D
iderot là nhà triết học duy vật chủ nghĩa Pháp nổi tiếng, nhà tư tưởng của giai cấp tư sản cách mạng thế kỷ XVIII. Những quan điểm cấp tiến của ông đã khiến ông bị giai cấp thống trị đàn áp.
Diderot thừa nhận sự tồn tại khách quan của vật chất vĩnh viễn ở trong trạng thái vận động. Trạng thái tĩnh hoàn toàn chỉ là một sự trừu tượng. Không gian và thời gian đều là những hình thức khách quan của sự tồn tại của vật chất do những phân tử cấu thành. Mỗi phân tử có một nguồn vận động bên trong. Sức mạnh này biểu hiện bằng sự di chuyển có tính chất cơ giới trong không gian. Tất cả những sự thay đổi trong tự nhiên đều do luật nhân quả quyết định. Các hiện tượng đều liên hệ mật thiết với nhau. Giữa vật chất hữu cơ và vật chất vô cơ không có một giới hạn nào là không vượt qua được, vì cái nọ có thể chuyển hóa thành cái kia.
Các tác phẩm của Diderot đều chứa đựng những nhân tố của thế giới quan biện chứng, đặc biệt là sự tiến hóa của các sinh vật, và sự biến hóa của những giống vật do những điều kiện sinh tồn của các giống vật ấy gây nên. Theo Diderot, có một số loại hình của các sinh vật phải trải qua những sự thay đổi liên tục. Sự phát triển của giới tự nhiên bao hàm một sự kế tục tự nhiên dẫn đến chỗ có con người: đó là cách phân loại các giống sinh vật. “Đầu tiên phải phân loại các vật tồn tại, từ phân tử trợ ỳ (nếu có) đến phân tử sinh động, đến vi sinh vật, đến động thực vật, đến động vật rồi đến con người”. Cảm giác là một thuộc tính của vật chất. Diderot cho rằng mọi vật chất đều có tính cảm giác. Ông phân biệt hình thức trơ ỳ, tiềm tàng của tính cảm giác là hình thức riêng của tự nhiên vô cơ, với tính cảm giác hoạt động là tính cảm giác của giới tự nhiên hữu cơ. Tư duy là một hình thức cao cấp của tính cảm giác của vật chất. Nguồn gốc của nhận thức của con người là cảm giác do các sự vật và hiện tượng trong tự nhiên tác động vào giác quan mà sinh ra. Không những cảm giác, mà cả những khái niệm và những sự phán đoán phức tạp nhất cũng đều phản ánh mối liên hệ khách quan và thực tại của các hiện tượng. Kinh nghiệm là tiêu chuẩn của chân lý; tư tưởng chính xác là tư tưởng phản ánh một cách trung thành thực tế khách quan của vật chất. Tuy nhiên, Diderot chưa hiểu được vai trò của thực tiễn xã hội trong nhận thức.
Diderot là một người thuộc phái vô thần. Ông phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế, công kích chủ nghĩa duy tâm và những tín điều về sự bất diệt của linh hồn, về tự do ý chí. Trong khi bác bỏ đạo đức tôn giáo, Điđơrô khẳng định sự tha thiết muốn sống hạnh phúc là nguyên tắc của đạo đức con người. Ông tán thành lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội phải được kết hợp một cách hợp lý.
Mặc dù quan niệm của ông về tự nhiên là duy vật, Diderot vẫn là nhà duy tâm trong lĩnh vực lịch sử. Cũng giống như các nhà duy vật Pháp khác hồi thế kỷ XVIII, ông tin rằng tính chất của chế độ xã hội là do tổ chức chính trị quyết định, tổ chức này lại do chế độ pháp lý đương thời sinh ra, nghĩa là do những tư tưởng đang chiếm địa vị thống trị trong xã hội sinh ra. Cũng như các nhà duy vật Pháp khác, Diderot trông mong vào sự xuất hiện của một ông vua sáng suốt để thiết lập một chế độ xã hội dựa trên lý tính.
Là một nhà lý luận xuất sắc về văn học và nghệ thuật, tác giả của nhiều tác phẩm văn học, Diderot là một người bênh vực cho khuynh hướng hiện thực. Tác phẩm chính của ông là: “Những tư tưởng về việc giải thích giới tự nhiên” (1754), “Đứa cháu họ của Ramô” (1762), “Cuộc đàm luận giữa Alambe và Diderot” (1769), “Mơ ước của Alambe” (1769), “Căn cứ triết học của vật chất và vận động” (1770), “Cơ sở sinh lý học” (1774 - 1780).