L
eonardo di ser Piero da Vinci là họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà giải phẫu, nhà sáng tạo và nhà triết học. Ông được đánh giá là một thiên tài toàn năng người Ý.
Leonardo sinh ngày 15 tháng 4 năm 1452 ở thị trấn Vinci vùng Tuscan, thuộc thung lũng hạ lưu sông Arno, lãnh thổ thuộc quyền cai trị của Medici - cộng hòa Florence.
Tên gọi của thành phố Vinci - nơi sinh của ông, nằm trong lãnh thổ của tỉnh Firenze, cách thành phố Firenze 30 km về phía Tây gần Empoli. Người ta gọi ông ngắn gọn là Leonardo vì “da Vinci” có nghĩa là “đến từ Vinci”, không phải họ thật của ông. Tên khai sinh của ông là Leonardo di ser Piero da Vinci có nghĩa là Leonardo, con của Ser Piero, đến từ Vinci.
Leonardo là người con ngoài giá thú của công chứng viên Ser Piero (lúc bấy giờ 25 tuổi) và cô gái nông dân 22 tuổi Catarina. Sau khi chia tay với Catarina, Ser Piero nhận nuôi dưỡng Leonardo. Leonardo lớn lên trong gia đình của người cha và phần lớn thời niên thiếu sống tại thành phố Firenze. Leonardo yêu thích nhất là âm nhạc, vẽ và tạo hình. Cha Leonardo đưa một vài tranh vẽ của con trai cho Andrea del Verrocchio xem, ông này ngay lập tức nhận thấy tài năng nghệ thuật của Leonardo và Ser Piero quyết định cho Leonardo theo học Verrocchio.
Verrocchio là một nghệ nhân hàng đầu trong nghề kim hoàn, điêu khắc và cũng nổi tiếng trong hội họa. Đặc biệt ông là một người thầy tài năng và Leonardo làm việc nhiều năm trong xưởng vẽ của ông.
Bức tranh “Rửa tội” do Verrocchio phác thảo cho các nhà tu của Vallombrosa hiện trưng bày tại Viện hàn lâm Firenze. Theo một số nhà phê bình nghệ thuật, thiên thần quỳ bên trái là do Leonardo thêm vào. Khi Verrocchio nhìn thấy hình ảnh này, ông đã nhận ra nghệ thuật của học trò hơn hẳn so với thầy và từ đấy ông tuyên bố vĩnh viễn từ bỏ hội họa.
Bức tranh lúc đầu vẽ bằng màu keo, sau bị vẽ dầu chồng lên nhiều lần nên kết luận thiên thần trong bức tranh là do Leonardo vẽ rất khó xác định. Một số ý kiến đáng tin cậy thiên về việc công nhận không những có dấu ấn của Leonardo trên khuôn mặt thiên thần mà còn thấy trong nhiều phần về y phục và phong cảnh phía sau, bởi những dấu ấn này rất đặc trưng, có thể tìm thấy trong các tác phẩm của Leonardo. Bức tranh được hoàn thành khoảng năm 1470, khi Leonardo 18 tuổi.
Năm 1472 tên của Leonardo có trong danh sách của phường hội họa sĩ thành Firenze. Leonardo sống và làm việc tại đây hơn chục năm và đến tận năm 1477, Leonardo vẫn còn được xem là học trò của Verrocchio. Tuy nhiên trong năm này Leonardo bắt đầu được Lorenzo de Medici nâng đỡ và ông làm việc như là một nghệ sĩ độc lập dưới sự bảo trợ của Lorenzo de Medici từ 1482 cho đến 1483.
Nhờ lời giới thiệu của Lorenzo de Medici với công tước Ludovico Sforza, Leonardo rời Firenze đến Milano vào khoảng năm 1483 để làm tượng đài kỵ sĩ tôn vinh Francesco I Sforza, người khởi đầu triều đại Sforza tại Milano.
Từ 1495 đến 1497 Leonardo vẽ một trong những bức tranh nổi tiếng. Đó là bức bích họa “Bữa ăn tối cuối cùng” trong nhà thờ Santa Maria delle Grazie, theo yêu cầu của Ludovico Sforza.
Thời gian sau đó, Leonardo hoàn thành bức họa “Mona Lisa”, bức chân dung của Lisa del Giocondo, vợ một thương nhân buôn bán tơ lụa tại Firenze. Tương truyền, đương thời Leonardo không thể rời bức tranh, ông mang bức họa này đi khắp các chặng đường đời sau đó. Sau khi Leonardo qua đời, vua François I của Pháp đã mua bức tranh với giá l4.000 đồng Florin vàng. Cho đến nay chưa có ai có thể sao chép lại được nụ cười trong bức tranh này.
Chấp nhận lời mời khẩn thiết của Charles d'Amboise, thống đốc vùng Lombardia của Pháp, Leonardo đã trở lại Milano. Vua Pháp Louis XII gửi tin yêu cầu Leonardo hãy đợi ông đến Milano vì ông đã xem một bức tranh nhỏ vẽ Đức Mẹ của Leonardo ở Pháp và hy vọng sẽ nhận được từ Leonardo các tác phẩm như vậy. Tháng 5 năm 1507 vua Louis XII đến Milano và Leonardo chính thức chuyển sang phục vụ cho Louis XII với chức danh họa sĩ cung đình. Theo những ghi chép còn lưu lại, thời gian bảy năm ở Milano, Leonardo làm việc rất ít trong lĩnh vực hội họa và kiến trúc. Thời gian này, ông đã nghiên cứu giải phẫu học với giáo sư Marcantonio della Torre. Bức chân dung tự họa bằng phấn đỏ hiện lưu trong Biblioteca Reale tại Torino có thể được vẽ vào khoảng thời gian này.
Tháng 6 năm 1512, triều đại Sforza trở lại nắm quyền ở Milano. Vài tháng sau đó Leonardo và các học trò của ông rời Milano đến Florence phục vụ cho gia đình Medici. Nhờ ảnh hưởng của Giuliano de Medici, một người bạn của Leonardo và là người em trai trẻ tuổi nhất của Giáo hoàng, Leonardo được cư ngụ trong Tòa thánh Vatican và có một xưởng vẽ riêng. Theo các nguồn tài liệu đáng tin, thời gian này Leonardo chỉ vẽ hai bức tranh panel nhỏ cho một viên chức trong tòa thánh.
Thời gian hơn 2 năm còn lại của cuộc đời, Leonardo sống trong lâu đài Clos Lucé gần Amboise. Ông đã vẽ nhiều bức tranh như “Leda và thiên nga” (hiện chỉ còn lại bản sao), phiên bản thứ hai của bức tranh Đức mẹ đồng trinh trong hang đá.
Một số tác phẩm hội họa của ông gồm: “Báo tin mừng” (1475 - 1480), “Thánh mẫu Benois” (1478 - 1480), “Đức mẹ đồng trinh trong hang đá” (1483 - 1486), “Người đàn bà và con chồn” (1488 - 1490), “Chân dung một nhạc sĩ” (khoảng 1490), “Madonna Litta” (1490 - 1491), “Bữa ăn tối cuối cùng” (1498), “Mona Lisa” (1503 - 1505/1507) và “Leda và thiên nga” (1508).
Trong họa phẩm “Mona Lisa”, các nhà khoa học đã nhận diện gương mặt của Mona Lisa với đủ sắc thái biểu cảm: hạnh phúc, sợ hãi, giận dữ, khinh bỉ. Chính sự mơ hồ trong nét thể hiện của người mẫu, sự lạ thường của thành phần nửa khuôn mặt, và sự huyền ảo của các kiểu mẫu hình thức và không khí hư ảo là những tính chất mới lạ góp phần vào sức mê hoặc của bức tranh.
Cho đến tận bây giờ, nhiều chuyên gia vẫn đặt câu hỏi trước sự bí ẩn trong nụ cười của nàng Mona Lisa. Có người nhìn thấy gương mặt nàng toát lên nét buồn, trầm ngâm; có người lại thấy nét láu lỉnh, cao ngạo trong nụ cười bí ẩn của nàng.
Bác sĩ nha khoa kiêm chuyên gia hội họa Joseph Borkowski cho rằng, vẻ mặt của Mona Lisa là vẻ mặt rất điển hình của những người đã bị gãy hàm răng trước. Còn vị bác sĩ người Nhật Nakamura lại phát hiện ra vết tổn thương ở góc mắt trái của Mona Lisa và khẳng định, người phụ nữ trong tranh của Leonardo da Vinci dễ bị bệnh tim và đã mắc bệnh hen suyễn.
Còn có một giả thuyết nữa về bệnh tê liệt thần kinh mặt - được đưa ra bởi chuyên gia tai mũi họng Azur ở Auckland (Mỹ) và bác sĩ người Đan Mạch - Finn Kecker Christiansen, người đã đề nghị chú ý tới việc Mona Lisa cười ở phía bên phải mặt nhưng lại nhăn ở phía bên trái. Ngoài ra, vị bác sĩ người Đan Mạch còn phát hiện ở Mona Lisa có những triệu chứng của bệnh đần, dựa trên những dấu hiệu không cân đối của các ngón tay và sự thiếu vắng vẻ mềm mại ở tay nàng. Còn theo ý kiến của bác sĩ người Anh Kenneth Kill, trong bức tranh của danh họa thời Phục Hưng đã truyền tải trạng thái mãn nguyện của người đàn bà có mang.
Có giả thuyết cho rằng, danh họa là một người lưỡng tính, ông đã vẽ trong tranh người học trò kiêm trợ lý Gian Giacomo Caprotti - người từng ở cạnh Leonardo da Vinci suốt 26 năm ròng. Một trong những luận chứng có lợi cho giả thuyết này là việc danh họa đã di chúc lại cho người học trò này thừa kế bức tranh “La Gioconda”, trước khi qua đời năm 1519.
Nhiều người còn đồn rằng, chính vì bức tranh “La Gioconda” mà Leonardo da Vinci đã phải chết sớm hơn số phận. Theo giả thuyết, tuyệt tác này đã hút hết sức sống của danh họa nên ông kiệt sức và qua đời.
Ngoài ra, còn có ý kiến khá kỳ lạ, nếu nối hoàn chỉnh những nét vẽ trong khung cảnh phía sau nàng Mona Lisa và xoay một góc thích hợp, người xem tranh có thể thấy hình ảnh đầu trâu, đầu sư tử và khỉ. Nhiều người còn thấy có một con cá sấu hoặc một con rắn ẩn trên tay trái của nàng. Cho đến nay, sự mơ hồ trong việc thể hiện người mẫu, sự lạ thường của nửa khuôn mặt và sự huyền ảo của các kiểu mẫu hình thức và không khí hư ảo là những tính chất mới lạ tạo cho bức tranh một sức hút mê hoặc.
Nhìn chung, nhiều ý kiến tin rằng Mona Lisa chính là người phụ nữ Ý có tên Lisa Gherardini, sống ở thành Florence hồi đầu thế kỷ XVI. Cho đến nay, không có nhiều tài liệu về cuộc đời bà Lisa Gherardini. Người ta chỉ biết bà sinh ra ở thành Florence, lấy ông Giocondo năm 16 tuổi. Họ có 5 người con và sống ở trung tâm thành Florence.
Giống như các nhà buôn lớn thời đó, ông Giocondo rất yêu nghệ thuật và đã đặt hàng Leonardo da Vinci tới vẽ một bức chân dung cho vợ nhân dịp bà Lisa mang thai người con thứ hai. Sau khi chồng qua đời, bà Lisa trở thành một nữ tu tại nhà tu kín St. Ursula. Bà qua đời vào năm 1542 ở tuổi 63 và được chôn cất trong hầm mộ của tu viện cùng với những nữ tu khác.
Gần đây, các sử gia đã đạt được một bước tiến mới đáng kể trong việc tìm hài cốt nàng Mona Lisa thật sự, để lý giải những ẩn số về nhan sắc của người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử hội họa.
Hầm mộ của dòng họ Giocondo ở thành phố Florence, Ý đã được mở ra lần đầu tiên sau hàng trăm năm đóng kín, nhằm giúp các nhà khoa học xác định phần hài cốt của người phụ nữ được cho là nguyên mẫu của bức “Mona Lisa”. Hiện đang có 8 bộ hài cốt nữ giới được tìm thấy tại nhà tu kín St. Ursula, một trong số này có thể là hài cốt của bà Lisa. Nhờ vào kết quả kiểm tra đối chiếu DNA giữa hài cốt các nữ tu và những người con trai bà Lisa, người ta sẽ xác định được đâu là bộ hài cốt của bà Lisa Gherardini.
Dựa trên cấu trúc xương, các nhà khoa học sẽ dựng lại được hình dáng khuôn mặt và thân hình bà Lisa, để đem so sánh với bức tranh bí ẩn mà Leonardo da Vinci đã thực hiện. Như vậy, những ẩn số về nhan sắc, về nụ cười khó hiểu của nàng Mona Lisa sẽ được giải đáp sau hàng thế kỷ gây tranh cãi.
Đáng chú ý là ý kiến nhận xét, bức họa vẽ người không có lông mày này chính là bức tranh tự họa của Leonardo. Ý kiến này dựa trên lý giải, Leonard Da Vinci đã rất gắn bó với bức chân dung này, ông mất rất nhiều năm để vẽ bức tranh, luôn mang nó theo mỗi khi chuyển nhà, vì vậy, nó không đơn thuần là một bức tranh chân dung được đặt hàng mà còn ẩn chứa nhiều bí mật khác của chính danh họa. Rõ ràng danh họa đã tự vẽ chân dung của chính mình trong y phục nữ giới, vì thế bức tranh đã tạo ra một hiệu quả kì lạ.
Thậm chí, đã có bài viết, khi quan sát bức tranh treo ở viện bảo tàng Louvre dưới kính hiển vi, phóng to đôi mắt của Mona Lisa, còn có thể nhìn thấy những con số và chữ cái nhỏ xíu. Theo các chuyên gia, đây có thể là “mật mã Da Vinci”. Ở mắt phải, người ta đọc được hai chữ LV, có lẽ là chữ viết tắt tên ông - Leonardo da Vinci. Mắt trái có những biểu tượng không thể giải nghĩa và hai chữ cái CE hoặc có thể là CB. Ở vòm cầu nằm phía hậu cảnh có chữ số 72 hoặc cũng có thể là L2. Ngoài ra còn có con số 149 và chữ số thứ 4 bị tác giả xóa mất, nằm phía sau bức tranh.
Thế vẫn chưa hết, có ý kiến đưa ra, liệu phía sau nàng Mona Lisa xinh đẹp có thể ẩn giấu chân dung một người phụ nữ hoàn toàn khác?
Mặc dù còn nhiều câu hỏi chưa lời giải đáp về bức tranh “Mona Lisa” nhưng không thể phủ nhận đó là tác phẩm, là đại diện xuất sắc cho tư tưởng thẩm mỹ của thời đại. Khi xem tranh, công chúng thưởng thức nghệ thuật phải vô cùng khâm phục khả năng xử lý chất liệu sơn dầu của Leonardo. Chân dung sống động đến mức người xem có cảm giác như đang đối diện với một con người bằng xương, bằng thịt và thế giới tâm hồn phong phú ẩn sâu bên trong. Các nhà phê bình nghệ thuật đã tốn không ít giấy mực để ngợi ca tác phẩm này. Đứng ở góc độ nghệ thuật, đây là một bức chân dung đặc tả tính cách nhân vật thành công. Tác phẩm là đỉnh cao trong sự thể hiện nội tâm con người. Vẻ đẹp ngoại hình kết hợp với vẻ đẹp nội tâm đã tạo nên sự hài hòa, cân bằng cho hình tượng nghệ thuật. Ngoài việc diễn tả da thịt sống động, tác phẩm còn thành công trong việc diễn tả gương mặt, đặc biệt là nụ cười của nhân vật. Họa sĩ đã nhấn mạnh hai khóe môi, kết hợp với đường cong lên của mắt, mũi, miệng tạo ra một nụ cười đặc biệt, tồn tại theo thời gian, làm say đắm lòng người.
Ngoài giá trị nghệ thuật, thể hiện tài năng của họa sĩ, còn một giá trị góp phần làm cho tác phẩm sống mãi với thời gian, đó là giá trị về nội dung, tư tưởng thẩm mỹ, tính nhân văn cao cả. Họa sĩ đã sử dụng cách biểu hiện mới mà người Ý gọi là phương pháp “Sfumato” (nghĩa là mọi thứ không diễn tả quá rõ ràng để khơi gợi trí tưởng tượng phong phú cho người xem tranh). Cách biểu hiện đó góp phần tăng thêm sức hấp dẫn cho tác phẩm, tạo sự thu hút đặc biệt với người xem. Cách biểu hiện tâm trạng, nụ cười của nhân vật chính là một minh chứng cho việc sử dụng phương pháp này.
“Bữa tiệc cuối cùng” cũng là một bức họa chứa ẩn nhiều thông điệp và gợi ý lạ lùng. “Bữa tiệc cuối cùng” được cho là bữa ăn sau cùng Chúa Jesus chia sẻ với các môn đồ trước khi ngài chết. “Bữa tiệc cuối cùng” cũng là tiêu đề của tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất của Leonardo da Vinci thời kì Phục Hưng.
Theo các nhà nghiên cứu, bữa ăn là dịp kỷ niệm Lễ Vượt qua, cử hành vào tối thứ năm trước khi Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thập tự giá vào thứ sáu. Trong bữa tiệc, khi cầm bánh và rượu nho, Chúa Jesus bảo các môn đồ: “Hãy làm điều này để nhớ đến ta”.
Bức bích họa lấy khung cảnh trai phòng của tu viện Santa Maria (ở thành phố Milano), mô tả Chúa Jesus và 12 môn đệ trong bữa tiệc cuối cùng trước khi ngài bị môn đệ Judas phản bội, bị đóng đinh trên cây thập giá. Leonardo vẽ Chúa Jesus ngồi ở giữa các tông đồ và nói câu “Trong các con, có kẻ muốn nộp ta”.
Slavisa Pesci, một chuyên gia công nghệ thông tin đã tạo ra một hiệu ứng hình ảnh tương đối thú vị bằng việc làm mờ bức tranh đi một nửa và chồng hai chiều khác nhau của bức tranh lại với nhau. Kết quả khiến anh hết sức bất ngờ với sự xuất hiện của hai vị hiệp sĩ thánh chiến ở hai phía đầu bàn và dường như chúa Jesus còn đang ôm một đứa trẻ ở giữa.
Mới đây, Pala một nhạc sĩ kiêm kỹ sư tin học nổi tiếng của Ý lại vừa công bố phát hiện về những nốt nhạc ẩn đằng sau bức “Bữa tiệc cuối cùng” của danh họa Leonardo da Vinci. Phát hiện này đang làm tăng thêm những khả năng về thiên tài thời kì Phục Hưng có thể đã để lại một đoạn nhạc có giai điệu buồn. Đầu tiên, Pala phát hiện thấy một khuông nhạc 5 dòng chạy ngang qua bức họa. Thêm vào đó, cách bài trí bánh mì trong bàn ăn, kết hợp với tư thế bàn tay của Jesus và các tông đồ đều là những dấu hiệu tượng trưng cho các nốt nhạc.
Theo Pala, phát hiện này cũng hoàn toàn phù hợp với những biểu tượng trong đạo Cơ Đốc, giữa bánh mì - biểu thị cho thân thể của Chúa và bàn tay - được dùng để ban phát thức ăn. Tuy nhiên, nếu chỉ có dấu hiệu về những nốt nhạc thì chưa đủ làm nên một giai điệu đúng nghĩa, cho tới khi Pala phát hiện ra điểm mấu chốt: khuông nhạc này phải được đọc từ phải sang trái - theo đúng cách viết của Leonardo.
Kết quả không nằm ngoài dự đoán, khi kết hợp với nhau, các nốt trong khuông nhạc này cho một bản nhạc dài 40 giây với giai điệu buồn bã tựa như một bài hát cầu siêu cho linh hồn người đã khuất.
Ngoài ra, chuyên gia người Ý Giovanni Maria Pala còn phát hiện nhiều mật mã ẩn dưới bức tranh này. Đó là một câu nói bằng tiếng Do Thái cổ “Vinh quang và hiến dâng Người” và hình ảnh 3 chiều của chén Thánh (biểu tượng huyền bí của Thiên chúa giáo).
Ross King, chuyên gia phê bình nghệ thuật cổ đại cho biết, ông còn tìm thấy bằng chứng Leonardo da Vinci vẽ chính mình trong bức họa hơn 500 tuổi này. Khuôn mặt của danh họa được thể hiện trong hình ảnh Thánh James “nhỏ” và Thánh Thomas. Chính vì điều này mà có người cho ông là kẻ dị giáo. Chuyên gia đồ học Slavisa Pesci thì tin rằng, qua hình ảnh phản chiếu trong gương có thể thấy Chúa Jesus đang bế một đứa trẻ và chúc phúc lành cho em. Đến giờ, nhiều chuyên gia vẫn chưa thể xác định lai lịch của đứa trẻ đó.
Thật ra, ý kiến cho rằng họa sĩ là một kẻ dị giáo dựa trên bằng chứng được xem là ẩn giấu trong bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng”, tác phẩm mà nhiều người nghĩ Leonardo da Vinci đã tự mình bày tỏ niềm tin về việc Christ đã kết hôn với Mary Magdalene. Người phụ nữ này được nhận diện thông qua hình ảnh một tông đồ với những đường nét của một người phụ nữ và ngồi bên phải chúa Jesus. Ngoài ra, cũng có những bằng chứng khác ủng hộ giả thuyết này, xuất phát việc Da Vinci, vô tình hay cố ý vẽ thiếu đi cốc rượu lễ, biểu tượng của lễ ban thánh thể, cùng với sự hiện diện của một bàn tay kỳ quái - bàn tay không hề thuộc về ai trong bức tranh đang giữ chặt một con dao.
Nhưng sự thật là gì? Trên thực tế, bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng” tại tu viện Santa Maria delle Grazie ở Milano, Ý là tác phẩm được Da Vinci lấy cảm hứng từ sách “Phúc âm” của John, và bản phúc âm này không hề đề cập tới cốc rượu thánh thể hay bất cứ một lễ ban thánh thể nào. Thêm vào đó, bàn tay cầm dao thuộc về Thánh Peter (chi tiết này được làm rõ sau khi bức họa được khôi phục về trạng thái gần với nguyên bản nhất), và dùng để ám chỉ một đoạn trong sách Phúc âm, khi Peter cắt tai một kẻ phụng sự thuộc High Priest.
Và cuối cùng, những chi tiết có phần nữ tính của tông đồ ngồi phía bên phải Jesus có thể được giải thích bằng tính thời đại trong cách ăn mặc - khi những tông đồ trẻ tuổi của Jesus phải để tóc dài và xử sự một cách hiền lành, hòa nhã.
Một bức tranh khác cũng khá là đáng chú ý bức “Người Vitruvius” của Leonardo da Vinci vẽ năm 1490.
Leonardo vẽ tác phẩm này dựa trên quan điểm của chính ông về tỷ lệ lý tưởng của số đo cơ thể người, có tham khảo các khái niệm về hình học, kiến trúc trong tác phẩm của kiến trúc sư La Mã Vitruvius. Phần mô tả của bức vẽ được Leonardo viết bằng tiếng Ý ngược. Với nội dung, rốn là phần trung tâm của cơ thể người, và con người là đại diện thu nhỏ của vũ trụ.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Sgarbi đã nhận xét, bức tranh “Người Vitruvius” chỉ là tranh Leonardo sao chép bức vẽ của một người bạn. Sgarbi đã so sánh bức vẽ người Vitruvius của Giacomo Andrea de Ferrara, kiến trúc sư thời Phục Hưng, đồng thời là bạn thân của Leonardo với bức vẽ “Người Vitruvius” của ông.
Để chứng minh cho nhận định của mình, Sgarbi đã đưa ra luận cứ: Thứ nhất, trong các bài viết của mình, Leonardo đã đề cập tới “Vitruvius của Giacomo Andrea”. Thứ hai, Leonardo đã dùng bữa tối với Giacomo vào tháng 7 năm 1490, năm mà cả hai được cho là đã vẽ các tranh minh họa người Vitruvius. Leonardo đã thăm dò sự hiểu biết của Giacomo về Vitruvius khi họ gặp nhau. Hơn thế nữa, cả hai bức vẽ đều khắc họa Vitruvius tương tự nhau. Tác phẩm của Leonardo hoàn hảo hơn, trong khi tác phẩm của Giacomo đầy những lỗi vẽ nhầm lẫn ban đầu và sửa chữa lại. Giacomo được cho là khó có thể mắc các lỗi vẽ như trên nếu ông là người sao chép tranh của Leonardo. Như vậy rõ ràng Leonardo là người “đạo”tranh của Giacomo.
Tuy nhiên Indra McEwen, một nhà sử học tại Đại học Concordia (Mỹ) đã có bài viết chuyên sâu, bao quát về các tác phẩm của Vitruvius. Theo McEwen, tác phẩm nào nguyên gốc không phải là điều đáng bận tâm. Hơn nữa, không tính đến thời gian xuất hiện, tranh của Leonardo là sự cải tiến so với tranh của Giacomo. Theo bà, Leonardo là người vẽ phác thảo giỏi hơn nhiều, với sự hiểu biết vượt trội về giải phẫu học… Leonardo cũng trung thành hơn với ghi chép của Vitruvius. Vitruvius không hề đề cập tới việc người được đặt cùng lúc bên trong hình vuông và hình tròn. “Một người đàn ông nằm thẳng lưng, có thể được bao quanh bằng một hình tròn nếu dang rộng hai tay, hai chân”, Vitruvius đã viết như vậy. Tương tự, chiều cao của người đàn ông đó tương đương với độ dài hai cánh tay duỗi thẳng của anh ta, khoanh vùng khu vực có thể viền bằng hình vuông. Hình tượng của Giacomo Andrea chỉ có các cặp tay, chân được bao bọc bằng hình tròn và hình vuông cùng lúc, trong khi Leonardo thể hiện gắn kết hơn bằng cách lột tả sự thay đổi vị trí của các tay và chân. Tôi phải thừa nhận rằng, điều đó khiến tranh của danh họa gần hơn với sự mô tả của văn bản gốc so với tranh của Giacomo.”
Nghiên cứu các bức tranh của họa sĩ, người ta chú ý đến những cuốn sổ ghi chép của ông. Leonardo đã để lại hơn 7.000 trang ghi chép. Nội dung của những ghi chép này gồm các vấn đề về cơ học, thiên văn học, kiến trúc và chuyển động bay của chim, cho thấy hầu hết ý tưởng và phát minh của Leonardo da Vinci nảy sinh nhờ những quan sát ngoài trời.
Một góc trang trong cuốn sổ ghi chép bị đổi màu. Khi được soi dưới các ánh sáng có các bước sóng khác nhau, người ta phát hiện thấy những bức vẽ ẩn trên trang giấy trông giống như hình một người đàn ông khỏa thân. Các bức ảnh dấy lên những câu hỏi thú vị về nguyên nhân hình vẽ ra đời và sau đó bị xóa đi. Một số ý kiến cho rằng, hình vẽ này thể hiện sự ghen tị của Leonardo da Vinci đối với Michelangelo, nhân vật nổi tiếng cùng thời mà ông không ưa dựa theo một tình tiết Leonardo da Vinci và Michelangelo từng tranh cãi công khai ở Florence khi thảo luận về Dante.
Martin Kemp, giáo sư danh dự về lịch sử nghệ thuật tại Đại học Oxford cho biết, đó là một hình người giống bức tượng điêu khắc David nổi tiếng của Michelangelo, nhưng cơ bắp hơn. Rất có thể họa sĩ thực hiện bức vẽ này theo trí nhớ rồi sau đó xóa đi bởi ông không muốn mọi người nghĩ rằng ông ngưỡng mộ Michelangelo. Thật ra, tình tiết nói trên chỉ là ước đoán, không nói được gì về thiên tài nghệ thuật của Leonardo.
Một bức họa chân dung Leonardo vẽ Ginevra de’Benci cũng được các nhà nghiên cứu rất chú ý. Đây là bức họa Leonardo bỏ nhiều công sức và khoảng 3 năm ròng rã để vẽ.
Bức tranh đã để lại ấn tượng cực kỳ sâu sắc cho những ai trực tiếp chiêm ngưỡng nó. Đó là cảm giác về hơi thở, sự sống đang ẩn hiện dưới lớp da của Ginevra de’Benci. Ginevra de’Benci được bố trí ở chính giữa bức tranh, phía sau là bụi cây đỗ tùng, tạo thành vành hoa lớn xung quanh khuôn mặt và lan phủ tạo nền cho phần lớn không gian tranh. Khuôn mặt đẹp thuần khiết của người con gái được Leonardo vẽ luôn hướng thẳng tới người xem tranh, khuôn ngực tràn đầy sức trẻ được phơi bày kín đáo và kiêu hãnh.
Leonardo đã sắp đặt khuôn ngực xoay chếch một góc, có vẻ như đối lập với vẻ mặt cố tình thể hiện thái độ hơi thờ ơ, lạnh lùng. Bụi cây đỗ tùng thẫm màu đằng sau có một mối liên kết chặt chẽ với vẻ sáng bừng của khuôn mặt, làm nổi bật khuôn mặt Ginevra de’Benci chứ không phải như một vật trang trí thêm cho bức họa. Hàm ý của Leonardo ở đây, bụi cây đỗ tùng biểu hiện sự trinh tiết của người con gái thời đó. Một khám phá nữa, rất hiếm người biết, dù đã từng được chiêm ngưỡng bức họa, đó chính là một số biểu tượng mặt sau của bức tranh, trên nền màu như màu đá cẩm thạch đỏ, những cành nguyệt quế, đỗ tùng và cọ, cùng một dải băng với dòng chữ “vết thương” nghĩa là “Vẻ đẹp của Trinh tiết - không hoa.”
Thêm bức tranh này, có thể nói, Leonardo chính là người đã thúc đẩy sự phát triển hội họa, tranh chân dung của ông đã trở thành một trong những chuẩn mực của vẽ chân dung thời kỳ Phục Hưng.
Phần lớn các nghiên cứu sau khi ông qua đời đều chú ý tới vấn đề, Leonardo da Vinci đã dùng chất liệu gì để vẽ nên những bộ mặt sinh động và hoàn hảo đến như vậy trong các bức tranh vẽ chân dung? Các kết quả phân tích cho thấy thành phần và độ dày của từng lớp sơn đè lên nhau. Trong tranh, ông đã dùng các lớp dày từ 1 đến 2 micron. Tuy nhiên, sự hấp dẫn đến kỳ lạ của những bức tranh một phần ở các phối hợp tinh tế của hiệu ứng quang học, làm mờ đi những đường viền, làm mềm mại những vùng màu sắc chuyển tiếp và vờn những bóng tối huyền ảo như sương khói.
Kỹ thuật ấy vốn được gọi là “sfumato”, không chỉ là sự sáng tạo của nghệ sĩ thiên tài mà còn là những cải tiến kỹ thuật đầu thế kỷ XVI. Việc khảo sát tỉ mỉ, đo lường quang học và tái tạo lại như nguyên mẫu mà Leonardo da Vinci đã làm, không những mô tả được chính xác kỹ thuật “sfumato” của người xưa mà còn khám phá được các thao tác Leonardo đã tiến hành, nhằm chuyển các màu sắc qua những sắc độ trung gian.
Lần đầu tiên, các nghiên cứu đã rọi những tia sáng mới vào kỹ thuật “sfumato” nhờ áp dụng các phương pháp nghiên cứu hóa học để định lượng các lớp sơn khác nhau. Bảy bức tranh của Leonardo da Vinci đã được phân tích trực tiếp ngay trong những gian phòng trưng bày của Viện bảo tàng.
Rõ ràng nét mặt nhân vật trong tranh đặc trưng cho kỹ thuật vẽ “sfumato”. Họ đã tìm ra công thức mà Leonardo da Vinci dày công phối trộn màu để vẽ nên những khoảng tối trên bộ mặt các nhân vật. Những công thức pha chế này được đặc trưng bởi một kỹ thuật già dặn (dùng các lớp sơn rất mỏng) và dựa trên bản chất hóa học của bột màu và chất phụ gia. Nhà danh họa đã vẽ nhiều lớp sơn mỏng từ 1 đến 2 micron đè lên nhau để có được độ dày chung không quá 30 - 40 micron.
Những kết quả nghiên cứu này giúp người xem hiểu được Leonardo da Vinci đã bỏ ra bao nhiêu công sức để tìm tòi, sáng tạo, làm nên nghệ thuật vô cùng sinh động và độc đáo của ông.
Các tư liệu cho biết, sau khi qua đời, Leonardo được chôn tại nhà thờ Saint Florentin tại Amboise, Pháp nhưng lăng mộ của ông đã không còn tồn tại, không ai biết xương cốt của ông nằm tại đâu. Đáng tiếc nhất là năm 1802, nhà thờ này đã bị phá hủy. Gạch đá từ các lăng mộ sau đó đã được sử dụng để phục hồi lại nhà thờ, còn các hài cốt được di chuyển tới nhiều địa điểm khác nhau.
Mãi đến năm 1863, thi sĩ người Pháp Arsene Houssaye đã tìm ra một bộ hài cốt gần như còn nguyên vẹn, với một cánh tay bị uốn cong và một hộp sọ rất lớn. Cách đó không xa, ông phát hiện thấy những mảnh vỡ của một phiến đá đã bị mờ gần nửa, với những dòng chữ còn đọc được là “Vết thương không hoa”. Liệu đó có phải tên của Leonardo da Vinci trong tiếng Latinh, LEONARDUS VINCIUS không?
Có lẽ, điều nghi vấn này, cũng như tất cả các nghi vấn khác xung quanh cuộc đời phi thường của Leonardo da Vinci, sẽ mãi chỉ là những câu hỏi không có lời giải đáp. Chỉ biết một điều chắc chắn rằng ông không chỉ là một họa sĩ thiên tài mà còn là nhà khoa học, nhạc sĩ, nhà điêu khắc, nhà toán học, kiến trúc sư, nhà phát minh, nhà văn... Đó cũng là lý do mà người ta gọi Leonardo là người đàn ông của thời kỳ Phục Hưng.