R
ichard Wagner sinh tại Leipzig, là người con thứ 9 của Carl Friedrich Wagner. Cha ông là một thư kí trong sở cảnh sát Leipzig và mẹ ông, Johanna Rosine, là con gái một người thợ làm bánh. Cha của Wagner mất do bệnh sốt phát ban 6 tháng sau khi sinh Richard, sau đó Johanna bắt đầu sống với bạn của chồng - diễn viên và là nhà viết kịch Ludwig Geyer.
Trong các năm 1834 - 1839, Richard Wagner là nhà soạn nhạc và nhạc trưởng của các nhà hát tại Magdeburg, Koenigsberg và Riga. Từ năm 1839 đến năm 1842, Wagner sống trong khổ cực. Sau đó, ông trở về Dresden và trở thành nhạc trưởng của nhà hát của vua xứ Saxony.
Sự nghiệp âm nhạc của ông có phần gián đoạn bởi ông tham gia vào cuộc cách mạng Đức, cuộc khởi nghĩa tháng 5 năm 1849. Cuộc khởi nghĩa này không thành công, Wagner phải sống lưu vong tại Thụy Sỹ, Ý và Pháp trong 10 năm liền và chỉ trở về khi có lệnh ân xá. Trở về Đức, ông đặt chân đến Munich. Sau đó, ông tiếp tục sinh sống tại Vienna.
Năm 1872, Wagner định cư ở Bayreuth. Nơi đây, ông nhận được sự hỗ trợ từ vua Ludwig xứ Bavaria. Nhờ có sự giúp đỡ này, cộng thêm số tiền tích cóp được trong quá trình biểu diễn trước đấy, Wagner đã xây dựng được nhà hát chuyên biểu diễn những vở opera của riêng ông. Tháng 8 năm 1876, nhà hát này được khánh thành với bộ tứ vở opera “Chiếc nhẫn của Nibelung”.
Từ năm 1878, Wagner bị những cơn đau tim đột ngột và qua đời vào ngày 13 tháng 2 năm 1883 tại thành phố Venice, Ý, hưởng thọ 69 tuổi.
Richard Wagner đi vào lịch sử âm nhạc như là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất và nhà cải cách opera lớn nhất. Mục đích của Wagner khi tiến hành cải cách opera là sáng lập một loại tác phẩm thanh nhạc giao hưởng hoành tráng, có tiêu đề, dưới hình thức một vở kịch, để thay thế mọi kiểu opera và giao hưởng đã có. Theo ý tưởng của ông, thể loại này là một vở nhạc kịch trong đó âm nhạc được phát triển theo một hệ thống những âm hình chủ đạo, miêu tả không những tính cách của các nhân vật mà cả tình cảm của họ. Âm nhạc ở đây là một dòng chảy liên tục, liên kết mọi tình huống kịch trong một thể thống nhất. Vì thế, sẽ không còn những tiết mục tách rời, ví dụ như aria di capo của các vở opera trước đấy, mà là những đoạn hát nói có giai điệu, bám sát tình cảm trong lời ca. Ngoài ra, opera của Wagner còn có những đoạn chen độc lập của dàn nhạc giao hưởng. Đó là những đóng góp của Wagner cho âm nhạc giao hưởng thế giới.
Richard Wagner là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử âm nhạc, và có lẽ là trong cả nghệ thuật. Những cuộc tranh luận bắt đầu từ chính cuộc đời nhà soạn nhạc, hơn 10.000 cuốn sách về Richard Wagner được xuất bản sau cái chết của ông vào năm 1883 và đến nay vẫn còn tiếp tục.
Thế giới âm nhạc bị chia rẽ bởi những người tán thành Wagner và những người chống lại Wagner. Nhiều người đã thay đổi quan điểm của mình khi họ tìm thấy thêm nhiều tư liệu về nhà soạn nhạc yêu quý của họ, hoặc tên ác quỷ mà họ căm ghét.
Wagner là một hỗn hợp đầy khó hiểu của tốt và xấu, của sự vĩ đại và tàn bạo, mẫu người thỉnh thoảng lại xuất hiện trong lịch sử Đức, tính kiêu ngạo của Wagner hoàn toàn bệnh hoạn. Nhà văn Deems Taylor đã từng viết, “Wagner có sự xúc động đầy kiên định của một đứa trẻ 60 tuổi”. Ông hoàn toàn ngây thơ trước bất kỳ ý thức trách nhiệm nào và không có nguyên tắc nào trên mọi nẻo đường. Cosima, người vợ thứ hai của Wagner từng là vợ của một người bạn tận tâm của ông. Và trong khi Wagner cố gắng thuyết phục bà chia tay người chồng đầu tiên, ông đã viết thư cho một người đàn bà giàu có khác, người mà ông có thể lấy vì tiền… Wagner có nhiều kẻ thù, từng lăng mạ một người bạn chỉ vì bất đồng trong quan điểm về thời tiết.
Ông vốn còi cọc, đau ốm hay gắt gỏng nhưng lại là người đàn ông nhỏ bé đầy sức lôi cuốn của mọi thời đại. Điều gì sẽ xảy ra nếu Wagner không phải là kẻ hay lật lọng với bạn bè của mình và những người vợ của họ? Trên thực tế, Wagner đã lừa dối những người bạn tử tế nhất của mình. Ví dụ, Otto Wesendock, người đã mua bản quyền hai tác phẩm Rheingold và Walkure vào năm 1859, đã có nhiều bài học kinh nghiệm với những đặc điểm tính cách của Wagner, vẫn không phải bất ngờ khi được biết Rheingold đã được bán lại một lần nữa cho nhà xuất bản Schott of Mainz mà không có lấy một phần hồi đáp từ Wagner cho người giữ bản quyền.
Cuộc đối đầu giữa Wagner với các nhà soạn nhạc đương thời như F.Mendelssohn, J.Brahms… đã trở thành những cuộc chiến kỳ lạ trong thế giới âm nhạc. Không chỉ có vậy, Wagner còn căm ghét tất cả những nhà soạn nhạc bạn bè và ông ghét tất cả những gì mà ông học được từ họ. Wagner ghét Symphony “Scottish” của Mendelssohn, ghét Meyerber (mặc dù trong thời gian ở Pháp đã từng nhờ cậy đến sự giúp đỡ của Meyerber) và nhạo báng những vở grand opera đặc trưng kiểu Pháp nhưng sau đó lại sáng tác vở grand opera Rienzi. Ông ghét Scribe (Augustin Eugene Scribe: nhà viết kịch Pháp nổi tiếng đương thời) và tự viết phần libretto cho vở Meistersinger. Sự khác biệt giữa quan điểm mỹ học, những tác phẩm bút chiến và âm nhạc, những vở kịch của Wagner khiến người ta cảm thấy hoang mang. Trong “Opera và kịch”, luận thuyết quan trọng nhất của Wagner về opera như một hình thức nghệ thuật, xuất bản năm 1951, ông đã chỉ trích hết sức khắt khe Mozart: “Có vẻ như sự nghiệp sáng tác opera của Mozart không có nhiều nét đặc biệt, cách tiếp cận và khai thác vấn đề của ông ta thiếu cẩn thận. Mozart không suy nghĩ về tính mỹ học ẩn sâu trong các vở opera, trái lại ông chỉ sáng tác dựa trên bất cứ đề tài nào bắt gặp mà không hề có ý thức về nó”.
Trên lý thuyết, Wagner chỉ trích các đoạn duet và hợp xướng bởi vì phần lời của các trích đoạn này thường rất khó nghe. Theo những gì Wagner viết, phần lời cũng có vị trí quan trọng như âm nhạc, thậm chí có thể quan trọng hơn. Thế rồi khi sáng tác Tristan và Isolde, lại có một duet tình yêu kỳ diệu một cách phi thường trong màn 2 với phần lời được viết ra gần như không thể hiểu nổi bởi sự lấn át hoàn toàn của phần nhạc tràn ngập cảm xúc. Trong Meistersinger, không chỉ có aria, hợp xướng và ballet (tất cả những thứ mà Wagner căm ghét và xem thường ở Meyerbeer)… mà còn có cả một quintet! Và bởi vì Wagner là một nhà soạn nhạc thiên tài nên quintet đó đã trở thành một quintet vĩ đại được viết lên trên sân khấu opera. Về Gotterdammerung (Hoàng hôn của các vị thần), với những chai rượu bỏ thuốc độc, những đoạn hợp xướng và lối sáng tạo đầy táo bạo trên sân khấu kiểu Scribe, Bernard Shaw, một người bạn thân thiết và ngưỡng mộ Wagner, đã viết rằng, trong đó có nhiều điểm chung với Un ballo in Maschera (Vũ hội giả trang) của Verdi.
Wagner thường tranh cãi rất quyết liệt với các nghệ sĩ opera về việc dàn nhạc và kịch bản vẫn bị phụ thuộc vào sự trưng trổ của giọng hát như trong các vở opera của Rossini và Bellini. Wagner đã loại trừ điều đó ra khỏi Rheingold và một phần của Die Walkure. Nhưng trong Gotterdammerung, Meistersinger và Parisfal, với những đoạn hợp xướng đầy sức mạnh được kế thừa từ Meyerber, Wagner đã sáng tác một vở siêu grand opera kiểu Meyerber, và trong Der dliegende Hollander và Tanhause, Wagner thường chấm dứt các trận đánh bằng những aria đẹp tuyệt mỹ.
Vấn đề chính của Wagner thường gặp phải, trớ trêu là không xảy ra với đối thủ của ông mà lại là với những người bạn thân thiết. Nhà triết học trẻ Niezsche tìm thấy và ngưỡng mộ con người lý tưởng lẫn con người nghệ sĩ trong Wagner. Thậm chí, đối với Niezsche thì Wagner đứng ở vị trí thứ hai sau nhà triết học Schopenhauer. Ông nhìn thấy trong Wagner hình bóng người anh hùng của Dionysus… Sự rạn vỡ xuất hiện khi sự ngưỡng mộ đầy lãng mạn của Niezsche bị thách thức bởi những bài phê bình âm nhạc đầy sức nặng của Wagner. Niezsche bắt đầu choáng váng khi cảm nhận được sự giả dối của Wagner. Là người bạn thân thiết, ông đã được đọc bản thảo viết tay cuốn tự truyện của Wagner và có thể đã có những nghi ngờ đầu tiên về bản chất của chính tác giả. Niezsche đã lên tiếng sau đó… Rằng cuốn tự truyện được ban hành của Wagner có nhiều hư cấu. Tôi có thể thú nhận rằng tất cả mọi điểm mà tôi biết từ sự miêu tả của Wagner, tôi đều quan tâm với một sự nghi ngờ lớn. Ngay cả trong cuốn tiểu sử, ông ta đã thể hiện một sự thật - ông ta là một nghệ sĩ.
Vào năm 1873, Niezsche đã viết cho Wagner rằng ông không còn tin tưởng bất cứ điều gì thành thật trong con người Wagner nữa. Sự tan vỡ này diễn ra vào 9 năm sau, khi Nietzsche đến nghe vở Parsifal, thứ mà ông gọi là đạo Cơ đốc được cải biên cho những người hâm mộ Wagner. Niezsche biết rằng Wagner là một người theo thuyết vô thần nhưng điều đó đã thay đổi hoàn toàn khi Wagner lấy Cosima. Niezsche mặc dù có quan hệ hết sức thân thiết với Wagner nhưng vẫn cứ hoài nghi về tín ngưỡng của Cosima. Đó không còn là điều bí mật bởi Nietzsche đã biên tập rất nhiều bức thư bút chiến chống đạo Cơ đốc của Wagner. Niezsche vốn thấu hiểu Wagner hơn bất kỳ ai, nên đã cảm nhận sự cơ hội chủ nghĩa và thiên về tín ngưỡng trong Parsifal. Wagner là người quan tâm nhiệt tình đến trạng thái tâm lý cao đạo kiểu tư sản của người Đức dành cho Chúa, vua và đế chế. Niezsche biết rằng đó là sự ngượng ngùng của Wagner nhằm thỏa mãn công chúng và tâm lý số đông.
Vào năm 1849, Wagner đã tham gia cuộc cách mạng ở Dresden và phải trốn đến Thụy Sỹ nên đã không chứng kiến Lohengrin được trình diễn tại Đức cho đến năm 1861. Là người tị nạn ở Zurich, ông đã viết những tiểu luận “Das Kunstwerk der Zukunft” (Công việc nghệ thuật của tương lai) và “Oper und Drama” (Opera và kịch). Ông đã bị lôi cuốn bởi triết lý bi quan của Arthur Schopenhauer và tìm thấy câu trả lời đầy lãng mạn từ nhà triết học này về bản chất hài hòa tự nhiên của âm nhạc. Ý tưởng vĩ đại và đúng đắn của Schopenhauer đã gây ấn tượng mạnh mẽ lên tâm hồn của Wagner.
Dẫu sao, Wagner đã mở ra một khái niệm vĩ đại của sân khấu, nơi kịch, âm nhạc và ánh sáng đều được kết nối để tạo thành một sức mạnh toàn thể. Wagner đã lao động cật lực cho phần libretto cho các vở opera của chính mình. Trong một lá thư gửi nhà soạn nhạc Richard Strauss, Hugo von Hofmannsthal, một người chuyên viết libretto, ca ngợi cấu trúc kịch và sự xuất sắc không thể bắt chước của Wagner đã mở ra một con đường riêng cho âm nhạc.
Wagner không phải là một nhà soạn nhạc theo logic của nhiều người và theo cách đó hình ảnh của ông luôn thăng trầm bằng tình cảm của khán giả yêu âm nhạc trên khắp thế giới nhưng có một điều có thể chắc chắn, Wagner là một con người phức hợp giữa con người âm nhạc và một người đạo đức, điều này sẽ còn gây ngạc nhiên, tò mò cho khán giả nhiều năm nữa.
Hoành tráng, ấn tượng, hài hòa nhưng cũng gây tranh cãi… là những ấn tượng mà công chúng ghi nhớ về những vở opera của Richard Wagner. 200 năm sau khi Richard Wagner được sinh ra, những vở opera của ông vẫn truyền cảm hứng cho nhiều cuộc tranh luận. Khác với nhạc sĩ Rossini và nhà phê bình Hansblick - những người không thích âm nhạc của Wagner. Roland hết lời ca ngợi Wagner. Ông nói: “Đó là một nhạc sĩ tài ba, có năng khiếu tuyệt vời về thi ca với sức sáng tạo mãnh liệt. Tâm hồn của ông tràn đầy nhiệt tình của vũ trụ”.
Sau này, nhiều ý kiến cho rằng có lẽ ngay Wagner cũng không nhìn ra cường độ cảm xúc thể hiện trong chính tác phẩm của mình. Ông có một cách viết âm nhạc siêu việt, đánh thẳng vào tâm lý của khán giả. Vì thế nên tách biệt nghệ thuật với cái nhìn của Wagner về cuộc sống.
Có thể nói, tên ông gợi nhắc đến thứ âm nhạc choáng ngợp, u ám, đậm đặc chất Đức, điều đó đúng nhưng không phải là tất cả. Có cả ánh sáng, sự hài hước, vẻ đẹp thiên nhiên lôi cuốn và trên hết là tình yêu. Dù đã từ lâu, opera của Wagner gắn với hình ảnh những bà béo trong bộ giáp trụ thổi tù và, hay những gã bắc Âu đi ủng da cao quá đầu gối… nhưng sự thật Wagner vẫn là một nhà lãng mạn tới cùng, vì âm nhạc của ông tất cả đều hướng về tự nhiên và tình yêu.
Nhìn chung, ông là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, đạo diễn kịch và nhà lý luận âm nhạc nổi tiếng. Không như nhiều soạn gia lớn khác, ông tự viết lời lẫn phân cảnh cho các tác phẩm của mình. Ông là người tiên phong dùng những kỹ thuật rất khó trong âm nhạc, chuyển đổi âm vực rất nhanh do đó đã tạo ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của nền âm nhạc cổ điển tại châu Âu.