ABDERHALDEN (1877 - 1950)
Nhà hóa sinh người Thụy Sĩ, sinh tại Oberuzwil. Năm 1900, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Basel. Từ năm 1904 đến năm 1911, ông làm việc tại trường Cao đẳng thú y ở Berlin (được phong hàm giáo sư từ năm 1908). Từ năm 1911 đến năm 1945 ông giảng dạy tại Đại học tổng hợp Halle, sau đó ông chuyển sang Đại học tổng hợp Zurich (1946 - 1947).
Các công trình khoa học của Abderhalden tập trung vào nghiên cứu cấu trúc vai trò sinh hóa của các protein, vitamin, các hormon và của men. Năm 1909 ông phát minh men bảo vệ. Năm 1912, ông đề xướng phương pháp hóa học phân tích các chất bài tiết để xác định sự thai nghén, gọi là phản ứng Abderhalden. Năm 1916, ông tổng hợp các polipeptid quang hoạt, trong số đó có một polipeptid bao gồm đến 19 axit min. Từ năm 1922 đến năm 1924 ông thực hiện hàng loạt các phản ứng thủy phân protit, cô lập được hàng loạt các diketopyperazin và đề xướng thuyết cấu tạo diketopyperazin của protit.
ABEGG (1869 - 1910)
Nhà hóa học người Đức, sinh tại thành phố Danzig (nay là thành phố Gdansk, Ba Lan). Từ năm 1886 đến năm 1891, ông học các trường Đại học Tổng hợp Kiel, Tubingen, Berlin. Tốt nghiệp đại học, ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Gottingen. Năm 1897 ông được phong hàm giáo sư. Năm 1899 ông chuyển sang giảng dạy tại trường Cao đẳng Kỹ thuật ở Breslan.
Các công trình nghiên cứu khoa học của Abegg tập trung vào lĩnh vực hóa vô cơ và hóa lý: tốc độ khuếch tán các ion trong dung dịch muối, sự dẫn điện của muối nóng chảy, hoàn thiện kỹ thuật giữ hình trên kính ảnh. Năm 1899, ông cùng với Boddender G. đề xướng một trong những thuyết đầu tiên về độ âm điện, trong đó khái niệm về điện tử đã được áp dụng để biểu thị đặc trưng của các hợp chất vô cơ. Thuyết độ âm điện cũng xác định được mối quan hệ giữa độ âm điện với tính tan của chất điện li, bậc điện phân và vị trí của nguyên tố trong bảng tuần hoàn. Năm 1904, ông giải thích bản chất hóa trị và liên kết hóa học trên cơ sở khái niệm về điện tử. Cùng năm đó, Abegg đề xướng khái niệm về hóa trị kép của các nguyên tố: hóa trị và suất thẩm thấu sự giảm nhiệt độ đông đặc của dung dịch loãng so với dung môi tinh khiết.
ALDER (1902 - 1958)
Nhà hóa học hữu cơ Đức, sinh ở Konigshutte (nay thuộc Ba Lan). Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kiel, sau đó đỗ tiến sĩ năm 1926. Những năm 1926 - 1936, ông làm việc tại Đại học tổng hợp Kiel. Năm 1934 ông được phong hàm giáo sư. Năm 1936 - 1940, ông lãnh đạo khoa học của tổ hợp “I.G. Farbenindustrie” ở Leverkusen. Từ 1940 ông làm giám đốc Viện hóa học của Đại học Tổng hợp Kiel. Alder nhận được giải thưởng Nobel về hóa học năm 1950 cùng với Diels.
Các công trình nghiên cứu của Alder chủ yếu về tổng hợp hữu cơ. Năm 1926, cùng với Diels, Alder nghiên cứu este azodicarboxylic và đề ra một trong những phương pháp tổng hợp các cấu trúc mạch vòng quan trọng nhất với hóa học hữu cơ hiện đại (tổng hợp Diels-Alder).
Các công trình tiếp theo trong lĩnh vực này đã giúp Alder tìm ra các qui luật chung cho sự tạo thành các sản phẩm kết hợp phụ thuộc vào cấu tạo của các cấu tử ban đầu (nguyên tắc Alder). Alder còn đi sâu vào nghiên cứu các đặc trưng hóa học lập thể của quá trình phản ứng và khả năng phản ứng của các hợp chất hữu cơ liên hợp, xác lập khả năng thực hiện và ứng dụng rộng rãi của phản ứng nghịch với phản ứng tổng hợp điện. Năm 1940 ông thấy rằng: cyclopentadien khi bị đun nóng sẽ kết hợp vào vinylacetat, tạo thành acetat không no có khả năng biến thành alcol no. Năm 1956 Alaer đề xướng phương pháp điều chế cyclopentenone từ cyclopentenyl chlorua.
ANFINSEN (1916 - 1995)
Nhà hóa sinh người Mỹ, sinh tại Monessen (bang Pennsylvania). Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Pennsylvania năm 1939. Thực tập tại phòng thí nghiệm Carlsberg ở Copenhagen (1939 - 1940), làm việc tại Viện Nobel ở Stockholm (1947), tại Viện y tế quốc gia ở Betesd (từ 1950).
Anfinsen có nhiều công trình nghiên cứu về cấu trúc bậc hai của ribonucleas (men chuyển hóa acidribonucleic) và phát hiện (1958) phân tử của nó bao gồm một mạch polypeptid dài tạo nên “những nếp gấp”, những nếp gấp này được gắn với nhau bằng các cầu disulfura. Ông đề xuất phương pháp thủy phân ribonucleas đã bị oxy hóa ở tripsin (men tiêu hóa). Ông đã đề xướng phương pháp khai triển mạch polypeptid nhờ khử các liên kết disunfua bằng acidthioglycolic. Ông cũng đề xướng phương pháp sắc ký để tách các men trên các chất nền cố định.
Ông còn nghiên cứu sự phụ thuộc hoạt tính sinh học của men vào cấu trúc không gian của phân tử và đi đến kết luận: hoạt tính đó được quyết định không phải bởi toàn bộ cấu trúc. Là người sáng lập một xu hướng mới trong hóa sinh - học thuyết về sự tiến hóa phân tử, ông đã đề xướng cách giải thích mới đối với quá trình tiến hóa sinh học: tính liên tục của axit amin trong phân tử men là tối cần thiết để đạt được hoạt tính xúc tác và được bảo tồn nghiêm ngặt trong quá trình tiến hóa.
Năm 1972, ông được trao giải Nobel về hóa học.
BAEKELAND (1863 - 1944)
Nhà hóa học Mỹ, sinh tại Gent (Bỉ). Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Gent năm 1884 và làm việc tại đó. Năm 1889, ông di cư sang Mỹ, lúc đầu làm cho một hãng nhiếp ảnh, sau đó thành lập công ty riêng để sản xuất giấy ảnh do ông sáng chế. Loại giấy này có thể được hiện trong ánh sáng nhân tạo.
Các công trình nghiên cứu khoa học của ông chủ yếu thuộc lĩnh vực hóa học và công nghệ polyme. Từ năm 1905, ông tiến hành nghiên cứu một loại vật liệu có thể thay thế cho schellak (một loại sáp). Năm 1907, ông chế tạo thành công loại nhựa nhiệt hoạt tính đầu tiên, là sản phẩm trùng ngừng của phenol và formadehit. Loại chất dẻo này được đặt tên là Bakelite.
BAKER (1915 - 2005)
Nhà hóa học người Mỹ, sinh tại Chestertown (bang Maryland). Ông học ở trường Cao đẳng Washington và Đại học Tổng hợp Princeton, nhận bằng tiến sĩ năm 1938. Từ năm 1939, ông làm việc trong các phòng thí nghiệm của hãng “Bell telephone” ở Murlay-Hill.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông thuộc lĩnh vực polyme. Ông sáng tạo các phương pháp điều chế polyme với khả năng cách điện và tính chất cơ học tốt nhất. Baker đã phát minh hợp chất cao phân tử gồm những đại phân tử dạng cầu (microgel), phát triển các phương pháp nghiên cứu polyme, đặc biệt là phương pháp tán xạ ánh sáng để xác định khối lượng phân tử. Ông chỉ ra rằng, nếu kiểm soát được sự phân bố khối lượng phân tử của polyme, mức độ kết tinh của chúng, có thể nhận được vật liệu vi tinh thể có khả năng thay chì làm vật cách điện như polyetylen.
Baker đã phát minh ra các vật liệu polyme chịu bào mòn để bảo vệ các con tàu vũ trụ và đầu các tên lửa đẩy.
BERG (1926 - )
Nhà hóa sinh người Mỹ, sinh tại New York. Năm 1948, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Pennsylvania. Trong những năm 1952 - 1953, ông giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Copenhagen (Đan Mạch), 1958 - 1969 ở Đại học Tổng hợp J. Washington ở Saint Lucia. Từ 1970 ông chuyển đến Đại học Tổng hợp Stanford.
Các công trình khoa học của Berg liên quan tới hóa sinh và sinh học phân tử. Ông nghiên cứu vai trò của các axit ribonucleic chuyên chở trong sinh tổng hợp protin. Năm 1972, ông là người đầu tiên tổng hợp phân tử tái hợp của ADN, trong đó ADN của virut khuẩn lambda kết hợp ADN của virut khỉ 40. Công trình này là sự mở đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật di truyền.
Năm 1980, Berg được giải thưởng Nobel về y học và sinh lý.
BERGIUS (1884 - 1949)
Nhà công nghệ hóa học người Đức. Ông học tại các Đại học Tổng hợp Breslau và Leipzig. Trong vòng một năm ông hoàn thiện kiến thức của mình tại Đại học tổng hợp Berlin, trường cao đẳng kỹ thuật ở Karlsruhe. Năm 1910 ông xây dựng phòng thí nghiệm hóa học nằm trong trường cao đẳng kỹ thuật Hanover. Năm 1941 ông sáp nhập phòng thí nghiệm này vào hãng “Goldschmidt” ở Essen và trở thành nhà doanh nghiệp. Năm 1921 ông chuyển đến Heidelberg và làm công tác nghiên cứu công nghệ sản xuất ethanol. Năm 1938 ông ngừng công tác nghiên cứu và chuyển sang hoạt động sản xuất.
Các công trình nghiên cứu chủ yếu của Bergius thuộc lĩnh vực hóa học, áp suất cao và hóa học gỗ. Năm 1913 ông phát minh phương pháp sản xuất nhiên liệu lỏng bằng cách hydrogen hóa có xúc tác ở áp suất và nhiệt độ cao, hỗn hợp gồm than nghiền nhỏ, các phế thải dạng nhựa của công nghiệp than cốc và khí lò. Ông còn đề xướng phương pháp thủy phân xeluloz có sử dụng axit chlorhydric, để sản xuất đường (1917), dùng trong quá trình lên men rượu. Trên cơ sở công nghệ do ông đề xướng, năm 1935 ông khánh thành nhà máy sản xuất rượu và cồn ở Rhein.
Năm 1929, ông được trao giải thưởng Nobel về hóa học.
BOSCH (1874 - 1940)
Nhà công nghệ hóa học người Đức, sinh tại Cologne. Ông học ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Berlin (1894 -1896) và Đại học Tổng hợp Leipzig (nhận bằng tiến sĩ năm 1898). Từ 1889 công tác tại các nhà máy của hãng BACF ở Ludwigshafen. Từ năm 1935 ông là tổng giám đốc các nhà máy của Liên hiệp “Farbenindustrie”.
Các nghiên cứu khoa học chủ yếu của ông hướng vào công nghệ tổng hợp hóa học ở áp suất cao. Ông đã sản xuất được amoniac trên chất xúc tác sắt đã được hoạt hóa, xác định nguyên nhân nổ của các tháp amoniac ở áp suất cao và đề xướng nhiều biện pháp hoàn thiện thiết bị. Năm 1913, ông tổ chức sản xuất urê từ dioxit cacbon và amoniac. Trong thời gian thế chiến thứ nhất ông nghiên cứu phương pháp sản xuất xăng tổng hợp. Sau năm 1918 ông trở thành một trong những người tổ chức sản xuất thuộc ngành công nghiệp chất màu ở Đức.
Bosch được giải thưởng Nobel năm 1931.
BRONSTED (1879 - 1947)
Nhà hóa lý Đan Mạch, sinh tại Varde. Năm 1902, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Copenhagen. Từ năm 1905, ông công tác tại Đại học Tổng hợp Copenhagen. Những năm 1930 -1947, ông là giám đốc Viện lý hóa của trường Cao đẳng Kỹ thuật Copenhagen.
Các công trình nghiên cứu chủ yếu của ông về động hóa học, xúc tác và nhiệt động học dung dịch, nghiên cứu phản ứng xúc tác, tính chất động học của ion trong dung dịch. Năm 1923 ông đề xướng khái niệm hiệu ứng muối trong xúc tác axit-bazơ trong dung dịch (tác động của các muối trung tính đến tốc độ phản ứng axit-bazơ) và xác định nguyên nhân của hiệu ứng đó (1923 - 1925). Năm 1929, Bronsted đề xướng các luận điểm cơ bản của thuyết mở rộng về axit-bazơ. Lý thuyết mới của Bronsted đã giải quyết được những hạn chế của thuyết Arhenius trước đây.
BUTENANDT (1903 - 1995)
Nhà hóa học hữu cơ và hóa sinh người Đức. Ông học ở Đại học Tổng hợp Marburg và Gottingen (nhận bằng tiến sĩ năm 1927); Những năm 1927 - 1933, công tác tại Đại học Tổng hợp Gottingen. 1933 - 1936, ông làm giáo sư của trường Cao đẳng Kỹ thuật Danzig. Từ năm 1936 - 1966, ông là giám đốc Viện hóa sinh M.Plank. Những năm 1956 -1972, ông là giáo sư của trường Đại học Tổng hợp Munich.
Các công trình nghiên cứu chủ yếu của ông tập trung trong lĩnh vực hóa học các hormon sinh dục. Năm 1929, ông tổng hợp thành công hormon estron - hormon sinh dục cái của động vật có xương sống. Năm 1931, từ nước tiểu ông tách được androsteron, hormon sinh dục đực của động vật có xương sống ở dạng tinh thể, để từ đó tổng hợp (1935) testosteron, hormon sinh dục của nam chủ yếu của động vật xương sống. Năm 1934,ông tách được hormon thể vàng progesteron, một hormon sinh dục cái của động vật xương sống dùng để bảo vệ và bình thường hóa sự thai nghén.
Butenandt còn là người đầu tiên (1961) tách được hormon của côn trùng ekdison có tác dụng kích thích sự thay lông của côn trùng và thay vỏ của loài giáp xác (sau đó là cortizon) hormon điều hòa trao đổi protit, mỡ và carbohydrat trong cơ thể động vật. Ông đã xác định cấu trúc và tổng hợp cấu tử hoạt động của Attractanh - Bombicol. Hormon lấy từ con ngài cái của tằm dâu có mùi đặc biệt hấp dẫn côn trùng được dùng để nhử côn trùng.
Năm 1939, ông được trao giải thưởng Nobel về y học và sinh lý.
CALVIN (1911 - 1997)
Nhà hóa học và sinh hóa người Mỹ sinh ở St. Paul, bang Minnesota. Ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Michigan (năm 1931). Trong những năm 1935 - 1936, ông làm việc ở trường tổng hợp Manchester (Anh). Từ 1937 đến 1961 ông làm việc ở trường Tổng hợp California ở Berkeley. Từ 1961, ông là giáo sư hóa trường tổng hợp Minnesota.
Các nghiên cứu chủ yếu của ông liên quan đến các phản ứng và cơ chế của quá trình quang hợp. Ông đã giải thích thứ tự các biến đổi sinh hóa của CO2 trong pha tối của quá trình quang hợp (chu trình Calvin).
Nhờ phương pháp sử dụng nguyên tử cacbon đánh dấu và phương pháp sắc ký, ông đã tách và xác định được các sản phẩm trung gian của quá trình quang hợp và xây dựng sơ đồ biến đổi của chúng (1956). Ông giải thích sự tiến hóa phân tử và nguồn gốc của sự sống, cũng như việc sử dụng thực vật làm nguồn năng lượng.
Ông được nhận giải Nobel về hóa học năm 1961.
CLAISEN (1851 - 1930)
Nhà hóa học người Đức, sinh ở Koln. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Gottingen và nhận bằng tiến sĩ (1875) ở Đại học Tổng hợp Bonn. Từ 1875 - 1882 ông giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Manchester, từ 1886 ở Đại học Tổng hợp Munich, từ 1890 ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Achen, từ 1897 ở Đại học Tổng hợp Kiel, từ 1904 ở Đại học Tổng hợp Berlin. Từ 1907 - 1926, ông làm việc tại phòng thí nghiệm riêng ở Bad - Godesberg.
Ông nghiên cứu về các phương pháp chung trong tổng hợp hữu cơ, ông tiến hành thành công phản ứng tạo thành este dưới tác dụng của baz yếu (phản ứng Claisen). Cũng trong năm 1887, ông tiến hành thành công phản ứng điều chế este beta- keton bằng cách ngưng tụ các este với chất xúc tác kiềm (ngưng tụ este Claisen).
Ông đề xướng phương pháp điều chế este của axit cinnamic bằng cách ngưng tụ các aldehyd thơm với este của axit cacboxylic dưới tác dụng của natri kim loại (1890). Từ 1900 - 1905 Claisen nghiên cứu chuyển hóa tautomer của este acetoacetic. Năm 1912, ông phát hiện chuyển vị của các este alylic phenol (chuyển vị Claisen), sáng tạo (1893) bình thủy tinh đặc biệt để chưng cất trong chân không (bình Claisen), được sử dụng rộng rãi trong các phòng thí nghiệm hóa học tới tận ngày nay.
CORI (1896 - 1957)
Nhà hóa sinh người Mỹ gốc Séc, sinh tại Praha (Séc). Mười tuổi, bà mới bắt đầu đi học. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Praha, bà di cư sang Mỹ năm 1920, làm việc tại bệnh viện Buffalo.
Cori có nhiều nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực hóa sinh, đặc biệt là sự chuyển hóa đường trong cơ thể. Cùng chồng, bà đã khám phá ra chu trình biến đổi tuần hoàn giữa đường và axit lactic (chu trình Cori). Năm 1947, Cori được trao giải thưởng Nobel.
M. CURIE (1867 - 1934)
Nhà hóa học và vật lý học người Pháp gốc Ba Lan, sinh tại Warszawav (Ba Lan). Bà tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Paris (1895). Từ năm 1895 bà làm việc tại trường vật lý và hóa học công nghiệp. Trong những năm 1900-1906 bà giảng dạy tại trường Sevres, từ năm 1906 là giáo sư của Đại học tổng hợp Paris. Từ năm 1914, bà lãnh đạo ngành hóa trong Viện Radi Paris.
Các nghiên cứu của bà tập trung trong lĩnh vực phóng xạ tự nhiên. Bà kết luận: sự phóng xạ của muối urani gây nên bởi các tính chất của nguyên tử urani. Cùng với P. Curie, bà phát hiện (1898) các nguyên tố hóa học poloni và radi, xác định khối lượng nguyên tử, tính chất vật lý và vị trí trong hệ thống tuần hoàn, xác định đặc tính phóng xạ và tính chất của chúng. Bà sáng tạo phương pháp chiết các nguyên tố đó từ bã thải của quặng urani, đề xướng (1899) giả thuyết về thực chất của sự phóng xạ, đưa ra thuật ngữ “phóng xạ”, nghiên cứu (1899) tác dụng của phóng xạ lên tế bào sống và lần đầu tiên đưa vào thực hành y học việc chiếu xạ radi. Bà chứng minh rằng (1900) tia alpha là một chùm hạt vật chất. Năm 1902, Curie (điều chế được muối radi sạch, đưa ra các phương pháp đo phóng xạ. Cùng với Kammerling - Onnes, bà xác định sự phụ thuộc của phân rã phóng xạ vào nhiệt độ. Bà đã xác định các hằng số phân rã của hàng loạt các nguyên tố phóng xạ và nghiên cứu tính chất của các đồng vị. Cùng với Debierne Curie đã điều chế (1910) được rađi ở dạng kim loại, chế tạo (1911) mẫu chuẩn đầu tiên của rađi. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ nhất bà tổ chức việc chiếu tia X và chiếu xạ trong các bệnh viện của Pháp.
Bà được giải thưởng Nobel hai lần: về vật lý năm 1903 và về hóa học năm 1911.
DIELS (1876 - 1954)
Nhà hóa học hữu cơ Đức, sinh tại Hamburg, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Berlin năm 1899, và làm việc tại đây đến năm 1916 (từ năm 1906 là giáo sư). Từ năm 1916 ông là giáo sư của Đại học Tổng hợp Kiel.
Các nghiên cứu chủ yếu của ông thuộc lĩnh vực hóa học cấu trúc hữu cơ. Ông đã thực hiện các công trình xác định cấu tạo của cholesterol và axit cholic (1906).
Cùng với Alder, năm 1911, ông nghiên cứu ete azodi- carboxylic. Nhờ những nghiên cứu này mà ông đã phát minh (1928) một trong những phản ứng quan trọng nhất của hóa học hữu cơ hiện đại đó là phản ứng kết hợp 1,4 của phân tử có liên kết bội được hoạt hóa với các diện liên hợp để tạo thành các cấu trúc vòng (phản ứng Diels - Alder). Năm 1930 ông tiến hành phản ứng dehydrogen hóa chọn lọc của vòng cyclohexen hoặc cyclohexan trong phân tử hợp chất đa vòng, có sự tham gia của selen, để tạo thành hợp chất thơm.
Năm 1950, Diels nhận giải thưởng Nobel về hóa học.
DUVIGNEAUD (1901 - 1978)
Nhà hóa sinh người Mỹ, sinh tại Chicago. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Illinois năm 1923 và trường y của Đại học Tổng hợp Rochester năm 1927. Sau đó, ông làm việc tại các phòng thí nghiệm của công ty Dupont (1924 - 1925), tại quân y viện ở Philadelphia, trong các trường y của các Đại học Tổng hợp Rochester và Hopkins ở Baltimore, trong Đại học Tổng hợp Edinburgh, tại viện hóa học Kaizen Withelm ở Berlin, tại Đại học Tổng hợp London (1929 - 1932) tại Đại học Tổng hợp Illinois. Từ năm 1932, là giáo sư của Đại học Tổng hợp J.Washington ở Saint Louis, từ năm 1938 là giáo sư cao đẳng y học của Đại học Tổng hợp Cornell.
Các nghiên cứu cơ bản của ông thuộc các lĩnh vực hóa học hormon, vitamin, kháng sinh. Khi nghiên cứu cấu trúc hóa học của insulin ông nhận thấy: metyomin đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tái metyl hóa, còn thành phần phân tử của một số protein không bị thay thế đối với hoạt động sống của cơ thể. Ông đã đề ra các phương pháp thủy phân, nhờ đó đã giải mã cấu trúc của oxytocin (hormone thần kinh của động vật có xương sống, gây phản xạ co bóp của các cơ trơn, đặc biệt là tử cung và tuyến sửa), của vazopressin (hormone thần kinh của động vật, kích thích sự thấm nước ngược trong các ống dẫn; gây nên sự co bóp của các mao quản của hệ tuần hoàn máu). Theo ông, mỗi hormone thần kinh này đều chứa tám axit amino, tạo nên mạch vòng nhờ các cầu disulfur với liên kết disunfur. Năm 1932, ông phân tích và tổng hợp oxytocin. Ông đã đề xướng (1939) phương pháp tổng hợp cistin, trên cơ sở etephtalimi-domalonic, (1952) tách được oxytocin ở dạng tinh thể, xác định (1953) tính liên tục của axit amino trong oxytocin và chứng minh (1954) cấu trúc bằng tổng hợp, đề xướng phương pháp tổng hợp, làm sạch và cô lập kháng sinh. Ông chứng minh rằng: penicillin có thể được điều chế bằng tổng hợp. Ông còn nghiên cứu cấu trúc và đề xướng phương pháp tổng hợp các vitamin nhóm B.
Ông được nhận giải thưởng Nobel năm 1955.
EIGEN (1927- )
Nhà hóa lý người Đức, sinh tại Bochum. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Gottingen năm 1951 và làm việc tại đó đến năm 1953. Từ năm 1953, ông làm việc ở Viện hóa lý Max Planck.
Ông nghiên cứu các phản ứng hóa học siêu nhanh bằng phương pháp phổ nghiệm hồi phục hóa học. Nhờ phương pháp bước nhảy nhiệt độ, ông nghiên cứu động học của các phản ứng ion hydrogen và hydroxyl trong dung dịch chất chỉ thị axit - kiềm. Để nghiên cứu các phản ứng nhanh trong dung dịch của chất điện li yếu, ông đề xướng phương pháp áp đặt trường điện mạnh, làm tăng độ phân li của chất điện li. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu xúc tác len, cơ chế chuyển thông tin và các vấn đề khác của sinh học phân tử.
Năm 1967, ông nhận giải thưởng Nobel.
FAJANS (1887 - 1975)
Nhà hóa lý người Mỹ, sinh tại Warszawa (Ba Lan). Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Leipzig năm 1907 Đại học Tổng hợp Heidelberg (1909), Zurich và Manchester (1910). (1911 - 1917) ông làm việc tại trường cao đẳng kỹ thuật ở Karlsruhe. (1917 - 1935), ông là giáo sư của Đại học Tổng hợp Murnich, (1936 - 1957) giáo sư của Đại học Tổng hợp Michigan.
Ông nghiên cứu lý thuyết dung dịch, lý thuyết hóa phóng xạ. Khi phát triển học thuyết về hydrat hóa các ion, ông đi đến kết luận về sự phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng hòa tan, ion hóa và tạo phức trong dung dịch của chất điện ly. Ông chứng minh rằng độ hòa tan của các chất điện ly càng lớn thì sự khác biệt giữa nhiệt hydrat hóa của hai ion càng lớn. Bằng các nghiên cứu khúc xạ, ông đã xác định được (1927 - 1931) tỉ lệ và tính chất của các phân tử không phân li và các ion phức trong dung dịch chất điện ly mạnh. Ông còn xác định mối liên quan giữa sự biến dạng của vỏ điện tử với tính chất hóa học và quang học của các hợp chất vô cơ, nghiên cứu sự hấp thụ các ion và chất màu ở hợp chất dạng muối.
Trong lĩnh vực hóa phóng xạ, Fajans (1913) định luật chuyển vị phóng xạ, tiên đoán sự tồn tại của các đồng vị phóng xạ của một số nguyên tố, và sau đó đã phát hiện được chúng. Cùng với Paneth ông đề xướng (1913) nguyên tắc cùng kết tủa của các nguyên tố phóng xạ (nguyên tắc Fajans - Paneth).
FAVORSKI (1860 - 1945)
Nhà hóa học hữu cơ Nga, sinh tại Pavlovo. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Peterburg (1882), làm việc tại đó (từ năm 1896 là giáo sư), đồng thời tại Đại học Công nghệ Peterburg (1897 - 1908), Viện quốc gia hóa học ứng dụng (1919 - 1945), Viện hóa học hữu cơ.
Các công trình nghiên cứu của Favorski chủ yếu về hóa học các hợp chất alkin. Ông đã phát hiện (1887) sự đồng phân hóa của các hydrocacbon acetylenic dưới tác dụng của dung dịch kiềm trong alcol (chuyển vị acetylen - allen). Ông đã nêu ra các quy luật sự phụ thuộc của quá trình đồng phân hóa vào cấu tạo của các tác nhân phản ứng và điều kiện phản ứng.
Năm 1891, ông nghiên cứu cơ chế đồng phân trong dãy hydrocacbon không no, sau khi phát hiện khả năng đồng phân thuận nghịch các hydrocarbon acetylenic, allenic và l,3 dienic. Năm 1895, ông nêu lên những phương pháp cơ bản của quá trình tổng hợp các axit dãy acrylic. Ông phát hiện (1905) phản ứng điều chế alcol acetylenic bậc ba nhờ ngưng tụ hydrocacbon acetynic với các hợp chất cacbonyl trong sự hiện diện của bột hydroxit kali khan (phản ứng Favorski). Năm 1939, ông đề xướng phương pháp tổng hợp isopren trên cơ sở acetylen và aceton thông qua alcol acetylenic và vinyldimetylcarbinol. Năm 1906, ông đã điều chế và mô tả dioxan.
HERMANN EMIL FISCHER (1852 - 1919)
Nhà hóa học hữu cơ Đức sinh tại Euskirchen. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Strasbourg (1874) và làm việc tại đây. Ông là giáo sư của các Đại học Tổng hợp: Munich (từ 1879), Erlangen (từ 1882), Wurzburg (từ 1885), Berlin (1892 - 1919).
Ông nghiên cứu chủ yếu hóa học carbohydrat, protein và của các hợp chất purin. Từ năm 1882 ông nghiên cứu cấu tạo của các hợp chất purin và tổng hợp các dẫn xuất hoạt động sinh lý của purin: cofein, theobromin (trong cacao), xantin (sản phẩm trung gian khi phân hủy bazơ purinic trong cơ thể người và động vật), guamn và adenin, axit uric và của purin. Các nghiên cứu của Fischer làm lĩnh vực hóa học cacbohydrat trở thành một khoa học có hệ thống. Năm 1884 ông phát hiện phản ứng tạo thành azazon khi nung monosacarid với lượng dư arylhydrazin (đóng vai trò chất axit hóa).
Năm 1890, ông đề xướng danh pháp đơn giản đối với các hợp chất cacbohydrat, được công nhận và sử dụng cho đến ngày nay, tổng hợp mannoza, fructoza, glucoza.
Năm 1893, ông đề ra phương pháp mới tổng hợp glycosid từ alcol và đường. Ông sử dụng (1894) men trong tổng hợp các hợp chất hóa học và chứng minh rằng, hoạt tính của men phụ thuộc vào cấu tạo của chất nền.
Năm 1899 ông chuyển sang nghiên cứu protein. Năm 1901, ông đề ra phương pháp phân tích axit amino, dựa trên cơ sở chuyển chúng thành este không bị phân hủy nhờ chưng cất phân đoạn. Năm 1902, ông chứng minh bằng thực nghiệm rằng: các axit amino liên kết với nhau do tương tác của các nhóm cacboxyl và amino, có nước bị tách ra để tạo thành hợp chất mà ông gọi là polypeptid. Từ đó ông đã đặt nền móng vững chắc cho tổng hợp polypeptid và đã điều chế (1902) được dipeptid sạch đầu tiên.
Những năm cuối đời Fischer nghiên cứu các chất thuộc da. Phát hiện depsid như là hợp phần của tannin thủy phân. Năm 1913 tổng hợp các dẫn xuất của đường, tổng hợp (1914) glycosid của dãy purin.
Năm 1902, ông được trao giải thưởng Nobel về hóa học.
FUNK (1884 - 1967)
Nhà sinh hóa người Ba Lan, sinh ở Warszawa. Ông tốt nghiệp trường Tổng hợp Bern (Thụy Sĩ) năm 1904. Trong những năm 1904 - 1906, ông làm việc ở Viện Pasteur Paris, (1906 - 1911) ở Berlin, sau đó ở Viện ung thư London (1912 - 1914) và các Viện nghiên cứu khác nhau ở Mỹ (1916 - 1922). Từ năm 1923 ông là giám đốc bộ phận sinh hóa của quỹ Rockeffeler ở Warszawa. Những năm 1928 - 1936 là cố vấn về dược ở Paris, và từ năm 1936 ông là cố vấn khoa học của Viện Vitamin ở New York.
Các nghiên cứu chủ yếu của ông liên quan đến sinh hóa dinh dưỡng, vitamin học, hóa học của hormon. Ông đã trích từ cám chất giúp bồ câu khỏi bệnh viêm dây thần kinh, Funk đã đưa ra thuật ngữ “vitamin”, đưa ra các phương pháp dự phòng và chữa bệnh thiếu vitamin, nghiên cứu mối tác động qua lại của vitamin, hormon và men trong cơ thể.
GIAUQUE (1895 - 1982)
Nhà hóa lý người Mỹ, sinh tại Niagara Falls, Ontario, Mỹ. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp California, Berkeley. Năm 1920 là tiến sĩ và làm việc tại đó đến năm 1977. Ông chủ yếu nghiên cứu các tính chất nhiệt động học của các chất, đặc biệt là các khí ngưng tụ ở nhiệt độ siêu thấp. Từ 1920, ông thực hiện các nghiên cứu kiểm tra bằng thực nghiệm nguyên lý thứ ba nhiệt động học. Năm 1927, ông đề nghị phương pháp khử từ đoạn nhiệt để tạo nên nhiệt độ dưới 10K và phương pháp đo nhiệt độ siêu thấp và đạt được (1939) nhiệt độ 0,50K. Giauque thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm trong vùng nhiệt: độ 0,010K, tại đó chuyển động nhiệt của các nguyên tử hầu như biến mất. Điều đó cho phép ông xác định sự thay đổi năng lượng có liên quan tới các chuyển dịch trạng thái của chính các nguyên tử.
Ông còn nghiên cứu phổ phân tử của các khí khác nhau và chứng minh sự tồn tại của các đồng vị oxygen O-17, O-18. Năm 1949, ông được trao giải thưởng Nobel.
HANTZSCH (1857 - 1935)
Nhà hóa học hữu cơ người Đức, sinh tại Dresden. Ông tốt nghiệp trường cao đẳng kỹ thuật ở Dresden (1879). Hantzsch làm việc tại Đại học Tổng hợp Wurzburg (1880), là giáo sư của Đại học Bách khoa Zurich (từ 1882), Đại học Tổng hợp Wurzburg (từ 1893) và Đại học Tổng hợp Leipzig (1903 - 1927).
Ông nghiên cứu về tổng hợp hóa học và hóa học lập thể của hợp chất hữu cơ. Ông đã phát minh (1882) phản ứng điều chế các dẫn xuất của pyridin (tổng hợp Hantzsch), tổng hợp thiazol (1887), imidazol, axazol và selenozol. Năm 1890, cùng với Werner, ông xác định cấu trúc của các hợp chất chứa nitrogen kiểu oxim, azobenzen và đề xướng (1890) thuyết đồng phân lập thể của các phân tử có chứa nối đôi nitrogen - cacbon.
Ông giải thích sự tồn tại hai đồng phân của monooxim như là trường hợp đồng phân hình học. Từ năm 1907, ông nghiên cứu mối liên quan giữa màu sắc và cấu trúc của hợp chất hữu cơ. Để kiểm chứng các kết luận của mình, ông sử dụng rộng rãi các chỉ số vật lý (hấp thụ ánh sáng, khúc xạ phân tử, độ dẫn điện). Ông còn nghiên cứu (1917 - 1927) các axit cacboxylic và axit vô cơ, đưa ra phương pháp đánh giá lực axit; đề xướng (1923) thuyết axit giả và bazơ giả.
HARDEN (1865 - 1940)
Nhà hóa sinh người Anh, sinh tại Manchester. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Manchester (1885), Đại học Tổng hợp Erlangen (1887), nhận học vị tiến sĩ năm 1888.
Ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Manchester (1888 -1895). Những năm 1895 - 1897, ông là giám đốc Viện Kỹ thuật và đồng thời là thanh tra của Cục khoa học và nghệ thuật của vùng Nam Kingston. Những năm 1897 - 1930, ông làm việc tại Viện y học phòng ngừa Jenner ở London, đồng thời từ năm 1912 ông là giáo sư của Đại học Tổng hợp London.
Các công trình khoa học chính của ông dành cho hóa sinh và enzym học của quá trình lên men rượu. Trước năm 1897, ông chủ yếu nghiên cứu các vấn đề thuộc về lĩnh vực khoa học, viết nhiều sách giáo khoa và sách chuyên khảo. Từ năm 1900 ông đi vào nghiên cứu sự lên men. Ông xác định rằng zimaza gồm hai phần: phần enzym chính (men) không bền nhiệt và bị giữ lại trên phẫu học bằng gelatin, và phần bổ trợ bền nhiệt, lọc được. Năm 1904, ông phát minh coferment nicotinamidadenindinucleotid. Ông chứng minh rằng, để lên men rượu cần có photpho tham gia vào thành phần của hợp chất cơ - photpho - hexozodiphotphat - được tạo thành trong khi lên men. Các số liệu này đã cho phép ông lần đầu tiên giải mã phương trình cân bằng lên men rượu. Năm 1914, ông phát hiện thêm một ete photphoric của đường hexozomono photphat.
Ông đã chứng minh rằng photphat vô cơ thúc đầy quá trình lên men. Ông còn nghiên cứu hàng loạt ferment xúc tác cho sự lên men cacboxylas, catalas, peroxydas.
Năm 1929, ông được giải thưởng Nobel về hóa học.
HASSEL (1897 - 1981)
Nhà hóa lý người Na Uy, sinh và mất tại Oslo. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Oslo (1920), làm việc tại Đại học Tổng hợp Munich (1922 - 1923) và tại Viện Hóa lý và điện hóa Kaizer Wilhelm ở Berlin (1923 - 1924). Những năm 1925 - 1964 ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Oslo và từ năm 1934 ông là giáo sư.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông liên quan tới hóa học lập thể các hợp chất hữu cơ. Ông là một trong những người sáng lập ra môn phân tích cấu trạng.
Năm 1930, ông nghiên cứu cyclohexan bằng tia X và chứng minh rằng, vòng sáu cạnh có cấu trạng ghế bành. Ông phát triển phương pháp nhiễu xạ điện tử và áp dụng nó vào việc nghiên cứu phân tử của các chất phức tạp. Ông đề xướng danh pháp và ký hiệu các chất thế ở những vị trí khác nhau của vòng. Ông chứng minh rằng: không chỉ có cyclohexan mà cả các dẫn xuất của nó cũng tồn tại chủ yếu trong cấu tạo ghế bành, ông áp dụng các kết luận đó cho các hệ ngưng tụ vòng cyclohexan, và cả đối với các loại đường ở dạng pyranos.
Từ năm 1953, ông nghiên cứu cấu tạo các phức chuyển điện tích.
Năm 1969, ông được trao giải thưởng Nobel về hóa học.
HAWORTH (1883 - 1950)
Nhà sinh hóa, hóa học người Anh, sinh tại Chorley. Năm 1910, ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Gottingen (Đức) làm việc tại trường Tổng hợp Manchester (1911).
Trong những năm 1912- 1920, ông là giáo sư trường Sinh Andrew ở Scotland. Sau đó ông lãnh đạo khoa hóa trường Tổng hợp Birmingham.
Nghiên cứu khoa học chủ yếu của ông tập trung vào tính chất hóa học của các cacbohydrat. Ông nghiên cứu phương pháp methyl hóa các cacbohydrat. Ông đã giải đoán được cấu trúc của các loại đường đơn như: glucoza, galactoza, mannoza... Ông cũng mô tả cấu trúc của chúng, qua đó phản ánh được cấu tạo hình học của các phân tử cacbohydrat này. Ông còn hoàn thành việc phân loại đường, cũng như nghiên cứu cấu tạo của các loại cacbohydrat phức như tinh bột, celluloza.
Năm 1933, ông đã tổng hợp được vitamin C.
Năm 1937, ông được trao giải thưởng Nobel về hóa học.
HEITLER (1904 - 1981)
Nhà vật lý và hóa học lý thuyết người Đức, sinh tại Karlsruhe. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Munich (1926) và bắt đầu làm việc tại đây; (1927 - 1933) làm việc tại Đại học Tổng hợp Gottingen. Ông di cư sang Anh, làm việc tại Đại học Tổng hợp Bristol (1983 - 1941). Từ năm 1941 là giáo sư của Viện nghiên cứu Viễn cảnh ở Dublin. Những năm 1949 - 1974, ông giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Zurich.
Ông nghiên cứu cơ học lượng tử, điện động lực học, vật lý tia vũ trụ, lý thuyết về lực hạt nhân, vật lý mezon. Cùng với London, ông đề xướng (1927) phương pháp tính gần đúng đối với độ dài và năng lượng liên kết trong ion phân tử và trong phân tử hydrogen (phương pháp Heitler - London). Công trình này đã đặt nền móng cho hóa học lượng tử.
HERZBERG (1904 - 1999)
Nhà vật lý và hóa lý Canada nhưng sinh tại Hamburg (Đức). Dưới sự hướng dẫn của H. Rau, ông đã nhận được bằng tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Darmstadt (1928). Sau đó, ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Gottingen (1928 - 1929), Đại học Tổng hợp Bristol (1929 - 1930), Đại học Kỹ thuật ở Darmstadt (1930 - 1935). Năm 1935, ông di cư sang Canada và làm giáo sư thỉnh giảng của Đại học Tổng hợp Saskatchewan (Saskatoon Canada). Những năm 1945 - 1948 ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Chicago (Hoa Kỳ).
Các công trình nghiên cứu khoa học của ông chủ yếu về phổ học phân tử và nguyên tử. (1929 -1930) ông nghiên cứu phổ của phân tử hai nguyên tử oxit cacbon, oxygen, photpho. (1930) ông xác định năng lượng phân li của phân tử oxygen O2. (1932 - 1935) ông nghiên cứu phổ điện tử, cấu trúc điện tử và hình học của các phân tử và đặc biệt là của các gốc tự do: CO, CN, BN, CH. Căn cứ vào phổ tứ cực hấp thụ, ông tìm thấy hydrogen phân tử trong khí quyển của các hành tinh (1933 - 1935) .
Ông xây dựng buồng hấp thụ của các khí quyển của các hành tinh (1946 - 1947). Phân biệt được phổ của các phân tử CO2, CO, NO, C2H2 và CH4 (1946 - 1948). Ông nghiên cứu phổ của hơn 30 gốc tự do có sử dụng các phương pháp hậu phát quang, quang phân liên tục và quang phân xung (1950-1970).
Năm 1971, ông được trao giải thưởng Nobel về hóa học.
HEVESY (1885 - 1966)
Nhà hóa học người Hungary, sinh tại Budapest. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Berlin và Freiburg. Ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Zurich, tại trường cao đẳng kỹ thuật ở Karlsruhe, tại Đại học Tổng hợp Manchester, tại viện radi ở Vien. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất ông phục vụ trong quân đội Áo - Hung. Những năm 1918 - 1920, ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Budapest. Ông là giáo sư của các Đại học Tổng hợp Copenhagen (1920 - 1926 và 1934 - 1943), Freiburg (1926 - 1984) và Stockholm (từ 1943).
Các công trình khoa học chủ yếu của ông thuộc lĩnh vực hóa phóng xạ. Năm 1913, cùng với Paneth, ông đề xướng phương pháp chất chỉ thị đồng vị. Tuy nhiên, phải đến sau khi phát minh các đồng vị phóng xạ nhân tạo thì khả năng của phương pháp này mới được thể hiện một cách đầy đủ. đồng thời với Soddy và Fajans, ông xác lập định luật dịch chuyển phóng xạ (1913).
Ông là người đầu tiên áp dụng (1923) chất chỉ thị phóng xạ vào sinh học để nghiên cứu sự phân bố của chì trong thực vật. Năm 1927, ông tiến hành phân loại các nguyên tố đất hiếm. Ông phát hiện (1931) hiện tượng bức xạ thứ cấp bởi các nguyên tố hóa học khi chiếu tia X lên chúng, đó là cơ sở của phân tích huỳnh quang. Năm 1982, ông đề ra phương pháp pha loãng đồng vị và áp dụng nó để xác định hàm lượng chì trong đá, Năm 1934, ông áp dụng đồng vị để nghiên cứu các quá trình hóa học và hóa sinh. Từ nghiên cứu sự phóng xạ nhân tạo của các nguyên tố đất hiếm, ông cùng với Levy phát minh (1936) phương pháp phân tích kích hoạt neutron.
Năm 1941, ông phát minh khả năng sử dụng nước nặng để xác định cân bằng nước trong cơ thể sống.
Năm 1943, Hevesy được trao giải thưởng Nobel về hóa học.
HODGKIN (1910 - 1994)
Nhà hóa học và hóa sinh người Anh, sinh tại Cairo (Ai Cập). Năm 1932, bà tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Oxford và giảng dạy tại trường.
Các công trình của Hodgkin đều tập trung trong lĩnh vực nghiên cứu cấu trúc không gian của phân tử bằng tia X. Bà đã phân tích khoảng hơn 100 steroit.
Năm 1934, cùng với Bernal, bà đã đề ra phương pháp nghiên cứu đơn tinh thể protit ngâm trong dung dịch cái bằng tia X. Trong những năm 1936 - 1956, bà đã nghiên cứu cấu tạo của insulin, peniciline, cholesterol, vitamin B12. Tiếp đó, bà nghiên cứu cơ chế hoạt động và các liên kết giữa nguyên tử cacbon và nguyên tử kim loại trong phân tử vitamin B12.
Năm 1964, Hodgkin được trao giải thưởng Nobel cho công trình tìm ra cấu trúc insulin, mặc dù nghiên cứu thực sự hoàn thành 5 năm sau đó.
HOFFMANN (1937 - )
Nhà hóa học người Mỹ, sinh tại Zloczów, Ba Lan (nay là Ukraina). Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Columbia (1958). Trước năm 1965, ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Harvard.
Từ 1965, ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Cornell (từ năm 1968 ông là giáo sư).
Ông chủ yếu nghiên cứu động học và cơ chế các phản ứng hóa học. Ông đã thực hiện (1964) sự phân tích và tính toán các hệ điện tử và xây dựng các vân đạo phân tử của các phân tử hữu cơ phức tạp. Ông tính toán năng lượng của các sản phẩm trung gian giả định của phản ứng, điều này cho phép lượng định năng lượng hoạt hóa và đi đến kết luận về cấu hình ưu thế của phức hoạt động. Cùng với Woodword, ông đề xướng (1965) nguyên tắc bảo toàn đối xứng vân đạo đối với các phản ứng thích ứng (nguyên tắc Woodword-Hoffmann).
Sau đó, ông nghiên cứu (1965 - 1969) khả năng ứng dụng của nguyên tắc này vào các phản ứng đơn phân tử với sự đóng vòng, vào các phản ứng hai phân tử của các hợp chất vòng.
Năm 1970, ông xác nhận bản chất vật lý của sự hình thành rào năng lượng trong quá trình chuyển hóa hóa học. Từ năm 1978, ông phát triển các nghiên cứu trong lĩnh vực hóa học lập thể của các phức một nhân và phức hai nhân của kim loại chuyển tiếp với các phối tử cacbonyl, thơm, olefin và acetylen.
Năm 1981, ông được nhận giải thưởng Nobel về hóa học.
HOUDRY (1892 - 1962)
Nhà hóa học và nhà công nghiệp hóa học sinh năm 1892 tại Domont, Pháp. Ông tốt nghiệp kỹ sư cơ khí ở trường dạy nghề trung ương (Paris).
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, ông là trung uý xe tăng trong quân đội Pháp. Năm 1923, ông tổ chức phòng thí nghiệm nghiên cứu quá trình xúc tác điều chế nhiên liệu lỏng từ than nâu. Năm 1930, ông chuyển đến Hoa Kỳ và làm việc trong hãng “Vacuum oil Corporation”, từ 1931, là chủ tịch hãng “Houdry Process corporation”.
Các công trình khoa học kỹ thuật của Houdry liên quan đến lĩnh vực craking dầu mỏ có xúc tác. Ông sáng tạo (1922 - 1927) phương pháp craking xúc tác dầu mỏ trên chất xúc tác alumosilicat. Năm 1936, ông xây dựng nhà máy craking đầu tiên. Những năm 1940, ông nghiên cứu phản ứng nhiệt phân xúc tác hydrocacbon dầu mỏ để điều chế monome cho sản xuất cao su tổng hợp. Năm 1948, ông đề xướng các phương pháp đốt nhiên liệu lỏng có xúc tác với mục đích nâng cao hệ số sử dụng của các thiết bị năng lượng. Ông đã ứng dụng các phương pháp này vào việc đốt nhiên liệu trong các động cơ đốt trong, sáng tạo bộ phận giảm thanh cho ôtô.
INGOLD (1893 - 1970)
Nhà hóa học người Anh, sinh tại London. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Hoàng gia thuộc Đại học Tổng hợp London (1913) và làm việc tại đây trong các giai đoạn 1913 - 1918, 1920 - 1924, 1930 - 1961.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông dành cho môn hóa lý hữu cơ. Từ năm 1920, ông nghiên cứu cấu trúc điện tử của các hợp chất thơm. Trong thời gian 1926 - 1984, ông phát triển lý thuyết chuyển dịch điện tử hoặc lý thuyết mezomer. Ông đề ra khái niệm về chất thử và phản ứng ái điện tử, ái nhân, hiệu chỉnh sự phân loại các hiệu ứng chuyển dịch điện tử, nghiên cứu nguyên nhân các hiệu ứng đó. Ông nghiên cứu cơ chế halogen hóa và hydrat hóa alken. Ông thực hiện (1933 - 1946) nghiên cứu thực nghiệm về động học của phản ứng thế tại nguyên tử cacbon bão hòa. Cùng với Prelog, ông sáng tạo ra hệ thống ký hiệu R và và S đối với các cấu hình không gian.
IPATLEFF (1867 - 1952)
Nhà hóa học hữu cơ Nga, sinh tại Moscow. Ông tốt nghiệp Học viện Pháo binh Mikhailov ở Peterburg (1892), và làm việc tại đó. Từ năm 1930, ông làm việc tại phòng thí nghiệm hóa học áp suất cao và nhiệt độ cao của Đại học Tổng hợp Northwestern, bang Illinois (Mỹ).
Ông nghiên cứu chủ yếu về xúc tác ở nhiệt độ cao và áp suất cao. Năm 1897, ông xác lập con đường mới để tổng hợp các hydrocarbon không no. Ông chứng minh (1901 - 1905) các hướng khác nhau của sự phân hủy chúng, làm cơ sở của các phương pháp mới để tổng hợp aldehyd, ete, olefin, và sau đó là các hydrocacbon dienic. Ông nghiên cứu các tính chất xúc tác của oxit nhôm - một trong những chất xúc tác phổ biến nhất trong hóa học. Ông đã thiết kế "bom Ipatieff” là tiền thân của các lò phản ứng và nồi cao áp kiểu mới đang sử dụng trong hóa học. Năm 1909, ông tiến hành các phản ứng vô cơ ở áp suất cao, trong đó việc tách kim loại ra khỏi dung dịch muối bằng hydrogen. Cùng với Filipov, ông chứng minh (1909) khả năng điều chế butadien từ rượu etylic trên chất xúc tác nhôm, với hiệu suất sản phẩm tới 3 - 5%, khởi xướng (1911) việc dùng chất xúc tác nhiều thành phần. Năm 1913, ông chứng minh khả năng điều chế polyelen với khối lượng phân tử khác nhau.
KARRER (1889 - 1971)
Nhà hóa học hữu cơ và hóa sinh người Thụy Sĩ, sinh tại Moscow (Nga). Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Zurich (1911). 1912 - 1918, ông làm việc tại Ban hóa học của Viện Y học thực hành.
Từ năm 1918, ông là giáo sư của Đại học Tổng hợp Zurich. Năm 1919, ông là giám đốc Viện Hóa học ở Zurich.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông dành cho nghiên cứu carotinoid, flavon, vitamin, aminoaxit.
Các công trình về antocyanin và thuốc nhuộm navonic (1926) đã đưa ông đến sự nghiên cứu có hệ thống carotinoid. Ông tách (1931) vitamin A từ phần cô đặc gan cá đã làm sạch và xác định cấu tạo của nó. Ông điều chế axit geronic và bằng cách đó đã chứng minh mối quan hệ giữa vitamin A và carotin (tiền vitamin A), cô lập (1989) vitamin K và xác định công thức cấu tạo tham gia nghiên cứu vitamin C. Ông đã tìm ra 50 alkaloid mới, nhiều chất trong số đó đã được ứng dụng trong y học.
Năm 1937, Karrer được trao giải thưởng Nobel.
LANGMUIR (1881 - 1957)
Nhà vật lý và hóa lý người Mỹ, sinh tại New York. Ông tốt nghiệp trường mỏ Đại học Tổng hợp Columbia ở New York (1903) và Đại học Tổng hợp Gottinghen. 1906 - 1909 ông giảng dạy tại Đại học Công nghệ Hoboken. Từ năm 1909, ông làm việc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu của công ty “General Electric” ở New York.
Các nghiên cứu hóa học chủ yếu của ông về phản ứng hóa học ở nhiệt độ cao và áp suất thấp, tương tác hóa học trong chất rắn, lỏng và trong màng bề mặt. Những năm 1909 - 1916, ông nghiên cứu hấp phụ khí trên bề mặt rắn và xác định sự tồn tại của ranh giới hấp phụ, đề xướng phương trình đường đẳng nhiệt hấp phụ (đường đẳng nhiệt Langmuir). Ông phát triển (1916) khái niệm về cấu tạo của các lớp hấp phụ đơn phân tử trên bề mặt chất lỏng và xác định cấu tạo công thức và kích thước của các phân tử, nghiên cứu các vấn đề lý thuyết về độ bền của các hệ keo.
Các công trình vật lý của ông liên quan đến sự phóng điện trong chất khí, vật lý plasma, điện tử, vật lý nguyên tử, hiệu ứng nhiệt trong chất khí, cấu trúc nguyên tử, sự phát xạ ion nhiệt. Nghiên cứu các quá trình xảy ra trong đèn điện tử, ông đã xác lập được định luật về mật độ dòng điện của phát xạ electron nhiệt (định luật Langmuir). Ông đã chế tạo máy chỉnh lưu gazotron. Năm 1911, ông nhận được hydro nguyên tử và đề xuất quá trình hàn kim loại trong ngọn lửa hydro (đèn khí hydro Langmuir).
Năm 1913 ông thiết kế áp kế phân tử. Năm 1916 ông thiết kế máy bơm chân không hơi thủy ngân ngưng tụ đầu tiên. Năm 1912 Langlnuir phát triển lý thuyết dẫn nhiệt. Năm 1919, ông nghiên cứu mô hình nguyên tử (mẫu nguyên tử Langmuir). Năm 1920 ông đã đưa ra khái niệm plasma và dao động plasma (dao động Langmuir).
Năm 1932 ông được nhận giải thưởng Nobel về hóa học.
LE BEDEV (1874 - 1934)
Nhà hóa học Xô viết, sinh tại Lublin (Ba Lan). Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Peterburg (1900), làm việc tại nhà máy chất béo của Peterburg, 1902 - 1904 ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Peterburg, 1904 - 1906, phục vụ trong quân đội. 1906 - 1916, trở lại Đại học Tổng hợp Peterburg. Từ năm 1916 ông là giáo sư của học viện quân y ở Petrograd (Leningrad) và đồng thời lãnh đạo phòng thí nghiệm dầu mỏ tại Đại học Tổng hợp Leningrad.
Các nghiên cứu khoa học chủ yếu của ông tập trung trong lĩnh vực polime hóa, đồng phân hóa và hydrogen hóa các hợp chất không no. Ông nghiên cứu (1908 - 1913) động học và cơ chế polime hóa nhiệt của hydrocacbon dienic thuộc dãy divinyl và allen, xác định điều kiện điều chế riêng biệt các dimer vòng của dãy cyclohexan và điều kiện điều chế polime, xác định sự phụ thuộc polime hóa vào cấu trúc của hydrocacbon ban đầu.
Năm 1910, ông điều chế mẫu cao su butadien tổng hợp. Từ năm 1914, ông nghiên cứu polime hóa hydrocacbon etylenic, về sau đã trở thành cơ sở của các phương pháp công nghiệp hiện đại sản xuất cao su butyl và polyisobutylen. Những năm 1926 - 1928, ông nghiên cứu phương pháp công nghiệp một giai đoạn sản xuất butadien từ rượu etylic bằng phản ứng xúc tác hiện đại dehydrogen hóa và dehydrat hóa trên chất xúc tác hỗn hợp kẽm - nhôm. Năm 1928 ông điều chế cao su tổng hợp bằng phản ứng polime hóa butadien dưới tác dụng của natri kim loại. Trên cơ sở này, ông đề ra phương pháp (1930) điều chế các sản phẩm bằng cao su. Ông còn đưa ra các phương pháp điều chế chất làm đặc mỡ bôi trơn từ các phân đoạn dầu mỏ, các loại mỡ này sẽ là nguyên liệu để sản xuất các loại nhớt cao cấp cho động cơ máy bay.
LELOIR (1906 - 1987)
Nhà hóa học Argentina, sinh tại Paris. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Buenos - Aires (1932). (1932 - 1935) và (1937 - 1943) làm việc tại Đại học Tổng hợp Buenos - Aires, (1935 - 1936) tại Đại học Tổng hợp Cambridge và (1943 - 1946) tại Đại học Tổng hợp Saint Louis (Hoa Kỳ).
Từ năm 1962 ông là giáo sư Đại học Tổng hợp Buenos - Aires. Các công trình khoa học chủ yếu của ông liên quan đến lĩnh vực hóa sinh hydratcacbon. Khi nghiên cứu sự trao đổi chất của mỡ, ông thu được chế phẩm không phải tế bào có khả năng oxy hóa axit béo trong ống nghiệm. Ông nghiên cứu cơ chế tăng áp động mạch có nguồn gốc từ thận, chứng minh sự tồn tại của yếu tố thể dịch làm tăng huyết áp. Ông đã chứng minh rằng để chuyển galacto thành gluco cần có sự epimer hóa sơ bộ tại nguyên tử cacbon thứ tư, cô lập một men đặc biệt gây nên sự chuyển hóa galacto - gluco đó.
Những năm 50, 60 ông nghiên cứu và phát hiện vài chục đường nucleteotit - diphotphat, thuộc loại dẫn xuất của purin và pyridimidin, tìm thấy một kiểu cơ bản của các phản ứng men dẫn đến sự tạo thành đường.
Nhờ những phát hiện đó ông đã giải thích được cơ chế sinh tổng hợp của nhiều hydrat cacbon, trong đó có glycogen (1959) và tinh bột (1960). Ông cũng nghiên cứu thận, bệnh cao huyết áp và đã tách được hypertensin là chất tiết từ thận bị suy yếu vào máu và làm gia tăng áp huyết máu.
Ông được nhận giải thưởng Nobel năm 1970.
LEWIS (1875 - 1946)
Nhà hóa lý nguời Mỹ, sinh tại Weymouth, Massachusetts. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Harvard (1896), làm việc tại đó đến năm 1900. Năm 1900 - 1901, ông học tại Đại học Tổng hợp Leipzig và Đại học Tổng hợp Gottingen. Năm 1904 - 1905, ông lãnh đạo cơ quan đo lường và cân với tư cách một nhà hóa học tại Văn phòng khoa học ở Manila (Philippines). (1907 -1912) ông là trợ lý giáo sư, sau đó là giáo sư của Đại học Công nghệ Massachusetts ở Cambridge. Từ năm 1912 ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Californa ở Berkeley.
Trong thời gian chiến tranh thế giới lần thứ nhất ông là đại tá hải quân Hoa Kỳ, nghiên cứu các phương pháp phòng hơi độc.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông dành cho nhiệt động học hóa học và thuyết cấu tạo chất, xác định năng lượng tự do của nhiều hợp chất. Ông nêu ra (1907) khái niệm hoạt độ nhiệt động học, độ bay hơi, sửa đổi các trình bày định luật khối lượng tác dụng do Guldberg và Waage đề xướng. Năm 1916, ông giải thích bản chất điện tử của liên kết hóa học không phân cực. Khái niệm của ông về đôi điện tử tổng quát tỏ ra rất thuận lợi đối với hóa học hữu cơ. Năm 1926, ông đề xướng thuyết mở rộng mới về axit như là chất nhận đôi điện tử, và về bazơ như chất cho đôi điện tử. Năm 1933, cùng với Spedding, ông nghiên cứu phương pháp điều chế nước cứng.
LIPSCOMB (1919 - 2011)
Nhà hóa học người Mỹ. Ông học tại Đại học Tổng hợp Kentucky và Đại học Công nghệ California (tiến sĩ năm 1946). (1946 - 1959) ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Minnesota (từ năm 1954 là giáo sư), từ năm 1959 tại Đại học Tổng hợp Harvard.
Lipscomb nghiên cứu chủ yếu sự liên quan giữa cấu trúc không gian và cấu trúc điện tử của phân tử với các tính chất vật lý, hóa học và sinh học. Trong nhiều năm, ông nghiên cứu các hợp chất chứa liên kết bor-hydrogen. Phát triển khái niệm về cách liên kết ba tâm hai điện tử và đưa ra thuyết cấu tạo của các hợp chất hydrurbor đa dạng của cacboran, heterocacboran.
Ông đã bổ sung các khái niệm cổ điển về tính đồng hóa trị. Ông đã phát triển phương pháp phân tích cấu trúc tia X nhiệt độ thấp, ứng dụng phương pháp này để xác định cấu trúc đa diện phức tạp của nhiều hợp chất hydrurbor và cacboran đã biết. Phương pháp này còn xác định được các tinh thể đơn giản của oxygen, nitrogen, photpho và hàng loạt các hợp chất vô cơ khác chỉ tồn tại ở trạng thái rắn ở những nhiệt độ rất thấp. Ông còn tiến hành các nghiên cứu về xúc tác men.
Lipscomb được giải thưởng Nobel năm 1976 khi tìm ra được cấu trúc của Boran..
MITCHELL (1920 - 1992)
Nhà hóa học người Anh, sinh tại Mitcham. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Cambridge (tiến sĩ 1950) và làm việc ở đó đến năm 1955. Giai đoạn 1955 - 1963, ông giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Edinburgh. Từ năm 1964, ông làm việc tại Viện Nghiên cứu Cornwall.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông dành cho nghiên cứu tính định lượng của phản ứng hóa sinh trong không gian của các vật chuẩn nội - tế bào tương đối xác định. Năm 1961 - 1966, ông đưa ra lý thuyết thẩm thấu hóa học của phản ứng photphoryl hóa và oxy hóa.
Năm 1976, ông được trao giải Nobel về hóa học.
MOORE (1913 - 1982)
Nhà hóa sinh người Mỹ sinh tại Chicago. Ông tốt nghiệp (1935) Đại học Tổng hợp Vanderbilt (bang Tennessee). 1935 -1938, ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Wisconsin.
Từ 1939 ông làm việc tại Viện Nghiên cứu Y học Rockfeller ở New York (từ 1952 - giáo sư).
Các công trình khoa học chủ yếu của ông được thực hiện với sự cộng tác của Stain, trong lĩnh vực cấu tạo protein. Năm 1951, ông phát triển phương pháp sắc kí trao đổi ion, áp dụng để cô lập và làm sạch ribonucleas.
Nhờ kết hợp các phương pháp sắc kí phân tích do các ông đề xướng, với phương pháp quang phổ minhydrin và ống góp phân đoạn tự động cũng do các ông đề xuất, các ông đã lập nên thủ thuật cho phép phân tích sản phẩm thủy phân protein trong thời gian hai tuần lễ.
Sử dụng cột nhựa trao đổi ion tổng hợp (sulfocation) cho phép các ông giảm thời gian đó còn một tuần lễ (những năm 1950). Sau đó (1958) các ông tự động hóa được quá trình và thời gian phân tích giảm xuống còn vài giờ. Moore và Stain xác định (1960) cấu trúc bậc một của ribonucleas có chứa 1876 nguyên tử C, H, N, O và S. Các ông cũng phát minh một nguyên lý quan trọng, theo đó các nhóm chức của axit min, tạo nên tầm hoạt động của men, có khả năng phản ứng cao không bình thường.
Ông được giải Nobel năm 1972.
MULLIKEN (1896 - 1986)
Nhà hóa lý người Mỹ sinh tại Newbuyport (bang Massachusetts). Ông tốt nghiệp Đại học Công nghệ Masschusetts ở Cambridge (1917) và Đại học Tổng hợp Chicago (tiến sĩ, 1921). Ông làm việc tại các Đại học Tổng hợp: Chicago (1921 - 1923) và Harvard (1923 - 1925). 1926 - 1928 tại Đại học Tổng hợp New York, từ 1928 tại Đại học Tổng hợp Chicago (từ 1931 - giáo sư). 1964 - 1971 ông là giáo sư của Đại học Tổng hợp bang Florida ở Miami.
Các công trình chủ yếu của ông liên quan đến hóa lượng tử. Ông là một trong những người sáng lập phương pháp obitan phân tử, đặt tiền đề cho khoa học lượng tử ông triển khai (1932 - 1935) phương pháp này cho trường hợp phân tử nhiều nguyên tử, sử dụng thuyết đối xứng để phân loại các vân đạo phân tử. Ông nghiên cứu cường độ tuyệt đối của các phổ phân tử, hiện tượng siêu liên hợp, áp dụng máy tính điện tứ để tính toán các hệ điện tử pi… Ông tham gia tạo nên một vài thế hệ chương trình máy tính, nhờ đó có thể thực hiện các tính toán phi thực nghiệm của các hợp chất khác nhau. Ông còn nghiên cứu (1919 - 1925) tách lọc các đồng vị và xác định chính xác (1912) điện tích của điện tử.
Ông được giải thưởng Nobel năm 1966.
NIEUWLAND (1878 - 1936)
Nhà hóa học hữu cơ người Mỹ, sinh tại Hansbeke (Bỉ). Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Notredame (1903).
1904 - 1918 ông giảng dạy môn thực vật ở Đại học Tổng hợp Notredame, từ năm 1918 ông là giáo sư hóa học hữu cơ tại đây.
Hướng chủ yếu của các nghiên cứu hóa học của ông là axetylen và sử dụng nó như cơ sở cho một loại cao su tổng hợp. Năm 1908, ông tiến hành thành công phản ứng polyme hóa axetylen trong dung dịch nước dưới ảnh hưởng của muối phức đồng(1), tạo thành một chất mới, mà mãi đến năm 1922 ông mới định danh được là trimer axetylen - divinyl - axetylen.
Cùng với Carothen, ông đưa ra phương pháp điều chế vinylaxetylen (1931), trên cơ sở đó điều chế cloropren (1982) cao su tổng hợp đầu tiên của Mỹ (neopren).
Năm 1933, ông tiến hành tổng hợp (x-axetoxiketon bằng cách axetylen hóa rượu acetylenic dưới tác dụng của hỗn hợp axit axetic, anhydrid axetic và este của trifluourbor (phản ứng Nieuwland).
NORTHROP (1891 - 1987)
Nhà hóa sinh người Mỹ, sinh tại Yonkers (New York, Mỹ). Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Columbia (1912), làm việc tại đó (1912 - 1915). Từ năm 1915, ông là giáo sư tại Viện nghiên cứu y học Rockfeller và Đại học Tổng hợp California ở Berkeley (1949 - 1959).
Các nghiên cứu khoa học chủ yếu của ông dành cho động học và cơ chế phản ứng của các phản ứng men và tính chất men. Ông đã cô lập được enzym phân giải protein ở dạng tinh thể sạch như: pepsin (1980), tripsin (1932) và các enzym khác. Năm 1941, ông cô lập được siêu vi trùng và chất kháng độc của bệnh truyền nhiễm biểu bì (diphtherion). Đồng thời với Samner, Northrop đã chứng minh (1937) bản chất protein của men.
Ông được giải thưởng Nobel năm 1946.
PANETH (1887 - 1975)
Nhà hóa học Đức, sinh tại Vien. Ông học các Đại học Tổng hợp: Munich, Glsgow và Vien (tiến sĩ, 1910). 1912 - 1918 ông làm việc tại viện radi ở Vien. Từ năm 1919, ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Hamburg, tại Đại học Tổng hợp Berlin. Từ năm 1929 ông là giáo sư của Đại học Tổng hợp Konigsberg. Sau khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, ông chuyển sang Anh quốc (1933). 1933 - 1988 ông giảng dạy tại Cao đẳng Hoàng gia về khoa học và công nghệ ở London và tại Đại học Tổng hợp Durham. 1943 - 1945 ông làm việc tại ngành hóa của Uỷ ban thống nhất Anh - Canada về năng lượng nguyên tử ở Montreal (Canada), từ năm 1953, tại viện hóa học Max Planck ở Mainz.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông liên quan đến hóa học phóng xạ và hóa học vô cơ. Cùng với Hevesy, ông đề xướng (1913) phương pháp chất chỉ thị đồng vị. Cùng với Fajans, ông trình bày (1913) nguyên tắc đồng kết tủa của các nguyên tố phóng xạ (nguyên tắc Fajans - Paneth). Ông đã tiến hành tổng hợp và đặc trưng hóa (1918 - 1920) các hydrur mới của các kim loại (bismut, chì, thiếc, poloni). Ông đưa ra (1917 - 1929) phương pháp chính xác đặc biệt để xác định vết heli. Kết quả là lần đầu tiên ông đã xác định được tuổi tuyệt đối của các thiên thạch. Từ năm 1929, ông tiến hành các nghiên cứu về gốc tự do.
PREGL (1869 - 1930)
Nhà hóa học phân tích và sinh lý học, sinh tại Ljubljana thuôc đế quốc Áo - Hung. Ông tốt nghiệp khoa y trường Đại học Tổng hợp Graz (1894). 1894 - 1910 ông làm bác sĩ nhãn khoa. Sau đó ông chuyển sang nghiên cứu khoa học.
1904, ông học hóa tại các trường Đại học Tổng hợp của Đức như: Tubingen, Leipzig và Berlin. 1910 - 1913 ông là giáo sư hóa y của Đại học Tổng hợp Innsbruck, sau năm 1913 ông về giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Graz.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông dành cho việc xây dựng các phương pháp vi phân tích các chất hữu cơ. Năm 1911, ông đề xướng các phương pháp phân tích vi lượng các chất hữu cơ bảo đảm độ chính xác cao. Năm 1913 ông giảm lượng chất phân tích đến 1 - 3mg. Ông đã thiết kế và chế tạo tất cả các thiết bị cần thiết cho các phương pháp này. Ông đề xướng các tổ hợp thuốc thử phân tích độc đáo, các phương pháp mới phân hủy các chất hữu cơ khi phân tích nguyên tố. Các phương pháp của ông dùng để phân tích các nguyên tố thường gặp trong hợp chất hữu cơ (cacbon, hydrogen, nitrogen, halogen, lưu huỳnh, photpho) nhiều nhóm chức khối lượng phân tử của các chất.
Ông được giải thưởng Nobel năm 1923.
PRELOG (1906 - 1998)
Nhà hóa học Thuỵ Sĩ, sinh tại Sarajevo, Bosna và Hercegovina, thời đó thuộc Đế quốc Áo - Hung. Ông tốt nghiệp Đại học Công nghệ Praha (1928). Năm 1929, ông làm việc tại phòng thí nghiệm tổng hợp của nhà máy G.J.Dríza ở Praha phụ trách sản xuất những hóa chất hiếm mà thị trường thời đó không có. Năm 1935, ông được mời tham gia phân khoa kỹ thuật của Đại học Zagreb.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông thuộc lĩnh vực hóa học lập thể, tổng hợp và nghiên cứu các hợp chất hữu cơ, trong đó có các chất kháng sinh. Năm 1938, Prelog đề ra phương pháp điều chế các hợp chất dãy quinnuclidin và các dẫn xuất azobicyclo khác bằng cách alkyl hóa nội phân tử các dẫn xuất chứa halogen tương ứng dưới tác dụng của kiềm (phản ứng Prelog).
(1947 - 1950), ông đã sử dụng phương pháp acyloinic để điều chế keton đại vòng với số lượng nguyên tử cacbon trong vòng từ 7 đến 18. Prelog có nhiều nghiên cứu về sự liên hợp trong hợp chất vòng, giải thích những hạn chế của thuyết vòng cổ điển. Năm 1950, ông trình bày nguyên tắc (nguyên tắc Prelog) về cấu hình ưu thế của các chất quang hoạt trong tiến trình chuyển hóa của chúng. Ông nghiên cứu (1962) phản ứng aceto phân xuyên vòng của cyclononyltosylat thành Cis và Trans - Cyclononen và cyclononanol. Cùng với Ingold, ông soạn thảo hệ thống ký hiệu R và S đối với các cấu hình không gian.
Ông được giải thưởng Nobel năm 1975.
RUZICKA (1887 - 1976)
Nhà hóa học hữu cơ người Thụy Sĩ, gốc Croatia. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật Karlsruhe (1910) và làm việc tại đó. Giai đoạn 1912 - 1925 và 1929 - 1957 ông làm việc tại Cao đẳng Kỹ thuật Zurich (từ 1923 - giáo sư). Những năm 1925 - 1926, ông làm việc tại xí nghiệp các chất thơm ở Geneva.
1926 - 1929 ông là giáo sư của Đại học Tổng hợp Utrecht (Hà Lan).
Các công trình khoa học chủ yếu của ông dành cho nghiên cứu sinh tổng hợp và cấu tạo của các hợp chất vòng béo (polymetylenic), trong đó có terpenoid (từ 1921).
Năm 1921, ông nghiên cứu phương pháp trực tiếp xác định khung cacbon của sesquiterpen, khi dehydrogen hóa sẽ chuyển thành hydrocacbon benzoic dễ dàng nhận điện. Ông tổng hợp (1920-1934) keton vòng béo với số nguyên tử cacbon trong vòng từ 8 đến 34. Khi nghiên cứu các azulen, ông đi đến kết luận (1926) rằng: những hợp chất này có họ hàng với các sesquiterpen chứa hệ thống vòng lạ. Ông xác định (1933) rằng ion chính là hỗn hợp của một số keton, chứ không phải là một hợp chất riêng rẽ. Ông đã tổng hợp các hormon androsteron (1934) và testosteron (1935). Ông trình bày (1958) nguyên tắc sinh di truyền của isopren, theo đó khung isopren là ranh giới đồng đẳng trong dãy terpen và của nhiều vitamin và hormon.
Ruzicka được giải thưởng Nobel năm 1939.
SABATIER (1854 - 1941)
Nhà hóa học người Pháp, sinh tại Carcassonne. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Toulouse (1877): 1878 -1880 ông làm trợ lý cho Berthelot ở College de France.
Năm 1881, ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Bordeaux, 1882 - 1980 tại Đại học Tổng hợp Toulouse (từ 1884 giáo sư).
Các hướng nghiên cứu khoa học chủ yếu của Sabatier là hóa nhiệt, xúc tác. Ông thực hiện (1878 - 1897) các nghiên cứu hóa nhiệt của sulfur, selenur, chlorur và bromur kim loại, nghiên cứu động học của phản ứng của các axit phosphoric, dựa trên khái niệm hằng số tốc độ. Cùng với Senderens ông sử dụng nickel, đồng, cobal, sắt làm chất xúc tác thay cho các kim loại quí.
Họ cùng nhau thực hiện (1897) hydrogen hóa etylen trong pha lỏng trực tiếp, một giai đoạn để tạo thành methane khi có mặt của chất xúc tác là nickel nghiền mịn, thực hiện (1899) hydrogen hóa xúc tác đối với các olefin khác, các hydrocacbon acetylenic và aromatic, trong đó có benzen - thành cyclohexan (1901). Ông nghiên cứu tổng hợp (1902) methane từ oxit cacbon và hydrogen trên chất xúc tác nickel. Ông xác định khả năng khử xúc tác của các oxit nitrogen và của các hợp chất nitrogen, nghiên cứu (1907 - 1911) sự chuyển hóa xúc tác của rượu, sử dụng kim loại nghiền mịn và oxit kim loại làm chất xúc tác. Ông thực hiện (1909) hydrogen hóa các axit hữu cơ chưa no có xúc tác trong pha khí. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu các phản ứng ngưng tụ xúc tác và đồng phân hóa, phản ứng kết hợp và tách halogenohydrogen, cracking.
Ông được giải thưởng Nobel về hóa học năm 1912.
SANGER (1918 - 2013)
Nhà sinh hóa người Anh, sinh tại Gloucestershire, Anh. Ông tốt nghiệp trường Tổng hợp Cambridge năm 1939, làm việc tại trường đến năm 1944. Từ năm 1951, ông làm việc tại khoa hóa protein thuộc ủy ban nghiên cứu về y học ở Cambridge, đồng thời từ năm 1954, ông lãnh đạo phòng thí nghiệm sinh học phân tử thuộc trường tổng hợp Cambridge.
Các nghiên cứu khoa học chính của ông liên quan đến cấu trúc bậc 1 của protein và trao đổi chất của protein và nucleic axit. Ông đã xây dựng phương pháp xác định cấu trúc bậc 1 của phân tử protein bằng cách tách dần các amino axit ra khỏi phân tử protein rồi dùng phương pháp sắc ký để xác định chúng. Năm 1954 bằng phương pháp này, ông đã tìm ra được cấu trúc bậc 1 của insulin, gồm 2 chuỗi polypeptid nối với nhau bằng cầu nối disulfid. Năm 1977, ông đã đề ra phương pháp mới xác định cấu trúc bậc 1 của nucleic axit dựa trên sự tổng hợp bằng enzym.
Ông là người đầu tiên được nhận giải thưởng Nobel về hóa học tới 2 lần vào năm 1958, năm 1980 và đang là người duy nhất có thành tích này.
SODDY (1877 - 1956)
Nhà hóa phóng xạ người Anh, sinh tại Eastbourne. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Oxford (1898). (1900 - 1902) ông làm việc tại Đại học Mac-Gill ở Montreal (Canada), (1903 - 1904) ở Đại học Tổng hợp London. (1904 - 1914) ông giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Glasgow. Ông làm giáo sư của Đại học Tổng hợp Aberdeen (1914 - 1919) và của Đại học Tổng hợp Oxford (1919 - 1936).
Ông nghiên cứu chủ yếu về phóng xạ. Cùng với Rutherford, ông phát minh (1902) nguyên tố phóng xạ mới thori - X (radi 224) và chứng minh tính trơ hóa học của hai khí phóng xạ - radon 220 và radon 222, xây dựng (1902) các cơ sở của thuyết phân rã phóng xạ, đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của học thuyết về phóng xạ. Cùng Rutherford, ông trình bày (1903) định luật chuyển hóa phóng xạ dưới dạng công thức toán học và đưa ra khái niệm "chu trình bán rã". Cùng với Ramsay, ông chứng minh (1903) rằng: khi phân rã phóng xạ radi và radon heli được tạo thành. Các cố gắng sắp xếp nhiều sản phẩm phóng xạ của sự chuyển hóa urani và thori vào hệ thống tuần hoàn các nguyên tố chỉ thành công sau khi Soddy đưa ra (1911) khái niệm về chất đồng vị. Độc lập với Fajans và Heresy, ông trình bày (1913) nguyên tắc chuyển dịch phóng xạ. Độc lập với Hahn và Meitner, ông phát hiện (1917) Protactini. Sau năm 1919, ông chủ yếu nghiên cứu các vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị, cũng như các vấn đề cơ học và toán học.
Ông được giải thưởng Nobel hóa học năm 1921.
STANLEY (1904 - 1971)
Nhà hóa sinh và nhà virus học người Mỹ, sinh tại Ridgeville (bang Indiana). Ông tốt nghiệp cao đẳng ở Richmond (1926). Sau đó, ông vào học ở Đại học Tổng hợp Illinois, đậu bằng thạc sĩ khoa học năm 1927 và đậu bằng tiến sĩ năm 1929.
Ông làm việc tại Đại học Illinois (1929 - 1930), Đại học Tổng hợp Munich, Đức (1930 - 1931), Viện Nghiên cứu Y học Rockfeller ở New York (1931 - 1932), Viện Rock-feller ở Princeton (1932 - 1948). Từ năm 1948 ông là giáo sư của Đại học Tổng hợp California.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông dành cho điều chế enzym và protein của virus ở dạng sạch và nghiên cứu bản chất của chúng. Ông đã phân lập (1934) được virus không phải bằng thủ thuật vi sinh cổ điển, mà bằng kết tinh từ dịch chất lỏng (phương pháp của Sumner và Morton). Từ một tấn lá thuốc lá bị nhiễm virus bệnh khảm thuốc lá, ông tách được vài giam virus tinh thể có khả năng gây bệnh cho cây khoẻ mạnh, điều chế được chất tinh thể sống. Ông chứng minh rằng (1935) nó là vật thể protein. Ông xác định rằng: virus bệnh khảm thuốc lá chứa các sợi axit nucleic và 2200 đơn vị protein.
Ông giải mã tính liên tục của tất cả 158 gốc axit amin của virus khảm thuốc lá. Phân lập và nghiên cứu (1955) virus polymielit.
Ông được giải thưởng Nobel năm 1946.
STAUDINGER (1881 - 1965)
Nhà hóa học người Đức, sinh tại Worms. Ông học tại Đại học Halle và là tiến sĩ năm 1903. Những năm 1903 - 1907 ông làm việc ở Đại học Strasbourg. 1908 - 1912, là giáo sư của trường Cao đẳng Kỹ thuật Karlsruhe, 1912 - 1926 của trường Cao đẳng Kỹ thuật Zurich. Từ năm 1926, ông làm việc tại phòng thí nghiệm hóa học trong Đại học Tổng hợp Freiburg.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông liên quan đến hóa học polyme. Năm 1905, ông tìm ra keten, tổng hợp đại biểu đầu tiên của lớp hợp chất này là diphenylketen. Cùng với Ruzicka, ông cô lập (1924) pyrethrin từ thuốc trừ sâu. Ông chứng minh (1922) polyme là những hợp chất bao gồm các phân tử lớn (đại phân tử), mà các nguyên tử trong đó liên kết với nhau bằng các nối đồng hóa trị. Ông đã đưa ra khái niệm về mạch polyme phân nhánh và mạng không gian ba chiều. Ông đã chứng minh sự phụ thuộc giữa khối lượng phân tử polyme và độ nhớt của dung dịch, đưa ra phương pháp đo độ nhớt để xác định khối lượng phân tử.
Ông được giải thưởng Nobel về hóa học năm 1953.
SVEDBERG (1884 - 1971)
Nhà hóa học Thụy Điển, sinh tại Valbo. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Uppsala (1907), làm việc tại đó (từ 1921 - giáo sư). Từ 1949 ông làm giám đốc Viện Hóa học Hạt nhân ở Uppsala.
Các nghiên cứu khoa học chủ yếu của ông dành cho hóa keo, xác định kích thước và công thức phân tử điện di, khẳng định bằng thực nghiệm (1907) lý thuyết chuyển động Brown của Einstein và Smoluk-hovski. Ông chứng minh (1907) sự tồn tại các phân tử và đặt nền móng cho các khái niệm động học phân tử hiện đại. Ông xác định (1907) các hệ số khuếch tán trong dung dịch keo của vàng, lưu huỳnh và các nguyên tố khác; thiết lập (1919) phương pháp siêu ly tâm để tách các phần tử keo từ dung dịch và thiết kế (1923) máy siêu ly tâm để nghiên cứu các sợi phân tán cao. Ông đã xác định (1925) khối lượng phân tử của hemoglobin và của các protein khác. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai ông nghiên cứu phương pháp công nghiệp sản xuất cao su tổng hợp.
Ông được giải thưởng Nobel năm 1926.
SYNGE (1914 - 1994)
Nhà hóa sinh người Anh, sinh tại Liverpool. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Cambridge (1936). 1941 - 1943, ông làm việc tại Hiệp hội công nghiệp len. Từ năm 1943, ông làm việc tại viện Lister ở London, từ năm 1948, ông làm việc tại Viện nghiên cứu ở Aberdeen; 1967 - 1976, ông làm tại viện thực phẩm ở Northwich.
Các công trình khoa học của ông chủ yếu dành cho nghiên cứu các quá trình chiết tách các hợp chất quan trọng có hoạt tính sinh học, cho hóa học phân tích protein.
Cùng với Martin, ông thiết kế và chế tạo (1941) thiết bị chiết ngược dòng để tách các axitamin. Do thiết bị này phức tạp và không thuận lợi khi sử dụng, nên các ông sáng tạo (1944) phương pháp mới - sắc ký lỏng sử dụng cho các mục đích khi nghiên cứu protein và các chất kháng sinh. Ông nghiên cứu hóa học phân tích các chất kháng sinh pepsin thuộc nhóm gtamicydic, nghiên cứu đặc điểm đồng hóa protein của động vật nhai lại, nghiên cứu hóa sinh của vi sinh vật và của pepsin, hoàn thiện các phương pháp hóa lý làm sạch các sản phẩm trung gian của trao đổi chất protein, cũng như các phương pháp tách các cấu tử độc của spodesmin.
Synge được giải thưởng Nobel năm 1952.
TISELIUS (1902 - 1971)
Nhà hóa học Thụy Điển, sinh tại Stockholm. Ông tốt nghiệp Đại học Uppsala (1925) và sau đó làm việc tại đây. Từ năm 1938, ông là giáo sư.
Các công trình nghiên cứu khoa học của ông tập trung trong lĩnh vực hấp thụ và điện di. Những năm 1931 - 1935, ông đề ra phương pháp sắc ký hấp phụ hàng ngang, phân tích định tính và định lượng các hỗn hợp chứa axit amin, peptid, cacbohydrat. Từ các kết quả nghiên cứu về điện di, ông đề xuất phương pháp phân tích điện di đối với các chất keo sinh học với các biến tướng của nó (vi điện di, điện di trên giấy, điện di miễn nhiễm). Ông chế tạo dụng cụ điện di đặc biệt và áp dụng phương pháp điện di để giải quyết hàng loạt các nhiệm vụ của hóa sinh, nghiên cứu và tách huyết thanh bình thường và huyết thanh bệnh lý, nghiên cứu các protein sạch và hỗn hợp của nó, các men, nucleoproteid các axit nucleic và axit amin.
Nhờ phương pháp điện di miễn nhiễm, ông đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu cấu trúc protein của huyết tương bình thường, từ đó cô lập được ba protein khác nhau.
Ông được trao giải thưởng Nobel năm 1948.
TODD (1907 - 1997)
Nhà hóa học hữu cơ người Anh, sinh tại Cathcart, Glasgow, Scotland. Ông học tại Đại học Tổng hợp Glasgow, Frankfurt-am-Main và Oxford. Ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Oxford (1931- 1933), Edinburgh (1934 - 1985), Học viện Lister ở London (1936 - 1937). Giai đoạn năm 1988 - 1944, ông làm việc tại phòng thí nghiệm hóa học của Đại học Tổng hợp Manchester. Những năm 1944 - 1971, ông là giáo sư của Đại học Tổng hợp Cambridge, Chủ tịch hội đồng cố vấn của chính phủ Anh về chính sách khoa học (1952 - 1964).
Các công trình khoa học chủ yếu của ông liên quan đến hóa học nucleotit, coenzym nucleotit và axit nucleic.
Ông đã xác định (1939 - 1941) dạng furanose của ribose và cấu hình 13 của trung tâm flycosid; tổng hợp (1941-1944) tất cả các ribonucleotit và desoxyurindin. Năm 1947, ông tiến hành tổng hợp axit nucleotidadenic, thực hiện photphoryl hóa để thu được adenozildiphotphat và adenoziltriphotphat. Cùng với Khorana, ông (1953) tổng hợp các pyrophotphat. Năm 1953, ông công bố nghiên cứu sơ đồ cơ bản cấu tạo của các axit ribonucleotit.
Todd được trao giải thưởng Nobel năm 1957.
WALDEN (1863 - 1957)
Nhà hóa lý người Nga sinh tại Livonia (Latvia). Ông tốt nghiệp Đại học Bách khoa Riga (1889) và Đại học Tổng hợp Leipzig (1891). Từ năm 1894, ông là giáo sư tại Đại học Bách khoa Riga. Giai đoạn 1911 - 1919, ông làm việc tại phòng thí nghiệm hóa học của Viện Hàn lâm Peterburg, Những năm 1919 - 1934, ông là giáo sư của Đại học Tổng hợp Rostock.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông liên quan tới hóa lý và hóa lập thể. Năm 1888, ông xác định sự phụ thuộc sự dẫn điện của dung dịch nước của muối vào khối lượng phân tử của chúng. Năm 1889, ông chứng minh rằng: khả năng ion hóa của các dung môi không phải nước tỉ lệ thuận với độ thẩm thấu điện môi của chúng.
Năm 1898, ông nghiên cứu hiện tượng lưu thông của các hợp chất quang hoạt. Năm 1903, ông phát hiện các hợp chất quang hoạt trong dầu mỏ. Năm 1910, ông đưa ra khái niệm solvat hóa và thực hiện các nghiên cứu nghiệm số của muối kép trong dung môi yếu.
WALLACH (1847 - 1931)
Nhà hóa học hữu cơ người Đức, sinh tại Konigsberg (Estonia). Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Konigsberg (1869). Từ năm 1870, ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Bonn (từ năm 1876, ông là giáo sư). Những năm 1889 - 1915, ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Gottingen.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông dành cho hóa học các hợp chất vòng béo và terpen. Năm 1880, ông nghiên cứu sự chuyển vị của hợp chất azoxy. Ông nghiên cứu tác dụng các thuốc thử vô cơ lên terpen, nhận được các sản phẩm dễ kết tinh. Năm 1891, ông tách và nghiên cứu tính chất của limonen, fellandren, fenchon, terpinolen, terpineol và các terpen khác. Ông chứng minh (1906 - 1908) rằng: etylidencyclohexan bị đồng phân hóa khi có các tác dụng xúc tác của axit thành etylcyclohexen - 1. Năm 1909, ông nghiên cứu phản ứng khử aldehyd và keton bằng hỗn hợp các amin bậc nhất và bậc nhì với axit formic.
Ông được giải thưởng Nobel năm 1910.
WERNER (1866 - 1919)
Nhà hóa học Thuỵ Sĩ, sinh tại Mulhouse, Alsace, Pháp. Ông tốt nghiệp Đại học Zurich (1889). Những năm 1890 - 1892, ông làm việc tại phòng thí nghiệm của Berthelot ở Collège de France. Giai đoạn 1898 - 1915 ông là giáo sư của Đại học Zurich.
Các nghiên cứu chủ yếu của ông tập trung trong lĩnh vực hóa học phức chất. Cùng với Hantzsch, ông xác định (1890) cấu trúc của các chất chứa nitrongen kiểu oxim và azobenzen và đề xướng (1890) thuyết đồng phân lập thể của các phân tử chứa nối đôi nitrogencacbon. Năm 1893, ông phát triển thuyết phối trí về cấu tạo của các hợp chất phức, bác bỏ các khái niệm về số hóa trị cố định. Ông đã hệ thống hóa tất cả các hợp chất phức đã biết từ trước cho đến thời điểm này và đưa ra các phương pháp thực nghiệm để xác định thành phần và cấu tạo của chúng. Ông tiến hành các nghiên cứu về cấu trúc hình học và quang hoạt của phức chất. Năm 1907, ông xây dựng thuyết mới về axit và bazơ là tiền đề của thuyết xúc tác axit và bazơ của Bronsted.
Ông được giải thưởng Nobel hóa học năm 1913.
WIELAND (1877 - 1957)
Nhà hóa học hữu cơ người Đức, sinh tại Pforzheim. Ông học tại Đại học Kỹ thuật Munchen (1896), Berlin (1897), và tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Stuttgart (1898). Sau đó, ông làm việc tại Đại học Tổng hợp Mucich (1899 - 1917 và 1925 - 1952; từ 1909 giáo sư), tại viện hóa học ở Berlin (1917 - 1918), tại Đại học Freiburg (1921 - 1925).
Các công trình khoa học chủ yếu của ông liên quan đến hóa học steroid, alkaloid, chlorophyl và hemoglobin. Ông nghiên cứu (1910-1920) cơ chế phản ứng oxy hóa khi có mặt chất xúc tác chứa sắt. Năm 1910, ông thực hiện sự chuyển hóa các axit mật, axit cholic, axit desoxy-cholic, acidlitocholic, axit cholanic và xác định bản chất của các hợp chất này. Đồng thời với Windaus phát hiện (1913-1915) quan hệ giữa cholesterol với các axit mật và đề nghị công thức của cholesterol và axit cholic.
Ông sử dụng (1926) phản ứng tách của Barbier trong tổng hợp axit mật. Phản ứng tách Barbier - Wieland được ứng dụng rộng rãi trong tổng hợp hormon steroid. Từ năm 1921, ông nghiên cứu các alkaloid nhóm lobelin và đề xướng công thức của chúng.
Wieland nhận giải thưởng Nobel năm 1927.
WILLSTATTER (1872 - 1942)
Nhà hóa học hữu cơ Đức, sinh tại Karlsruhe, Baden. Ông tốt nghiệp Đại học Munich (tiến sĩ, 1894).
Ông giảng dạy tại đây (1894- 1905 và 1916 - 1925), tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Zurich (1905 - 1912), Viện Hóa học Kaizer Wilhelm ở Berlin. Từ năm 1925, ông làm việc tại phòng thí nghiệm riêng ở Munich. Năm 1939, do ảnh hưởng của chính phủ phát xít, ông rời khỏi Đức và sang Thụy Sĩ.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông liên quan đến hóa học các hợp chất thiên nhiên và hóa sinh. Năm 1897, ông xác định cấu trúc của cocain, (1898) của tropiliden và (1901) tổng hợp hợp chất này. Những năm 1901-1905, ông nghiên cứu sự chuyển hóa lẫn nhau của các alkaloid thuộc nhóm tropin, giải mã cấu trúc của ecgonin, điều chế tropin từ tropilin xác định công thức của tropin, tổng hợp tropinon. Năm 1905, ông nghiên cứu alkaloid của cây lựu Punica granatum - pseudopeltierin. Ông tách (1907 - 1911) chlorophyll tinh thể và xác định công thức của chlorophyll a và cấu trúc của các mảnh riêng biệt của nó. Ông đã tổng hợp cyclobutan, cyclooctan và cyclooc-tatetraen, nghiên cứu quinon, quinonimin, các dẫn xuất của piron, các hydrocarbon vòng 4 cạnh và 8 cạnh. Năm 1904, ông đưa ra phương pháp điều chế O - benzoquinon. Năm 1913, ông cô lập bột màu đỏ của máu, tách và nghiên cứu chất màu của nhiều hoa và quả, tổng hợp các antocyan quan trọng nhất - pelargoniden, delfinidin, cyanidin, nghiên cứu các men. Năm 1929, ông thực hiện thủy phân celluloza và phân lập polysacarid riêng biệt, nghiên cứu cấu tạo của he min.
Ông được giải thưởng Nobel năm 1915.
WINDAUS (1876 - 1959)
Nhà hóa học hữu cơ và hóa sinh người Đức, sinh tại Berlin. Ông học tại Đại học Tổng hợp Berlin (1895) và Freiburg (1897 - 1913). Từ 1906, ông là giáo sư tại Innsbruck (1913 - 1915) và Gottingen.
Các công trình khoa học chủ yếu của ông dành cho nghiên cứu cấu tạo steroid, nhất là cholesterol bằng digitomn. Đồng thời với Wieland, ông phát hiện quan hệ giữa cholesterol với axit mật và đề xướng các công thức của cholesterol và axit cholic (1913 -1915).
Ông xác định được công thức của alkaloid colchicin từ rễ cây colchicum autumnale. Năm 1932, ông xác định sự tạo thành vitamin D3 từ ergosterol dưới tác dụng của tia tử ngoại. Ông nghiên cứu các glycosidtim, sapomn, itoxygenin các aglicon khác. Ông đã giải mã cấu trúc của tigogenin, itogenin.
Ông được giải thưởng Nobel năm 1928.
MARKOVNIKOV (1838 - 1904)
Vladimir Vasilevich Markovnikov (sinh ngày 22 tháng 12 năm 1838 tại Nizhny Novgorod - mất tháng 2 năm 1904) là một nhà hóa học người Nga.
Markovnikov được biết đến nhiều nhất là nhờ quy tắc Markovnikov, được ông phát triển năm 1869. Quy tắc này là hữu ích trong dự đoán cấu trúc phân tử của các sản phẩm trong các phản ứng cộng. Do ông không xuất bản công trình của mình bằng bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Nga nên công trình của ông mãi cho tới năm 1889 vẫn chưa được thế giới biết đến.
Phát triển học thuyết cấu trúc hóa học của A. M. Butlerov, ông nghiên cứu ảnh hưởng lẫn nhau của các nguyên tử trong các hợp chất hữu cơ và thiết lập một số quy tắc (trong đó có quy tắc kết hợp của các halogenua hydro với các hydrocacbon không no với liên kết đôi và liên kết ba, sau này mang tên ông vào năm 1869 là quy tắc Markovnikov). Năm 1865, ông cũng phát hiện ra đồng phân của các axit béo. Từ đầu thập niên 1880, ông nghiên cứu về dầu mỏ ở khu vực Kavkaz, phát hiện ra naphten (ankan vòng) trong hóa hữu cơ bằng các phát hiện ra các vòng cacbon với trên 6 nguyên tử, vòng với 4 nguyên tử cacbon năm 1879 và vòng với 7 nguyên tử cacbon năm 1889.
Ông là một trong những người thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hóa chất tại Nga và là một trong những người tổ chức ra Hiệp hội Hóa học Nga năm 1868.