D
escartes sinh ngày 31 tháng 3 năm 1596 tại vùng Tourain (Pháp). Thời thơ ấu của ông trải qua ở trường dòng. Thuở nhỏ ông luôn ốm yếu nhưng do thông minh nên khi lên 10 tuổi, ông được nhận vào trường hoàng gia Flechơ. Gia đình ông là một gia đình tri thức, cha ông làm cố vấn cho hội đồng thành phố.
Thời thanh niên, môn học ông yêu thích là toán nhưng cuối cùng ông lại học luật. Năm 20 tuổi, ông tốt nghiệp khoa Luật trường Đại học Poitie. Ông đã đi nhiều nơi, đến Hà Lan, Đan Mạch, Đức, Áo, Thuỵ Sĩ. Năm 1622, ông trở về Pháp và nghiên cứu triết học. Năm 1629, ông quyết định đến Hà Lan và định cư ở đây.
Descartes là nhà triết học và bác học nổi tiếng người Pháp đã đứng trên quan điểm nhị nguyên luận để giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, tức vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Ông thừa nhận có hai thực thể: thực thể của nhục thể có thuộc tính là quảng tính và thực thể của linh hồn có thuộc tính là tư duy; do đó có hai bản nguyên không lệ thuộc vào nhau: một bản nguyên vật chất, một bản nguyên tinh thần. Sự tồn tại của nhục thể và linh hồn là do một thực thể thứ ba là thượng đế quyết định.
Là một nhà triết học, ông cố gắng đặt nền tảng lý thuyết của mình vào những gì hiển nhiên mà ông chứng minh được là chân thực, ông tìm kiếm để khám phá sự thật bằng cách hoài nghi tất cả những gì ông đã được học và nhận thấy sự hoài nghi đó giúp ông suy nghĩ đúng. Ông nhận thấy tư duy là tất cả giá trị của con người. Ông đã viết “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại.”
Về mặt vật lý học, Descartes ủng hộ các luận điểm duy vật chủ nghĩa. Theo Descartes thì tự nhiên là một khối liên tục gồm những hạt nhỏ vật chất. Đặc tính của vật chất là quảng tính. Sự vận động của thế giới vật chất là vĩnh viễn và diễn ra đúng theo những quy luật của cơ học: Vận động của thế giới vật chất quy lại chỉ là sự di chuyển của những hạt nhỏ vật chất, tức là nguyên tử trong không gian.
Descartes thừa nhận vật chất vốn có sức sáng tạo độc lập của nó và cho rằng vận động cơ giới biểu hiện sinh mệnh của vật chất... vật chất là thực thể duy nhất, là căn cứ duy nhất của sự tồn tại và của nhận thức. Descartes bác bỏ triết học thời Trung cổ, phủ nhận uy quyền của Giáo hội. Tin tưởng một cách sâu sắc vào sức mạnh của lý tính con người, ông muốn sáng tạo ra một phương pháp mới, khoa học, về việc nhận thức thế giới, đem lý tính và khoa học thay thế cho tín ngưỡng mù quáng. Ông dùng sự “hoài nghi” làm phương pháp suy luận. Nhờ phương pháp suy luận này, người ta có thể tránh được mọi ý kiến thiên lệch hoặc mọi khái niệm thường dùng và xác định ra những chân lý không thể chối cãi được.
Ông hoài nghi tính chất chính xác của những quan niệm đối với thế giới và cũng hoài nghi sự tồn tại của bản thân thế giới. Tuy hoài nghi tất cả, Descartes vẫn phải công nhận ông hoài nghi, nghĩa là ông đang suy nghĩ. Và Descartes đã đi đến kết luận nổi tiếng: “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”. Như vậy ông xuất phát từ sự thật về sự tồn tại của cái “tôi” riêng của mình để đi đến kết luận rằng thế giới bên ngoài cũng tồn tại. Luận điểm ấy của ông, về sau này đã bị phái duy tâm chủ quan lợi dụng.
Về mặt nhận thức luận, Descartes là người tạo ra duy lý luận. Ông cho rằng giác quan chỉ mang lại cho chúng ta một quan niệm mơ hồ về các sự vật, và do đó có thể khiến cho chúng ta nhận thức sai lầm. Chính nhờ lý tính, tức là bằng cách xuyên qua trực giác vốn có của lý tính mà người ta quan niệm được chân lý, và sự chính xác của chân lý là do sự sáng suốt và rõ ràng của những khái niệm xác nhận, chứ không phải là do thực tiễn và kinh nghiệm xác nhận. Do đó, tiêu chuẩn của chân lý nằm ngay trong bản thân lý tính. Descartes là người sáng tạo ra lý luận duy tâm chủ nghĩa về những “quan niệm bẩm sinh”, những quan niệm về Thượng đế, về thực thể nhục thể và thực thể tinh thần.
Triết học của Descartes cố sức điều hòa tôn giáo với khoa học. Tuy nhiên, Descartes vẫn là một nhà vật lý học và toán học nổi tiếng thời bấy giờ. Ông còn là người sáng lập ra môn hình học giải tích. Những quan niệm duy vật của ông về tự nhiên là một sự thúc đẩy khoa học và triết học tiến bộ, song mặt duy tâm chủ nghĩa của học thuyết Descartes đã góp phần vào việc bảo vệ tôn giáo.
Những tác phẩm chính của Descartes là: “Phương pháp luận” (1637); “Mặc tưởng về siêu hình học” (1641); “Nguyên lý triết học” (1644); “Luận về say mê linh hồn” (1650); “Bàn về ánh sáng” (1664); “Quy tắc chỉ đạo lý trí” (1701).