S
aint-Simon là một nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp thế kỷ XIX. Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc, tình nguyện tham gia chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng châu Mỹ khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc Anh.
Học thuyết xã hội của Saint-Simon ra đời khi giai cấp vô sản chưa phát triển, mà chỉ mới mường tượng thấy địa vị của họ. Trái với các nhà triết học và xã hội học đương thời bênh vực chế độ tư sản, ông phê phán chế độ tư sản, mơ tưởng đem chủ nghĩa xã hội thay thế trật tự xã hội tư bản, nhưng ông không hiểu bản chất của chủ nghĩa tư bản, và không tìm thấy con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Saint-Simon xuất thân quý tộc, ông tham gia chiến tranh độc lập ở Mỹ. Với Cách mạng tư sản Pháp 1789, lúc đầu ông đồng tình nhưng sau lại tỏ ra thất vọng. Quan điểm phát triển lịch sử của Saint-Simon là duy tâm khi cho rằng động lực phát triển của xã hội dựa trên ba yếu tố: tiến bộ khoa học, đạo đức và tôn giáo.
Tuy quan niệm về sự phát triển lịch sử của ông là duy tâm nhưng ông đã nêu lên nhiều tư tưởng gần với quan điểm chính xác, duy vật về lịch sử.
Xã hội mà ông muốn tạo dựng là xã hội không tưởng dựa trên sự điều hòa giai cấp. Giải phóng giai cấp công nhân là thực hiện đạo Thiên chúa mới chân chính. Ông không hiểu sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - lực lượng sáng tạo xã hội mới.
Tư tưởng của ông về nền sản xuất có kế hoạch và được tổ chức là cơ sở của chế độ xã hội tương lai là một cống hiến lớn lao đối với lý luận về chủ nghĩa xã hội. Saint-Simon nêu lên ý tưởng thiên tài rằng dưới chế độ công nghiệp tương lai “việc quản lý chính trị đối với người phải chuyển thành sự chi phối đối với vật và sự chỉ đạo quá trình sản xuất”. Marx đã gọi Saint-Simon là thủy tổ của chủ nghĩa xã hội.
Học thuyết của Saint-Simon có tính chất không tưởng. Theo ông, chế độ công nghiệp tương lai được thực hiện nhờ tuyên truyền triết học mới, triết học “thực chứng”. Saint- Simon phản đối dùng biện pháp cách mạng giải quyết mâu thuẫn của chế độ tư bản. Học thuyết của ông không phải là chủ nghĩa xã hội vô sản khoa học mà là chủ nghĩa xã hội không tưởng, ảo tưởng, không phải là học thuyết của chủ nghĩa xã hội khoa học, mà là học thuyết của những người xã hội chủ nghĩa cô độc, tách rời quần chúng.
Về triết học, Saint-Simon là người theo chủ nghĩa chiết trung, ngả nghiêng giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Sau khi ông mất, các học trò của ông tiếp tục tuyên truyền những tư tưởng không tưởng của ông. Nhưng học phái của Saint-Simon tan rã rất nhanh và biến thành một giáo phái chủ trương một “tôn giáo mới” về tình thương yêu, vứt bỏ những tư tưởng tiến bộ của ông và ca tụng tất cả những điều lạc hậu trong học thuyết của ông.
Những tác phẩm chủ yếu của Saint-Simon là “Thư của một người ở Giơnevơ” (1803), “Kỷ yếu khoa học về con người” (1813 - 1816), “Bàn về sự hấp dẫn của vạn vật” (1813), “Chế độ công nghiệp” (1821), “Vấn đáp của những nhà công nghiệp” (1823 - 1824), “Đạo thiên chúa mới” (1825).