S
inh tại Hamburg - Đức năm 1833, Brahms được biết đến rộng rãi như là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất và là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của thời kỳ lãng mạn, là bậc thầy của giao hưởng và phong cách sonata trong nửa sau của thế kỷ XIX. Ông được xem như nhân vật chính của truyền thống cổ điển của Joseph Haydn, Mozart và Beethoven.
Là con thứ hai trong gia đình có ba anh em, Brahms được tiếp xúc với âm nhạc từ khi còn nhỏ. Cha ông là một tay bass đôi trong dàn nhạc Philharmonic Society Hamburg, khi còn bé Brahms đã bắt đầu chơi piano lúc bảy tuổi.
Tài năng âm nhạc của Brahms đã lớn lên cùng với tính cách kín đáo, nhút nhát, sống đầy nội tâm, những điều sẽ để lại dấu ấn trong phong cách sáng tác của ông sau này. Ông đã đi theo một con đường riêng giữa thời kỳ lãng mạn, thời kỳ của chủ nghĩa cá nhân, của trí tưởng tượng, sự bốc đồng và cảm xúc chủ quan. Đó là một sự tôn trọng đối với những thể thức và nguyên tắc sáng tác truyền thống. Điều làm cho âm nhạc của Brahms trở nên đặc biệt và được yêu mến chính là ở chỗ, những thể thức cổ điển không những không gò bó, mà lại càng làm những cảm xúc nồng cháy trong những tác phẩm của ông trở nên mạnh mẽ và có sức nặng.
Năm 1853, Brahms được giới thiệu với nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức và cũng là nhà phê bình âm nhạc Robert Schumann. Hai người trở nên gần gũi, Schumann nhận người bạn trẻ này sẽ mở ra niềm hy vọng lớn cho tương lai của âm nhạc. Ông gọi Brahms là một thiên tài và ca ngợi ông trên một bài báo nổi tiếng làm cho mọi người biết đến Brahms trong thế giới âm nhạc. Năm 1854, Schumann bị ốm, Brahms hỗ trợ vợ của Schumann quản lý các vấn đề gia đình. Những nhà nghiên cứu lịch sử âm nhạc cho rằng Brahms yêu Clara nhưng sau khi Schumann chết cả hai vẫn chỉ là bạn bè.
Trong những năm sau đó, Brahms giữ nhiều chức vụ khác nhau, bao gồm cả chỉ huy dàn hợp xướng ở Hamburg năm 1859. Ông vẫn tiếp tục viết nhạc của riêng mình, các tác phẩm xuất bản có: “String Sextet in B -flat Major” và “Piano Concerto No 1 in D Minor”.
Năm 1860, Brahms thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Vienna (Áo). Năm 1863 ông được bổ nhiệm làm giám đốc của nhóm hợp xướng Singakademie, nơi ông tập trung vào một công trình cappella lịch sử và hiện đại. Hầu hết mọi công việc của ông đều thành công tốt đẹp ở Áo. Vào đầu thập niên 1870, ông là chỉ huy chính của Hiệp hội Những người bạn của âm nhạc. Ông cũng chỉ đạo các dàn nhạc Vienna Philharmonic cho ba mùa. Công việc của ông tiến triển rất tốt. Ông đã hoàn thành “Một bản nhạc cầu hồn Đức”, dựa trên văn bản Kinh Thánh và thường được coi là một trong những phần quan trọng nhất của âm nhạc hợp xướng tạo ra trong thế kỷ XIX. Bản hợp xướng trộn lẫn nhiều bài thơ được phổ nhạc, giọng hát solo và một dàn nhạc đầy đủ.
10 năm ở Vienna là thời kỳ sáng tạo của Brahms đạt tới đỉnh cao huy hoàng. Trừ opera và âm nhạc theo chương trình, ông đã viết đến 380 tác phẩm thanh nhạc, 3 sonata, 5 biến tấu, 5 ballad, 3 rhapsody… cho piano, 3 sonata cho violin, 2 sonata cho cello và nhiều tác phẩm tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu… trong đó có nhiều tuyệt tác như Biến tấu theo chủ đề của Paganini (A-moll), Quintet cho piano (F-moll), Sonata số 3 cho violin, Concerto số 2 cho piano (B-dur) - một “giao hưởng” 4 chương độc đáo có phần solo của piano. Đặc biệt với các tác phẩm giao hưởng, Brahms trở thành một trong những nhân vật lỗi lạc nhất của lịch sử âm nhạc thế giới thế kỷ XIX. Nổi bật nhất là những bản valse và “Vũ khúc Hungary” cho song tấu đàn piano. Các sáng tác của Brahms bao hàm cả những chất liệu truyền thống lẫn sáng tạo. Âm nhạc của ông có cấu trúc và kỹ thuật bắt nguồn từ các bậc thầy Baroque và nhạc cổ điển. Âm nhạc của Johannes Brahms, với vẻ đẹp hình thức hoàn hảo và sự dung dị sâu sắc của tâm hồn. Ông là người tiếp nối các truyền thống hiện thực cổ điển và “làm giàu” chúng bằng những thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn Đức. Âm nhạc của Johannes Brahms vừa đầy chất triết học trữ tình đặc trưng của Bach vừa mang những hình tượng âm nhạc hoành tráng và bạo liệt theo tinh thần Beethoven, nhưng cũng đậm nỗi lo âu về số phận của con người hiện đại.
Trong thập kỷ cuối cùng của mình, Brahm đã viết nhiều tác phẩm âm nhạc thính phòng, hợp tác với nhạc công thổi clarinet Richard Muhlfeld cho một loạt các bài hát trong đó có “Trio for Clarinet, Cello and Piano”, cũng như “Quintet for clarinet and Strings” và hoàn thành “Vier ernste Gesange” mà ông trích ra từ Kinh Thánh Do Thái và Tân Ước…
Brahms tham gia buổi trình diễn cuối cùng vào tháng 3 năm 1897 tại Vienna. Ông qua đời một tháng sau, ngày 03 tháng 4 năm 1897 do các biến chứng ung thư.
GIAI THOẠI VỀ MỘT MỐI TÌNH CAO CẢ
Không ai biết tình yêu của Johannes Brahms với Clara Schumann - vợ của thầy giáo ông, người hơn ông tới 14 tuổi đã bắt đầu khi nào. Rất có thể, những tiền đề của nó đã nảy nở khi Brahms cùng Clara biểu diễn ở nhiều nơi. Bản thân Schumann, vì hỏng một ngón tay từ thuở còn trẻ, nên không thể tham gia biểu diễn mà chỉ chuyên tâm vào con đường sáng tác.
Khi tới với Schumann, Brahms còn rất trẻ và Clara lúc đó mới chỉ hơn 30 tuổi. Sau khi Schumann mất, Clara rơi vào suy sụp, không thiết tham gia các hoạt động xã hội và các buổi hòa nhạc nữa. Brahms chính là người động viên Clara trở lại biểu diễn, truyền bá các tác phẩm của Schumann. Nhờ đó, Clara có được niềm vui sống cũng như thắp sáng lại tình yêu âm nhạc.
Brahms và Clara cũng thường xuyên viết thư cho nhau, chia sẻ suy nghĩ về cuộc sống, gia đình, quan niệm của mình về âm nhạc, về hoạt động sáng tác, biểu diễn. Họ quan tâm đến nhau một cách trong sáng và cao thượng như hai người tri kỷ. Đôi khi, người ta bắt gặp những lời lẽ thân mật và yêu thương, nhưng ngay cả những lời lẽ ấy cũng không thể khiến người ta nghĩ xấu về mối quan hệ giữa Brahms và Clara.
Tình yêu thầm lặng của Brahms với Clara vẫn tiếp tục được ấp ủ trong im lặng, dù cả hai người đều biết và giữ lại cho nhau sự tôn trọng tới mức thuần khiết. Nếu như trong đời Brahms có hai người thầy có tác động lớn nhất là Eduard Marxsen và Robert Schumann, hai người phụ nữ gắn bó nhất với ông chính là mẹ ông và Clara Schumann. Người ta nói rằng sau này, Johannes Brahms đã từng cầu hôn Clara Schumann, tuy nhiên bà đã khước từ. Thời điểm đó Brahms đang ở đỉnh cao của danh vọng, việc bà tái giá với Brahms sẽ tạo ra những lời xầm xì có thể làm ảnh hưởng tới sự nghiệp của Brahms. Mặt khác, dường như bóng dáng của người chồng quá cố Robert Schumann vẫn còn hiện diện khắp nơi trong cuộc sống Clara, khiến bà nguyện ở vậy và dành tình yêu duy nhất cho Schumann.
Suốt cuộc đời, dù dường như đã yêu vài người phụ nữ, Brahms vẫn sống độc thân, không lấy vợ. Ông đính hôn với Agathe von Siebold - một ca sĩ, con gái một vị giáo sư nổi tiếng của Đại học tổng hợp ở Goethingen năm 1859 nhưng rồi cuối cùng cũng không đi tới đám cưới. Lúc ấy, Brahms vẫn theo sát những thay đổi của gia đình Clara. Khi bốn người con của Clara lần lượt qua đời, Brahms đã an ủi và xua tan đám mây u tối ám ảnh Clara, khi trực tiếp, lúc qua những lá thư. Khi Julie Schumann - con gái của Robert Schumann và Clara Schumann kết hôn, Brahms đã viết một bản Rhapsodie viết cho giọng nữ trung, hợp xướng và dàn nhạc để làm quà tặng.
Năm 1891, Clara Schumann có buổi biểu diễn cuối cùng trước công chúng tại Frankfurt, Đức. Tác phẩm cuối cùng bà biểu diễn chính là Biến tấu và fugue trên chủ đề của Handel của Brahms. Tháng 3 năm 1896, Clara Schumann bị đột quỵ. Brahms đã hủy bỏ kế hoạch đi nghỉ tới Italy để đợi tin sức khỏe hồi phục của Clara, nhưng bà đã không còn có thể trở lại được nữa. Bà mất vào ngày 20 tháng 3 năm 1896. Bản nhạc cuối cùng mà bà nghe trên giường bệnh là bản Romance giọng Pha thăng trưởng của chồng do người cháu Ferdinand biểu diễn.
Trong di chúc của mình, Clara Schumann đã viết về Brahms với những dòng thật đẹp: “Ông ấy đã tới như một người bạn thực sự, chia sẻ với ta mọi nỗi buồn; ông đã khiến ta mạnh mẽ hơn ngay trong những thời điểm tưởng như trái tim ta tan vỡ. Ông là nguồn động viên tinh thần và khiến cho những suy nghĩ của ta trở nên sáng tỏ hơn. Ông thực sự là một người bạn với nghĩa trọn vẹn nhất của từ này. Ta có thể nói với các con, ta chưa bao giờ yêu quý một người bạn nào khác như yêu quý ông. Đó là sự thấu hiểu lẫn nhau một cách mỹ mãn của hai tâm hồn. Ta không yêu quý ông ấy bởi sự trẻ trung, cũng không phải bởi bất kỳ lý do phù phiếm nào khác, mà vì sự mềm mại của tâm hồn, bởi tài năng thiên phú và bởi ông có một trái tim cao thượng… Joachim (Joseph Joachim - nghệ sĩ violin thường biểu diễn cùng Clara) cũng là một người bạn thực sự của ta, nhưng Johannes mới thực sự là người đã nâng đỡ ta. Với tất cả những điều đó, ta phải nói với các con rằng, đừng để tâm đến những kẻ nhỏ nhen và ghen tị đã làm u ám nguồn ánh sáng của tình yêu và tình bạn của ta, những kẻ luôn nghi ngờ mối quan hệ đẹp đẽ này. Họ sẽ không bao giờ và không thể hiểu hết được đâu.”
Không đầy một năm sau khi Clara mất, Johannes Brahms cũng qua đời. Ông được an táng tại nghĩa trang Währing, Vienna, bên cạnh mộ phần của Beethoven và Schubert, hai nhà soạn nhạc bậc thầy mà ông vẫn hằng ngưỡng mộ.