W
olfgang Amadeus Mozart sinh ngày 27 tháng Giêng, năm 1756, tại Salzburg, nước Áo. Ông là một nhạc sĩ thiên tài, một ngôi sao chói lọi, một thần đồng trong lịch sử âm nhạc thế giới. Tất cả những từ đẹp đẽ nhất để nói về tài năng âm nhạc đều xứng đáng có thể dành cho ông. Mozart được mệnh danh là “Mặt trời âm nhạc” do tài năng kiệt xuất, cũng như tính chất âm nhạc trong trẻo, rực rỡ, tươi sáng.
Ông là nhà soạn nhạc nổi tiếng, có nhiều ảnh hưởng quan trọng trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu. Các tác phẩm của ông được xem là đỉnh cao trong các lĩnh vực nhạc piano, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, nhạc tôn giáo và opera. Tuy nhạc của ông bị một số người chê trong thời đó, nhưng ông đã được nhiều nhà soạn nhạc sau này ngưỡng mộ và các tác phẩm của ông đã trở thành một phần quan trọng trong nhiều cuộc hòa nhạc. Nhạc sĩ Joseph Haydn đã viết về ông “hậu thế sẽ không nhìn thấy một tài năng như vậy một lần nữa trong 100 năm”.
Cuối năm 1769, khi Mozart 13 tuổi, năng khiếu âm nhạc của ông đã sớm phát triển và bắt đầu nở rộ. Mozart bắt đầu sự nghiệp sáng tác một cách nghiêm túc. Đức Tổng Giám mục tại Salzburg đã chấp nhận Mozart như một nhạc trưởng, và trả lương cho cậu. Hai cha con Mozart đã thực hiện ba chuyến viễn du sang Ý để công diễn, chuyến lưu diễn này đã được công nhận và gây được sự chú ý đến sự nghiệp của cậu trong giới quý tộc ở đó. Tại Milano, Mozart được ủy nhiệm viết opera, vở Mitridate. Vở này sau đó, do chính Mozart chỉ huy, đã được tán thưởng nồng nhiệt. Trở về Salzburg, Mozart biên soạn một loạt nhạc giao hưởng và nhạc phụng sự cho Giáo hội.
Năm 1773 là một trong những cột mốc của âm nhạc. Mozart trở về Salzburg cũng là lúc có một sự bùng nổ trong sáng tác và một sự chuyển tiếp ra khỏi ảnh hưởng âm nhạc Ý, thiên về phong cách âm nhạc Đức, mà người đại diện là Joseph Haydn.
Khi ấy, Tổng Giám mục - Bá tước Colloredo, không mấy hài lòng với âm nhạc của Mozart. Về phần Mozart, khi thấy ở Salzburg sự yêu chuộng nghệ thuật đang xuống dốc cộng với sự chê trách của Tổng giám mục khiến quan hệ giữa Mozart với Colloredo ngày càng trở nên gay gắt.
Năm 1777, Mozart xin từ nhiệm và Colloredo đã đồng ý nhưng Leopold cho rằng Mozart phải ở lại phục vụ nhà thờ nên ông cùng mẹ đã chuyển đi München, rồi đến Mannheim.
Mozart đã lưu lại Mannheim một thời gian. Tại đây, Mozart đã phải lòng một ca sĩ mười sáu tuổi vừa tài năng vừa xinh đẹp, tiểu thư Aloysia Weber. Việc này khiến cha của Mozart lo lắng và cuối cùng, theo lời khuyên của cha, nhạc sĩ đã chuyển tới Paris.
Tại Paris, Mozart biên soạn giáo trình âm nhạc, tiếp xúc với các nhà xuất bản, viết bất cứ cái gì có thể bán hoặc trình diễn - những bản sonat cho đàn violin và đàn phím, concero cho sáo và thụ cầm, những bản biến tấu đàn phím, và giao hưởng. Ở đây, Mozart tiếp tục gặp khó với khoản tài chính eo hẹp và bị đè nặng hơn sau cái chết của người mẹ. Buồn bã và miễn cưỡng, Mozart trở về Salzburg quê cha, mang theo nợ nần, nhưng tin tưởng rằng viễn cảnh của mình sẽ sáng sủa hơn. Người yêu của anh, tiểu thư Aloysia, trong thời gian ấy đã chuyển đi với gia đình tới thành Vienna, nơi người ta muốn cô ấy kết hôn với một diễn viên kiêm họa sĩ tài tử, Joseph Lange.
Nhiệm vụ nhạc trưởng và đệm đại phong cầm cho nhà thờ lớn trở nên tẻ nhạt với Mozart. Năm 1781 anh tới München để diễn opera, vở Idomeneo của anh đã thu được thành công rực rỡ. Sau đó, Mozart được tòa Tổng Giám mục triệu hồi về thành Vienna, và tìm được một công việc tốt hơn. Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng giữa giáo sĩ và nhạc sĩ khiến Mozart cuối cùng đã tự rút lui vào tháng 6 năm đó.
Những tháng sau đó, Mozart gặp nhạc sĩ Haydn đang viếng thăm thành Vienna. Tình bạn phát triển đã mang lại ảnh hưởng tốt đến công việc của cả hai nhạc sĩ sau này. Mozart thời gian ấy đã ở với gia đình Weber. Năm 1782, ông kết hôn với tiểu thư Constanze, em gái của Aloysia, mặc dù gặp sự phản đối mạnh mẽ của cha ruột. Từ đó, quan hệ giữa cha con trở nên lãnh đạm và không bao giờ hàn gắn được nữa.
Để mưu sinh, Mozart lại soạn giáo trình và viết nhạc. Vì muốn được nêu danh như một người chơi piano, ông viết nhiều bản concerto piano tuyệt vời cho chính mình.
Ít lâu sau, ông đạt được kết quả đáng kể. Sau thành công vang dội của vở opera Le nozze di Figaro (Đám cưới Figaro), Mozart tới Praha, nơi ông được ủy nhiệm viết một vở opera mới. Hợp tác với văn hào Lorenzo da Ponte, trong năm 1787, Mozart hoàn thành vở Don Giovanni. Bản nhạc này được đa số mọi người khen ngợi, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng âm nhạc của ông ngày càng khó tiếp cận hơn. Phong thái âm nhạc nhẹ nhàng trước đây đang biến mất; âm nhạc của ông khiến nhiều người cảm thấy khó cảm thụ hơn.
Năm 1791 Mozart gặp khó khăn trong việc soạn nhạc cho vở opera “Cây sáo thần” khi hợp tác với văn hào Emanuel Schikaneder. Công việc này bị gián đoạn trong tháng sau đó sức khỏe Mozart ngày càng suy yếu, hơn thế ông còn bị ám ảnh với nhạc tưởng niệm dành cho sự ra đi của chính ông.
Tháng 9, tác phẩm “Salzburg” được hoàn thành và trình diễn. Mozart viết tiếp “Cầu hồn” nhưng không kịp hoàn thành. Ông mất ngày 4 tháng 12 năm 1791. Hôm sau, bạn bè đến tham dự tang lễ ngoài trời: Giữa một cơn bão tuyết dữ dội, thi hài ông được chuyên chở không người đưa tiễn tới một khu vực bên ngoài thành phố. Đó là nghĩa trang công cộng của người nghèo nơi Mozart yên giấc ngàn thu.
Ở đó, có rất nhiều mộ chôn và cho đến nay người ta vẫn chưa xác định được mộ ông ở đâu.
Mười năm cuối đời của Mozart là một thời kỳ dài đau khổ do tài chính kiệt quệ nhưng thời gian này cũng cho thấy sức mạnh sáng tạo khác thường của ông. Ba bản giao hưởng cuối cùng ông chỉ viết trong vòng sáu tuần lễ. Tổng cộng mười năm cuối đời ông đã sáng tác hơn hai trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Trong đó có 20 vở opera những tuyệt tác có giá trị vĩnh cửu như: “Đám cưới Figarô”, “Đông Gioăng”, “Cây sáo thần”.
Các opera của ông thuộc nhiều thể loại: opera kiểu seria, kiểu hài hước (lauffa) và kiểu dân gian - dân tộc (như “cây sáo thần”), nhưng ở loại nào ông cũng đổi mới và làm phong phú thêm bằng cách đưa vào những nhân tố của loại khác và những nguyên tắc của chủ nghĩa cổ điển Vienna. Một trong những thành tựu to lớn của Mozart trong phương pháp cấu tạo kịch bằng âm nhạc là khắc họa đậm nét cá tính nhân vật, khiến các nhân vật của ông không còn là những mô hình xơ cứng, chung chung, mà trở nên sống động, gắn với cuộc đời.
Trong lĩnh vực nhạc giao hưởng, thành tựu cao nhất của Mozart tập trung vào ba bản giao hưởng cuối: số 39, số 40 và số 41. Về nhạc thính phòng và nhạc cho Piano, ông cũng phát huy cao nhất những thành tựu của những người đi trước ông, như I.X.Bach, I.Haydn trong các tác phẩm: Făngtedi và Sonata giọng Đô trưởng, Sonata giọng La trưởng.
MỘT SỐ GIAI THOẠI
Đánh đàn bằng mũi
Thuở nhỏ, Mozart đã nổi tiếng là thần đồng. Đôi chân bé nhỏ của em không chạm đất, đong đưa trong lúc đánh đàn, những ngón tay bé xíu, nhanh nhẹn lướt trên phím đàn clavơxanh, ai cũng yêu thích. Người khen: “Hay thật!” Người thì xuýt xoa: Tài thật! Có người muốn thử tài Mozart, trải một mảnh vải mỏng lên bàn phím để xem cậu bé có đàn được không, nhưng Mozart không hề lúng túng, tay vẫn lướt trên mảnh vải và âm thanh vẫn vang lên chính xác, mượt mà.
Có lần nghệ sĩ violon Grotzơ đưa cho Mozart một bản nhạc trong đó có một số hợp âm với những nốt đứng xa nhau, phải là người có ngón tay dài mới với được và nói:
- “Đố cậu nhìn vài lượt rồi đàn lại một cách chính xác đấy?”
Grotzơ tưởng Mozart với bàn tay nhỏ bé sẽ lúng túng khi nhìn những hợp âm này. Nhưng không! Mozart rất bình tĩnh, xem bản nhạc một lượt rồi đàn rất say sưa. Tới những chỗ có nốt nhạc khó đàn kia, Mozart dùng mũi thay ngón tay mổ xuống đàn.
“Pằm, pằm, pằm” - những âm thanh vang lên giòn giã, đều đặn.
Tất cả những người đứng xem giật mình, ngạc nhiên, cuối cùng vỗ tay thán phục tài năng và trí thông minh của nhạc sĩ tí hon.
Thần đồng âm nhạc
Một buổi sáng mùa thu năm 1758, bà Anna Maria - mẹ của Mozart ở nhà cùng cậu con trai, ông Leopold đã đi làm, còn con gái Anna thì đi học. Như lệ thường, bà ngồi vào đàn clavơxanh (đàn piano cổ) và bắt đầu chơi những bản nhạc mà hàng ngày Anna vẫn luyện tập. Trước đó, bà cẩn thận đặt Mozart ngồi trên chiếc ghế, phía bên phải cây đàn, để vừa đánh đàn vừa dễ dàng quay sang nói chuyện và trông cậu bé.
Trong khi mẹ chơi đàn, Mozart rất chăm chú nghe và quan sát những ngón tay đang di chuyển của bà mẹ, có vẻ như những bản nhạc đã thu hút được sự chú ý của cậu. Không lâu, sau khi đã chơi một số bản nhạc ngắn, bà Maria đứng lên, đi vào bếp để lấy một cốc nước. Trước khi đi, bà đẩy chiếc ghế mà Mozart đang ngồi sát lại cây đàn, cho cậu bé bám vào thành đàn đề phòng cậu có thể bị ngã.
Khi đang rót nước vào cốc, bà Maria chợt nghe thấy bản nhạc vừa chơi vang lên từ phòng khách, thầm ngạc nhiên nghĩ rằng cô con gái hôm nay lại đi học về sớm, bà hỏi vọng ra ngoài phòng khách: “Sao về học sớm vậy, Anna?”. Không có tiếng trả lời, bà liền nghiêng người nhìn ra phía ngoài. Bỗng nhiên bà sững người, suýt đánh rơi cả chiếc cốc trên tay, khi nhìn thấy cậu con trai bé nhỏ của mình đang mải miết đánh lại bản nhạc mà lúc trước bà đã tập. Tuy mức độ thuần thục và tốc độ của bản nhạc chưa thật chính xác, nhưng đó chính là bản nhạc mà bà vừa chơi. Không tin được ở mắt mình, sau giây lát định thần, bà Maria tiến gần lại cây đàn, nơi cậu bé vẫn đang say sưa chơi nhạc, bà hỏi:
- Con trai của mẹ, tại sao con đánh được bài này? Chị Anna đã dạy con từ khi nào vậy?
- Không, chị đã dạy con đâu, vừa nghe mẹ chơi đàn, con chỉ đánh lại thôi. Bà mẹ càng ngạc nhiên:
- Con nói gì? Vừa nghe mẹ chơi mà con đã đánh được như vậy sao? Không thể tin nổi? Thấy cậu con trai tỏ vẻ chú ý và rất thích thú với cây đàn, bà Maria hỏi:
- Nếu con muốn tiếp tục được đánh đàn, hãy nghe mẹ chơi đoạn nhạc ngắn này, rồi con thử đánh lại xem.
Tay trái giữ vai Mozart, còn tay phải bà chạy trên những phím đàn một giai điệu ngắn. Ngay khi giai điệu vừa kết thúc, bàn tay bé xíu của cậu bé đặt lên phím đàn, không hề có chút ngập ngừng, cậu đánh lại giai điệu vừa xuất hiện. Cậu chơi chính xác cứ như đã từng tập nó nhiều lần. Bà Maria lại chuyển sang một giai điệu khác, lần này đó là một câu nhạc do bà tự nghĩ ra, Mozart cũng đánh lại chính xác. Rồi những câu tiếp theo, mỗi lúc càng trở nên dài hơn, khó nhớ hơn, cậu bé cũng đánh lại được gần như là hoàn hảo. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, càng thử, bà Maria càng thấy được khả năng đặc biệt của con trai mình.
Đến trưa, khi ông Leopold về nhà, việc đầu tiên, bà Maria gọi ông đến bên cây đàn để cho ông chứng kiến khả năng đặc biệt của cậu con trai. Bây giờ đến lượt ông bố ngỡ ngàng khi thấy con trai mình, mọi ngày chỉ bình thường như những cậu bé khác, bỗng nhiên có những biểu hiện đặc biệt của một thiên tài âm nhạc. Sau khi kiểm tra kỹ năng khiếu của con trai bằng những đoạn nhạc khá hóc búa, ông tự hào nói với vợ: “Đó là một tài năng đặc biệt, rồi em xem, mai đây, mọi người sẽ nhắc đến thằng bé nhà mình nhiều đấy”.
Điều đó đã sớm xảy ra, chỉ ít lâu sau, dưới sự hướng dẫn của ông Leopold, hai đứa con của ông đã cùng nhau luyện tập đồng thời hai loại nhạc cụ là violon và clavơxanh, chúng có thể biểu diễn độc tấu cũng như hòa tấu một cách khá thuần thục. Trong khi người khác phải mất nhiều năm mới có thể học để hoàn thiện kỹ thuật chơi một trong hai nhạc cụ này, thì chỉ trong hai năm, những đứa con ông đã nắm được kỹ thuật trình diễn thành thạo, đặc biệt là Mozart. Cậu vừa có kỹ thuật tốt, có nhạc cảm và tỏ ra có tâm lý vững vàng trong khi biểu diễn. Chính vì thế Mozart thường được ông Leopold giới thiệu trong các cuộc trình diễn âm nhạc ở Salzburg, sau đó là thành phố Vienna - thủ đô nước Áo, khắp các thành phố lớn của châu Âu.
Năm 3 tuổi Mozart đã tự lập những hợp âm trên đàn, ứng tác, đàn lại bằng trí nhớ những đoạn nhạc, giai điệu được nghe. 4 tuổi đã chơi clavơ xanh (một loại đàn tiền thân của đàn piano) thành thạo.
Có lần cha của Mozart và người bạn ông Sacne, về nhà thấy Mozart đang ngồi ở bàn hí hoáy viết vào giấy chép nhạc. Mỗi lần Mozart chấm mực, không chỉ có bút chấm mà cả ngón tay cũng chấm mực luôn! Khi người cha hỏi đang làm gì, Mozart trả lời đang viết côngxectô cho đàn clavơxanh. Người cha cầm tờ giấy nhạc lên xem, thấy những nốt nhạc và cả những vết mực dây vào. Thoạt đầu ông và ông Sacne cho là trò trẻ con, nhưng sau đó hai người vô cùng mừng rỡ khi nhận thấy những câu nhạc viết đúng quy cách và có dụng ý. Như vậy mới lên bốn, Mozart đã sáng tác được một bản côngxectô.
Lên 6 tuổi, Mozart cùng bố và chị gái lớn hơn Mozart đi lưu diễn tại nhiều thành phố lớn. Mozart còn chơi violon, đàn ocgan. Kỳ diệu hơn, không những sáng tác được giai điệu và phần đệm, Mozart còn rất giỏi ứng tác, tức là trong số khán giả, một người nào đó đưa ra một giai điệu bất kỳ, cậu sẽ sáng tác ngay tại chỗ trên đàn một bản nhạc hoàn chỉnh, liền mạch, không hề phải sửa sang chút nào. Đó là phương pháp biến tấu tại chỗ một giai điệu có sẵn, biển đổi giai điệu đã cho nhưng qua những lần thay đổi, vẫn tồn tại hình dạng và cấu trúc.
Mozart có một trí nhớ phi thường. Một lần khi đến biểu diễn ở Rôma, được biết tại Nhà nguyện Sixtine trong tòa thánh người ta hát một bài hợp xướng 8 bè rất hay, nhưng không cho phép ai ghi chép bản nhạc để không phổ biến sang nơi khác, Mozart đã đến nghe chỉ một lần, về nhà ghi lại theo trí nhớ không sai một nốt nhạc nào.
Còn có giai thoại kể, một lần, ông Leopold gọi Mozart đến đưa cho cậu một bản nhạc. Ông muốn con trai mang bản nhạc tới nhà ông chủ rạp hát, đó là món quà của Leopold tặng con gái ông chủ rạp hát nhân dịp sinh nhật cô bé.
Mozart hiếm khi được ra khỏi nhà một mình, cảnh vật trên đường đều rất mới lạ với cậu bé. Trên đường tới nhà ông chủ rạp hát phải qua dòng kênh nhỏ, Mozart dừng lại trên thành cầu, ngắm nhìn không chán mắt cảnh những chiếc thuyền trôi dưới dòng kênh. Bỗng cơn gió mạnh thổi tới, bản nhạc rời khỏi tay Mozart và bay nhanh xuống dòng kênh.
Mozart buồn bã quay về nhà, cậu chưa biết sẽ nói gì với cha về chuyện vừa xảy ra. Ông Leopold đi làm chưa về. Mozart ngồi vào đàn và chơi những khúc nhạc ngắn, trong đầu cậu chợt lóe lên một suy nghĩ. Mozart liền sáng tác một bản nhạc và mang nó đến nhà ông chủ rạp hát, thay cho bản nhạc đã rơi xuống nước.
Hôm sau, Leopold tới chơi nhà ông chủ rạp hát. Trước khách mời, ông chủ rạp hát tươi cười nói với Leopold:
- Bản nhạc của bác hay tuyệt. Bác có muốn nghe lại không?
Leopold nhã nhặn cảm ơn. Con gái ông chủ rạp đàn những nốt nhạc đầu tiên. Leopold thoáng giật mình vì thấy đó không phải là khúc nhạc của mình. Ông tiến lại gần cây đàn và nhìn vào bản nhạc. Quả đúng như vậy, đó không phải là bản nhạc của ông sáng tác, ông nhận ra những nốt nhạc được viết bởi cậu con trai mình.
Bản nhạc kết thúc, những tiếng vỗ tay vang lên. Ông chủ rạp hồ hởi nói:
- Đó là một khúc nhạc thật trong sáng và đáng yêu. Tôi và con gái rất hài lòng khi nhận được món quà này của bác.
Về tới nhà, Leopold gọi Mozart tới và hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Cậu bé kể lại câu chuyện về bản nhạc rơi xuống dòng nước. Leopold không mắng cậu, ông chỉ xoa đầu con trai và nói:
- Con đã viết được khúc nhạc thật hay, cha tự hào vì điều đó. Cha tin sau này con sẽ trở thành một nhạc sĩ lớn.
Lời tiên đoán của ông Leopold đã sớm trở thành sự thật. Ít năm sau, Mozart đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng khắp châu Âu và thế giới.
Câu chuyện trên xảy ra khi Mozart mới 6 tuổi.
Năm 11 tuổi, Mozart đã sáng tác vở Opera “Apollo và Hiacinthus”. Hai năm sau, chỉ trong hai tháng, Mozart đã hoàn thành vở Opera hài hước “Cô gái giả ngây thơ”, tiếp đó là Opera theo phong cách dân gian “Bastien và Bastienne”.
Mozart và công chúa Toni
Vào thời kỳ đó, thành Vienna là nơi tập trung của những nhạc sĩ giỏi nhất thế giới, họ tìm đến đây để học tập, sáng tác âm nhạc và muốn khẳng định khả năng, danh tiếng của mình. Vì thế Vienna được coi là thủ đô của nền âm nhạc châu Âu, ở đây người dân rất yêu âm nhạc, thành phố có nhiều nhà hát, nhiều dàn nhạc xuất sắc và các nhạc sĩ tài ba. Tuy nhiên nhờ tiếng tăm nổi như cồn của thần đồng âm nhạc Salzburg, khi mới sáu tuổi, Mozart đã cùng với chị gái được biểu diễn âm nhạc trong hoàng cung của nước Áo. Buổi diễn này có mặt rất đông cận thần, đại sứ các nước, có hoàng tử và công chúa tham dự và đặc biệt là sự có mặt nữ hoàng của nước Áo thời bấy giờ là Maria Tereza.
Phần đầu của buổi hòa nhạc do hai chị em cùng chơi, hòa tấu bốn tay trên cây đàn clavơxanh, trình độ biểu diễn của hai chị em đã đạt tới trình độ xuất sắc và nhận được sự tán thưởng rất nhiệt tình của giới thượng lưu có mặt trong buổi biểu diễn. Điều này không hề đơn giản, vì những người ở đó đều có sự am hiểu về âm nhạc.
Phần tiếp theo, Mozart biểu diễn một mình những khúc nhạc tùy hứng mà cậu ưa thích. Những âm thanh vang lên, một làn âm thanh hòa quyện nhau như một dòng suối ùa ra tưởng chừng như bất tận, cung điện như tràn ngập ánh sáng, tràn ngập hương thơm và màu sắc của vô vàn loài hoa trên thế gian.
Khi tiếng đàn cuối cùng của Mozart vừa tắt, nữ hoàng Tereza giơ cao hai bàn tay lên, cả cung điện như thừa lệnh của nữ hoàng, cùng rền lên những đợt vỗ tay không dứt, những lời ngợi khen vang lên, nối tiếp nhau không dừng. Một nhạc sĩ già, vóc người nhỏ nhắn, ăn mặc trang trọng, bước đến gần cậu, đặt tay lên vai, nhìn thật lâu vào đôi mắt đang tập trung và gương mặt hơi tái đi vì cảm xúc của cậu. Ông khẽ kêu lên:
- Không thể ngờ được! Thật là siêu phàm!
Nữ hoàng quay lại phía ông, nói gần như đáp lại lời ông:
- Đúng thế, ông Haydn! Đây thật sự là một hiện tượng siêu phàm!
Người đàn ông đứng đó, chính là nhạc sĩ Haydn nổi tiếng và vĩ đại của thành Vienna. Ông cúi đầu, nói với Mozart bằng một giọng trầm, như nói với một người bạn tâm tình:
- Ta ngày xưa cũng đã sáng tác âm nhạc từ năm lên sáu đấy, cháu ạ. Nhưng khổ cực lắm! Ta là đứa trẻ mồ côi, cháu hiểu không, tức là không còn cha mẹ! Cháu giỏi lắm, nhất định cháu còn có khả năng tiến rất xa.
Đúng lúc đó, hoàng tử Giozep, là con trai cả của nữ hoàng Tereza, một người cũng có nhiều năm học tập âm nhạc, tiến lại trao cho Mozart một cây violon và nói giọng thách thức:
- Cậu bé quê mùa, còn đủ sức chơi thêm một bản nữa không?
Mozart nhìn thẳng vào mắt Giozep rồi đỡ lấy cây đàn. Sau khi biểu diễn nhiều, cậu đã rất mệt. Lướt nhìn quanh như muốn tìm một hình ảnh nào đó quen thuộc, ánh mắt cậu dừng lại trước công chúa út đang ngồi ngoan ngoãn trên chiếc đệm gần nữ hoàng. Cô bé mặc áo sa tanh màu hồng, thêu rất đẹp. Cô có đôi mắt đầy thiện cảm, đang mở to nhìn Mozart, trông cô giống như Luiza, người bạn thân thiết nhất của Mozart đang sống ở Salzbuzg. Cảm giác đó khiến Mozart vui hẳn lên, cậu nhắm mắt lại, nghiêng người, đưa chiếc ác-sê lướt trên dây đàn, một dòng âm thanh óng mượt, trong vắt như từ trên trời buông xuống, trong giây lát, căn phòng bỗng trở nên lặng như tờ. Mozart đã ứng tác một bản nhạc thật hay, thật bất ngờ mà không hề chuẩn bị trước. Khi tiếng nhạc dứt, cậu phải nghiêng mình đáp lễ đến bốn năm lần mà tiếng hoan hô vẫn còn vang lên. Quay người lại phía nữ hoàng định chào lần cuối, bỗng nhiên, Mozart thấy choáng váng, mọi vật chao đảo, cậu bước thêm một bước và ngã nhào xuống tấm thảm trên sàn.
Viên quan hầu đứng ở gần cửa kêu lên, vội bước tới, nhưng công chúa út đã nhanh hơn, cô vụt nhảy khỏi chỗ ngồi, chạy lại đỡ Mozart dậy. Mozart ngẩng đầu lên và nhìn thấy ánh mắt đầy ân cần, trìu mến đang nhìn mình tha thiết.
- Luiza! - Mozart buột miệng kêu lên.
- Không phải! Tôi là Toni! Mà thôi, cậu đừng xấu hổ nhé! Cái sàn này trơn lắm. Mọi ngày chơi ở đây, tôi vẫn bị ngã luôn đấy!
Những lời an ủi giản dị, thân tình ấy làm Mozart muốn khóc vì cảm động. Cậu lập cập đứng thẳng dậy, không biết nói gì, nước mắt cứ muốn trào ra. Công chúa nắm tay Mozart dắt cậu lại gần chiếc ghế của Tereza. Nữ hoàng hỏi:
- Con có đau không?
Mozart nhìn công chúa Toni với ánh mắt biết ơn, đáp:
- Con không sao ạ! Công chúa thật tốt bụng! Khi lớn lên, nữ hoàng cho cô ấy kết bạn với con được không ạ? Con thích sẽ được chơi thân với cô ấy!
Toni nói ngay:
- Sao lại không? Thưa mẫu hậu, con cũng thích được chơi với cậu nhạc sĩ này. Mẫu hậu đồng ý chứ?
Nữ hoàng Tereza trong lúc tâm trạng đang phấn chấn liền cười và nói vui:
- Để sau này ta nhận nó vào cung dạy nhạc cho con nhé! Sẽ tha hồ mà kết thân với nhau!
Tức thì, công chúa Toni vòng tay ôm hôn mẹ, trông cô bé có vẻ rất sung sướng, còn Mozart thì đứng ngây người không biết sao.
Thật đáng tiếc, tình bạn ấy chẳng bao giờ diễn ra, Mozart không thể hình dung nổi, công chúa Toni xinh đẹp và tốt bụng ngày ấy, sau này lại trở thành một hoàng hậu đầy quyền lực và tham vọng của nước Pháp.
Mozart và vua nước Áo
Những ngày tháng 2 năm 1790 ở Vienna rất lạnh giá. Gió rét căm căm. Buổi tối, một làn sương mỏng bao trùm lên thành phố, càng tăng thêm vẻ u ám. Một cỗ xe ngựa mang biểu trưng hoàng gia nước Áo dừng lại trước cửa nhà Mozart, trong xe không thắp đèn, hai vị quan hầu của hoàng cung vội vã bước xuống, chạy vào phòng Mozart, gõ cửa. Mozart đang ngồi sáng tác bên cây đàn dương cầm, một ngọn nến lớn tỏa sáng trước mặt.
- Thưa nhạc sư - Viên quan hầu nói - Thánh thượng mệt nặng, người sai chúng tôi đến triệu ngài, xin hãy đi ngay cùng chúng tôi.
Mozart ngạc nhiên đứng dậy, vội vàng mặc áo khoác rồi bước ra xe. Anh được đưa tới Lschonnbrun, lâu đài của hoàng gia nước Áo.
Đêm lạnh lẽo mù mịt. Lối sỏi quen thuộc như đưa anh trở về quá khứ của mình. Lòng buồn vui lẫn lộn, xen cả chút mệt mỏi, lo âu. Giozep cần gì đến anh, một nhạc sĩ nghèo nàn, quẫn bách, trong đêm giá rét buồn bã này?
Mozart được đưa tới một căn phòng lớn, thắp những ngọn nến to. Một chiếc giường rộng trải đệm màu trắng, trên đó là một người đàn ông gầy guộc, khuôn mặt lúc thì đỏ vì sốt cao, lúc lại tái vì những cơn đau. Mấy vị ngự y chăm sóc sức khỏe cho nhà vua, đang ngồi trên những chiếc ghế nhỏ ở một góc, thì thầm trao đổi gì với nhau. Thấy Mozart bước vào, họ đứng dậy chào. Một người đến bên hoàng đế, thông báo, Mozart được lệnh cho tiến lại gần.
Hướng về phía Mozart, vua Giozep nói thều thào:
- Ta muốn anh đánh cho ta nghe những bản nhạc của anh, bản nhạc nào thật ấm áp, yêu đời vì lúc này, ta đang phải đơn độc chiến đấu với thần chết!
Mozart cúi thấp người, tỏ ý tuân lệnh, những người hầu cận đẩy chiếc đàn piano vào phòng. Ngồi xuống ghế, anh đặt tay lên phím đàn, nhớ lại khúc nhạc tuổi thơ ấu mình hay dạo. Ngẩng mặt lên, anh thấy những bức chân dung rất lớn treo trên tường. Có cả chân dung nữ hoàng Tereza và công chúa út Toni thời con gái. Anh bỗng quên đi không khí bệnh tật xung quanh, vẻ mặt khắc khổ của nhà vua, quên đi những ánh nến lung linh như ma quái trên tường, quên đi cả bao điều cay cực, bất công mà đời anh đã phải gánh chịu. Anh chìm vào khúc nhạc tuyệt vời của mình.
Âm thanh tràn khắp phòng như những tia lửa rực sáng, ấm áp. Khúc nhạc tươi rói, mạnh mẽ, tuôn trào từ trong tâm hồn, lướt trên những ngón tay, chứa đầy sức sống tuổi thanh xuân. Mozart như đang nhìn thấy mùa xuân đã xa rồi ở Vienna, hoa táo và hoa mận nở trắng trong các khu vườn xanh mát, màu nắng mai trên những ngọn tùng cao óng ánh, như những ngọn tháp nhọn dát đầy vàng. Anh nhớ lại tuổi thơ của mình, một thần đồng âm nhạc, khi ấy Giozep đang còn là một thái tử đầy hiếu thắng, đã thách thức đưa cho anh cây đàn violon để thử tài. Anh đã thắng cuộc, nhưng rồi chóng mặt ngã nhào xuống thảm, và cô bé Toni dịu dàng hồi ấy chưa là hoàng hậu nước Pháp, đã chạy đến nâng anh dậy. Trí tưởng tượng và âm nhạc đưa anh đi mãi. Mozart thấy lại mẹ mình, vẻ mặt hiền hậu, thường thích ủ tay cho con bằng những củ khoai tây nướng, trước khi anh dạo đàn. Anh thấy lại chị Anna hồi đó xinh đẹp, thông minh, tài năng! Và cha anh, ngày ấy đang tràn đầy nghị lực, vui vẻ tự tin, dắt tay anh, đưa anh đi tới những ngả đường rộng mở trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Mozart chợt choàng tỉnh khi nghe tiếng thở mạnh của vua Giozep. Anh quay sang và nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn trên khuôn mặt gầy guộc của đức vua.
- Hãy dừng lại, Mozart, ta xin cảm ơn anh. Nhà vua nói chậm rãi, nhưng rõ ràng, ngừng một lát, ông nói tiếp: - Anh là người đã biết sống xứng đáng, vì cái đẹp của cuộc đời! Còn ta, ta chỉ biết sống vì trật tự của nó! Ta đã làm hết sức, nhưng tới phút này, trước khi nằm xuống, ta cũng chưa rõ đã đạt tới mục đích hay chưa? Ta có tất cả, quyền lực, triều đình, quân đội, đất đai. Còn anh, anh có trái tim và đôi tay như bao người khác. Nhưng biết đâu, những thế kỷ sau, dân tộc Áo sẽ đánh giá anh hơn cả ta! Ta chưa bao giờ có cảm giác nhỏ bé trước quyền lực, nhưng có những giây phút, ta thấy mình thật nhỏ bé trước cái đẹp vĩnh cửu của cuộc đời.
Mozart giữ yên đôi tay trên phím đàn, xung quanh là một sự im lặng thiêng liêng. Anh hiểu là nhà vua đang thốt ra những lời tự thú của một người đang hấp hối, không còn là lời nói của một ông vua, với kẻ thần dân nghèo hèn. Trong thâm tâm anh vẫn kính trọng Giozep, đó là một ông vua có ý chí, có hiểu biết và khao khát làm được những công việc vĩ đại. Ông muốn trở thành minh quân, nhưng có lẽ đã không đạt được. Hơn bao giờ hết, anh cảm thấy một nỗi buồn sâu sắc, thậm chí còn thương hại ông, mặc dù đối với anh, đó là con người đang có địa vị cao sang tột đỉnh.
Vua Giozep qua đời ngày 20 tháng 2 năm 1790. Những lời nói của Giozep ngày ấy, đến nay đã trở thành sự thật, lịch sử đánh giá rất cao vai trò của Mozart. Mozart là con người của cả nhân loại, trong khi Giozep chỉ là một ông vua của nước Áo.
Người mặc bộ quần áo đen và bản nhạc Cầu hồn
Vào một đêm tháng 5, năm 1791, có một cơn mưa giông dữ dội đổ xuống thành Vienne. Ngôi nhà của Mozart chìm trong im lặng khi mọi người đều đã đi ngủ, anh bước xuống phòng khách để tắt ngọn nến cuối cùng. Chợt nghe thấy tiếng gõ cửa khá mạnh, Mozart ngạc nhiên không hiểu trong đêm mưa to, gió lớn lại rất khuya thế này, người nào có việc gì mà tìm đến anh. Dừng ở giữa phòng, nghe tiếng gõ cửa vẫn vang lên, Mozart do dự bước đến gần cánh cửa, tay cầm ngọn nến, anh cất tiếng:
- Ai thế?
Lẫn trong tiếng mưa rơi, Mozart vẫn nghe rõ tiếng người rành rọt:
- Xin hãy mở cửa? Tôi muốn gặp ngài Mozart.
- Tôi đây, nhưng xin ông đi cho, đã khuya lắm rồi. Nếu có việc gì, ngày mai mời ông quay lại.
- Thưa ngài, việc của tôi rất gấp, chỉ xin gặp ngài ít phút thôi, tôi hứa sẽ không dám làm phiền ngài lâu.
Mozart rất do dự, nhưng nghe lời nói khẩn thiết của người lạ, anh kéo then cài, hé cánh cửa, nhìn ra bên ngoài. Đúng lúc ấy, một ánh chớp lóe lên, làm Mozart nhìn rõ hình dáng người lạ mặt, khiến anh rùng mình lùi lại. Đó là một người cao lớn, ông ta đội chiếc mũ che mưa rộng vành, mặc trang phục toàn bộ bằng vải màu đen. Ghê gớm hơn, khi có ánh sáng của ngọn nến và ánh chớp lóe sáng, ông ta che mặt bằng chiếc khăn đen, dáng vẻ thật lạ lùng, đặc biệt. Định khép cửa lại, nhưng không kịp, người lạ mặt đã giơ tay giữ lấy cánh cửa, giọng nói của ông ta trầm xuống:
- Thưa ngài, xin đừng sợ, tôi có lí do để mang trang phục như thế này. Nhưng đảm bảo với ngài, tôi sẽ không làm điều gì khiến ngài phải phật ý. Hãy để tôi vào phòng, xin ngài hãy nghe tôi nói.
Nghe những lời này, Mozart đã bình tâm lại đôi chút, khép cánh cửa lại. Mozart quay vào phòng và đối mặt với con người lạ lùng ấy.
- Tôi xin được trao đổi với ngài câu chuyện của tôi trong phòng riêng được không? Tôi muốn được giữ kín chuyện này.
- Tôi không có phòng riêng, vả lại mọi người trong nhà đã ngủ hết rồi, có chuyện gì, xin ông nói ngay cho. Ngập ngừng rồi Mozart hỏi - Ông có muốn ngồi không?
Người lạ mặt quay người nhìn xung quanh, những giọt nước mưa từ chiếc mũ rộng vành của ông ta bắn ra thành một vòng. Tiến lại gần hơn một bước, ông ta nói khẽ:
- Tôi xin được vào ngay câu chuyện: Để giữ bí mật cho việc này, xin ngài đừng để ý đến cách ăn mặc của tôi. Thưa nhạc sĩ, tôi cũng làm nghề sáng tác âm nhạc, tôi làm việc cho một nhà thờ ở cách xa vùng này. Tôi có một gia tài lớn, nhưng tôi lại mắc phải một căn bệnh nguy hiểm, căn bệnh đã đến giai đoạn cuối, bác sĩ nói, có thể tôi chỉ sống được ít ngày nữa. Vậy là tôi sẽ chết mà không để lại dấu ấn gì cho cuộc đời, những bản nhạc tôi viết, chưa bao giờ gây được tiếng vang nào cả. Xin hãy nhận lời cho tôi việc này. Hãy viết một bản nhạc và bán nó cho tôi, tôi biết ngài đang rất khó khăn, nhưng với số tiền của tôi, ngài sẽ vượt qua được những khó khăn đó.
- Tại sao ông lại chọn tôi? Ông cần bản nhạc như thế nào?
- Bởi vì ngài đang là nhạc sĩ giỏi nhất? Tôi cần một “Khúc cầu hồn” (Requiem). Hãy viết một bản cầu hồn thật đặc biệt, có 12 chương. Làm nhanh cho tôi, đừng để bất kỳ ai biết và ngài sẽ nhận được những gì xứng đáng.
Trên bàn tay đi găng tay màu đen của người đàn ông kia, từ lúc nào đã xuất hiện một túi tiền, bước thêm vài bước, ông ta đặt nó lên bàn. Sau đó ông ta đi ra cửa, quay lại, nói bằng giọng nhẹ nhàng, nhưng rất rõ:
- Xin hãy giữ kín cho. Một bản cầu hồn có 12 chương. Rồi ông ta kéo cửa và bước vào màn đêm.
Gió lạnh thổi ùa vào, Mozart vội bước lại, đóng cánh cửa, anh nhìn ra ngoài, thấy cỗ xe ngựa đang lăn bánh rất nhanh giữa trời mưa.
Mozart quay vào và ngồi xuống ghế, im lặng hồi lâu, anh bỗng cảm thấy mệt mỏi rã rời, mọi việc diễn ra như một giấc mơ, Mozart thầm nghĩ. Nhưng nhìn thấy túi tiền nằm nghiêng trên bàn, anh thở dài, vì hiểu rằng đó không phải là giấc mơ mà là sự thật.
Với khoản tiền 50 đuy-ca đó, gia đình Mozart đã có điều kiện trang trải, mua sắm những vật dụng cần thiết. Nhưng kể từ hôm đó, hình ảnh về con người lạ mặt và yêu cầu lạ lùng của ông ta cứ ám ảnh Mozart mãi. Vội vàng hoàn thành xong những bản nhạc khác đang viết dở, Mozart suy nghĩ và bắt đầu viết khúc nhạc cầu hồn, với cảm giác như mình đang mắc vào một món nợ rất lớn. Hình ảnh người đàn ông lạ mặt thường xuyên xuất hiện trong tâm trí của Mozart và anh liên tưởng đến ông ta giống như thần chết đang đến đòi nợ mình. Rồi có những khi anh tự hỏi, mình đang viết khúc cầu hồn này cho ai, cho con người lạ lùng đó hay để cầu hồn cho chính mình. Sức khỏe của anh trước đã rất yếu, lại càng suy sụp đi từ đó.
Người lạ mặt còn quay lại thêm hai lần nữa, vẫn vào những lúc đêm rất khuya, và vẫn với bộ trang phục kỳ quái của mình. Ông ta tỏ vẻ hài lòng với những ý tưởng và những khúc nhạc Mozart đã viết xong, nhưng vẫn hối thúc anh phải làm nhanh hơn nữa. Mozart nhận được số tiền lớn hơn so với lần trước, và nhờ thế, vợ anh là Constanze có điều kiện đi chữa bệnh.
Những ngày cuối đời, Mozart đã làm việc với mức độ phi thường, anh dồn sức vào việc hoàn thành bản cầu hồn, anh muốn đó sẽ là một bản nhạc vĩ đại. Tuy mang tính chất cầu hồn, nhưng bản nhạc phải toát lên tấm lòng yêu cuộc sống, yêu con người tha thiết, bản nhạc mà Mozart có dự cảm là đang dành cho chính bản thân mình. Đêm 19 tháng 11 năm 1791, khi Mozart mới chỉ viết hết chương thứ tám trong bản cầu hồn, một cơn sốt nặng ập đến, tay và chân anh cứng lại, cử động rất khó khăn, nhưng trí tuệ vẫn còn rất minh mẫn. Ý nghĩ đau khổ và bất lực vì phải bỏ lại trên đời một gia đình nghèo túng, bơ vơ, làm Mozart day dứt không nguôi.
Ngày 3 tháng 12, biết mình đã đi đến chặng cuối của cuộc đời, nằm trên giường bệnh trong nhà, Mozart cho gọi Duyxmay là người học trò thông minh và đáng tin cậy nhất đến. Đưa Duyxmay tập bản thảo khúc cầu hồn, anh đã kể lại cho người học trò nghe toàn bộ câu chuyện về sự ra đời của bản nhạc này. Mozart nhờ Duyxmay viết nốt bốn chương còn lại để hoàn tất bản nhạc, anh hướng dẫn Duyxmay viết theo phác thảo và ý đồ của mình và dặn, nếu người lạ mặt đó tìm đến, hãy đưa trả bản nhạc và không nhận thêm tiền của ông ta nữa.
Mozart qua đời vào ngày 5 tháng 12 năm 1791. Nhớ lời thầy dặn, sau đó Duyxmay đã viết tiếp bốn chương còn lại của bản nhạc này một cách khá xuất sắc. Giữ bản nhạc này một thời gian, Duyxmay dặn vợ Mozart rằng, nếu thấy người đàn ông nào đến đòi bản cầu hồn, hãy chỉ ông ta tới gặp Duyxmay. Chờ đợi mãi, nhưng con người bí ẩn đó đã không xuất hiện, có thể ông ta sợ câu chuyện bị vỡ lở, hoặc có thể ông ta đã chết trước Mozart. Cuối cùng, Duyxmay đưa trả bản nhạc cho vợ Mozart là Constanze, và kể lại tất cả. Về sau, bản nhạc được gửi tới nhà in và vẫn giữ tên tác giả là Mozart. Câu chuyện từ đó lan rộng ra và người ta thường đặt câu hỏi. Trong cuộc đời mình, Mozart đã bán bản nhạc nào chưa, hay Khúc cầu hồn là bản duy nhất Mozart định bán và chưa thực hiện được. Dù sao, bản Khúc cầu hồn vẫn là sáng tác cuối cùng của nhạc sĩ vĩ đại, và nó xứng đáng là một kiệt tác trong nền âm nhạc thế giới.
Đoạn kết cuộc đời của một con người vĩ đại
Ngay từ khi còn sống, cuộc đời của Mozart có nhiều chi tiết đặc biệt. Vì thế, theo dòng thời gian, cuộc đời ông được tô điểm bằng nhiều câu chuyện mang nét huyền thoại, không rõ hư hay thực, đáng chú ý là những giây phút cuối trước khi ông vĩnh viễn ra đi.
Wolfgang Mozart qua đời tại Vienna ngày 5 ngày 12 năm 1791, khi mới 35 tuổi. Hồ sơ khi ấy chỉ thấy ghi một kết luận hết sức chung chung là ông chết vì bị sốt cao. Việc mổ tử thi đã không được thực hiện. Trước khi mất khoảng 15 ngày đã có những dấu hiệu bệnh tật xuất hiện như sốt cao, nổi ban, phù chi, đau nhức toàn thân và rối loạn tâm lý.
Theo sử sách thời ấy, Mozart được mai táng trong một ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang St.Mark ở ngoại thành Vienna. Bảy năm sau, theo chủ trương của chính quyền, tất cả đều được cải táng. Vì là mộ tập thể, không thể xác định hài cốt nào của Mozart, từ đó, hài cốt Mozart được phân tán đi đâu không ai rõ và cho đến giờ vẫn chưa một mảnh hài cốt nào được xác định chính xác là hài cốt của Mozart.