J
ohann Strauss II sinh ngày 25 tháng 10 năm 1825 ở Vienna, nước Áo. Cha ông (Johann Strauss I) muốn ông trở thành một nhân viên ngân hàng hơn là trở thành một nhạc sĩ. Tuy nhiên, khi còn nhỏ, ông đã bí mật học violin. Nhưng, thầy dạy violin cho ông chính là Franz Amon, người chơi violon một trong dàn nhạc của cha ông. Khi cha ông phát hiện ra, Johann II nhớ lại “đó là một tình huống đầy bạo lực và chẳng vui vẻ gì” và “cha ông không muốn biết bất cứ điều gì về kế hoạch âm nhạc của ông”. Dường như Strauss cha muốn con mình thoát khỏi một cuộc đời nhạc sĩ đầy khắc nghiệt hơn là nhằm tránh một cuộc cạnh tranh lẫn nhau trong gia đình nhà Strauss. Chỉ đến năm Johann II 17 tuổi, cha ông bỏ gia đình đi với tình nhân, ông mới có thể tập trung hoàn toàn vào sự nghiệp soạn nhạc.
Strauss II học hòa âm và đối vị với giáo sư lý luận âm nhạc Joachim Hoffmann, người bấy giờ có một trường âm nhạc riêng. Tài năng của ông cũng được nhà soạn nhạc Josef Drechsler - người dạy ông các bài thực hành hòa âm ghi nhận. Một thầy dạy violin khác của ông là Anton Killmann, giáo viên phụ đạo ballet của nhà hát Opera Vienna cũng đưa ra những nhận xét xuất sắc về ông. Với những lợi thế này, ông được chính quyền Vienna cấp phép biểu diễn. Trước tiên, ông thành lập một dàn nhạc nhỏ cho mình. Ông đã tuyển dụng thành viên cho dàn nhạc của mình tại hội quán “Zur Stadt Belgrad”, nơi mà những nhạc sĩ dễ dàng tìm việc.
Tầm ảnh hưởng của Johann Strauss cha lên làng giải trí lúc bấy giờ đã làm cho người ta phải hết sức e dè khi quyết định hợp tác với Strauss con vì sợ làm mất lòng người đi trước. Nhưng rồi Strauss con cũng thuyết phục được nhà nghỉ mát của Dommayer ở quận Hietzing, Vienna cho ông diễn buổi ra mắt. Báo chí địa phương nhanh chóng đưa tin về “cuộc chiến” giữa cha con nhà Strauss. Strauss cha giận dữ vì sự không vâng lời của con mình nên đã từ chối biểu diễn tại nhà nghỉ mát của Dommayer, nơi ông đã sớm đạt được nhiều thành công.
Strauss II trải qua những năm đầu trong sự nghiệp của mình rất khó khăn. Nhưng rồi ông sớm chiếm được cảm tình của khán giả khi ông chấp nhận lời đề nghị biểu diễn ở những nơi xa xôi hơn. Sự bổ nhiệm quan trọng đầu tiên dành cho nhà soạn nhạc trẻ là ông được trao vị trí danh dự “Chỉ huy dàn nhạc của trung đoàn công dân Vienna số 2”, mà vị trí này đã không có người thay thế kể từ khi Josef Lanne qua đời cách đó 2 năm. Vienna bị cuốn theo cuộc cách mạng tư sản vào ngày 24/02/1848 và cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa cha con nhà Strauss ngày càng lộ rõ hơn.
Thậm chí, Johann II đã quyết định đứng về phía những người cách mạng. Điều đó được thể hiện qua tựa đề của những tác phẩm ông sáng tác trong giai đoạn này như điệu waltz Freiheitslieder (Bài ca tự do) op.52, Burschenlieder op.55 cũng như "Hành khúc cách mạng" op.54 và Studenten Marsch op.56 vô cùng sôi nổi. Điều này lý giải vì sao hoàng gia Áo đã hai lần từ chối ông vị trí Giám đốc âm nhạc của vũ hội hoàng gia - vị trí này được phê chuẩn lần đầu đặc biệt dành cho Johann I như một sự thừa nhận những đóng góp về âm nhạc của ông. Hơn nữa Strauss con còn bị chính quyền Vienna chỉ trích gay gắt vì đã cho công diễn tác phẩm có tính tuyên truyền “Bài La Mac xây - La Marseillaise”, một tác phẩm nung nấu tinh thần cách mạng. Tuy nhiên, sau này ông được tuyên trắng án. Không lâu sau đó, ông soạn bản “GeiBelhiebe Polka op.60”, trong đó chứa nhiều yếu tố của La Marseillaise trong phần 'Trio’ như một lời đáp trả bằng âm nhạc cho việc chính quyền đã bắt giữ ông. Còn Strauss cha vẫn giữ lòng trung thành với nền quân chủ Danube và soạn tác phẩm “Hành khúc Radetzky op.228” đề tặng thống chế vùng Habsburg là Joseph Radetzky von Radetz, mà về sau nó trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
Khi Strauss cha mất năm 1849 vì bệnh sốt phát ban ở Vienna, Strauss con đã sáp nhập hai dàn nhạc lại và tiến hành các cuộc lưu diễn xa hơn. Sau đó, ông soạn một số hành khúc ái quốc đề tặng quốc vương Habsburg, như hành khúc “Kaiser Franz-Josef op. 67” và hành khúc “Kaiser Franz Josef Rettings Jube' op. 126”. Có lẽ ông làm vậy là để lấy lòng vị quốc vương mới lên ngôi sau cuộc cách mạng năm 1848.
Danh tiếng của Johann Strauss con vượt xa danh tiếng của cha mình và ông trở thành một trong những tác giả điệu waltz phổ biến nhất thời kỳ đó, ông cùng với dàn nhạc của mình đã lưu diễn khắp các nước Áo, Ba Lan, Đức. Sẽ là một hiện tượng rất bình thường khi khán giả của Strauss chỉ tiếp cận được ánh hào quang của ông qua một buổi diễn duy nhất trước khi ông lại vội vã di chuyển trên chiếc xe ngựa truyền thống đến một nơi khác để đáp ứng các lời mời biểu diễn khắp nơi. Đó có lẽ là kiểu nghệ thuật quảng cáo tối thượng và được thể hiện trên các tấm áp phích giăng khắp nơi biểu diễn với tuyên bố đầy tự hào: “Hôm nay Strauss biểu diễn!”. Ông cũng tới thăm Nga, ở đó, ông biểu diễn tại Pavlovsk và viết nhiều tác phẩm mà khi quay về nước ông đặt tên lại cho phù hợp với khán giả Vienna. Ông còn đến Anh, nơi ông biểu diễn với người vợ đầu tiên của mình là Jetty Treffz tại Nhà hát Covent Garden, đến Pháp, Ý, và sau đó là đến Mỹ trong những năm 1870, ở đó ông đã tham dự Festival Boston và là nhạc trưởng trong buổi biểu diễn của 1000 nhạc công mang tên “Buổi hòa nhạc khổng lồ”.
Johann Strauss II kết hôn với ca sĩ Jetty Treffz vào năm 1862 và xin ứng cử vào vị trí giám đốc âm nhạc của vũ hội hoàng gia. Sau nhiều lần bị từ chối vì những rắc rối với chính quyền, cuối cùng ông đựơc chấp nhận năm 1863.
Ông cưới người vợ thứ hai, Angeliaka Dittrich (một nữ diễn viên) năm 1878. Người vợ này không nhiệt tình hỗ trợ ông trong sự nghiệp âm nhạc và cũng có sự khác biệt về quan điểm và tuổi tác, nên ông đã tìm cách li dị.
Strauss không được nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã cho phép li dị, do đó, ông đã cải đạo và đổi quốc tịch để trở thành công dân của Saxe-Coburg-Gotha vào ngày 28/01/1887. Strauss II tìm thấy niềm an ủi nơi người vợ thứ ba của ông là Adele, người đã khuyến khích và khơi lại tài năng sáng tác của ông vào những năm sau này. Kết quả ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc tuyệt mỹ như vở operetta Der Zigeunerbaron và Waldmeister, cùng các điệu waltz “Kaiser-Walzer”, “Kaiser jubilaum”, “Marchen aus dem Orient” op.444 và “Klug Gretelein” op. 462.
Sau khi thành lập dàn nhạc đầu tiên của mình trước khi cha mất, ông thành lập thêm nhiều dàn nhạc khác để đáp ứng cho nhiều điểm giải trí khác nữa như vũ hội 'Sperl', “Apollo”, nơi ông đã đề tặng những sáng tác được đặt tên tương xứng để kỷ niệm những buổi diễn đầu tiên ở đó. Sau đó ông nhận lời mời đi biểu diễn ở Nga để phục vụ Hoàng tử Áo Michael và Sa hoàng Alexander II, đặc biệt là ở Pavlovsk nơi xây dựng một tuyến đường sắt mới. Khi lời mời biểu diễn quá nhiều một mình ông không thể kham hết được, ông phải tìm sự tiếp sức của hai người em trai là Josef và Eduard để làm đại diện cho ông khi ông vắng mặt vì lý do sức khỏe hay những khi bận rộn. Năm 1853, do sức khỏe yếu ông phải vào viện điều dưỡng để phục hồi sức khỏe khi bị run người và đau đầu. Mẹ của ông, Anna Strauss, lo lắng rằng công việc kinh doanh của gia đình mà mình rất quan tâm sẽ bị sụp đổ nên đã thuyết phục Josef miễn cưỡng chấp nhận giữ vai trò điều hành cho dàn nhạc Strauss. Cư dân Vienna đã nồng nhiệt đón nhận cả hai anh em và thậm chí, Johann cũng đã từng thừa nhận: “Trong hai chúng tôi, Josef là người tài năng hơn, tôi chỉ được biết đến nhiều hơn mà thôi”. Josef bắt đầu để lại dấu ấn riêng trong những điệu waltz mà ông sáng tác. Cuộc cạnh tranh mới này đã đem đến nhiều điều tốt đẹp cho sự phát triển của điệu waltz khi Johann Strauss II tiếp tục củng cố vị trí “ông vua của điệu waltz” bằng điệu waltz tuyệt hảo “Dòng Danube xanh” của mình. Ban đầu, đây chỉ là một bản waltz cho dàn hợp xướng với lời ca sáo rỗng do một nhà thơ người địa phương viết.
Sự nổi bật của bộ ba Strauss được thể hiện tại buổi hoà nhạc “Perpetual Music” (Âm nhạc bất tận) vào những năm 1860, được biểu diễn liên tục dưới sự chỉ huy của cả ba anh em nhà Strauss với ba dàn nhạc lớn. Trong thời gian này, cả ba anh em cũng tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc đan xen trong các buổi biểu diễn của họ ở Vienna Vlksgarten để khán giả đến xem cũng có thể tham gia. Ví dụ như, dàn nhạc sẽ trình diễn một khúc nhạc mới và khán giả sẽ được yêu cầu đoán xem ai là tác giả của khúc nhạc này trong khi trên tờ chương trình chỉ tiết lộ một chi tiết nhỏ là khúc nhạc được viết bởi “Strauss” kèm theo những dấu chấm hỏi.
Johann Strauss (gồm cả gia đình nhà Strauss) không phải là không có đối thủ. Johann Strauss II mặc dù là nhà soạn nhạc khiêu vũ được ưa chuộng nhất từ những năm 1860 đến những năm 1890, nhưng cuộc cạnh tranh khốc liệt vẫn diễn ra với các “đối thủ” Karl Michael Ziehrer và Emile Waldteufel, người đang lăm le chiếm vị trí của ông ở Paris. Phillip Fahrbach cũng từ chối Strauss II vị trí Giám đốc âm nhạc của vũ hội hoàng gia khi lần đầu tiên ông xin ứng cử vào chức vụ này.
Johann Strauss được các nhà soạn nhạc nổi tiếng của thời đại đó ngưỡng mộ, một trong đó là Richard Wagner. Ngoài ra còn có Johannes Brahms, người ông đã viết tặng các điệu waltz như Seid umschlungen, Millionen hay Be Embraced Millions op. 443 lấy cảm hứng từ những vần thơ của Friedrich Schiller.
Những vở operetta khác của Strauss không đạt được thành công lâu dài như những bản nhạc waltz của ông và hai vở “Die Fledermaus và Der Zigeunerbaron”. Mặc dù các vở operetta của ông không được phổ biến lắm, nhưng có nhiều đoạn nhạc khiêu vũ trích từ giai điệu của chúng được đón nhận nhiệt liệt như “Cagliostro-Walzer op. 370” và “Rosen aus dem Suden” (Những đóa hồng phương Nam) op.388. Ông cũng soạn một vở opera, Ritter Pásmán, phần lời chưa chuẩn lắm nhưng có sự liên kết khăng khít với điệu waltz và điệu polka. Ngoài operetta thứ ba cũng là operetta thành công nhất của ông, “Die Fledermaus 1874”, các nhà phê bình ở Vienna cho rằng tác phẩm của ông chỉ là kiểu mẫu của điệu waltz và điệu polka. Tuy nhiên, Eduard Hanslick, nhà phê bình khó tính nhất và cũng là một người ủng hộ ông nhiệt tình nhất đã viết khi Strauss mất năm 1899 rằng: “Cái chết của ông sẽ đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hạnh phúc của Vienna”.
Johann Strauss II qua đời vì bệnh viêm phổi tại Vienna năm 1899 và được chôn cất tại Zentralfriedhof. Khi mất, ông còn đang viết dở dang vở ballet Aschenbrodel.
MỘT SỐ GIAI THOẠI
Lời đề từ của Johann Brahms
Một hôm, con gái của Johann Strauss tìm đến Johann Brahms để xin bút tích vào cái quạt của mình (một phong tục thời đó). Thường thì nhà soạn nhạc sẽ viết một vài dòng nhạc nổi tiếng nhất của ông và ký tên vào.
Tuy nhiên, Brahms lại viết một đoạn của một bản nhạc waltz nổi tiếng của Strauss và ghi ở bên dưới dòng chữ:
“Thật không may, đây không phải là bản nhạc của Johann Brahms”.
Nguồn gốc bản nhạc “Dòng Đa nuyp xanh”
Danube xanh có nghĩa là “Dòng sông Đa-nuyp trong xanh và xinh đẹp”, được Johann Strauss II sáng tác năm 1866. Bài hát có tuổi đời hơn 150 năm, giai điệu cổ xưa nhưng lại thật đẹp tuyệt vời.
Hàng năm cứ mỗi lần đón chào năm mới, hàng trăm triệu khán giả truyền hình trên khắp thế giới đều háo hức chờ đợi dàn nhạc giao hưởng “Wiener Philharmoniker” của Áo trình diễn buổi hòa nhạc truyền thống “New Year Concert” chào mừng năm mới với bản nhạc kết thúc luôn luôn là bản Waltz Danube xanh của Johann Strauss II.
Dù ở quốc gia nào, bài hát này vẫn được người nghe mà đón nhận nồng nhiệt, vẫn thấy bài hát thật hiện đại. Cho đến nay chưa có giai điệu viết về dòng sông Đanuyp chinh phục người nghe toàn thế giới đến thế. Bài hát xuất phát từ một mối tình trớ trêu mà tuyệt đẹp của chính tác giả.
Khi sáng tác bài này, Johann Strauss đã có vợ. Vợ ông giành cho nhạc sĩ thiên tài một tình yêu vô bờ, tận tuỵ, đằm thắm và bao dung để ông tập trung cho âm nhạc. Một ngày bà phát hiện ông chồng có sự mơ màng lơ đãng khác lạ. Qua tìm hiểu, bà biết, ông đang lạc vào tình yêu mới với một cô gái trẻ trung xinh đẹp từ xa tới.
Một buổi sáng, bà tìm đến khách sạn, gõ cửa phòng cô nhân tình của chồng. Cô gái trẻ sững sờ, tưởng được lao vào vòng tay cuồng si của chàng, thay vào đó lại là vợ của chàng xuất hiện. Cô những tưởng sẽ phải đối phó với cơn cuồng phong ghen tuông...
Nhưng không một lời ca thán, người vợ nói lời cám ơn cô gái đã làm cho chồng mình hạnh phúc. Bà dặn cô hãy chú ý đến bệnh phổi của ông, nhắc ông mặc thêm áo ấm mỗi khi trời tối. Cô chưa hết bàng hoàng thì bà đã tạm biệt, đóng cửa rồi đi. Cô đã khóc, vì yêu, vì xót, và vì những điều gì hơn thế nữa... Chợt cô tỉnh ra, chạy ra cửa để nhìn theo bà. Đúng lúc đó bà ra đến cửa khách sạn, mọi cố gắng để “cao thượng” cạn kiệt, toàn bộ nỗi đau của người vợ tận tuỵ đè lên trái tim bà... Bà lảo đảo rồi ngã quỵ...
Không suy nghĩ lâu, cô gái thu xếp va li ra đi. Cô đã hiểu cô không thể làm tổn thương thêm một người phụ nữ cao thượng đến vậy. Khi nhạc sĩ đến khách sạn gặp người yêu, thấy vợ đang ngất xỉu liền lo lắng đưa bà vợ đi bệnh viện. Khi người vợ tỉnh lại, câu đầu tiên bà nói với chồng là xin lỗi ông vì đã tự tìm gặp cô gái... Nhạc sĩ vội chạy ngay đến khách sạn, nhưng nàng đã ra đi. Ông đuổi theo ra đến cảng, thì vừa lúc con tàu rời bến...
Strauss đứng như trời trồng, đau khổ tột cùng, nhưng ông thấy mình hạnh phúc vô biên vì ông đã được hai người phụ nữ xứng đáng yêu, cả hai đều cao thượng và đều biết hy sinh.