G
ottfried Wilhelm Leibniz còn được gọi là Leibnitz hay là Von Leibniz. Ông sinh ngày 1 tháng 7 năm 1646 ở Leipzig, cha là Friedrich Leibniz, mẹ là Catharina Schmuck. Sau này, ông thường kí tên là “Von Leibniz” và trong nhiều tác phẩm tái bản của ông sau khi ông qua đời, người ta thường in tên ông ở trang bìa là “G. W. von Leibniz.” nhưng không có tài liệu nào khẳng định ông được phong danh hiệu quý tộc.
Khi Leibniz lên sáu tuổi, cha ông (một giáo sư triết học đạo đức tại Đại học Leipzig) qua đời, để lại một thư viện cá nhân mà Leibniz được tự do đi vào đọc từ năm lên bảy tuổi. Đến năm 12 tuổi, ông đã tự học tiếng La tinh và sử dụng thành thạo ngôn ngữ này đồng thời bắt đầu học tiếng Hy Lạp.
Ông học đại học năm 14 tuổi, nhận bằng đại học năm 20 tuổi, chuyên về luật và nắm vững các khóa học đại học trong các môn cổ điển, logic, triết học. Năm 1666 ông xuất bản cuốn sách đầu tiên, cũng là luận án của ông về triết học, De Arte Combinatoria (Về nghệ thuật tổ hợp). Khi Đại học Leipzig không bố trí cho ông giảng dạy về luật sau khi tốt nghiệp, Leibniz đã trình luận án mà ông dự tính nộp cho Đại học Leipzig sang đại học khác, Đại học Altdorf, và nhận bằng tiến sỹ luật trong vòng 5 tháng. Sau đó, ông từ chối vị trí giảng dạy tại Altdorf, quãng đời còn lại phục vụ cho hai gia đình quý tộc lớn ở Đức.
Leibniz qua đời ở Hannover năm 1716, lúc đó, ông bị thất sủng đến nỗi không có một viên quan nào trong triều đến dự đám tang của ông, chỉ có người thư kí riêng của ông đến dự đám tang. Mặc dù Leibniz là thành viên suốt đời của Hiệp hội Hoàng gia Anh và của Viện Hàn lâm Khoa học Berlin nhưng cả hai tổ chức đó đều không đứng ra tổ chức tang lễ cho ông. Mộ của ông không có bia mộ trong hơn 50 năm. Fontenelle là người đã đọc điếu văn cho ông trước Viện Hàn lâm Khoa học Pháp ở Paris, nơi công nhận ông là một thành viên nước ngoài năm 1700.
Tác phẩm của Leibniz chủ yếu viết bằng ba thứ tiếng: Latin bác học (hơn 40%), Pháp (hơn 35%) và Đức (dưới 25%). Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách cũng như các bài viết về học thuật, trong đó có hai cuốn nổi tiếng là Combinatorial Art và Théodicée. Ngoài ra còn có nhiều cuốn sách khác ông không ký tên thật. Trong đó, đáng được chú ý nhất là cuốn “De jure suprematum” (Pháp quyền tối cao).
Leibniz đã đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị châu Âu và các vấn đề ngoại giao trong thời đại của ông. Ông cũng chiếm vị trí quan trọng trong cả lịch sử triết học và lịch sử toán học. Ông đã khám phá ra vi tích phân độc lập với Isaac Newton, và kí hiệu của ông được sử dụng rộng rãi từ đó. Ông cũng khám phá ra hệ thống số nhị phân, nền tảng của hầu hết các cấu trúc máy tính hiện đại. Trong triết học, ông được nhớ đến nhiều nhất với chủ nghĩa lạc quan, kết luận của ông là vũ trụ của chúng ta, trong một nghĩa giới hạn, là một vũ trụ tốt nhất mà chúa có thể tạo ra. Ông, cùng với René Descartes và Baruch Spinoza, là một trong ba nhà lý luận nổi tiếng của thế kỷ XVII, nhưng triết học của ông nghiêng về truyền thống kinh viện, dự đoán trước logic hiện đại và triết học phân tích. Leibniz cũng có nhiều đóng góp lớn vào vật lý và kỹ thuật, dự đoán những khái niệm sau này xuất hiện trong sinh học, y học, địa chất, lý thuyết xác suất, tâm lý học, ngôn ngữ học và công nghệ thông tin. Ông cũng viết về chính trị, luật, đạo đức học, thần học, lịch sử và ngữ văn, đôi khi còn sáng tác thơ. Đóng góp của ông trong nhiều lĩnh vực khác nhau xuất hiện rải rác trong các tạp chí và trong trên mười ngàn lá thư và những bản thảo chưa xuất bản. Nhiều bản thảo của ông viết tốc kí, sử dụng sáng chế của riêng ông bằng số nhị phân, mã hóa các chuỗi kí tự. Cho đến nay, không có sưu tập đầy đủ về những tác phẩm và bản thảo của Leibniz, do đó chưa thống kê hết những thành tựu ông đạt được.