đăng ký hiến tạng mỗi năm so với thông điệp chuẩn. Thông điệp còn lại là thông điệp duy nhất đã làm giảm số người đồng ý hiến tạng.
Trước khi đọc tiếp để xác định mình có chọn đúng hay không, bạn hãy thử nghĩ xem vì sao bạn cho rằng thông điệp mà mình chọn là thông điệp hiệu quả nhất và thông điệp còn lại thì không hiệu quả.
Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã cho hàng ngàn người xem hai hình ảnh trên tại nhiều hội nghị, hội thảo hoặc các buổi chuyên đề khác nhau, và đa số những người chúng tôi hỏi đều chỉ chọn một trong hai thông điệp được nêu. Thông điệp có tác dụng thúc đẩy người khác đăng ký nhiều nhất là thông điệp có nội dung: “Nếu cần được ghép tạng thì bạn có được ghép hay không? Hãy đăng ký hiến tạng để giúp đỡ những người khác”. Cảm giác có thể giúp đỡ lẫn nhau - tương tự những nguyên tắc được đề ra trong chương “Chia sẻ” - dường như đã tạo được một tác động rất lớn trong bối cảnh này.
Thông điệp làm giảm số người đăng ký là thông điệp có hình ảnh một nhóm người và lời kêu gọi “Mỗi ngày, hàng ngàn người nhìn thấy trang này đã đăng ký hiến tạng”. Có vẻ như trong tâm trí người đọc, hình ảnh chung chung về một nhóm người nào đó đang đứng cùng nhau đã biến một thông điệp nghiêm túc thành một mẩu quảng cáo đại trà. Chúng tôi biết được điều này vì chúng tôi cũng đã thử nghiệm bằng thông điệp tương tự mà không có hình ảnh đi kèm, và thông điệp đó vẫn giúp tăng tỷ lệ đăng ký hiến tạng. Chúng tôi cũng nhận thấy khi chúng tôi báo trước cho người khác biết kết quả là gì và yêu cầu họ giải thích vì sao thông điệp này lại có tác dụng kêu gọi tốt hơn thông điệp kia, họ thường tìm được lý do một cách rất dễ dàng. Tìm nguyên nhân để lý giải cho sự kiện đã xảy ra là một việc mà hầu như ai cũng làm được - một hiện tượng nhận thức được gọi là “thiên lệch nhận thức muộn”. Ngược lại, nếu không biết được kết quả thì chúng ta khó mà xác định được nguyên nhân. Có lẽ chính bạn cũng có cảm giác tương tự khi không được biết trước kết quả mà phải đoán xem thông điệp nào có tác dụng kêu gọi mạnh mẽ hơn.
Trong suốt sáu năm, BIT đã tiên phong sử dụng các cuộc thử nghiệm để xác định đâu là những quy định có hiệu quả nhất trong chính sách của chính phủ. Đây là cách tiếp cận có thể được kết hợp với phương pháp “phân mảnh”, theo đó mục tiêu được chia thành nhiều bước nhỏ và riêng lẻ, sao cho mỗi bước đều có thể được thử nghiệm để xác định thay đổi nào có tác dụng cải thiện hiệu quả hoạt động của chính phủ. Nhiều thử nghiệm như thế đã được đề cập trong quyển sách này, và mỗi thử nghiệm đều liên quan đến một câu hỏi đơn giản: “Giải pháp này có hiệu quả hay không?”. Nếu thay đổi dòng đầu tiên trong thư gửi những người còn nợ thuế để báo với họ rằng nhiều người khác đã nộp thuế rồi thì chúng ta có thể khiến nhiều người nộp thuế đúng hạn hơn không? Câu trả lời là “có”. Nếu gửi đi thông điệp là hình nhà của người nhận được chụp bằng máy ảnh hồng ngoại để cho thấy năng lượng đang bị hao phí thế nào thì chúng ta có thể khiến số người lắp đặt hệ thống cách nhiệt cho nhà của họ tăng lên không? Câu trả lời là “không”; thậm chí thông điệp có kèm ảnh hồng ngoại còn làm giảm số người lắp hệ thống cách nhiệt, có lẽ vì hình ảnh ngôi nhà đang phát sáng khiến người ta có cảm giác dễ chịu và ấm cúng.
Đừng vội kết luận rằng cách tiếp cận theo hướng thử nghiệm này chỉ có thể được áp dụng trong phạm vi các chính sách của chính phủ Anh. Trong chương “Xác định mục tiêu”, chúng ta đã thấy đội tuyển Olympic môn đua xe đạp của Anh áp dụng những nguyên tắc tương tự. Tổ chức EEF cũng dùng cách thử nghiệm để tìm hiểu xem giải pháp nào sẽ phát huy tác dụng trong bối cảnh trường học. Thậm chí, các cuộc thử nghiệm chính là những gì đã khiến các công ty công nghệ như Google chọn dùng bố cục đơn giản và cách phối màu đặc biệt như hiện nay. Giống như nhiều công ty công nghệ khác, Google cũng liên tục thử nghiệm cái mới bằng cách đưa những thay đổi nhỏ vào các phương pháp hiện có để xác định đâu là cách làm tốt nhất. Trong các cuộc thử nghiệm mới, Google đã phát hiện họ có thể tăng thêm hai trăm triệu đô-la doanh thu quảng cáo nếu thay đổi độ đậm nhạt của màu xanh dương trên thanh công cụ tìm kiếm.
Tất cả các cuộc thử nghiệm đều có một điểm chung, giống với nhận thức mà chúng ta có khi cố đoán thông điệp nào hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy người khác hiến tạng, đó là chúng ta phải thừa nhận rằng mình không biết điều gì sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Xét trên nhiều phương diện, việc phải thừa nhận như thế chính là rào cản rất lớn nhất mà chúng ta phải vượt qua. Như Stephen Dubner và Steven Levitt - tác giả quyển Freakonomics (Kinh tế học hài hước) - từng lý luận thì ba từ khó nói nhất không phải là “Tôi rất tiếc” hay “Anh yêu em”, mà là “Tôi không biết”. Vấn đề của chúng ta là trong hầu hết mọi khía cạnh của công việc, cuộc sống và giải trí, chúng ta thường không thừa nhận rằng mình thật sự không biết điều gì sẽ mang lại hiệu quả.
Chỉ khi tiến hành thử nghiệm và so sánh kết quả thử nghiệm với những gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không làm gì cả (thử nghiệm so sánh có đối chứng), thì chúng ta mới có thể biết chương trình mà mình áp dụng có những tác động như chúng ta kỳ vọng hay không. Ví dụ tốt nhất để minh họa cho phương pháp này là những trường hợp mà chúng ta nghĩ rằng chương trình mình áp dụng sẽ mang lại tác động tích cực, nhưng kết quả thử nghiệm lại cho thấy chương trình đó có rất ít tác động tích cực, thậm chí còn gây tác động tiêu cực. Một trong những chương trình như thế là Scared Straight (tạm dịch: Gương xấu). Chương trình này được phát triển ở Mỹ, nhằm giúp thanh thiếu niên tránh xa con đường phạm pháp. Ý tưởng của chương trình này rất đơn giản. Trẻ em vị thành niên được cho tham quan nhà tù của người lớn và được tù nhân kể cho nghe về cuộc sống thực tế trong trại giam. Các em cũng có thể trải nghiệm cuộc sống của một tù nhân trong vòng một ngày hoặc nhìn thấy sự hung hăng của các tù nhân. Scared Straight là chương trình đã được thực hiện ở khắp nước Mỹ và là mô hình được các hệ thống tư pháp trên khắp thế giới làm theo. Theo một số đánh giá ban đầu, có vẻ như chương trình này đã mang lại những kết quả khả quan. Thậm chí, một phim tài liệu đã được làm dựa trên Scared Straight vào năm 1978 và được trao giải Oscar cho Phim Tài liệu xuất sắc nhất. Vấn đề là chương trình này không hề hiệu quả. Một cuộc khảo sát đã được thực hiện đối với chín khu vực áp dụng chương trình Scared Straight, và kết quả là những đứa trẻ từng tới thăm trại giam có tỷ lệ phạm tội cao hơn. Năm 1997, một bản báo cáo đã được trình lên Quốc hội Mỹ, trong đó có năm trăm bài đánh giá về các biện pháp phòng chống tội phạm, và Scared Straight nằm trong danh sách “những biện pháp không hiệu quả”. Đây là bằng chứng cho thấy chúng ta cần thử nghiệm các ý tưởng mới trước khi công bố và áp dụng ý tưởng đó trên quy mô lớn.
Chúng tôi biết rằng bạn không thể nào tiến hành thử nghiệm và thực hiện hàng trăm phân tích khác nhau để tìm ra cách có thể giúp bạn trở thành một trưởng phòng giỏi hơn, để giảm cân, bỏ thuốc lá, cải thiện kỹ năng âm nhạc hay học ngoại ngữ. Nhưng bạn cần chấp nhận sự thật rằng không phải lúc nào bạn cũng có thể xác định được cách làm nào hiệu quả nhất, và bạn phải sẵn lòng thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau để có thể xác định đâu là hành động hữu ích nhất trong việc giúp bạn đạt được kết quả mà mình mong muốn. Khi theo sát bộ khung mà chúng tôi vạch ra trong quyển sách này, bạn sẽ thấy việc áp dụng phương pháp thử nghiệm trong kế hoạch theo đuổi mục tiêu của bạn là rất dễ dàng. Khi chia mục tiêu của mình thành nhiều bước nhỏ và nhận được phản hồi về những cách theo đuổi mục tiêu khác nhau, bạn sẽ dần nhận diện được những thay đổi nhỏ nào mà bạn đã thực hiện có thể hữu ích cho các mục tiêu to lớn hơn. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là đốt nhiều ca-lo hơn mỗi ngày trong sáu tháng tới thì bạn có thể thử đi bộ đến chỗ làm trong một vài ngày, sau đó so sánh xem cách này có hiệu quả cao hơn hay thấp hơn so với khi bạn đón xe buýt và sử dụng thang bộ để lên văn phòng nằm ở lầu sáu. Nếu đang cố tiết kiệm tiền thì bạn cũng có thể thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau và theo dõi xem cách nào giúp bạn dành dụm được nhiều nhất. Trong một vài tháng nhất định, bạn có thể tiết kiệm bằng cách chuyển tiền từ tài khoản chính vào một tài khoản không cho phép bạn rút (tương tự tài khoản cam kết mà chúng ta đã tìm hiểu ở chương “Cam kết”); trong những tháng còn lại, bạn có thể thử để dành khoản tiền mà lẽ ra bạn sẽ sử dụng để mua một món gì đó như thường lệ (chẳng hạn như món trà sữa bạn thường mua trên đường đến chỗ làm). Sau nhiều tháng thực hiện, bạn sẽ có thể nhận ra phương pháp nào giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn. Từ phương pháp hiệu quả mà bạn đã xác định được, bạn vẫn có thể áp dụng thêm nhiều thay đổi nhỏ để thử nghiệm xem mình có thể tiết kiệm được nhiều hơn hay không. Nếu là người lần đầu tiên có con thì bạn cũng có thể thử nghiệm nhiều cách khác nhau để dỗ cho con ngủ. Không những thế, thử nghiệm còn là phương pháp có thể giúp bạn kiểm chứng những gì mà bạn thường cho là hiển nhiên. Chẳng hạn, khi một đồng nghiệp của chúng tôi tuyên bố rằng anh ấy nghĩ cà rốt hữu cơ thì ngon hơn và bổ dưỡng hơn nhiều so với cà rốt thường, Owain liền tiến hành thử nghiệm bằng cách buộc mọi người phải bịt mắt và ăn thử cà rốt. Kết quả là không ai có thể chỉ ra đâu là cà rốt hữu cơ, đâu là cà rốt thường.
Khi bạn tiến hành thử nghiệm và rút kinh nghiệm, chúng tôi hy vọng bạn có thể áp dụng cách tiếp cận mà theo đó, bạn chấp nhận rằng bạn không thể luôn luôn dự đoán chính xác về kết quả thử nghiệm. Khi thật sự hiểu về phương pháp thử nghiệm, bạn sẽ thấy những thất bại trong quá khứ là cơ hội để bạn có thêm thông tin, từ đó giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Nguyên nhân là vì khi thất bại, bạn sẽ nhận ra những hành động nào là không hiệu quả và sẽ ngưng hành động đó, giống như chính phủ Mỹ đã cho dừng chương trình Scared Straight. Và trong quá trình theo đuổi mục tiêu, chắc chắn bạn cũng sẽ nhận ra đâu là những điều hữu ích nhất đối với mình.
Nguyên tắc 3: Suy ngẫm và ăn mừng thành công
Hãy tưởng tượng bạn là một sinh viên. Ngoài việc học, bạn còn làm một số công việc để trang trải tiền sách vở và chi phí cho các buổi tối hội họp cùng bạn bè. Trong số những công việc bạn làm, có một việc là gây quỹ cho trường bằng cách gọi điện thoại cho các cựu sinh viên để thuyết phục họ quyên góp tiền. Các cựu sinh viên hiện công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ âm nhạc đến kinh doanh, và trong số đó thì có người đã từng đóng góp, có người chưa. Bạn biết rằng một số cuộc gọi gây quỹ của mình sẽ thành công dễ dàng, trong khi một số cuộc gọi khác sẽ đòi hỏi bạn phải nỗ lực nhiều hơn. Một hôm, khi bạn đang chuẩn bị vào làm việc thì được yêu cầu tập trung lại để nghe những lời chia sẻ của một nữ học viên cao học thuộc khoa nhân loại học. Bạn lắng nghe người này nói về những tác động tích cực mà cô đã có được trong cuộc đời mình, nhờ vào số tiền mà bạn và những sinh viên khác đã kêu gọi được. Cô giải thích thêm rằng chính nhờ số tiền đó mà cô đã có chi phí để đi lại và thu thập dữ liệu cho công trình nghiên cứu của mình. Cô tin rằng công trình nghiên cứu này sẽ bổ sung thêm nhiều kiến thức cho ngành nhân loại học của mình. Bạn đặt một số câu hỏi về công trình nghiên cứu của cô, chẳng hạn như cô đã đi những đâu và nghiên cứu những gì; bạn đặc biệt quan tâm tới việc cô đã sử dụng tiền quyên góp để theo đuổi ước mơ của mình. Dù chỉ kéo dài khoảng mười lăm phút, nhưng cuộc nói chuyện đó đã mang đến cho bạn cảm giác ấm áp mãi về sau, kể cả khi bạn phải nhấc điện thoại lên hàng ngàn lần để kêu gọi cựu sinh viên quyên góp tiền vào ngân quỹ của nhà trường.
Có lẽ bạn sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng tình huống vừa nêu là một phần của cuộc thử nghiệm được thực hiện bởi Adam Grant - một người bạn thân thiết của BIT và cũng là người đã thực hiện công trình nghiên cứu về giải pháp hỗ trợ lẫn nhau mà chúng tôi đã đề cập trong chương “Chia sẻ”. Khi còn công tác tại Đại học North Carolina ở thị trấn Chapel Hill, bang North Carolina (Mỹ), Adam Grant đã quan tâm đến một thực tế mà theo đó, động lực làm việc của những người làm trong lĩnh vực dịch vụ công - bất kể vai trò của họ là bác sĩ, nhân viên xã hội hay sĩ quan cảnh sát - không chỉ là tiền lương, mà còn là cơ hội tạo ra sự khác biệt cho cộng đồng của họ. Nhưng Grant cũng nhận ra rằng những người làm trong lĩnh vực này thường không có cơ hội để thấy được thành quả từ việc làm của mình. Thế nên, Grant thực hiện một nghiên cứu để xác định chuyện gì sẽ xảy ra khi các sinh viên gây quỹ có dịp suy ngẫm về những gì các em đã làm được cho người khác, bằng cách để các sinh viên nghe những lời chia sẻ của một học viên cao học - người được tài trợ chi phí nghiên cứu nhờ công gây quỹ của các sinh viên.
Grant chia các sinh viên tham gia nghiên cứu thành hai nhóm. Một nhóm được nghe lời chia sẻ của học viên cao học, nhóm còn lại không được nghe chia sẻ mà chỉ làm việc như thường lệ. Tiếp theo, Grant so sánh số lượng cam kết đóng góp mà từng sinh viên trong mỗi nhóm nhận được trong vòng một tháng, sau khi buổi nói chuyện với người học viên cao học diễn ra. Có một sự gia tăng ngoạn mục về số tiền quyên góp và số người cam kết đóng góp (tăng hơn gấp đôi) ở nhóm sinh viên từng tham gia buổi chia sẻ. Ngược lại, sự gia tăng này ở nhóm sinh viên không nghe chia sẻ thì khiêm tốn hơn nhiều, thậm chí là không đáng kể nếu xét về mặt thống kê. Có vẻ như khi thấy được và hiểu được công việc của mình có thể tạo ra những tác động tích cực như thế nào, các sinh viên gây quỹ đã có được một động lực mạnh mẽ để thực hiện những phần việc có tính thử thách hơn nữa.
Tất cả chúng ta đều có thể suy ngẫm về sức ảnh hưởng của những gì mà chúng ta cố theo đuổi trong công việc cũng như trong đời sống cá nhân. Chỉ có điều trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường không để cho bản thân có cơ hội để suy ngẫm về những gì ta đã làm. Như nghiên cứu của Grant đã khéo léo chỉ ra, đôi khi chúng ta cần nhắc mọi người về tác động tích cực mà họ đã tạo ra trong cuộc sống của người khác. Điều bạn cần làm đơn giản là thử tưởng tượng xem mình sẽ thực hiện điều đó như thế nào. Ví dụ, Elaine - vợ của Rory - là bác sĩ khoa chăm sóc giảm nhẹ, và với cô, một trong những phần thưởng lớn nhất cô có được từ công việc của mình là khi gia đình của một bệnh nhân nào đó mà cô chăm sóc gửi cho cô một bức thư cảm ơn. Vấn đề chung của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là khi bệnh nhân cùng gia đình của họ rời khỏi bệnh viện, họ thường mất liên lạc với những người đã chăm sóc họ và việc nối lại liên lạc thì không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đây cũng chính là vấn đề mà bản thân Owain và Sophie vợ của anh đã trải nghiệm, vài tháng sau khi Sophie sinh con trai đầu lòng và xuất viện. Hai người họ muốn gửi một tấm thiệp cảm ơn đến những nhân viên y tế đã từng hỗ trợ họ, nhưng họ lại không biết tên của những người đó và cũng không có thông tin gì để liên lạc trực tiếp với các nhân viên y tế, khi mà mọi tương tác trước đó đều diễn ra ở trong bệnh viện. Tất cả những gì chúng ta cần làm trong những trường hợp này là xác lập một cơ chế liên lạc đơn giản, tạo điều kiện để bệnh nhân và nhân viên y tế liên hệ với nhau. Một ví dụ phù hợp để minh họa cho việc này chính là cơ chế liên lạc của một bệnh viện ở Thành phố Sydney (Úc), theo đó sau khi bệnh nhân xuất viện được một tháng, bệnh viện sẽ gửi thư để hỏi thăm tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Nhờ cơ chế đơn giản này, bệnh nhân sẽ có cơ hội để cảm ơn đội ngũ y bác sĩ hoặc suy ngẫm về quãng thời gian mà họ được điều trị ở bệnh viện.
Ý tưởng về sự suy ngẫm này đã được BIT áp dụng theo nhiều cách khác nhau. Chúng tôi từng thực hiện nhiều biện pháp để khuyến khích học sinh vào đại học, và chúng tôi phát hiện ra rằng nếu chúng tôi chỉ cung cấp thông tin cho học sinh hoặc phụ huynh - về lợi ích lâu dài của việc học đại học chẳng hạn - thì sẽ không có hiệu quả. Biện pháp có vẻ hiệu quả chính là để các cựu học sinh trung học, đồng thời cũng là tân sinh viên, kể cho các học sinh hiện tại nghe về chuyện học đại học; và dĩ nhiên, các cựu học sinh này thường không chỉ nói về triển vọng nghề nghiệp trong tương lai, mà còn về những lợi ích của đời sống sinh viên.
Tương tự, tại các buổi họp đầu tuần của BIT, chúng tôi luôn dành thời gian cho một hoạt động mà chúng tôi gọi là “Tiêu điểm tuần”. Đây là cơ hội để bất kỳ ai trong nhóm nêu lên một điều gì đó tích cực mà người khác đã làm cho họ hoặc đơn giản là một điều đặc biệt ấn tượng. Đây là một cách tuyệt vời để chúng tôi gửi lời cảm ơn tới người đã giúp đỡ mình, đồng thời cũng là cơ hội để toàn đội ngũ suy ngẫm về những việc mà các đồng nghiệp đã làm và tạo nên điều khác biệt - thường là một điều khác biệt lên cuộc sống của người khác, chứ không phải lên cuộc sống của chính bản thân họ. Chúng tôi khuyến khích bạn hãy làm điều tương tự bằng cách suy ngẫm về những gì bạn đã đạt được khi bạn hoàn thành mục tiêu của mình, nhất là khi bạn đã tác động đến cuộc sống của người khác trong quá trình chinh phục mục tiêu đó.
Dĩ nhiên, một số mục tiêu của bạn sẽ chỉ mang tính cá nhân (chinh phục một đỉnh núi, giảm cân hoặc tìm việc làm mới) và không tạo ra tác động gì đáng kể đến người khác.
Trong trường hợp này, chúng tôi đề xuất rằng bạn nên thực hiện một chiến lược hơi khác một chút, theo đó bạn hãy dành thời gian để suy ngẫm về những gì mình đã học được trong quá trình theo đuổi mục tiêu. Việc này có thể được thực hiện cả khi bạn đang theo đuổi mục tiêu, lẫn khi bạn đã thành công (hoặc thất bại) với mục tiêu đó. Đây cũng là một đề tài nghiên cứu đã được thực hiện bởi một người bạn khác của BIT là Francesca Gino, nhà nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ). Gino đã cùng các đồng nghiệp tiến hành nhiều thử nghiệm, trong đó các đối tượng tham gia được khuyến khích suy ngẫm để rút kinh nghiệm trước khi bắt đầu theo đuổi mục tiêu tiếp theo. Kết luận của các thử nghiệm này có một điểm chung, đó là việc dành thời gian để suy ngẫm về những gì bản thân đã học được sẽ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích về lâu dài.
Gino đã chứng minh điều này trong nhiều tình huống khác nhau, trong đó phải kể đến nghiên cứu được thực hiện tại một trung tâm hỗ trợ khách hàng qua điện thoại của một công ty đa quốc gia có trụ sở ở Ấn Độ, kinh doanh mảng công nghệ thông tin, tư vấn và thuê ngoài. Đối tượng nghiên cứu là nhân viên thực tập trong những tuần học việc đầu tiên. Tất cả các nhân viên này đều phải trải qua những buổi tập huấn về kỹ thuật như nhau, nhưng một nhóm sẽ được dành ra mười lăm phút cuối ngày để suy ngẫm và viết về những gì họ đã học được trong ngày, còn nhóm kia tiếp tục làm việc cho đến khi hết giờ làm. Trong bài kiểm tra năng lực cuối tháng, các nhân viên được dành ra mười lăm phút mỗi ngày để suy ngẫm đã có thành tích trung bình cao hơn 20% so với những nhân viên thuộc nhóm đối chứng. Gino cũng nhấn mạnh rằng “suy ngẫm” không phải là phương pháp nhằm thay thế cho “tập luyện có chủ ý” mà chúng ta đã thảo luận ở đầu chương này. Hai phương pháp này hoàn toàn không thể thay thế cho nhau. Thay vì vậy, “suy ngẫm” nên được xem là một công cụ để bổ sung sức mạnh cho việc “tập luyện có chủ ý”. Nhóm nghiên cứu của Gino ví von điều này với chuyện một bác sĩ phẫu thuật tim mạch chủ động tập luyện có chủ ý dưới sự dẫn dắt của một chuyên gia. Mục tiêu của vị bác sĩ này là cải thiện kỹ năng phẫu thuật của mình càng nhanh càng tốt, nhưng nếu chỉ tập luyện thông qua thực hành không thôi thì cô sẽ cần một khoảng thời gian rất lâu mới có thể tiến bộ. Nếu dành ra thời gian để suy ngẫm về sự tiến bộ của mình, trong khi vẫn duy trì tập luyện có chủ ý thì chắc hẳn kỹ năng của cô sẽ được cải thiện nhanh chóng hơn. Bạn cũng nên làm điều tương tự trong quá trình theo đuổi mục tiêu của mình, bất kể bạn đang gặp nhiều thuận lợi hay trở ngại trên con đường chinh phục mục tiêu đó. Hãy suy ngẫm để rút ra bài học cho mình và áp dụng bài học đó vào những gì mà bạn muốn làm hoặc muốn thử nghiệm tiếp theo. Sau khi đã đạt được mục tiêu, nếu dành thời gian để suy ngẫm về thành quả của mình thì bạn sẽ có một khởi đầu thuận lợi khi theo đuổi mục tiêu kế tiếp.
Nhưng trước khi bạn hoàn thành mục tiêu của mình, chúng tôi muốn bạn thực hiện thêm một sự thay đổi nhỏ. Đây là một sự thay đổi mà chúng tôi tin rằng sẽ giúp bạn cảm thấy tự hào khi nhìn vào những thành quả của mình và vững tâm theo đuổi những điều quan trọng hơn trong tương lai: hãy hình dung xem bạn sẽ ăn mừng như thế nào và tận hưởng cảm giác tuyệt vời ra sao, khi cuối cùng cũng đạt được mục tiêu mà mình đề ra. Đây không chỉ là một hành động có thể mang tới cho bạn cảm giác thoải mái, mà các nghiên cứu về hành vi còn chứng minh được rằng hành động này rất có ích cho bạn trong quá trình theo đuổi mục tiêu, đặc biệt khi bạn có một mục tiêu khó hoàn thành và buộc bạn phải kiên trì nỗ lực trong suốt quá trình. Sự thay đổi mà chúng tôi đang đề cập có liên quan đến một cấu trúc tâm lý ít người biết tới, được gọi là “quy tắc đỉnh-kết” (peak-end rule). Theo quy tắc này, chúng ta thường đánh giá trải nghiệm của mình dựa trên những gì ta cảm nhận khi kết thúc trải nghiệm và những cảm xúc mạnh nhất ta từng có trong quá trình trải nghiệm, chứ không phải dựa trên toàn bộ niềm vui và nỗi đau mà ta có được từ trải nghiệm đó như chúng ta vẫn tưởng.
Chúng ta có thể lấy việc khám răng làm ví dụ. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng quá trình khám răng nên diễn ra càng nhanh càng tốt, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng toàn bộ quá trình khám kéo dài bao lâu không quan trọng bằng những cảm giác đau đớn mà bạn phải chịu, cũng như cảm nhận của bạn khi kết thúc buổi khám răng. Một trong những nghiên cứu đầu tiên về quy tắc tâm lý này là nghiên cứu được thực hiện bởi Daniel Kahneman và các đồng nghiệp của ông, trong đó đối tượng tham gia phải trải qua hai trải nghiệm gần giống nhau và đều không mấy dễ chịu - những trải nghiệm mà sau này Kahneman gọi là “hình thức tra tấn nhẹ”. Trong trải nghiệm đầu tiên, người tham gia nghiên cứu phải cho tay vào nước lạnh 14°C trong vòng ba mươi giây. Đây là nhiệt độ được lựa chọn để khiến người tham gia có cảm giác đau vừa phải, chứ không quá đau đớn. Nếu bạn nghĩ 14°C là chưa đủ lạnh để gây đau thì hãy tự mình thử xem sao! Bảy phút sau lần trải nghiệm thứ nhất, những người này sẽ bị “tra tấn nhẹ” lần thứ hai. Lần này, họ được yêu cầu cho tay còn lại vào nước lạnh 14°C trong vòng ba mươi giây; nhưng sau ba mươi giây đó, họ vẫn phải ngâm tay trong nước thêm ba mươi giây nữa, trong khi nhiệt độ được nâng dần lên 15°C - đây vẫn là mức nhiệt gây đau nhưng kém hơn nhiều so với 14°C. Khi được hỏi nếu phải trải nghiệm thêm lần nữa thì họ muốn lặp lại trải nghiệm nào, đa số đối tượng nghiên cứu đều chọn trải nghiệm kéo dài hơn, đồng nghĩa với việc họ phải chịu đau nhiều hơn. Thí nghiệm này của Kahneman được thiết kế để tạo ra “sự xung đột lợi ích giữa cái tôi kinh nghiệm và cái tôi ghi nhớ”. Chúng ta có thể thấy rõ rằng trải nghiệm thứ hai là trải nghiệm đau đớn hơn. Nhưng trải nghiệm thực tế và ký ức của ta về trải nghiệm đó không phải lúc nào cũng giống nhau, và những gì mà Kahneman cùng các đồng nghiệp của ông đã phát hiện là sự đánh giá của chúng ta về một trải nghiệm thường bị chi phối bởi cảm giác vui sướng hay đau buồn mà chúng ta có ở những khoảnh khắc tồi tệ nhất hoặc khoảnh khắc cuối cùng (tương tự quy tắc đỉnh-kết).
Vì vậy, khi thiết kế các sản phẩm và dịch vụ hoặc lên kế hoạch theo đuổi mục tiêu của mình, chúng ta nên suy nghĩ xem mình có thể làm thế nào để giảm thiểu những khoảnh khắc gây khó chịu, tối đa hóa những khoảnh khắc vui sướng tột cùng, và đảm bảo khoảnh khắc sau cùng - khi chúng ta đạt được mục tiêu - càng vui càng tốt. Khi hoàn thành mục tiêu, hãy dành thời gian để ăn mừng những khoảnh khắc tuyệt vời đó, bằng cách thưởng thức một ly rượu ngon trên đỉnh của một ngọn núi hoặc mở tiệc cùng với đội ngũ của mình. Thậm chí, sẽ càng tuyệt vời hơn nếu bạn có thể lưu giữ khoảnh khắc đặc biệt đó bằng một cách nào đó, ví dụ như chụp lại thời khắc bạn chạm đích trong cuộc thi ma-ra-tông hoặc ăn mừng cùng các con vào ngày công bố kết quả thi của chúng. Những hình ảnh đó sẽ giúp bạn nhớ vì sao trước đó mình lại nỗ lực đến thế, và giúp bạn trở nên kiên cường hơn để đón nhận thử thách kế tiếp.
Khi theo đuổi mục tiêu - đặc biệt là một mục tiêu dài hạn, đòi hỏi chúng ta phải học hỏi thêm kỹ năng mới - chúng ta dễ lâm vào tình trạng đi theo lối mòn, chỉ lặp đi lặp lại những việc mình đã làm. Lúc ấy, chúng ta sẽ thấy rằng ngay cả khi nghĩ mình đang tự rèn luyện thì chúng ta vẫn không học hỏi được gì, mà thật ra chỉ là đang hoạt động không ngừng. Nếu muốn ngày càng giỏi một việc nào đó thì chúng ta cần nghĩ xem mình sẽ học hỏi như thế nào, và cách tốt nhất để bắt đầu là nghĩ xem chúng ta sẽ rèn luyện ra sao. Bạn có thể rèn luyện bằng cách chia nhỏ mục tiêu và không ngừng nỗ lực để ngày càng cải thiện cách mà bạn giải quyết vấn đề. Khi làm được như vậy, bạn sẽ thấy việc thử nghiệm cũng như trải nghiệm những ý tưởng mới và kỹ thuật mới cũng trở nên dễ dàng hơn, tự nhiên hơn. Có lẽ bạn sẽ không thể thực hiện được một cuộc khảo sát ngẫu nhiên trên quy mô lớn, nhưng bạn sẽ có thể học hỏi từ những phản hồi mà bạn nhận được và thử nghiệm một vài thay đổi nhỏ để xem thay đổi đó có tác động thế nào đến mục tiêu mà bạn đang cố gắng đạt được. Sau đó, dù đã bắt đầu tiến bộ hay đang gặp phải một số trở ngại thì bạn cũng cần dành thời gian để suy ngẫm và xác định điều gì là hữu ích và điều gì đang kìm hãm bạn. Một khi đã thực hiện được tất cả những việc này, bạn có thể bắt đầu nghĩ về việc bạn sẽ ăn mừng ra sao khi đạt được mục tiêu. Và dĩ nhiên, sau khi ăn mừng thì bạn có thể dành thêm chút thời gian để suy ngẫm về mục tiêu kế tiếp của mình.