BẠN CÓ KHẢ NĂNG THA THỨ ĐẾN MỨC NÀO?
Bài trắc nghiệm sau đây cho chúng ta đánh giá sơ bộ mức độ tha thứ của mình. Trước khi làm bài trắc nghiệm, hãy xem phần kết quả và nhớ lại nội dung đã đề cập trong quyển sách này. Tha thứ không có nghĩa là chúng ta thụ động, hèn nhát, chấp nhận là nạn nhân, bỏ qua những hành động sai trái...
Tha thứ có nghĩa là chúng ta sẵn sàng và có khả năng từ bỏ cơn giận dữ, lòng thù hận khi chúng ta muốn và giúp đỡ người khác trong tiến trình này.
Bài trắc nghiệm này cho chúng ta biết được mình đang ở đâu trong tiến trình đạt đến sự tha thứ.
Trả lời từng câu trong bài trắc nghiệm này theo mức độ đồng ý từ 1 đến 5.
1 = Tuyệt đối không đồng ý.
2 = Không đồng ý.
3 = Ở trong khoảng giữa “đồng ý” và “không đồng ý”.
4 = Đồng ý.
5 = Tuyệt đối đồng ý.
CÂU HỎI
1. “Ăn miếng trả miếng” là một trong những nguyên tắc sống của tôi.
2. Nếu tôi không trả thù người đã xâm hại mình, hắn sẽ lợi dụng tôi nhiều hơn.
3. Bất bạo động là khuynh hướng không thực tế.
4. Tôi cho rằng trẻ con nên được giáo dục việc trả thù để sau này chúng không bị xâm hại.
5. Có một số người tôi muốn tha thứ lắm, nhưng tôi biết rằng mình sẽ không bao giờ có thể bỏ qua cho họ.
6. Tôi có xu hướng chất chứa lòng thù hận.
7. Tôi cố tình gây hấn với kẻ thù.
8. Tôi không quan tâm đến việc tha thứ bởi điều đó chỉ gây thêm khó khăn cho tôi.
9. Tôi ủng hộ án tử hình.
10. Tôi sẽ được bình yên nếu không có bất kỳ mâu thuẫn nào với người khác.
11. Thương yêu kẻ thù là một ý tưởng đáng sợ.
12. Tôi muốn tha thứ và được tha thứ.
13. Người bao dung thường sống lâu.
14. Khi bị tổn thương, trả thù là một việc rất quan trọng đối với tôi.
15. Nếu ai đó làm bẽ mặt tôi trước người khác thì tôi buộc phải trả đũa hắn ta. Chỉ khi đó, tôi mới thấy thỏa mãn.
16. Tôi cần phải tự chủ trong mọi tình huống.
17. Tôi không có óc hài hước cho lắm.
18. Tôi uống quá nhiều rượu.
19. Tôi cảm thấy rất khổ sở mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
20. Cha mẹ tôi không biết cách tha thứ.
21. Tôi không có nhiều bạn bè.
22. Tôi có cảm giác là người ta sẽ trả thù tôi nếu tôi không phòng vệ.
23. Đọc bài trắc nghiệm này, tôi chẳng có cảm xúc gì.
24. Tôi là một người rất kiêu căng.
25. Chúng ta cần nhiều nhà tù hơn nữa.
26. Trẻ chưa đến tuổi vị thành niên cũng cần phải xử phạt nếu phạm tội.
27. Trừng phạt tốt hơn là cải tạo.
28. Khoan dung cho thủ phạm là phản bội nạn nhân.
29. Tiếp tục chìa má phải ra cho kẻ khác tát là một ý tưởng hết sức ngớ ngẩn.
30. Hòa giải là cách giải quyết hèn nhát.
31. Tôi được dạy phải đấu tranh để giành lấy công bằng.
32. Xin lỗi là thất thế.
33. Xã hội hiện thời là một xã hội “cá lớn nuốt cá bé”.
34. Tôi luôn biết được mình đã sai ở điểm nào.
35. Tôi thuộc típ người bảo thủ.
36. Tôi không thích cách ứng xử “dĩ hòa vi quý” khi gặp xung đột.
37. Tôi rất nóng nảy.
38. Khiêm nhường không phải là tính cách của tôi.
39. Mâu thuẫn giữa những người tôi yêu quý không làm tôi phiền muộn.
40. Có một số tội ác không nên được tha thứ.
41. Sự ăn năn, hối cải chỉ là cách nhằm trốn tránh trách nhiệm và hình phạt.
42. Tha thứ thường gây rắc rối cho chúng ta nhiều hơn là xử tội.
43. Tha thứ không bao giờ làm tôi hài lòng cả.
44. Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh.
45. Những kẻ xấu xa luôn nghĩ rằng “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”.
46. Tôi muốn người khác phục tùng mình.
47. Tôi không bao giờ tha thứ cho bất cứ ai “chơi xấu” tôi.
48. Rất khó khăn để tôi nhìn thấy quan điểm sống của người khác.
49. Tôi không có được nhiều tình thương khi còn nhỏ.
50. Tôi không quan tâm đến bài trắc nghiệm này.
Bây giờ hãy cộng điểm lại. Điểm thấp nhất là 50. Điểm cao nhất là 250. Số điểm càng cao thì mức độ sẵn sàng tha thứ càng thấp.
Dù cho điểm bạn cao đến đâu, bạn cũng có thể học cách tha thứ nếu bạn muốn. Quá trình thực hiện điều này thể hiện sự văn minh trong mỗi con người.
+ Từ 50 – 75 điểm: Bạn là người sẵn sàng tha thứ. Hãy cẩn thận, đừng tha thứ quá dễ dàng nếu không sẽ bị lợi dụng. Nói cách khác, đừng đặt niềm tin mãnh liệt vào sự tha thứ và xúc cảm tha thứ, nó sẽ gây phiền phức cho bạn.
+ Từ 75 – 175 điểm: Bạn ở mức độ trung bình. Bạn có thể nhìn lại phản ứng của mình và tự quyết định xem bạn có muốn trở thành một người biết tha thứ hơn không.
+ Từ 175 – 250 điểm: Bạn rất khó tha thứ. Bạn nên xem xét lại niềm tin và những phản ứng cảm xúc của mình. Sống trong giận dữ và thù hận không tốt cho bạn và những người xung quanh đâu.
Tha thứ dễ hay khó?
* Tôi thật bối rối khi nhấc điện thoại để làm lành với một người bạn cũ. Tôi có thể làm gì để bỏ đi “cái tôi” của mình?
- Bạn đang làm một việc rất khó. Bạn cũng biết nguyên nhân là do “cái tôi” của bạn cản trở. Samuel Johnson đã viết cách đây hai trăm năm: “Để cho tình bạn mất đi vì sơ suất hay im lặng thì thật là thiếu thông minh. Chúng ta đã tự đánh mất đi một trong những điều có khả năng an ủi nhất giữa cuộc sống mệt mỏi, kiệt sức này”. Khi bạn nỗ lực tiếp cận bạn mình và bỏ “cái tôi” qua một bên, người ấy cũng sẽ nhận biết được việc làm đó. Tình bạn sẽ thân thiết hơn nữa sau khi đã vượt qua mọi thử thách. Dẫu cho cố gắng của bạn có thất bại thì bạn vẫn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn nhiều vì bạn đã tận lực và không còn gì phải hối tiếc.
* Cách đây vài năm, em trai tôi gặp một phụ nữ tên Renee và đã cưới nàng một năm sau đó. Người phụ nữ này không thích gia đình chồng và có thể nói cô là người rất ích kỷ. Sau khi cưới, em tôi cũng trở nên đổi khác, không còn quan tâm, yêu thương mọi người trong gia đình mình. Là chị cả trong gia đình, tôi nói thẳng là cậu đã bị dắt mũi và hành động như một thằng ngốc. Sau này, tôi đã viết thư xin lỗi nhưng cậu ta vẫn tránh né tôi. Tôi rất giận vì mối quan hệ khắng khít trong gia đình không còn nữa. Tôi có nên tiếp tục hòa giải nữa không?
- Bạn đang cố giải quyết một tình huống rất khó khăn. Nhưng đừng bỏ cuộc. Hãy cố tìm ra cách. Bạn hiểu chính bạn, em trai bạn và vợ cậu ấy hơn tôi nhiều. Bạn sẽ có ý kiến hay hơn để chọn ra giải pháp.
Lòng thù hận và giận dữ sẽ trói buộc bạn. Như tôi biết, tha thứ cho ai đó có nghĩa là giải phóng chính mình thoát khỏi thù hận và giận dữ. Khi thực hiện điều đó, những cảm xúc tiêu cực trong ta sẽ bị triệt tiêu.
Bạn làm được điều đó bằng cách nào? Sự giận dữ và lòng thù hận đã che lấp nỗi buồn do những mâu thuẫn trong gia đình. Em trai bạn cũng đang cảm nhận điều đó. Nhưng một khi hiềm khích xảy ra, không ai còn nghĩ đến cái cảm xúc thầm kín đó nữa. Tôi nghĩ bạn nên nhìn vào thực tế này. Bạn phải chấp nhận sự đổi thay. Chỉ có như thế, bạn mới cởi bỏ được lòng thù hận và giận dữ đối với em trai và em dâu mình. Sau đó, sự hòa giải sẽ xuất hiện. Một người như bạn sẽ không bao giờ thôi thương yêu em trai mình. Bạn luôn luôn có cơ hội hòa giải với cậu ta.
Tôi hiểu được tâm trạng đau đớn của bạn khi bị em trai tránh né, xa lánh. Lời đề nghị của tôi là bạn hãy cảm nhận nỗi buồn này thay vì giận dữ. Hãy chờ xem liệu em trai của bạn có quay lại không.
* Anh có lời khuyên nào cho việc dạy dỗ trẻ con cách tha thứ không? Cháu trai tám tuổi nhà tôi hình như không thể hiểu được khái niệm tha thứ khi nó thường xuyên tranh cãi những chuyện vặt vãnh với bạn bè.
- Quả là một câu hỏi lý thú! Ý muốn trả thù bột phát rất tự nhiên ở trẻ nhỏ trong khi ý muốn tha thứ lại không hề có. Dạy trẻ biết tha thứ là một điều rất quan trọng, cũng quan trọng như dạy chúng biết đọc hay biết làm toán vậy.
Tốt nhất, bạn hãy là tấm gương cho con trẻ noi theo. Nếu lỡ bạn có cuộc cãi vã với vợ/chồng, với bà con hay bạn bè mình, hãy cho chúng thấy rằng vấn đề vẫn có thể được giải quyết bằng cách tha thứ cho nhau.
Ngoài ra, bạn còn phải dùng lời lẽ để dạy dỗ chúng. Hãy dùng lời nói của mình để làm điều ấy.
* Sau những cố gắng bất thành để thuyết phục người bạn hiểu rằng cách cư xử của anh ta đã làm buồn lòng tôi, tôi quyết định chấm dứt tình bạn với anh ấy. Làm cách nào tôi có thể chấm dứt tình bạn mà không làm tổn thương cả hai?
- Bạn không thể kiểm soát được phản ứng của anh ta.
Hãy tự nói với chính mình: “Cách cư xử quá cố chấp của bạn đã nhiều lần làm tổn thương tôi và tôi rất giận. Tuy nhiên, tôi phải chấp nhận con người thật sự của bạn. Và tôi đang cố gắng quên đi giận dữ, hy vọng rồi bạn sẽ thay đổi. Nói cách khác, tôi đang cố gắng tha thứ cho con người bạn”.
Nếu bạn có thể tự nói với bản thân như vậy, bạn không nhất thiết phải chấm dứt tình bạn với anh ta. Nếu chấp nhận cả tính tốt lẫn tính xấu của bạn mình, bạn có thể tiếp tục tình bạn này. Nhưng nếu không thể, hãy quên anh ta đi.
* Cha tôi đã qua đời không lâu sau vụ tranh cãi dữ dội với tôi. Làm sao tôi có thể tha thứ cho chính mình và tránh được cảm giác tội lỗi?
- Tâm trí bạn đang lừa gạt bạn đó. Các nhà hùng biện đã gán cho tâm trí gian xảo của con người bằng từ “ngụy biện”. Trong cuộc sống, nó được thể hiện bằng từ “vì lý do này mà...”.
Chúng ta hay nhầm tưởng vì nguyên do này mà xảy ra sự việc kia. Bạn đã tranh cãi với bố mình và ông ấy qua đời trước khi cả hai kịp làm lành với nhau. Bạn biết mình không hề là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông ấy nhưng vô thức của bạn đâu có biết như vậy. Do đó, bạn cứ tự trách móc mình và cảm thấy tội lỗi. Chính cảm giác tội lỗi đã hủy hoại tâm trí bạn.
Bạn nên dùng lý lẽ để tự nhắc nhở mình: Bạn không hề có lỗi. Nếu không thể tự thuyết phục mình sự thật này, hãy tâm sự với người bạn đời, người thân hay nhà tư vấn tâm lý.
Bạn có thể buồn bã, khóc than nhưng sau đó, hãy để mọi chuyện trôi qua. Tự tha thứ cho mình là phương cách hay nhất trong trường hợp của bạn.
* Tôi bị tổn thương nặng nề khi chia tay người yêu. Tôi rất giận anh ấy. Tôi có nên cố hàn gắn mối quan hệ này? Tôi có thể làm gì nếu anh ta cự tuyệt tôi?
- Câu hỏi của bạn đã chỉ ra tầm quan trọng của việc thừa nhận tất cả những cảm xúc của mình trước khi làm việc gì đó. Bạn cảm thấy giận dữ và tổn thương. Điều đó chẳng sao cả, hãy chấp nhận sống chung với những cảm giác đó một thời gian trước khi quyết định sẽ làm gì kế tiếp. Hãy để cho bản thân mình cảm nhận sự tổn thương và đau đớn. Tại sao anh ta bỏ rơi bạn? Và bạn cảm thấy như thế nào khi bị bỏ rơi?
Khi đã chấp nhận những cảm giác ấy, bạn có thể tự hỏi: Phải chăng, anh ta đã giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn? Sự chia tay này đã tạo cơ hội cho bạn nhìn lại bản thân? Bạn nên làm điều gì trước khi cố gắng níu kéo anh ta quay lại?
Nói cách khác, bạn nên nghĩ đây là cơ hội để bạn suy nghĩ về bản thân mình.
Hãy củng cố lại những mối quan hệ mà bạn vốn có: mối quan hệ với gia đình, bạn bè, hàng xóm, thậm chí cả con vật cưng của bạn. Nếu người yêu bỏ rơi bạn, anh ta sẽ phải là người hối tiếc chứ không phải bạn đâu. Hãy trở thành người phụ nữ mạnh mẽ hơn.
Trong trường hợp này, không phải sự tha thứ mà sức mạnh của bản thân mới là mấu chốt vấn đề. Đó chính là cuộc sống của bạn.
* Tôi và chị tôi gần đây đã làm lành sau nhiều năm gây gổ và hiểu lầm nhau. Tôi phải làm gì để giữa chúng tôi không còn xảy ra bất hòa nữa?
- Câu hỏi này tự bản thân nó đã đưa ra mấu chốt vấn đề. Cảm xúc của chúng ta thay đổi từng ngày. Bạn có thể hết giận một ai đó vào thứ ba nhưng đến thứ sáu thì mọi nghi ngờ cũ lại quay về, khiến bạn hết sức khó chịu.
Một cách diễn đạt khác nữa là hãy tưởng tượng mối quan hệ của con người cũng như cái mái nhà vậy. Nó có thể bị rò rỉ bất cứ lúc nào, do vậy ta cần phải bảo quản liên tục. Mái nhà, cũng như mối quan hệ của con người, sẽ nhanh chóng xuống cấp nếu bị bỏ mặc.
Liều thuốc cho vấn đề này là liên lạc thường xuyên với nhau, và cũng nên cho phép nhau được quyền thành thật. Tất cả chúng ta đều không thể nghĩ tốt hoàn toàn về người khác, thậm chí ngay cả bản thân mình. Vì vậy, khi hòa giải với ai đó sau nhiều năm giận nhau, bạn khó có thể cảm thấy “bình thường” lại ngay được.
Điều bạn có thể làm từ bây giờ - sau khi đã bỏ qua hết mọi chuyện - là tận hưởng niềm vui khi làm lành lại với chị mình. Nhớ phải thường xuyên giữ liên lạc và cố đừng để xảy ra những chuyện không hay.
* Tôi nghĩ rằng tha thứ cho một ai đó là tự mình khơi dậy “vết thương” cũ.
- Ngược lại thì chính xác hơn. Cứ giữ thù hận trong lòng sẽ làm vết thương ngày một nhức nhối. Cách duy nhất chữa lành vết thương là hãy tha thứ. Bạn phải đối mặt và chấp nhận cảm giác bực bội, khó chịu, có như vậy thì sau đó, bạn mới quên được chúng.
Và nếu bạn có thể nhìn nhận sự việc theo một khía cạnh khác, rất có khả năng bạn quên được sự buồn bực để tha thứ, dù chỉ một chút thôi.
Tôi có một anh bạn làm chung công ty. Tôi luôn thấy thất vọng về anh ấy vì trong những cuộc họp công ty, anh ta đã không đứng về phía tôi để ủng hộ ý kiến của tôi. Có thể anh ta cũng thấy khó xử. Tôi không chắc lắm vì cả hai chưa bao giờ nói thẳng với nhau về vấn đề này.
Thế đấy! Dù là một nhà tư vấn tâm lý nhưng rốt cuộc, tôi lại cũng vướng vào vòng xoáy của sự hẹp hòi. Không ai trong chúng ta thật sự “xuất sắc” trong lĩnh vực tha thứ cả. Điều hay nhất mà tôi, bạn, hay bất cứ ai, có thể làm là tiếp tục cố gắng.