L
udwig van Beethoven sinh ngày 16 tháng 12 năm 1770 tại thành Bonn, nước Đức, trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Ông là nhạc sĩ vĩ đại nước Đức, là đại diện xuất sắc nhất trường phái cổ điển Vienna, là nhà văn hóa vĩ đại của thế giới, người kết thúc trường phái cổ điển Vienna và cũng là người mở đường cho chủ nghĩa lãng mạn.
Cha Beethoven là nhạc công biết đàn clavexanh, violon và có giọng nam cao hay đồng thời làm trong dàn nhạc hoàng cung. Mẹ ông là con gái của một người nấu bếp, bà là người mẹ đôn hậu để lại nhiều ảnh hưởng cho nhà soạn nhạc sau này.
Beethoven là người có năng khiếu âm nhạc rất sớm, tuy còn nhỏ nhưng ông đã viết được 9 biến tấu. Năm 12 tuổi, nhạc sĩ đã thành thạo ngoại ngữ, chơi được nhiều loại đàn như: violon, piano, organ.
Tuy Beethoven tỏ ra có tài trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn âm nhạc song vì không được học hành có hệ thống và sớm phải tự lo liệu cho cuộc sống, cuộc đời gặp nhiều khó khăn và bất hạnh, sau lại phải đảm đương cả gánh nặng gia đình nên dù rất tài năng nhưng đến năm 28 tuổi, ông mới là nhạc sĩ nổi tiếng châu Âu.
Năm 1782 tác phẩm đầu tiên của Beethoven được xuất bản nhờ sự hỗ trợ tài chính của Neefe. Cũng trong năm này, Beethoven trở thành người đại diện cho Neefe ở dàn nhạc hoàng gia với vai trò nghệ sĩ đại phong cầm. Năm 14 tuổi, Beethoven giành được vị trí chính thức là nghệ sĩ chơi đại phong cầm trong dàn nhạc này.
Năm 1787, Beethoven đến Vienna. Trong túi áo, ông có một giấy giới thiệu của tuyển hầu tước Maximilian Franz, em trai út của Hoàng đế Joseph II. Mục đích chính của chuyến đi là được theo học Wolfgang Amadeus Mozart.
Tuy nhiên ước mơ theo học Mozart đã không thực hiện được vì lúc đó nhà soạn nhạc thiên tài này quá bận bịu. Hơn nữa, Beethoven cũng chỉ ở Vienna được hai tháng thì mẹ ông bị bệnh nặng nên ông đành quay về Bonn. Không bao lâu sau khi ông trở về Bonn thì mẹ ông cũng qua đời, Beethoven trở thành trụ cột chính cho gia đình nên ông không có điều kiện học thêm mà phải vừa đi biểu diễn vừa đi dạy học để kiếm tiền.
Năm 1789, Beethoven bắt đầu theo học tại Đại học Bonn. Tại đây và đặc biệt là thông qua Eulogius Schneider, ông đã nhanh chóng tiếp cận với những tư tưởng của Cách mạng Pháp. Niềm hứng khởi của ông về những tư tưởng tự do và bác ái của cuộc cách mạng được phản ánh trong các tác phẩm của ông sau này, đặc biệt là trong vở nhạc kịch Fidelio.
Năm 1791, 21 tuổi, Beethoven được giúp đỡ quay trở lại Vienna theo học hòa âm với Haydn. Ông phải dạy nhạc để kiếm tiền, ngoài giờ dạy nhạc ông lại sáng tác. Một vài tác phẩm thành công trong thời nhưng ông phải sống trong căn nhà thiếu vệ sinh, ăn bữa no bữa đói.
Năm 22 tuổi, Beethoven tiếp tục đến Vienna và lần này ông không bao giờ quay trở lại Bonn, thành phố quê hương của mình nữa. Cha ông đã mất. Thời điểm này Wolfgang Amadeus Mozart cũng qua đời trong lặng lẽ. Beethoven được Joseph Haydn và Antonio Salieri nhận làm học trò. Nhờ giới thiệu cũng như tài năng của mình, Beethoven được những người có thế lực bậc nhất Vienna như nam tước Van Swieten và nữ vương hầu Lichnowski nhận đỡ đầu.
Những tác phẩm của Beethoven hoàn thành trong khoảng 1803 - 1805 vượt trội hẳn những gì mà ông sáng tác trước đó. Đó là: “bản Sonate Kreutzar” (1803) viết cho violon và piano, “bản Giao hưởng Số 3 Anh hùng ca” (1804) có sức cuốn hút mạnh mẽ và gây xúc động sâu xa. Các Sonate cho piano, “Bình minh” (1804) và “Appassionta” (1805), “bản Giao hưởng Số 4” (1806), “bản Giao hưởng Số 5 Định mệnh” (1808) đều có giá trị nghệ thuật lớn lao. Ông muốn lột tả bằng âm thanh sự đấu tranh với cái chết bằng một sức mạnh khủng khiếp như tác phẩm “Opera Fidelio” (1805) và “Missa solemnis”.
Thời kỳ này, một sự kiện gây cho Beethoven nỗi đau khôn xiết, đó là vào mùa xuân năm 1809, khi gần 40 tuổi, ông đem lòng yêu cô học trò xinh đẹp là Theresa de Brunowick mới 18 tuổi, con gái điền chủ Malfati người Hungary. Nhờ sự khuyến khích của nàng, Beethoven đã sáng tác Bản Giao hưởng Số 6 Đồng quê vì ông lầm tưởng sự tận tụy và lòng kính mến của cô gái đó với nghệ thuật là tình yêu. Mùa hè 1810, cô gái kiên quyết khước từ lời cầu hôn của nhạc sĩ. Niềm hy vọng kết hôn đã tan vỡ.
Năm 1818, Beethoven điếc hẳn cả hai tai nhưng ông vẫn sáng tác bản Giao hưởng Số 8. Gặp một người bạn quen, Beethoven rút ra trong túi một cây bút, một cuốn sổ con rồi nói: “Muốn nói chuyện với tôi thì cứ viết lên mặt giấy này!”.
Năm Beethoven 50 tuổi, ông đã sáng tác bản Giao hưởng Số 9, sau đó là Bản Lễ ca trang trọng và Liên tấu cho đàn piano và Tứ tấu. Trong toàn bộ di sản của ông, những tác phẩm này nổi bật hơn cả vì chúng đã vượt ra ngoài các truyền thống cổ điển với lối diễn đạt hết sức thoải mái, thể hiện các tâm trạng khác nhau của thế giới nội tâm.
Trong cuộc đời của mình, Ludwig van Beethoven đã phải chịu đựng sự hành hạ đau đớn về mặt thể xác. Nguyên nhân bệnh tật của ông cho đến hôm nay vẫn còn là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học.
Tháng 12 năm 2005, Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Chicago đã đưa ra bằng chứng là ngay từ thời thanh niên Ludwig van Beethoven đã bị nhiễm độc chì rất nặng. Công bố này dựa vào sự phân tích một mẫu xương sọ của Ludwig van Beethoven bằng X quang.
Tài liệu lịch sử còn cho biết, ngay từ khoảng 20 tuổi, tính cách của Ludwig van Beethoven đã bắt đầu thay đổi. Cùng thời gian đó, ông hay than phiền về chứng đau bụng không rõ nguyên nhân của mình.
Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ liệu chứng điếc của ông có phải do nhiễm độc chì hay không. Vào khoảng 30 tuổi, Ludwigvan Beethoven bắt đầu có triệu chứng đầu tiên của bệnh xơ hóa thính giác và triệu chứng này ngày càng tồi tệ hơn, không có cách gì cứu vãn. Đến năm 1819 thì ông điếc hoàn toàn, chính vì vậy ông không còn trình diễn nữa cũng như không thể chỉ huy dàn nhạc được. Việc giao tiếp lúc này đối với ông cũng vô cùng khó khăn.
Năm 1826, Beethoven về sống với người em tên là Johann. Tháng 11 năm ấy, ông được gọi về Viên gấp, vì đứa cháu bị cảnh sát bắt. Beethoven đi nhờ trên chiếc xe bò của một người bán sữa đến thành Vienna. Thời tiết giá lạnh, sức khỏe lúc này đã kiệt quệ, ông run cầm cập vì giá lạnh, hơi thở khó khăn và khạc ra từng đống máu.
Ngày 26 tháng 3 năm 1827, Ludwig van Beethoven đã trút hơi thở cuối cùng. Ngay trước lúc ông mất, một ánh chớp và một tiếng sấm đã đánh thức Beethoven. Ông đưa tay lên và giật giật nắm tay đã siết chặt.
Đám tang của Beethoven có hàng ngàn người đưa tiễn. Sau đó, toàn bộ tài sản Beethoven để lại, kể cả bản thảo, đều bị đem bán đấu giá. Tất cả đều rơi vào tay của hai nhà xuất bản sách là thương gia Gaflinger và Actari với giá rẻ mạt.
Beethoven đã để lại cho âm nhạc thế giới một di sản rất đồ sộ. 9 bản giao hưởng, 5 bản concertos piano, 1 bản concertos violon và dàn nhạc, vở nhạc kịch Phidelio, nhiều tác phẩm âm nhạc sân khấu như Ecmông, Prometer, Sự suy đồi của Aten, nhiều khúc mở màn nổi tiếng Leonor, Côriôlan... Trong lĩnh vực âm nhạc thính phòng có nhiều tác phẩm ưu tú: 16 bản tứ tấu dàn dây, 32 bản sonata piano, 10 bản sonata violon và piano cùng hàng trăm tác phẩm soạn cho các loại nhạc cụ thanh nhạc.
MỘT SỐ GIAI THOẠI
Gặp gỡ thiên tài Mozart
Năm 1787, chàng thanh niên Beethoven lần đầu rời xa quê hương sang thành Vienna (nước Áo) với mục đích tìm gặp Mozart để xin học sáng tác âm nhạc. Beethoven mang theo lá thư của Vanstai, ông này là thầy dạy Beethoven đồng thời cũng là nhạc sĩ quen biết với Mozart.
Khi đến Vienna và tìm được nơi ở ổn định, một buổi sáng Beethoven tìm đường đến nhà Mozart đúng lúc nhà soạn nhạc đang sáng tác vở nhạc kịch Đông Gioăng.
Bước ra mở cửa, Mozart thấy một thanh niên khỏe mạnh, dáng dấp hơi thô: vai rộng, trán cao, ánh mắt sáng đầy nhiệt tình. Beethoven khiêm tốn hỏi:
- Thưa ông, tôi xin được gặp nhạc sĩ Mozart.
- Chào anh, tôi là Mozart, có việc gì vậy?
- Thưa ngài, Beethoven rút ra lá thư từ trong túi - Tôi đến từ thành Bonn và mang theo thư giới thiệu của nhạc sĩ Vanstai.
Mozart mời Beethoven vào nhà, anh ngồi xuống ghế, im lặng quan sát căn phòng lúc Mozart đọc thư của Vanstai. Trong phòng, ngoài Mozart và Beethoven lúc đó còn có hai chàng thanh niên, họ là học trò của Mozart và đang chăm chú làm những bài tập hòa âm.
Mozart quay lại chỗ Beethoven khi đọc xong bức thư
- Không Bold Anh theo học với Vanstai đã lâu, như lời ông ấy nói, anh rất có năng khiếu âm nhạc. Có thể cho tôi biết anh đã học được những gì không?
Vào thời đó, Mozart là nhạc sĩ nổi tiếng bậc nhất thành Vienna. Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về tài chính, nhưng không phải ai xin học âm nhạc, Mozart cũng đồng ý. Trước khi nhận học trò, Mozart luôn kiểm tra năng khiếu âm nhạc rồi mới quyết định có đồng ý dạy hay không. Mozart từng chứng kiến, những ông bố dẫn con đến xin học, đều khẳng định con họ có tài năng về âm nhạc, nếu được Mozart hướng dẫn chắc chắn sẽ trở thành những nhạc sĩ danh tiếng. Nhiều lần Mozart phải từ chối vì thất vọng khi chứng kiến khả năng của các cậu bé tự nhận là thần đồng đó.
Cũng với sự nghi hoặc, Mozart mời Beethoven lại cây đàn piano, mở nắp đàn và nói:
- Anh hãy lựa chọn và chơi bản nhạc nào mà anh thích nhất!
Beetoven ngồi xuống ghế, rụt rè để đôi tay lên phím đàn rồi bắt đầu chơi bản nhạc mà anh đã chuẩn bị kỹ càng. Đây là bản nhạc đòi hỏi kỹ thuật trình diễn công phu, phức tạp. Sau một lúc lúng túng, Beethoven trở nên say sưa và đầy cảm hứng, lòng thầm hy vọng Mozart sẽ đánh giá cao kỹ thuật của mình.
Bản nhạc Beethoven chơi gợi cho Mozart một bản sonate khá quen thuộc, đòi hỏi rất nhiều kĩ xảo phức tạp. Quả thực với phong cách mạnh mẽ, phóng khoáng, chàng thanh niên này đã đạt tới trình độ kĩ thuật điêu luyện.
Đưa mắt nhìn Mozart, Beethoven những tưởng Mozart bị cuốn hút vào bài biểu diễn của mình, đâu ngờ Mozart hình như lại có vẻ lơ đãng.
Nghe Beethoven chơi nhạc, Mozart đã nhận ra khả năng và kỹ thuật trình diễn của chàng thanh niên này nhưng điều đó chưa đủ sức thuyết phục ông vì từ khi còn bé Mozart đã thực hiện thành thạo những kỹ thuật này. Thậm chí khi Beethoven mải miết đánh đàn, Mozart còn bước lại phía người học trò và hướng dẫn anh ta điều gì đó.
Vẫn tiếp tục chơi đàn nhưng Beethoven cảm thấy tủi thân khi Mozart không thật sự quan tâm đến mình. Bản nhạc kết thúc, Beethoven ngồi yên lặng, lo ngại chờ Mozart đưa ra lời nhận xét.
- Được đấy. Anh có nhạc cảm và kỹ thuật tốt, hãy kiên nhẫn luyện tập, anh sẽ trở thành một nhạc công. Nhạc công ư? Beethoven lặn lội từ Bonn sang đây đâu phải với mục đích trở thành một nhạc công, anh muốn Mozart hướng dẫn sáng tác âm nhạc.
Trước khi đến đây, Beethoven đã tràn đầy khát vọng, thế mà bây giờ... Bao nhiêu cảm xúc và những điều muốn nói, nhưng có lẽ chỉ âm nhạc mới giúp anh diễn tả được tâm trạng lúc này. Thất vọng nhưng Beethoven vẫn kiên trì:
- Thưa ngài, tôi đến đây với mong muốn được ngài hướng dẫn cách thức sáng tác âm nhạc. Ngài có thể ra một chủ đề để tôi ứng tác không?
Vào thời gian đó, một nhạc sĩ giỏi phải thể hiện được ba yêu cầu. Thứ nhất, phải biểu diễn xuất sắc những bản nhạc đang thịnh hành. Thứ hai, phải sáng tác và biểu diễn thuần thục bản nhạc của mình. Thứ ba, người nhạc sĩ phải có khả năng ứng tác trên nhạc cụ, đây là yêu cầu rất khó với người sáng tạo nghệ thuật. Ứng tác âm nhạc là khi nghe một câu nhạc bất kỳ, người nhạc sĩ phải lập tức sáng tác trên cây đàn thành bản nhạc được trình bày hoàn chỉnh.
Nghe Beethoven nói như vậy, Mozart suy nghĩ giây lát rồi nói:
- Được. Anh hãy phát triển chủ đề này xem!
Mozart đánh trên đàn piano một câu nhạc ngắn, nét nhạc mềm mại, tươi sáng thể hiện tính cách và đặc điểm âm nhạc của ông.
Khi tay Mozart rời khỏi phím đàn, Beethoven thoáng suy nghĩ, rồi lập tức đàn lại chủ đề âm nhạc vừa nghe rồi tự tin ứng tác các câu nhạc kế tiếp. Anh thể hiện đầy cảm hứng chủ đề âm nhạc của Mozart và không ngờ, bản nhạc đã gây nên sự ngạc nhiên với nhạc sĩ nổi tiếng này. Mozart không còn lơ đãng như lúc trước, ông chăm chú lắng nghe và dường như bị cuốn hút bởi những âm thanh kế tiếp vang lên dưới bàn tay của Beethoven.
Từ chủ đề âm nhạc của Mozart với sự hồn nhiên, tươi tắn, được tâm hồn cháy bỏng của Beethoven biểu hiện qua tiếng đàn, bản nhạc đã chuyển dần sang một hướng đi mới, rất táo bạo và mới lạ. Ngôn ngữ âm nhạc lúc này khác nhiều so với câu mở đầu, bản nhạc mà Beethoven đang chơi thể hiện một sự bùng nổ đến mức chói sáng. Mozart bất ngờ vì khả năng ứng tác tuyệt vời cũng như ngôn ngữ âm nhạc táo bạo của Beethoven. Cả những học trò của Mozart từ lúc nào đã không còn ngồi yên nữa, họ bước lại gần cây đàn và chứng kiến nhạc sĩ bậc thầy Mozart thử tài chàng thanh niên mới xuất hiện, họ sửng sốt và im lặng. Một chàng trai khoảng mười bảy tuổi vừa tới thành Vienna, đang chinh phục nhạc sĩ giỏi nhất thế giới.
Khi đoạn nhạc lên đến cao trào, dòng âm thanh bùng nổ, không giấu được cảm xúc, Mozart bất giác đưa bàn tay vỗ nhẹ lên trán như khám phá ra điều gì, nét mặt ông dãn ra biểu lộ sự mãn nguyện.
Bản nhạc kết thúc hồi lâu mà sự ngạc nhiên vẫn chưa hết, mọi người dường như vẫn đang chìm trong dòng chảy của âm thanh, chưa thoát ra để trở về với thực tại. Cả Beethoven cũng lặng yên như đang chờ đợi lời phán xét của Mozart. Giây phút đó kéo dài khá lâu vì Mozart chưa tìm được lời nói để diễn tả tâm trạng của mình, ông đặt nhẹ bàn tay lên vai Beethoven:
- Chàng trai, hãy nhắc lại tên anh lần nữa.
- Thưa ngài, tôi là Ludwig van Beethoven.
- Beethoven ư? Hãy nghe lời tôi - Mozart nói rành rọt tựa như đang nói với chính mình - Có lẽ anh chẳng phải học thêm gì nữa. Hãy vững tin đi theo con đường mà anh chọn, tôi thấy một ngày không xa, lịch sử âm nhạc sẽ nhắc đến tên anh với cả lòng kính trọng.
Bàng hoàng vì lời nói tốt đẹp đó, Beethoven cảm thấy tự hào, không còn e dè nữa, anh hỏi:
- Thưa ngài, tôi sẽ được hướng dẫn cách sáng tác âm nhạc chứ ạ?
- Chúng ta sẽ nói chuyện đó sau - Mozart trả lời nhã nhặn.
Trong lần gặp gỡ đầu tiên đó, Mozart đã nhận thấy một thiên tài âm nhạc đang tiềm ẩn trong con người Beethoven. Vì sắp có chuyến đi biểu diễn xa, Mozart hẹn gặp Beethoven khi ông quay lại thành Vienna. Điều đó làm Beethoven thấy rất vui.
Tiếc rằng, đó là lần gặp gỡ duy nhất giữa hai nhạc sĩ thiên tài trong lịch sử âm nhạc. Không thể ở lại thành Vienna khi nghe tin mẹ ốm nặng, Beethoven vội trở về quê hương nhưng người mẹ thân yêu đã qua đời. Vẫn thiết tha mong được Mozart dạy bảo, Beethoven lại sang Viên lần nữa, song lần này Beethoven không thể gặp Mozart vì nhạc sĩ đã trở về quê hương để chịu tang cha. Không gặp được Mozart khiến Beethoven vô cùng hối tiếc.
Sau đó ít lâu, một tin dữ làm giới nghệ thuật thành Vienna sửng sốt. Mozart đã qua đời ngày 5 tháng 12 năm 1791, trong lúc đang viết dở bản Requiem (Bản nhạc cầu hồn). Việc này khiến Beethoven đau buồn khôn xiết và ông luôn than phiền về nỗi bất hạnh đã không được học người thầy vĩ đại ấy. “Không bao giờ, không bao giờ lại có thể thấy một nhạc sĩ thiên tài đến vậy!”
Các bản Sonate tặng người thầy Haydn
Sau khi Mozart qua đời, một thời gian Beethoven theo học Haydn và thỉnh thoảng đến chơi nhạc tại nhà hoàng thân Lichnowski - một người bảo trợ của Beethoven.
Một buổi tối năm 1794, cũng tại nhà vị hoàng thân này, Beethoven đã trình diễn tác phẩm đầu tay. Tác phẩm này mang ký hiệu Ô-pút số 1. Điều đó chứng tỏ Beethoven coi những gì anh viết trước đó không đặc sắc lắm.
Trong phòng hòa nhạc lộng lẫy của dinh thự, Beethoven ngồi trước cây đàn piano, với dáng vẻ xúc động. Mặc dù đã được hâm mộ, nhưng lần này anh đến với họ không phải ở cương vị một nhạc công giỏi, mà với tư cách một nhà sáng tác âm nhạc. Biết bao lần, giới quý tộc ở đây đã từng nghe nhạc của Mozart và Gluck. Trong căn phòng này, những kỷ niệm về hai bậc thiên tài ấy như còn đang phảng phất đâu đây. Cả Haydn nữa, nhạc sĩ bậc thầy mà ai cũng thừa nhận, đang ngồi bên cạnh nhạc sĩ Xaliari. Hai người dù lớn tuổi và ăn mặc theo lối cổ, vẫn có dáng điệu trẻ trung. Với sự hiếu kỳ, họ đang chờ nghe tác phẩm của Beethoven.
Căn phòng lặng đi khi Beethoven chơi đàn, hai bản nhạc nối tiếp nhau vang lên. Chúng chịu ảnh hưởng của Haydn và được sáng tác theo khuôn mẫu quen thuộc, hai bản này được hoan nghênh nhiệt liệt. Bản thứ ba, ngược lại, đã toát ra phong cách mới lạ đối với người nghe. Lần này, thính giả chia làm hai phái, những người nhiều tuổi chau mày, quay sang nhìn nhau thăm dò, trong khi giới trẻ tỏ ra rất thích thú. Mọi người im lặng chờ xem, Haydn sẽ nói gì?
Haydn đến bên người học trò, hết lời khen ngợi hai bản nhạc đầu tiên. Sau đó, ông cúi xuống nói nhỏ:
- Anh bạn trẻ, nếu tin tôi thì hãy từ từ, chưa nên xuất bản bản nhạc thứ ba. Bản nhạc này đột ngột quá đối với thính giả!
Ít lâu sau, Beethoven đã tặng vị nhạc sư của mình ba bản Sônát viết cho đàn piano. Đó là bản Sônát mang ký hiệu “Ô-pút số 2” để tặng Haydn. Haydn tỏ ra vui vẻ nhưng sau đó lại phật ý vì Beethoven không chịu ghi thêm dòng chữ trên bản nhạc: Học trò của Haydn kính tặng. Ông lắc đầu rồi mỉm cười, nhẹ nhàng bảo Beethoven với vẻ khẳng định:
- Anh không thiếu tài năng, nhưng còn phải học thêm!
Ít lâu sau, những bản nhạc này của Beethoven đã được xuất bản và công bố rộng rãi. Chúng không chỉ đem đến cho Beethoven những khoản tiền cần thiết mà còn mang lại cho anh danh tiếng và niềm vui sáng tác. Nhạc sĩ có tiếng người Đức Cramer đánh giá rất cao những sáng tạo của Beethoven, ông mang các bản Sonat này sang London và tuyên bố:
- Các bạn, đây là người bù đắp cho chúng ta niềm tin sau cái chết của Mozart!
Bản Giao hưởng anh hùng và tòa lâu đài Ngọc trai
Năm 1798, Beethoven làm quen với Bernado - đại sứ Pháp ở Áo, lúc này Beethoven là nhạc sĩ sáng tác bắt đầu có danh tiếng ở thành Vienna. Tại nhà của ông đại sứ, Beethoven gặp gỡ với nghệ sĩ chơi violon rất tài năng người Pháp là Kreixe. Mến tính tình giản dị, tự nhiên của Kreixe nên Beethoven thường hay có các buổi hòa nhạc với ông ta, ông chơi piano còn Kreixe chơi violon. Beethoven đã viết tặng Kreixe bản Sonat cho đàn violon và piano, về sau được gọi là Sonat Kreixe, một bản nhạc rất nổi tiếng.
Khi tiếp xúc với Beethoven, vị đại sứ người Pháp đã đánh giá rất cao về tài năng âm nhạc của ông. Bernadođô đề nghị ông viết một bản giao hưởng hoành tráng về người anh hùng của nước Pháp, đó là Napole’on Bonapart - một vị tướng trẻ, đầy tài năng, chỉ huy quân đội hùng mạnh của nước Pháp - Qua những chiến công hiển hách của Napole’on Bonapart trước các đế chế phong kiến già cỗi, trong suy nghĩ của Beethoven thì đó là người anh hùng đứng lên đấu tranh vì tự do, bình đẳng, bác ái. Bernado thuyết phục Beethoven rằng chỉ có âm nhạc đầy nhiệt huyết của anh mới diễn tả được sự vĩ đại của Napole’on Bonapart. Beethoven đã nhận lời.
Mùa thu năm 1799, Bernado mời Beethoven cùng đi nghỉ ở lâu đài Ngọc trai, thời đó là một tòa lâu đài nổi tiếng vì sự sang trọng, thuộc miền tây nam nước Áo. Vị đại sứ này muốn tạo điều kiện để Beethoven có cảm hứng và bắt đầu sáng tác bản giao hưởng vĩ đại về Napole’on Bonapart.
Cỗ xe ngựa sang trọng mang quốc huy của sứ quán Pháp đưa đại sứ Bernado và Beethoven về lâu đài Ngọc trai thì trời đã về chiều. Con đường hoàn toàn vắng lặng. Cỗ xe chạy qua khu rừng thưa sát với một hồ nước trong xanh. Trên mặt hồ, những tia nắng vàng lấp lánh, những gợn sóng lăn tăn ngời lên như được dát vàng. Chỉ một đoạn ngắn nữa là tới lâu đài. Khi cỗ xe chạy gần tới một chiếc cầu nhỏ, chợt Beethoven nhìn ra ngoài và thoáng trông thấy bóng một cô gái đứng ven hồ nước. Dường như giật mình vì bất ngờ thấy người lạ, cô gái vội quay đi. Tuy chỉ thoáng qua nhưng Beethoven cảm thấy đó là một cô gái trẻ, xinh đẹp và quý phái. Beethoven quay sang phía Bernado: “Ông có nhìn thấy cô gái vừa rồi không? Một cô gái tuyệt đẹp, nhưng sao cô ta lại ở bên hồ nước một mình nhỉ?”
Vị đại sứ nghiêng người nhìn ra ngoài nhưng không thấy gì, lúc đó cỗ xe đang chạy lên cầu, cô gái bị những tán lá ven đường che khuất.
Ít phút sau, cỗ xe dừng lại trong khoảng sân rộng trước tòa nhà, Beethoven bước vào lâu đài nhưng hình ảnh cô gái xinh đẹp bên hồ vẫn hiện lên trong tâm trí ông.
Buổi tối hôm ấy trong lâu đài không khí thật sôi động, viên đại sứ tổ chức một dạ tiệc linh đình chiêu đãi Beethoven. Mọi người tha thiết đề nghị Beethoven chơi đàn. Ông nhiệt tình đáp lại bằng cách đàn và hát rất say sưa. Sau đó họ còn cùng nhau khiêu vũ đến tận khuya. Quá nửa đêm, Beethoven mới trở về căn phòng sang trọng dành cho mình. Ông ngả lưng xuống giường, hi vọng sẽ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ để xua tan những mệt mỏi trong ngày. Tuy nhiên, Beethoven nằm khá lâu mà không thể ngủ được. Căn phòng oi bức, bầu không khí ngột ngạt, ông ngồi dậy và lại bên cửa sổ. Beethoven vươn người ra ngoài hít thở làn khí mát rượi từ vườn cây...
Qua khung cửa sổ mở rộng, Beethoven thấy hiện ra trước mắt một bức tranh tuyệt diệu, khu vườn tràn ngập ánh trăng, ánh sáng mờ mờ huyền ảo trải trên những lùm cây. Vẳng đâu đây vọng lại lúc gần lúc xa những âm thanh mơ hồ hòa với tiếng côn trùng run rẩy. Không khí ngát hương, một mùi hương tinh khiết của cỏ cây hoa lá. Hít một hơi dài, Beethoven thấy trong lòng thật nhẹ nhõm.
Như có điều gì thôi thúc, Beethoven mở cửa phòng và nhẹ bước xuống những bậc thang dẫn tới vườn cây. Mọi người trong lâu đài dường như đã ngủ say, các ô cửa sổ đều không còn ánh sáng, một sự yên lặng tuyệt đối bao quanh ông giữa đêm khuya thanh vắng. Beethoven dừng lại trên thảm cỏ, ông chợt nhớ tới hồ nước trong vắt mà chiều nay cỗ xe đi qua, hình ảnh cô gái xinh đẹp hiện lên trong tâm trí. Tò mò, Beethoven muốn quay lại hồ nước. Ông nhìn xung quanh và lắng nghe, vẫn yên lặng hoàn toàn, dường như sự tĩnh lặng đang thôi thúc ý định của Beethoven. Tòa lâu đài như chìm dưới ánh trăng đầy mê hoặc. Yên tâm, Beethoven rảo bước rời lâu đài và đi trên con đường mát rượi ánh trăng. Chẳng bao lâu, ông đã nghe thấy tiếng nước chảy, tiếng sóng vỗ nhè nhẹ dưới chân cầu. Đây rồi, đây chính là nơi mà cô gái ban chiều đã đứng, Beethoven thầm nghĩ. Ông tiến lại gần một cây sồi già, cách hồ nước không xa. Ở chỗ này, Beethoven có thể ngắm toàn bộ phong cảnh của hồ nước. Dưới ánh trăng, mặt hồ như rộng thêm ra và đẹp lên gấp bội. Mặt nước phản chiếu ánh trăng long lanh gợn sóng. Ven bờ, một con chim đi ăn đêm đột nhiên vỗ cánh, cỏ cây tỏa hương ngạt ngào. Dựa vào cây sồi và đưa mắt nhìn ra xa, Beethoven muốn dứt bỏ những ý nghĩ về cô gái xa lạ kia nhưng không được. Lạ thật, cô gái là ai nhỉ? Tại sao lại ở một mình bên hồ nước, cô ta từ đâu tới đây? Một ảo ảnh chăng? Hay đó là một nàng tiên cá khao khát cuộc sống trần gian đã hóa thân thành nàng thiếu nữ?
Vẩn vơ suy nghĩ, Beethoven ngả lưng xuống bãi cỏ ven hồ, gối đầu lên gốc sồi và ngửa mặt nhìn trời. Mặt trăng đang mờ dần, vài vì sao lấp lánh, cây cối lao xao. Beethoven hít thật sâu và nhắm mắt lại, nhanh chóng thiếp đi.
Beethoven chợt giật mình tỉnh dậy khi những giọt nước đang rơi xuống người. Thì ra trời đổ mưa, bầu không khí ngột ngạt lúc trước là dấu hiệu một cơn giông. Rất nhanh cơn mưa đổ xuống xối xả. Beethoven nhỏm dậy và vội cất bước trở về lâu đài. Nhưng đã muộn, cơn mưa dữ dội khiến ông ướt hết áo quần. Chỉ có mưa tuôn và những tiếng sấm rền vang dữ dội khi Beethoven một mình hối hả trở về lâu đài.
Không muốn phiền ai, ông vội cởi bỏ bộ quần áo ướt sũng, hong lên cửa sổ rồi nằm xuống giường. Nước lạnh ngấm vào người làm Beethoven run rẩy, ông trằn trọc tới gần sáng mới ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, viên đại sứ Pháp ngạc nhiên khi không thấy Beethoven trong phòng khách. Ông ta lên phòng và thấy Beethoven nằm trên giường, người sốt cao, bộ quần áo ướt treo bên cửa sổ. Lập tức, viên đại sứ cho gọi bác sĩ tới. Đợt ốm kéo dài hơn mười ngày đã ảnh hưởng nặng đến sức khỏe của Beethoven. Sự kiện này làm bản nhạc viết về Napole’on không hoàn thành như dự kiến. Trận ốm dữ dội đó còn mãi ảnh hưởng tới sức khỏe của Beethoven cũng như với đôi tai nhạc sĩ sau này.
Tới năm 1804 bản giao hưởng mới được viết xong, nó là bản số ba trong số chín giao hưởng của Beethoven. Nhưng khi bản nhạc hoàn thành, thế sự lúc này có nhiều thay đổi. Napole’on đã lật đổ dòng họ Buốcbông để lên ngôi hoàng đế. Thất vọng vì người anh hùng của mình giờ đây chỉ là một kẻ đầy tham vọng và ham muốn quyền lực, Beethoven liền xóa lời tựa ghi ở đầu bản nhạc “Tặng Napole’on” và thay bằng “Tặng những người anh hùng”.
Bản nhạc này về sau được gọi là Giao hưởng Anh hùng, một trong những tác phẩm xuất sắc của Beethoven.
Cũng thật trớ trêu. Sau này chính tòa lâu đài Ngọc trai mà Beethoven đã từng ở, bị thiêu cháy bởi quân lính của Napole’on khi đội quân này tràn vào nước Áo. Chuyện đó xảy ra vào năm 1809, trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và các nước châu Âu.
Cô gái mù và bản Sonat Ánh trăng
Một đêm trăng đẹp giữa mùa thu, tại một thị trấn ở nước Đức, Beethoven dạo bước trên hè phố. Các tháp chuông nhà thờ nhọn hoắt vươn lên nền trời. Cả thị trấn chìm trong tĩnh mịch.
Beethoven nghe vẳng ra từ một ngõ hẻm có ai chơi piano bản nhạc của mình. Ngạc nhiên, ông rẽ vào ngõ nhỏ và dừng chân trước cửa một ngôi nhà cũ kĩ. Sau một lát, tiếng đàn yên lặng và Beethoven nghe thấy tiếng nói của người con gái:
- Cha ơi, liệu có đủ tiền mua vé đi nghe hòa nhạc tối mai không?
- Cha đã chữa năm đôi giày rồi mà chưa đủ tiền. May ra chỉ mua được một vé cho con thôi.
Trong nhà lại im lặng sau tiếng thở dài của người con gái. Như có điều gì thôi thúc, Beethoven khẽ gõ cửa. Người đàn ông đứng tuổi bước ra mở cửa, còn cô gái vẫn ngồi yên lặng trước đàn.
- Thưa ông, tôi đi qua đây, nghe tiếng dương cầm nên xin phép vào thăm.
- Mời ông vào. Con gái tôi ham thích âm nhạc, nhưng cháu chơi đàn còn kém cỏi lắm!
Beethoven mạnh dạn:
- Thưa ông, tôi có biết qua âm nhạc, nếu ông và cô cho phép, tôi xin đàn một khúc.
- Ồ, xin ông cứ tự nhiên.
Người con gái vội đứng dậy để nhường đàn cho khách, tay cô lần theo thành cây đàn, ánh mắt như nhìn vào vô định. Lúc đó, Beethoven mới nhận ra đó là một cô gái mù. Niềm thương cảm trào lên trong lòng, Beethoven chơi đàn với sự xúc động mãnh liệt và tình cảm chân thành, day dứt... Người thợ giày ngừng tay từ lúc nào và đang đứng cạnh cây đàn.
- Thưa ông, chắc hẳn ông là nhạc sĩ Beethoven nổi tiếng?
- Cô gái mù ngập ngừng hỏi khẽ, chưa thấy câu trả lời, cô chậm bước đến cửa sổ đẩy nhẹ cánh cửa. Ánh trăng vàng tràn vào gian phòng nhỏ. Trên nền trời xanh thẳm có những ngôi sao lấp lánh. Hàng cây dương liễu và những nóc nhà thờ cổ kính hiện ra trước mắt Beethoven. Nhạc sĩ lướt nhẹ hai tay trên hàng phím đàn, một giai điệu vừa xuất hiện trong đầu. Những âm thanh vang lên bởi cảm xúc chợt đến khi ông chơi đàn trong căn phòng lạ, giữa không gian huyền ảo của ánh trăng và trước sự ngạc nhiên của cô gái mù. Hiếm khi Beethoven chơi đàn say sưa đến thế, âm thanh bay lên như hòa tan trong ánh trăng, theo làn gió tỏa khắp màn đêm. Tiếng đàn đã im từ lâu, hai cha con người thợ giày mới chợt tỉnh.
- Thưa nhạc sĩ Beethoven, xin cảm ơn ông đã mang ánh sáng đến cho chúng tôi. - Người thợ run run chào vị khách đang bước ra cửa.
- Thưa ông, chính tôi mới là người chịu ơn ông và cô. Tôi xin phép được mời ông và cô tối mai đi nghe hòa nhạc tại nhà hát.
Rời khỏi xóm lao động nghèo, Beethoven rảo bước về nhà, ông muốn ghi lại nét nhạc vừa xuất hiện. Ngay đêm ấy, nhà soạn nhạc thiên tài đã hoàn thành tác phẩm tuyệt vời: Bản “Sonat ánh trăng”.
Beethoven và Franz Schbert
Theo lệ thường, khoảng một tuần Beethoven ghé qua nhà xuất bản âm nhạc Staynơ, là nhà xuất bản lớn ở thành Viên. Ông muốn xem những bản nhạc mới được in và tìm hiểu về giá trị của chúng. Giống như nhiều nhạc sĩ tài năng khác, có thể dễ dàng chơi bản nhạc dù mới được nghe một lần, hoặc chỉ đọc bản nhạc đã cảm nhận được dòng chảy âm thanh, ông thường đọc các bản nhạc một cách chăm chú nhưng ít khi cảm thấy hài lòng. Beethoven thường hay lẩm bẩm: “Sao lại nghèo nàn thế! Cũng may mà mình điếc!”
Một lần khi cầm tập bài hát của tác giả Franz Schubert, nhạc sĩ này phổ nhạc cho những bài thơ của nhà thơ nổi tiếng người Đức Sinle. Beethoven ngạc nhiên về phong cách và ngôn ngữ âm nhạc độc đáo của nhạc sĩ này. Cầm cuốn sách trên tay, Beethoven vội lại gần chủ nhà xuất bản hỏi xem Franz Schubert là người như thế nào. Ông ta liền giới thiệu Beethoven với một chàng thanh niên còn trẻ, đeo kính cận đứng gần đó. Khi bắt tay Schubert, Beethoven giữ nhẹ bàn tay anh rồi ôn tồn nói:
- Anh không phải là một người bình thường đâu! Cảm động, Schubert lúng túng:
- Thưa ngài, tôi đã xem vở nhạc kịch Fidelio của ngài và rất thích nó. Tôi vẫn mong có dịp nào đó được theo sau ngài, dù ở đằng xa...
- Đừng tự đánh giá thấp mình. Anh sẽ đi sát tôi! Beethoven khuyến khích.
Chỉ ít lâu sau, những tác phẩm âm nhạc của Schuber cũng được giới yêu nhạc thành Vienna mến mộ. Đây là một người đầy tài năng trong số các nhạc sĩ nổi tiếng ở thành Vienna, được mệnh danh là ông vua của ca khúc. Franz Schubert là nhạc sĩ mở đầu cho trường phái âm nhạc mới - chủ nghĩa Lãng mạn trong âm nhạc.
Chải bành tô lỗi nhịp
Tại Heiligenstadt, láng giềng của Beethoven là bà quả phụ Schuster, sống với cậu con trai Gustave Adolphe 12 tuổi. Vì là chỗ quen biết nên Beethoven thường đi lại thăm viếng hai mẹ con bà quả phụ này.
Một lần, Beethoven vui vẻ bước vào nhà bà láng giềng và nói:
- Thưa bà, hôm nay tôi phải mời bà nghe một bản đàn tuyệt diệu mới được!
- Thật hân hạnh cho tôi, thưa ông Ludwig.
Beethoven cởi áo choàng, lơ đễnh vứt xuống dưới đất rồi ngồi vào đàn say sưa thả hồn theo cảm hứng của mười đầu ngón tay thần diệu...
Trong khi người quả phụ đang lắng nghe tiếng nhạc thì cậu con trai cúi xuống nhặt chiếc áo của ông lên, dùng bàn chải chải bụi trên áo một cách rất cẩn trọng. Beethoven vẫn tiếp tục đánh đàn. Bỗng ông đứng lên vẻ mặt đầy tức tối, tát cậu bé một cái nẩy lửa rồi la lớn:
- Đồ u mê! Ít nhất cậu cũng phải biết chải cho đúng nhịp chứ!...
Sau này, cậu bé đã trở thành người cha và thường kể lại cho con cái nghe câu chuyện này và kết luận:
- Các con thấy không? Mấy ai có diễm phúc như cha được ăn một cái tát của nhạc sĩ thiên tài Beethoven chưa?
Beethoven và Goethe
Năm 1812, Beethoven và Goethe - nhà thơ vĩ đại người Đức đã gặp nhau hai lần tại Teplitz, một lâu đài ở Bohemia.
Một lần đi dạo cùng nhau, họ đã gặp hoàng hậu và các công tước. Goethe đứng sang một bên, bỏ mũ nghiêng đầu chào còn Beethoven cứ thế đi thẳng, vẻ tự tin khi các quý tộc này nhường đường cho ông. Beethoven sang bên kia đường rồi đứng chờ Goethe. Ông nói:
- Tôi đợi anh vì kính trọng anh, vì anh đáng được như vậy nhưng mà anh đã cho đám quý tộc ấy quá nhiều vinh hạnh đấy.
Một lần khác, hai người đang đi dạo và trò chuyện thì câu chuyện bị ngắt quãng bởi những người qua đường vui vẻ chào họ. Goethe tỏ ra bực tức còn Beethoven nói:
- Anh để tâm đến chuyện này làm gì, có lẽ những lời chào của họ là dành cho tôi đấy.
Sau này Beethoven nhận xét, Goethe quá ưa thích không khí cung đình hơn là trở thành một nhà thơ còn Goethe thì viết: Beethoven là một nhân cách khó có thể chế ngự, một nghệ sĩ luôn xem mình là trung tâm và mạnh mẽ hơn bất kỳ ai ông ta đã gặp. Tôi có thể hiểu rõ thái độ của con người này với thế giới này đặc biệt thế nào.