L
amarck sinh năm 1744. Ông là nhà tự nhiên học và sinh vật học nổi tiếng của Pháp, người đã từng nêu lên, trước Darwin, thuyết tiến hóa của giới sinh vật. Lamarck là nhà duy vật, nhưng chủ nghĩa duy vật của ông bị hạn chế và không triệt để. Ông cho rằng vật chất là cơ sở của thế giới, của mọi vật thể và mọi sự vật; nhưng vật chất vốn tĩnh, nên nó cần phải có một sức đẩy ban đầu để truyền sự vận động cho nó. Ông quả quyết rằng các quy luật và nguyên nhân tự nhiên đều có một trật tự nhất định mà tự nhiên phải phục tùng và phải dựa vào các quy luật và nguyên nhân đó để phát triển. Tuy nhiên, để khỏi bị Giáo hội truy tố, ông tuyên bố rằng trật tự đó là do Thượng đế sáng tạo ra. Đó là biểu hiện về tự nhiên thần luận của ông.
Lamarck có tư tưởng tiến bộ trong lịch sử sinh vật học tức là khoa học về quy luật chung của sự phát triển của sự sống trên trái đất. Ngay cả thuật ngữ “sinh vật học” cũng do ông nêu ra. Ông là một nhà cách tân trong việc nghiên cứu giới tự nhiên; phương pháp tiến hóa luận của ông và nhất là của Darwin đã đem lại cho sinh vật học một cơ sở khoa học. Tư tưởng về tính thống nhất và tính liên tục của sự phát triển của tự nhiên, tư tưởng về sự biến chủng của các loài sinh vật dưới ảnh hưởng của các điều kiện sinh hoạt, của hoàn cảnh bên ngoài, đều là cơ sở của phương pháp của Lamarck.
Năm 1809, khi xuất bản tác phẩm “Triết học động vật học”, Lamarck đã dựng nên một công tích anh dũng là công kích các tư tưởng siêu hình về giới sinh vật lúc bấy giờ đang chiếm địa vị thống trị tuyệt đối. Ông đã dùng cả một loạt sự kiện đã được chứng thực bằng việc phân loại và hệ thống hóa các loài thực vật và động vật, bằng việc nghiên cứu các loài cổ sinh vật và các biến chủng của gia súc và các loài cây trồng tỉa, để kiên quyết bác bỏ thuyết siêu hình về tính bất biến của các loài vật. Ông cũng phê phán cả thuyết phản động và duy tâm về những biến động lớn của Quyviê. Lamarck khẳng định chưa từng thấy tự nhiên có biến động lớn; bất cứ lúc nào và ở đâu, nó cũng theo một quá trình tiến hóa chậm chạp và dần dần, mà không cần có bước nhảy vọt.
Lamarck đã cố giải thích rõ nguyên nhân của những thay đổi xảy ra trong các cơ thể sống; ông quả quyết rằng hoàn cảnh bên ngoài là nguyên nhân trực tiếp làm cho các cơ thể thay đổi. Các loài thực vật trực tiếp bị ảnh hưởng hoàn cảnh bên ngoài mà thay đổi cho thích hợp; đối với các loài động vật có một hệ thần kinh và một cơ cấu phức tạp hơn, thì ảnh hưởng đó của hoàn cảnh bên ngoài tác động một cách gián tiếp thông qua những thay đổi trong thói quen và tập quán, và do sự xuất hiện những yêu cầu mới. Những yêu cầu mới này bắt buộc các loài động vật phải rèn luyện thêm một số khí quan khác. Việc rèn luyện và việc thôi sử dụng những khí quan nào đó, dẫn tới những thay đổi trong toàn bộ cơ thể và trong những cơ năng của cơ thể đó.
Học thuyết của Lamarck đã khiến ông bị bọn phản động công kích một cách hằn học. Những người theo chủ nghĩa Vétman Moócgan công kích các nguyên lý duy vật chủ nghĩa của ông về tác dụng của hoàn cảnh bên ngoài đối với các cơ thể và học thuyết của ông về sự di truyền các tính chất đã có. Tất cả các nhà bác học tiến bộ đều bênh vực Lamarck như: Darwin, Timiriazep, Metnhicop... Những nhà sinh vật học phản động đã hết sức xuyên tạc cơ sở duy vật chủ nghĩa của học thuyết Lamarck, ví dụ bọn theo chủ nghĩa Lamarck tâm lý như Copo, Poli, Phrangxe... đã phát triển những quan điểm duy tâm chủ nghĩa về tác dụng chủ đạo của tâm lý trong quá trình tiến hóa, về “khuynh hướng” của các cơ thể đi tới chỗ “hoàn thiện”,... Học thuyết Mitsurin bênh vực các nguyên lý duy vật chủ nghĩa tiến bộ mà Lamarck đã nêu lên một cách trực giác trong giả thuyết thiên tài của ông. Nó đã nghiên cứu sâu sắc và đã chỉnh đốn học thuyết về tác dụng biến hóa của điều kiện sinh hoạt đối với tính chất các cơ thể; phát hiện quy luật cơ bản của sinh vật học, xác nhận tính khả năng và tính tất yếu của sự di truyền các tính chất đã có, quy luật mà Lamarck chỉ mới dự kiến dưới một hình thức chung chung nhất.
Còn thuyết Lamarck về sự phát triển chỉ là một thuyết tiến hóa luận thuần tuý: Lamarck chỉ thừa nhận sự phát triển dưới hình thức một sự vận động tiến bộ và liên tục, không có bước nhảy vọt và không có cách mạng. Thuyết Lamarck về sự phát triển còn nhiễm nhiều yếu tố cơ giới. Lamarck chưa đạt tới quan niệm biện chứng về sự tiến hóa. Chỉ học thuyết Mitsurin mới biết vận dụng một cách tự giác và triệt để chủ nghĩa duy vật biện chứng vào việc nghiên cứu các quy luật khách quan của sự phát triển giới sinh vật.