Phật nói, vận mệnh không phải trời sinh, mà do bản thân mình quyết định. Khi vận mệnh không tốt, chúng ta phải thay đổi nó, điều tối quan trọng không phải thay đổi điều gì khác mà là tâm thái. Tâm thái như thế nào, sẽ có vận mệnh như thế ấy.
Kiên trì sẽ được hưởng thụ
Trên thế gian này, nếu muốn thu hoạch được, cần phải trả giá cho sự nỗ lực, đồng thời phải biết chờ đợi. Nhiều lúc, kiên trì trong giây lát sẽ thu hoạch được điều gì đó. Đáng tiếc là, nhiều người lại vứt bỏ trước thời hạn, thành công và may mắn thường là như thế và lướt qua vai họ.
Ngày xưa, trong một thôn núi nhỏ, nghe nói có hai anh em nọ một lần trên đường lên núi tình cờ gặp được thần tiên. Thần tiên trao cho họ phương pháp ủ rượu, bảo mang hạt gặt được vào ngày đoan ngọ cùng với tuyết đầu mùa hòa với nước suối chảy từ trên núi cao, chế vào bình gốm sứ, nung trong lò đá tím nghìn năm, lại dùng cây sen mới nhìn về hướng mặt trời đầu tiên đầu mùa hạ phủ kín lại, bịt kín đến bảy bảy bốn chín ngày, đến lúc, sau ba lần chim hót mới được mở nắp.
Họ phải trải qua trăm cay nghìn đắng, lặn lội vượt qua nghìn sông vạn suối, cuối cùng phân phối cân bằng tất cả vật liệu, cùng mơ điều hòa bịt kín, sau đó chuyên tâm chờ đợi thời khắc quyết định.
Sao đợi dài đằng đẵng thế, đây là một quá trình kéo dài vô cùng, thành công cuối cùng xúc tay có thể kịp, ngày thứ bốn chín đã đến. Hai người suốt đêm không chợp mắt, chờ đợi tiếng chim hót.
Xa xa, vang đến tiếng chim hót lần đầu. Thời gian trôi qua rất lâu, mới vang lên tiếng chim hót lần hai. Tiếng chim hót lần thứ ba rốt cuộc đến khi nào mới vang lên đây? Một người không thể đợi được, anh ta mở toang hũ sứ ra, sững sờ kinh ngạc - nước bên trong giống như giấm chua vậy, lại đắng như thuốc bắc. Tất cả sự hối hận của anh ta xem ra không thể nào cứu vãn được. Anh ta thất vọng tưới nó lên đất.
Người kia, tuy lòng tham dục giống như nắm lửa rừng đốt cháy hừng hực trong lòng, khiến anh ta không kìm nén được muốn giơ tay ra mở nắp, nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, kiên trì đến khi tiếng chim hót lần thứ ba vang lên trên không trung. “Rượu trong veo, ngọt ngào làm sao!” Cuối cùng anh ta cũng nếm được thứ rượu đích thân mình ủ.
Rất nhiều sự việc chỉ trong một niệm đã quyết định được
Đời người đôi khi rất kỳ lạ, nhiều việc vừa bắt đầu đã quyết định kết cuộc, đây hoàn toàn là do nhận thức trong một niệm tạo thành. Cho nên, khi gặp việc lớn phải quyết định vận mệnh, đừng vội vàng đưa ra quyết định, mà phải suy nghĩ nhiều lần.
Có hai thanh niên luôn gặp việc không như ý, cùng đi bái kiến sư phụ: “Thưa thầy, chúng con ở trong văn phòng công ty luôn bị ức hiếp, thật là đau khổ, xin ngài chỉ dạy cho chúng con biết, có nên từ bỏ công việc hay không?”
Hai người đều cùng hỏi như thế. Bấy giờ sư phụ đang nhắm nghiền mắt, một lúc lâu, nhả ra năm chữ: “Chẳng qua một bát cơm”, vẫy tay, tỏ ý bảo họ lui ra.
Mới về đến công ty, một người liền đưa đơn từ chức, trở về nhà làm ruộng, người kia thì chẳng thấy động tĩnh gì.
Ngày tháng trôi qua rất nhanh, chỉ trong nháy mắt đã 10 năm. Người trở về nhà làm ruộng dùng phương pháp hiện đại để kinh doanh, thêm vào cải cách tốt chủng loại sản phẩm, trở thành chuyên gia nông nghiệp. Còn người kia ở lại trong công ty cũng không kém gì, anh nén giận, nỗ lực học tập, dần dần được mọi người coi trọng, và trở thành giám đốc.
Một ngày nọ hai người gặp nhau.
“Thật kỳ lạ quá, sư phụ đều cho chúng ta năm chữ ‘chẳng qua một bát cơm’ giống nhau, tôi vừa nghe thì đã hiểu. Chẳng qua một bát cơm thôi mà, cuộc sống có gì buồn bã, hà tất phải cứ gắng gượng ở trong công ty, cho nên tôi mới từ chức”. Chuyên gia nông nghiệp hỏi người kia, “lúc ấy vì sao anh không nghe lời sư phụ nói?”
“Tôi nghe rồi” - Giám đốc cười nói. “Sư phụ nói ‘chẳng qua một bát cơm’, bao nhiêu tức giận, bao nhiêu mệt mỏi, tôi chỉ muốn nghĩ không qua để trộn lẫn vào bát cơm. Ông chủ nói cái gì thì làm cái đó, ít giận dỗi, ít tranh cãi thì sẽ thành tựu. Sư phụ chẳng phải có ý này hay sao?”
Hai người lại đến thăm sư phụ, bấy giờ sư phụ già lắm rồi, ngài vẫn nhắm mắt như cũ, khoảng rất lâu sau, ngài lại nhả năm chữ, “chẳng qua chỉ một niệm”, sau đó vẫy vẫy tay…
Muốn cải đổi vận mệnh trước hết phải cải đổi tâm thái
Muốn thay đổi vận mệnh của mình cố nhiên là việc tốt, nhưng không chỉ tìm cầu thay đổi về hình thức bên ngoài, trước tiên phải thay đổi tâm thái của mình. Chỉ thay đổi tâm thái, mới có thể thay đổi thực sự vận mệnh của mình, nếu không thì càng thay đổi vận mệnh càng xấu.
Mọi người đều biết rằng, thỏ là một loài động vật ôn hòa thuần hậu nhất trên thế giới, nó biết ăn cỏ, không làm hại ai bao giờ. Nhưng nó lại bị nhiều động vật khác làm hại, chẳng hạn như hồ ly, sói, cọp… Điều này quá bất công rồi! Một ngày nọ, thỏ đến cầu xin đức Phật, không muốn làm thỏ nữa, hy vọng đức Phật biến nó thành vận mệnh khác.
Đức Phật rất nhân từ, lập tức đáp ứng ngay yêu cầu của thỏ: “Thôi được, vậy con muốn biến con thành loài nào?”
Thỏ thưa: “Con muốn biến thành một con chim, được tự do bay qua bay lại trên trời, khiến những loài hổ, báo sài lang không thể nào bắt được con cả”.
Thế là đức Phật liền biến thỏ thành một con chim. Nhưng chưa đến mấy ngày thì chim lại bay đến thưa với Phật: “Đức Phật nhân từ ơi, con thật không muốn làm loài chim nữa! Chúng con đang bay trên trời, thì bị chim ưng bay đến bắt chúng con; chúng con đang ở trong tổ trên cây, thì bị loài rắn độc trên cây cắn chết chúng con. Sống qua những ngày như thế thật là quá đau khổ!”
Đức Phật hỏi chim: “Vậy con muốn thế nào đây?”
Chim liền thưa: “Con muốn biến thành một con cá bơi lội trong biển cả, trong biển thì sẽ không có loài chim ưng, cũng không có loài rắn độc, như thế chúng con mới có thể sống qua những ngày bình an được”.
Đức Phật lại biến chim thành cá. Nhưng hoàn cảnh cá đang sống hình như càng bất lợi, vì khắp nơi trong biển cả đều có cảnh tranh đấu “cá lớn nuốt cá bé, cá nhỏ lại nuốt tôm con”. Trải qua mấy ngày, cá lại đến cầu xin đức Phật biến hóa nó trở thành người. Cá thưa rằng: “Con người là khôn lanh nhất trong muôn loài, họ sống trong những ngôi nhà bằng xi măng, lợp nhôm kiên cố, đồng thời sử dụng các loại thiết bị, vũ khí tiên tiến, bất cứ loài động vật hung mãnh nào đi nữa cũng không thể làm hại họ được. Trái lại, có loài động vật như hổ, báo, sư tử oai phong lẫm liệt, đều bị họ nhốt vào cũi để giải trí, còn những loài như rắn, chim ưng, đều trở thành những món ngon trên bàn ăn của họ…”.
Đức Phật liền dùng phép biến cá thành người, nghĩ rằng, lần này ngươi nhất định phải vừa ý đấy nhé! Nhưng chẳng được bao lâu, con người lại đến thưa với đức Phật: “Thật đáng sợ biết bao! Khắp nơi đều có máu chảy, khắp nơi đều có thi thể, khắp nơi đều là một đống hoang tàn… Chúng con chẳng còn cách gì để sống nữa!” Thì ra, nhân loại đã xảy ra chiến tranh, vô số binh sĩ tàn sát lẫn nhau, vô số người dân bình thường phải lưu lạc không chốn nương thân, chết chóc vì đói và lạnh.
Đức Phật hỏi con người: “Rốt cuộc ngươi muốn thế nào đây?”
Con người thưa: “Con muốn đến một thế giới khác, xin ngài biến cho con thành Phật nhé!”
Đức Phật không đáp ứng yêu cầu này cho con người, Ngài nói: “Nếu như ngươi không thay đổi được tâm thái, thì ngươi vĩnh viễn không thể thành Phật được”.
Sinh trưởng trong hoàn cảnh nào sẽ có vận mệnh thế ấy
Vận mệnh của con người không phải do sinh thần bát tự quyết định được, mà do môi trường sinh trưởng quyết định. Có thể nói, hoàn cảnh quyết định vận mệnh con người, sinh trưởng trong hoàn cảnh nào, thì sẽ có vận mệnh như thế ấy. Cho nên, nếu muốn thay đổi vận mệnh của mình, thì trước tiên phải thay đổi môi trường sinh trưởng.
Mùa thi, một tú tài muốn vào thành thi cử, ngặt nỗi là vợ anh ta đang bụng mang dạ chửa, sắp đến lúc lâm bồn. Để vợ ở nhà một mình anh không yên tâm, nên đành dẫn vợ theo, hy vọng sau khi đến thành mới sinh nở.
Trên đường đi vì quá vất vả mệt nhọc, cũng chẳng biết do động thai hay không, mà đứa trẻ muốn ra đời sớm hơn, đi mới được nửa đường thì vợ anh đau bụng dữ dội, như sắp sinh con vậy.
Ven đường đi nhà ở rất ít, họ gắng gượng đi về phía trước một đoạn đường, mới tìm thấy một ngôi nhà, anh tú tài mừng quá vội vàng đến gõ cửa. Người chủ nhà này làm nghề thợ nguội, vừa đúng lúc đó vợ của thợ nguội cũng sắp sinh. Xem ra âu cũng là vận may của anh tú tài, bà đỡ đẻ có sẵn nên cũng giúp đỡ đẻ cho vợ anh luôn.
Trải qua thời gian không lâu, vợ của tú tài và vợ của người thợ nguội đều sinh hạ bình yên, cả mẹ lẫn con đều bình an. Hai đứa bé trai xem ra sinh cùng giờ, ngày, tháng và năm.
16 năm sau, con trai của tú tài lớn lên cũng kế nghiệp cha thi đậu tú tài. Người tú tài già vô cùng vui mừng, nghĩ đến con trai của người thợ nguội sinh cùng năm tháng ngày giờ với con trai tú tài của mình, ông nghĩ rằng lúc này chắc hẳn nó cũng đã là một tú tài rồi.
Nhớ lại năm đó nhận được ân huệ lâm bồn của vợ mình, người tú tài già sắm sửa rất nhiều lễ vật, rồi cho chuyển đến nhà người thợ nguội, muốn đến chỗ ông để chúc mừng với niềm vui với con trai tú tài của họ.
Khi đến nhà thợ nguội, ông chỉ thấy người thợ nguội già đang ngồi ngay cửa hút tẩu thuốc, trong phòng có một người thanh niên mình trần đang ngồi gò hàn. Người tú tài già đem lễ vật trình lên, đồng thời không quên hỏi con trai của lão thợ nguội ở đâu.
Lão thợ nguội chỉ chỉ vào trong cửa nói: “Nó đó, điều này thật kỳ lạ quá. Theo số mệnh mà nói, con trai ông và con trai tôi sinh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, cùng giờ, số mệnh cũng giống nhau, lẽ ra lúc này cũng phải là một chàng tú tài mới phải chứ, sao lại thế này…”
Lão thợ nguội cười lớn mà rằng: “Tú tài gì chứ, tên tiểu tử này từ nhỏ đã theo tôi làm nghề thợ nguội, một chữ cái cũng không biết, thì lấy gì để thi đậu tú tài chứ!”
Lão tú tài lúc này mới ngộ ra, cho dù sinh cùng năm tháng ngày giờ thì vận mệnh cũng chưa chắc giống nhau, bởi vì chỗ gặp gỡ của môi trường sống không giống nhau, nên vận mệnh tự nhiên cũng sẽ không giống nhau vậy.
Lưu luyến thứ đã mất chi bằng đi tìm thứ mới
Chúng ta thường đối với những việc đã mất, luôn nhớ không quên những tình cảm tốt đẹp đã trở thành quá khứ, so sánh đôi bên, luôn u ám tổn thương tinh thần. Đã mất đi, đã trở thành quá khứ, chúng ta không thể nào cứu vãn được, tại sao không đi tìm kiếm sự tốt đẹp lần nữa chứ?
Có một cao tăng là nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng. Vị cao tăng rất yêu thích các loại bình gốm, thu thập vô số bình trà, chỉ cần nghe nói ở đâu có bình đẹp, cho dù đường xa bao nhiêu cũng nhất định tự thân đến đó giám định, nếu cảm thấy vừa ý, đối phương bằng lòng để lại những thứ ưa thích đó, thì mất bao nhiêu tiền cũng không tiếc. Trong số các bình trà mà ông thu thập được, cao tăng vừa ý nhất là một chiếc bình trà đầu rồng.
Một ngày nọ, những người bạn thân lâu ngày chưa gặp đến thăm, thế là ngài đem chiếc bình trà quý ra để pha trà chiêu đãi. Mọi người đang nói chuyện say sưa vui vẻ, bạn bè khen ngợi không dứt chiếc bình trà, có người hiếu kỳ cầm nó lên xem, vì một chút sơ ý không cẩn thận đánh rơi xuống đất, tiếng bể bình trà vang lên, tất cả chìm trong sự yên lặng, mỗi người ai cũng tiếc chiếc bình trà khéo hơn cả trời này.
Lúc này nhà sưu tầm đồ cổ đứng dậy, im lặng đi thu dọn những mảnh vỡ, đưa cho đệ tử đứng bên cạnh, sau đó mang ra chiếc bình khác rồi pha trà nói cười vui vẻ, dường như chưa có chuyện gì xảy ra.
Sau việc đó, có người hỏi: “Đây là chiếc bình ngài yêu thích nhất, nó bị đánh vỡ rồi, lẽ nào ngài không thấy khó chịu, luyến tiếc hay sao?”
Bấy giờ nhà sưu tầm đồ cổ nói: “Việc đã rồi, đánh vỡ chỉ một chiếc bình mà luyến tiếc thì có ích gì? Chi bằng ta nên đi tìm cái mới, có lẽ cái mà ta tìm được sẽ càng tốt hơn đấy chứ!”
Tham lam khiến mất cả đường về
Trong cuộc sống, một số người mãi mãi không hiểu được thế nào là tri túc. Họ luôn tham vọng, muốn được nhiều hơn; có nhiều hơn, dục vọng lại tiếp tục tăng thêm. Đây mãi là lòng tham không biết chán, cuối cùng khiến người lạc mất đường về, và sẽ hủy diệt triệt để một con người.
Có người nghe nói trong sa mạc có kho báu. Anh ta muốn tìm được kho báu, liền trang bị đầy đủ chỉnh tề lên đường đến sa mạc. Nhưng kho báu chưa tìm thấy, mà lương thực và nước uống mang theo đã hết cả. Bấy giờ anh ta không còn sức lực đứng nổi nữa…
Anh ta nằm cô độc một mình giữa sa mạc, yên lặng đợi chờ sự giáng lâm của thần chết mang đi. Lúc ấy anh ta nghĩ, bây giờ chỉ cần có một chút thức ăn có thể giúp anh ra khỏi sa mạc này thì tốt biết bao. Đêm tối, anh ta cảm thấy có lẽ mình sắp chết đến nơi, liền cầu khẩn lần cuối: “Cầu xin Bồ Tát hãy giúp đỡ cho con một tí”.
Bồ Tát đã thật sự xuất hiện, Ngài hỏi anh cần gì, anh ta vội vàng thưa: “Thức ăn và nước uống, cho dù đó là một phần rất ít cũng được”. Bồ Tát liền đưa cho anh vài cái bánh bao và sữa, sau đó biến mất.
Tình hình thay đổi rất nhanh, tinh thần của anh trăm nghìn lần đều ở chỗ ấy, anh ta không ngừng trách mắng mình rằng: Vì sao ta không cầu xin Bồ Tát ban cho nhiều thứ một chút chứ? Anh mang theo một ít thức ăn thừa, rồi tiếp tục đi sâu vào sa mạc.
Lần này anh ta đã tìm được kho báu. Lúc chuẩn bị mang kho báu trở về, phát hiện rằng thức ăn không còn cầm cự bao lâu nữa. Để giảm bớt sự tiêu hao năng lượng, anh đành phải trở về tay không.
Nhưng cuối cùng thức ăn và nước cũng không còn nữa, mà anh vẫn còn ngã nằm ở đó. Trước khi chết, Bồ Tát lại xuất hiện, Ngài hỏi anh ta có nhu cầu gì không. Anh ta lâm râm trả lời: “Thức ăn và nước… xin hãy cho con thức ăn và nước càng nhiều càng tốt…”
Bồ Tát lắc đầu, than thở rằng: “Lẽ ra ngươi đã có thể trở về một cách bình an, nhưng bây giờ ngươi vẫn chưa trở về được…”
Muốn nghĩ cho tương lai phải dự định tốt cho lâu dài
Chúng ta không chỉ sống vì hiện tại, mà còn sống vì tương lai. Điều cần thiết chúng ta phải nghĩ cho tương lai sau này là dự định tốt cho lâu dài, và tích cực hành động. Chỉ có như thế, chúng ta mới không cần lo lắng cho tương lai, đồng thời cũng phải thay đổi hiện trạng của mình.
Ngày xưa, trên hai ngọn núi nối gần nhau có hai vị hòa thượng ở riêng biệt trong hai ngôi chùa. Giữa hai ngọn núi đó lại có con suối nhỏ, hàng ngày hai hòa thượng đều hẹn nhau cùng một thời gian xuống núi gánh nước. Dần dà họ trở thành đôi bạn thân.
Thời gian trôi qua rất nhanh, thấm thoát mà đã 5 năm qua. Một ngày nọ, hòa thượng ở ngọn núi bên này không xuống núi gánh nước, nên hòa thượng ở ngọn núi bên kia nghĩ rằng rất có thể ông ta ngủ quên, nên chẳng để ý làm gì. Nào ngờ, qua ngày hôm sau, hòa thượng ở ngọn núi bên này vẫn không xuống núi gánh nước, đến ngày hôm sau nữa cũng như vậy, một tuần trôi qua vẫn như thế. Mãi cho đến một tháng sau, hòa thượng ở ngọn núi bên kia cuối cùng không nén được, ông nghĩ rằng: Ông bạn của ta có thể bị bệnh rồi, ta phải đi qua đó thăm, xem có thể giúp được gì cho ông bạn chăng. Thế rồi, ông lên núi bên này để thăm hỏi bạn.
Lúc ông đến chùa ở ngọn núi bên này, nhìn thấy bạn của mình, bấy giờ ông vô cùng kinh ngạc. Bởi vì bạn ông đang tập thái cực quyền trước chùa, hình như chẳng có chút gì là người suốt một tháng chưa uống nước cả vậy.
Hòa thượng này hỏi với vẻ hiếu kỳ rằng: “Ông đã một tháng không xuống núi gánh nước, lẽ nào ông không cần uống nước hay sao?”
Hòa thượng ở chùa bên ngọn núi này trả lời: “Nào lại đây, tôi dẫn ông đi xem thử”. Thế là, ông liền dẫn hòa thượng ở chùa núi bên kia đến phía sau sân chùa, chỉ vào một cái giếng và nói: “5 năm nay, mỗi ngày sau khi hoàn thành thời khóa, tôi đều dành một ít thời gian đào cái giếng này. Mặc dù bây giờ chúng ta còn trẻ và mạnh khỏe, còn có thể tự mình đi gánh nước, nếu đến một lúc nào đó chúng ta già nua, đi không nổi nữa, chúng ta chỉ trông chờ vào người khác gánh nước cho chúng ta uống hay sao? Vì thế, cho dù tôi có bận rộn đến mấy, cũng chưa bao giờ ngừng kế hoạch đào giếng cả, đào được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Cuối cùng giếng nước cũng được đào xong, nên tôi không phải xuống núi gánh nước nữa. Bây giờ tôi có nhiều thời gian hơn để luyện tập thái cực quyền mà tôi yêu thích rồi”.
Cho dù chính mắt nhìn thấy thì có lúc cũng bị lừa
Cho dù là chính mắt mình nhìn thấy, có lúc cũng bị nó lừa. Cho nên, nhiều khi chúng ta không chỉ cần dùng mắt, mà phải dùng tâm để nhìn. Cuộc sống là như thế, nếu bạn quan sát tỉ mỉ, sẽ phát hiện chân tướng của nó thường tương phản hoàn toàn với cái chúng ta nhìn thấy bên ngoài.
Có một câu chuyện kể thế này.
Có hai thiên sứ đến nhân gian du hành. Tối hôm đó, họ đi vào nhà của một người giàu có xin tá túc. Người chủ nhà thấy họ ăn mặc bình thường, lại thêm dáng vẻ phong trần mệt mỏi, lập tức dài mặt ra, thái độ của ông ta vô cùng lạnh nhạt, phòng khách nằm ngoài thoải mái lại không cho họ vào, mà tìm một góc ở tầng hầm lạnh lẽo, rồi ném cho họ một ít bông vụn để làm gối.
Thiên sứ trẻ tuổi lòng đầy tức giận đi theo thiên sứ lớn tuổi vào tầng hầm, nghĩ rằng: Hãy đợi đấy, chúng ta nhất định phải trừng phạt người chủ phân biệt đối xử này mới được!
Nhưng thiên sứ già trái lại dường như chẳng có chuyện gì xảy ra, vẫn vui tươi hớn hở đem những miếng bông vụn trải trên mặt đất. Trước khi ngủ, ông phát hiện trên tường có một lỗ hổng, liền ngồi dậy vá nó lại.
Thiên sứ trẻ tuổi nói một cách châm biếm rằng: “Ngài thật có lòng thương người, người ta đối đãi với chúng ta như thế, ngài vẫn còn giúp họ vá chỗ hỏng trên tường nữa”.
Lão thiên sứ mỉm cười trả lời: “Có những việc không giống như chúng ta nhìn thấy đâu”.
Tối hôm sau, hai thiên sứ lại đến một nhà nông phu vô cùng nghèo khổ để tá túc. Người chủ nhà trái với gia đình trước, hai vợ chồng đối đãi với họ rất nhiệt tình, đem từng chút thức ăn vốn có của mình ra chiêu đãi khách, sau đó mang giường trải ra, còn mình thì ngủ ở dưới đất lạnh lẽo.
Sáng sớm hôm sau, hai thiên sứ tỉnh dậy, thấy hai vợ chồng nông phu khóc lóc rất đau lòng, thì ra nguồn vốn sống duy nhất của họ là con bò sữa tối hôm qua bị bệnh mà chết. Vị thiên sứ trẻ tuổi cảm thấy buồn bã, anh ta hy vọng rằng thiên sứ già sẽ bồi thường cho gia đình người này, nhưng không ngờ, thiên sứ già chỉ an ủi họ mấy câu qua loa cho xong chuyện, rồi từ biệt họ lên đường.
Vị thiên sứ trẻ tuổi vô cùng tức giận, đi được một đoạn không xa, anh ta liền kéo tay thiên sứ già, chất vấn vì sao lại phải như thế, gia đình thứ nhất giàu mà bất nhân, thì lão thiên sứ còn giúp họ sửa sang lại lỗ hổng trên tường; còn gia đình thứ hai dù nghèo khó như thế, nhưng họ vẫn đối đãi khách nhiệt tình, mà lão thiên sứ không giúp họ ngăn lại sự chết chóc của con bò sữa, bằng vào năng lực của mình, ông hoàn toàn có thể làm được việc cỏn con này.
“Con à, có một vài việc không thể nhìn như nó vốn có đâu”. Lão thiên sứ trả lời. “Lúc ngủ qua đêm dưới tầng hầm, ta đã nhìn thấy lỗ hỏng trên tường có một tầng kép, chất đầy vàng khối. Bởi vì người chủ kia hám lợi tối lòng, không muốn cứu giúp người nghèo, nên ta mới bít lỗ hỏng đó lại, không để cho ông ta phát hiện của cải giàu sang. Còn tối hôm qua thì sao, chính là thần chết đến gọi vợ của nông phu lương thiện này, nhưng chính ta đã dùng con bò sữa để thay thế cho cô ấy đấy”.
Vị thiên sứ trẻ tuổi lúc này mới hoát nhiên đại ngộ, mặt đỏ lên rất lâu mà nói chẳng ra lời nữa.
Kinh nghiệm chỉ có thể thích hợp trong thời điểm nào đó
Kinh nghiệm chỉ có thể có tác dụng trong thời gian nào đó, chứ không thể bất cứ khi nào cũng dung được. Trong thời đại phát triển công nghệ thông tin, kinh nghiệm trước đây có lúc không dựa vững được. Cho nên, trên nền tảng tích lũy kinh nghiệm, biến báo không ngừng, thích ứng với sự vật thay đổi không ngừng, mới là thượng sách.
Có một câu chuyện cười như sau.
Trước đây rất lâu, có một người bán mũ rơm.
Một ngày nọ, ông vô cùng mệt mỏi, vừa khéo bên đường có một cây đại thọ, ông bèn đặt những chiếc mũ rơm xuống, mơ mơ màng màng ngồi ngủ thiếp dưới gốc cây lúc nào không biết.
Đến lúc ông tỉnh dậy, phát hiện những chiếc mũ rơm bên cạnh mình không còn nữa. Ngẩng đầu lên xem, ông thấy trên cây có rất nhiều khỉ, mỗi con đều đội một chiếc mũ rơm trên đầu.
Ông nghĩ, loài khỉ rất thích bắt chước động tác của con người, thế là, ông liền lấy chiếc mũ rơm trên đầu mình đặt xuống đất.
Quả nhiên, loài khỉ bắt chước ông, nhao nhao đem những chiếc mũ rơm quăng cả xuống đất. Người bán mũ rơm vô cùng vui mừng nhặt những chiếc mũ rơm lên, rồi trở về nhà.
Về nhà, ông liền đem sự việc kỳ lạ này kể lại cho con cháu nghe.
Lại trải qua nhiều năm sau, cháu của ông kế thừa sự nghiệp ông. Ngày nọ, lúc anh ta đi bán mũ rơm về, cũng giống như ông mình, anh ngủ thiếp dưới gốc cây đại thọ, và những chiếc mũ rơm kia cũng bị loài khỉ lấy đi. Người cháu này liền nghĩ ngay đến phương pháp mà ông nội từng kể, lấy những chiếc mũ ra rồi đặt xuống đất.
Nhưng điều kỳ lạ là, những con khỉ này không làm theo anh, mà chúng còn chăm chăm nhìn anh ta một cách không ngừng.
Sau đó không lâu, khỉ chúa xuất hiện, nó nhặt chiếc mũ dưới đất lên và nói: “Đùa cái gì chứ! Ngươi cho rằng chỉ ngươi mới có ông nội thôi sao?”
Lấy đức báo oán mới khiến người khâm phục nhất
Việc đáng làm là không trái với lương tâm, nhưng việc thiện làm được vốn không dễ, thời càng hiện rõ tia sáng nhân tính. Đặc biệt có thể làm được việc lấy đức báo oán, khoan dung kẻ địch, thích ứng cứu giúp đối phương, có thể gọi là quý hóa nhất.
Ngày xưa, có một ông lão là tín đồ Phật giáo thành kính. Vì muốn các con có nhiều kinh nghiệm và rèn luyện trong cuộc sống, ông liền nói với ba người con: “Ba người các con rời nhà ra đi, ba tháng sau hãy trở về, sau đó kể lại những việc các con cảm thấy đắc ý nhất trong chuyến du hành cho ta hay. Ta muốn biết việc nào các con làm khiến người ta khâm phục nhất”. Ba người con của ông nghe xong, lên đường ngay.
Ba tháng rồi cũng qua, ba người trở về, ông lão liền hỏi họ việc hài lòng nhất mà mỗi người đã làm.
Người con trưởng thưa: “Có người mang túi châu báu đặt ở chỗ con, cũng chẳng biết có bao nhiêu viên đá quý, nếu như con lấy đi mấy viên, thì anh ta cũng không biết, đợi đến lúc anh ta đòi, con sẽ trả lại những viên đá còn nguyên xi”.
Ông lão sau khi nghe xong nói rằng: “Đây là việc con nên làm, nếu như con âm thầm lấy của anh ta mấy viên, con nghĩ con sẽ trở thành một người như thế nào đây?” Người con trưởng nghe xong, cảm thấy lời này rất có lý, liền lui ra.
Người con tiếp theo thưa: “Có một ngày con nhìn thấy một đứa bé rơi xuống nước, con liền cứu nó lên, người nhà cậu bé tặng cho con món quà hậu hĩnh, nhưng con không nhận”.
Ông lão nói: “Đây cũng là việc con nên làm, nếu như con thấy chết mà không cứu, thì trong lòng con có vui không?” Người con thứ nghe xong, lui ra không nói lời nào cả.
Sau cùng người con nhỏ nhất thưa: “Một ngày nọ con gặp một người bệnh ngã hôn mê bất tỉnh trên đường núi rất nguy hiểm, chỉ cần trở mình cũng có thể ngã chết. Con liền đến trước xem, thì ra anh ta chính là kẻ thù của con, trước đây con đã mấy lần muốn báo thù nhưng chưa có cơ hội, lần này con muốn làm cho anh ta chết, có thể nói dễ như trở bàn tay chẳng phí chút sức lực nào cả. nhưng con không muốn hại anh ta một cách mờ ám như thế, vậy là con làm cho anh ta tỉnh dậy, sau đó đưa anh ta về nhà”.
Ông lão không đợi cho người con út nói xong, liền tán than: “Điều mà hai người anh của con làm là việc phù hợp với lương tâm, nhưng việc mà con làm là lấy đức để báo oán, thế thì càng khó làm hơn nữa”.
Chỉ có phấn đấu mới thoát khỏi khó khăn
Đứng trước sự thất bại, nhiều người đều lựa chọn vứt bỏ cố gắng, đặc biệt đứng trước cảnh thất bại không có điểm dừng, người kiên trì cố gắng lại càng ít hơn. Nào ngờ, thất bại lớn nhất cũng sợ sự cần cù, chỉ cần không từ bỏ cố gắng, cho dù đứng trước cảnh thất bại không có điểm dừng, cuối cùng cũng thoát khỏi khó khăn.
Có một câu chuyện kể như sau.
Tây Tây Phất Tư vì phạm vào điều luật ở thiên đình, bị thiên thần trừng phạt, giáng xuống nhân gian để chịu khổ. Thiên thần trừng phạt anh mỗi ngày phải đẩy một tảng đá lên núi.
Mỗi ngày, Tây Tây Phất Tư phải mất rất nhiều sức mới đẩy được tảng đá kia lên đến đỉnh núi, sau đó trở về nhà nghỉ ngơi. Nhưng khi anh vừa đẩy được tảng đá kia đến đỉnh núi và chuẩn bị nghỉ ngơi, thì tảng đá tự động lăn trở xuống. Thế là, anh ta lại một lần nữa phải đẩy tảng đá đến đỉnh núi.
Tây Tây Phất Tư đứng trước sự thất bại không cùng như thế. Thiên thần muốn trừng phạt Tây Tây Phất Tư, cũng chính là muốn giày vò tâm hồn anh ta, khiến cho anh trong vận mệnh “ thất bại không có chỗ tận cùng”, chịu khổ chịu nạn.
Nhưng Tây Tây Phất Tư không hề cam chịu. Anh cho rằng chỉ cần không chịu thua, nhất định sẽ thành công, anh muốn thông qua sự phấn đấu nỗ lực của mình để làm rung động đến trời xanh.
Thế rồi, mỗi lần khi anh đẩy tảng đá lên núi, thiên thần đều đả kích, khiến anh không thể thành công. Tây Tây Phất Tư không chịu sự bao vây trong cái tròng thất bại và thành công, anh luôn nghĩ rằng: Đẩy đá lên núi là trách nhiệm của ta, chỉ cần ta đẩy được tảng đá lên đến đỉnh núi, thì trách nhiệm của ta đã đạt được, đến mức tảng đá không còn lăn xuống nữa, đó chẳng phải là việc của ta.
Trong lúc Tây Tây Phất Tư hết lần này đến lần khác nỗ lực đẩy tảng đá lên núi, lòng anh tỏ ra rất yên tịnh, anh tự an ủi mình rằng: Ngày mai vẫn còn đá để đẩy, ngày mai vẫn không bị thất nghiệp, ngày mai còn có hy vọng.
Bởi vì sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng của Tây Tây Phất Tư, cuối cùng thiên thần cũng bị tấm lòng của anh làm cảm động. Thế là thiên thần liền mang Tây Tây Phất Tư trở lại thiên đình.
Phàm việc gì, chỉ cần động não sẽ có cách giải quyết
Bất cứ xuất hiện vấn đề gì cũng có cách giải quyết. Nhưng vì sao có những vấn đề giải quyết không được? Là vì thiếu trí tuệ. Khi gặp vấn đề gì, đừng căng thẳng, cũng đừng chạy trốn, phải nghĩ cách giải quyết. Phàm là việc gì, chỉ cần động não một chút, thì nhất định sẽ có cách giải quyết.
Thiền sư Nhất Hưu là hóa thân của sự thông minh, vì ngài là người linh hoạt thích ứng hoàn cảnh hơn người. Khi ngài còn là một Sa di trẻ, đã có tài năng hơn người.
Lần nọ, một tín đồ mang đến tặng cho sư phụ hũ mật ong thượng hạng, sư phụ rất quý bình mật ong, mỗi ngày sau bữa ăn chỉ nếm một tí, chầm chậm thưởng thức nó, nhưng điều này lại bị Nhất Hưu thấy ra lề lối một cách tỉ mỉ. Nhất Hưu rất muốn nếm thử, nhưng khổ nỗi chưa có cơ hội.
Hôm nay cơ hội cuối cùng đã đến. Sư phụ có việc phải ra ngoài, nhưng sợ Nhất Hưu lén trộm uống mật ong, thế là trước khi đi, mang hũ mật ong ra nói với Nhất Hưu: “Nhất Hưu à! Cái bình tín đồ mang đến cho ta là thuốc độc, độc tính rất mạnh, nó vô cùng nguy hiểm, con nhất định chớ đụng vào nó nhé!”
Trong lòng Nhất Hưu biết rõ, sư phụ sợ mình trộm uống, nên cố ý dùng lời lẽ này để mê hoặc mình đây mà. Đợi sư phụ đi rồi, Nhất Hưu đem cả bình mật ong ra uống sạch không mảy may khách khí. Mùi vị của nó thật là ngon! Ngon cực kỳ! Nhưng khi sư phụ về phải đối phó thế nào đây? Nhất Hưu nhanh chóng nghĩ ra một cách, thuận tay đánh vỡ luôn bình hoa ngọc lan mà sư phụ yêu thích nhất.
Khi sư phụ xong việc trở về, chưa vào đến cửa đã nghe tiếng khóc, sư phụ bồn chồn vào trong, phát hiện Nhất Hưu đang nằm lăn trên đất khóc than thảm thiết.
Sư phụ hỏi đã xảy ra chuyện gì, Nhất Hưu càng khóc dữ dội hơn, vừa khóc vừa thưa với sư phụ: “Bạch sư phụ! Con đã phạm lỗi lầm không thể nào tha thứ được”.
“Rốt cuộc con đã làm sai chuyện gì nào?” Sư phụ càng bồn chồn hơn.
“Bạch sư phụ! Con đã đánh vỡ bình hoa ngọc lan mà ngài thích nhất rồi ạ!” Nhất Hưu vừa lau nước mắt vừa thưa.
Sư phụ quả nhiên vô cùng đau lòng, không nhịn được bèn trách: “Nhất Hưu à, sao con vô tâm không cẩn thận thế, đánh vỡ mất bình hoa quý báu nhất của ta thế chứ?”
Nhất Hưu thấy sư phụ chỉ chú tâm đến bình hoa, lại sám hối thưa rằng: “Bạch sư phụ! Con biết đánh vỡ bình hoa quý báu nhất của ngài là mắc tội không thể tha thứ được, đành dùng cái chết để tạ tội, nên con đã uống hết bình thuốc độc kia rồi!”
Sau khi nói xong, Nhất Hưu lại càng lớn tiếng khóc lóc hơn nữa.