T
homas Hunt Morgan sinh ngày 25 tháng 9 năm 1866, ở Lexington, Kentucky, Mỹ. Khi mới 10 tuổi ông đã say mê lịch sử tự nhiên, thu thập các loài chim, trứng chim và các hóa thạch suốt khoảng thời gian sống ở nông thôn.
Ông tốt nghiệp trường Đại học Kentucky, nơi ông đã lấy được tấm bằng cử nhân khoa học vào năm 1886, sau đó làm công việc nghiên cứu sinh ở trường Đại học John Hopkins, tại đây ông đã học môn hình thái học với W.K Brooks, và sinh lý học với H.Newell Martin. Sau khi nhận bằng tiến sĩ khoa học, lúc đầu Moocgan nghiên cứu về phôi sinh học thực nghiệm, sau đó chuyển sang vấn đề di truyền.
Năm 1890, ông nhận được học bổng Adam Bruce và đến châu Âu, làm công việc đặc biệt trong phòng nghiên cứu sinh vật biển ở Naples. Ở Naples, ông gặp Hans Driesch và Curt Herbst. Năm 1891, ông trở thành trưởng bộ môn Sinh ở Bryn Mawr College for Women - trường mà ông đã dạy đến 1904, khi ông trở thành giáo sư động vật học thực nghiệm trường Đại học Columbia, New York. Ông vẫn ở đó đến năm 1928, và được bổ nhiệm là giáo sư sinh vật học và giám đốc phòng thí nghiệm Kerckhoff ở cơ sở đào tạo công nghệ California, Pasadena. Ông đã làm việc tại đây đến năm 1945. Những năm sau đó, ông đã có một phòng thí nghiệm riêng ở Coronal der Mar, California. Suốt 24 năm ở trường Đại học Columbia, công sức của ông đã góp phần mang lại ngành tế bào học một diện mạo đầy đủ hơn, rõ ràng hơn những hiểu biết về sinh vật.
Trong quá trình nghiên cứu, công việc đã giúp cho ông sớm nhận ra quan niệm di truyền của Mendel. Năm 1905, ông cho rằng những tế bào phôi thì thuần chủng và không bắt chéo, như Bateson đã nghi ngờ sự hình thành đặc biệt của chọn lọc tự nhiên. Năm 1909, ông bắt đầu thí nghiệm của mình với loài ruồi giấm Drosophila melanogaster. Morgan là người đầu tiên sử dụng ruồi giấm vào việc nghiên cứu di truyền.
Tính trạng đột biến đầu tiên Morgan quan sát được trên ruồi giấm là màu mắt trắng. Tính trạng này được kiểm soát bởi alen lặn W, màu mắt đỏ ở ruồi hoang dại được kiểm soát bởi alen trội W. Nếu một ruồi cái đồng hợp có mắt màu đỏ được lai với một ruồi đực mắt trắng, tất cả các cá thể F1 (không phân biệt giới tính) đều có mắt màu đỏ vì chúng đều nhận một nhiễm sắc thể X mang alen W từ mẹ. Khi xét phép lai ngược lại, thế hệ bố mẹ là ruồi cái mắt trắng và ruồi đực mắt đỏ, ở F1 tất cả các ruồi cái đều có mắt đỏ còn toàn bộ ruồi đực đều có mắt trắng. Bằng các thực nghiệm trên ruồi dấm, ông đã phát hiện ra chúng có tới 400 đột biến và chia ra 4 nhóm di truyền riêng biệt, tương ứng với các gen nằm trên cùng nhiễm sắc thể; làm sáng tỏ cơ chế tế bào của các định luật Mendel và cơ sở di truyền của sự đào thải tự nhiên. Ông đã lập bản đồ phân bố các gen trên nhiễm sắc thể.
Năm 1910, Morgan công bố công trình “Nhân tố di truyền”. Năm 1915 ông xuất bản cuốn “Cơ chế của di truyền học Mendel” để chứng minh sự đúng đắn của học thuyết. Năm 1926 ông có tác phẩm “Học thuyết về gen” để trình bày rõ và sâu về cơ sở vật chất nhiễm sắc thể và gen của tính di truyền.
Từ năm 1920 đến 1930, Thomas Hunt Morgan và nhiều nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra các ngoại lệ đối với quy luật di truyền của Mendel và thấy rằng, các gen không phải là những thực thể tách rời hoàn toàn mà gắn bó với nhau trong các nhiễm sắc thể, mỗi nhiễm sắc thể chứa rất nhiều gen và là cơ sở của hiện tượng di truyền liên kết. Bản đồ gen chi tiết ở 4 cặp nhiễm sắc thể của ruồi dấm đã được biết đến năm 1925, từ đó được áp dụng cho nhiều sinh vật khác, kể cả loại đậu thí nghiệm của Mendel. Năm 1930, thuyết nhiễm sắc thể về tính di truyền được xây dựng vững chắc.
Vào thời Morgan, người ta cũng đã biết đến sự tồn tại của những biến dị gọi là đột biến và cùng với thuộc tính di truyền, các gen có thể trải qua những biến đổi ngẫu nhiên và những biến đổi này di truyền được. Năm 1926, Muller - một trong những cộng sự của Morgan đã chứng minh rằng tia X có thể làm tăng tần số biến đổi này, từ đó người ta có thể gây biến dị bằng các tác nhân vật lý và hóa học.
Có thể nói, nếu Mendel được xem là cha đẻ của di truyền học cổ điển, thì Thomas Hunt Morgan được xem là cha đẻ của di truyền học hiện đại.
Ông là viện sĩ của các viện Hàn lâm Nga, Mỹ, được giải thưởng Nobel về sinh lý học năm 1933. Ông mất năm 1945, thọ 79 tuổi.