G
ercen là nhà dân chủ cách mạng Nga, nhà triết học duy vật, nhà báo nổi tiếng và đồng thời ông cũng là một nhà văn. Những quan niệm chính trị, xã hội và triết học của ông đều hình thành trong quá trình phát triển của phong trào cách mạng Nga. Những quan niệm ấy phản ánh những thay đổi chín muồi trong chế độ xã hội và kinh tế của nước Nga. Tư tưởng tiền phong cách mạng và duy vật chủ nghĩa ở Nga đã có ảnh hưởng lớn đối với ông. Bài báo để kỷ niệm Gercen của Lenin giúp cho mọi người hiểu rõ những tư tưởng của Gercen, vai trò của ông trong phong trào giải phóng nước Nga, và những thời kỳ hoạt động chính của ông.
Gercen đứng trong hàng ngũ những nhà cách mạng xuất thân quý tộc nửa đầu thế kỷ XIX. Cuộc khởi nghĩa của phái tháng Chạp đã thức tỉnh Gercen. Là kẻ thù triệt để của chế độ nông nô và chế độ chuyên chế, Gercen nhận thấy ý nghĩa của đời mình là đấu tranh để thủ tiêu chế độ nông nô, giải phóng nhân dân Nga thoát khỏi ách chuyên chế. Năm 1847, ông bắt buộc phải ra nước ngoài, nhưng khi ở nước ngoài, mọi hoạt động của ông cũng đều phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh cho lợi ích của Tổ quốc.
Học thuyết triết học của Gercen kế tục và phát triển những tư tưởng tiên tiến ở Nga như của Lômônôxốp, Radichsep và Phái tháng Chạp cũng như những truyền thống tốt đẹp nhất của chủ nghĩa duy vật Tây Âu. Gercen là một đại diện xuất sắc của chủ nghĩa duy vật. Ông đã phân biệt được những nhân tố tích cực của phép biện chứng Hegel, và ông tìm cách cải biến phép biện chứng đó cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng và dân chủ thời bấy giờ. Ông coi phép biện chứng như là “đại số học của cách mạng”. Gercen viết: “Phép biện chứng có khả năng giải phóng con người một cách phi thường và phá huỷ tận gốc thế giới của đạo Thiên chúa, thế giới của những truyền thuyết lỗi thời”. Trong tác phẩm triết học trứ danh “Những bức thư về việc nghiên cứu tự nhiên”, Gercen phê phán sâu sắc triết học duy tâm chủ nghĩa và chủ nghĩa duy vật siêu hình. Ông cho rằng chủ nghĩa duy vật siêu hình về mặt ý thức và phương pháp còn thấp kém hơn rất nhiều so với chủ nghĩa duy tâm biện chứng. Gercen chủ trương phải kết hợp chủ nghĩa duy vật với quan niệm về sự phát triển, kết hợp khoa học tự nhiên với triết học, lý luận với thực tiễn. Ông viết: “Không thể có triết học nếu không có khoa học tự nhiên, cũng như không thể có khoa học tự nhiên nếu không có triết học”. Ông bóc trần tính chất hủ bại của chủ nghĩa duy tâm trong triết học của Hegel và của những nhà duy tâm chủ nghĩa khác. Ông nói: tư tưởng không bao giờ là cái có trước so với tự nhiên được.
Không phải tư tưởng đẻ ra tự nhiên mà ngược lại, chính sự phát triển của tự nhiên đã đẻ ra tư tưởng. Gercen tuyên bố triết học duy vật chủ nghĩa thắng lợi vì nó là triết học thừa nhận tính khách quan của tự nhiên, coi những quy luật của tư duy như là “những quy luật tự giác của tồn tại”.
Gercen kịch liệt chỉ trích chủ nghĩa duy vật đơn giản hóa, “phiến diện”, nghĩa là thứ chủ nghĩa duy vật “muốn tiêu diệt tất cả những cái gì là phi vật chất, phủ nhận tính phổ biến, coi tư tưởng là do bộ óc tiết ra và coi kinh nghiệm là nguồn gốc duy nhất của tri thức; chỉ thấy chân lý trong những sự việc cá biệt có thể sờ mó và trông thấy được”. Nhìn thấy một cách sáng suốt tính chất thiển cận của chủ nghĩa duy vật tầm thường, Gercen đòi hỏi phải kết hợp kinh nghiệm với tư duy. Theo ông thì điều đó tất sẽ đưa đến một sự phát triển phi thường của khoa học và triết học. Trong cuốn “Những bức thư về việc nghiên cứu tự nhiên”, Gercen lược thuật lịch sử triết học, bắt đầu từ triết học Hy Lạp, và đánh giá các tư trào triết học. Quan niệm của ông về lịch sử triết học tiêu biểu cho một bước tiến lớn trong việc nghiên cứu khoa học đó. Ông nêu rõ chủ nghĩa duy vật đối lập và đấu tranh với nhau đến mức nào; ông trình bày một loạt nhận xét sâu sắc về những lý luận và quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, vì không phải là một nhà duy vật lịch sử, ông không hiểu được những quy luật phát triển của triết học, và đôi khi ông lại nhận xét một cách không chính xác, nhất là đối với chủ nghĩa duy vật Pháp. Lenin đánh giá rất cao cuốn “Những bức thư về việc nghiên cứu tự nhiên”. Người cho rằng bức thư thứ nhất “Chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy tâm” trong cuốn đó, chứng tỏ rằng tác giả của nó là “một nhà tư tưởng đã vượt hẳn một bậc so với vô số nhà tự nhiên học kinh nghiệm chủ nghĩa và vô số nhà triết học duy tâm và nửa duy tâm hiện đại. Gercen đã đi sát đến chủ nghĩa duy vật biện chứng và dừng lại trước chủ nghĩa duy vật lịch sử”.
Sự thất bại của cuộc Cách mạng năm 1848 đã làm cho Gercen khủng hoảng về tinh thần. Là người trực tiếp chứng kiến cuộc khởi nghĩa của công nhân Paris và sự thất bại của họ, Gercen công kích giai cấp tư sản; ông hiểu rằng nếu không có một cuộc cách mạng mới, nếu không thủ tiêu chế độ hiện có, thì tương lai sẽ bế tắc. Nhưng ông không thấy được đâu là lực lượng có khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh, ông không thấy được đâu là con đường đi đến thắng lợi. Những quan điểm lịch sử của ông vẫn còn có tính chất duy tâm chủ nghĩa, dù ông đã đưa ra nhiều tư tưởng sâu sắc về các quy luật phát triển của lịch sử: vai trò của quần chúng trong lịch sử, giai cấp... Ông chưa hiểu được rằng giai cấp vô sản là lực lượng có trách nhiệm đè bẹp chính quyền của giai cấp tư sản. Ông là một nhà xã hội chủ nghĩa, nhưng “chủ nghĩa xã hội” của ông không có cơ sở khoa học, như Lenin nói. Nó thuộc về những hình thức của chủ nghĩa xã hội tư sản và tiểu tư sản đã không tồn tại nổi sau các sự biến hồi tháng 7 năm 1848. Ảo tưởng của ông đã phá sản sau năm 1848, đó cũng là “sự phá sản của những ảo tưởng tư sản trong chủ nghĩa xã hội. Tấn bi kịch tinh thần của Gercen là sản phẩm, là sự phản ánh của thời đại lịch sử vĩ đại ấy, lúc mà tinh thần cách mạng của phái dân chủ tư sản đã hấp hối (ở châu Âu), trong khi tinh thần cách mạng của giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa chưa chín muồi”.
Về sau, Gercen trở thành nhà tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng nông dân. Ông cho rằng, sau khi lật đổ chế độ nông nô, thì nước Nga không phải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa nữa, mà sẽ dùng ngay công xã nông dân để chuyển sang chủ nghĩa xã hội. Lý luận về chủ nghĩa xã hội “nông dân” và chủ nghĩa dân chủ cách mạng của ông kết hợp chặt chẽ với nhau.
Sau khi cuộc cách mạng năm 1848 thất bại, ông đã rời bỏ những ảo tưởng về chủ nghĩa dân chủ tư sản “siêu giai cấp”, hướng về cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản, một cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt. Năm 1869, Gercen đoạn tuyệt với Bacunin hướng về Quốc tế, do Marx lãnh đạo. Ông đứng vào hàng ngũ của phe dân chủ cách mạng chống lại chủ nghĩa tự do, đấu tranh cho sự chiến thắng của nhân dân đối với chế độ Nga hoàng. Ông đã nêu cao ngọn cờ cách mạng. Công lao to lớn của Gercen là xây dựng nền báo chí tự do của Nga ở nước ngoài. Hai tờ tạp chí “Tiếng chuông” và “Ngôi sao Bắc đẩu”, xuất bản trong những năm 50 và 60, đã giúp cho thế hệ trẻ của nước Nga có tinh thần đấu tranh quyết liệt chống chế độ nông nô và chế độ chuyên chế.
Gercen là một nhà yêu nước vĩ đại, ông thương yêu nhân dân lao động Nga và căm thù sâu sắc những kẻ áp bức nhân dân Nga. Ông đã dũng cảm chống lại sự áp bức dân tộc của chế độ Nga hoàng, triệt để chỉ trích trật tự tư sản ở châu Âu, chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản tất nhiên đi đến chỗ diệt vong.
Gercen là tác giả của một loạt tác phẩm đặc sắc như: “Lỗi về ai?”, “Bác sĩ Cơrupốp”, “Chim ác là ăn cắp”, “Hồi ký và cảm tưởng” và nhiều tác phẩm khác. Trong các tác phẩm đó, ông đấu tranh chống chế độ nông nô và chế độ chuyên chế. Những tác phẩm của ông đều toát lên chủ nghĩa nhân đạo, đòi hỏi nghệ thuật phải có tính hiện thực, tính nhân dân, đả phá nghệ thuật vị nghệ thuật. Quan niệm của ông về nghệ thuật được xây dựng nên do ảnh hưởng của phê bình và mỹ học dân chủ cách mạng của Biêlinxki, của chủ nghĩa hiện thực của Puskin, Gogol, Lecmotov.
Những tác phẩm chính của Gercen gồm: “Chủ nghĩa hưởng lạc trong khoa học” (1843), “Những bức thư về việc nghiên cứu tự nhiên” (1845 - 1846), “Những bức thư gửi từ Pháp và Ý” (1847 - 1851), “Bên bờ bên kia” (1847 - 1850), “Hồi ký và cảm tưởng” (1852 - 1867), “Gửi cho một người bạn cũ” (1870).