H
êminguê (Ernest Hemingway) sinh năm 1899. Ông là nhà văn Mỹ. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông bắt đầu làm phóng viên báo chí. Chiến tranh thế giới bùng nổ, ông đã tự nguyện tham gia với tư cách cứu thương, ông bị thương trên đất Ý. Sau chiến tranh, ông tiếp tục làm phóng viên báo chí ở châu Âu và sống ở Paris cho đến năm 1928. Việc tham gia cuộc nội chiến Tây Ban Nha và Đại chiến II đã để lại dấu ấn sâu sắc trong thế giới quan và sáng tác của ông. Năm 1954, ông vinh dự nhận được giải thưởng Nobel về văn học. Những năm cuối đời ông sống ở Cuba và mất tại đây.
Năm 1923, ông xuất bản tác phẩm đầu tay ở Paris như “Ba truyện ngắn và mười bài thơ” (1923), “Trong thời đại chúng ta” (1924) đã cho thấy tài năng và phong cách độc đáo của Hêminguê. Nhưng ông chỉ thực sự nổi tiếng với tiểu thuyết “Mặt trời vẫn mọc” (1926) và “Giã từ vũ khí” (1929).
Đây là những tác phẩm viết về cuộc sống và tâm trạng của một lớp thanh niên trong và sau chiến tranh, tiêu biểu cho loại văn chương mà các nhà phê bình thường gọi là văn chương của “thế hệ vứt đi”, có ý nghĩa phản kháng đối với chiến tranh đế quốc, chỉ đem lại lợi nhuận cho bọn trùm tư bản và đau khổ cho mọi tầng lớp nhân dân khác.
“Giã từ vũ khí” là một trong những tác phẩm xuất sắc của Hêminguê, đây là tác phẩm kết thúc giai đoạn sáng tác thứ nhất (1924 - 1939) của ông. Qua tác phẩm này, tác giả đã lên án chiến tranh đế quốc một cách gay gắt và quyết liệt. Đây là cuộc chiến tranh của bọn đế quốc tranh giành quyền lợi lẫn nhau; nhưng nạn nhân lại là những người dân vô tội gồm người Anh, Ý, Áo và người Mỹ... Chiến tranh đế quốc là nguyên nhân gây nên mọi đổ vỡ, tàn phá, mọi mất mát cho hạnh phúc con người. Quá trình nhận thức của Trung uý Henry đã đi từ ngộ nhận (anh tình nguyện tham gia chiến tranh) đến phủ nhận hoàn toàn cuộc chiến tranh ấy. Những trang viết sinh động và cụ thể của Hêminguê trong tiểu thuyết này làm cho người đọc xúc động và căm thù chiến tranh đế quốc. Tuy nhiên, với hình tượng Henry, ông cũng mới chỉ dừng lại ở một nhà văn nhân đạo chung chung, có chỗ còn bộc lộ những nhận thức mơ hồ về bản chất và nguyên nhân của chiến tranh.
Các tập truyện ký đầu những năm 1930 như “Chết vào buổi chiều” (1932), “Những ngọn đồi xanh châu Phi” (1935), viết về chuyện đấu bò và những cuộc đi săn của tác giả không thuộc loại thành công, trong khi đó nhiều truyện ngắn của thời kỳ này lại được xem như những kiệt tác như “Hạnh phúc ngắn ngủi của Phranxix Macômbơ, Tuyết, Kilimangiarô”. Tình hình thế giới trong nửa sau những năm 30 và sự tham gia của chính tác giả vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít đã tạo ra một bước ngoặt trong sáng tác của ông. Tiểu thuyết “Có hay không có” (1937) đã kịch liệt lên án xã hội tư sản Mỹ; vở kịch “Đội quân thứ năm” (1931), tập truyện ký và kịch bản “Mảnh đất Tây Ban Nha” (1933), tiểu thuyết “Chuông nguyện hồn ai” (1940) đều viết về cuộc chiến đấu bảo vệ nền cộng hoà ở Tây Ban Nha, là những đóng góp quan trọng của Hêminguê vào nền văn học hiện thực tiến bộ của phương Tây thế kỷ XX.
Tác phẩm “Chuông nguyện hồn ai” gồm 2 tập, 43 chương. Nội dung phản ánh cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Tây Ban Nha chống bọn phát xít Phrăngcô bảo vệ chế độ cộng hoà.
“Chuông nguyện hồn ai” một mặt ca ngợi cuộc kháng chiến kiên cường của dân tộc Tây Ban Nha vì hoà bình tự do, mặt khác phản ánh tinh thần quốc tế cao quý của các chiến sĩ thuộc Lữ đoàn quốc tế đã cùng nhân dân Tây Ban Nha chiến đấu bảo vệ chính nghĩa, dập tắt ngọn lửa chiến tranh đang tràn ngập khắp nơi. Hêminguê đã nắm bắt rất nhanh và phản ánh khá sắc sảo một vấn đề trọng tâm của nhân loại những năm 30 của thế kỷ XX là nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa phát xít. Tác phẩm cũng tố cáo tội ác man rợ của bọn Phrăngcô, lên tiếng đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít khi nó mới trỗi dậy. Đồng thời, bằng cách nhìn, cách nghĩ mới mẻ, nhà văn còn cố gắng giải quyết mối quan hệ giữa nhân dân và lịch sử cũng như những vấn đề về sự sống, cái chết, tình yêu, chỗ đứng và trách nhiệm của mỗi con người trong xã hội mà thực tế cuộc cách mạng Tây Ban Nha đã đặt ra.
Bên cạnh những mặt tiến bộ về nội dung, tác phẩm còn có nhiều đóng góp về nghệ thuật. Điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật của Hêminguê là chất trữ tình chứa chan trong tác phẩm. Ông cố gắng đi sâu miêu tả vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật - những con người nhiều suy tư, có cá tính, gây ấn tượng mạnh mẽ. Những đoạn độc thoại nội tâm của các nhân vật và những dòng trữ tình ngoại đề trong cuốn sách đã khiến cho cốt truyện “Chuông nguyện hồn ai” tưởng như đơn giản lại trở nên sinh động, phong phú, kết cấu tác phẩm cũng thêm phần linh hoạt. Tuy vậy, cảm quan định mệnh phảng phất trong tâm lý một số nhân vật chính, cũng như chất bi kịch đậm nét ở phần cuối câu chuyện, đã làm giảm một phần cảm hứng lãng mạn tích cực của người viết trong tập sách.
Với những giá trị rõ rệt về nội dung và nghệ thuật, dù còn những hạn chế, “Chuông nguyện hồn ai” vẫn là một trong những cuốn tiểu thuyết đặc sắc của Hêminguê cũng như của nền văn học hiện thực Mỹ.
Trong các tác phẩm ít ỏi được xuất bản sau Đại chiến thế giới thứ II như “Dưới bóng cây bên kia sông”, (1950); “Ông già và biển cả”, (1952); “Mùa hè nguy hiểm”, (1960) thì “Ông già và biển cả” được dư luận nhiệt liệt hoan nghênh như một kiệt tác, chứng tỏ sự thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực nhân đạo trong sáng tác của ông. Những tập sách in ra sau khi mất (hồi ký về cuộc sống ở Paris, Hội hè di động, 1962; tuyển tập các bài báo Giữa hàng, 1968; tiểu thuyết chưa hoàn thành Những hòn đảo giữa dòng nước, 1970), càng khẳng định vị trí của Hêminguê như một nhà văn xuất sắc của văn học hiện đại Mỹ.