Năm đó, tại cuộc triển lãm Comdex, một viên chức Microsoft tên Jeff Raikes dừng lại trước gian hàng của WordPerfect và đưa ra một đề nghị kỳ lạ: anh ta muốn có bức ảnh gia đình của một trong những người đứng đầu WordPerfect – Pete Peterson. Đó là năm 1990 và WordPerfect vào thời điểm này là ông vua không đối thủ trong thế giới xử lý văn bản với thị trường gần 1 tỉ USD/năm, từ cứ địa tại nơi nào đó ở bang Utah. Trong vòng 7 năm, Microsoft đã cho ra thị trường chương trình xử lý văn bản Microsoft Word. Bất chấp hàng chục triệu đô la mà Microsoft đổ vào chiến dịch mà nhân viên họ gọi là “Cuộc chiến văn bản”, Microsoft Word vẫn liên tục ngửi khói WordPerfect.
Tại mỗi kỳ COMDEX, Gates đều nói với giới báo chí rằng năm tới sẽ là thời điểm Microsoft Word qua mặt WordPerfect. Và cứ mỗi năm, Pete Peterson, người điều hành hoạt động hàng ngày của WordPerfect, lại có cảm giác thỏa mãn đặc biệt khi tiếp tục làm cho Gates thất vọng. Peterson thường xuyên nhận được điện thoại từ khách hàng cho biết Gates hoặc một số giám đốc điều hành của Microsoft đã đến gặp họ. Điều buồn cười là Gates và tay sai của ông lại không nói chuyện với các khách hàng tiềm năng này một cách ngọt ngào mà lại quấy rầy họ bằng việc hỏi xem vì sao họ sử dụng WordPerfect trong khi Microsoft Word hiển nhiên vượt trội hơn. Một lần nữa, trong khi trò chuyện tại một hoạt động của ngành liên quan, một giám đốc điều hành của Microsoft nói với Peterson rằng anh ta đã lập gia đình nhưng anh ta và vợ đang hoãn việc có con, chờ đến ngày đại hỉ khi mà Microsoft Word mổ banh xác WordPerfect! Anh ta giải thích rằng chỉ khi đó mình mới có thời gian rỗi. Tất nhiên đó chỉ là chuyện đùa nhưng là kiểu khôi hài đầy ý nghĩa. Jeff Raikes, giám đốc marketing phụ trách Microsoft Word, bị một áp lực rất lớn. Những người đứng đầu công ty lúc nào cũng tin tưởng vào sự siêu việt của sản phẩm họ (bất chấp phê bình từ giới chuyên môn), bởi vậy đương nhiên là họ đổ lỗi cho khâu marketing. Tại một hoạt động chung của ngành diễn ra trước COMDEX năm 1990, có người hỏi Gates về WordPerfect. Đúng với tính cách mình, Gates thừa nhận Microsoft thua cuộc. Gates nói rằng Microsoft đang ở thế bất lợi. Họ có rất ít nhà lập trình văn bản và đội ngũ marketing cũng mỏng hơn. Gates cho biết cách duy nhất có thể tiến lên là phải hiểu cạnh tranh như hiểu chính bản thân họ. “Tôi muốn nhân viên của tôi thức tỉnh và hãy nghĩ về sự cạnh tranh” – Gates nói – “Tôi hy vọng anh chàng Jeff Raikes của chúng tôi biết nhiều về bọn WordPerfect đến mức anh ta có thể kể tên con cái của đối thủ và cho bạn biết cả ngày sinh của chúng”. Hôm đó, Raikes không có mặt, song anh ta thấy những lời này được đăng trên cột báo tin bên lề trong ngành và anh ta ghi nhớ chúng như thể đó là lệnh truyền xuống từ Chúa. Raikes trông cũng giống Gates với khuôn mặt đần đần, nhúm tóc vàng bẩn bẩn cùng cái mũi hơi to, và dù sếp lúc nào cũng cáu giận và gay gắt, Raikes vẫn luôn làm hài lòng ông ấy. Khi có điểm gì không đồng ý, Gates thường hỏi: “Đầu óc anh có vấn đề gì không?” Còn Raikes ngược lại, anh ta nói một cách nhẹ nhàng: “Có lẽ tôi phải bất đồng với anh một chút về việc này”.
Mỗi lần tại COMDEX, Raikes đều dừng lại trước gian hàng WordPerfect, nói lời chào với Peterson và hỏi han tình hình. “Này, ông phải giúp tôi nhé” – Raikes nói một cách thân mật khi ghé qua gian hàng năm 1990. “Tôi muốn biết tên và ngày sinh bọn trẻ nhà ông. Tôi cần bức ảnh ông chụp với gia đình”. Nhân viên của Peterson tròn mắt trước yêu cầu kỳ lạ của một người thuộc tập đoàn Microsoft nhưng Peterson lại chấp nhận trò chơi. Tại sao không chứ? Một tuần sau, chân dung gia đình Peterson đã nằm trên bàn Raikes. Và một năm sau đó, sáu đứa trẻ nhà Peterson đều nhận được thiệp mừng sinh nhật từ Raikes, cùng những món quà ngộ nghĩnh. Quà thì Peterson ném vào sọt rác nhưng bọn trẻ lại rất thích thú trước thiệp mừng. Ban đầu thì ông ta cười nhưng sau đó ông ta bắt đầu thấy rùng mình. Chính ông đã bắt đầu tham gia vào cái mà ông gọi là “cuộc tử chiến với Bill Gates” và một trong những kẻ thân tín hàng đầu của Gates đã gửi đến huyết thư khai chiến! Hai năm sau, Peterson mất việc. Cảm thấy thật tổn thương và giận dữ sau khi bị buộc phải từ chức, ông đành tự an ủi bản thân với ý nghĩ tích cực: Ông ta chẳng còn phải sống dưới sự khủng bố thường trực của Gates nữa. “Toàn bộ cuộc sống của tôi, từ năm 1985 cho tới đầu năm 1992, đều là những suy nghĩ làm thế nào để luôn ở vị trí cao hơn Bill Gates” – Peterson than vãn. “Đêm nào tôi cũng phải nghĩ xem sẽ làm gì với ông ta và Microsoft. Mỗi sáng thức dậy, tôi lại nghĩ về điều đó. Bill Gates là yếu tố không tách rời trong mọi việc tôi làm hằng ngày”...
Alan Ashton, giáo sư khoa học máy tính thuộc Đại học Brigham Young, không có lịch dạy vào mùa hè năm 1977. Thấy buồn, ông ta quyết định thử làm chương trình phần mềm xử lý văn bản. Khi đó, các chương trình xử lý văn bản rất lủng củng, màn hình đầy ký hiệu quái lạ kiểu như @HD@B cùng nhiều mật mã khó hiểu khác. Ashton nảy ra ý tưởng tạo một màn hình trông giống như một trang giấy in và được hiện lên qua một văn bản để có thể dễ dàng lật trang như sách. Trong thâm tâm, ông nghĩ ý tưởng táo bạo này có thể hỗ trợ thêm cho khoản thu nhập nghề giáo của ông. Có một sinh viên của Ashton là Bruce Bastian, người cả đời chỉ thích nhất việc điều khiển đội diễu hành của trường. Anh ta gắn kết với nó đến mức đề án tốt nghiệp thạc sĩ là chương trình máy tính ba chiều giúp có thể theo dõi đội hình đoàn diễu hành từ mọi phía sân vận động. Và WordPerfect bắt đầu ra đời, cùng sự trợ lực của Ashton. Sau hai năm trời làm việc cả cuối tuần và ngày nghỉ, kết quả đã có. Trong khi đó, Ashton vẫn dạy học và Bastian tiếp tục với bằng thạc sĩ. Pete Peterson, anh rể của Bastian, gợi ý họ nên thuê một người quản lý ngoài giờ. Công việc ngoài giờ này chỉ được trả 5 USD/giờ nhưng Peterson không hề lưỡng lự khi Bastian mời. Lý do là công việc kinh doanh ở cửa hàng vải Julie mà Peterson chung vốn với hai thành viên trong gia đình đã tồi đến mức Peterson phải làm thêm tại một siêu thị với công việc mỗi sáng cho rau vào túi và đặt lên giá, với mức lương hẻo 4 USD/giờ.
Vài họ hàng khác, cũng như bạn bè và hàng xóm, bắt đầu được đưa vào danh sách công ty và WordPerfect ngày càng phát triển. Ashton còn thuê sinh viên đến ngồi kín các buổi giới thiệu sản phẩm. Khi công ty quyết định cần phải quảng cáo, Peterson đã phóng xe đến hiệu sách trong vùng để tham khảo, nghiên cứu. Đúng theo phong cách mình, Peterson đã tự học về nhãn hiệu sản phẩm, chu kỳ sống của sản phẩm và marketing thử nghiệm. Vậy mà sản phẩm của họ đã được chào đón bằng nhiều nhận xét thích đáng và doanh thu hàng năm tăng liên tục. Tất nhiên, cũng có giai đoạn khó khăn. Việc tuyển nhân viên trở thành vấn đề lớn, cũng như tình trạng thiếu kinh nghiệm của ban điều hành công ty. Nhưng những lo lắng này không thể so với mối lo ngại số một là Microsoft, công ty nổi tiếng quy tụ nhân tài từ những thánh đường như Harvard, Stanford hoặc Caltech. Cần nhắc lại, Microsoft Word 1.0 tung ra thị trường năm 1983, ba năm sau WordPerfect. Tuy nhiên, nó lại là thảm họa. Văn bản thường bị hỏng mà không có lý do rõ ràng nào, lôi theo toàn bộ tài liệu, thậm chí cả tài liệu lưu trong máy! Vài tháng sau khi cho ra đời Word 1.0, Microsoft đã thuê một nhà tư vấn kinh doanh để nghiên cứu phản ứng khách hàng. “Bản báo cáo quá tiêu cực” – Pam Edstrom, giám đốc quan hệ đối ngoại của Microsoft kể – “Phản hồi từ khách hàng thật tồi tệ. Thật đau đớn khi đọc nó”.
Là nhà lập trình tài năng với bản lý lịch ấn tượng đầy mơ ước cao vời, Charles Simonyi bắt đầu làm việc cho Microsoft vào năm 1981 khi 30 tuổi. Sinh tại Hungary, Simonyi đến làm việc cho Xerox PARC, một ốc đảo đầy ý tưởng sáng tạo nằm khuất sau cụm đồi phía trên Đại học Stanford. Mặc dù được Xerox tài trợ song PARC được biết đến như một nơi chứa những ý tưởng vĩ đại hơn là thương mại, cho phép người sử dụng chỉ đơn giản nhấn vào ký hiệu thùng rác khi muốn xóa một file chứ không cần gõ lệnh C:\>del [tên file].DOC. Đó là câu chuyện về Xerox PARC, nơi có một danh sách dài với các sáng kiến đột phá ấn tượng mà trong số đó rất nhiều ý tưởng chưa được hình thành về mặt thương mại cũng như chưa đóng góp vào hiệu quả kinh doanh của Xerox. Cuối cùng, Simonyi đã đủ tiền mua một chiếc Learjet và xây một ngôi nhà trị giá 5 triệu USD, gần nơi ở của Gates, tách biệt khỏi hầu hết cộng sự tại PARC. Tại lần gặp đầu tiên của họ, Gates đã nói về các kế hoạch nhằm kiểm soát nhiều vết nứt trong ngành công nghiệp phần mềm và khi đó Simonyi biết rằng anh ta đã tìm thấy mái nhà cho mình. Tại cuộc họp đầu tiên của những người nắm trách nhiệm ở Microsoft vào năm 1981, Simonyi đã chứng tỏ tài năng và bản lĩnh của mình. Dù thông minh song những định lý Simonyi đã gợi nhớ đến một nhân vật trong câu chuyện phim Raiders of the Lost Ark (Bọn cướp chiếc rương thánh tích thất lạc), kẻ đã bỏ túi không biết bao nhiêu đồng tiền vàng song lại không vượt qua được một vực thẳm...
Trong cùng thời gian, chương trình phần mềm bảng công tác tốc độ cao do một công ty nhỏ ở Cambridge (bang Massachusetts) tạo ra với tên gọi Lotus đang bắt đầu gây chú ý. Lotus 1–2–3 chỉ chạy được trên máy IBM nhưng đối với những ai sử dụng máy tính IBM thì việc dùng 1–2–3 sẽ giống như sự khác biệt giữa việc mặc bộ quần áo may đặt và bộ quần áo may sẵn loại hàng chợ. Trong khi Multiplan của Microsoft là bộ quần áo rộng thùng thình và ống chân dài để có thể phù hợp với nhiều dáng vóc (thích hợp sử dụng cho nhiều loại máy tính) thì 1–2–3 là bộ quần áo hoàn hảo cho máy tính IBM. Để cạnh tranh, Lotus đã nhanh như chớp viết mã số máy tự nhiên chứ không dùng ngôn ngữ chung như là BASIC. Năm 1983, Gates quyết định tung ra Excel. Ông ta cũng quyết định bỏ ý định tạo sản phẩm phù hợp với mọi phần cứng mà thay vào đó là học theo cách như Lotus, với sản phẩm chuyên biệt cho máy IBM. Cuối cùng, ông ta cũng nhận ra rằng mọi người không hề quan tâm đến một chương trình có khả năng vận hành trên 70 phần cứng khác nhau mà chỉ chú ý xem nó có vận hành tốt trên phần cứng của mình hay không mà thôi.
Trong thời gian dài, nhóm nghiên cứu WordPerfect chẳng hề để mắt tới chương trình xử lý văn bản Word của Microsoft. Chắc chắn, họ vẫn biết Bill Gates là ai. Khó mà lại nói là không biết Gates. Chỉ riêng năm 1983, Gates đã được viết trên các báo Business Week, Money, People, Time. Cũng năm này, Gates viết trên People rằng: “Chúng tôi muốn trở thành chuyên gia phần mềm theo cách như IBM là tay tổ phần cứng”. Năm 1984, ông có tên trong danh sách "Thế hệ mới thành đạt nhất" của tạp chí Esquire lịch lãm dành cho phái nam và cũng được chụp ảnh to kín trang trên chuyên san Fortune, nơi từng mô tả Gates là “một phần đáng kể trong phần mềm mà ông ta sở hữu”. Năm sau, Gates (cùng các diễn viên điện ảnh Warren Beatty, Tom Selleck và Burt Reynolds) được tạp chí Good Housekeeping chọn là một trong 50 gã độc thân lý tưởng nhất. “Họ đều là những người giàu có, lịch thiệp và đều đang đợi một phụ nữ lý tưởng!”. Gates cũng xuất hiện trên chương trình Today của truyền hình NBC. Tuy nhiên, tại WordPerfect, mọi người chỉ cười ruồi mỗi lần họ thấy sự ca tụng dành cho cậu bé được coi là thiên tài trong lĩnh vực xử lý văn bản. Vấn đề cuối cùng rồi cũng đi đến một sự thật – một vấn đề mà sau nhiều năm Gates mới thú nhận – rằng: Microsoft đã dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về hệ thống ống nước nhưng thất bại và đành chuyển sang nghiên cứu bồn cầu!
Bắt đầu từ năm 1986, Microsoft là đối thủ duy nhất mà WordPerfect phải bận tâm. WordPerfect có 30% thị phần còn Microsoft Word đứng thứ tư với 10% thị phần. Tuy nhiên, Microsoft có lợi thế là một nhà thiết kế hệ điều hành. Một yếu tố khác cũng làm cho WordPerfect lo sợ là tính tham ăn của Microsoft. Pete Peterson nói với các đồng nghiệp: “Ngay khi họ kết thúc bữa ăn, họ lại nhào đi tìm bữa khác. Sự tham ăn của họ không có giới hạn”. Đối với Peterson, Steve Ballmer, chứ không phải Gates, là hiện thân của tất cả những gì ông ta không ưa về những thói tham lam của Microsoft. Ballmer cũng từng học tại Đại học Stanford sau hai năm làm việc với Procter & Gamble, thời điểm mà Gates (năm 1980) bắt đầu săn tìm bạn bè để cùng nhau gầy dựng công ty tại Seattle. Paul Allen đã nhiều lần gạ gẫm Gates bỏ Harvard còn Gates thì xúi Ballmer bỏ học từ khoảng giữa năm nhất và năm hai Stanford. “Bỏ đi” – Gates cà kê – “Nếu không sẽ là quá muộn đấy”...
Nếu ở Microsoft, mọi người tỏ ra hống hách thì ở WordPerfect, mọi người lại rất hòa nhã. Microsoft dựng lên loạt thử nghiệm về sở thích nhằm so sánh giữa Word và WordPerfect rồi còn dành khoản tiền nhỏ để quảng cáo rằng 9/10 người sử dụng phần mềm xử lý văn bản đều thích Word hơn, mặc dù thương trường cho thấy điều ngược lại. “Loại quảng cáo này không mang tính thống kê và tạo ra một thành kiến thật tồi tệ” – Dan Lunt, giám đốc tiếp thị WordPerfect nói. “Chúng tôi đã yêu cầu họ bỏ kiểu quảng cáo này song họ lại thách chúng tôi làm thế nào để họ dừng lại được”. Họ phát mệt về việc Microsoft suốt ngày đả kích sản phẩm của họ và phát chán với tính kiêu ngạo của một công ty luôn tin rằng số mệnh công ty là phải chiến thắng bởi vì nó sáng suốt hơn bất kỳ đối thủ nào khác.
Có lần, nhóm WordPerfect đã dành hầu hết thời gian ăn trưa để trút giận lên Microsoft. Họ thề sẽ thay đổi để có thể đường đường chính chính đứng trên bục cao nhất. “Tham chiến!” – họ đồng thanh, khi chụm đầu vào nhau giống như các vận động viên hội ý trước khi bước vào trận so tài sống mái. Họ đều đồng ý rằng lịch sự như thế đã là quá đủ. Thế giới kinh doanh không có chỗ cho kiểu quân tử Tàu. Họ cũng làm việc chăm chỉ hơn, sáng suốt hơn và cừ khôi hơn. Họ trả đũa bằng cách phỉ báng Word ở khắp nơi. Và nếu phải lạm dụng quy tắc, họ cũng sẵn sàng. Giai đoạn đầu sẽ là "trại huấn luyện marketing", nơi mà Peterson và các nhà điều hành tiến hành huấn luyện đội ngũ tiếp thị. Sau đó, họ khua chiêng gõ mõ rùm beng cho sản phẩm WordPerfect 5.0 – dù nó còn nằm trong phòng nghiên cứu. Trước kia, Peterson thường trích dẫn lời cha mình hoặc giáo lý Mormon, bây giờ, ông thích trích lời của sư tổ tiến hóa Charles Darwin. “Đó là luật của rừng già” – Peterson nói – “Là sự sinh tồn của kẻ mạnh. Ở đó, con người sẵn sàng ăn thịt nhau. Đó là thế giới chủ yếu dựa trên lòng tham”. Và nếu không tuân theo quy luật ấy của rừng già, Peterson nói với nhân viên, các bạn nên tự tìm một công việc khác...