Phật nói, người không biết sẽ chịu tổn hại lớn nhất. Người không biết không rõ được chân tướng, luôn làm việc theo cảm tính, vừa làm tổn thương người khác và cũng làm tổn thương chính mình. Chúng ta không chỉ muốn làm người có lý trí, mà còn phải làm người trí tuệ, chỉ như thế, chúng ta mới nhìn thấu suốt cuộc đời.
Không phải không biết là không có tội
Không biết là không hiểu rõ lý lẽ, không hiểu sự lý thì trong lòng buồn khổ lạc mất cái tôi, dẫn đến làm việc sai trái. Có thể nói, người không biết bị tổn hại lớn nhất. Để không làm người bị tổn hại, chúng ta phải làm một người có trí tuệ vậy.
Lúc đức Phật Thích Ca thuyết pháp luôn tỏ ra hài hòa, thân thiện, thường dạy những sự việc khiến các đệ tử quen thuộc, thích nghe. Mặc dù Ngài đang thuyết pháp, nhưng lời pháp không hề khô khan thiếu ý vị, cũng không cứng nhắc nghiêm nghị giáo huấn mọi người. Vì muốn cho mọi người lý giải được, lời dạy của Ngài luôn có nội dung sâu sắc, thường dùng những ví dụ độ lượng êm tai có ý nghĩa, nên các đệ tử cảm thấy vô cùng gần gũi.
Một ngày, sau khi đức Thích Ca thuyết pháp xong, cố ý dành ra chút thời gian cho các đệ tử nêu vấn đề thắc mắc. Một đệ tử thỉnh cầu Ngài chỉ dạy câu “người không biết không có tội” phải chăng là đích thực.
Với vấn đề này, đức Thích Ca Mâu Ni không trả lời trực tiếp, Ngài đưa ra ví dụ: “Bây giờ có một cục than bị đốt cháy rất nóng, nhưng mắt thường lại nhìn không ra. Nếu bảo ngươi cầm cục than này, thì người biết bị nó đốt cháy tổn thương nghiêm trọng, hay người không biết bị nó đốt cháy tổn thương nghiêm trọng?”
Đệ tử suy nghĩ một lát trả lời: “Phải là người không biết nó đốt cháy bị thương nghiêm trọng. Bởi vì không biết mới không có chút tâm lý chuẩn bị phòng ngừa, lúc bị cháy không kịp áp dụng biện pháp phòng bị”.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hài hòa ôn tồn dạy: “Đúng vậy! Nếu như biết than đốt rất nóng mà vẫn cầm nó, sẽ có ý thức cảnh giác, không một mảy may giám sơ ý, lúc nắm lại không biết dùng sức để nắm. Nếu như người không biết than đốt rất nóng mà cầm, sẽ dùng sức để nắm. Nhưng cũng không phải người không biết không có tội, mà là người không biết thì chịu sự tổn hại lớn nhất. Nhân loại chính vì không hiểu rõ chân lý, nên mới bị quay cuồng trong biển khổ trầm luân vậy”.
Biết tiến biết lui mới là người trí đích thực
Với những việc chúng ta phải làm, sau khi suy nghĩ kỹ phải dũng cảm làm ngay, đừng sợ hãi rụt rè, suy đi nghĩ lại nhiều lần. Nếu không, sẽ bỏ mất cơ hội. Vả lại, trên đường hướng lên phía trước còn phải biết cách thối lui, người biết tiến biết lùi mới là người trí đích thực. Nếu như một mực tiến lên, không biết cách thối lui, rất dễ dẫn đến bị thất bại thảm hại.
Thiền sư Ẩn Phong là đệ tử của thiền sư Mã Tổ, họ đều là những thiền sư nổi tiếng. Mặc dù thân là thầy trò, nhưng thường cùng nhau tham thiền ngộ đạo, học tập lẫn nhau. Ngang tài ngang sức, kỹ năng của thiền sư Mã Tổ cao một trượng, nhưng thiền sư Ẩn Phong cũng chẳng kém bao nhiêu.
Một lần, thiền sư Ẩn Phong đẩy chiếc xe chở kinh sách ngang qua, vừa khéo gặp lúc thiền sư Mã Tổ đang ngồi trên chiếc ghế mây, duỗi chân nghỉ ngơi. Vì đường quá chật, không qua được, thiền sư Ẩn Phong mới xin thiền sư Mã Tổ thu chân lại nhường đường. Nào ngờ, thiền sư Mã Tổ nói rất vô lý: “Ta cứ duỗi chân không thu lại đấy”. Hai người chẳng ai chịu nhường ai, tranh cãi không thôi.
Thiền sư Ẩn Phong e cứ tiếp tục như thế sẽ xảy ra hiểu lầm, thế là ra sức đẩy xe về phía trước. Hậu quả, bánh xe cán lên chân của thiền sư Mã Tổ, đau đến mức miệng ngài cứ la mãi.
Thiền sư Mã Tổ về đến chùa, lập tức triệu tập đại chúng đăng đàn thuyết pháp, trong tay còn cầm cái rìu vô cùng sắc bén. Mọi người thấy tình thế bất lợi, không biết xảy ra chuyện gì. Thiền sư Mã Tổ cầm cái rìu lắc lư, nhìn xuống đại chúng nói lớn tiếng: “Lúc nãy ai cán lên chân làm ta bị thương, mau bước ra đây, ta phải chặt đầu hắn”. Mọi người cùng nhìn nhau bàn tán xôn xao.
Lúc bấy giờ, thiền sư Ẩn Phong bước lên phía trước, đồng thời đưa cổ mình ra.
Thiền sư Mã Tổ nhìn thấy nét mặt Ẩn Phong chẳng lộ vẻ sợ hãi gì cả, bấy giờ đặt búa xuống, nói với vẻ bình tĩnh hòa nhã: “Đối với tiền đồ của mình con chẳng mảy may sợ sệt, có thể đi bất cứ đâu trong đại thiên thế giới”.
Thiền sư Ẩn Phong nghe lời này, liền thu cổ mình về, xong đến cúi đầu đảnh lễ thiền sư Mã Tổ, khom lưng trở về chỗ ngồi. Thiền sư Mã Tổ nhìn khắp tất cả, một lần nữa lại khen ngợi tán thán: “Có thể tiến có thể lùi, đó chính là pháp khí chân chính”.
Khi đánh giá vấn đề gì đừng nhìn một phía
Sự vật gì cũng có hai mặt, nhìn nhận vấn đề đừng chỉ nhìn một phía. Có thể sự vật bên ngoài giống nhau, có thể cách nhau khá xa; mà sự vật bên ngoài không giống nhưng ngược lại tương đồng về chất. Không ít sai lầm trong cuộc sống đôi lúc vì nhìn không được điểm này mà sinh ra vậy.
Trong ngôi chùa nọ, có một hòa thượng trú trì và hai đệ tử. Một lần, hai đệ tử trông thấy con ong mật bay vào phòng, ong mật dùng hết sức bay hướng ra ngoài cửa sổ, nhưng lại bị mặt kính quá dày của cửa sổ chắn lại, hết lần này đến lần khác đều rơi xuống một cách uổng công.
Bấy giờ đệ tử thứ nhất nói: “Con ong mật này thật ngu xuẩn, một khi đã biết cách này làm không được, sao còn phải cố gắng làm gì chứ? Làm thế cho dù bay suốt đời đi nữa cũng không thể nào thành công”.
Từ đó vị này lĩnh ngộ được: Trên đời có những việc không nên gò bó, lúc cần buông tay thì phải buông tay.
Đệ tử thứ hai nói: “Con ong mật này thật là ngoan cường, nó dũng cảm làm sao, dù thất bại cũng không chịu khuất phục”.
Từ trong đó anh nhận sự gợi ý: Làm người phải giống như con ong mật vậy, chạm thì chạm cho trót (làm gì cũng phải làm cho trót), bại cũng không thỏa hiệp, không lùi bước.
Thế là, hai người bắt đầu tranh cãi, chẳng ai thuyết phục được ai. Cuối cùng, họ đành đi tìm sư phụ nhờ bình luận, phân tích đúng sai: “Rốt cuộc quan điểm của ai mới chính xác đây?”
Lão hòa thượng nói: “Các con ai cũng đúng cả”.
Hai đệ tử không hiểu, họ nghĩ rằng, làm sao có thể cả hai quan điểm đều đúng được? Lẽ nào sư phụ cố tình làm người tốt, không muốn chúng ta phải tranh cãi nữa? Lão hòa thượng nhìn thấu tâm tư họ từ lâu, ngài mỉm cười, sau đó mang ra một cái bánh đa lớn, bảo bẻ chiếc bánh đa làm đôi. Hai đệ tử làm theo.
Lão Hòa thượng hỏi: “Hai nửa miếng bánh đó, con nói nửa cái nào ngon, nửa cái nào không ngon?”
Cả hai đệ tử đều trả lời không ra.
Lão hòa thượng nói: “Các con luôn thấy được chỗ khác nhau mà không thấy được chỗ giống nhau, sự sai khác về mặt hình thức mà che giấu sự tương đồng về mặt chất”.
Cứ ôm mộng tưởng hư ảo thì nỗ lực mãi cũng chỉ uổng công
Mỗi người đều có giấc mộng tốt đẹp, khi có giấc mộng, nhiều người đem hết sức thực hiện nó. Điều đáng tiếc là, rất ít người thực hiện được giấc mơ. Người không thực hiện được giấc mộng thường là do giấc mộng này hư huyễn, không thực tế. Đối với giấc mộng này, dù có nỗ lực cũng chỉ uống công mà thôi.
Ngày xưa, một quốc vương có tiểu công chúa dáng vẻ rất linh lợi, hoạt bát. Quốc vương xem công chúa như ngọc minh châu, không nỡ dạy dỗ, hễ thứ gì công chúa yêu cầu, quốc vương từ xưa đến nay chưa hề từ chối, quốc vương chỉ hận một nỗi không thể hái được những ngôi sao trên trời để công chúa trang điểm thêm lộng lẫy mà thôi.
Công chúa được sự cưng chiều, bao bọc của quốc vương, dần dần trở thành một thiếu nữ 13 - 14 tuổi rất xinh đẹp, tự biết trang điểm. Một ngày, sau khi cơn mưa xuân tạnh ráo, công chúa dẫn theo người tỳ nữ dạo chơi trong vườn hoa hoàng cung, công chúa nhìn thấy đóa hoa trên cành cây, nụ hoa còn đọng lại những giọt nước mưa như những hạt minh châu, tỏ rõ thêm nét yêu kiều diễm lệ; cây cối rậm rạp, lộc non xanh biếc đập vào mắt người. Công chúa đang thưởng thức cảnh trí, bỗng mắt công chúa bị hấp dẫn bởi cảnh đẹp kỳ lạ trong hồ hoa sen. Thì ra, trên lá sen trong hồ có những hạt nước đọng lại, óng ánh tròn trịa, nhấp nháy đến lóa cả mắt.
Công chúa mê mẩn như quên cả mình. Đột nhiên công chúa bèn nghĩ ra một ý tưởng kỳ lạ: Nếu như đem những hạt thủy châu này xâu thành vòng hoa cài lên tóc, chắc hẳn sẽ đẹp vô cùng!
Nghĩ vậy, thế là công chúa bảo người tỳ nữ vớt những hạt thủy châu lên, nhưng khi tay người tỳ nữ vừa kịp chạm vào, những hạt thủy châu đó bị vỡ ra chẳng còn gì. Mày mò rất lâu, công chúa đứng đợi bên hồ sốt ruột, cảm thấy không vui, còn người tỳ nữ thì đứng trong hồ vớt những hạt thủy châu đến nỗi lòng như lửa đốt. Công chúa cuối cùng chịu không nổi, tức giận đùng đùng bỏ đi. Cô chạy về hoàng cung, sau đó dẫn quốc vương đến bên hồ sen, nhìn những hạt thủy châu sáng lấp lánh trong hồ và thưa: “Thưa phụ vương! Phụ vương luôn bảo người thương yêu con nhất, nếu con cần thứ gì phụ vương đều chiều theo ý con. Vậy con muốn vớt những hạt thủy châu trong hồ này kết thành vòng hoa làm đồ trang sức, phụ vương bảo người làm cho con được không?”
“Con gái ngốc à! Hạt thủy châu mặc dù rất dễ thương, nhưng suy cho cùng đó chỉ là những thứ hư ảo không thật, sao có thể làm thành vòng hoa được chứ? Phụ vương sẽ tìm cho con những hạt trân châu lóng lánh khác, nhất định đẹp và quý hơn những hạt thủy châu kia nhiều!” Quốc vương nhìn công chúa với ánh mắt trìu mến thương yêu vô hạn.
“Con không cần! Không cần! Con chỉ muốn vòng hoa bằng thủy châu thôi, không cần những hạt minh châu óng ánh nào cả. Nếu như phụ vương không cho, con không muốn sống nữa đâu”. Công chúa khóc lóc làm náo loạn cả lên rồi kiêu ngạo buông thả tất cả.
Quốc vương bó tay chẳng có sách lược nào cả. Vua đành cho gọi các đại thần trong triều tập hợp tại vườn hoa. Vua lo lắng bồn chồn bàn bạc với các đại thần: “Này các đại thần! Các khanh hãy gọi cho trẫm những người thợ có tay nghề khéo léo nhất trong nước, hay trong số các khanh nếu ai có đủ kỹ thuật kỳ lạ, lấy những hạt thủy châu trong hồ, rồi xâu lại thành vòng hoa đẹp nhất cho công chúa, trẫm nhất định sẽ trọng thưởng”.
“Thưa bệ hạ! Hạt thủy châu là thứ sinh diệt trong chốc lát, khi ta tiếp xúc sờ vào, nó sẽ bị vỡ tan ngay, vậy sao có thể kết thành vòng hoa được chứ?” Các quan đại thần đưa mắt nhìn nhau, chẳng biết phải làm thế nào cho tốt cả.
“Hừ! Một việc hết sức đơn giản như thế, các khanh chẳng có cách nào làm được hay sao, bình thường trẫm đối xử với các khanh tốt như thế nào chứ? Nếu không có cách nào làm hài lòng được mong muốn của công chúa, tất cả các khanh phải mang đầu đến gặp trẫm”. Quốc vương nói với giọng đầy đe dọa.
Thế là chẳng còn cách nào khác, các quan đại thần đành phải mời đến một vị trú trì trong chùa nọ, nghe nói ngài là người có trí tuệ nhất định sẽ có cách.
Bấy giờ trú trì nói: “Xin quốc vương bớt giận, ta có cách làm được vòng hoa cho công chúa, chỉ có điều ta đã già rồi nên mắt mờ, thật sự ta nhìn không rõ những hạt thủy châu trong hồ kia, hạt nào cũng khá đều đặn và đẹp cả, nếu có thể được hãy mời công chúa tự thân chọn lựa rồi đưa để ta xâu vào.
Công chúa nghe như thế vô cùng vui mừng sung sướng, vội vàng mang gáo cúi mình cong lưng, chăm chỉ vớt lấy những hạt thủy châu mà mình vừa ý nhất. Vốn dĩ những hạt thủy châu có màu sắc ánh sáng nhấp nháy, nhưng khi công chúa vừa chạm nhẹ vào, trong chốc lát nó biến thành bọt cả. Vớt cũng đã khá lâu, nhưng công chúa chẳng cầm lên được một hạt thủy châu nào.
Trú trì có trí tuệ sáng suốt nói với công chúa đang ủ rũ mặt mày một cách hài hòa: “Thủy châu vốn là thứ sinh diệt vô thường, nó không thể tồn tại lâu dài được. Nếu đem hy vọng của một đời người xây dựng trên hiện tượng như một thứ hư ảo giả dối không thật, chỉ tan biến trong nháy mắt này, kết quả tất nhiên là sẽ không được thứ gì cả”.
Đối nhân xử thế không nên chỉ nhìn bên ngoài
Muốn đánh giá một sự việc, thì phải xem giá trị bên trong của nó, chứ không nên chỉ nhìn bên ngoài. Cũng vậy, khi đánh giá người khác, phải xem nội tâm, nhìn hành động thực tế của họ. Một số người trang điểm bên ngoài rất đẹp, nhưng bên trong là giẻ rách mà thôi. Còn một vài người tuy không chú ý trang điểm, nhưng là người trí tuệ đích thực, thực sự có lý tưởng có tư cách.
Thiền sư Nhất Hưu nổi tiếng thông minh trí huệ, linh hoạt thích ứng với mọi hoàn cảnh. Lúc người khác phạm sai lầm, từ xưa đến nay không hề trực tiếp khuyên bảo, để mặc cho người đó tiếp tục sai, sau đó đợi thời cơ thích hợp, ngài mới dùng phương thức hài hước, phù hợp, khéo léo chỉ ra lỗi lầm của đối phương, khiến người ta tiếp nhận giáo dục trong sự thoải mái, tự phản tỉnh một cách sâu sắc.
Đệ tử của thiền sư Nhất Hưu có một người làm chức tướng quân. Hôm đó, đệ tử này thỉnh ngài đến phủ ông dùng cơm chay, thiền sư Nhất Hưu vui vẻ đồng ý. Sau khi ngài giảng kinh pháp cho các đệ tử xong, như lời đã hẹn, liền đến phủ tướng quân. Vì lúc đến vội vàng không kịp thay y phục, người giữ cửa thấy ngài y phục rách rưới cũ kỹ, cho là hòa thượng xấu từ đâu đến, bất luận thế nào cũng không chịu cho vào. Thiền sư Nhất Hưu chẳng còn cách nào khác, đành phải quay về thay chiếc cà sa mới toanh, bấy giờ người giữ cửa mới cho ngài vào.
Tướng quân đứng ngồi không yên, cứ trông bên này ngóng bên kia, vẫn không thấy bóng dáng thiền sư Nhất Hưu đâu cả, lòng không ngăn được lo lắng sốt ruột. Bấy giờ, ông muốn ra cổng xem, vừa đúng chạm trán ngay với thiền sư Nhất Hưu đi vào. Thấy Thiền sư Nhất Hưu đắp một chiếc cà sa mới toanh, tướng quân cảm thấy kỳ lạ, nhưng cũng không hỏi nhiều, chỉ mời thiền sư vào nhà khách.
Lúc bắt đầu dùng cơm, thiền sư Nhất Hưu không chịu ăn, chỉ lấy thức ăn cho vào tay áo của mình. Tướng quân thấy thế, ông càng thêm bồn chồn, cuối cùng không thể nhịn được hỏi: “Bạch sư phụ, chẳng hay ngài muốn mang một ít thức ăn về cho tăng chúng hay mẹ già ở nhà sao? Nếu như thế, xin ngài dùng trước đi, một lát con sẽ bảo người hầu mang đến cho họ được chứ gì”.
Thiền sư Nhất Hưu nói: “Hôm nay ông mời chiếc cà sa của ta dùng cơm, chứ chẳng phải mời ta dùng cơm đâu, nên ta không ăn, mà chỉ cho cà sa ăn thôi”. Tướng quân nghe càng không hiểu gì cả.
Bấy giờ Thiền sư Nhất Hưu mới nói: “Lần đầu đến ta chỉ kịp mặc chiếc y cũ kỹ, nên người giữ cửa của ông chặn ta lại bên ngoài. Ta đành phải trở về thay chiếc cà sa khác, anh ta mới cho ta vào. Vậy là, các ông lấy việc cũ mới của y phục làm tiêu chuẩn mời khách, ta nghĩ rằng, các ông chỉ có thể mời y phục dùng cơm, nên ta đành phải lấy thức ăn cho y phục ăn thôi vậy”.
Tướng quân nghe xong cười vô cùng thoải mái, sau đó ông chìm trong sự suy nghĩ sâu xa.
Nói dối đôi khi cũng tốt
Về phẩm đức tốt đẹp, đại đa số mọi người nghĩ rằng đó phải là quan niệm truyền thống, chẳng hạn như làm điều thiện, kính trọng người già, thương yêu trẻ nhỏ. Thực ra, phẩm đức tốt đẹp không trói buộc về hình thức, vì muốn cho người khác vui vẻ hoặc gỡ tội cho người khác, đôi lúc nói dối hoặc làm một số việc không nên làm, cũng là một phẩm đức tốt đẹp vậy.
Có thanh niên đi thăm một thiền sư trú tại Đại Sơn, họ đang thảo luận vấn đề phẩm chất tốt đẹp.
Lúc bấy giờ, một tên trộm tìm gặp thiền sư, anh ta quỳ xuống trước mặt thiền sư thưa rằng: “Bạch thiền sư, tội lỗi của con quá lớn, nhiều năm nay con ăn không ngon ngủ không yên, thật khó để thoát khỏi sự quấy nhiễu của tâm ma, cho nên con mới đến tìm đây, xin ngài hãy thanh lọc tâm hồn cho con”.
Thiền sư nói với anh ta: “Có thể ngươi đã tìm nhầm người, nghiệp chướng tội lỗi của ta có thể còn nặng hơn so với ngươi nữa đó”.
Tên cường đạo nói: “Con đã từng làm rất nhiều việc xấu”.
Thiền sư cũng nói: “Những việc xấu mà ta từng làm chắc chắn còn nhiều hơn ngươi”.
Tên cường đạo lại nói: “Con từng giết rất nhiều người, hễ nhắm mắt lại con có thể nhìn thấy máu tươi của họ”.
Thiền sư cũng trả lời: “Ta cũng từng giết rất nhiều người, nên không cần nhắm mắt ta cũng có thể nhìn thấy máu chảy của họ”.
Tên cường đạo nói: “Những việc con làm quả thực chẳng có tính người”.
Thiền sư trả lời: “Ta cũng không dám nghĩ những việc trước đây ta làm là những việc chẳng có tính người”.
Tên cường đạo nghe thiền sư nói như thế, hắn ta nhìn thiền sư với ánh mắt khinh bỉ rồi nói: “Một khi ông đã là người như thế, sao còn ở đây tự xưng là thiền sư, lừa người khác làm gì chứ!”. Thế rồi anh ta nhẹ nhàng đứng dậy đi xuống núi.
Người thanh niên đứng bên cạnh nãy giờ chẳng nói lời nào, đợi đến khi tên cường đạo đi xa, liền vội đến trước thiền sư hỏi với vẻ mặt đầy nghi hoặc: “Vì sao ngài phải nói như thế, con rất hiểu ngài là một vị đạo cao đức trọng, trong suốt cuộc đời ngài chưa hề sát sinh, sao ngài lại biến mình thành một người xấu không thể tha thứ vậy chứ? Lẽ nào ngài không nhìn thấy trong mắt tên cường đạo kia mất đi sự tín nhiệm với ngài hay sao?”
Thiền sư dạy: “Anh ta thật sự không còn tín nhiệm ta nữa, nhưng lẽ nào con không thấy từ trong ánh mắt đó nhìn ra được anh ta có một cảm giác như giải thoát khỏi gánh nặng sao? Vậy còn gì hơn thế nữa khiến cho anh ta bỏ ác làm lành sao?”
Bấy giờ từ xa xa vang lại tiếng gọi vui vẻ của tên cường đạo kia: “Sau này con sẽ không bao giờ làm người xấu nữa!” Âm thanh này vang đến tận thâm sơn cùng cốc.
Người thanh niên nói một cách cảm động: “Cuối cùng con đã hiểu rõ rằng phẩm chất tốt đẹp là gì!”
Sống lâu chưa chắc đã hiểu lòng người
Cho dù bạn có cảnh giác cao độ, trải qua sự quan sát lâu dài, cũng rất khó nhìn rõ tâm tư một người. Dễ dàng tin vào sự phán đoán của mình, mà lại dễ dàng tin người khác, thường bị người khác lừa dối. Về quan điểm này, câu chuyện kinh điển “nếm mật nằm gai” từng là cách giải thích tốt nhất cho chúng ta rồi.
Ngày xưa, trên ngọn núi nọ có một ngôi chùa, trong ngôi chùa đó có một vị hòa thượng. Vị hòa thượng này tuổi tác cũng đã gần 60, thêm vào đó cũng dành dụm được một số tiền, liền nghĩ đến việc tìm kiếm một chú tiểu thật thà, phẩm đức đoan chính để kế thừa y bát của mình.
Ngày nọ, một thanh niên đến chùa xin gặp lão hòa thượng, bày tỏ muốn được xuất gia. Lão hòa thượng chẳng biểu lộ thái độ gì, bảo anh ta đứng hai canh giờ dưới ánh nắng mặt trời. Bấy giờ đang là giữa mùa hè, ánh nắng gay gắt như thiêu như đốt, một lát sau, khắp người thanh niên đầm đìa mồ hôi, không đứng nổi nữa, nhân lúc hòa thượng không có mặt, bèn lén đi xuống núi vùng lân cận.
Mấy ngày sau, lại có một kẻ hậu sinh đến chùa, cầu xin một cách thành khẩn để được xuất gia, thỉnh cầu lão hòa thượng thâu nạp làm đồ đệ. Lão hòa thượng cũng không đồng ý ngay, trước tiên, bảo anh ta đến bên con suối nhỏ rửa than củi hai canh giờ. Kẻ hậu sinh cảm thấy rửa than củi như là một trò trêu người, nên vứt bỏ than củi mà nghênh ngang bỏ đi. Lão hòa thượng nhìn thấy, lắc đầu liên tục.
Một thời gian trôi qua, lại có một thanh niên băng núi vào cổng chùa, cúi đầu quỳ lạy lão hòa thượng, phát thệ trọn đời xuất gia, không còn vướng mắc bụi trần nữa, cầu xin lão hòa thượng khai ân thâu nhận anh ta làm đệ tử. Lão hòa thượng thấy lòng của anh ta kiên quyết xuất gia như vậy, hơn nữa lại là người có lễ độ, trong lòng cũng có một phần ưa thích. Ngài liền dặn dò người thanh niên trước hết phải đứng dưới ánh nắng mặt trời hai canh giờ, sau đó mới vào chùa gặp mặt nói chuyện. Người thanh niên không nói thêm điều gì cả, thật thà đứng dưới ánh nắng mặt trời hai canh giờ, trên thân đã cháy một lớp da, lão hòa thượng trông thấy, trong lòng tăng thêm vài phần hoan hỷ. Tiếp đến lão hòa thượng bảo anh ta đi rửa than củi, người thanh niên không một lời oán thán đi nhặt than củi, rồi lấy chân rửa hai canh giờ. Lão hòa thượng thấy thanh niên này là người có nề nếp, lại nho nhã lễ độ, thành thật nghe lời, nên tự tin thâu nhận làm người đệ tử tốt.
Lại nói sau khi tiểu hòa thượng vào chùa thì vô cùng xuất chúng, hơn một tháng, những việc mà tiểu hòa thượng làm khiến lão hòa thượng bằng lòng vừa ý, trước mặt mọi người hay sau lưng lão hòa thượng cũng nói những mấy lần: “Nhận được một đồ đệ thật thà hiền minh như thế, hòa thượng tôi thật là có duyên tu từ đời trước vậy!”
Lại một tháng nữa trôi qua. Hôm đó lão hòa thượng phải xuống núi hóa duyên, dặn dò đơn giản mấy câu với tiểu hòa thượng, rồi yên tâm ra đi. Đợi đến ba ngày sau khi lão hòa thượng quay về, trong chùa đã bị cướp sạch không còn thứ gì cả, chỉ thấy trên tường lưu lại bốn câu kệ:
Thật thà đứng dưới mặt trời
Thật thà rửa sạch bụi đời củi than
Đợi khi hòa thượng xuất môn
Thật thà gánh hết chẳng còn thứ chi.
Ai cũng có thể giàu sang
Trong cuộc sống, con người thích dùng ánh mắt bợ đỡ để nhìn người khác, khi người khác lâm cảnh khốn cùng thất ý thì lạnh nhạt, xem thường. Nhưng bần cùng và thất ý không thể theo bạn suốt đời, ai cũng có thể trở nên giàu có, người xem thường người khác cuối cùng cũng bị người khác xem thường mà thôi.
Ngày xưa, trong thôn Bát La có một người tên Già Bạt Tra. Gia đình anh ta trải qua mấy đời đều là triệu phú, nhưng đến đời anh ta thì gia cảnh bắt đầu sa sút, cuối cùng nghèo đến chẳng còn thứ gì cả. Tất cả bạn bè vốn thân thiết đều tỏ ra lạnh nhạt, bỏ rơi anh, nhìn anh bằng ánh mắt khinh miệt.
Thế là Già Bạt Tra rời xa nơi đã khiến anh đau lòng này, để đến một nước khác và bắt đầu cuộc sống mới. Nhiều năm trôi qua, Già Bạt Tra kiếm được số tiền cũng kha khá, anh vượt đường xa trở về thăm quê hương.
Bạn bè thân hữu nghe tin anh trở về nước, thái độ vốn có trước đây hoàn toàn thay đổi, họ rộn ràng mang vật thực, hương hoa, còn chuẩn bị các trò giải trí, đến giữa đường nghênh đón. Già Bạt Tra biết được, anh cố ý mặc áo quần rách nát cũ kỹ, hòa lẫn trong đám người hầu đang đi về phía trước.
Lúc rời xa quê hương Già Bạt Tra còn là một thanh niên, nhưng nay đã trở thành phú ông tuổi tác khá cao, đương nhiên chẳng ai nhận ra được diện mạo của ông cả.
“Xin hỏi vị nào là tiên sinh Già Bạt Tra áo gấm trở về quê vậy?” Những người bạn lẫn vào trong hàng ngũ đang đi để nghe ngóng hỏi thăm.
Ông biểu lộ vẻ mặt lạnh lùng trả lời: “Ở phía sau đấy!”
Thế là mọi người đều quay về phía sau hỏi thăm. “Xin hỏi vị nào là tiên sinh Già Bạt Tra vậy?”
“Vị đi đầu tiên chính là Già Bạt Tra đấy”.
Những người bạn này vừa nghe xong liền quay đầu đi tìm Già Bạt Tra, họ trách hỏi: “Chúng tôi đặc biệt đến đây đón ông, thế mà ông bảo là ở phía sau, thì ra là lừa chúng tôi, sao ông phải làm thế chứ?”
Không ngờ, Già Bạt Tra trả lời một cách lạnh nhạt: “Các ông muốn thăm người có tên là Già Bạt Tra đang ngồi trong bao tiền trên lưng con lạc đà phía sau chứ gì. Nhưng tôi không phải tên Già Bạt Tra mà các ông muốn tìm đâu! Năm đó, lúc tôi đi đến bước đường cùng chẳng còn gì cả, các ông có lo cho tôi không, mà giờ đây lại bận rộn đến đón tôi chứ. Trên thực tế, các ông không phải đến nghênh đón tôi, chẳng qua các ông chỉ đang nhớ đến tài sản của tôi mà thôi. Trên lưng con lạc đà phía sau đang chở những thứ tài sản ấy đó!”.