F
rederic Chopin là nhà soạn nhạc người Ba Lan, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1810 tại làng Zelazowa Wola (Ba Lan) dưới tên Fryderyk Franciszek Chopin; Cha của Chopin là Mikolaj Chopin, một nhạc sĩ gốc Pháp, mẹ là Tekla Justyna Krzyzanowska, một người Ba Lan.
Tài năng của Chopin nảy nở từ rất sớm, và được so sánh với thần đồng âm nhạc Mozart. Khi mới 7 tuổi, Chopin đã là tác giả của 2 bản polonaise cung Sol thứ và Si giáng trưởng. Chopin đã tham gia một số buổi hòa nhạc từ thiện. Những buổi học piano của Chopin bắt đầu từ năm 1816 đến năm 1822.
Từ năm 1823 đến năm 1826, Chopin học tại Warsawa Lyceum. Cậu bé đã dành những kì nghỉ ở những căn nhà của gia đình những người bạn học ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Nhà soạn nhạc trẻ tuổi đã nghe và ghi lại những bài hát dân ca, tham gia vào những đám cưới của những người nông dân và những lễ hội đồng quê, đồng thời chơi một thứ nhạc cụ dân gian giống như cây đàn contrabass.
Chopin trở nên gắn bó với âm nhạc dân gian vùng đồng bằng Ba Lan, với sự thanh khiết, đặc sắc, giàu tính giai điệu và âm hưởng dân vũ. Khi sáng tác những bản mazurka đầu tiên và một số bản khác sau này, Chopin đã dựa vào nguồn cảm hứng được ông lưu giữ đến cuối đời này.
Mùa thu năm 1826, Chopin bắt đầu học lí thuyết âm nhạc và sáng tác âm nhạc tại trường âm nhạc ở Warszawa, một bộ phận của Nhạc viện Warsawa và Đại học Warsawa. Tuy nhiên, Chopin đã không theo học lớp piano. Nhận thấy tài năng xuất chúng của Chopin, Józef Elsner - nhà soạn nhạc và hiệu trưởng của trường - đã cho phép Chopin tập trung vào piano nhưng vẫn buộc ông học các môn lí thuyết. Chopin, vốn có khả năng trời phú về sáng tác âm nhạc, đã học được ở trường sự kỉ luật và chính xác trong kết cấu tác phẩm, cũng như hiểu được ý nghĩa và logic của từng nốt nhạc. Đây là thời gian ra đời của những tác phẩm có tầm cỡ đầu tiên của Chopin, như bản Sonata cung Đô thứ, những khúc biến tấu opus số 2 dựa trên một chủ đề trong vở Don Giovanni của Mozart, bản Rondo á la Krakowiak op 14 và bản tam tấu cung Sol thứ, opus 8 cho piano, violin và cello. Chopin kết thúc quá trình học tập của mình tại trường phổ thông năm 1829 và sau 3 năm học tại trường, ông đã nhận được lời đánh giá: “Chopin, Fryderyk, học sinh năm thứ 3, một tài năng lớn, thiên tài âm nhạc”.
Khi trở về Warszawa, Chopin cống hiến cho sự nghiệp sáng tác và đã viết một số tác phẩm, trong đó có 2 bản concerto cho piano và dàn nhạc cung Fa thứ và Mi thứ. Bản Concerto số 1 đã được gợi cảm hứng rất lớn từ cảm xúc của nhà soạn nhạc đối với Konstancja Gladkowska, sinh viên thanh nhạc tại nhạc viện.
Đây cũng là thời kì Chopin cho ra đời những bản nocturne, étude, waltz, mazurka đầu tiên. Trong những tháng cuối cùng trước ngày Chopin dự định ra nước ngoài sinh sống, ông đã có một số buổi biểu diễn trước công chúng, chủ yếu là ở Nhà hát quốc gia Warsawa, nơi 2 bản concerto lần đầu tiên được biểu diễn.
Ngày 11 tháng 10 năm 1830, ông đã có một buổi hòa nhạc chia tay tại Nhà hát quốc gia Warsawa, trong đó ông đã biểu diễn bản concerto cung Mi thứ, và K. Gladkowska đảm nhiệm vai trò ca sĩ. Ngày 2 tháng 11, cùng với người bạn Tytus Woyciechowski, Chopin đến nước Áo.
Mùa thu năm 1831, ông đến Paris. Ở Paris, ông chọn nghề chơi và dạy đàn đồng thời soạn nhạc. Ông lấy tên tiếng Pháp là Frédéric-François Chopin. Tại đây, ông có mối quan hệ gần gũi nhưng đầy trắc trở với nhà văn Pháp George Sand suốt 10 năm trước khi ông qua đời do lao phổi.
Lúc hấp hối, Chopin gọi tên người mẹ yêu dấu, nhưng vô ích. Tuy nhiên bà đã hiện ra như một ảo ảnh cuối cùng, một niềm tin cuối cùng của Chopin. Trái tim Chopin ngừng đập vào ngày 17 tháng 10 năm 1849. Theo ý nguyện của mình, Chopin muốn tro tàn của trái tim ông sẽ được gắn vào cây thánh giá tại nhà thờ lớn của Vacsava. Nhưng sau khi ông mất, theo nguyện vọng của những người thân, trái tim ông được giữ lại. Nhiều năm sau, trái tim của Chopin được đưa về Balan cùng với nắm đất quê hương ông mang theo từ thời trai trẻ. Chopin yên nghỉ tại nghĩa trang Perơ Lasedơ ở Paris.
Chopin đã để lại cho nền âm nhạc thế giới một di sản lớn. Đó là 18 bản polonaise, 17 bản waltz, những khúc biến tấu, các bản etude, prelude, dạ khúc, ballade, sonata, các nhạc phẩm cho piano và dàn nhạc, các bài hát và các tác phẩm khác.
MỘT SỐ GIAI THOẠI
Thần đồng âm nhạc
Chopin bộc lộ tài năng âm nhạc từ lúc còn nhỏ, lên ba tuổi đã nhớ và đàn được những bản nhạc mà người mẹ thường chơi. Tám tuổi, Chopin có khả năng biểu diễn xuất sắc trước công chúng và sáng tác những bản nhạc nổi tiếng. Từ đó cậu được coi là thần đồng âm nhạc.
Bắt đầu học piano từ lúc ba tuổi, lên sáu, gia đình mời thầy giỏi nhất đến dạy đàn cho Chopin. Đó là ông Dipny, khi ấy đã gần sáu mươi tuổi. Chỉ sau vài năm học tập, 12 tuổi, khả năng chơi piano của Chopin đã vượt thầy.
Nhận thấy cậu học trò thiên tài không còn gì phải học trong những bài dạy của ông nữa, ông khuyên bố mẹ Chopin “Hãy để mặc cho tài năng tự nhiên của cậu bé được nảy nở”.
Lúc nhỏ, Chopin rất buồn vì bàn tay trẻ con của cậu không thể bấm được một quãng tám trên đàn piano, cậu bèn nghĩ ra một mẹo, cố làm rộng mu bàn tay bằng cách đặt giữa kẽ ngón tay những cái nêm. Trước khi đi ngủ, cậu bí mật băng chặt bàn tay và cả những cái nêm lại, ước rằng ngày mai có thể bấm tới mười phím. Nhà soạn nhạc tí hon cần đến một quãng mười cho bản nhạc mà cậu đang soạn.
Sống trong ngôi nhà rộng rãi nên gia đình Chopin cho một số học sinh ở trọ. Bọn trẻ đến từ các vùng lân cận và theo học ở thủ đô Vácsava. Các buổi tối, Chopin hay cùng mẹ chơi đàn cho bọn trẻ nghe. Nhiều buổi cậu đàn các bản dân vũ để chúng nhảy múa, lần khác, cậu lại kể những câu chuyện tự sáng tác rồi ngồi xuống đàn piano, dùng âm nhạc diễn tả nội dung câu chuyện.
Một hôm, bọn trẻ nô đùa, nghịch ngợm, làm xáo động căn nhà vốn yên tĩnh. Muốn bọn trẻ lặng yên, Chopin kể cho chúng nghe câu chuyện về một bọn cướp hung ác. Chọn một ngôi làng yên bình, bọn cướp tấn công và cướp phá rất tàn bạo. Những thanh niên trong làng dũng cảm chiến đấu chống lại, bọn cướp thua và phải tháo chạy. Chúng chỉ còn con đường duy nhất là trốn vào một hang sâu dưới chân núi. Trong hang tối tăm, lạnh lẽo, đó đây ẩn hiện những hình thù kỳ dị. Bọn cướp vừa đói vừa mệt, lăn ra đất rồi nhanh chóng ngủ thiếp đi.
Đến cao trào câu chuyện, Chopin ngồi vào đàn và miêu tả khung cảnh dưới hang sâu bằng những âm thanh run rẩy. Thính giả như thấy tiếng thầm thì của khu rừng đại ngàn, làn gió rì rào xao động thổi ngoài cửa hang, tiếng kêu rả rích của côn trùng và tiếng ngáy đều đều của bọn cướp. Cuối cùng, không chỉ bọn cướp mà những người nghe chuyện cũng bị tiếng đàn ru ngủ lúc nào không hay.
Lúc này, Chopin rón rén ra khỏi phòng tìm bố mẹ rồi chỉ cho họ thấy cảnh tượng khác thường ấy. Cậu trở lại bên cây đàn và bấm mạnh hai tay xuống hàng phím. Âm thanh vang lên chói tai khiến đám thính giả giật mình tỉnh giấc.
Trước những khuôn mặt còn ngơ ngác, Chopin nhẹ nhàng kể tiếp, cậu nói đó là tiếng sét đánh xuống cây cổ thụ, làm nó gẫy gục, lấp kín cửa hang. Rồi trận mưa dữ dội đổ xuống, nước ngập đầy hang, bọn cướp không còn đường ra nên bị chết đuối hết.
Về sau, câu chuyện này và cách kể độc đáo của Chopin đã in sâu vào trí nhớ của nhiều người từng sống trong ngôi nhà đó.
Chopin và thầy Józef Elsner
Năm 1824, Chopin vào trường trung học, bố mẹ đã giao cậu bé cho Józef Elsner, giám đốc nhạc viện thành phố Vacsava tên để ông dạy hòa âm và phức điệu cho cậu.
Con mắt tinh tường của Elsner đã nhận ra khả năng âm nhạc kỳ lạ của cậu học trò. Những bài tập hòa âm và phức điệu của Chopin luôn thể hiện sự sáng tạo đặc biệt so với học sinh khác, cậu không làm bài theo cách thông thường như mọi người.
Một lần Elsner nói:
- Ta nghĩ có hai loại người không chịu tuân theo luật lệ. Loại thứ nhất không biết gì luật lệ, còn loại thứ hai lại nắm quá vững về nó. Trò thuộc loại thứ hai này. Khi ấy nhiều người e ngại, bàn tán về việc Elsner không ép buộc Chopin vào khuôn khổ của nhà trường. Elsner nói:
- Hãy để cho cậu bé mảnh đất tự do. Cậu ta đi theo con đường kỳ lạ bởi vì thiên tư của cậu ta cũng kỳ lạ.
Sau này, mọi người mới biết trong báo cáo nhạc viện, sau tên Chopin, giám đốc nhạc viện đã viết những dòng chữ: “Khả năng làm mọi người kinh ngạc, thiên tài âm nhạc”.
Bản nhạc ở trạm bưu điện
Tháng 9 năm 1826, khi vào học tại nhạc viện Vacsava, Chopin đã có ba tác phẩm âm nhạc được in là bản Pôlône giọng La thứ, bản hành khúc quân đội và bản Rôngđô. Đó là những tác phẩm có giá trị, chúng nhanh chóng nhận được sự tán thưởng của những người yêu nhạc và đưa Chopin trở thành niềm hy vọng của nền âm nhạc Ba Lan.
Trong thời gian ấy, để hoàn chỉnh việc học tập, Chopin thường chơi tác phẩm của các nhạc sĩ thời trước và xem chương trình biểu diễn của các nhạc sĩ nước ngoài. Một lần khi được xem “Nhà phù thủy của cây đàn violon” người Italia tên là Paganini trình diễn, khả năng đặc biệt của Paganini đã làm Chopin kinh ngạc. Kỹ thuật biểu diễn tuyệt mĩ của nghệ sĩ đã thôi thúc anh phải mau chóng khổ luyện để đạt tới sự hoàn thiện trong cách chơi của mình, không với mục đích làm người nghe ngạc nhiên mà để có khả năng thể hiện tình cảm của mình được trọn vẹn nhất. Chopin bắt tay vào viết một số bài luyện tập cho đàn piano.
Năm 1828, trong một chuyến đi từ Berlin (Đức) sang nước Pháp, cỗ xe chở Chopin phải dừng lại ở gần trạm bưu điện Dalin để thay ngựa. Cũng như những hành khách khác, Chopin đi vào phòng chờ để nghỉ ngơi. Hầu hết mọi người trong căn phòng đều đã cảm thấy mệt trong chuyến đi dài. Họ đứng ngồi lộn xộn. Căn phòng đầy những âm thanh hỗn độn. Chợt thấy ở góc phòng có một cây đàn piano, Chopin tò mò tiến lại gần để thử xem. Chiếc đàn tuy đã cũ nhưng vẫn còn dùng được.
Quên cả mệt nhọc và quên rằng mình đang ở đâu, Chopin dạo tay trên phím đàn những bản nhạc mà ông tự sáng tác. Tiếng đàn vang lên nhẹ nhàng trong khung cảnh hỗn độn và náo nhiệt. Trong giây lát, căn phòng chợt tĩnh lặng, dường như có một luồng khí mát vừa tràn tới. Mọi người nhanh chóng bị tiếng đàn mê hoặc, họ quên mệt nhọc, quên ăn uống và nghỉ ngơi để vây quanh cây đàn. Một thoáng, Chopin định dừng tay, nhưng thấy mọi người chăm chú lắng nghe, ông lại tiếp tục chơi những bản nhạc khác.
Tiếng đàn vừa dứt, giữa những tiếng kêu ngạc nhiên đầy thán phục, một người đàn ông có tuổi tiến lại gần Chopin và nói: “Thưa ngài, tôi là nhạc sĩ sống ở vùng này, tôi hiểu công việc của mình. Nếu Mozart nghe ngài chơi đàn, ông ta sẽ bắt tay ngài, còn tôi, tôi không dám...”.
Vừa lúc đó, người phu trạm bước vào, thông báo rằng ngựa đã thay xong, mời mọi người ra xe tiếp tục chuyến đi. Tất cả đều luyến tiếc, dường như họ vừa trải qua một giấc mơ đẹp và không muốn giấc mơ đó sớm kết thúc.
Ông trưởng trạm bưu điện tha thiết mời Chopin ở lại tiếp tục chơi đàn, sau đó bưu điện sẽ cấp riêng cho ông một cỗ xe khác. Chopin lễ phép từ chối và muốn tiếp tục cuộc hành trình cùng mọi người. Kính trọng vì tài năng âm nhạc và sự khiêm nhường đó, mọi người đã không giấu được cảm xúc của mình. Nhiều người đàn ông đến xin bắt tay ông, một số khác tìm cách chạm vào người ông và cuối cùng họ tung Chopin lên để hoan hô.
Nghệ sĩ piano vĩ đại
Sau khi rời quê hương tới nước Pháp, tại đây Chopin đã tìm đến một số nghệ sĩ chơi piano nổi tiếng để được học tập và trau dồi kiến thức. Một nghệ sĩ chơi piano bậc thầy lúc bấy giờ tên là Kácbrenne, khi chưa được chứng kiến tài năng của Chopin, đã tự tin tuyên bố: “Có thể tôi sẽ dành ba năm để giúp chàng thanh niên Ba Lan này hoàn thiện về kỹ thuật chơi đàn”. Khi đó Kacbrenne hơn Chopin đến 25 tuổi, nhưng khi được nghe tiếng đàn của Chopin trong một buổi hòa nhạc lớn, ông ta đã kêu lên trong niềm phấn khích với sự khiêm tốn rất đẹp: “Một người khổng lồ! Anh ta đã dẹp tất cả mọi người và cả tôi!”.
Có thể nói, nghệ thuật chơi đàn piano, chỉ có một người có thể sánh được với Chopin, đó là Franz Lit, nhạc sĩ người Hungary. Tuy nhiên, cách chơi đàn của hai nghệ sĩ lại khác nhau rất nhiều. Lizst thể hiện sự nhiệt tình, hăng hái của người Hungary, ông thường chơi đàn với cảm hứng nẩy lửa, những đoạn nhạc cao trào, ngón tay của Lizst làm bật lên những tiếng sét nổ trên phím đàn. Trong phòng hòa nhạc lớn, nhạc của ông làm cho tất cả đám đông rung lên. Trái lại lối chơi của Chopin lại mềm mại, tế nhị hơn diễn tả sự sâu sắc về nội tâm của một người rất giàu tình cảm.
Nhạc sĩ nổi tiếng người Đức là Mendelsson năm 1834 đã tuyên bố, Chopin là người đứng đầu các nhà chơi dương cầm.
Nhà văn nổi tiếng người Pháp Balzac nói: “Người ta chỉ đánh giá được Lizst khi đã nghe Chopin chơi đàn, đó đều là những bậc thầy, Lizst chơi đàn như ma quỷ, còn Chopin chơi đàn như thiên thần...”
Cách đánh đàn của Chopin đẹp đến nỗi, ông chỉ chơi một hợp âm thôi đã đủ làm mê hoặc khán giả.
Nhà sáng tác âm nhạc thiên tài
Chopin chủ yếu sáng tác âm nhạc cho đàn piano ở các thể loại nhỏ như Mazurka, Polonaise, Vansơ, Sonata, Noturne, Uvectuya, Etude... Ông không viết những tác phẩm mang hình thức lớn như giao hưởng, nhạc kịch... Âm nhạc của Chopin được sáng tác rất công phu, mang đậm tính cách dân tộc Ba Lan, nảy sinh từ một thiên tài kiệt xuất và đem đến cho thính giả lòng tin tưởng mạnh mẽ vào sự lớn lao của con người.
Số lượng tác phẩm âm nhạc của Chopin theo những thống kê chưa đầy đủ, bao gồm 10 bản Polonaise, bản đầu tiên viết khi lên tám tuổi, 4 bản Sonata, 2 Concerto, 1 tam tấu, 4 Xkéc-dô, 4 Rondo, 19 Dạ khúc, 25 bài tập Etude, 15 bản Vansơ, 1 Ta-răng-ten, 24 khúc mở đầu Uvectuya, 3 hành khúc, 4 thơ ứng khẩu, 4 Ba-lát, 1 Phăng-tê-di, 51 Mazurka, 1khúc ru, 1 Bác-ca-rôn, 1 Bô-lê-rô, 1 hành khúc tang lễ, 3 Ê-cốt-xơ và nhiều ca khúc phổ thơ...
Những nhạc sĩ thời trước mà Chopin rất yêu thích là Mozart và Bach, ông đánh giá những chủ đề âm nhạc của họ được hình thành và phát triển từ những xúc cảm nhạy bén, đôi khi từ một tiếng chim vẫy cánh, một hơi gió thổi, một nét vẽ thuần tuý. Đã nhiều lần, ông khẳng định và thán phục tài năng của họ.
Theo Chopin, một tác phẩm âm nhạc phải có vai trò khác với một bức tượng, một bức tranh hay một bài thơ, bởi ở chúng tình cảm được diễn tả một cách trực tiếp. Âm nhạc chỉ nên dùng để gợi nên, nhắc lại, đánh thức những tình cảm khi lời nói không thể diễn tả được nữa.
Năm 1831, nhạc sĩ người Đức là Robert Suman là người đầu tiên nhận thấy tài năng sáng tác âm nhạc của Chopin. Qua những tác phẩm âm nhạc của Chopin được in và gửi tới Suman, sau đó Suman đã cho đăng những bài giới thiệu về nhạc sĩ này rất chân thực trên tạp chí âm nhạc mà ông phụ trách. Đến khi được biết Chopin hoàn thành biến tấu trên giai điệu vở nhạc kịch Đông-Gioăng của Mozart, Suman đã viết trong tạp chí âm nhạc: “Thưa các ngài, hãy hạ mũ xuống: Một thiên tài!”
Tác phẩm của Chopin không có vẻ trống rỗng và hoa mĩ rườm rà. Nó chứa đựng tất cả những cảm xúc chân thực của ông trong cuộc sống, niềm vui và nỗi đau, sự êm ái và dữ dội, tế nhị và cay đắng, tình yêu và lòng căm ghét. Chopin là một nhà soạn nhạc vô song, ngay thẳng và tinh tế. Chỉ có ông mới nhận được từ Lizst - tay đàn piano cự phách bậc nhất thời bấy giờ lời ca ngợi mà rất ít người được hưởng: “Mỗi nốt nhạc là một vần, mỗi nhịp là một chữ và mỗi câu là một tư tưởng”.
Tình yêu và những nỗi đau
Ba người phụ nữ đã đi qua cuộc đời Chopin, để lại dấu ấn trong tinh thần cũng như tác phẩm âm nhạc của ông. Khác nhau bởi hoàn cảnh xã hội, địa vị, tuổi tác, họ không đến với Chopin bằng tình yêu say mê, chân thành như ông hằng mong đợi để vượt qua những giày vò của bệnh tật và cay đắng của cuộc đời. Chopin là một người độc thân và không gặp may mắn trong tình yêu.
Hai người đầu tiên là những cô gái trẻ, họ không hiểu được tâm hồn thanh cao và tài năng đặc biệt của ông. Người phụ nữ thứ ba, có tài năng và nhiều kinh nghiệm, đã che chở và giữ gìn ông bên cạnh như một thần tượng quý giá hơn là một người yêu thực sự.
Ngoại hình của Chopin, được người bạn của ông, nhạc sĩ Lizst miêu tả: “Toàn bộ con người anh rất hài hòa, ánh mắt thông minh hơn là mơ màng, nụ cười hiền lành và tinh khiết không bao giờ trở nên cay đắng. Chopin có nước da trắng mịn, làn tóc màu hung, mũi hơi khoằm, dáng người dong dỏng, nhã nhặn như một quý tộc”.
Năm 17 tuổi, với những rung động đầu đời, Chopin say mê một nữ sinh nhạc viện Vacsava, tên là Côngxtăngxơ Glátcốpxka. Cô gái này học khoa thanh nhạc và có giọng hát rất hay. Đây là mối tình đầu trong sáng và tươi trẻ, hồn nhiên. Chopin sáng tác một số bản nhạc tặng cô gái, đó là một bản Côngxéctô và một bài Van xơ. Mối tình này kéo dài không lâu, khi Chopin buộc phải rời khỏi đất nước, ông không còn liên lạc được với Glátcốpxka nữa, ít lâu sau Chopin rất đau lòng khi nhận được tin cô đã lấy chồng, một người thuộc tầng lớp quý tộc nông thôn Ba Lan.
Năm 1835, nhận được lời mời từ một gia đình họ hàng xa, Chopin đã tới Đrétxđơ. Tại đây, ông gặp lại người chị họ đã quen biết từ thuở còn nhỏ tên là Mari, giờ đây là một cô gái đáng yêu, thông minh và am hiểu âm nhạc. Cùng nhau trải qua những kỷ niệm sâu sắc thời thơ ấu, giữa Chopin và Mari nhanh chóng hình thành một mối tình đằm thắm và tế nhị, người mẹ của Mari cũng ủng hộ tình yêu của họ. Với những cảm xúc ngọt ngào của mối tình này, khi chia tay nhau, Chopin đã tặng Mari một bản nhạc Vanxơ từ biệt, đó là một trong những kiệt tác bất hủ của ông.
Tuy nhiên, cha và chú của Mari lại không tán thành việc kết hôn giữa hai người. Là những người mang nặng thành kiến về tước hiệu và của cải, họ cho rằng đây là một cuộc hôn nhân không cân xứng. Một năm sau đó, Chopin và Mari tìm cách gặp nhau, tình cảm giữa họ vẫn sâu nặng, thậm chí hai người đã bí mật đính hôn nhưng bất lực bởi những khó khăn và cách trở, Mari yếu đuối đành buông xuôi tình cảm của mình. Chopin rất đau lòng vì mối tình tan vỡ và người yêu nhanh chóng lãng quên, ông gói bông hồng Mari đã tặng vào trong một bản nhạc, đóng xi lại và viết bên ngoài “Những nỗi đau của tôi”. Gói hoa hồng này, người ta còn thấy nguyên vẹn sau khi Chopin qua đời.
Người phụ nữ có ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời và sáng tác âm nhạc của Chopin là nữ văn sĩ người Pháp: Gióocgiơ Xăng (George Sand). Chopin gặp và yêu bà từ năm 1838, khi ông 28 tuổi. Gióocgiơ Xăng hơn Chopin sáu tuổi, là một trong số ít phụ nữ Pháp viết tiểu thuyết thành công.
Cuộc đời của Gióocgiơ Xăng cũng có nhiều điểm đáng nói. Gióoc giơ Xăng là con hoang của một người có dòng dõi hoàng tộc, là cháu vua Ba Lan. Năm 18 tuổi, Gióocgiơ Xăng kết hôn với một nam tước. Tám năm sau, bà bỏ đi Paris với nhà văn Xăngđô, bắt đầu cuộc đời viết văn, sống phóng túng. Gióocgiơ Xăng nổi tiếng khắp thành Paris thời bấy giờ vì tài viết văn cũng như được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng theo đuổi,... Nhà của Gióocgiơ Xăng là nơi lui tới của rất nhiều nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ.
Chopin sống trong lâu đài của nữ văn sĩ này và yêu bà trong thời gian từ năm 1838 đến năm 1846. Khi đó hai đứa con riêng của Gióoc giơ Xăng còn nhỏ. Độ lượng và hết lòng, bà chú ý đến nghệ sĩ trẻ thiên tài mà bệnh tật đã bắt đầu tàn phá. Bà nhận Chopin vào cuộc đời mình và với tình thương trước hết như một người mẹ, nữ văn sĩ này coi Chopin như người con thứ ba của mình. Tám năm Chopin sống cạnh bà, trong lâu đài nhỏ gần Paris, Chopin viết nên nhiều tuyệt tác âm nhạc. Nhưng cuối cùng thì hai người cũng chia tay. Trong cuốn “Câu chuyện đời tôi”, Gióocgiơ Xăng đã kể lại các sự kiện dẫn đến việc hai người phải đau khổ xa nhau. Bà cho rằng có những nguyên nhân dẫn đến sự chia tay. Thứ nhất, Chopin đã không thể sống hoà hợp với hai người con riêng của bà. Thứ hai, tình yêu Chopin dành cho Gióoc giơ Xăng chỉ được xếp sau những tình cảm ông dành cho Tổ quốc Ba Lan và đặc biệt là người mẹ yêu dấu của ông.
Đã bị tàn phá bởi bệnh tật, Chopin lại chịu nỗi đau vì mất tình yêu của Gióocgiơ Xăng. Một người bạn của ông, nghệ sĩ chơi đàn Xenlô là Phrăngom kể lại, trong những ngày cuối đời, Chopin đã lẩm bẩm: “Thế mà bà ấy nói với tôi rằng tôi chỉ chết trong tay bà”.
Tổ quốc thực sự là xứ sở của âm nhạc và thi ca
Năm 1830, cha mẹ của Chopin nghe tin tại Vácsava sắp nổ ra cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ba Lan chống lại sự chiếm đóng của Sa hoàng. Họ liền thu xếp để đưa Chopin rời khỏi Tổ quốc, tránh ảnh hưởng tới cuộc sống của con trai mình một thiên tài âm nhạc. Nếu ở lại, chắc chắn Chopin sẽ tham gia cuộc chiến và tương lai của Chopin sẽ không thể định trước được.
Sau cái chết của cô em út Emily khi mới 14 tuổi, Chopin rất đau lòng. Ông rời xa Tổ quốc Ba Lan ngày 2 tháng 9 năm 1830 với linh cảm sẽ không bao giờ được quay trở lại. Ông mang theo một nắm đất của quê hương và chẳng bao giờ rời xa nó.
Chuyến đi bằng xe trạm bưu điện đã đưa Chopin qua nhiều nước châu Âu như Séc, Áo, Đức. Khi tới thành Viên, Chopin được tin tại BaLan đã nổ ra cuộc khởi nghĩa. Đắm chìm trong lo lắng, không nhận được tin tức của bạn bè và gia đình, Chopin rất đau khổ. Ông định dừng chân ở Đức nhưng đất nước này từ chối cấp thị thực cho ông. Từ đây, ông đi tiếp sang Pháp và sống ở đó tới cuối đời.
Khi mới tới Paris, cuộc sống của Chopin gặp rất nhiều khó khăn. Người nghệ sĩ trẻ quyết định tự kiếm sống bằng cách dạy đàn piano. Phải rất cực nhọc, ông mới kiếm đủ ăn qua ngày, vì thế nhiều lúc ông nghĩ cách đến châu Mỹ, để thử cầu may như một người chơi dương cầm kỳ tài ở lục địa mới.
Sau sự tiếp xúc và giới thiệu của bạn bè, Chopin đến chơi đàn ở nhà triệu phú Rốtsin. Buổi trình diễn tối hôm đó, bằng lối chơi đặc biệt của mình, Chopin đã khiến thính giả say mê và từ đó đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời ông.
Rất nhiều người tìm cách làm quen với Chopin, họ mời ông đến chơi đàn tại nhà hay mời ông đến dạy đàn cho họ. Nhờ thế, điều kiện sống của ông được cải thiện. Trong hai buổi hòa nhạc tiếp theo, Chopin thành công đến nỗi nhà vua LuiPhilip đã mời ông đến chơi tại cung điện XanhCơlu và tặng ông nhiều tặng phẩm quý giá.
Những nhạc sĩ tên tuổi thời kỳ đó tại Paris như Mendelson, Benlini và Beclo cũng phải thán phục trước vẻ đẹp trong lối chơi đàn của ông và trở thành những người bạn của nhau. Từ đây, cuộc đời Chopin mở ra một thời kỳ mới với nhiều thành công rực rỡ.
Sau những thành công tốt đẹp đó là những ngày làm việc quá sức. Sức khỏe của Chopin dần dần giảm sút. Những buổi hòa nhạc, nhiều dạ hội kéo dài rất khuya, những bài dạy âm nhạc hàng ngày không tiếc sức, bắt đầu huỷ hoại sức khỏe vốn đã không tốt của ông. Bệnh viêm phổi không có cách chữa triệt để đã tàn phá sức khỏe của Chopin. Tuy nhiên, ông vẫn gắn bó với âm nhạc đến những giây phút cuối đời.
Nhà thơ người Đức Hainơ đã viết: “Ảnh hưởng của ba dân tộc đã hợp thành nơi ông một con người đáng trân trọng. Nước Ba Lan đã cho ông tình cảm nghĩa hiệp và nỗi đau đớn lịch sử. Nước Pháp, sự thanh lịch dễ gần và duyên dáng, nước Đức, sự sâu sắc mơ màng. Thiên nhiên đã cho ông một khuôn mặt thon, đỏm dáng hơi bệnh tật và một trái tim cao quý của thiên tài. Ta phải thừa nhận ở Chopin cái thiên tài với tất cả ý nghĩa của từ đó: Ông không chỉ là một nhạc sĩ kỳ tài, mà còn là một thi sĩ. Ông có thể diễn đạt cho chúng ta biết chất thơ ở trong tâm hồn ông. Đây là một nhạc sĩ, thi sĩ và không có gì so sánh được với sự hoàn mỹ khi ông tuỳ hứng trên dương cầm. Lúc đó, ông không còn là người Ba Lan, Pháp hay Đức nữa. Ông đi ra từ một nguồn gốc sâu xa hơn: từ xứ sở của Mozart, của Raphael, của Goethe, tổ quốc thực sự của ông là xứ sở của nghệ thuật âm nhạc và thơ ca.”