Phật nói, đừng chịu khuất phục. Đối thủ này có thể là kẻ địch của bạn, có thể khiến bạn lâm vào cảnh khốn cùng, cũng có thể là bạn. Ai cũng sẽ có lúc gục ngã, quan trọng là bạn có thể đứng dậy hay không; và khi đối diện với cái thắng và thua, thái độ của bạn như thế nào.
Đừng nên một mực tuân theo khuôn mẫu
Sự vật luôn thay đổi không ngừng, vấn đề trong đời sống không có đáp án hiện thực, cũng không tuân thủ theo khuôn mẫu cố định. Cho nên, khi gặp việc phải suy nghĩ độc lập, tùy cơ ứng biến, mới nắm được quyền chủ động, thậm chí biến thế bị động thành thế chủ động.
Ở Nhật Bản có hai ngôi chùa, tăng chúng trong hai ngôi chùa đó nếu như đi chợ mua thức ăn, nhất định phải đi ngang qua ngôi chùa kia. Mỗi lúc gặp như vậy, chúng tăng chùa này hay bày trò “đấu pháp”. Sáng sớm nọ, một tiểu hòa thượng đi chợ mua thức ăn, vừa ngang qua trước cổng chùa kia, gặp tiểu hòa thượng trong chùa này đi ra, chặn ngay tại đường đi.
“Chú đi đâu vậy?” - Chú tiểu này hỏi.
“Chân đi đến đâu, tôi sẽ đi đến đó!” - chú tiểu đi mua thức ăn trả lời.
Chú tiểu vừa hỏi không thể trả lời được, thất bại một trận, đành trở về cầu xin sư phụ chỉ dạy cho mình.
Sư phụ suy nghĩ trù tính rồi nói: “Ngày mai con tiếp tục hỏi chú tiểu đó, nếu tiểu hòa thượng vẫn trả lời như cũ, thì con hỏi, nếu không có chân vậy chú sẽ đến đâu? Nhất định sẽ không trả lời được!”
Thế là ngày hôm sau, từ sáng sớm tiểu hòa thượng này đã đợi ngay trước cổng, cho rằng lần này mình nhất định thắng cuộc! Vừa nhìn thấy chú tiểu đi mua thức ăn hôm qua xách giỏ đi ngang, chú tiểu này liền xông lên trước hỏi: “Chú đi đâu vậy?”
“Gió đưa tôi đi đâu thì tôi đi đến đó!” Chú tiểu không chút hoang mang trả lời. Chú tiểu vừa hỏi lại một lần nữa bị bế tắc, cậu ta chẳng biết trả lời thế nào cả, một lần nữa đành trở về cầu xin sự chỉ dạy của sư phụ.
Lần này sư phụ có chút không vui: “Sao con lại ngốc thế chứ? Con phải hỏi nếu như không có gió, chú sẽ đi đến đâu? Nhất định nó sẽ trả lời không ra!” Sư phụ còn bổ sung một tí nên nói, “nếu lần sau chú tiểu đó trả lời theo các danh mục chẳng hạn như, nước đi đến đâu thì tôi đi đến đó. Thế thì con nên hỏi nó, nếu không có nước, vậy chú đi đâu? Chắc chắn nó sẽ trả lời không được!”
Nghe xong những lời của sư phụ, chú tiểu này vô cùng vui mừng! Trong lòng nghĩ rằng, ngày mai nhất định mình sẽ thắng. Xem thử ngươi có thể biến dạng thế nào đây!
Thế là hôm sau, chú tiểu lại đứng đợi ở cổng chùa từ rất sớm, vừa nhìn thấy chú tiểu đi mua thức ăn xách giỏ ngang qua, liền xông lên chắn ngay trước mặt hỏi: “Chú đi đâu vậy?”
“Tôi đi chợ mua thức ăn”. Chú tiểu không một chút hoang mang trả lời.
Chú tiểu vừa hỏi nghe xong, sững sờ cả người.
Trải qua phong ba bão tố cuộc đời mới ý nghĩa
Muốn để một tách trà có mùi thơm mát nhẹ nhàng, lá trà phải được ngâm nhiều lần với nước sôi. Đời người cũng như thế, chỉ có trải qua sự khảo nghiệm gian khổ, mới có mùi có vị.
Một người thanh niên đã nhiều lần bị mất ý chí, bèn đến chùa Phổ Tế, anh ta rất ngưỡng mộ lão thiền tăng Thích Viên nên tìm đến ngài. Chàng trai ủ rũ thưa với lão thiền tăng: “Cuộc đời luôn không như ý, sống cũng chỉ là sống cẩu thả tạm bợ, đâu có ý nghĩa gì chứ?”
Ngài Thích Viên yên lặng lắng nghe than vãn của người thanh niên, sau đó ngài dặn dò chú tiểu trong chùa: “Thí chủ này từ xa đến, con hãy đun nước ấm để pha trà”.
Chưa đầy một lát, chú tiểu mang nước ấm đến. Ngài Thích Viên bốc một nắm trà bỏ vào ly, rồi dùng nước ấm pha trà, lá trà lẳng lặng nổi lên trên. Người thanh niên kia không hiểu nên hỏi ngài rằng: “Sao lão tăng lại dùng nước ấm để pha trà như thế chứ?” Ngài Thích Viên chỉ cười mà chẳng nói gì. Người thanh niên uống một ngụm trà, bất giác lắc đầu: “Chẳng có một chút hương vị trà nào cả”. Thích Viên nói: “Đây chính là trà Thiết Quan Âm nổi tiếng đấy”.
Ngài Thích Viên lại nói với chú tiểu: “Con hãy đi lấy nước sôi lại đây”. Một lát sau, chú tiểu liền mang một ấm nước sôi vào.
Ngài Thích Viên lại lấy một cái ly, bỏ trà vào, sau đó chế nước sôi. Lá trà chìm nổi lên xuống trong ly, hương thơm nhè nhẹ. Thích Viên lại lấy ấm chêm vào một ít nước sôi, lá trà lại sôi lên cuồn cuộn thật là lợi hại, hương trà càng nồng đậm. Thích Viên dùng nước chế vào 5 lần như thế, ly nước cuối cùng đã đầy, nước trà có màu trong xanh, hương thơm đập vào mũi, chỉ cần nhấp một ngụm thì nó đã thấm vào gan ruột.
Ngài Thích Viên cười và hỏi: “Thí chủ có biết, cùng là một loại trà Thiết Quan Âm, nhưng vì sao mùi vị của trà lại khác nhau không?” Người thanh niên suy nghĩ một lát và thưa: “Bởi vì cách pha trà không giống nhau”.
Ngài Thích Viên gật đầu: “Dùng nước không giống nhau, thì sự chìm nổi của những lá trà cũng sẽ không giống nhau. Dùng nước ấm pha trà thì lá trà sẽ nhẹ nên nổi lên, làm sao có thể tỏa ra hương thơm được chứ? Còn dùng nước sôi để pha trà, ngược lại cho dù chế đi chế lại mấy lần, lá trà chìm chìm nổi nổi, cuối cùng nó cũng sẽ nhả ra hương vị bốn mùa - nó vừa có sự u nhã tịch mịch của mùa xuân, vừa có sự nồng nực của mùa hạ, lại có sự dồi dào của mùa thu và cái lành lạnh của mùa đông nữa. Chúng sinh nhiều như cỏ vân hương, hà cớ gì mà không thưởng thức lá trà trầm lặng ư? Một vài người chưa từng trải qua phong ba bão tố, cũng giống như trà mà chế bằng nước ấm vậy, chỉ có cuộc sống nổi trôi bề ngoài mà thôi, vốn dĩ ngâm không ra hương thơm của sinh mạng; mà một số người khi đã trải qua phong ba bão tố, cũng giống như được dùng bằng nước sôi đậm đặc để chế trà vậy, trải qua mấy độ tang thương chìm nổi, mới có được mùi hương thơm thấm vào đến tận gan ruột của người vậy”.
Ngã chỗ nào nên đứng dậy chỗ đó
Đường nhân sinh, nếu đánh ngã chỗ nào, thì lập tức đứng dậy từ chỗ đó, đây là một thứ khí phách không hề chịu thua. Một người không thể cứ bị đánh ngã mãi, chỉ cần biết đứng lên, thì sẽ thành công.
Một người cha rất đau khổ vì con trai mình. Bởi vì con của ông đã 15 - 16 tuổi, nhưng một chút khí khái của trang nam tử hán cũng chẳng có. Thế là, người cha liền đến bái kiến một thiền sư nổi tiếng, cầu xin ngài dạy dỗ cho con trai.
Thiền sư nói: “Ông hãy đưa con ông đến ở cạnh ta, ba tháng sau, ta nhất định sẽ huấn luyện nó trở thành một trang nam tử hán chân chính. Có điều, trong ba tháng này, ông không được đến thăm nó”. Người cha đồng ý ngay.
Ba tháng sau, người cha đến đón con trai. Thiền sư sắp xếp cho con trai ông và huấn luyện viên tay không tiến hành cuộc so tài, để trình bày thành quả huấn luyện sau ba tháng.
Huấn luyện viên đưa tay ra, người con té nhào xuống đất. Cậu liền đứng dậy tiếp tục nghênh chiến, nhưng bị đánh ngã ngay lập tức, cậu lại đứng dậy… hết lần này đến lần khác như thế tổng cộng mười mấy lần.
Thiền sư hỏi người cha: “Ông cảm thấy sự biểu hiện của con ông đã đủ khí khái trở thành một trang nam tử hán chưa?”
Người cha thưa: “Con quả thật xấu hổ đến chết đi được! Không ngờ con đưa nó đến đây chịu sự giáo huấn ba tháng, nhưng khi xem kết quả nó không chịu nổi cái đánh của người khác thế sao, bị người đánh thì té ngã”.
Thiền sư dạy: “Ta thật đáng tiếc, ông chỉ thấy được sự thắng thua bên ngoài. Nhưng ông thấy không, dũng khí và nghị lực con trai ông khi bị đánh ngã xuống lập tức đứng dậy ư? Đây mới chính là khí khái của trang nam tử hán chân chính đấy!”
Thiên đường và địa ngục chỉ tồn tại trong tâm
Thực ra, thiên đường và địa ngục chỉ là một loại cảm giác. Khi gặp cảnh trong lòng bất mãn, oán hận hay bất hạnh mà đau khổ không chịu được, thế thì bạn đã rơi vào cảnh địa ngục. Còn nếu khi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ hay thực hiện được mục tiêu nào đó bạn cảm thấy hài long, thì đó chính là bạn đang ở thiên đường. Cho nên, thiên đường và địa ngục chẳng phải là nơi nào đó cụ thể, nó chỉ tồn tại trong tâm của mỗi người mà thôi.
Một người tín đồ đến thưa với thiền sư Vô Đức: “Thiền sư! Con đã học thiền nhiều năm, nhưng mãi vẫn chưa thể khai ngộ. Trong kinh sách Phật thường dạy, thiên đường và địa ngục tồn tại thật sự, nhưng con từ xưa đến nay sao vẫn không thể hội được? Con muốn biết, thiên đường và địa ngục rốt cuộc tồn tại chỗ nào?”
Thiền sư Vô Đức vẫn không trả lời, bảo tín đồ đến bờ sông mang về cho ngài một thùng nước.
Tín đồ đi làm theo lời thiền sư dặn, mang về một thùng nước đặt trước mặt thiền sư.
Thiền sư Vô Đức bảo với tín đồ: “Ông cúi đầu nhìn vào xem, nói không chắc ông có thể phát hiện ra thiên đường và địa ngục từ trong thùng nước đấy”.
Tín đồ cảm thấy hơi kỳ lạ, bèn đến gần thùng nước rồi tập trung tinh thần tìm kiếm.
Lúc bấy giờ, thiền sư Vô Đức đột nhiên đứng ở phía sau nắm chặt lấy cổ ông, đồng thời nhận chìm đầu ông ta vào thùng nước. Tín đồ giãy giụa hết sức đau khổ, hơi thở như sắp đứt đến nơi, lúc này, thiền sư Vô Đức mới bắt đầu thả lỏng tay ra.
Tín đồ há hốc mồm thở, tức giận hỏi thiền sư: “Thiền sư, ông làm thế là có ý gì? Ông đem đầu con nhận vào thùng nước, khiến con dường như tắt thở, con cảm thấy điều đó quả thật như địa ngục vậy”.
Thiền sư Vô Đức mỉm cười hỏi: “Thế thì, bây giờ ông cảm thấy thế nào?”
“Bây giờ thì tốt quá rồi, thật sự rất thoải mái, con cảm thấy như đang ở thiên đường vậy!”
Tiền sư Vô Đức gật gật đầu hỏi: “Chỉ một chút công phu trong nháy mắt mà ông đi từ địa ngục đến thiên đường, bây giờ ông còn lý do gì để không tin có sự tồn tại của thiên đường và địa ngục nữa không?”
Đừng vì sự vui vẻ nhất thời mà mất đi tự do suốt đời
Tham muốn niềm vui nhất thời là nhược điểm chết người của tính người. Từ xưa đến nay, vì không ngăn được sự mê hoặc của tiền bạc mà phần đông con người bị thân bại danh liệt. Do đó, muốn có cuộc sống hạnh phúc yên tịnh, chúng ta phải biết chế ngự lòng tham dục của mình, không nên vì chút vui vẻ nhất thời mà mất đi tự do suốt đời vậy.
Ngày xưa có vị Bồ Tát hóa thân làm chim bồ câu. Bồ câu dẫn dắt theo thuộc hạ của mình hơn 500 con bồ câu bay đến vườn ngự uyển của quốc vương nọ để tìm kiếm thức ăn.
Quốc vương sau khi thấy, liền hạ lệnh cho mọi người giăng lưới, kết quả Bồ câu chúa và cả đàn bồ câu 500 con đều bị sa lưới, không con nào trốn thoát cả. Quốc vương sai người đem nhốt tất cả bồ câu vào lồng, đem thóc gạo và thịt nuôi chúng, dùng cho những bữa tiệc ngon sau này.
Chim chúa sau khi bị nhốt vào lồng, bắt đầu một lòng hướng Phật, đồng thời sám hối những lỗi lầm của mình, khởi lên niệm thiện, mong rằng có thể khiến cho những con chim kia được trốn thoát, tránh xa tai nạn.
Chim chúa nói với đàn chim: “Trong kinh đức Phật dạy, giới tham là một trong những giới nặng nhất, vì tham mà người giàu sang phú quý, cũng như người nghèo khổ đói khát, đều có sự tham muốn ăn uống như nhau, chỉ vì muốn tìm được sự vui vẻ nhất thời. Cho nên các ngươi chỉ cần tuyệt thực, không ăn những thứ cao lương mỹ vị, thì có thể bảo toàn tính mạng”.
Cả bầy chim liền nói: “Tất cả chúng ta đều bị nhốt trong lồng này rồi, còn hy vọng gì nữa chứ?”
Chim chúa nói: “Người tham lam không biết được chỗ tốt của nó”. Thế là chim chúa bắt đầu tuyệt thực, dần dần thân hình gầy ốm trông thấy, đến lúc có thể bay ra được từ một lỗ hổng nhỏ, nó lại nói với bầy chim: “Nếu các ngươi có thể tuyệt thực, thân hình trở nên gầy ốm như ta bây giờ, các ngươi có thể bay ra một cách tự do vậy”.
Nói xong chim chúa bay từ lồng ra một cách nhẹ nhàng.
Cách tốt nhất để giảm bớt gánh nặng là quên đi sự tồn tại của nó
Chúng ta càng muốn gánh vác nặng nề, thì càng nặng không thể chịu nổi. Trái lại, nếu chúng ta thay đổi suy nghĩ, đặt vào sự việc khác, không quan tâm tới gánh nặng của mình, biết xem nhẹ sự tồn tại của nó, ta trở nên nhẹ nhàng hơn.
Thiền sư Cảnh Hư dẫn theo đệ tử là Mãn Không vân du khắp bốn phương. Mãn Không mới xuất gia không lâu, vẫn chưa quen việc ra ngoài vân du như thế, nên cảm thấy vô cùng mệt nhọc.
Trên đường đi, Mãn Không lẩm bẩm không ngừng, hiềm nỗi túi hành lý quá nặng, muốn tìm nơi nào đó để nghỉ chân. Thiền sư Cảnh Hư trái lại luôn nói: “Đi một lúc nữa, đi một lúc nữa nhé”. Nhưng đi cũng được nửa ngày rồi, thiền sư Cảnh Hư không những không nghỉ chân, trái lại càng đi càng nhanh hơn, Mãn Không theo sau, chạy đến muốn đứt hơi.
Sau khi hai thầy trò đi một đoạn đường khá dài, liền vào một thôn xóm, Mãn Không thưa: “Bạch sư phụ, chúng ta nghỉ ngơi ở đây một lát nhé? Đi nữa con sẽ mệt chết mất”.
Chính ngay lúc đó, một phụ nữ ngang qua, thiền sư Cảnh Hư liền vội chạy theo nắm tay người phụ nữ kia. Cô ta thất kinh sợ hãi thét lên bằng một giọng the thé: “Cứu tôi với! Thật là vô lễ! Lão hòa thượng này thật vô lễ quá!”
Người nhà và hàng xóm của phụ nữ kia nghe thấy tiếng kêu, vội vàng chạy ra, nhìn thấy cảnh tượng này, mọi người vô cùng tức giận, đồng thanh hét lên. Bấy giờ thiền sư Cảnh Hư thấy tình hình bất lợi bèn buông tay cô gái ra, ba chân bốn cẳng chạy. Mãn Không cũng bị dọa cho thất kinh hồn vía, liền cõng túi hành lý trên lưng chạy như bay theo sau thiền sư.
Hai thầy trò chạy như điên trên đường, một khắc cũng không dám dừng lại, trong chốc lát hai thầy trò đã chạy băng qua mấy ngọn đồi. Khi nhìn lại không còn ai đuổi theo nữa, bấy giờ hai thầy trò mới đặt mông ngồi xuống.
Mãn Không lau những giọt mồ hôi chảy dài trên trán, tức giận trách móc thầy: “Sư phụ à, không ngờ thầy lại có thể làm những chuyện như thế. Con theo thầy học tập, còn có thể tham thiền ngộ đạo được sao? Hay là con hoàn tục cho xong”.
Nào ngờ thiền sư Cảnh Hư nghe xong, không những không tức giận, mà còn cười hì hì hỏi Mãn Không: “Bây giờ túi hành lý trên lưng con còn nặng không?”
Mãn Không liền quay đầu nhìn xem, lập tức hiểu ra ngay dụng ý của sư phụ.
Lao động vất vả mới có thể hưởng dụng đầy đủ
Chỉ có trả công cho sự lao động mệt nhọc, chúng ta mới có niềm vui thể hội được sự thành công. Chỉ có dựa vào những thứ bản thân mình lao động được, chúng ta mới có thể hưởng dụng được một cách đầy đủ, trọn vẹn.
Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải đời nhà Đường lập ra một bộ quy tắc trong chùa vô cùng hệ thống, đó chính là bộ “Bách Trượng Thanh Quy” nổi tiếng.
Thiền sư Bách Trượng khởi xướng cuộc sống nông thiền là “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (một ngày không làm, một ngày không ăn). Việc cải cách này từng gặp không ít khó khăn, vì Phật giáo luôn lấy đời sống giới luật làm quy phạm, Thiền sư Bách Trượng lại cải tiến chế độ, lấy nông thiền làm cuộc sống, thậm chí có người còn phê bình thiền sư là ngoại đạo. Mỗi ngày ngoài dẫn dắt đồ chúng tu hành, thiền sư đều phải tự mình chấp lao phục dịch, vất vả lao động, dùng sức lực của mình, cực kỳ chăm chỉ, những công việc tuế toái hằng ngày, ngài không bao giờ để người khác làm thay.
Thiền sư Bách Trượng tuổi tác ngày một già đi, nhưng mỗi ngày ngài vẫn theo chúng lên núi gánh củi, ra đồng cày ruộng, vì cuộc sống nông thiền chính là cuộc sống tự canh tự thực. Các đệ tử không nhẫn tâm để thầy mình tuổi già phải làm những công việc nặng nhọc, vì thế mọi người khẩn cầu ngài đừng theo chúng lao động nữa, nhưng thiền sư Bách Trượng vẫn nói với giọng kiên quyết: “Con người sống ở đời, nếu không tự mình lao động, thì người đó chẳng phải trở thành phế nhân sao?”
Đệ tử không ngăn được quyết tâm phục vụ của thiền sư, đành cất giấu tất cả đòn gánh, cuốc, xẻng mà thiền sư thường dùng hằng ngày, không cho ngài làm.
Thiền sư Bách Trượng chẳng biết làm thế nào, đành dùng cách tuyệt thực để kháng cự, các đệ tử lo lắng bèn hỏi: “Vì sao ngài không ăn uống gì cả vậy?”
Thiền sư Bách Trượng liền nói: “Một khi đã không làm việc, đâu có thể ăn cơm được chứ?”
Đệ tử chẳng còn cách nào khác, đành phải mang dụng cụ trả lại, để ngài theo chúng làm việc.
Hễ cố gắng thì sẽ thành tựu
Năng lực của mỗi người không giống nhau, có lớn có nhỏ. Bất cứ làm việc gì, chỉ cần dựa vào năng lực mình, cố gắng thì sẽ thành tựu.
Đức Phật đang truyền bá giáo pháp tại một nước nọ, quốc vương nước đó liền mở hội cúng dường cho chư Phật và hàng Tỳ kheo.
Lúc bấy giờ, trong đô thành có một bà lão vô cùng nghèo khổ, trong nhà chẳng có vật gì đáng giá, hằng ngày bà chỉ lấy việc ăn xin để nuôi sống bản thân. Nghe nói quốc vương đang mở đại hội cúng dường chư Phật và chúng tăng, trong lòng bà khởi lên tâm niệm vô cùng hoan hỷ. Bà lão cũng muốn cống hiến một chút gì đó đến chư Phật và các Sa môn, nhưng nhìn khắp nơi trong nhà chẳng có vật gì đáng giá, bà chỉ biết cúi đầu than thở.
Bỗng nhiên, bà lão nghèo nhớ ra người ta bố thí cho bà một nắm đậu xanh, trong lòng bà sáng lên tia hy vọng. Bà lão vội đi đến vương cung, muốn đem nắm hạt đậu của mình vào cúng dường đức Phật. Nhưng người giữ cổng thấy bà lão nghèo, áo quần rách rưới luộm thuộm vốc một nắm đậu muốn vào cung cúng dường đức Phật, cảm thấy rất nực cười, nên kiên quyết không cho vào.
Từ xa trong cung đức Phật đã biết việc này, Ngài dùng thần lực lấy nắm đậu trong tay của người đàn bà nghèo kia, đồng thời rải khắp trong tất cả thức ăn quốc vương đang bày ra cúng. Khi ăn các loại thức ăn, quốc vương đều thấy có những hạt đậu, ông vô cùng giận dữ, bèn cho gọi người đầu bếp vào xử phạt.
Đức Phật ở bên vội can ngăn khuyên: “Quốc vương à, sự thật không phải do lỗi của người đầu bếp, những hạt đậu này do bà lão nghèo bên ngoài cung cúng dường đấy”.
Quốc vương vẫn cảm thấy không vui. Thế là đức Phật lại dạy tiếp: “Tâm của bà lão nghèo khổ này thật sự lương thiện, dù chỉ một nắm đậu nhỏ, nhưng cũng có thể phối hợp được với đại vương mở đại thí thực. Cho nên, trong cơm đều có những hạt đậu”.
Quốc vương nói với vẻ khinh thường: “Những hạt đậu này tính vào đâu được chứ, làm sao so sánh với sự bố thí sâu dày của ta?”
Đức Phật dạy: “Nắm hạt đậu của bà lão tuy ít ỏi, nhưng phúc thiện bà thu được trong tương lai hẳn sẽ nhiều hơn đại vương”.
Quốc vương hỏi một cách không hiểu: “Lẽ nào ta dùng những thức ăn sơn hào hải vị cúng dường chúng Tỳ kheo, mà công đức bố thí đó lại nhỏ hơn nắm đậu của bà lão nghèo kia sao?”
Đức Phật giải thích cho quốc vương nghe: “Nắm hạt đậu của bà lão nghèo tuy ít, nhưng bà lại đem hết những gì mình có để cúng dường bố thí; còn quốc vương, dù của bố thí tuy nhiều nhưng trái lại nó hoàn toàn tích góp từ dân chúng, với tài sản của quốc vương chẳng có mảy may hao tổn gì. Cho nên mới nói sự bố thí của bà lão nghèo rất nhiều, còn sự bố thí của quốc vương thì rất ít, vì vậy phúc thiện của bà lão thu được nhất định sẽ nhiều hơn quốc vương”.
Quốc vương nghe được những lời chỉ dạy sâu sắc của đức Phật, lập tức cho mời bào lão nghèo khổ vào cung.
Cho đi lòng thương yêu sẽ nhận được châu báu vô giá
Kho báu vô giá thực sự không phải những thứ kim cương hay đồ cổ có giá trị liên thành, mà là sự lương thiện và lòng thương yêu. Khi chúng ta giúp đỡ kịp thời người đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng, chúng ta mới nhận được châu báu vô giá thực sự vậy.
Tướng quân Túc Lợi mời thiền sư Nhất Hưu nổi tiếng đến nhà dùng trà, ông nhiệt tình mang tất cả đồ cổ quý báu trong nhà ra cho thiền sư xem, từng cái từng cái một đưa cho thiền sư giám định, thưởng thức, đồng thời không ngừng hỏi cảm nghĩ của thiền sư Nhất Hưu.
Thiền sư Nhất Hưu xem một cách qua loa, sau đó nói: “Những thứ đồ cổ này của ông tuy tốt, nhưng không bằng ba vật qúy báu vô giá của ta”.
Tướng quân nghe xong vội vàng hỏi: “Thì ra thiền sư cũng là người trong nghề à, bảo bối của ngài là ba cái gì vậy?”
Thiền sư Nhất Hưu đáp: “Cũng chẳng có cái gì lạ đâu, tất cả tài sản của tôi là viên đá Bàn Cổ Thị từ thời khai thiên lập địa đã dùng, chén cơm trung thần trải qua mấy triều đã dùng, thêm một cây tích trượng vạn niên cao tăng đời trước đã dùng”.
Tướng quân nghe xong, kinh ngạc tán thán không thôi, vội vàng hỏi: “À, thì ra đây mới là thứ quý báu thật sự! Thiền sư, ngài là người xuất gia cũng không cần dùng chúng, chi bằng bán cho ta nhé”.
Thiền sư Nhất Hưu sảng khoái đáp ứng, còn bổ sung: “Nhưng nếu mỗi cái không đủ 1000 lượng, tôi sẽ không bán”.
Tướng quân vội trả lời: “Nói chắc thế, thiền sư không hối hận chứ”.
Để phòng đêm dài lắm mộng, tướng quân liền sai người hầu mang ngân lượng theo thiền sư mang đồ cổ về. Thiền sư Nhất Hưu về đến tự viện, lập tức bảo người lấy viên đá đặt trước cổng, cái bát đang cho chó ăn và một chiếc gậy hư nát cũ kỹ đưa cho người hầu, bảo anh ta mang về cho tướng quân.
Người hầu y theo lời thiền sư mang ba vật này trình lên tướng quân, lại nói rõ như thật xuất xứ của chúng.
Tướng quân nghe xong vô vùng tức giận, tức tốc chạy đi tìm thiền sư Nhất Hưu luận cho ra lẽ: “Ông thân là thiền sư, tôi một lòng đối đãi với ông tử tế, nhưng sao ông lại lừa gạt, trêu chọc tôi? Lẽ nào ông không sợ tôi trị tội ông?”
Thiền sư Nhất Hưu điềm tĩnh, mỉm cười và nói: “Ta không lừa tướng quân, bấy giờ khắp nơi đang gặp nạn mất mùa, nhiều người chết đói. 3.000 lạng bạc của tướng quân, tôi đã đem ra phát chẩn cứu tế rồi, ông đã cứu được nhiều tính mạng như thế, lẽ nào đó chẳng phải là thứ báu vật vô giá hay sao?”
Biết dừng lại đúng lúc
Trong cuộc sống, nhiều người khó tránh khỏi bước trên con đường không muốn đi, hơn nữa không dừng được trên những con đường này. Con người mỗi khi không chế được quyền lợi, tiền bạc, tham muốn, chính là thân bất do kỷ, muốn dừng mà không được. Lúc này, chúng ta phải nhắc nhở mình, đánh tiếng chuông cảnh báo cho mình, khiến mình dừng lại, để tìm con đường nên đi.
Trước khi xuất gia Tôn giả Ương Quật Ma La là người rất ham muốn quyền lợi, luôn muốn trở thành quốc vương của các quốc gia. Bấy giờ có một người tu hành chưa thành đạo bảo Ương Quật Ma La rằng, nếu anh lấy đủ 1.000 ngón tay cái để kết thành tán hoa, thì nguyện vọng của anh có thể thực hiện được.
Thế là, Ương Quật Ma La dùng trăm phương nghìn kế thu thập đủ 1.000 ngón tay cái, thậm chí không từ bất cứ thủ đoạn nào. Chưa đầy một thời gian, đã thâu được 999 ngón tay cái, chỉ cần lấy thêm một ngón cuối cùng nữa thôi, thì anh có thể trở thành một quốc vương như mơ ước.
Nghĩ đến điều này, Ương Quật Ma La như mở cờ trong bụng, không kìm chế được. Nhưng ngón tay cái cuối cùng phải tìm thế nào được đây? Ương Quật Ma La lao tâm khổ trí, trước sau vẫn chẳng nghĩ ra được cách gì. Dưới sự sai khiến của dục vọng quá mạnh, Ương Quật Ma La hầu như mất hết lý trí, đến nỗi tâm hồn trở nên bệnh hoạn. Cuối cùng Ương Quật Ma La chợt nghĩ đến mẹ mình.
Thế rồi, trong tay lăm lăm con dao, Ương Quật Ma La xông thẳng vào bếp lúc người mẹ đang nấu cháo cho mình. Mẹ ông bị dọa thất kinh, khổ sở van nài cầu xin tha chết. Nhưng Ương Quật Ma La một lòng muốn trở thành quốc vương, nên chẳng chút động lòng. Lúc Ương Quật Ma La vừa muốn ra tay, bỗng nhiên tiểu hòa thượng xuất hiện, vả lại tiểu hòa thượng này còn đưa ngón tay cái ra trước mặt anh ta. Thế là Ương Quật Ma La thả người mẹ ra, bắt đầu đuổi theo hòa thượng.
Xem ra hòa thượng này đi rất chậm, dường như có ý đợi ông, thế nhưng Ương Quật Ma La dùng hết sức vẫn không tài nào đuổi kịp ngài cả.
Thì ra, đó không phải một hòa thượng bình thường, mà là hóa thân của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật đang nhập định trên Linh Sơn, biết được Ương Quật Ma La sắp giết mẹ mình, nên nghĩ nhân cơ hội này hóa độ tính linh ngu muội cho Ương Quật Ma La. Thế là Phật biến thành hòa thượng, xuất hiện trước mặt anh ta.
Ương Quật Ma La đuổi đến mức muốn rã rời gân cốt, cuối cùng thật sự chạy chẳng nổi nữa, đành phải hét lên: “Ấy! Hòa thượng, hãy đứng lại! Đứng lại cho ta!”
Đức Phật đáp: “Ta đã dừng lại lâu rồi, là chính ngươi vẫn chưa dừng lại đó thôi”.
Ương Quật Ma La nghe lời này, trong lòng bỗng đại ngộ, hiểu rõ ra tội ác mình đã phạm phải. Thế là Ương Quật Ma La buông đao xuống, lạy Phật làm thầy. Từ đó một lòng hướng Phật, nhiếp tâm tu hành, cuối cùng Ương Quật Ma La cũng đã trở thành một vị Bồ Tát.
Người có lòng từ bi là người có sức hấp dẫn nhất
Giàu sang, địa vị, năng lực, quyền thế và vẻ đẹp bên ngoài, chỉ là điều kiện ngoại tại của con người. Những điều kiện ngoại tại này dĩ nhiên quan trọng, nhưng điều chúng ta thực sự giành được sự yêu thương của người khác, lại là tâm hồn chúng ta. Nếu muốn trở thành người có nhân cách hấp dẫn, chỉ có một trái tim từ bi, bao dung thôi vậy.
Một nữ thí chủ gia cảnh vô cùng giàu có, không những tiền tài, địa vị, năng lực, mà hình dáng bên ngoài còn xinh đẹp nữa, không ai có thể so sánh hơn cô ấy, nhưng trong lòng cô vẫn cứ uất ức khó chịu, cảm thấy cuộc sống vô vị nhạt nhẽo làm sao, ngay cả một người tâm sự cũng chẳng có. Thế là cô liền đến chỗ thiền sư Vô Đức xin sự chỉ dạy của ngài, hỏi cách làm thế nào mới có sức hấp dẫn và nhận được sự yêu mến của người khác.
Thiền sư Vô Đức bảo cô: “Con có thể hợp tác với mọi người bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, hơn nữa phải có tấm lòng từ bi như Phật, nói lời thiền, nghe âm thanh thiền, làm việc thiền, dùng tâm thiền, như thế con có thể trở thành người có sức hấp dẫn nhất ”.
Nữ thí chủ nghe xong, hỏi lại: “Lời thiền là nói như thế nào?”
Thiền sư Vô Đức trả lời: “Lời thiền chính là nói những lời hoan hỷ vui vẻ, nói lời chân thật, nói lời khiêm cung, nói lời làm lợi cho mọi người”.
Thí chủ kia lại hỏi: “Vậy xin hỏi thiền âm nghe như thế nào?” Thiền sư Vô Đức trả lời: “Thiền âm chính là biến tất cả những âm thanh thành những âm thanh vi diệu, biến những âm thanh mắng nhiếc hủy nhục thành âm thanh từ bi, chuyển những âm thanh hủy báng thành âm thanh giúp đỡ, tiếng khóc than, tiếng thô xấu, con cũng không để tâm, đó chính là thiền âm”.
Nữ thí chủ lại hỏi: “Vậy xin hỏi thiền sư, việc thiền phải làm như thế nào?”
Thiền sư Vô Đức trả lời: “Việc thiền chính là việc bố thí, việc từ thiện, việc phục vụ, việc phù hợp với Phật pháp”.
Nữ thí chủ lại hỏi thêm: “Vậy thiền tâm phải dùng như thế nào?”
Thiền sư Vô Đức trả lời: “Thiền tâm chính là tâm bao dung mọi người”.
Nữ thí chủ nghe xong, cải đổi tâm kiêu ngạo trước đây, trước mọi người cô không còn khoe khoang sự giàu có của mình, không còn tự thị tự khoe sự đẹp đẽ của mình, khiêm cung lễ độ với mọi người, thương xót, quan tâm đến thân bằng quyến thuộc. Không bao lâu cô được mọi người gọi là “thí chủ có sức hấp dẫn nhất”.