Phật nói, đầy đủ là một hạnh phúc. Người có được mọi thứ mà không biết đủ, cũng không thể khiến họ hạnh phúc, hơn nữa anh ta sẽ bị giãy giụa mãi trong biển tham dục. Ai biết đủ mới thường vui. Tất cả những thứ trân quý trước mắt bạn, bạn chính là người hạnh phúc nhất.
Sự vui vẻ hoàn toàn luôn đứng giữa được và mất
Vui vẻ do tâm sinh, tâm do việc định đoạt, việc do người làm lấy. Sự vui vẻ hoàn toàn là một thứ cảm giác ngây ngất, nó đến từ sự cố gắng của bạn, đến giữa cái được và mất. Cho nên, phải trân quý những cái gì đang có trong hiện tại vậy.
Ngày xưa, có một phú ông tên Bạch Chánh. Mặc dù Bạch Chánh tiền của rất nhiều, nhưng ông luôn cảm thấy rằng mình rất đáng thương. Ông đáng thương vì tiền của không thiếu, nhưng từ xưa đến nay chưa từng có được sự vui vẻ hoàn toàn và chân chính.
Phú ông Bạch Chánh thường nghĩ: Tôi có nhiều tiền bạc, có thể mua được nhiều thứ, nhưng sao lại không mua được sự vui vẻ kia chứ? Nếu như một ngày nào đó bỗng tôi chết đi, để lại cả một đống tiền mà chẳng có chút ích lợi gì cả. Chi bằng đem số tiền vốn có này để mua sự vui vẻ, nếu có thể mua được sự vui vẻ hoàn toàn một lần thôi, tôi chết cũng chẳng tiếc nuối gì.
Thế là, phú ông Bạch Chánh bán toàn bộ gia sản, đổi thành một túi kim cương nhỏ, rồi để trong cái túi gấm được chế tạo đặc biệt. Ông nghĩ: “Nếu như ai có thể cho tôi sự vui vẻ hoàn toàn thuần túy một lần, cho dù chỉ trong chốc lát, tôi cũng bằng lòng đưa túi kim cương này cho người đó”.
Phú ông Bạch Chánh bắt đầu du hành, ông đi khắp nơi thăm hỏi: Có thể mua ở đâu phương thuốc bí truyền của sự vui vẻ hoàn toàn đây? Làm sao mới để trở thành người vui vẻ thuần túy nhất trong nhân gian đây?
Thế mà Bạch Chánh vẫn không tìm được lời giải đáp khiến ông hài lòng cả, vì đáp án của mọi người đều tầm thường như:
Nếu như anh có tiền của nhiều thì nhất định anh sẽ vui vẻ. Nếu như anh có quyền lực lớn thì nhất định anh sẽ vui vẻ. Nếu như có càng nhiều tiền thì anh sẽ càng vui vẻ.
Bởi vì Bạch Chánh vốn có những thứ này rồi, nhưng vẫn không hề vui vẻ. Điều này khiến ông nghi ngờ: Lẽ nào trên đời này chẳng có sự vui vẻ hoàn hảo sao?
Ngày nọ, phú ông Bạch Chánh nghe nói trong thôn núi xa xôi hẻo lánh có một cao tăng đắc đạo, không có điều gì là ngài không biết, chẳng có điều gì là ngài không thông. Thế là, ông liền chạy vào thôn tìm bằng được cao tăng ấy. Bấy giờ cao tăng đang nhắm mắt dưỡng thần ngồi thiền dưới một gốc cây.
Phú ông Bạch Chánh liền hỏi: “Thưa cao tăng! Mọi người đều nói ngài chẳng có việc gì mà không biết, vậy xin hỏi ngài có thể chỉ cho tôi mua được phương thuốc bí truyền vui vẻ hoàn hảo ở đâu không?”
“Vì sao ông lại muốn mua phương thuốc bí truyền vui vẻ hoàn hảo?” - cao tăng hỏi.
Phú ông Bạch Chánh thưa: “Bởi vì tôi có rất nhiều tiền, nhưng vẫn không cảm thấy vui vẻ, suốt cuộc đời này tôi chưa từng nếm qua sự vui vẻ hoàn toàn. Nếu như người nào có thể cho tôi thể nghiệm một lần, cho dù điều đó chỉ trong chốc lát, tôi cũng bằng lòng trao toàn bộ gia sản cho người đó”.
Cao tăng nói: “Ở đây ta có phương thuốc bí truyền vui vẻ hoàn toàn, nhưng giá rất cao, ông chuẩn bị bao nhiêu tiền rồi, có thể đưa cho ta xem thử được không?”
Phú ông Bạch Chánh lấy từ trong ngực ra cái túi gấm đựng đầy kim cương, rồi đưa cho vị cao tăng, ông nào có ngờ ngay cả nhìn cao tăng cũng chẳng thèm, thình lình nắm chắc túi gấm trong tay rồi bỏ chạy mất tiêu.
Phú ông Bạch Chánh thất kinh hồn vía, một lúc sau ông mới định thần trở lại, hét lớn: “Bắt cướp! Cứu tôi với!”. Nhưng trong thôn núi hoang vắng hẻo lánh kia chẳng có ai nghe thấy, ông ta đành phải đuổi theo người trí kia một cách thục mạng.
Ông chạy được một đoạn đường khá xa, chạy đến nỗi người toát mồ hôi, toàn thân phát hỏa, nhưng cũng chẳng phát hiện ra tung tích của cao tăng kia, ông ta qụy ngã khóc lóc tuyệt vọng dưới một đại thụ bên cạnh sườn núi. Đâu ngờ phí sức vất vả đau khổ, hao tốn thời gian những mấy năm, ông không những mua được phương thuốc bí truyền của sự vui vẻ hoàn toàn, còn tất cả tiền bạc đều bị cướp sạch.
Phú ông Bạch Chánh khóc đến kiệt sức, khàn giọng, bỗng ông phát hiện cái túi gấm bị cướp đang treo lơ lửng trên cành cây đại thọ. Ông liền lấy túi gấm xuống, phát hiện những viên kim cương vẫn còn nguyên trong đó. Khoảnh khắc đó, trong chốc lát thôi thật khó có thể dùng lời nào diễn tả hết sự vui vẻ hoàn toàn tràn khắp thân thể ông.
Phú ông đang say sưa ngây ngất trong sự vui vẻ hoàn toàn, bấy giờ cao tăng núp sau cây đại thọ bước ra, hỏi: “Ông vừa nói rằng, nếu như ai có thể khiến ông thể nghiệm được một lần sự vui vẻ hoàn toàn, cho dù chỉ trong chốc lát, thì ông bằng lòng tặng cho người đó tất cả tài sản của mình, có thật vậy không?”
Phú ông Bạch Chánh nói: “Thật đúng như vậy!”
“Lúc nãy ông vừa lấy túi gấm từ trên cây xuống, chẳng phải là ông đã thể nghiệm được sự vui vẻ hoàn toàn rồi đó hay sao?” - cao tăng lại hỏi.
“Đúng vậy! Lúc nãy tôi đã thể nghiệm được sự vui vẻ hoàn toàn rồi”.
Cao tăng nói: “Được rồi, bây giờ ông có thể đưa cho tôi tất cả tài sản của ông đi, tôi sẽ đem số tiền này để cúng hiến cho chùa viện”. Cao tăng vừa nói vừa lấy cái túi gấm từ trong tay của phú ông Bạch Chánh.
Cái trân quý nhất thế gian chính là cái chúng ta đang có
Cái trân quý nhất trên thế gian, vừa không phải “được không đến”, cũng không phải cái “đã mất đi”, mà là những cái gì chúng ta đang có. Cái được không đến không thể nói là trân quý hay không trân quý, mà cái đã mất đi chỉ có thể là hồi ức vĩnh viễn, chỉ hiện tại mới thực sự nằm trong tay chúng ta. Cho nên, chúng ta luôn trân quý những gì có trong hiện tại, đừng để sau khi mất đi mới hối hận thì không kịp nữa.
Ngày xưa, trên xà ngang chùa Viên Âm có con nhện có Phật tính.
Một ngày nọ, đức Phật quang lâm đến chùa Viên Âm, nói với nhện rằng: “Ta đến đây để hỏi ngươi một vấn đề, trên đời này cái gì trân quý nhất?”
Nhện suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Cái trân quý nhất trên thế gian là cái ‘đạt không được’ và cái ‘đã mất đi’. Đức Phật gật đầu và rời xa nơi đó.
Trải qua 1.000 năm, đức Phật lại đến, nói với nhện rằng: “Vấn đề kia ngươi có nhận thức sâu sắc hơn không?”
Nhện thưa: “Con cảm thấy cái trân quý nhất trên thế gian là cái ‘đạt không được’ và cái ‘đã mất đi’”.
Lại 1.000 năm nữa trôi qua. Ngày nọ, một cơn gió lớn thổi đến, gió mang giọt cam lồ thổi trên mạng nhện. Nhện trông thấy giọt cam lồ óng ánh trong suốt, lập tức ưa thích. Bỗng nhiên có một trận gió to thổi đến, mang giọt cam lồ ấy đi. Nhện lúc bấy giờ cảm thấy mất đi cái gì đó, nó cảm thấy đau lòng vô cùng.
Bấy giờ đức Phật lại đến, hỏi nhện: “Trên thế gian này cái gì mới là cái trân quý nhất?”
Nhện thưa: “Cái trân quý nhất trên thế gian chính là cái ‘đạt không được’ và cái ‘đã mất đi’”.
Đức Phật dạy: “Được, vậy ta bảo ngươi đến nhân gian một phen nhé”.
Nhện đầu thai trong một gia đình làm quan, tên là Thù Nhi, thoáng một cái mà đã 16 tuổi, trở thành thiếu nữ có dung mạo vô cùng xinh đẹp.
Vào một ngày, sau khi Hoàng đế tổ chức yến tiệc cho tân khoa trạng nguyên Cam Lộc tại vườn hoa. Trong buổi tiệc ấy có rất nhiều thiếu nữ tuổi thanh xuân đến dự, bao gồm cả Thù Nhi và công chúa Trường Phong. Thù Nhi cảm thấy rằng đây là nhân duyên mà đức Phật đã ban cho cô. Nhưng sau mấy ngày, Hoàng đế lệnh cho tân khoa trạng nguyên Cam Lộc và công chúa Trường Phong kết hôn; Thù Nhi kết hôn với thái tử Chi Thảo. Thù Nhi chịu sự đả kích rất lớn, linh hồn muốn thoát ra khỏi xác. Bấy giờ thái tử Chi Thảo vội đến nói với Thù Nhi: “Từ khi gặp nàng sau vườn hoa, vừa gặp thì ta đã yêu nàng tha thiết, nếu như nàng chết đi, ta cũng không muốn sống làm gì nữa”. Nói xong cầm lên cây bảo kiếm và muốn tự vẫn.
Lúc bấy giờ đức Phật xuất hiện, nói với Thù Nhi rằng: “Ngươi đã từng nghĩ, Cam Lộ (Cam Lộc) là do ai dẫn ngươi đến đây? Chính là gió (công chúa Trường Phong) dẫn đến, cuối cùng cũng chính là gió mang nó đi. Cam Lộc là người thuộc về Trường Phong công chúa, anh ta chẳng qua chỉ là chen vào một khoảng thời gian trong sinh mệnh của ngươi mà thôi. Còn thái tử Chi Thảo chính là cây cỏ nhỏ trước cổng chùa Viên Âm năm đó, anh ta ngưỡng mộ ngươi đến 3.000 năm, ngươi lại từ xưa đến nay luôn xem thường nó. Vậy ta hỏi ngươi, trên thế gian này cái gì là trân quý nhất?”
Thù Nhi cuối cùng hoát nhiên đại ngộ.
Con người sống là vì sự sinh tồn
Sinh tử là việc rất tự nhiên, không nên dồn hết tâm trí tìm cầu, càng không nên đi tìm cái chết. Con người sống không phải để khổ công làm việc, không phải để tìm đến cái tận cùng mà là để sống. Vì sinh tồn mà sống, sống chính là điều đơn giản như thế đấy.
Có một người vô cùng bất hạnh.
Lúc anh ta còn nhỏ, người mẹ vì những chuyện không vui cứ luẩn quẩn trong lòng mà tự sát. Lúc mẹ tự sát, đúng lúc anh nhìn thấy, thế là trong tâm hồn trẻ thơ non nớt của anh đã lưu lại một bóng đen, cái bóng đen này mãi vẫn không có cách nào gạt ra khỏi lòng anh được.
Đến lúc 15 tuổi, thì người em trai cũng tự sát. Những người thân tiếp tục qua đời, để lại cho anh ta một thứ ảo giác: Tử vong mới là chỗ đi đến cuối cùng của con người. Thế là, anh ta cũng thử đi tìm cái chết, nhưng nhiều lần vẫn được cứu sống.
Có một trú trì ở chùa Báo Ân thấy anh ta đáng thương, nên thu nhận vào chùa. Nhưng anh cho rằng tự mình chẳng làm được điều gì hữu ích, ở lại nhân gian chỉ có thể đau khổ mà thôi, chi bằng chết đi cho xong.
Một ngày nọ, trú trì đến thăm, thấy anh ta thần sắc ủy mị, liền nói: “Ta không thể cứu con mãi được, chính con phải tự cứu lấy mình! Mỗi ngày con có thể ngồi thiền, nhưng điều mà con phải báo cho ta biết là, ngồi thiền thật sự có tác dụng hay không”.
Người kia nghi hoặc nên hỏi: “Một khi nó đã không có tác dụng, thì vì sao còn phải ngồi thiền nữa chứ?”
Trú trì trả lời: “Chính vì không có ích gì cả, cho nên mới phải ngồi thiền đấy!”
Bấy giờ người kia đốn ngộ: “Con người sống không phải vì sự dụng công, mà là vì sự tồn tại”.
Tự bản thân mỗi người là kho báu vô tận
Người đời đa số đều tham lấy những tài vật ngoài thân, mà quên mất sự giàu có của tự thân. Thực ra, tự thân mỗi người đều là kho tàng quý báu vô cùng vô tận, chỉ cần khéo phát hiện và lợi dụng thì trọn đời hưởng dụng không hết.
Thiền sư Thạch Ốc có việc phải ra ngoài, buổi tối tìm đến một quán trọ để ngủ lại. Đến nửa đêm, thiền sư Thạch Ốc nghe trong phòng có tiếng động, cho là tiếng động của người chủ quán trọ, bèn hỏi: “Trời đã sáng rồi sao?”
Âm thanh kia trả lời: “Chưa sáng, bây giờ mới nửa đêm”.
Thiền sư Thạch Ốc nghĩ rằng, người này trong đêm tối đen kịt như thế thức dậy mò mẫm, nhất định là người kiến đạo cao thâm, hay là bậc La Hán cũng nên? Thế là thiền sư lại hỏi: “Rốt cuộc ngươi là ai?”
“Là tên trộm!” - không ngờ rằng đối phương trả lời như thế.
Thiền sư Thạch Ốc nói: “Ồ! Thì ra là một tên trộm. Trước sau ngươi đã trộm mấy lần rồi?”
Tên trộm trả lời: “Không thể nhớ rõ số lần là bao nhiêu nữa”.
Thiền sư Thạch Ốc liền hỏi: “Mỗi lần ăn trộm như thế, ngươi có thể vui được trong bao lâu?”
Tên trộm trả lời: “Còn phải xem thứ tôi trộm được đáng giá như thế nào nữa chứ!”
“Lúc mà ngươi vui vẻ nhất có thể duy trì được trong bao lâu?” - thiền sư Thạch Ốc hỏi.
Tên trộm nói với vẻ đau khổ uất ức: “Chỉ mấy ngày thôi, sau đó thì vẫn không vui như cũ”.
Thiền sư Thạch Ốc cười nói: “Thì ra ngươi chỉ là một tên Giặc Chuột, sao lại không trộm một mẻ lớn luôn?”
Tên trộm vừa nghe, cảm thấy hứng thú bèn hỏi: “Ông cũng là một tên trộm sao? Ông đã từng trộm mấy lần rồi?”
Thiền sư Thạch Ốc trả lời: “Chỉ một lần thôi”.
Tên trộm cảm thấy hiếu kỳ, nên đến gần thiền sư hỏi: “Chỉ một lần? Như thế ‘đủ’ sao?”
Thiền sư Thạch Ốc nói với vẻ chân thật đáng tin rằng: “Mặc dù chỉ một lần, nhưng ta thọ dụng suốt một đời vẫn không hết”.
Đến lúc này tên trộm kiềm chế không được liền đến gần ngài hơn và hỏi: “Thứ này ông trộm được ở đâu? Có thể chỉ dạy cho tôi được không?”
Bấy giờ thiền sư Thạch Ốc ôm chặt tên trộm, lớn tiếng nói rằng: “Cái này ngươi có hiểu không? Đây là một kho báu vô cùng vô tận, ngươi hãy đem cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp này, thì suốt đời ngươi cũng thọ dụng không hết, hiểu không?”
Tên trộm nói với vẻ như đã có suy nghĩ: “Hình như hiểu, mà hình như không hiểu, chỉ có điều cảm giác này lại là thứ trước đây tôi chưa từng trải qua, khiến cho người rất thoải mái”.
Sau đó tên trộm cải tà quy chính, làm đệ tử của thiền sư Thạch Ốc.
Nếu muốn có cuộc sống vui vẻ phải có lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm
Vì sao chúng ta sống không được vui vẻ? Là vì chúng ta thiếu đi những nhu cầu cần thiết - lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm. Hành vi chúng ta đã có là lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm phục vụ, chỉ như thế, chúng ta mới sống đời vui vẻ.
Một ngày nọ, thiền sư Vô Đức đang cuốc cỏ trong sân, ngước mặt lên, thấy tín đồ đang hướng đến ngài thi lễ, hỏi rằng:
“Mọi người đều nói Phật giáo có thể giải trừ được đau khổ cho con người, nhưng chúng con tin Phật đã nhiều năm, lại chẳng cảm thấy vui vẻ gì cả, sao lại như vậy chứ?”
Thiền sư Vô Đức đặt cuốc xuống, khoan thai nhìn họ trả lời: “Muốn vui vẻ cũng chẳng khó khăn gì, trước hết các ông phải hiểu rõ vì sao chúng ta phải sống”.
Ba tín đồ người này nhìn người kia, người kia nhìn người nọ, họ không ngờ thiền sư Vô Đức sẽ nêu ra vấn đề như thế.
Một lúc sau, người thứ nhất nói: “Con người vẫn không thể chết chứ! Tử vong thật đáng sợ, cho nên con người cần phải sống”.
Người thứ hai nói: “Bây giờ tôi lao động thiếu điều muốn bỏ mạng, mục đích chính là để đến khi già có thể hưởng thụ cuộc sống lương thực đầy kho, con cháu đầy nhà”.
Bấy giờ người thứ ba nói: “Tôi thời không có kỳ vọng cao như thế. Tôi cần phải sống, nếu không cả nhà lớn nhỏ sẽ dựa vào ai để sống đây?”
Thiền sư Vô Đức cười nói: “Chẳng trách các ông vẫn không tìm được niềm vui, điều mà các ông muốn được chỉ là tử vong, tuổi già và bị áp bức lao động, chứ không phải là lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm. Cuộc sống không có lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm, đương nhiên là quá mệt mỏi, quá mệt mỏi rồi”.
Những tín đồ nói vẻ không tự nhiên lắm: “Lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm, nói thì rất dễ, nhưng vẫn không thể dùng nó làm cơm ăn được!”
Thiền sư Vô Đức nói: “Vậy các ông nói có cái gì mới vui vẻ được?” Người thứ nhất nói: “Có danh dự, có tất cả, thì có thể vui vẻ được”. Người thứ hai nói: “Có tình yêu thì mới có vui vẻ”.
Người thứ ba nói: “Có tiền thì có thể vui vẻ”.
Thiền sư Vô Đức nói: “Thế thì tôi có vấn đề này, sao có người đã có danh dự nhưng lại rất phiền não, có tình yêu mà họ lại rất đau khổ, có tiền tài mà lại còn buồn chứ?”
Bấy giờ những người tín đồ chẳng có lời nào để nói cho đúng cả.
Thiền sư Vô Đức dạy: “Lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm cũng không phải là thứ trống rỗng, mà là sự thể hiện mỗi thời mỗi khắc trong cuộc sống của con người. Chắc chắn phải thay đổi quan niệm, thái độ của cuộc sống, bản thân cuộc sống mới có thể có chỗ thay đổi. Danh dự đó phải phục vụ cho mọi người mới có sự vui vẻ; tình yêu phải cống hiến cho người khác thì mới có ý nghĩa; tiền bạc phải bố thí cho người nghèo mới có giá trị, cuộc sống như thế mới là cuộc sống vui vẻ thật sự”.
Tìm niềm vui từ những việc nhỏ
Vui vẻ là một thứ tâm thái. Nhiều người sở dĩ thiếu niềm vui là vì thiếu một tấm thái vui vẻ. Thực ra, đời người khắp chốn có niềm vui, chỉ cần chúng ta có một tâm trạng vui vẻ, cho dù từ việc nhỏ cũng có thể tìm được niềm vui.
Ngày xưa, có một chú tiểu cuộc sống không được vui vẻ, thế là chú ta đến thỉnh giáo thiền sư cho mình có được con đường vui vẻ. Thiền sư kể cho chú tiểu nghe câu chuyện Trang Chu nằm mộng hóa bướm như sau.
Vào một buổi hoàng hôn, Trang Chu một mình đến bãi cỏ ở ngoại thành. Lâu rồi chưa có một ngày thoải mái như thế, ông mãi bị bức ép trong cuộc sống đau khổ, vì không ai hiểu ông cả. Trang Chu buộc mình phải vứt hết tạp niệm, vì chỉ có như vậy mới không nghĩ đến việc khác, hoàn toàn chìm đắm trong trạng thái cuộc sống của mình.
Trang Chu nằm ngước mặt lên trời, ngửi thấy mùi thơm của cỏ xanh và mùi bùn đất, ông tận hưởng tất cả rồi dần dần đi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong giấc mộng, Trang Chu thấy mình biến thành một con bướm màu sắc rực rỡ, bay múa một cách vui vẻ trong vườn hoa. Trên có trời xanh mây trắng, dưới có ruộng đồng đầy sắc vàng, còn có gió xuân ấm áp thổi phất phơ trên cành liễu, hoa tranh nhau khoe sắc, nước trong hồ từng đợt từng đợt dập dờn gợn sóng - ông đắm chìm trong cảnh mộng tuyệt vời đó, nên hoàn toàn quên đi chính mình.
Bỗng nhiên Trang Chu tỉnh dậy, hoàn toàn không thể phân biệt được là hiện thực hay cảnh mộng nữa. Lúc Trang Chu nhận ra đấy chỉ là một giấc mơ, ông nói: “Trang Chu vẫn là Trang Chu, Hồ Điệp vẫn là Hồ Điệp”.
Trải qua một thời gian rất dài, cuối cùng Trang Chu cũng tỉnh ngộ: Thì ra con bướm nhảy múa nhịp nhàng xòe cánh bay lượn chính là ông. Song bây giờ ông vẫn là Trang Chu trước đây, vốn dĩ chẳng có bất cứ sự thay đổi nào cả, chỉ có điều bây giờ tâm trạng ông không giống lúc trước. Nhưng chỉ hưởng thụ cảnh mộng trong chốc lát, với ông đó cũng là một thứ hạnh phúc vô hạn rồi.
Kể xong câu chuyện, thiền sư nói với chú tiểu rằng: “Chỉ là một con bướm nho nhỏ bay vào trong tâm của Trang Chu thôi, chuyện nhỏ như thế cũng khiến ông ta vui vẻ. Vậy còn có việc gì có thể khiến cho con lo lắng buồn phiền nữa ư?”
Chú tiểu sau khi nghe xong lời thiền sư dạy đã hiểu rõ được đạo lý vui vẻ.
Duyên phận không thể gượng cầu
Cái gì là duyên phận, không ai nói rõ cả. Nếu bạn tin sự tồn tại của duyên phận, nên hiểu rõ, duyên phận không thể cưỡng cầu, mà cái gì là của bạn thì sớm muộn cũng là của bạn; cái gì không phải của bạn thì dù cố gắng thế nào cũng không thể đạt được. Tụ hay tán cũng phải tùy duyên.
Ngày xưa có một chàng thư sinh cùng hẹn với vị hôn thê của mình sẽ kết hôn vào ngày đó tháng đó năm đó. Nhưng đến ngày hôm đó, vị hôn thê lại đi lấy người khác. Chàng thư sinh phát bệnh nằm liệt giường không thể dậy nổi. Người nhà anh dùng đủ các biện pháp nhưng đều bất lực.
Lúc bấy giờ có một du tăng đi đường ngang qua, biết được tình hình, quyết định ở lại hóa độ cho anh.
Du tăng đến trước giường anh ta, lấy chiếc gương từ trong ngực ra đưa cho chàng thư sinh xem.
Bấy giờ thư sinh nhìn thấy trong biển cả mênh mông, có một người con gái bị giết hại đang nằm trần truồng trên bãi biển.
Một người đi đường ngang qua, nhìn thấy như thế, lắc đầu, bỏ đi…
Lại một người nữa đi ngang qua, anh ta cởi áo ra, đắp lên thi thể của người con gái đó, rồi lại đi…
Thêm một người nữa đi ngang qua đó, anh ta đến và đào một cái huyệt, sau đó cẩn thận đặt thi thể ngay ngắn và chôn cất cô gái…
Nghi hoặc, trong sự thay đổi hình tượng đó, chàng thư sinh nhìn thấy vị hôn thê của mình. Động phòng hoa chúc, trong nháy mắt chồng của cô ta vén khăn trùm đầu lên…
Chàng thư sinh chẳng rõ vì sao cả.
Du tăng kia giải thích: Thi thể người con gái nằm trên bãi biển đó chính là vị hôn thê đời trước của con, con chính là người qua đường thứ hai, từng đắp lên cho cô ta một chiếc áo. Nên ngày nay cô ta và con yêu nhau, chỉ vì nợ con một chữ tình. Nhưng người cuối cùng mà cô gái báo đáp suốt đời chính là người sau cùng đem cô ta chôn cất, người đó chính là người chồng hiện tại của cô ấy đấy.
Chàng thư sinh tỉnh ngộ, vội vàng bật dậy, sau đó bệnh của anh ta hoàn toàn thuyên giảm.
Chung hưởng niềm vui mới là hạnh phúc chân chính
Tặng người đóa hoa hồng, trong tay sẽ lưu lại mùi hương. Trong cuộc sống, chúng ta phải vui với sự cống hiến, cho dù cuối cùng chúng ta chẳng được gì cả. Chia sẻ niềm vui với người cũng khiến trong lòng chúng ta xao động. Chỉ có như thế, chúng ta mới xem như là có được hạnh phúc chân chính vậy.
Thiền sư trồng hoa cúc trong vườn, đến mùa thu năm sau thì trong vườn đầy hoa cúc, mùi hương của nó lan đến khắp thôn dưới núi.
Mọi người đến chùa viện đều khen ngợi tán thán không thôi: “Vườn hoa thật đẹp làm sao!” Có người đến bên thiền sư xin mấy cây hoa cúc về trồng trong vườn nhà mình, thiền sư bằng lòng. Thiền sư tự tay chọn ra những cây có cành lá xum xuê và tươi tốt nhất, đào gốc lên rồi tặng cho họ mang về nhà trồng.
Tin tức này được lan truyền rất nhanh, người đến xin hoa càng lúc càng nhiều. Trong mắt của thiền sư người nào cũng tri kỷ cả, người nào cũng là người thân của mình, nên ai cũng muốn cho cả. Chưa được mấy ngày, hoa cúc trong vườn nhanh chóng cho đi sạch sẽ.
Bấy giờ không còn hoa cúc nữa, trong vườn trở nên vắng vẻ như chẳng có ánh sáng mặt trời vậy.
Vào một buổi hoàng hôn cuối mùa thu, các đệ tử nhìn thấy cảnh thê lương tràn khắp sân chùa, liền nói: “Thật đáng tiếc làm sao! Ở đây lẽ ra phải là một vườn hoa cúc tràn đầy hương thơm rồi ấy nhỉ!”
Bấy giờ thiền sư mỉm cười, nói đệ tử: “Con thử nghĩ xem, như thế há chẳng phải tốt hơn sao, sau 3 năm nữa, trong thôn sẽ tràn đầy cả mùi hương hoa cúc rồi!”
“Cả một thôn tràn đầy hương hoa cúc!” Trong lòng đệ tử đầy sự háo hức, nhìn thiền sư, chỉ thấy trên nét mặt của ngài nở nụ cười còn rạng rỡ hơn cả những đóa hoa cúc đẹp nhất trong vườn.
Thiền sư dạy: “Cùng hưởng chung sự vật tốt đẹp với người khác, cho dù bản thân mình chẳng có gì cả, nhưng trong lòng cảm thấy hạnh phúc! Bấy giờ chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc thật sự”.