R
obert Boyle sinh tại Lismore Castle, quận Waterford, thuộc Ireland năm 1627 trong một gia đình quý tộc, cha là bá tước Cork. Lúc nhỏ, Boyle học ở trường trẻ con quý tộc ở Eton và năm 12 tuổi, được gửi sang học ở châu Âu. Tại Geneve, Boyle học triết học, luật học và toán học rồi sau đó, đi du lịch sang Ý và nhiều nước châu Âu khác. Năm 1646, ông trở về sống ở Anh và hoàn toàn hiến mình cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học tự nhiên.
Năm 1654, Boyle chuyển đến Oxford và tiếp tục các công trình nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết về hóa học và vật lý. Năm 1668, ông lại chuyển về London hoạt động văn hóa và khoa học, đồng thời góp phần tích cực phát triển Hội Hoàng gia London (Viện Hàn lâm Khoa học Anh) mà tiền thân là một nhóm các nhà bác học ở Oxford tập hợp với nhau để thảo luận các vấn đề khoa học từ năm 1645.
Từ năm 1680, Boyle là chủ tịch Hội cho đến lúc mất. Boyle bắt đầu nổi tiếng nhờ phát minh ra định luật khí năm 1662 mà ngày nay gọi là định luật Boyle - Mariotte. Ông có nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực vật lý như hoàn thiện bơm không khí, nghiên cứu các hiện tượng quang học, nghiên cứu nhiệt, điện, âm học, thủy tĩnh học. Tuy nhiên, cống hiến chủ yếu của ông thuộc về lĩnh vực hóa học.
Boyle giữ vai trò đặc biệt to lớn trong việc sáng lập ra hóa học thực nghiệm. Ông nghiên cứu quá trình cháy và nhận thấy có một phần không khí tham gia vào quá trình này. Ông cũng nhận thấy sự tăng trọng lượng của kim loại khi oxy hóa lúc nung nóng. Ông còn nêu ra lần đầu tiên khái niệm “ái lực hóa học”. Các công trình nghiên cứu của Boyle được người đương thời rất chú ý và đánh giá như những đóng góp làm biến đổi hóa học từ một “nghệ thuật” trở thành một khoa học thực nghiệm.
Bên cạnh những hoạt động trên, vốn là một tín đồ ngoan đạo, Boyle đã viết nhiều luận văn thần học và những bài bình luận Thánh kinh. Vì mục đích tín ngưỡng tôn giáo, Boyle học nhiều ngôn ngữ phương Đông khác nhau và là người ủng hộ công cuộc truyền giáo ở Ấn Độ, cung cấp tài chính cho việc dịch và xuất bản Thánh kinh bằng tiếng Xentơ. Công trình chính của ông là các cuốn sách: “Nhà hóa học hoài nghi (1661), “Nguồn gốc của các vật thể và các chất theo thuyết hạt” (1666), “Luận án về lịch sử tự nhiên máu người” (1684) và “Luận văn về các sự vật ở trên lý trí”. Engels đã đánh giá Boyle là “đã làm cho hóa học trở thành khoa học”.
Ngoài định luật Boyle-Mariotte, ông còn có nhiều đóng góp khác cho vật lý và hóa học. Bằng các thí nghiệm ông đã chứng minh âm thanh không lan truyền được trong chân không, và vận tốc rơi của mọi vật trong chân không là như nhau (định luật rơi tự do của Galileo).
Ước mơ đầu tiên của Boyle là “Kéo dài sự sống” vì tuổi thọ trung bình lúc đầu thế kỷ XVII chỉ là 40. Sau này, thực tế chứng minh mơ ước của Boyle đã thành hiện thực và nó vẫn là đề tài nóng bỏng đối với các nhà khoa học ngày nay.
Giáo sư Jonathan Ashmore, thành viên Hội Hoàng gia, nói: “Các tiên đoán của Boyle về tương lai của khoa học khá đặc biệt. Niềm hi vọng của ông đối với việc chữa trị bệnh tật bằng cách cấy ghép, dùng thuốc giảm đau và trợ ngủ đã trở thành những đặc điểm cố hữu của nền y khoa đương thời và đây là những tiên đoán ông đã nêu ra cách đây tới 350 năm.
Quan điểm của Boyle trong hóa học được chấp nhận cho đến nay: các nguyên tố là những phần không thể chia cắt được của vật chất. Ông đã nhận ra được sự khác biệt giữa hỗn hợp và hợp chất, tiến hành nhiều thí nghiệm phân tích thành phần các chất, vì thế Boyle được coi là cha đẻ của chuyên ngành hóa phân tích. Trong thí nghiệm con chuột và đèn cầy năm 1660, cả hai trong cùng một lồng kín, khi đèn tắt cũng là khi chuột chết, lý do là thiếu khí oxy, nguyên tố mà hơn 100 năm sau mới được phát hiện. Với công trình đầu tiên - cuốn “Nhà hoá học hoài nghi” (1661) - ông đưa ra ý kiến là hóa học có nhiệm vụ trả lời vấn đề thế giới vật chất gồm những gì, thành phần các chất ảnh hưởng như thế nào lên tính chất của chúng. Những phản ứng do ông nghiên cứu và các chất do ông phát minh đã có ứng dụng rộng rãi trong thực tế. Các dụng cụ thí nghiệm do ông sáng tạo để xác định thể tích của chất khí và chất lỏng, cho đến nay vẫn được sử dụng. Những ý tưởng độc đáo, mới mẻ của ông đã kích thích sự phát triển của khoa học. Lý thuyết về sự phát sáng của photpho mà ông phác họa mãi đến những năm 20, 30 của thế kỷ XX mới được hoàn chỉnh.
Boyle được coi là người đồng sáng lập ra vật lý và hóa học hiện đại, cũng như các ngành khoa học tự nhiên khác qua nhiều thí nghiệm. Ông đã phát hiện ra mối liên hệ giữa áp suất và thể tích của chất khí qua định luật có tên ông.
Boyle mất ngày 30 tháng 12 năm 1691 tại London. Mộ ông được đặt trong khuôn viên một nhà thờ, nhưng sau đó bị tàn phá, đến giờ không còn lại dấu vết gì.