H
ippocrate sinh ở đảo Cos vùng biển Kgée, Hy Lạp năm 460 trước Công nguyên. Ở phương Tây, ông được suy tôn là tổ sư của y học. Truyền thuyết cho rằng Hippocrate là con một người làm thầy lang được cha truyền cho những kiến thức y học. Sau khi học hết chương trình, ông tiếp tục học ở Athènes và đi du học nhiều nơi: đến Thrace, Thessalie, Macedonia...
Hippocrate sống và hành nghề nhiều nằm trên đảo Cos. Trường phái y học do ông sáng lập gọi là “trường phái Cos”. Tương truyền, Hippocrate thường ngồi dưới cây phong lớn để giảng bài cho các môn đồ.
Ngay từ thời ấy, Hippocrate đã đưa ra nhiều quan điểm mới và tiến bộ; ông đã tách rời tôn giáo với y học, xây dựng y học trên cơ sở vật chất, dựa vào quan sát lâm sàng cụ thể tỉ mỉ và căn cứ vào các dấu hiệu triệu chứng của bệnh để chữa trị. Ông luôn nhấn mạnh bệnh tật là một hiện tượng tự nhiên của cơ thể, không phải do ma lực huyền bí gì gây nên như các thầy phù thủy, lang băm tuyên truyền.
Có thể nói, Hippocrate đã mở ra một kỷ nguyên mới cho y học, kỷ nguyên các thầy thuốc lâm sàng, quan sát theo dõi bệnh tật như một hiện tượng thiên nhiên.
Hippocrate đã nêu lên một số nguyên tắc chữa bệnh cơ bản: chủ yếu là nâng cao sức đề kháng tự nhiên của cơ thể, tránh những gì cản trở khả năng tự điều chỉnh, tự chữa đem lại sức khỏe tự nhiên của cơ thể. Ông hết sức chú ý đến các biện pháp làm cho cơ thể mạnh khỏe hơn là chỉ chăm chú dùng nhiều vị thuốc đơn thuốc, ví như chú ý tới cách sinh hoạt ăn uống, ngủ - thức, tắm ngâm mình ở các suối khoáng... chỉ dùng phép tẩy, lợi tiểu khi thật cần thiết. Khi bệnh nhân ở thời kỳ đang hồi phục, ông khuyên nên thay đổi không khí môi trường và tính toán số lượng chất lượng thức ăn cần thiết đúng mức, bởi thế người ta gọi cách chữa bệnh của ông là y học tự nhiên.
Hệ thống y học nổi tiếng của ông dựa trên sự thay đổi các khí chất với quan niệm cơ thể con người gồm có 4 thể dịch cơ bản quyết định sức khỏe và bệnh tật là mật vàng, mắt đen, máu và đờm (niêm dịch) và bởi sự nung nấu nhờ nhiệt tự nhiên mà làm biến đổi khí chất loại này sang loại khác. Hippocrate nêu cao nguyên tắc “không chỉ điều trị bệnh mà phải điều trị người bệnh”.
Trường phái Cos của Hippocrate khá nổi tiếng trong điều trị một số lĩnh vực ngoại khoa như điều trị gãy xương, sai khớp... Hippocrate đã chỉ trích trường phái Cnide, xuất hiện trước đó, thiên về chủ nghĩa duy lý, đã quá phân cắt nhỏ các bệnh,... coi thường kinh nghiệm và quan sát. Tuy nhiên, hạn chế của y học Hippocrate là chưa nắm được hệ tuần hoàn máu, tưởng các động mạch chứa đầy khí, chưa biết chức năng của hệ thần kinh.
Ngày nay, nói đến Hippocrate trước tiên là phải nói đến đạo đức y học, đến lời thề Hippocrate nổi danh mà các thầy thuốc trước đây tuyên đọc khi ra trường. Đại ý lời thề đó là: “Tôi xin thề trước Apollon - Thần chữa bệnh, trước Esculape - Thần y học, trước Thần Hygie và Panaceé và trước sự chứng giám của tất cả nam, nữ Thiên thần, sẽ đem hết sức lực và khả năng làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây:
1 - Tôi sẽ coi thầy học của tôi ngang hàng với cha, mẹ, sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, coi con thầy như em ruột mình, hết sức truyền nghề cho họ không giấu nghề, không lấy tiền công như cho con tôi và các môn đệ...
2 - Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh... sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.
3 - Sẽ không trao thuốc độc cho bất cứ ai, dù họ yêu cầu cũng không gợi ý cho họ. Sẽ không trao cho bất cứ phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai...
4 - Sẽ suốt đời hành nghề trong vô tư và thân thiết...
5 - Sẽ không làm phẫu thuật có thể gây biến chứng vô sinh, mà để những công việc đó cho người chuyên khoa.
6 - Vì lợi ích người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý, đồi bại, nhất là tránh cám dỗ phụ nữ, thiếu niên tự do hay nô lệ.
7 - Dù nhìn hoặc nghe thấy gì trong và cả ngoài lúc hành nghề, tôi sẽ giữ im lặng trước những điều không cần để lộ ra, coi sự giữ kín đó như một nghĩa vụ...
Hippocrate là người có đạo đức, nhân cách cao quý, ông từ chối những quà tặng lớn lao. Thời ấy lưu truyền một câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Hippocrate nói phải” còn Galien thì nói: “không” để nói lên sự đối lập giữa hai trường phái của hai danh y. Đó là câu châm biếm nói chung về sự đối lập của các ý kiến trong y học.
Có thể nói y học Hippocrate là nền y học cổ truyền có tính tổng hợp và biện chứng. Nó quan niệm: “Con người như một tiểu vũ trụ nhỏ nằm trong vũ trụ lớn, một thể thống nhất giữa tinh thần và thể chất, có sức chống bệnh tự nhiên và có khả năng thích ứng với hoàn cảnh bên ngoài. Y học Hippocrate còn có những quan điểm có giá trị, ảnh hưởng lớn đến ngày nay khi đưa ra cách chữa bệnh theo phương pháp tự nhiên, bằng cách sửa chữa những sai lầm trong sinh hóa vật chất, cho rằng đời sống tinh thần là biện pháp tốt nhất, căn bản nhất giúp chữa bệnh và phòng bệnh…