A
ristoteles sinh năm 384 trước Công nguyên tại Stagira, Hy Lạp, trên bán đảo Chalcidice, nay thuộc Stavros, gần vịnh Strymonic, Tây Bắc bờ biển Aegea, trong gia đình trí thức. Cha ông - Nicomachus là một thầy thuốc Hy Lạp nổi tiếng thuộc trường phái Asclepiad (theo truyền thuyết, Asclepiados là vị thần y học) Nichomachus là bạn đồng thời là thầy thuốc riêng của vua Amyntas III, tại Pella, thủ đô Macedonia. Từ nhỏ, Aristoteles thường đi theo cha để học hỏi cách băng bó vết thương và nghe giảng giải về các loại cây lá chữa bệnh.
Sau khi cha mẹ ông qua đời, nhờ sự giúp đỡ của Proxenus, một người thân của gia đình, cuộc sống của Aristoteles bình lặng trôi qua ở vùng Atarnea. Năm 17 tuổi, Aristoteles đến Athene theo học trường Academia (Hàn lâm) dưới sự hướng dẫn của các thầy Plato và Socrtes, những nhà triết học nổi tiếng.
Sau đó, ông làm việc tại đây, truyền bá những quan điểm triết học đến khắp nơi trong vùng. Ông say mê học hỏi, giảng dạy, nghiên cứu đến mức được các thầy cô và bạn bè gọi là “linh hồn của Academia”. Thời gian này, ông đã soạn thảo các tác phẩm về lôgíc học, triết học qua các đoạn đối thoại, về sau được tập hợp thành các tác phẩm như “Về tinh thần”, “Về công lý”...
Sau khi người thầy của ông - Plato qua đời, Aristoteles rời Athene đến Hoàng gia Hermias, vị quan cầm quyền của Assus, một thị trấn nhỏ của vùng Mysia thuộc Tây Bắc Tiểu Á, trên bờ biển Địa Trung Hải (đối diện với đảo Lebos, ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Trong thời gian ở đây, ông đã nghiên cứu triết học với chính trị, viết 12 chương đầu tiên của tập 7 trong bộ sách “Chính trị”. Trong thời gian ở Assus, ông viết tác phẩm “Về triết học” với văn phong nhẹ nhàng, dễ hiểu, được giới khoa học thời đó rất hâm mộ. Cùng với Theophrastus ở Eresus, người bạn năm xưa tại Academia, ông giảng dạy và nghiên cứu sinh học biển tại Mytilene, một thành phố cảng trên đảo Lebos trong hai năm (345 - 343).
Năm 342 trước Công nguyên, hoàng tử của vua Amyntas III - Philip II mời Aistoteteles trở về Macedonia làm thầy dạy cho tiểu hoàng tử Alexander. Ông đã truyền dạy mọi kiến thức và đào tạo tiểu hoàng tử sau này trở thành một danh nhân vĩ đại của lịch sử: đó là Alexander Đại đế. Sau khi lên ngôi trị vì đất nước, Alexander đã cho xây dựng lại Stagira, thành phố quê hương của Aristoteles đồng thời cho tạc tượng thầy để ghi nhận công ơn dạy dỗ của thầy.
Mặc dù nhiều năm làm việc ở Hoàng cung Macedonia, nhưng Aristoteles vẫn không quen với cuộc sống vương giả nơi cung đình, đặc biệt ông không tán thành những cuộc chinh chiến xâm lược của vị vua trẻ tuổi và chỉ có ước nguyện theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học. Biết ý định của thầy, Alexander Đại đế đã cung cấp tiền bạc, đất đai để Aristoteles mở ngay một khu trường mới tiếp tục sự nghiệp giáo dục đào tạo. Khu trường có tên gọi “Lyceum” nhanh chóng nổi danh khắp vùng. Lúc này Aristoteles đã 50 tuổi, ông bắt tay thực hiện ngay công việc đầu tiên, đó là thành lập một thư viện đầy đủ sách và một nhà bảo tàng khoa học tự nhiên để lưu trữ các bản đồ, những vật liệu cần thiết cho việc dạy học.
Phong cách dạy học của ông thật lạ lùng: Buổi sáng, ông dẫn học trò vào khu vườn cây nhỏ, vừa đi vừa đặt câu hỏi để học trò thảo luận. Học trò buộc phải ngắm nhìn quan sát mọi hiện tượng trong thiên nhiên, rồi tất cả cùng tranh luận sau đó Aristoteles sẽ giảng giải và kết luận. Chính hình ảnh lạ kỳ, thầy giáo vừa đi vừa dạy học trò, đã làm dân chúng ở đây ngạc nhiên và họ gọi tên trường là Peripatos (có nghĩa là “rong chơi”) Lyceum. Buổi chiều, ông cùng học trò lại họp nhau trong phòng để phẫu tích các động vật và côn trùng. Ông luôn nhắc nhở học trò: “Phải quan sát, quan sát kỹ hơn nữa, đấy là bước đi đầu tiên của mọi khoa học...”.
Khu trường là nơi tập hợp các trợ lý và học trò dưới sự hướng dẫn của Aristoteles để hoạt động nghiên cứu khoa học và triết học trong tinh thần vừa độc lập suy nghĩ vừa cộng tác chặt chẽ. 12 năm liền, hoạt động của Peripatos Lyceum đã đem lại những kết quả to lớn. Thời gian này, Aristoteles viết nhiều tài liệu dùng trong giảng dạy và giúp các học trò đọc, suy ngẫm rồi thảo luận, do vậy các tài liệu đó thường đầy rẫy những chữ viết tắt, không được giải thích nên thật khó hiểu cho các dịch giả sau này muốn xuất bản các tác phẩm của ông. Các trợ lý và học trò của Aristoteles, sau khi đi theo các cuộc chiến chinh của Alexander Đại đế qua Ba Tư và Ấn Độ đã mang về cho Lyceum rất nhiều tài liệu và mẫu vật quý giá. Nhờ vậy, Aristoteles và trường phái của ông đã thực hiện được nhiều phát hiện và nhận xét quan trọng đặt nền tảng cho những hiểu biết và sự phát triển của nhiều ngành khoa học, đặc biệt là sinh học và lịch sử, cho thời đó và cả nhiều thế kỷ sau.
Nhờ sự cộng tác, hỗ trợ quý giá của Thephrastus (về thực vật học), Meno (về y học), mà phần lớn các công trình nghiên cứu và tác phẩm của Aristoteles đều được thực hiện tại Lyceum, trong đó có khoảng 158 bài viết về các hệ thống chính trị (được tìm thấy trên các bản giấy papyrus, vào năm 1890). Trên nhiều lĩnh vực, ông đã tiến xa hơn cả Plato.
Năm 323, Alexander Đại đế qua đời, những cuộc bạo loạn chống Macedonia bùng nổ lan rộng khắp Athene và nhiều thành phố khác. Những nhóm cuồng tín kết án Aristoteles vào tội nghịch đạo và thân Macedonia. Để thoát khỏi kết cục bi thảm như Socrates, ông vội vàng rời thủ đô đến Chalcis (nay là Khalkis), trên đảo Euboea, vùng eo biển Evripos, ở phía bắc Athene. Năm 322 trước Công nguyên, ông qua đời tại đây sau một cơn đau dạ dày bột phát, hưởng thọ 62 tuổi.
Sau khi Aristoteles qua đời, trường Lyceum nổi tiếng một thời vẫn còn tồn tại khoảng gần ba thế kỷ dưới sự dẫn dắt của Theophratus và những học trò theo trường phái của ông. Tuy nhiên, các tác phẩm của Aristoteles lại phải trải qua nhiều cuộc thăng trầm. Năm 287 trước Công nguyên, khi Theophratus qua đời, toàn bộ thư viện của trường bao gồm các tác phẩm của Aristoteles được chuyển giao cho gia đình Neleus ở Scepsis, Troad. Đến những năm đầu của thế kỷ I trước Công nguyên, số sách này được bán cho nhà sưu tập sách Apellicon ở Teos. Khi nhà sưu tập mất (khoảng năm 84 trước Công nguyên), vị tướng La Mã L. Cornelius Sulla, trong cuộc chiến chinh đến Athene, đã mang các tác phẩm quý giá đó về Roma. Một nhà nghiên cứu ngữ pháp tại thủ đô Italia là Tyrannion đã tìm cách mua lại, nhờ đó tạo điều kiện để Andronicus ở Rhodes với sự trợ giúp của người học trò là Strabo, xuất bản các tác phẩm của Aristoteles vào khoảng những năm 43 - 20 trước Công nguyên.
Phần lớn trong số 400 công trình nghiên cứu của Aristoteles đều bị thất lạc hoặc hủy hoại. Mãi tới thế kỷ XIII, khoảng 50 tài liệu còn lưu trữ mới được chuyển từ Constantinople và Tây Ban Nha đến Tây Âu, được dịch sang tiếng Latinh. Nhìn tổng quát, có thể chia các tác phẩm của Aristoteles thành 4 nhóm lớn:
1. Các tác phẩm bàn luận về triết học.
2. Các bài viết về lịch sử tự nhiên và khoa học, trong đó quan trọng nhất là các tập “Lịch sử động vật”, “Bàn về các bộ phận của động vật”, “Về sự tiến triển của động vật” (đề cập đến bản chất và nguyên nhân các sinh thái), “Hoạt động của giới động vật”, “Quá trình tái tạo của động vật” (bàn về các chức năng chung của cơ thể và linh hồn). Cuốn “Nghiên cứu động vật” là một tập hợp những dữ kiện về đời sống các loài vật. Ông đã mô tả khoảng 500 loài động vật (phần lớn thu thập từ đảo Lebos). Chính Aristoteles đã đặt ra nhiều thuật ngữ “giải phẫu học” như: “aorta” (động mạch, để chỉ một động mạch xuất phát từ tim), “rectum” (trực tràng, để chỉ đoạn ruột đi thẳng xuống hậu môn). Aristoteles cũng phân biệt các loại mô khác nhau (như mỡ, xương, limphô...) và nhiều cấu trúc giải phẫu học (như thực quản, khí quản, xoang mũi, đại tràng, manh tràng...).
3. Các bàn luận được gộp chung trong tác phẩm “Siêu hình học”, tiêu đề này được đặt tên là “Triết học đầu tiên”. Đây là phần tập hợp các bài giảng của ông viết trong giai đoạn giảng dạy cuối cùng ở Lyceum tại Athene, nội dung đề cập đến trái đất trong mối liên quan với các thiên thể, khí hậu, các điều kiện sinh tồn.
4. Các tác phẩm về chính trị và đạo đức học, trong đó bao gồm cả thi ca và tu từ học.
Mặc dù, nhiều tác phẩm của ông đã bị thất lạc nhưng căn cứ vào các tác phẩm còn lại, các nhà khoa học đều khẳng định Aristoteles đã có những đóng góp to lớn trong việc định nghĩa, phân loại tri thức của con người trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt trong phạm vi sinh học, có thể coi Aristoteles là người mở đường cho ngành khoa học này.
Đặc điểm nổi trội nhất trong toàn bộ công trình nghiên cứu sinh học của ông là khối lượng to lớn những nhận xét phong phú khi mô tả giới động vật. Trong khối lượng đó, các nhà khoa học của thế kỷ XX vẫn hứng thú vì tìm thấy những dữ kiện về đời sống động vật, những nguyên nhân tạo ra các hình thái sống, các chức năng chung của cơ thể.
Trong suốt quá trình nghiên cứu sinh học, Aristoteles đã phát hiện ra chu trình biến đổi của thiên nhiên: động vật luôn luôn là những cá thể không vĩnh cửu nên chúng cũng phải tuân theo một chu trình sống và chết, hình thái liên tục này giống như bản sao chép vòng quay của vật chất. Kết quả đó là hiện tượng đến để tồn tại rồi qua đi, liên tục và không ngưng nghỉ. Như vậy hình thành và hủy hoại là những bậc thang của mọi giống loài. Người sinh ra người và cây sồi lại tạo ra cây sồi. Quan niệm này có lẽ phần nào đã loại bỏ mọi quá trình tiến hóa của các loài.
Các nhà khoa học ngày nay cũng nhận thấy Aristoteles luôn nhấn mạnh đến tính liên tục giữa sinh học và vật lý học khi ông đề xuất luận thuyết về bốn yếu tố tự nhiên. Các yếu tố này đều có vị trí trong thiên nhiên: đất ở trung tâm vũ trụ (theo cách hiểu của thời đó), còn nước, không khí và lửa cũng như con người đều di chuyển bên ngoài. Các yếu tố đó là những thành phần cấu tạo nên vật thể, giản đơn hoặc phức tạp, chúng đều không vĩnh cửu nhưng có thể chuyển đổi từ cái này sang cái kia để tạo nên những hỗn hợp khác nhau. Chính hoạt động di chuyển đến gần hoặc lùi xa của mặt trời đã trở thành nguyên nhân tạo nên sự chuyển dạng không ngừng của các yếu tố đó. Điều này cũng giải thích lý do vì sao các yếu tố trên không hiện diện mãi ở đúng vị trí của chúng. Bên trong các yếu tố đó là vật chất nguyên thủy, nhưng chất này không tồn tại riêng biệt. Một số đặc tính cơ bản đối kháng cũng hiện diện ở ngay bên trong các yếu tố (như lạnh và khô ở đất, nóng và ẩm ở không khí) nhưng cũng không tách biệt. Nóng và lạnh là những đặc tính chủ động, còn khô và lỏng là thụ động. Hiệu quả của sức nóng là tạo dựng, đây cũng là nguyên lý của sự sống và quá trình phát triển, còn lạnh ở bên trong kết hợp với nóng ở bên ngoài sẽ gây hủy hoại thối rữa.
Như vậy, các yếu tố cơ bản và các dạng kết hợp đều thuộc lĩnh vực của những chất không sống, vốn chỉ hoạt động do những tác nhân bên ngoài. Rồi đến các hình thái sống, trước tiên là cây cỏ, với những thành phần cấu tạo khác biệt, có thể tác động tương hỗ lẫn nhau. Do đó, cây cỏ không phát triển và tái sinh do những nguyên nhân bên ngoài, mà tự thân chúng còn tăng trưởng và tái tạo. Các động vật cũng có những chức năng thực vật như thế, nhưng lại được thiên phú thêm những cơ quan cảm thụ, vì vậy chúng có khả năng nhận biết các sự vật trong môi trường để tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh tồn của chúng cũng như né tránh những điều bất lợi và nguy hại đối với chúng. Các vật thể cấp cao đều được tạo dựng từ những vật thể cấp thấp và có lẽ hình thành từ đó qua một quá trình biến đổi tiệm tiến, mặc dù về mặt này, quan điểm của Aristoteles không thật rõ ràng.
Ở cấp cao nhất trong các hình thái sống trên mặt đất là con người, đây cũng là nội dung Aristoteles đã nghiên cứu và trình bày trong tác phẩm “Về động vật”. Với quan điểm tâm lý là một dạng biểu hiện của sinh thái nên Aristoteles khẳng định tâm lý học và sinh học là hai lĩnh vực không thể tách rời. Chính vì vậy, ông ghi nhận rằng mặc dù con người cũng là một vật thể nhưng là một vật thể hoàn toàn khác biệt trong thiên nhiên. Cũng như mọi hình thái tự nhiên khác, con người bao gồm chất liệu nền, cơ thể người, và một dạng tạo sinh lực cho chất liệu ấy: đó là linh hồn người. Nhưng khác với quan điểm của Plato mà xưa kia ông từng thụ giáo, Aristoteles không chấp nhận linh hồn là một thực thể tâm linh độc lập. Cả hai thành phần cấu tạo trên đều không được đơn thuần xếp đặt kề bên nhau mà là hai thực thể cơ bản tương hỗ, cái này tồn tại nhờ vào ưu thế của cái kia, trong một cá thể kết hợp hoàn chỉnh. Như thế, cơ thể người và linh hồn là hai động lực tự thân tạo nên một vật thể tự nhiên: cá thể người. Aristoteles cho rằng cá thể đó được cấu tạo từ ba phần thống nhất. Trước tiên, đó là phần thực vật có vai trò giúp cá thể tự nuôi dưỡng để phát triển và để tái tạo giống loài. Rồi đến phần động vật giúp cá thể cảm thụ, ham muốn những thực thể đã gây cảm xúc di chuyển từ nơi này đến nơi kia như mọi động vật khác. Và cuối cùng là phần đặt con người vào vị trí cao nhất trong bậc thang các hình thái sống trong thiên nhiên: phần lý trí. Chính nhờ phần này mà con người có khả năng thực hiện được những chức năng tinh tế thật kỳ lạ để trở thành một sinh thái hoàn toàn khác biệt với mọi hình thái sống. Mỗi một phần thuộc ba phần trên nhất thiết phải phát triển đầy đủ các khả năng cần có để tự thân hoạt động. Do vậy, phần thực vật chịu trách nhiệm về các tạng và các chức năng nuôi dưỡng, tăng trưởng và tái tạo; phần động vật chịu trách nhiệm về các tạng và các chức năng cảm nhận di chuyển; còn phần lý trí chịu trách nhiệm về các khả năng phi vật chất như hoạt động tinh thần, chọn lựa có suy nghĩ và nghị lực thực hành. Thông qua hoạt động chức năng của linh hồn, các khía cạnh đạo đức và trí tuệ của con người đã được phát triển, và theo cách hiểu đó, linh hồn tạo cầu nối giữa cơ thể và đạo đức biểu hiện qua các hành vi và ứng xử.
Khi bàn về linh hồn cũng như về bốn hoạt động chức năng cơ thể - tăng trưởng, cảm thụ, di chuyển và suy nghĩ - Aristoteles luôn khẳng định sự khác biệt giữa người và các loài động vật cấp thấp. Các loài này có phản ứng với những cảm thụ, rồi những cảm thụ ảnh hưởng đến hoạt động trí não và có thể lưu trữ trong ký ức. Còn con người lại thể hiện sự khác biệt rõ rệt nhất: Con người có khả năng xét đoán dựa trên kinh nghiệm và hoạt động xét đoán này biểu hiện quá trình tác động mạnh của những cảm thụ trên lý trí để định hướng cho sự sống. Khi kết hợp linh hồn con người với vật thể con người, Aristoteles đã đóng góp ba điểm nổi trội về tâm lý học cho lịch sử khoa học. Ông đã loại bỏ rất nhiều điều thần bí liên quan đến linh hồn và các hoạt động tâm linh vốn đầy rẫy trong khoa học Hy Lạp, đưa ra một phương pháp nghiên cứu cho mọi lĩnh vực khoa học và đặt nền tảng cho tư duy lôgíc qua việc thu thập các dữ kiện nhằm đạt tới hiệu quả cao nhất đồng thời sáng tạo cách tiếp cận đối chiếu tâm linh - vật thể.
Aristoteles cho rằng nguồn gốc sâu thẳm mọi hoạt động ở các hình thái sống chính là sức nóng mà ông thường gọi là “nhiệt nội sinh” hoặc “thở hít”, đây cũng là “dụng cụ” của linh hồn tác động bằng cách đẩy và kéo những bộ phận khác nhau của cơ thể nhằm tạo hiệu quả phục vụ cho những ham muốn của linh hồn. Quan điểm này là nội dung chính của luận thuyết “khí hợp sinh” nổi tiếng của ông.
Có thể nói, Aristoteles là nhà khoa học đầu tiên đã phân loại động vật thành hai hệ thống lớn: hệ có máu (nghĩa là máu đỏ) và hệ không máu, đây là cách xếp loại dựa trên nội dung “nhiệt” và là đặc điểm đầu tiên của cách phân loại động vật. Cách phân loại này tương tự như kiểu xếp loại thành hai hệ động vật: có xương sống và không xương sống, tuy cách đó không hoàn toàn phù hợp vì một vài động vật không xương sống cũng có máu đỏ. Trong hệ động vật có máu, Aristoteles đã ghi: con người, các động vật bốn chân đẻ con và đẻ trứng, rắn, lưỡng cư, chim và cá. Còn hệ động vật không máu gồm: giáp xác (tôm cua), chân đầu (thân mềm), côn trùng và vỏ cứng. Nhóm cuối là dạng trung gian giữa động vật và thực vật.
Một đặc điểm trong cách phân loại động vật của Aristoteles là dựa vào phương thức tái tạo: giống đực cung cấp hình thái (nghĩa là linh hồn) còn giống cái cung cấp vật liệu (nghĩa là các bộ phận cơ thể, nơi tiếp nhận sự sống từ linh hồn). Cách phân loại này cũng liên quan đến nhiệt: các thế hệ sau, các con, cháu sẽ có những đặc điểm giống cha, ông nhiều hơn khi những thế hệ trước chứa đựng nhiều “nhiệt sinh lực” nhất. Xếp hàng đầu trong hệ phân loại này là các động vật đẻ con (như người). Tiếp sau đó là những động vật (như chim) đẻ ra trứng hoàn chỉnh (nghĩa là trứng không tăng kích thước sau lúc lọt lòng). Rồi đến động vật đẻ trứng lẫn con (như cá Selachii, loại cá có sụn như cá mập, cá tia vây, cá đuối...), nghĩa là hình thành trứng không hoàn chỉnh (gồm cá, thân mềm và thân giáp) rồi đến động vật đẻ ấu trùng (gồm côn trùng) và cuối cùng là những hình thái được sản sinh qua nẩy chồi và tự tạo sinh trong đám vật chất thối rữa và bùn nhớt sủi bọt.
Khi nghiên cứu quá trình tái tạo các loài, Aristoteles không chỉ quan tâm đến giới và tính di truyền, mà ông còn chú ý cả đến những yếu tố môi trường, quá trình đấu tranh để tồn tại, do vậy ông đã phân tích các chức năng khác nhau và cách phản ứng của từng tạng và bộ phận cơ thể. Ông luôn chú ý đến mục đích cuối cùng của sự sống cũng như của mọi hoạt động tái tạo và sinh tồn. Theo Aristoteles, đây cũng là trách nhiệm của nhà sinh học trong quá trình nghiên cứu sự sống hữu cơ. Trong cách phân loại dựa trên phương thức tái tạo, mặc dù nhận thấy có những điểm chồng chéo nhau giữa các giống loài nhưng Aristoteles vẫn chưa tìm được cách sắp xếp hợp lý hơn. Tuy nhiên, khi nghiên cứu toàn bộ các tác phẩm của Aristoteles bàn về sinh học, các nhà khoa học hiện nay vẫn phải thừa nhận, cách phân loại các hình thái sống như vậy đã đặt nền tảng cho những “bậc thang thiên nhiên”, giống như một kiểu mẫu quy ước cho các nhà động vật học suốt nhiều thế kỷ về sau.
Aristoteles là một nhà bác học nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Ông không chỉ là nhà triết học, đại diện cho trường phái duy vật mà ông còn là người đặt cơ sở cho nhiều môn khoa học, trong đó có sinh học. Nhận xét về ông, nhà nghiên cứu tự nhiên Charles Darwin đã viết: “... Linnaeus và Cuvier đều là thần tượng của tôi, theo những cách hiểu khác nhau, nhưng cả hai người đó đều chỉ là những học trò nhỏ nếu so sánh với người thầy vĩ đại Aristoteles”.