Trở lại năm 1993, thời kỳ yên bình mà người ta có thể đọc toàn bộ tờ tạp chí mà chẳng tình cờ thấy cái tên Bill Gates đâu cả, Ray Noorda (CEO của Novell) và Gates đều cảnh báo rằng địch thủ của họ sẽ phải khóc hận. Không lâu sau, lời cảnh báo đó đã đúng. Trụ sở của Novell tại bang Utah đã phát minh ra phương thức thông minh nhằm kết nối máy tính cá nhân riêng lẻ và nhờ đó đồng nghiệp trong cùng văn phòng có thể dùng chung máy in và file trên máy tính. Đó là đầu thập niên 1980. Kể từ đó, Novell kiếm được hàng tỉ đôla từ sản phẩm này mà Microsoft chẳng thể thâm nhập được. Đã hai lần Microsoft tỏ ý muốn mua công ty của Noorda; song cả hai lần Gates đều phải kiếm cớ là ông ta đã thay đổi ý định, rằng như thể “tớ thèm vào”! Mọi việc không phải không có lý do. Noorda cảm thấy Gates và những kẻ thân cận tỏ ra thân thiện với Novell chỉ để tìm hiểu xem họ có thể làm gì với công ty này.
Hơn nữa, Noorda vẫn có thể tỉnh bơ ăn ngon ngủ yên trước hàng lô các lời khoác lác hàng năm của Gates tại COMDEX (Buổi giới thiệu sản phẩm thương mại của các doanh nghiệp máy tính), rằng năm nay Microsoft rồi sẽ mua đứt Novell. Trước kia, Novell từng cố giữ hòa khí với Microsoft trước bao lời nói xấu cường điệu. Cánh tay Ray Ray Noorda Noorda phải của Gates là Steve Ballmer, người có giọng nói sang sảng, từng nhạo báng Novell là kẻ cạnh tranh “bẩn thỉu”, chuyên bán tin tức dối trá cho báo chí. Kể từ đó, cuộc chiến bắt đầu leo thang. Trong một cuộc phỏng vấn, Noorda nói: “Thái độ của Bill Gates là sự xúc phạm đối với ngành công nghiệp cũng như với cả thế giới”. Ông ta gắn cho Gates cái tên “Thiên đường” còn Ballmer là “Kẻ ướp xác” rồi chẳng ngại ngần giải thích lý do. Gates là Thiên đường vì ông ta luôn hứa vung vít với bạn mọi điều đẹp đẽ như trên thiên đường, trong khi phía sau, Ballmer tay lăm lăm cuốc xẻng chuẩn bị đào huyệt chôn xác bạn!
Noorda tổ chức nhiều cuộc họp với giám đốc điều hành của Lotus, WordPerfect và các công ty buôn bán phần mềm khác. Báo chí miêu tả Noorda là một người đàn ông khoảng 60 tuổi khi hầu hết đồng sự của ông ta mới chỉ khoảng 30. Họ dùng những từ kính nhi viễn chi đại loại “chú, bác” hay “bố già” để nói về ông. Tuy nhiên, Microsoft lại tiết lộ rằng họ từng định đặt cho Ray Noorda cái tên “ông già đến từ địa ngục”. Các giám đốc điều hành Microsoft chậc lưỡi kể rằng Noorda mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân. Họ chỉ biết lắc đầu quầy quậy khi nói đến sự giận dữ cuồng nộ mà Noorda đổ trút lên đầu Gates. Tội nghiệp Bill thay! – họ nói với nhau bằng vẻ mặt thông cảm và thương hại. Kinh doanh là một nhẽ nhưng nói rằng Bill không có trái tim ư? Sao lại ác mồm ác miệng như thế được! Nathan Myhrvold, trưởng bộ phận kỹ thuật của công ty và cũng là bạn thân của Gates, lúc nào cũng đem câu chuyện về con cá voi Moby-Dick (trong tác phẩm kinh điển của nhà văn Mỹ Herman Melville) ra kể trong các cuộc họp nhân viên cấp cao.
Myhrvold không thể nói chính xác điều gì khiến cuộc đời ông lại thấm đẫm chất văn học Mỹ cổ điển đến như thế song ông có thể xác định chắc chắn rằng sự vu khống của Noorda là không chấp nhận được. Tính cách tương đồng giữa Noorda và thuyền trưởng Ahab, nhân vật chính trong tác phẩm Moby-Dick, là điều mà Myhrvold muốn ám chỉ. Ahab bị mất một chân khi cố đâm con cá voi trắng khổng lồ. Ông ta có thể đổ lỗi cho vận đen hay tính khắc nghiệt của công việc, song thay vì thế, ông ta lại trút lên đầu Moby-Dick. Đáp lại sự hớn hở tột độ của gia đình Microsoft, Myhrvold long trọng tuyên bố Noorda là thành viên chính thức của câu lạc bộ mà ông ta đã thông minh xướng ra cái tên "Câu lạc bộ thuyền trưởng Ahab". Và thế là Câu lạc bộ thuyền trưởng Ahab ngày càng có nhiều thành viên mới, vinh hạnh được Nathan Myhrvold kết nạp. Nathan Myhrvold là người béo tròn với đôi mắt xanh xám hấp háy sau đôi kính gọng thép. Bộ râu quai nón hỗn hợp đủ màu nâu, đỏ, điểm chút xám được cắt tỉa gọn và mái tóc phủ một lớp xoăn màu nâu lộn xộn đã tạo cho ông ta thần thái giống một nhà khoa học hơi khùng khùng. Năm 1986, ông ta bán một công ty (mà ông là người đồng sáng lập) cho Microsoft với giá 1,5 triệu USD. Đến năm 1998, Forbes ước tính trị giá công ty này lên tới trên 300 triệu USD.
Năm năm sau khi thành lập Câu lạc bộ thuyền trưởng Ahab, Myhrvold vẫn luôn hứng chí với sáng kiến thông minh của mình. Điểm lại danh sách hội viên Câu lạc bộ, ông ta chuyên nhái giọng và lúc nào cũng kể vài mẩu chuyện phiếm về các “hội viên”. Liệu Larry Ellison có phải là thành viên của Câu lạc bộ không nhỉ? Quá xứng đáng! – Myhrvold nói một cách hào hứng. Thành tích Ellison cỡ nào? Ông ta có 10 tỉ USD nhưng vẫn là kẻ bại trận. Trong một e–mail, Myhrvold viết: “Các cổ đông tốt hơn nên tìm một cỗ áo quan cho Ellison”. Đó là một hình ảnh không thể quên ở gần phần kết câu chuyện Moby-Dick: chiếc xuồng cứu hộ cùng số thủy thủ còn sống sót đã đóng một chiếc quan tài chở xác Ahab về nhà! Đối với Scott McNeatly, Philippe Kahn, Jim Manzi..., Myhrvold thích thú kể về những sai lầm của họ, rằng đó là những kẻ “hoàn toàn bị Bill ám ảnh và luôn cố huyễn hoặc bản thân rằng mình là người kế tục Bill”. Tuy nhiên, sự rạng rỡ và vui vẻ biến mất trên khuôn mặt Myhrvold khi đề cập đến Gary Kildall, người sáng lập công ty Digital Research. Năm 1980, thời điểm mà IBM gõ cửa cả hai công ty Microsoft và Gary Gary Kildall Kildall Digital Research, Bill Gates mới 25 và Gary Kildall 38 tuổi. Cả hai cùng trưởng thành ở Seattle, đều là người da trắng có đầu óc toán học và bộ não khoa học siêu việt. Gary Kildall nổi tiếng là nhà khoa học được đào tạo chính quy. Ngược lại, Bill Gates là tên hacker tự học, một kẻ bỏ trường và luôn có xu hướng thương mại. Kildall là người phát minh; Gates là thiên tài bắt chước. Sau khi lấy được tấm bằng tiến sĩ khoa học vi tính từ Đại học Washington, Kildall dạy môn khoa học vi tính tại một trong những trung tâm huấn luyện quân sự danh tiếng nhất Mỹ – Trường đào tạo hải quân ở Monterey (bang California). Trong khi Gates tự hào về vài shortcut phần mềm thông minh thì Kildall lại tỏ ý khinh thường những trò bịp trẻ con như vậy. Kildall là người có bộ râu quai nón, đẹp trai, cao lớn, gọn gàng, lịch sự và dí dỏm. Trái lại, Gates với cái đầu xù tổ quạ lại là người huênh hoang và tự cao tự đại.
Trên đường đời, họ va chạm nhau từ rất lâu nhưng mỗi lần như vậy lại càng cho thấy sự khác biệt giữa hai người. Kildall, một ông bố mẫu mực; Gates, một kẻ cù bơ lượn lờ quanh trung tâm tin học gần Đại học Washington. “Họ tương phản nhau như (diễn viên hài) Woody Allen với (diễn viên thượng thặng) Gary Cooper” – Stephen Manes và Paul Andrew đã viết như vậy trong cuốn Gates. Thời kỳ đầu, Microsoft chỉ tập trung vào ngôn ngữ máy tính; trong khi đó, Digital Research của Kildall đã bắt đầu chuyên môn hóa hệ điều hành. Năm 1977, Gates bay tới Pacific Grove (California) để bái kiến đại sư huynh Kildall. Dù lúc đó mới 21 tuổi nhưng Gates đã rất nhạy bén, hiểu rằng cần phải liên kết để kiếm lời. Kildall đã không cắn câu. Việc Gates tập trung vào ngôn ngữ lập trình hoàn toàn ngẫu nhiên. Mọi việc bắt đầu khi một người bạn thời thơ ấu của Gates, Paul Allen đã đưa vấn đề Điện tử thông dụng lên một tạp chí. Trên trang bìa là hình chiếc máy vi tính có tên gọi là Altair 8080. Ed Roberts, chủ tịch công ty có trụ sở đặt tại Albuquerque, người bán chiếc máy trên, thừa nhận rằng chiếc máy này chẳng làm được gì ngoài việc kêu vo vo như ong vỡ tổ. “Đây là cơ hội của chúng ta” – Allen nói với Gates vào một ngày mùa đông 1975, lúc đó Gates học năm thứ hai Đại học Harvard. Hai người cùng nhau thành lập công ty. Kể từ đó, họ đặt chân vào lĩnh vực kinh doanh ngôn ngữ máy tính.
Cả hai gửi cho Ed Roberts bức thư trang trọng, nội dung đề cập dự án hứa hẹn mà họ cùng nhau tiến hành trước đó. Họ tuyên bố rằng chúng tôi có phiên bản BASIC lý tưởng phù hợp với Altair. Đương nhiên là họ đã lừa gạt và không hoàn toàn nghĩ thẳng vào vấn đề. Tám tuần tiếp theo đó, Gates và Allen thực sự sống trong phòng thí nghiệm máy tính Aiken tại Đại học Harvard, chỉ dám chợp mắt trên bàn phím. Họ nghỉ học liên tục, ăn uống thất thường với thứ thực phẩm tạp nhạp rút ra từ máy tự động. Nhiều năm sau, câu chuyện về Altair đã trở thành khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử vi tính. Thực tế lại không kỳ diệu như vậy. Bộ máy tính MITS được lắp đặt tại một nhà hàng Trung Quốc trong khu vực hoang phế Albuquerque do các câu lạc bộ múa thoát y và những kẻ xì ke điều hành. Không những Allen cầu nguyện cho chương trình BASIC Altair đem lại hiệu quả mà Roberts và nhân viên kỹ thuật của ông ta cũng hy vọng rằng máy của họ sẽ chạy tốt. Hai bên đưa ra một thỏa thuận. Roberts trả cho Gates và Allen trước 3.000 USD, sau đó hai người sẽ được chia từ 30–60 USD (phụ thuộc từng phiên bản) cho mỗi bản copy chương trình mà Roberts bán được.
Trở lại Cambridge, Gates đã gặt hái thành công bước đầu nhưng giới chức sắc Harvard hầu như không hài lòng. Giám đốc Trung tâm vi tính tại đại học này, Thomas Cheatham, từng là thầy giáo của Gates trong vài khóa học, đã đưa ra những chỉ trích đại loại “thật ghê tởm”, “(Bill Gates) không phải là kẻ dễ mến, hắn là một cái nhọt ở mông!”. Mùa đông năm đó, Cheatham nhận ra rằng Gates đã ngốn hàng giờ ở hệ thống vi tính trong trường. Qua thông tin mật, Cheatham còn biết Gates đã đưa bạn – không phải sinh viên Harvard – đến làm việc trong trung tâm vi tính của trường về một dự án thương mại. Đại học Harvard chính thức điều tra vụ này nhưng cuối cùng Gates chỉ bị khiển trách vì tội tự ý đưa người bên ngoài vào. Thật nhục nhã! Việc Gates tự do sử dụng máy vi tính của trường đã làm thành tiền lệ cho đám sinh viên hậu bối...
Một tháng sau khi hoàn thành dự án Altair BASIC, Paul Allen đến làm việc cho Ed Roberts với tư cách phó chủ tịch phụ trách phần mềm. Cùng thời gian đó, Gates tiếp tục theo học hai năm nữa tại Harvard, tiếp tục tranh cãi với cha mẹ về tương lai mình trong khi vẫn vừa học vừa làm tại nhà trọ Sand & Sage ở Albuquerque. Thậm chí trước khi rời Harvard, Gates đã gây thù chuốc oán trong ngành công nghiệp máy tính cá nhân mới mẻ này. Vấn đề chính là tiền bạc. Ed Roberts kiếm được hàng triệu đô la nhờ bán máy còn Gates và Allen chỉ có thể kiếm một hoặc hai nghìn đô la một tháng từ tiền bản quyền. Người ta chỉ trả tiền để mua phần cứng vì họ cần phải mua chứ họ không bao giờ chịu chi tiền cho phần mềm vì họ có thể copy miễn phí từ bạn bè và tiết kiệm được 75 USD mà Roberts đã tính phí cho chương trình Altair BASIC. Trước đó, thực ra không ai phải trả tiền phần mềm cả. Khi Gates biết được sự thật này, ông ta đã nổi đóa rồi viết một bức thư ngỏ với lời lẽ hết sức cảm động đưa lên vài tờ báo. Bức thư vận dụng mọi tinh hoa học vấn sinh viên năm thứ hai của Bill Gates.
Cùng Allen, Bill Gates rõ ràng đáng được bồi thường tương xứng với công sức mình nhưng cách trình bày của Gates thật sống sượng và đầy yếu tố kích động. Ông ta nói với độc giả rằng “hầu hết các vị đang ăn cắp phần mềm của tôi”. Trong trường hợp này, ông ta không nhắc đến ý chính mà gọi tất cả họ là “những tên trộm” ở đoạn kế tiếp. Sau đó, ông ta tự bảo vệ mình và đòi bồi thường một cách thật lố bịch khi lâm ly kể lể rằng mình và Allen đã dùng hơn 40.000 USD trong thời gian ở máy tính để phát triển Altair BASIC. Ông ta không hề ngại ngần khi nhắc đến tiền – lạc lõng với độ tuổi còn quá trẻ – và ông ta vẫn sẽ tiếp tục giai điệu tiền trong suốt thời gian dài sau này. Ông ta thậm chí không e dè nói đến ước muốn kiếm thật nhiều tiền trong khả năng có thể. Sự nực cười và mâu thuẫn trong bức thư của Bill Gates đã không thu hút được độc giả. Người ta thậm chí đồn đại rằng Gates đã sao chép toàn bộ trong hệ thống máy tính Đại học Harvard. Họ cũng phản ứng lại bằng cách gửi vài bức thư cạnh khóe tương đương đến cho Gates.
Năm 1973, Gary Kildall làm tư vấn cho Intel. Tuy nhiên, ước mơ của ông ta khiêm tốn hơn, giống như việc mua cái vòng xuyến cho trẻ con hoặc sửa chữa vớ vẩn quanh nhà. Cuộc sống một giáo sư ở Monterey được tặng thưởng nhưng chẳng đáng là bao. Kildall chứ không phải Gates, là người luôn tuân theo quy tắc và tình cờ trở thành nhà kinh doanh. Làm việc cho Intel khiến Kildall đi đi về về hàng ngày trên xa lộ và bắt đầu kiệt sức. Do đó, ông đã lắp một chiếc máy tính nhỏ để có thể làm việc tại nhà. Để tăng hiệu quả, ông viết một chương trình giúp hỗ trợ lưu trữ file về những phát minh ông còn ấp ủ và nhờ vậy ông đã tạo ra CP/M và một công ty tên là Intergalactic Digital Research theo tinh thần của thời đại. Thật đáng nể, ông ta đã viết CP/M trong vòng vài tuần. Xét đến một hệ điều hành như nói đến hệ thống điện trong nhà. Thực ra tự nó không làm được gì nhiều nhưng nếu không có nó thì chúng ta không thể sử dụng máy hút bụi, nghe giàn máy âm thanh, không xem được đồng hồ điện tử hoặc tivi. Xét đến các thiết bị ứng dụng công nghệ (chương trình xử lý văn bản, trò chơi điện tử...) cũng giống như nói đến thiết bị cắm vào ổ điện. Ngày nay, hệ điều hành (OS) bao gồm mọi thứ, từ cái bồn rửa trong bếp, máy tính, đồng hồ, hệ thống xử lý văn bản, trò chơi điện tử đến trang web.
Nhưng khi quay trở lại cuối thập niên 1970 và đầu 1980, hệ điều hành đúng là một cuộc cách mạng. Hệ điều hành là trung gian giữa bàn phím và màn hình vi tính. Do đó, số người mua hoặc mượn CP/M của Kildall nhiều đến nỗi CP/M bắt đầu trở thành tiêu chuẩn mà mọi người sử dụng vi tính đều đi theo. Cho đến thời điểm hai nhân viên IBM đến thảo luận về việc sử dụng hệ điều hành trên một số máy tính cá nhân mới tuyệt mật của IBM, Kildall đã kiếm được hàng triệu đô la. Rất nhiều truyền tụng xung quanh cuộc đàm phán ngắn ngủi giữa Kildall và IBM.
Kẻ có tiền và kẻ có đầu óc đã mời nhau ăn những bữa tiệc khai vị bằng trứng chim cút nhúng nước sốt thịt bò và kết thúc bằng ly rượu vang nho Taylor Fladgate. Ở thuở ban đầu của máy tính cá nhân, khi kiếm được quá nhiều tiền, Kildall đã từ chối lời mời từ IBM, có thể vì quá kiêu ngạo. Những người thuật chuyện luôn lắc đầu trước sự ngớ ngẩn đó mỗi khi nhắc lại. Điều thú vị là chính Bill Gates đã làm trung gian trong vụ IBM gặp Kildall.
Đó là thời gian mà Gates thường dậy vào buổi sáng, mặc quần áo mà không cần tắm, chui áo len qua đầu rồi xỏ chân vào chiếc quần jeans, đứng trong bếp ngấu nghiến hết bát ngũ cốc trước khi đi lượn lờ trên chiếc Mercedes nâu. Dường như ông ta đã nhiều lần quên không đánh răng nên chuyện ngụ ngôn về hơi thở nồng nặc mùi lạ của Gates đã ra đời từ đó. Năm 1980, khi 24 tuổi, Bill Gates đã bay vòng quanh thế giới mà không hề mệt mỏi, đến châu Âu, Nhật cũng như bất kỳ thành phố nào ở Mỹ, nơi có các nhà sản xuất máy vi tính quan tâm đến việc cấp phép cho sản phẩm của Microsoft. Trông Gates luôn mệt mỏi bơ phờ, đầu không chải, râu không cạo. Tuy nhiên, khi đến gõ cửa IBM, Gates đã vận bộ com-lê, mái tóc dài bờm xờm được ốp lại, dù không hợp lắm nhưng tối thiểu cũng cho thấy nỗ lực làm cho mình trông được chỉnh tề. Nếu có thể yêu được một tập thể, Gates hẳn phải yêu IBM, được biết đến nhiều hơn với thế hệ siêu máy tính Big Blue. Trước khi được quan chức IBM đề nghị gặp gỡ, Gates đã tìm hiểu rất kỹ về công ty này. Đối với Gates, người thành lập công ty IBM, “đại đế” Thomas Watson, gần giống như một anh hùng siêu quần. Cuốn sách kinh doanh mà Gates yêu thích chỉ có thể là quyển The IBM Way của Watson. Trong cuộc gặp, Gates đóng vai một kẻ xảo trá đến nỗi mà lời nói của ông ta đã xuất hiện không lâu hơn các dòng trên màn hình vi tính sau khi tắt máy. IBM muốn có CP/M chứ không phải Kildall. Đối với IBM, việc giữ bí mật là tuyệt đối quan trọng. Đó còn là cả vấn đề văn hóa. Ngành công nghiệp vi tính đã tiến hành cải cách từ chiếc cổ áo ủi cứng cài khuy của nhân viên IBM đến chiếc áo sơ mi dính vết bánh pizza và mái tóc xơ xác của nhân viên Microsoft. Nhưng dù cho nhân viên hai công ty mặc đồ cotton hay flannel xám thì IBM và Microsoft cũng chẳng khác gì nhau. IBM đủ hùng mạnh để thu hút được hiền tài và lập nên một nhóm cao thủ. Chủ tịch IBM còn biết mẹ của Gates vì cả hai từng làm việc cho tổ chức United Way. Gates có phần do dự khi IBM đề nghị xem xét việc mua lại bản quyền CB/M của Kildall. Thay vào đó, Gates đề xuất giúp IBM thiết lập cuộc hẹn với Kildall tại Pacific Grove...
Trong cùng thời gian, Paul Allen biết một công ty nhỏ có tên là Seattle Computer chuyên bán QDOS dành cho hệ điều hành Quick & Dirty, được Tim Paterson soạn. Paterson cho biết ông ta viết QDOC bằng sách hướng dẫn CP/M. Thỏa thuận mà Microsoft đề nghị với Seattle Computer tạo điều kiện cho Microsoft có quyền phân phối QDOS tới hàng loạt người sử dụng. Microsoft đã bỏ chữ Q và đặt lại tên hệ điều hành là DOS. Không hiểu sao tin tức về vụ DOS bị tiết lộ và bỗng nhiên các nhà sản xuất máy vi tính trên toàn thế giới đã điện tới trụ sở Microsoft. Mục tiêu của Gates là mua toàn bộ bản quyền QDOS trước khi IBM tung ra máy tính cá nhân với hệ điều hành mới; và tất nhiên trước khi Seattle Computer có thể đánh giá toàn bộ giá trị của hệ điều hành mà họ đang có. Seattle đề nghị bán toàn bộ bản quyền hệ điều hành cho Microsoft với giá 150.000 USD nhưng Ballmer đã kỳ kèo xuống còn 75.000 USD. Kildall bắt đầu làm ầm ĩ bằng việc chỉ ra những điểm tương đồng giữa CP/M và DOS. Các yếu tố khác, ngoài vấn đề giá cả, cũng gây ảnh hưởng đến Kildall. Những kẻ bắt chước luôn hứng thú với lợi ích khi nghiên cứu nhược điểm người đi trước. Cả Seattle và Microsoft đã cải tiến sản phẩm dựa trên phát minh của Kildall. Phần mềm mà IBM bán để sử dụng cho máy tính cá nhân chính là phần mềm tương thích với DOS chứ không tương thích CP/M. Có thể cuộc sống của Kildall không sôi động vì ông không có nhiều tham vọng hoặc ít nhất cũng chỉ mơ đến việc đổi mới trong thế giới vi tính. Người đàn ông này, được một người bạn miêu tả là “đứa trẻ lớn nhất mà tôi từng biết”, là người chỉ coi việc kinh doanh máy tính như món đồ chơi trong vô số loại đồ chơi. Gates sẵn sàng làm bất kỳ việc gì mà khách hàng cần; ngược lại, Kildall là nhà khoa học chỉ muốn bảo vệ sự thuần khiết của phát minh tránh khỏi những bộ óc buôn bán bỉ lậu. Cựu nhân viên Digital Reasearch cho biết Kildall không hề thích quản lý công ty 30 nhân viên, không khao khát được sống trong ngôi nhà theo phong cách Victoria tráng lệ, không mong muốn cổ phiếu của công ty được niêm yết tại đấu trường Wall Street. Ông ta cũng không muốn thuê giám đốc điều hành vì sợ người ngoài làm hỏng không khí gia đình trong Digital Research. Mẹ của Kildall, bà Emma, kể: “Hắn rất ngây thơ và thờ ơ với mọi thứ. Hắn không có khiếu kinh doanh kiểu giết người”.
Rõ ràng là Gates lại có năng khiếu này. Khi học môn toán tại Harvard, Gates đã hiểu luật chơi: với mọi đối thủ, bạn phải tự tìm cách riêng để chiến thắng. Khi Gates biết rằng Kildall dự định ký hợp đồng cài đặt CP/M cho máy tính Hewlett-Packard, ngay hôm sau, ông ta đã có mặt tại Palo Alto để cổ động Hewlett ký hợp đồng với mình. Nhìn chung, nhân viên kỹ thuật Hewlett đều thích CP/M hơn nhưng Gates đã thuyết phục được ban điều hành Hewlett chọn DOS. James Wallace và Jim Erickson, trong cuốn tiểu sử về Gates nhan đề Hard Drive, đã kể lại cuộc đàm phán năm 1981 giữa Gates và một giám đốc bậc trung có tên là Richard Leeds. Cao trào câu chuyện là lúc Gates đấm vào lòng bàn tay mình và cảnh cáo: “Chúng tôi sẽ đẩy Digital Research ra ngoài vụ kinh doanh này!”. Ed Curry, người hiểu Gates rất rõ từ những ngày ở Albuquerque, cho biết: “Đó là chiến thuật của Bill: phải đánh tan mọi người. Hoặc nâng lên hoặc dập họ không thương tiếc, như giết một con chí mén!”.
Ước mơ tiếp theo của Kildall là sản phẩm Logo, một ngôn ngữ vi tính đơn giản đến mức học sinh trung học cũng có thể sử dụng. Nhưng một lần nữa, Kildall lại thua Gates. Sản phẩm cạnh tranh với Logo của Microsoft là BASIC đã có được lợi thế nhờ sự hỗ trợ tiếp thị của IBM. Kildall sau này đã đấm vào ngực và thốt lên: “Bây giờ tôi mới hiểu rằng máy vi tính được làm để kiếm tiền chứ không dành cho trí tuệ”. Trong thực tế, Kildall chẳng rút kinh nghiệm gì cả. Kildall cũng từng ấp ủ khả năng truyền thông đa phương tiện. Ông đã thành lập một công ty tên Knowledge-Set chuyên nghiên cứu cài đặt bách khoa toàn thư vào CD–ROM. Thật ngớ ngẩn, ông ta lại hớ hênh kể với Gates về vụ CD–ROM toàn thư. Sau đó, ông được mời phát biểu chính tại một hội thảo về CD–ROM do Microsoft tài trợ. Bạn bè cảnh cáo Kildall rằng coi chừng ông là trò chơi trong tay Gates nhưng Kildall không nghĩ như vậy. Ông ta còn phân phát bài diễn văn mà không hề nhận ra rằng Microsoft đã lợi dụng lòng tin của ông để tạo nên dự án CD–ROM toàn thư ngay từ trong trứng nước. Dĩ nhiên, bây giờ ai cũng biết bộ CD–ROM Encarta của Microsoft đã trở thành bộ bách khoa toàn thư bán chạy nhất thế giới.
Tầm cỡ của Gates ngày càng lớn. Năm 1981, chuyên san Fortune đăng hình Gates và Allen với tiêu đề là người tiên phong phát triển kỹ thuật số. Còn Kildall chỉ được nhắc đến thoáng qua. Vài năm sau, Gates phát triển IBM–PC vùn vụt và bài viết về Bill Gates xuất hiện liên tục trên Money và Time. Tờ Business Week gọi ông ta là “cậu bé phần mềm”. Tờ People đưa Gates (cùng Ronald Reagan) vào danh sách “25 người hấp dẫn nhất” vào năm 1983. Đến lúc đó, ngoại hình Gates tiếp tục không ổn, vẫn với mái tóc bù xù không chải kèm theo cái khuỷu tay chống vào mạng sườn khinh đời. Có lẽ điều làm Kildall khó chịu nhất là việc các tác giả bài báo thường khen Gates nhạy bén về công nghệ hơn kinh doanh. Những gì mà Gates và hai người bạn đã làm được tại Trung tâm vi tính Đại học Harvard thật ấn tượng nhưng không thể so với thành tựu của Kildall hoặc của hàng loạt người đi trước. Và rồi, thật mỉa mai, sau này Gates sẽ luôn ra oai với Kildall mọi lúc mọi nơi: khi cùng tham dự hội thảo máy vi tính tổ chức tại Khu nghỉ mát Playboy ở Wisconsin năm 1981 hay bất kỳ lúc nào có cơ hội. David Bunnell, người phụ trách kỹ thuật cho Ed Roberts trước khi trở thành nhà xuất bản sách công nghệ vi tính, kể lại: “Đương nhiên Bill rất hả hê. Đó là một phần để mở mang trí óc”! Tuy vậy, Kildall vẫn bất chấp Gates. Ông ta nói với mọi người rằng khi thấy DOS, ông ta như thấy tâm trí của mình. Kildall tuyên bố rằng Gates ăn theo ông, lợi dụng ý tưởng mà ông ấp ủ. Đầu thập niên 1990, ông bắt đầu viết cuốn Computer Chronicles, nhằm xóa bỏ những suy nghĩ hoang tưởng về thời kỳ đầu của ngành công nghiệp vi tính. Theo một số người từng đọc bản thảo chưa xuất bản, cuốn sách chủ yếu bác bỏ sự hoang tưởng của Bill Gates.
Gary Kildall qua đời vào tháng 7–1994 vì bị một cú đấm vào đầu trong một quán bar ở Monterey. Những gì thực sự xảy ra vào buổi tối hôm đó chẳng ai biết chắc, chỉ nghe rằng hôm đó Kildall mặc chiếc áo gi-lê bằng da màu đen với logo Harley–Davidson và có tham gia một vụ ẩu đả. Hai ngày sau, ông ta chết vì bị xuất huyết nội. Tờ Los Angeles Times, viết về cái chết của nạn nhân, đã đăng tiêu đề “Gary Kildall: người có hệ thống phần mềm thất bại về tay đối thủ MS–DOS”. Năm đó, Kildall 52 tuổi. Kildall gần giống một thiên thần đại diện cho những gì tốt đẹp và thuần khiết trên thế giới này – phóng viên Wall Street Journal, Gregg Zachary viết – “Ông kiên trì đến cùng mục tiêu của mình”. Khi chết, ông ta đã có tất cả. Một chiếc Learjet, tàu, xe gắn máy, ba chiếc Lamborghini, những cuộc đua ô tô ở Monaco, những chiếc xe hơi kiểu cổ điển, một ngôi nhà ở bờ biển Pebble và một ngôi nhà khác ở Austin (bang Texas) – dù người đàn ông này chỉ muốn kiếm sống dựa vào máy vi tính và coi thành công về mặt tài chính như là tai họa chứ không phải là của trời cho. Ông ta uống rượu như sinh viên đại học năm thứ nhất hoặc như người cố làm dịu cơn khát. Một người bạn miêu tả ông là “kẻ thất bại”. Người khác nói rằng việc giàu lên nhanh chóng “đã làm ông mất phương hướng”. Trong khi đó, ngay từ lúc khởi nghiệp, Gates có mục đích rõ ràng là kinh doanh, chứ không chỉ kiếm sống. Năm 19 tuổi, Gates đã viết trong bức thư mắng nhiếc những người sử dụng bản copy BASIC lậu: “Chẳng gì có thể làm cho tôi hài lòng bằng việc có thể thuê 10 lập trình viên và tấn công vào thị trường máy vi tính bằng phần mềm hữu ích”. Và ông ta đã làm như vậy. Gates không chỉ là kẻ cơ hội, bán những thứ mà trước đây được trao tay miễn phí tại trường đại học, mà còn là người vận hành một dây chuyền bán hàng trên toàn quốc...