T
rong mọi mất mát, mất đi tình yêu là điều đau khổ nhất. Dù phải chịu đựng bao nỗi thất vọng và bất công khác, ta vẫn cảm thấy được an ủi và dễ chấp nhận hơn mất đi tình yêu. Trước những thất bại của cuộc sống, ta vẫn có thể vững tâm nếu biết rằng mình luôn được yêu thương. Nhưng một khi mất đi tình yêu, không có cách nào tìm lại sự khuây khỏa, không gì có thể an ủi hay bảo vệ được ta lúc ấy.
Trước bao nỗi thất vọng, bất công trong đời, tình yêu sẽ an ủi tâm hồn con người, giúp con người vượt qua nỗi đau.
Mất đi suối nguồn yêu thương cũng đồng nghĩa với việc ta đột nhiên mất đi hàng rào bảo vệ, để rồi phải đối diện với nỗi buồn cô lẻ. Khi đó, ta sẽ cảm nhận hết được nỗi buồn, sự trống trải đến tê người. Chia tay với người mình yêu hoặc chứng kiến cái chết thương tâm của người thân đều khiến lòng ta đau nhói. Từ cảm giác sững sờ, ta thấy mình như đột nhiên chết lặng, ngạt thở. Mọi tế bào trong cơ thể như muốn gào thét chối bỏ sự thật. Ta ước gì đó chỉ là một cơn ác mộng. Nhưng rồi chuyện gì xảy ra thì đã xảy ra, ta không thể quay ngược thời gian để thay đổi quá khứ. Khi thừa nhận sự tuyệt vọng của mình cũng là lúc ta bắt đầu thấy cô đơn, cuộc sống nhuốm một màu ảm đạm, lạnh lẽo. Cảm giác chết lặng trong lòng dần tan rã, thay vào đó là nỗi đau ngày một thấm sâu, choán ngợp khắp tâm trí.
Để quên một người mà ta đã từng gắn bó, yêu thương là chuyện không dễ dàng. Muốn khuây khỏa và hàn gắn vết thương lòng, trước tiên ta phải hiểu bản chất tình yêu, sự gắn bó và phụ thuộc giữa đôi bên.
TÌNH YÊU, SỰ PHỤ THUỘC VÀ GẮN BÓ TÌNH CẢM
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, nếu biết rằng có ai đó đang mong chờ ta về nhà, trân trọng giá trị và thành quả ta đạt được, sẽ khiến ta cảm thấy sự hiện diện của mình thật ý nghĩa. Hạnh phúc hơn, đó là khi ta được ai đó chăm sóc, cảm thông và biết rằng mình quan trọng với họ thế nào. Dù có thể tình cảm đôi bên không phải lúc nào cũng êm đẹp, nhưng sự yêu thương, chăm sóc khiến cuộc sống bớt cô đơn, lạc lõng. Thực tế, khi yêu thương ai đó, ta sẽ ngày càng phụ thuộc vào sự hiện diện của người ấy ở nhiều phương diện.
Sự phụ thuộc lẫn nhau mạnh lên sẽ đưa đến một thay đổi quan trọng. Dần dần, ta không còn cảm nhận nhu cầu yêu và được yêu như ban đầu nữa, thay vào đó là một mong ước cụ thể hơn – nhu cầu yêu thương và được người bạn đời của ta đáp lại. Không còn cảm giác thiếu vắng tình cảm chung chung nữa, mà là một nhu cầu mới: sự khao khát đón nhận yêu thương từ người ấy. Bước thay đổi này chính là sự gắn bó đôi bên.
Trong quan hệ tình cảm, nhu cầu yêu thương được thay bằng sự khao khát đón nhận tình yêu từ bạn đời của mình.
Tình yêu, sự gắn bó với người bạn đời nếu chỉ được người khác trân trọng thôi thì không đủ. Sự trân trọng có ý nghĩa nhất phải đến từ chính người ấy. Trong cuộc sống, ta có thể cho và nhận nhiều cách khác nhau, nhưng trong quan hệ tình yêu, hôn nhân, sự toại nguyện chỉ có được khi ta nhận được sự chia sẻ của người bạn đời.
Mất đi người từng gắn bó tình cảm sâu đậm, ta thường đinh ninh mình sẽ chẳng bao giờ có thể yêu lần nữa. Cuộc sống dường như trở nên vô nghĩa. Cảm giác tuyệt vọng khiến ta càng thêm đau khổ, day dứt khôn nguôi.
Tình cảm càng sâu đậm, nỗi đau càng chất chứa.
Muốn hàn gắn vết thương lòng, cần phải thoát ra khỏi tình cảm quyến luyến xưa, mở rộng tâm hồn để đón nhận những dòng suối yêu thương và tương trợ khác đến với mình. Nếu không, trong ta sẽ chỉ còn sự giày vò đau khổ, cảm xúc dần dần bị tê liệt. Bứt khỏi chiếc bóng của người cũ giúp ta nhìn tình yêu và cuộc sống một cách khách quan hơn, từ đó chờ đón tình yêu để có thể gắn bó trái tim lần nữa.
Có được sự cởi mở ấy là vì ta biết mình xứng đáng được yêu và có thể tìm thấy tình yêu. Ta khám phá ra rằng, tiềm ẩn bên trong bản thân mình là sức mạnh và sự hiểu biết để tìm được cảm giác toại nguyện.
Ẩn sâu bên trong nhu cầu yêu thương của tâm hồn là trực giác và sức mạnh giúp ta tìm thấy sự toại nguyện tình cảm.
Thường thì mức độ tình cảm với người cũ sẽ chi phối nỗi nhớ của ta về người đó. Chỉ khi nào quá trình vun đắp tình yêu dần dần không lệ thuộc vào người xưa nữa, ta mới có thể vơi đi nỗi đau, và sự trống vắng rồi cũng tan biến. Dù tình cảm mới không giống như tình cảm trước kia, ta sẽ tìm được ở đó sự viên mãn như từng có ngày trước.
NGHỆ THUẬT CHO QUA CHUYỆN CŨ
Xây dựng lại quan hệ tình cảm yêu cầu ta phải biết kỹ năng cho qua chuyện ngày xưa. Để tiếp tục sống từng ngày có ý nghĩa, ta phải một lần nữa cảm nhận được nhu cầu yêu thương thôi thúc dù không được người ấy đáp ứng. Điều này chỉ có thể thành hiện thực khi ta khéo léo vận dụng kỹ năng, nếu không chẳng khác nào ta đang vô tình tự lấy tình cảm trong quá khứ để trói buộc mình.
Xuôi theo dòng chảy cảm xúc chính là bí quyết làm lắng dịu tình cảm xưa. Miễn cưỡng quên chỉ là vô ích mà thôi. Thay vì vậy, hãy gìn giữ và trân trọng tình cảm. Hãy nhớ người đó khi ta cảm thấy khắc khoải, thiếu vắng, hãy biết ơn vì những món quà người xưa trao tặng, và có thể ước trở lại quãng đời tươi đẹp bên người xưa.
Xuôi theo dòng chảy cảm xúc chính là bí quyết làm lắng dịu tình cảm xưa.
Hồi tưởng lại những kỷ niệm về người cũ khiến ta không khỏi buồn đau. Nhưng quá trình hàn gắn cũng bắt đầu từ đó. Thoạt tiên, trong ta là cảm giác mất mát day dứt. Tiếp đó là sự pha trộn rất nhiều cảm xúc khác nhau: tức giận, buồn phiền, sợ hãi và tiếc nuối. Cuối cùng những xúc cảm này dần tan, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai mỗi khi nhớ về người cũ. Tình yêu dù đã mất nhưng vẫn để lại dư vị ngọt ngào, làm trái tim ta mạnh mẽ hơn. Khi vết thương lòng hoàn toàn lành lặn, nỗi nhớ không còn dấy lên đau khổ nữa, kỷ niệm sẽ trở thành sợi dây liên hệ chôn giấu trong sâu thẳm đáy lòng. Ta có thể nhắc đến người xưa trong sự yêu thương, thanh thản. Đó là dấu hiệu sẵn sàng vun đắp một tình yêu mới và cũng là nền tảng đảm bảo cho ta hoàn toàn có thể tìm cho mình mối tình bền vững thật sự.
Một trái tim hoàn toàn lành vết khi kỷ niệm xưa chỉ còn gợi lên cảm xúc yêu thương, thanh thản.
Dũng cảm đối mặt với những đớn đau chính là điều đầu tiên ta cần làm khi muốn hàn gắn vết thương lòng. Bước cần thiết tiếp theo chính là chấp nhận mất mát và để mọi chuyện qua đi, chuẩn bị tinh thần cho một mối quan hệ mới.
Nhiều nền văn hóa cũng như tập tục tôn giáo truyền thống đều có những nghi thức đặc biệt dành riêng cho cảm nhận nỗi đau. Có nhiều cách tưởng niệm. Ví dụ, mặc trang phục màu đen một thời gian dài, thắp nến hoặc nhang liên tục, trồng cây, viếng mộ, giữ lại một kỷ vật nào đó, hoặc vẽ những bức họa đặc biệt. Tuy khác nhau nhưng tất thảy đều có chung một ý nghĩa: dành thời gian nhớ về người xưa là cách tạo cho mình cơ hội hàn gắn vết thương lòng.
TÌM LẠI TÌNH YÊU
Tình cảm không phải là thứ gì đó có thể vứt bỏ trong một sớm một chiều. Bởi vậy, khi mất đi người mình yêu, trái tim yêu thương của ta cũng như ngừng đập. Những gì mình vun đắp bấy lâu bỗng tuột khỏi tầm tay. Cảm giác quá quen thuộc với sự hiện hữu của người ấy lúc này khiến ta rơi vào tâm trạng hụt hẫng, trống vắng. Ta cần một sự đụng chạm dù rất nhỏ, cần một vòng tay ấm áp, một bờ vai để nương tựa nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng khủng khiếp.
Trái tim ta bị nỗi đau khuất phục không phải vì mất mát tình yêu, mà vì cảm xúc yêu thương trong ta tạm thời bị ngưng lại.
Tương lai không u buồn như ta từng nghĩ – đó là điều kỳ diệu ta nhận ra khi thấy trong tim mình cảm xúc yêu thương vẫn tuôn chảy. Ta dần hiểu rằng, mình cần sống để tiếp tục yêu thương, cần sự thanh thản trong tâm hồn để đón nhận những mối quan hệ mới. Ta chấp nhận, chứ không quên đi mất mát. Ta cảm nhận làn gió mát lành nhẹ luồn vào tóc khi chuẩn bị bước vào hành trình mới. Làm lại từ đầu, ta vững tin mình sẽ tìm thấy tình yêu xứng đáng. Lòng ta dạt dào cảm hứng, muốn có ai đó để chia sẻ với mình ngay lúc này.