L
ibic sinh năm 1803 tại Darmstart, thủ phủ bang Hessen, Đức trong một gia đình khá giả. Cha Libic có một xưởng sản xuất thuốc nhuộm, sơn, xà phòng. Thời kỳ Napoleon lên nắm quyền, trên thị trường đường rất khan hiếm. Do nhà Libic tính trước được đã gom hàng vào và thời gian này tung ra bán nên lãi to, sống rất sung túc.
Libic ngoan ngoãn nhưng thành tích học tập lại có phần kém cỏi so với các học sinh khác trong lớp. Các môn học như tiếng Latinh, tiếng La Mã, văn học cổ điển không gây được hứng thú cho cậu nên năm 15 tuổi, Libic bỏ học.
Tuy ghét các môn học kể trên nhưng Libic lại rất say mê môn hóa học. Libic như bị thôi miên khi nhìn thấy màu sắc rực rỡ trong xưởng nhuộm. Libic có thể ngồi hàng giờ theo dõi công việc trong xưởng. Thấy con trai ham mê hóa học, cha Libic liền mua về cho cậu rất nhiều sách hóa học và Libic đọc rất say sưa.
Lúc đầu Libic theo học nghề chế thuốc nhưng chẳng bao lâu cậu chán vì đã thuộc lòng cách thức pha chế nên xin cha cho theo học đại học.
Năm 1820, Libic vào học Đại học Bonn và tự nhận thấy kiến thức của mình có nhiều lỗ hổng lớn. Vì thế, Libic ra sức ngày đêm học tập.
Năm 1822, do tham gia vào hội đoàn sinh viên, Libic bị săn đuổi và phải trở về quê hương, tiếp tục theo học Đại học Erlangen. Một thời gian sau, Libic tới học tại trường Sorbonne và được tham gia vào đề tài nghiên cứu hóa học, được đánh giá cao. Năm 1824, Libic nhận học vị tiến sĩ.
Thời gian này, Libic làm phó giáo sư đại học Giessen. Nhận thấy phòng thí nghiệm hóa học ở đây quá lạc hậu, Libic đề xuất xây dựng một phòng thí nghiệm hiện đại, vận dụng các thành tựu mới nhất trong giảng dạy và chỉ đạo sinh viên thí nghiệm. Phòng thí nghiệm của Libic lúc đó nổi tiếng châu Âu. Từ đây, hàng loạt công trình khoa học có tiếng tăm ra đời. Libic đã phát hiện ra hiện tượng đồng phân, khẳng định lý thuyết gốc, và chất xúc tác, cùng với nhà hóa học Wohler xác định công thức của axit benzoic.
Từ năm 1831 đến 1833, ông hoàn thiện phương pháp định lượng cac bon và hyđro trong các hợp chất hữu cơ. Ông nhận thấy các phân tử axit hữu cơ không có các phân tử nước như thuyết nhị nguyên đã nói. Ông khẳng định các axit hữu cơ có khả năng tạo muối bằng cách thay thế hydro bằng kim loại và chứng minh axit có thể là axit một gốc, hai gốc, ba gốc. Và ông đề nghị phân loại các axit ấy.
Có nhiều giai thoại kể về cuộc đời nghiên cứu khoa học của Libic. Chuyện kể rằng một lần có một công ty hóa chất gửi mẫu tới phòng thí nghiệm của ông xin ý kiến ông về việc sử dụng phần nước còn lại sau khi chiết tách lấy iot từ rong biển. Libic cầm chai mẫu ngắm nghía và ỷ vào tài suy đoán sắc sảo của mình, bảo người phụ tá mang tới nhãn chai mới đề chữ hợp chất của clo và iot rồi dặn anh ta dán lên chai mẫu.
Một thời gian sau, trong tạp chí khoa học của Pháp có thông báo về một chất đặc biệt có trong rong biển – đó là chất muric (brom) của nhà hóa học Pháp đã gửi tới phòng thí nghiệm chai nước ngày nọ. Libic rất ân hận và đã tự lấy cái nhãn dán trên cái chai đó dán lên đầu giường để nhắc nhở mình phải cẩn thận hơn. Sau này ông viết: không nên vội vã kết luận khi chưa có số liệu khách quan, đáng tin cậy.
Năm 1834, Libic chuyển sang nghiên cứu lĩnh vực hóa học ứng dụng, cơ chế của các quá trình sinh lý, phát hiện ra một số loại muối vô cơ có thể làm tăng độ phì nhiêu của đất. Ông đã xác định được nguyên tố mà thực vật không thể thiếu để tăng sự sinh trưởng. Năm 1840, ông đã chế ra phân kali, phân lân ngay trong phòng thí nghiệm và đem bón ruộng. Tiếp đó ông đã chế ra loại phân vô cơ ở dạng khó tan, sau loại phân này gọi là phân libic.
Libic cho rằng, ông muốn các nghiên cứu khoa học của ông phải được kiểm chứng trên thực tế để mang lại hạnh phúc cho con người. Sau này, ông còn góp phần nghiên cứu nguyên nhân làm cho thực phẩm bị ôi thiu, phát minh ra chất bảo quản bằng hệ thống công nghệ chống biến chất thực phẩm. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu nhiều vấn đề quan trọng về quang học, và nhận được bằng phát minh về tráng bạc cho gương.
Tháng 4 năm 1873, Libic mất sau một cơn bệnh nặng. Ông được đánh giá cao là đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của nông nghiệp hiện đại.