“Hy vọng giống như Mặt Trời, còn những muộn phiền trong cuộc sống giống như bóng tối. Khi ta hướng về phía Mặt Trời, bóng tối sẽ ngả về sau ta.”
- Samuel Smiles
Lúc tôi đến đón mẹ ở viện dưỡng lão, các nhân viên ở đó đã giúp mẹ chuẩn bị sẵn sàng như tôi yêu cầu từ trước. Tôi nắm lấy tay mẹ và nói: “Mình đi thôi mẹ, con đảm bảo với mẹ sẽ vui lắm”.
Tôi mỉm cười như thể hai mẹ con tôi chuẩn bị đi thả diều hay đi ăn kem chuối. Mẹ chậm rãi bước theo tôi. Tôi mở cửa và hướng dẫn mẹ cách ngồi vào xe. Tôi phải ấn nhẹ vai mẹ để mẹ nhớ ra cách làm. Tôi vừa lái xe vừa không ngừng quan sát, đề phòng mẹ lại nghịch ngợm khóa xe. Lần trước, mẹ đã mở tung cửa xe khi chúng tôi đang đi trên đường. Cha tôi đã gần như suy sụp khi nghe tôi kể lại chuyện này. Ông cứ thắc mắc: “Có khi nào mẹ con muốn tự sát không?”.
“Mình cùng đi phiêu lưu mẹ nhé”, tôi vừa nói vừa đung đưa tay mẹ khi hai mẹ con tôi cùng tiến vào thẩm mỹ viện.
Một người phụ nữ dẫn chúng tôi đến chỗ ba chiếc ghế giả da màu hồng và một chiếc bàn kính có đặt một cuốn tạp chí People cũ kỹ và một quyển sách bìa cứng dày cộm có tựa đề Style bên trên. Tôi giúp mẹ ngồi xuống ghế và xem sách cùng bà. Quyển sách có nhiều bức ảnh cỡ lớn của các cô người mẫu tóc ngắn gợi cảm. Một cô gái có mái tóc được vuốt nhọn như mũi tàu; tóc một cô khác thì trông cứng như đá. Tôi nghiêng sách về phía mẹ và chỉ vào từng bức ảnh. Mẹ trông rất vui vẻ. Những bức ảnh cỡ lớn khiến mẹ thích thú vô cùng.
Khi chúng tôi đã xem hết tất cả hình trong sách, tôi có cảm giác mẹ bắt đầu trở nên bồn chồn. Lúc ở viện dưỡng lão, mẹ tôi không chịu tắm rửa, gội đầu hay để người khác cắt móng tay cho mình. Các y tá nói với tôi rằng bà dần trở nên hung hăng nên họ đành để bà yên. Cha tôi liền đến giúp, ông dự định sẽ giúp mẹ tắm gội. Nhưng mẹ cũng đánh luôn cả cha. Tóc mẹ dài ra và bết lại vì bóng nhờn; móng tay và móng chân mẹ cũng bị dày sừng và ngả vàng. Mẹ trông giống những cụ già thường xuất hiện để thử lòng các nhân vật trong truyện cổ tích. Dù rất thích truyện cổ tích, tôi vẫn muốn mẹ quay lại với diện mạo khi xưa của bà.
“Bà Frances đúng không ạ?”, một phụ nữ đậm người mặc áo sơ mi xanh lá và quần đen tiến đến chỗ chúng tôi. “Tôi là Kim. Rất vui được gặp hai người.”
Tôi nắm lấy tay mẹ, dẫn bà đến một dãy ghế dài và giúp mẹ ngồi xuống. Tôi vẫn nắm lấy tay mẹ trong lúc Kim khoác áo choàng quanh người bà.
“Bà muốn cắt kiểu gì ạ?”, Kim hỏi mẹ tôi.
Mẹ xoay vòng trên chiếc ghế xoay.
“Mẹ tôi thường để tóc ngắn”, tôi trả lời. “Chúng ta phải nhanh lên vì tôi không biết mẹ tôi sẽ bình tĩnh thế này được bao lâu.”
Kim gật đầu và lấy bộ kéo ra. Tôi quỳ xuống bên cạnh và nắm lấy tay mẹ. Mẹ mỉm cười với tôi. Từng lọn tóc bạc của mẹ rơi lả tả xuống đầu gối, xuống chân tôi. Mẹ tôi lúc nào cũng tự mình cắt tóc cho đến tận năm ngoái, khi bà không còn nhận ra chiếc kéo nữa.
Tôi quỳ gối dưới sàn, nắm lấy tay mẹ và trò chuyện với Kim về bốn đứa cháu của mẹ. Tóc mẹ phủ đầy chân tôi và sàn nhà. Tôi chưa bao giờ quỳ trước mặt mẹ mình như thế này. Trông tôi như sắp nói ra những điều như: “Con cảm ơn mẹ đã sinh con ra, nuôi dạy con, và luôn đồng hành bên con qua mọi thăng trầm trong cuộc sống”. Lẽ ra tôi nên nói những lời yêu thương với mẹ mình thay vì nói với Kim: “Tôi muốn tranh thủ gội đầu cho bà ấy hôm nay luôn”.
Tôi và Kim dẫn mẹ đến chỗ bồn gội đầu. Mẹ cười khúc khích khi Kim xả nước nóng lên tóc mẹ và thoa dầu gội lên đó. Kim làm rất nhanh tay và khi mẹ tôi xuất hiện trở lại, bà đã quay về với dáng vẻ khi xưa của mình. Mẹ trông sạch sẽ và tươi tắn với mái tóc xoăn tự nhiên tuyệt đẹp.
Một lát sau, người thợ làm móng xuất hiện. Cô ấy tên Isabelle và tiếng Anh của cô pha một chút giọng Tây Ban Nha. Tôi ngồi ngay bên cạnh mẹ khi Isabelle ngâm tay mẹ vào nước rồi cho bà xem các màu sơn móng tay. Mẹ tôi cầm lấy một chai nước sơn có màu đỏ tươi. Đây là màu sơn mà lúc còn trẻ mẹ sẽ khuyên tôi đừng dùng vì màu sắc trông quá phô trương. Nhưng khi đã qua tuổi tám mươi thì ta có thể phô trương thế nào cũng được.
Vì mẹ kiên quyết không chịu buông chai nước sơn ra nên Isabelle bắt đầu sơn bàn tay bên kia của mẹ trước. Mẹ ngắm nghía bàn tay mình một lát, rồi khi thấy đã đến lúc thích hợp, bà liền buông chai nước sơn xuống và Isabelle nhanh chóng sơn bàn tay còn lại cho bà.
Trước đây mẹ tôi không bao giờ sơn móng tay. Bà cho rằng việc này quá điệu đà và vô nghĩa. Có thể hiện tại mẹ vẫn nghĩ thế. Nhưng tôi vẫn quyết định sơn móng tay cho mẹ vì những sắc màu rực rỡ và một diện mạo tươi tắn khiến mẹ trông có sức sống hơn.
“Tôi sẽ tô cho bà ấy một chút son và đánh thêm chút má hồng. Đây là quà tặng thêm vì mẹ cô thật xinh đẹp”, Isabelle nói với tôi.
Tôi còn nhớ khi dì Ann của tôi đổ bệnh, một trong những việc khiến dì tuyệt vọng nhất chính là dì đã không thể đến chỗ làm tóc quen thuộc của mình. Tiệm làm tóc ấy nằm cách nhà dì hơn nửa giờ lái xe.
“Sao dì không đến mấy tiệm làm tóc gần nhà?”, tôi từng hỏi dì như thế. “Vừa nhanh vừa thuận tiện hơn nhiều.”
“Nhưng họ làm không giống như dì muốn. Dì đã quen với tiệm làm tóc của mình rồi.”
Thế là lúc đó tuần nào tôi cũng đưa dì Ann đến chỗ tiệm làm tóc quen thuộc của dì. Tôi nhận thấy dì có vẻ vô cùng hạnh phúc khi dì có kiểu tóc mới, móng tay dì được sơn hồng lấp lánh và môi dì được tô son rực rỡ. Thế nhưng, tôi vẫn không hiểu được làm thế nào việc trang điểm và trau chuốt vẻ ngoài lại có thể khiến một người thay đổi nhiều đến thế.
Tôi đã không hiểu được cho đến giờ phút này, khi tôi nhìn thấy mẹ trong dáng vẻ thân thuộc ngày xưa. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và tràn ngập hy vọng. Nỗi bất an trong lòng tôi mỗi lần tôi nhìn thấy mẹ với mái tóc bết lại vì bẩn đã tan biến. Hai mẹ con tôi cùng quay về nhà. Tôi giúp mẹ ngồi xuống ghế sofa và dúi vào tay mẹ chiếc bánh quy tôi luôn giữ trong túi áo. Đây là thứ tôi dùng để dỗ yên mẹ những lúc mẹ bất chợt trở nên hung hăng. Mẹ tôi săm soi chiếc bánh. “Đây là đồ để ăn”, tôi vừa nói vừa cầm tay bà đưa lên miệng.
“… ở đâu?”, mẹ tôi nói không tròn câu, nhưng tôi biết bà đang hỏi về cha tôi.
“Mẹ đừng lo, một tiếng nữa cha sẽ về”, tôi dịu dàng trả lời mẹ.
Mẹ con tôi cùng ăn bánh quy và xem hình trong tạp chí. Tôi có cảm giác như mình đang ngồi chơi với con sau giờ học. Lúc cha tôi về đến nhà, mắt ông nhòa lệ khi ông nhìn thấy mái tóc mới của mẹ. “Có chuyện gì vậy con?”, cha tôi hỏi. “Con đã giúp mẹ tắm gội à?”. Giọng cha khàn đi và khuôn mặt cha đầy vẻ kinh ngạc.
“Con và mẹ đã đến thẩm mỹ viện”, tôi nói với cha. Hai cha con tôi cùng mỉm cười và ngắm nhìn mẹ như thể đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy bà. Mẹ tôi trông thật rạng rỡ và tràn đầy hy vọng.
Mẹ tôi có mái tóc mới. Móng tay mẹ được cắt gọn và sơn mới. Nếu hôm nay mẹ có thể xinh đẹp như thuở trước thì biết đâu một ngày nào đó mẹ cũng sẽ có thể tự cài nút áo, nhớ ra tên con gái của mẹ và nhận biết được một thanh kẹo sô-cô-la, biết đâu nhiều điều tốt đẹp khác rồi sẽ đến với mẹ. Dù con đường phía trước gập ghềnh và ẩn chứa nhiều điều khó đoán, trong thời khắc ngắn ngủi ấy, cha con tôi đã tin tưởng sâu sắc rằng mọi phép màu đều có thể trở thành hiện thực.