F
ranz Peter Schubert là nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo. Franz Peter Schubert sinh ngày 31 tháng 1 năm 1797 tại Vienna, nước Áo. Cha ông, Franz Theodor Schubert, là thầy giáo nổi tiếng trong giáo khu, mẹ ông là người hầu trong một gia đình giàu có. Cha của Schubert cũng là một nhạc sĩ, tuy không nổi danh nhưng là người thầy đầu tiên truyền dạy cho Schubert những hiểu biết về âm nhạc.
Năng khiếu âm nhạc của Schubert đã bộc lộ từ rất sớm qua những bài học âm nhạc. Sinh trưởng trong một gia đình rất yêu nghệ thuật âm nhạc, cậu bé Schubert được gia đình cho học piano, violon, organ và hát. Schubert bắt đầu được cha dạy nhạc khi lên 5 tuổi. Một năm sau ông theo học trường Himmelpfortgrund và bắt đầu chính thức theo học âm nhạc. Năm 7 tuổi ông học với Michael Holzer, nhạc công organ và trưởng dàn đồng ca của nhà thờ địa phương.
Từ lúc còn là một thiếu niên, Schubert đã sáng tác nhiều thể loại: hòa tấu, độc tấu, thánh ca, tứ tấu cho đàn dây, nhạc kịch, opera, và nhiều bài thơ nổi tiếng. Bài hát đầu tiên được viết năm Schubert 14 tuổi.
16 tuổi, ông sáng tác 5 bản hòa tấu, 4 bài thánh ca, nhiều khúc tứ tấu cho đàn dây, vài vở nhạc kịch và vở opera đầu tiên. 17 tuổi, hoàn thành tác phẩm thanh nhạc Erlkonig bi tráng đầy sức lôi cuốn. Chỉ riêng năm 1815, năm 18 tuổi, Schubert đã viết nên 144 bài hát và 8 bài thơ trữ tình.
Dù Schubert có khá nhiều người bạn ngưỡng mộ các nhạc phẩm của ông nhưng âm nhạc của Schubert thời đó không được thừa nhận rộng rãi. Schubert chưa bao giờ có được một công việc ổn định và thường xuyên phải nhờ đến sự ủng hộ của bạn bè và gia đình.
Thời kỳ này, trường phái cổ điển Vienna đã khép lại với những tên tuổi lừng lẫy như Haydn, Mozart, Beethoven để mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn âm nhạc Lãng mạn. Những nhà soạn nhạc thời kì Lãng mạn thường lấy cảm hứng từ văn học, hội họa hay từ những nguồn ngoài thế giới âm nhạc. Vì vậy, âm nhạc phát triển rất mạnh mẽ và dẫn đến sự ra đời của thể loại thơ giao hưởng. Sự huy hoàng của âm nhạc lãng mạn lan tỏa suốt thế kỷ XIX với rất nhiều nhà soạn nhạc ưu tú như Mendelssohn, Schumann, Chopin, Liszt hay Tchaikovsky nhưng trong đó người khai phá và có công lớn nhất chính là Franz Schubert.
Schubert sáng tác đủ các thể loại âm nhạc: giao hưởng, sonat, nhạc thính phòng, bài hát. Schubert là người đầu tiên đưa bài hát đến tầm khái quát cao, đồng thời giữ được vẻ tự nhiên ban đầu của nó. Schubert trở nên bất tử qua 600 bài hát mà ông sáng tác (nên giao hưởng và opera của ông bị khuất lấp, bị rơi vào lãng quên lúc sinh thời).
Trong lịch sử âm nhạc thế giới, Schubert được coi là người mở đầu của trường phái âm nhạc lãng mạn. Các sáng tác âm nhạc của ông rất phong phú về phương diện loại hình âm nhạc, từ các tiểu phẩm cho piano các ca khúc trữ tình đến các tác phẩm âm nhạc thính phòng, giao hưởng.
Năm 1808 Schubert vào trường Stadtkonvikt với suất học bổng trong dàn đồng ca. Tại đây ông bắt đầu làm quen với các bản overture và giao hưởng của Mozart. Cùng thời gian đó ông còn thỉnh thoảng đến xem các vở opera, làm quen với các tác phẩm của các nhạc sĩ khác. Tất cả những điều này tạo nên nền tảng âm nhạc vững chắc trong ông. Tại trường Stadtkonvikt ông cũng tạo dựng các mối quan hệ mà sau này đã cùng ông đi hết cuộc đời.
Thỉnh thoảng Schubert được giao chỉ huy dàn nhạc, Antonio Salieri là một nhạc sĩ hàng đầu lúc đương thời đã bắt đầu chú ý đến tài năng trẻ, bỏ công đào tạo Schubert về lí thuyết âm nhạc và kĩ năng sáng tác. Thể loại nhạc thính phòng ghi dấu đặc biệt trong giai đoạn này, bản thân gia đình Schubert đã là một dàn nhạc thính phòng 5 người thường xuyên trình tấu với nhau trong các dịp lễ và các ngày chủ nhật. Trong thời gian ở Stadtkonvikt ông cũng kịp sáng tác nhiều tác phẩm thính phòng, một số ca khúc nghệ thuật, và bản giao hưởng số 1.
Năm 1813, Schubert tốt nghiệp trường học ở Convinkt và dưới áp lực mạnh mẽ của truyền thống gia đình cũng như mong muốn của người cha, cậu trở thành thầy giáo dạy các môn cơ sở trong trường. Song dạy học không phải là niềm hứng thú với cuộc đời Schubert. Lòng đam mê nghệ thuật âm nhạc vẫn luôn cháy bỏng trong tâm trí người nhạc sĩ tương lai. Schubert đã quyết định thôi dạy học, dồn toàn bộ sức lực cho lao động sáng tạo nghệ thuật. Đây là một quyết định đầy khó khăn bởi nó trái với truyền thống và niềm hy vọng của các thành viên trong gia đình.
Năm 1814, ông làm quen với Therese Grob, con của một nhà sản xuất lụa trong vùng đồng thời là một ca sĩ soprano đã trình tấu một số tác phẩm của ông như Salve Regina,Tantum Ergo, Mass in F. Mối quan hệ tình cảm cũng phát triển phức tạp, Schubert cũng đã muốn kết hôn với Grob nhưng vì nhiều lí do nên việc này đã không thành. Năm 1816 ông gửi Grob một tập tác phẩm mà gia đình bà còn giữ đến đầu thế kỷ XX.
Năm 1815 là năm Schubert tập trung vào sáng tác, ông viết 9 tác phẩm cho nhà thờ, 140 ca khúc nghệ thuật (lieder), một bản giao hưởng. Sức lực sáng tác của ông rất dồi dào, thường hoàn thành một nhạc phẩm trong một khoảng thời gian rất ngắn. Có ngày Schubert sáng tác liền tám ca khúc, “Ma vương” - một tác phẩm rất nổi tiếng cũng được ông hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn.
Từ khi còn rất trẻ Schubert đã rất yêu thích và đi sâu vào tìm hiểu nền âm nhạc dân gian đa sắc tộc ở Vienna. Thủ đô Vienna xinh đẹp của nước Áo khi đó được coi là nơi gặp gỡ của các nền văn hóa. Chính vì vậy, ở đây xuất hiện âm nhạc của nhiều dân tộc rất phong phú và đa dạng như Áo, Đức, Italia, Xlavia, Ucraina, Séc, Nga... Đó cũng là lý do trong tác phẩm âm nhạc của F. Schubert thường vang lên những âm điệu có cội nguồn từ âm nhạc dân gian của thành Vienna, mà nhiều nhất là âm nhạc dân gian Áo - Đức.
Năm năm học tập tại Stadtkonvikt có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng trình độ học vấn của người nhạc sĩ trẻ tuổi và góp phần tạo dựng quan điểm nghệ thuật của Schubert này. Khi tham gia dàn nhạc học sinh và trực tiếp chỉ huy dàn nhạc này trong trường phổ thông, Schubert đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều tác phẩm âm nhạc xuất sắc của Haydn, Mozart, Beethoven. Có thể nói, chính nghệ thuật âm nhạc của các bậc thầy nổi tiếng thế giới này đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành khuynh hướng thẩm mỹ nghệ thuật của Schubert.
Từ thời gian này, một giai đoạn sáng tác đầy thành công đã tạo dựng một phong cách sáng tạo mang dấu ấn Schubert. Tuy sáng tác nhiều thể loại âm nhạc khác nhau nhưng mảnh đất riêng của ông chính là sáng tác ca khúc. Ở đó nhạc sĩ sáng tạo một cách đầy hứng khởi và đạt được nhiều thành công rực rỡ, tạo được một dấu ấn riêng độc đáo trong lịch sử âm nhạc thế giới. Khi nói đến Schubert phải nói đến lĩnh vực sáng tác ca khúc. Ông đã sáng tác hơn 600 ca khúc trong cuộc đời ngắn ngủi 31 năm của mình. Trong đó phải kể đến:
- Tập liên ca khúc “Cô thợ xay xinh đẹp” gồm 20 ca khúc op.25
- “Con đường mùa đông” gồm 24 ca khúc op.89
- “Bài ca chim thiên nga” gồm 14 bài phổ thơ của Hainơ, Renxtap, Giâyđơli.
- Khoảng 70 ca khúc phổ thơ Goethe.
- Khoảng 50 ca khúc phổ thơ Schiller.
Một trong những đặc điểm nổi bật trong lĩnh vực sáng tác thanh nhạc của Schubert là việc không ngừng mở rộng giới hạn biểu hiện của ca khúc. Các ca khúc của ông bao giờ cũng là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật thanh nhạc và nghệ thuật khí nhạc. Ở Schubert phần đệm piano có một vai trò đặc biệt quan trọng, là thành tố không thể thiếu khi thể hiện ca khúc: là nền âm thanh mang ý nghĩa to lớn trong việc tạo xúc cảm - tâm lý cho giai điệu thanh nhạc. Cách làm này của ông có mối liên hệ không chỉ với nghệ thuật diễn tấu piano, mà với cả nghệ thuật sáng tạo giao hưởng và nhạc kịch của các nhạc sĩ thuộc trường phái âm nhạc cổ điển Viên.
Trước khi giai điệu của các ca khúc vang lên, phần dạo đầu của Schubert bao giờ cũng tạo dựng một không gian cảm xúc cho người nghe. Và tương tự như vậy, những âm điệu kết bài của phần piano cũng mang ý nghĩa hoàn thiện ý tưởng âm nhạc của một ca khúc.
Về nhạc giao hưởng, 7 bản giao hưởng đầu tiên của Schubert còn chịu nhiều ảnh hưởng phong cách sáng tạo của các nhạc sĩ thuộc trường phái âm nhạc cổ điển Viên, nhưng Bản giao hưởng số 8 “Chưa hoàn thành” lại là dấu ấn về sự hình thành một chủ nghĩa mới trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc: chủ nghĩa lãng mạn.
Kế thừa những giá trị cơ bản của giao hưởng Beethoven: sự nghiêm khắc, tính kịch và sự sâu sắc của thế giới cảm xúc, lần đầu tiên tính trữ tình - ca xướng đầy chất lãng mạn trở thành cương lĩnh của một tác phẩm âm nhạc giao hưởng. Những hình tượng nghệ thuật trữ tình mới được biểu hiện không phải bằng ngôn ngữ âm nhạc, hình thức âm nhạc truyền thống. Ngay tên gọi bản giao hưởng “Chưa hoàn thành” với cấu trúc tác phẩm chỉ gồm 2 chương, trong khi theo khuôn mẫu truyền thống, một Bản giao hưởng thường gồm từ 3 đến 4 chương. Tuy nhiên, bản giao hưởng này lại thực sự là một tác phẩm hoàn chỉnh về phương diện tư duy nghệ thuật âm nhạc.
Trong số 10 bản giao hưởng đồ sộ của ông có một bản giọng Si thứ, sáng tác vào năm 1822 nhưng chưa hoàn thành. Sau này, giới phê bình âm nhạc gọi là: “Bản giao hưởng bỏ dở”. Mãi về sau, người ta mới biết Schubert rất hay đau ốm nên ông không thể hoàn thành trọn vẹn bản giao hưởng tuyệt vời này. Đây là bản giao hưởng duy nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển chỉ có hai chương. Tuy nhiên, chính sự dang dở ấy đã khai mở một mạch nguồn âm nhạc vô tận, mỗi người có cách phát triển ý nhạc đó theo cảm xúc riêng.
Nhìn chung, các sáng tác giai đoạn cuối đời của Schubert thể hiện rất rõ sự liên quan đến những khó khăn, bóng tối luôn bao quanh cuộc đời nghệ sĩ. Trong các tác phẩm sáng tác ở giai đoạn này thường vang lên những chủ đề âm nhạc đầy sức mạnh cháy bỏng và đậm chất bi thương: Tứ tấu giọng rê thứ, Liên khúc Con đường mùa đông và nhiều ca khúc phổ thơ của Hainơ.
Là người sống cùng thời với Beethoven nhưng Beethoven là nhạc sĩ cuối cùng của Chủ nghĩa âm nhạc Cổ điển Vienna còn Schubert lại là nhà soạn nhạc mở đầu cho Trường phái âm nhạc lãng mạn Tây Âu. Các tác phẩm của ông thấm đượm nỗi u buồn và ca ngợi sự chịu đựng phi thường của con người trước số phận bất hạnh. Những giai điệu ấy cũng chan chứa tình yêu cuộc sống cho đến phút cuối cuộc đời.
Một sự kiện thường được nhắc đến là thành công của Schubert vào tháng 3 năm 1828 tại đêm nhạc Vienna. Từ sau đêm nhạc đó, tên tuổi của ông được cả thành Vienna nói đến như một trong những sự kiện lớn nhất của Thủ đô âm nhạc này. Nhưng như một định mệnh, chỉ ít tháng sau, người nhạc sĩ vĩ đại của lịch sử âm nhạc thế giới Frank Peter Schubert đã qua đời vào một ngày mùa đông tháng 11 năm 1828. Khi ông mất, kiểm kê tài sản của ông, người ta chỉ đếm được vẻn vẹn 6 shilling đồng sáu xu và một đống bản thảo nhạc viết tay.
MỘT SỐ GIAI THOẠI
Sự đãng trí của Schubert
Khúc nhạc chiều bất hủ Schubert sáng tác để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu trộm nhớ. Muốn làm cho nàng bất ngờ, ông nhờ một bạn thân là ca sĩ, trình bày bài hát ngay dưới cửa sổ nhà nàng.
Tối hôm đó, người ta bí mật khiêng cây đàn piano vào trong vườn, tất cả đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn lãng mạn và độc đáo. Thế nhưng, Schubert lại quên không đến.
Cũng thật trớ trêu, cô gái mà Schubert sáng tác bản nhạc để tặng nàng lại đem lòng yêu chính chàng ca sĩ, chứ không dành trái tim cho Schubert.
Bài hát đổi lấy một đĩa khoai tây
Schubert là nhạc sĩ “chết” vì nghề, nhưng không thể “sống” bằng nghề! Có rất nhiều tác phẩm quan trọng của Schubert chưa được xuất bản và biểu diễn khi nhạc sĩ còn sống. Vì vậy, tiền nhuận bút không đủ nuôi sống bản thân Schubert và để thuê nhạc cụ. Nhạc sĩ phải sống chung với một người bạn trong một ngôi nhà không có lò sưởi. Cả hai người chỉ có một chiếc áo khoác và thường xuyên nhịn đói. Khó khăn lắm, ca khúc “Kẻ lang thang” mới xuất bản được với nhuận bút là 2 Guldwn (tiền Áo, gần bằng nửa đôla Mỹ), trong khi chủ nhà xuất bản được lời 27.000 Guldwn. Nhạc phẩm bất hủ “Ma vương” sau khi soạn 5 năm mới được xuất bản nhưng không có nhuận bút. Khi lâm bệnh nặng Schubert không có tiền mua thuốc, bạn bè mang tác phẩm “Chuyến đi mùa đông” của Schubert tới nhà xuất bản, nhưng chỉ đem về duy nhất một đồng Guldwn!
Có một lần, khi đi qua một quán ăn, mùi thơm của thức ăn trong quán khiến Schubert sực nhớ mình đang rất đói, suốt cả ngày chưa được ăn gì. Túi áo trống rỗng, Schubert lê bước vào trong quán và ngồi xuống một cái ghế.
Trên bàn ăn để một tờ báo và nhạc sĩ nhìn thấy trên đó một bài thơ ngắn. Anh liền lấy bút ra viết nhạc phổ bên lề tờ báo và khe khẽ hát. Đó là “Bài hát ru” sau này rất nổi tiếng trên thế giới.
Ông chủ tiệm lắng nghe, tỏ ra thích thú với giai điệu của bài hát. Schubert hỏi: “Ông có thích bài hát này không? Nếu thích thì ông hãy lấy đi, nhưng ông phải cho tôi một phần khoai tây nhé!”.
Sau này khi Schubert qua đời, âm nhạc của ông nổi lên như cồn. “Bài hát ru” mà khi xưa ông đem đổi lấy một đĩa khoai tây được đưa ra đấu giá ở Paris với giá bán là 40 ngàn frăng.
Bản nhạc viết trên hóa đơn
Một trong những bản serenade nổi tiếng, được biết đến nhiều nhất là bản serenade của Franz Schubert, viết vào năm 1826. Nguyên bản của bài nhạc này được viết trên bè hai, với giọng nam hợp xướng, sau đó được sắp xếp lại dành riêng cho giọng nữ.
Theo Von Hellborn, người viết tiểu sử Schubert, bản nhạc này ra đời vào một ngày chủ nhật năm 1826. Khi ấy, Schubert cùng vài người bạn từ Potzleinsdorf trở về thành phố. Đi qua một quán ăn, ông thấy bạn mình là Tieze đang ngồi bên chiếc bàn trong khu vườn của Zum Biersack. Trước mặt Tieze là một cuốn sách.
Schubert đến gần, lật lướt qua rồi đột nhiên ông dừng lại, chỉ vào một bài thơ, nói như reo: “Một giai điệu tuyệt vời vừa vang lên trong đầu tôi, giá mà tôi có giấy chép nhạc bây giờ thì tốt biết bao!”.
Herr Doppler liền vẽ một vài khuông nhạc trên mặt sau tờ hóa đơn, và trong sự huyên náo của quán ăn ngày chủ nhật, giữa tiếng dao nĩa, giữa những người bồi bàn hối hả chạy qua lại, Schubert đã viết nên bản serenade bất hủ của mình.
Những nốt nhạc trên bảng đen
Sau khi có bằng sư phạm, Schubert làm giáo viên dạy môn toán cho một trường Tiểu học. Ngoài lúc đi dạy học, anh dành hầu hết thời gian rảnh rỗi để sáng tác âm nhạc. Chính niềm say mê sáng tác đó đã tạo nên đổi thay trong cuộc đời nhạc sĩ.
Một buổi sáng, Schubert vừa đi vừa nhẩm một giai điệu âm nhạc. Trong giấc ngủ chập chờn đêm qua, khi cảm nhận được một nét nhạc thoáng qua, anh liền thức dậy và ghi nó lên bìa một cuốn sách trên bàn. Giờ đây giai điệu đó đang vang lên trong đầu khiến Schubert cảm thấy vô cùng phấn chấn.
Vào lớp học, Schubert nhắc lũ trẻ chuẩn bị sách vở môn toán để làm một vài bài tập. Anh cầm sách lên định chép đề bài lên bảng. Bỗng giai điệu trên bìa sách hiện lên trước mắt Schubert, lẩm nhẩm khẽ đọc nó và chợt nghĩ, mình phải phát triển giai điệu này. Thế là thay việc chép bài tập toán lên bảng, Schubert lại kẻ khuông nhạc và viết những nốt nhạc lên đó.
Lũ học trò nhỏ rất ngạc nhiên khi thấy thầy giáo dạy toán bỗng dưng kẻ khuông nhạc và mải miết ghi chép. Đầu tiên chúng yên lặng và tò mò nhìn người thầy giáo trẻ, rồi một vài đứa bắt đầu phá lên cười. Lát sau, những đứa nghịch ngợm tung cặp sách, trèo lên bàn mà hò reo nhưng dường như Schubert không nghe thấy gì, tâm trí ông đã hoàn toàn bị cuốn hút vào bản nhạc.
Nghe tiếng cười đùa, la hét, ông hiệu trưởng đang ngồi trong phòng mình vội đi ra cửa. Ông thấy một số học trò từ lớp học chạy ra chạy vào, đuổi nhau dọc hành lang. Vội tới lớp này, nhìn qua cửa sổ, ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy thầy giáo dạy toán Schubert đang mê mải chép nhạc trên bảng, lớp học thì vô cùng ồn ào, lộn xộn. Lại gần, ông kêu lên: “Thầy Schubert, thầy đang làm gì vậy?”. Schubert giật mình quay ra, ngỡ ngàng vì sự có mặt của ông hiệu trưởng, ông bối rối vội xoá những nốt nhạc chi chít trên bảng.
Cuối buổi học, Schubert được mời lên phòng hiệu trưởng, Schubert bị nhà trường cho thôi việc.
Cô gái và bản nhạc Cô chủ cối xay xinh đẹp
Schubert theo một người bạn vào thành Vienna. Anh tìm được công việc mới, đó là chơi đàn piano vào buổi tối cho quán rượu Hoàng hôn. Ban ngày, Schubert ở nhà trọ và sáng tác âm nhạc. Tối tối, anh đến quán chơi đàn phục vụ những vị khách cho đến tận đêm khuya bằng chính những bản nhạc do anh sáng tác.
Đáng tiếc, các vị khách đến quán Hoàng hôn không phải là những người sành âm nhạc, họ không thấy tài năng trong những sáng tác của Schubert.
Cho đến một buổi tối, một vị khách ghé vào quán Hoàng hôn, ông ta trông sang trọng và khá đặc biệt. Những bản nhạc mang phong cách sáng tạo mới mẻ của chàng thanh niên cho piano đã thu hút sự chú ý của ông.
Anh chàng đeo cặp kính cận có dáng thật hiền lành, ẩn sau cặp kính là đôi mắt sáng đầy vẻ chân thành. Lựa lúc Schubert ngừng chơi đàn, vị khách lại gần và giới thiệu mình là Henrich - bá tước sống ở Manhaimơ. Henrich nhã nhặn đưa danh thiếp và mời Schubert ghé thăm nhà mình khi có dịp. Schubert cám ơn và nhận lời.
Ít ngày sau, Schubert đến lâu đài của bá tước. Qua chuyện trò, Schubert thấy Henrich là một người am hiểu âm nhạc. Anh trình bày những sáng tác mới của mình, Henrich chăm chú nghe và cho rằng, cách sáng tác của Schubert dường như đang hình thành một hướng đi mới trong âm nhạc. Đặc biệt, ông rất thích một bản nhạc Schubert mới sáng tác và có dự định viết thành bản giao hưởng. Bá tước cũng cho biết, ông sắp khánh thành phòng hoà nhạc trong lâu đài. Vị bá tước mời Schubert đến trình diễn bản nhạc này và Schubert đồng ý.
Trong phòng hòa nhạc tại lâu đài của bá tước Henrich, nhiều nghệ sĩ tên tuổi có mặt và trình diễn những tác phẩm đang được ưa chuộng. Lát sau, bá tước đứng lên giới thiệu một sáng tác mới của chàng trai trẻ tên là Schubert. Cúi chào mọi người, Schubert ngồi vào đàn, đặt bản nhạc trước mặt và chơi những nốt đầu tiên. Bản nhạc gồm 4 chương, Schubert trình bày chương I với nhiều sự mới mẻ, táo bạo. Chương nhạc này không mang phong cách của trào lưu âm nhạc thời bấy giờ, khi chủ nghĩa cổ điển đang chiếm ưu thế. Gian phòng chìm trong sự tĩnh lặng, bản nhạc dường như đã chinh phục được ngay cả những người khó tính và sành nhạc nhất. Dưới những ngón tay của Schubert, dòng âm thanh như đang tuôn trào, những giai điệu chứa đầy cảm xúc sâu sắc, những nỗi dằn vặt, những niềm lạc quan và cả những ước mơ cháy bỏng được diễn tả hết sức tinh tế.
Khi Schubert đang chơi chương II của bản nhạc thì cửa phòng bật mở, một vị khách bước vào. Đó là một cô gái trẻ xinh đẹp. Cô mặc một bộ đồ đi ngựa, mang chiếc mũ rộng vành và vẫn cầm chiếc roi da trên tay trông đầy vẻ tự tin. Vị khách đến muộn không ngồi ở hàng ghế sau, cô ngẩng cao đầu, kiêu hãnh bước đi giữa căn phòng, rồi ngồi xuống chiếc ghế còn trống phía sau Schubert.
Sự xuất hiện của cô gái không làm Schubert chú ý. Tất cả tâm trí anh đang dồn vào bản nhạc, căn phòng vẫn chìm trong tiếng nhạc êm đềm, mọi người vẫn chăm chú lắng nghe, nhưng cô gái thì không chú ý đến điều đó. Quay sang người đàn ông ngồi bên cạnh, cô chỉ tay vào Schubert hỏi: “Ai vậy? Thưa ngài!”. Người đàn ông nghiêng đầu khẽ đáp: “Schubert”.
Không hiểu vì cớ gì, cô gái cất tiếng cười. Frans Schubert thoáng nghe thấy sau lưng mình tiếng cười của một người phụ nữ. Thật là khiếm nhã, nhưng Schubert vẫn kiên nhẫn chơi tiếp khúc nhạc của mình trong tiếng cười chưa dứt. Để thể hiện sự khó chịu, Schubert bấm tay mạnh hơn xuống phím đàn, trong khi lẽ ra đây là khúc nhạc có sắc thái êm dịu. Trong phòng, những tiếng xì xào nổi lên, phản đối sự mất lịch sự của cô gái. Vẫn chưa đủ, tiếng cười tắt đi giây lát, rồi lại tiếp tục vang lên.
Lúc đó, Schubert đã chơi hết chương II của bản nhạc. Dừng tay trên phím đàn, ngồi thẳng người, mắt nhìn phía trước, anh không hề quay lại xem ai là người đã làm dang dở khúc nhạc của mình. Schubert cố gắng chờ đợi thêm giây lát nhưng tiếng cười vẫn không dứt. Bực mình, anh gập bản nhạc lại, đứng lên bước ra khỏi phòng. Bá tước Henrich rảo bước theo, ông nói với vẻ mặt của người có lỗi: “Xin thứ lỗi, Schubert, đó là cháu gái tôi, Karen. Anh hãy ở lại, tôi sẽ bảo nó sang phòng khác”. Nhưng Schubert khước từ và xin phép cáo lui.
Sau sự việc này, Schubert lại trở về với việc chơi đàn tại quán Hoàng hôn. Khoảng hơn một tháng sau, Schubert nhận được một lá thư gửi từ Hunggari. Đó là lời đề nghị của quận công Uylem, ông ta mời Schubert sang Hungary làm gia sư, dạy âm nhạc cho hai người con của mình, kèm theo lời đảm bảo về điều kiện sống, điều kiện làm việc và mức lương khá tốt so với thu nhập hiện tại của Schubert. Sau khi suy tính, Schubert nhận lời và viết thư hẹn sẽ thu xếp sang Hungary.
Một cuộc hành trình dài bằng xe ngựa đưa Schubert từ Áo sang Hungary. Anh đến thủ đô Budapest vào một ngày mưa lạnh. Cỗ xe đưa anh tới một tòa lâu đài tráng lệ trên ngọn đồi. Người đánh xe cho Schubert biết đây là gia đình quý tộc rất giàu có và nhiều thế lực ở vùng này.
Quận công Uylem tiếp Schubert trong phòng khách của lâu đài, sau khi sai người xếp phòng cho anh, ông giới thiệu với Schubert hai người học trò tương lai của anh, đó là hai người con của ông - hai cô gái rất xinh đẹp, Karen 18 và Stenli 16 tuổi. Cái tên Karen nghe quen quen, gợi cho Schubert nhớ tới cô gái đã làm dở dang bản nhạc khi anh biểu diễn trong lâu đài của bá tước Henrich. Schubert không biết, thực ra đó không phải là sự tình cờ, sau khi nghe Schubert đàn tại lâu đài của người chú, cô gái đã yêu cầu cha mình mời Schubert sang dạy đàn cho hai chị em. Gặp Schubert tại nhà mình, Karen đã không còn vẻ kiêu hãnh như lần trước. Cô khiêm nhường cúi chào Schubert, người gia sư mới trong gia đình.
Trong thời gian Schubert làm gia sư cho gia đình quận công Uylem, anh cố gắng cư xử đúng mực và làm tốt mọi công việc. Cô em Stenli tỏ ra có năng khiếu âm nhạc và học đàn rất tốt, còn Karen thì không được như vậy, cô hay trêu đùa Schubert và chểnh mảng khi tập đàn. Nhưng tuổi trẻ có những quy luật riêng của nó. Ít lâu sau, tình cảm giữa Schubert và Karen không chỉ đơn giản là tình thầy trò nữa, giữa hai người đã nảy nở tình yêu.
Mối tình đầu của hai người, nhạc sĩ trẻ người Áo với cô gái quý tộc Hungary, là tình yêu rất chân thành và trong trắng. Trong cảm xúc dâng trào của tình yêu đầu tiên, họ không biết che giấu tình cảm của mình. Quận công Uylem sớm nhận ra và không thể chấp nhận điều này. Con gái ông - Karen - một cô gái quý tộc giàu có và xinh đẹp lại có thể yêu một anh chàng nhạc sư nghèo, vô danh hay sao? Gia đình ông đang nắm giữ nhiều quyền lực, con gái ông phải kết hôn với một chàng quý tộc người Hungary, con của một gia đình cũng giàu có và quyền lực mới tương xứng. Không cần suy nghĩ lâu, quận công Uylem quyết định không để Schubert tiếp tục dạy đàn cho hai cô con gái nữa. Và Schubert được mời ra khỏi lâu đài. Tuy nhiên, anh vẫn ở lại Budapest.
Trong thời gian ở Hungary, Schubert đã nếm trải những sự ngọt ngào và cả những nỗi niềm cay đắng của mối tình đầu vô vọng. Anh vùi đầu vào sáng tác. Đôi khi anh cũng được gặp nàng, đó là khi Caren tự tìm đến. Thời gian này, Schubert sáng tác rất nhiều, trong đó có tập liên khúc “Cô chủ cối xay xinh đẹp”, phổ thơ của Sinle với ý định tặng Caren. Trong tập “Cô chủ cối xay xinh đẹp”, Schubert đã ví mình là anh thợ xay nghèo, làm thuê cho cô chủ xinh đẹp. Anh thợ xay thầm yêu cô chủ nhưng không được đáp lại. Còn chàng quý tộc người Hungary, xuất hiện trong tập bài hát qua hình ảnh người thợ săn.
Thấy con gái mình vẫn còn lưu luyến với Schubert, quận công Uylem cho người sang Áo, yêu cầu cha mẹ Schubert viết thư gọi con trai về. Schubert phải từ giã Karen để trở về quê hương.
Ở Áo, Schubert lại lao vào sáng tác để quên đi mối tình đầu. Thời gian này, Schubert hoàn thành bản giao hưởng số 8 - bản nhạc mà anh đã trình diễn lần đầu trong lâu đài của bá tước Henrich.
Vài năm sau, Schubert nhận được một lá thư từ Hungary, Karen báo tin cô sắp lấy chồng và mời Schubert tới dự đám cưới. Là người sâu nặng với mối tình đầu, Schubert thu xếp đi Hungary lần nữa.
Schubert đến Budapest lần thứ hai cũng vào một ngày trời mưa, buồn và lạnh lẽo. Anh xuống xe, dừng lại bên đường, nhìn những cỗ xe ngựa sang trọng từ nhà thờ đi ra. Đây là một đám cưới được tổ chức rất linh đình, bởi cả hai bên đều là những gia đình quý tộc giàu có. Ngồi trên xe cùng chồng, Karen vẫn dõi ánh mắt xuống đường, mong được thấy bóng người yêu cũ - giờ đã là một nhạc sĩ tài năng. Bất chợt, cô thấy Schubert đứng ven đường giữa những người khác. Caren yêu cầu dừng xe, cho người xuống mời Schubert lên cỗ xe khác để cùng tới lâu đài, nơi tổ chức đám cưới.
Giữa rượu, hoa và những lời chúc tụng, Karen vẫn không giấu được nét u buồn, trên môi cô phảng phất một nụ cười cay đắng. Cô lại gần Schubert và nói:
- Nhiều năm trước, tôi đã một lần làm dang dở khúc nhạc của anh. Không hiểu anh có tha thứ cho tôi không? Nhưng hôm nay trong ngày cưới của mình, tôi mong được nghe lại bản nhạc đó lần nữa.
Trước lời yêu cầu tha thiết của Karen, Schubert cố gắng dẹp đi tâm trạng đau buồn. Anh ngồi vào đàn piano và dạo những nốt nhạc đầu tiên. Người ta nói âm nhạc có thể xoa dịu những nỗi đau, nhưng không phải bao giờ cũng đúng. Đến chương II của bản nhạc, chỗ mà lần trước Karen cất tiếng cười, thì lần này giữa dòng âm thanh dịu dàng đó, nhìn Schubert chơi đàn, bỗng nhiên cô bật khóc nức nở. Căn phòng lặng đi. Schubert vẫn lặng lẽ chơi đàn. Cô dâu vẫn khóc. Chú rể bước ra phía cửa sổ. Chẳng có một lời nào an ủi Karen.
Hết chương II, Schubert dừng tay rồi yên lặng nhìn bản nhạc. Anh thầm hỏi liệu bản nhạc này có phải là nguyên nhân gây nên những xáo động trong cuộc sống của anh và nàng không. Rồi Schubert đứng lên, chậm rãi cầm bản nhạc tách làm đôi, tay cầm chương III và IV đã hai lần bị bỏ dở. Ngập ngừng giây lát, anh tiến lại phía lò sưởi, đưa tập nhạc vào ngọn lửa. Nhìn ngọn lửa đốt cháy bản nhạc, Schubert thầm nghĩ có lẽ anh đã tự thiêu cháy nửa sau của cuộc đời mình, nửa sau của những ước mơ không có hy vọng đã trở thành hiện thực với cuộc đời của Schubert?
Anh lặng lẽ rời khỏi căn phòng, chỉ mang theo hai chương đầu của bản nhạc. Schubert cô đơn đi giữa tuyết trắng và giá lạnh của đất nước Hungary.
Trở về Vienna, Schubert tiếp tục hoàn thành những tác phẩm khác. Nhưng giao hưởng số 8 - bản nhạc dang dở - là định mệnh của cuộc đời anh. Bản giao hưởng này là kỉ niệm về mối tình đầu dang dở của Schubert. Bản nhạc rất hay, sâu sắc và thấm đượm tình yêu cuộc sống, nó là một tuyệt tác âm nhạc của Schubert. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi bản nhạc được trình diễn lần đầu tiên, Schubert đã qua đời.
Schubert mất ngày 19 tháng 11 năm 1828 tại Vienna, để lại một tài sản âm nhạc vô giá cho đời sau, với khoảng hơn 1500 tác phẩm, trong đó có 9 bản giao hưởng và hơn 600 ca khúc. Trên ngôi mộ của Schubert, tấm bia được nhà thơ vĩ đại người Áo là Glinpacxe đề tặng với dòng chữ: “Thần chết đặt tại đây một kho tàng quý báu, nhưng quý báu hơn là những hy vọng tươi đẹp của ông”.