J
oseph Haydn sinh ở một làng thuộc Rohrau của Áo gần biên giới Hungary. Cha ông là Mathias Haydn, chủ một tiệm sửa xe kéo, sau này chịu trách nhiệm cho một chợ làng. Mẹ của Haydn, bà Maria Koller là một nhà tạo hình, trước kia từng làm đầu bếp cho dinh thự của Bá tước Harrach - người đứng đầu trong giới quý tộc làng Rohrau. Cả cha và mẹ ông đều không có khả năng xướng âm, tuy nhiên Mathias một nhạc sĩ nhạc folk nhiệt tình đã dạy Haydn cách chơi đàn hạc. Theo hồi tưởng của Haydn thì gia đình ông thời thơ ấu luôn ngập tràn âm nhạc, họ thường xuyên hát với nhau và đôi khi hát với hàng xóm.
Cha mẹ Haydn sớm nhận ra tài năng âm nhạc của ông và cũng không khó để họ nhận thấy rằng ông sẽ không thể nào phát huy hết khả năng của mình nếu cứ ở trong làng Rohrau mãi. Chính vì lý do đó họ đã chấp nhận lời đề nghị của Johann Matthias Frankh, một người bà con đồng thời cũng là hiệu trưởng và là nhạc trưởng một nhạc viện tại Hainburg. Haydn có thể sống trọ tại nhà Matthias và được dạy thêm về âm nhạc. Sau đó, Haydn đã lên đường đi đến Hainburg (cách Rohrau 7 dặm) khi mới 6 tuổi và kể từ đó ông không bao giờ được sống cùng cha mẹ nữa.
Sống chung nhà với Frankh không phải là chuyện đơn giản đối với một cậu bé như Haydn, cậu thường xuyên bị đói, chịu nhiều đau khổ. Tuy nhiên, con đường âm nhạc của Haydn cũng bắt đầu từ đây, ông mau chóng sử dụng được đàn vĩ cầm và đàn clavico. Không lâu sau, người dân Hainburg đã được nghe giọng ca của Haydn vang lên trong dàn hợp xướng của nhà thờ.
Giọng ca của Joseph Haydn có khả năng cuốn hút mạnh mẽ nhiều người. Georg von Reutter - giám đốc âm nhạc của nhà thờ Thánh Stephen tại Vienna, trong chuyến đi về các vùng quê nước Áo để tìm kiếm những người có giọng hát hay cho trong đội hát kinh và giọng ca của Haydn đã khiến ông phải trầm trồ thán phục. Haydn cuối cùng cũng vượt qua được kỳ sát hạch của Reutter, sau đó chuyển đến thành Vienna.
Thời ấy Haydn chỉ được quan tâm đến trước mỗi buổi diễn ở sân khấu âm nhạc, nơi các ca sĩ đôi khi có dịp được ăn một món ăn nhẹ của mình cho đỡ đói. Reutter cũng ít có những hoạt động giúp phát triển tài năng của các học trò của mình. Tuy nhiên, Nhà thờ Thánh Stephen là một trong những học viện âm nhạc đứng đầu châu Âu lúc bấy giờ với vô số các màn trình diễn âm nhạc mới lạ, đặc sắc do những nhà soạn nhạc hàng đầu biên soạn. Haydn nhờ đó đã được học hỏi được rất nhiều bằng các hình thức quan sát, theo dõi hay đơn giản như xin được phục vụ các nhạc công, nhạc sĩ chuyên nghiệp nơi đây.
Năm 1749, Haydn đã quá lớn để có thể hát trong các dàn hợp xướng nữa, vì cớ đó mà ông bị sa thải. Ông lang thang trên các con phố để kiếm sống mà vẫn không có chốn nương thân. Cuối cùng ông làm quen được với Johann Michael Spangler, người này đã cho ông ở chung căn phòng vốn đã đông đúc của gia đình mình chỉ vài tháng sau đó. Haydn ngay lập tức bắt đầu sự nghiệp đầy gian truân của mình với công việc của một nghệ sĩ tự do.
Suốt quãng thời gian khó nhọc này, Haydn làm nhiều việc khác nhau: từ một giáo viên nhạc đến người hát khúc nhạc chiều và cuối cùng là phụ tá cho Nicola Porpora - một soạn giả lừng danh người Ý; từ đây Haydn học được “những nguyên tắc thật sự của một tác phẩm”.
Khi trở thành thành viên của một dàn đồng ca, Haydn không hề nhận được sự huấn luyện nghiêm túc nào về các bài học lý thuyết âm nhạc cũng như được làm quen với các tác phẩm hay, ông nhận thấy đó là một sự lãng phí thời gian. Để cải thiện thêm khả năng của mình, ông đã cố thực hành thêm giai điệu cho các bản nhạc dựa trên các bài tập trong cuốn “Gradus ad Parnassum” của Johann Joseph Fux, và cẩn thận học theo các tác phẩm của Philipp Emanuel Bach - người mà sau này Haydn công nhận là có tầm ảnh hưởng quan trọng với ông.
Khi đã có nhiều tiến bộ, Haydn bắt đầu được biết đến trong giới nhạc sĩ, đầu tiên với tư cách là tác giả của vở opera “Con quỷ ẻo lả”. Tác phẩm được viết cho diễn viên hài Johann Joseph Felix Kurz, người được khán giả sân khấu biết đến.
Sau này, Haydn được sự tài trợ từ các nhà quý tộc lúc bấy giờ, đây là một việc rất quan trọng trong sự nghiệp soạn giả của ông. Bà bá tước Thun, sau khi thưởng thức một trong các tác phẩm của Haydn, đã cho gọi ông đến và bổ nhiệm ông làm thầy dạy hát và đàn cho bà.
Năm 1756, Nam tước Carl Josef Fürnberg chọn Haydn phục vụ trong điền trang của mình - nơi này Haydn đã viết những bản tứ tấu với đàn dây. Nhờ Fürnberg giới thiệu Haydn đến làm việc cho bá tước Morzin, chỉ huy một ban nhạc nhỏ của bá tước đồng thời viết bản giao hưởng đầu tiên cho đội nhạc công này.
Năm 1759 Joseph Haydn được giao phụ trách một dàn nhạc nhỏ dưới sự bảo trợ của ông bá tước Morzin. Thời gian này ông viết rất nhiều khúc hòa tấu giải trí cho dàn nhạc diễn tấu. Cũng trong giai đoạn này ông sáng tác bản giao hưởng đầu tiên. Các tác phẩm của ông trong giai đoạn này còn chịu nhiều ảnh hưởng về phong cách sáng tác của các nhà soạn nhạc tiền bối trước đó. Nhưng cũng từ chính những tác phẩm này đã bắt đầu bộc lộ dấu ấn riêng có một vị trí quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của ông.
Năm 1760, Joseph Haydn kết hôn với Maria Anna Aloysia Apollonia Keller nhưng cuộc hôn nhân của họ không mấy hạnh phúc. Vào thời đó luật pháp không cho ly dị nên cả hai đành phải chịu đựng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc ấy. Hai người không sinh con, và cả hai đều có người tình riêng.
Năm 1761 Joseph Haydn được nhận làm công tác quản lý kiêm sáng tác âm nhạc trong dàn nhạc của bá tước người Hungary Etxtegadi. Tại đây ông đã cho biểu diễn 3 bản giao hưởng có tiêu đề “Buổi sáng”, “Buổi trưa” và “Buổi chiều”. Ngoài ra, ông còn sáng tác rất nhiều tác phẩm âm nhạc thuộc các thể loại khác nhau như: Giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, tứ tấu v.v… Trong cuộc đời mình, Haydn coi đây là những năm tháng lao động nghệ thuật đầy vất vả với cương vị người hầu cận cho gia đình quí tộc, nhưng đó cũng là những năm tháng ông có cơ hội thể nghiệm để hoàn thiện tài năng và có nhiều tác phẩm thành công trong sự nghiệp sáng tạo âm nhạc. Các tác phẩm của ông thời kỳ này gồm:
2 bản giao hưởng “Vĩnh biệt” và “Tang lễ”; 6 bản giao hưởng “Paris” và “Bản giao hưởng trẻ em”.
Năm 1761 ông làm việc cho gia tộc Esterházy, một trong những gia đình có thế lực và quan trọng nhất trong Đế chế Áo lúc bấy giờ. Tại đây Haydn soạn những bản giao hưởng mới, điều hành ban nhạc của gia tộc Esterházy, chơi nhạc cho ông bầu đồng thời cũng là khách quen của ông, và cuối cùng là đối mặt với áp lực từ công việc sản xuất nhạc opera. Mặc dù áp lực công việc quá cao như vậy, nhưng đây lại là cơ hội để Haydn thăng tiến. Những hoàng tử trong gia tộc Esterházy là những người am hiểu âm nhạc sâu sắc, họ đánh giá cao công việc của Haydn và quyết định giao thêm công việc cho ban nhạc giao hưởng nhỏ của ông.
Suốt 30 năm phục vụ tại cung đình Esterházy, Haydn đã cho ra một loạt tác phẩm và phong cách âm nhạc của ông cũng ngày một phát triển. Công chúng biết đến các tác phẩm của ông nhiều hơn. Dần dần, Haydn viết các bản giao hưởng dành cho cộng đồng cũng nhiều như cho ông chủ của mình, một vài tác phẩm quan trọng đã ra đời trong giai đoạn này, điển hình là bản “Giao hưởng Paris” hay phiên bản cổ điển của tác phẩm “The Seven Last Words of Christ” được giới quý tộc nước ngoài đặt hàng.
Mặc dù vậy, sau này Haydn bắt đầu cảm thấy cô đơn vì ông đã tiêu tốn hầu hết những năm dài tại Esterháza, nơi này quá xa Vienna. Haydn rất mong đợi được trở lại Vienna, nơi có bạn bè và người thân của ông.
Một người rất quan trọng với Haydn, đó là bà Maria Anna von Genzinger, vợ của Hoàng tử Nikolaus sống tại Vienna, người sau này trở nên gần gũi, có lý tưởng thuần khiết và là người một nhà với ông vào năm 1789. Haydn thường hay viết thư cho Maria, thổ lộ sự cô đơn trống vắng của ông tại Esterháza và qua đó bày tỏ niềm hạnh phúc của ông mỗi khi có dịp được ghé thăm bà tại Vienna; sau này Haydn viết thư cho bà thường xuyên từ London. Cái chết sớm của bà vào năm 1793 là một cú sốc nặng với ông, và bản giao hưởng “Fminor variations” từ piano của ông kể về cái chết của bà.
Một người bạn khác của Haydn ở Vienna là Wolfgang Amadeus Mozart, ông gặp Mozart năm 1784. Hai nhà soạn nhạc danh tiếng này đã cũng nhau chơi đàn tứ tấu. Haydn thật sự ấn tượng trước tài năng của Mozart và ca ngợi không tiếc lời với mọi người. Mozart cũng rất quý trọng Haydn, điều này thể hiện qua sáu bản tứ tấu mà ông tặng cho Haydn, ngày nay được gọi là “Những bản tứ tấu”.
Năm 1791 Joseph Haydn từ bỏ vị trí một người làm thuê cho gia đình bá tước Hungary Etxtegadi. Ông được mời sang London (Anh) với cương vị một người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng kiêm nhạc sĩ sáng tác âm nhạc. London thời kỳ này đang là một trong những trung tâm âm nhạc nổi tiếng trên thế giới với nhiều dàn nhạc và Nhà hát lớn. Đây cũng là giai đoạn ông say mê sáng tạo và có nhiều sáng tác thành công trên các thể loại khác nhau như: Giao hưởng, nhạc kịch, hợp xướng, tứ tấu, sonata, ca khúc… trong đó, các tác phẩm giao hưởng giữ vai trò quan trọng. Ngôn ngữ âm nhạc hoành tráng có sức phát triển mạnh mẽ đã làm say mê những cư dân của xứ sở sương mù. Cả 6 bản Giao hưởng London sáng tác trong thời kỳ này của ông đều được khán giả London tiếp nhận và nhiệt liệt hoan nghênh.
Năm 1792 Joseph Haydn lại trở về Vienna một lần nữa trước khi sang Anh lần thứ 2 vào năm 1794. Cũng như chuyến sang Anh lần trước, lần này ông lại được công chúng Anh nhiệt thành đón chào. Ông đã được trường Đại học danh tiếng nhất của nước Anh Oxford trao tặng học vị Tiến sĩ âm nhạc. Trong một không gian đầy tính khích lệ và thuận lợi cho đam mê sáng tạo nghệ thuật như vậy của xứ sở sương mù, ông đã sáng tác tiếp 6 bản giao hưởng London, hai vở thanh xướng kịch “Đấng sáng tạo muôn loài” và “Bốn mùa”.
Những năm cuối cùng của cuộc đời ông trở về Vienna với một tình cảm yêu quê hương tha thiết. Những năm tháng ở Vienna này ông đã sáng tác các tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau như: tứ tấu, xonat, ca khúc…
Joseph Haydn mất ngày 31 tháng 5 năm 1809 trong một căn nhà nhỏ ở ngoại ô thủ đô Vienna của nước Áo.
Trong cuộc đời âm nhạc của mình, Joseph Haydn đã sáng tác 104 bản giao hưởng nhưng nổi tiếng nhất và tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của ông là 12 bản giao hưởng London ông viết trong những năm tháng cuối đời khi sống ở nước Anh vào những năm 90 của thế kỷ XVIII. Đặc điểm nổi bật qua các giao hưởng của ông là sự phát triển trên cơ sở cấu trúc của một tứ tấu đàn dây, hay nói cách khác, bộ dây giữ một vai trò rất quan trọng trong cấu trúc dàn nhạc giao hưởng. Joseph Haydn được các nhà phê bình âm nhạc đánh giá là cha đẻ của thể loại giao hưởng trong nghệ thuật âm nhạc thế giới.